Nguồn cội ở đây tôi muốn nói đến là nguồn huyết thống và cội tâm linh. Bối cảnh cuộc sống thực dụng ngày nay đã lôi kéo, thúc đẩy một số người, nhất là lớp trẻ chạy theo lợi danh tiền bạc nên ít nhiều bỏ quên nguồn cội; gia đình tôi có thể là dẫn chứng.
Các con tôi đều lớn lên sau ngày giải phóng, may mắn được học hành chút ít và công ăn việc làm tương đối nhưng có đứa nào chịu dừng lại mà vẫn lao vào việc làm ra tiền bạc nhằm đáp ứng nhu cầu ăn tiêu mua sắm… có một thêm hai, có cũ đổi mới không bao giờ thỏa mãn nên đầu óc luôn lo toan tính toán, thậm chí quên cả sức khỏe nói chi nghĩ đến đời sống văn hóa tinh thần. Và mấy đứa cháu cũng quay cuồng theo quỹ đạo cha mẹ chúng, ngày đêm thao thức con đường danh lợi tiền bạc. Suốt ngày không rời chiếc điện thoại, máy tính tìm kiếm thông tin, chọn môn học, trường học để tốt nghiệp ra trường có lương cao bổng hậu.
Ăn uống vội vã với thức ăn nhiều thịt cá, nước uống chế biến sẵn, sinh hoạt không hợp lý mà rủi ro, bệnh nan y… là hậu quả không thể tránh. Tôi nhiều lần khuyên con cháu nhín bớt chút thì giờ truy cập điện thoại để đọc sách mở mang trí tuệ, thăng hoa đời sống văn hóa tinh thần. Chúng cười bảo: “Ông… lạc hậu rồi, có thiếu thứ gì trên mạng”. Điều đó tôi không phải không biết nhưng cũng biết đầy cạm bẫy trên đó, hại cả một đời, nguy cho cả thế hệ!
Là Phật tử ai không khỏi đau đáu lo lắng. Sau nhiều năm học tập và thực hành lời Phật dạy, tôi nhận ra không con đường nào khác hơn là nếp sống biết đủ, một giải pháp khả dĩ giữ con người, nhất là lớp trẻ bên này lằn ranh cuộc sống xô bồ với sức thu hút của công nghệ tiêu dùng. Qua đó rút ra đôi điều bổ ích, tất nhiên còn thiếu sót nhưng tôi mạnh dạn nêu lên để mong được chia sẻ, bổ sung từ các bậc thiện hữu tri thức.
Ý thức đạo lý uống nước nhớ nguồn
Trong bối cảnh toàn cầu ngày nay mỗi người khác nhau về quan điểm nên định hướng tâm linh cho con cháu, nói khác là việc Phật hóa gia đình, nhất là đối tượng đã trưởng thành là vấn đề không dễ. Tuy nhiên vận dụng sự tương đồng giữa đạo Phật và tín ngưỡng thờ phụng ông bà về truyền thống văn hóa dân tộc nên ta có thể kết hợp việc cúng giỗ với lễ nghi đạo Phật, từ đó hướng con cháu đến với đạo Phật là điều khả thi.
Để làm được việc đó cần có bước chuẩn bị về hình thức lẫn nội dung. Trước ngày giỗ chạp chính, tôi báo trước cho con cháu biết để sắp xếp thời gian. Về hình thức, trước ngày tổ chức đám giỗ phải sửa soạn lau chùi và trang trí bàn thờ Phật, bàn thờ ông bà rồi chưng bình hoa và mâm quả phẩm tươi tốt, ánh sáng lung linh tỏa rạng sẽ tăng vẻ trang nghiêm cho buổi lễ. Về nội dung, để buổi lễ mang lại ý nghĩa tích cực, phải tiến hành kết hợp nghi lễ đạo Phật.
Những năm trước đây khi tình hình tự do tôn giáo còn hạn chế, tôi tự thiết lễ bạch Phật, tụng kinh cầu siêu cho hương linh người quá cố. Do đó lễ vật cúng kính phải làm chay. Đây là điều khó khăn bởi lẽ con cháu nhiều người không quen ăn chay. Nhưng tôi nhờ người nấu nướng các món chay đúng bài bản, bày biện hấp dẫn để mọi người ăn ngon miệng từ đó tạo thói quen ăn chay rồi dần dần thích ăn chay.
Thời gian đầu tôi tự thiết lễ cúng nên con cháu không tham dự đông đủ, hoặc lễ lạy xong là ra ngoài nói chuyện hay xuống bếp. Nguyên nhân là do tôi chưa thành thạo nghi lễ nên không thể thuyết phục được con cháu tôi mời Ban Hộ niệm chùa đến cúng giỗ, theo đúng nghi thức thì các con cháu phải tham dự và nghe kinh. Từ kinh nghiệm đó, tôi thỉnh quý thầy hay quý sư cô đến nhà tiến hành nghi lễ, xướng tụng một cách bài bản thì hiệu quả thấy rõ, con cháu tham dự đông đủ, đứa quỳ đội sớ, đứa rót nước, thắp hương xông trầm và lễ lạy, tất cả đều nghiêm chỉnh nghe kinh, tham dự lễ.
