Theo dòng thời gian trôi chảy, Xuân lại về trên ngàn cây muôn hoa thắm tươi, trên khí hậu ấm áp, hài hòa, trên vạn vật căng đầy nhựa sống. Hòa cùng sức sống của vạn pháp, phật tử chúng ta hãy cùng mừng Xuân, đón Xuân, hưởng một mùa Xuân Di Lặc đạo hạnh với nụ cười từ ái, bao dung, hoan hỷ của Bồ tát Di Lặc.
Ngài Di Lặc đản Sinh vào đúng dịp Xuân về. Phải chăng Ngài muốn nhắc nhở chúng ta không nên vướng bận với mùa Xuân sinh diệt, ngắn ngủi của đời thường. Bồ tát Di Lặc đã dẫn chúng ta đến với một chân trời Xuân mới vĩnh hằng, an lành cho những hành giả muốn tiến bước trên con đường giải thoát.
Như quy luật của tự nhiên Đông qua rồi Xuân tới. Trước mùa Xuân mỗi người lại có một cảm nhận và suy tư khác nhau. Có người hạnh phúc trước không khí Xuân đang tràn ngập khắp mọi miền quê:
Nhưng cũng có bao người mang trong mình những trăn trở, suy tư trước bước đi của thời gian mỗi khi Xuân tới:
Tuy nhiên dưới mắt của những vị Thiền sư đắc đạo Xuân đến rồi đi, hoa nở rồi tan. Tất cả những đổi thay, biến chuyển của tự nhiên không làm vướng bận trong tâm của các ngài. Bởi trụ nơi tâm an nhiên, tự tại các ngài thấy bốn mùa đều là Xuân. Một mùa Xuân nở trong tâm hồn người tu sĩ, một mùa Xuân vĩnh cửu chứ không phải là mùa Xuân theo tháng năm chóng tàn.
Bước đầu trong con đường tu học, hành giả sẽ luôn phải đối diện với hai mặt thuận nghịch. Bao nhiêu thị phi, tốt xấu, phỉ báng, khen chê, nó ào ào lao tới như một trận bão lòng. Nhưng khi hành giả đã dứt khoát để ngoài tai những thị phi thế gian đầy phiền nhiễu này, xem chúng như những cánh hoa tàn úa rơi xuống đất, trả về cho cát bụi, không đáng quan tâm.
Chẳng những thị phi không làm dao động tâm hồn hành giả. Cho đến mọi cám dỗ, được thua, quyền lợi, danh thơm, tiếng xấu… chẳng có chút tác dụng gì đối với lòng hành giả đã đóng băng như tuyết lạnh trong đêm đen.
Dưới mắt hành giả, thị phi, danh lợi chỉ là những thứ giả huyễn rồi cũng tan biến ra mây khói, khi thân này chui xuống nấm mồ. Quán tưởng như vậy và lặn sâu vào lý pháp giới để sống, tâm hồn hành giả thăng hoa theo từng bước tu chứng.
Trong chân lý khổ tập, đức Phật chỉ rõ rằng chính lòng tham muốn là nguyên nhân trực tiếp phát sinh mọi tội lỗi, khổ đau. Tâm ham muốn của con người, nếu có hình tướng thì không còn chỗ nào dung chứa. Chúng sinh vì quá tham lam, luôn ham muốn tất cả mọi thứ đều cung ứng cho mình nên dần trở nên ngu si, mê muội. Họ không còn nhận thức được những điều ý nghĩa trong cuộc sống nên tự chuốc lấy cho mình nỗi đau khổ trong từng sát na tâm. Bởi vậy nên đức Phật luôn dạy: “Thế giới vốn không thuộc về bạn, vì thế bạn không cần vứt bỏ, cái cần vứt bỏ chính là tánh cố chấp. Vạn vật đều cung ứng cho ta nhưng không thuộc về ta”.
Ghi nhớ những lời dạy quý báu đó, trên bước đường tu học để giác ngộ, tìm sự giải thoát hành giả luôn quán sát tham dục chính là cội nguồn của mọi nỗi bất hạnh, khổ đau nhấn chìm con người trong chốn sinh tử luân hồi. Từ đó, hành giả sẵn sàng đoạt trừ lòng tham, sân, si, luôn làm những việc khiến thân tâm được tự tại, an vui.
Khi lòng tham đã được cắt bỏ, hoa thị phi rơi rụng, mưa danh lợi dứt tạnh thì bốn núi sinh, lão, bệnh, tử hoàn toàn vắng vẻ đối với hành giả. Thoát khỏi sự chi phối của thân ngũ ấm, hành giả nở nụ cười nhẹ trước sự hợp tan của cái thân phù du, bèo bọt.
Từ đó, hành giả chợt bừng tỉnh, nghe được tiếng chim oanh hót báo hiệu mùa Đông giá lạnh đã qua, nhường chỗ cho mùa Xuân đến. Nói cách khác, tác động của thị phi, danh lợi, tham muốn đã tan biến hoàn toàn thì chơn tâm hiển hiện bừng sáng. Hành giả trực nhận được pháp âm vi diệu của đức Phật Thích Ca, bắt gặp Pháp thân hằng hữu, sinh không diệt trong chính mình, chấm dứt chuỗi ngày u buồn đen tối.
Ngày nay, bước theo dấu chân Phật, tình thương phát khởi trong tâm hồn chúng ta, thể hiện thành những việc làm hữu ích cho xã hội. Tình thương, giúp đỡ nhau một cách chính đáng, chân thành, bất vụ lợi về vật chất cũng như dìu dắt người thăng hoa tri thức. Những việc làm này đều nói lên đạo hạnh từ bi trong sáng của hàng đệ tử Phật.
Vì Bồ tát tiêu biểu cho hạnh nguyện từ bi viên mãn, kế thừa sự nghiệp của đức Phật Thích Ca ở cõi Ta bà là Di Lặc Bồ tát. Ngài là vị Bồ tát duy nhất đươc Đức Thích Ca thọ ký thành Phật kế tiếp cũng có tên là Di Lặc.
Di Lặc dịch từ Phạn âm Maitreya, dịch nghĩa là Từ Thị. Ngài có danh hiệu này vì theo kinh Hoa Nghiêm, khi phát tâm tu hành đạo Bồ tát, Ngài đã khởi tu tâm từ trước nhất. Và Ngài nguyện đời đời kiếp kiếp ở bất cứ nơi nào cũng mang tên Từ Thị, cho đến thành Phật, cũng vẫn giữ danh hiệu này. Nghĩa là trong thâm tâm của Bồ tát Di Lặc, luôn luôn theo đuổi mục tiêu mang vui cho đời. Trải qua quá trình tu đạo Bồ tát dài lâu, tâm nguyện của Ngài biến thành sự thật. Ngài chứng được từ tâm tam muội.
Chúng ta theo gót Ngài Di Lặc, tu tâm từ, quyết chí mang an vui cho người. Tuy nhiên, phước đức của chúng ta còn kém, khả năng còn yếu, chúng ta tự nhủ lòng rằng bất cứ lúc nào đủ điều kiện, sẽ đáp ứng yêu cầu của người.
Quán tưởng tâm từ thuần thục, đến mức độ trở thành tánh thì có lực tác dụng vào chúng sinh vô hạn, gọi là từ tâm tam muội. Từ tâm tam muội của Di Lặc được trắc nghiệm trong pháp giới. Ngài không trực tiếp đến an ủi chúng ta. Ngài nhập định, sử dụng Từ tâm tam muội thì giữa Ngài và chúng sinh có một sự tương giao. Chúng sinh nào có nhân duyên căn lành với Bồ tát Di Lặc sẽ cảm thấy vui khi khởi niệm nghĩ đến Ngài. Nguồn vui của Di Lặc mang đến không phải là cái vui do tác ý. Vì khi có tác ý, chúng ta hành động trên “thức” nên luôn luôn bị phản ứng phụ. Nghĩa là chúng ta làm cho A vui thì sẽ làm mất lòng B.
Sống trong giải thoát, thấy chúng sinh khổ, hành giả khởi tâm đại bi, giúp người cùng an vui. Bồ tát có trí tuệ phải lấy một sự kiện xảy ra có liên hệ đến nhiều vấn đề khác. Nên không thể giải quyết đơn giản, một mặt được.
Ví dụ, nhìn thấy sự hốt hoảng của con nai khi bị con hổ vồ, ai mà không khởi tâm thương xót con nai. Nhưng nếu cứu con nai thì sự sống của con hổ sẽ giải quyết cách nào đây.
Vì thế, mỗi khi làm việc gì Bồ tát phải quán sát tương quan tương duyên chằng chịt, phức tạp giữa các loài trên thế gian. Gỡ rối mọi việc thế nào cho công bằng, hợp tình hợp lý là việc không đơn giản. Trên bước đường tu, cởi trói cho riêng mình thì tương đối dễ. Cởi bỏ vướng mắc giùm người khác thì khó quá.
Nhận chân rõ như vậy, bên cạnh hạnh từ bi, hành giả phải thực hành tâm hoan hỷ, luôn chấp nhận tất cả khó khăn đổ lên thân tâm mình. Ý này được Ngài Phổ Hiền dạy rằng Bồ tát phát nguyện chịu khổ thế cho chúng sinh để cúng dường chư Phật.
Dấn thân hành Bồ tát đạo nghĩa là chấp nhận khổ. Nhưng chấp nhận với lòng đại bi. Vì thế dù gặp hoàn cảnh xấu ác hay dễ dàng, Bồ Tát luôn nở nụ cười hoan hỷ như Ngài Di Lặc.
Tâm gương của hành giả hoàn toàn vắng lặng, trong ngần, dứt sạch mối manh đối đãi, sinh diệt. Hành giả tự trang nghiêm bốn tâm vô lượng từ bi hỷ xả đầy đủ, mới có thể tiếp tục thực hiện các Bồ tát hạnh khác.
Trước thềm năm mới, mừng đón Xuân về, mừng ngày Đản sinh đức Phật Di Lặc, phật tử chúng ta cùng ôn lại hạnh nguyện từ bi hỷ xả của đức Di Lặc. Và chúng ta cũng ghi nhớ, sống với bốn tâm vô lượng này để chuyển đổi đời mình thành mùa Xuân đầy hoa đạo, tỏa ngát hương thơm từ bi hỷ xả.
Chúng ta cùng nhau dâng lên cúng dường Đức Từ Thị những đóa hoa đạo hạnh từ bi hỷ xả, kết thành mùa Xuân bất diệt trên bước đường thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh, làm sáng đẹp cho đời trong hiện tại và mãi mãi muôn kiếp về sau.
Tham khảo: Cuốn sách “Cảm niệm về Đức Phật” – Hòa thượng Thích Trí Quảng.
Nguyễn Linh Chi