Ngoài ra mỗi năm hai lần, tôi tổ chức đưa gia đình con cháu về dự tế lễ tộc bên nội và bên ngoại. Thời gian đầu con cháu chưa tham gia đông đủ nhưng sau hai ba năm trở thành lệ thì con cháu sắp xếp thời gian luân phiên tham dự. Nhất là tranh thủ dịp nghỉ Tết, con cháu đều được nghỉ, tôi tổ chức đưa con cháu về quê trước thăm quê hương viếng bà con, sau thắp hương mồ mả ông bà tổ tiên. Qua các buổi tế lễ ở nhà thờ hay đứng trước mộ ông bà… con cháu thành kính thắp nén nhang tưởng nhớ công ơn tổ tiên ông bà…, gây cho con cháu ý thức nguồn cội và nảy sinh tình cảm gắn bó đối với quê hương.
Để đạt mục đích này, tôi đã chuẩn bị mọi thứ từ xe cộ, thức ăn nước uống, hương hoa và dụng cụ để nhổ cỏ, cọ sơn để kẻ lại bia mộ. Để thể hiện ý thức trách nhiệm đồng thời phát huy tinh thần đoàn kết, con cháu đều phải tham gia đóng góp tự nguyện theo khả năng. Từ đó tránh sự phân bì gây mất đoàn kết, mặt khác nhận thức được ý nghĩa và tác dụng của cúng dường tổ tiên ông bà, không phải do tiền bạc nhiều ít mà phước đức xuất phát từ tâm mỗi người. Đến nay về quê giỗ chạp hàng năm đã trở thành nề nếp.
Thăng hoa đời sống văn hóa tinh thần
Việc đón Tết mừng xuân, là cơ hội để hướng con cái đến nếp sống thiểu dục tri túc, mua sắm tiêu dùng tiết kiệm để dành khoản tiền làm quà chia sẻ với những bà con gặp hoàn cảnh khó khăn neo đơn ở nơi cư trú và cả ở quê nhà. Chuẩn bị nhà cửa, sửa soạn bàn thờ trang nghiêm. Bàn thờ rực rỡ với cặp đèn và lư đồng bóng loáng, bình hoa quả phẩm bông trái tươi tốt. Trước ngõ, trên hiên cặp cúc vàng hay thược dược sắc màu tươi. Phòng khách chậu phong lan phối nhiều giò hồ điệp, đen-rô sắc màu giao hòa. Tất cả đều được làm mới. Khi mọi việc hoàn tất thì cũng là lúc tiếng chuông chùa vang lên báo hiệu thời khắc giao thừa…
Bàn thờ trầm hương nghi ngút, cặp đèn sáp lung linh tỏa rạng, hoa tươi ngào ngạt hương, mâm quả phẩm phô sắc. Theo tục lệ, trước cửa đặt một bàn thờ với mâm cỗ tiễn vị thần hành khiển cũ, rước vị thần hành khiển mới vào nhà. Trong khung cảnh trang nghiêm, vợ chồng tôi áo tràng nghiêm chỉnh niêm hương bạch Phật, cáo tổ tiên. Giờ khắc thiêng liêng, không gian lắng đọng, lòng người thăng hoa theo từng câu khấn nguyện, theo từng câu kinh cầu an đầu năm. Niềm hân hoan trên nét mặt mọi người bên cỗ bánh cúng giao thừa. Trẻ con xúng xính quần áo mới mừng tuổi ông bà, cha mẹ chờ nhận lì xì lộc năm mới. Đón giao thừa là bài học sinh động có sức thu hút và thuyết phục lớp trẻ mà nhiều năm chúng tôi thực hiện có kết quả.
Chiều mùng một Tết chúng tôi đưa gia đình đến lễ Phật tại chùa Bảo Thắng. Buổi chiều là thời điểm chùa vãn khách. Trong chánh điện trang nghiêm, mỗi người chắp tay cúi đầu lạy Phật và Bồ-tát… để nghe, để cảm nhận ý nghĩa thiêng liêng của tâm linh. Được gặp gỡ quý sư cô, các con cháu đã học tập từ mỗi cử chỉ dịu dàng, lời nói khiêm tốn, thái độ khoan thai của vị xuất gia… là bài học sống động khác nào bài thuyết pháp. Ngày mùng hai, như thường lệ gia đình tôi về Huế thắp hương nhà thờ và viếng mộ ông bà, thăm bà con bạn bè.
Đến ngày mùng ba thì đến lễ Phật ở chùa Hòa Quang, một ngôi chùa miền núi. Các con cháu được ăn Tết ở chùa, ăn cơm chùa, đi thiền hành… Một ngày được thâm nhập không khí thiền môn, được sự quan tâm của Sư cô trụ trì và Ni chúng ở đây, gia đình chúng tôi cảm nhận được sự ấm cúng gần gũi của những vị tu hành bình dị, nhưng đoan nghiêm. Đến chiều chúng tôi ra về mang theo rau sạch, bánh tét với nhiều thân thương của chùa về biếu bà con bạn bè.
Phật hóa gia đình
Vợ chồng tôi mỗi ngày tụng kinh, niệm Phật, đọc sách nghe băng đĩa Phật pháp, động viên con cháu thường xuyên đọc và nghe…, tiếp cận lời Phật dạy để vận dụng vào cuộc sống. Từ đó sửa đổi các thói quen từ ý nghĩ, lời nói, việc làm để chuyển hóa nghiệp cũ, từng bước tạo cuộc sống an vui hạnh phúc.
Đến nay gần 20 năm, gia đình tôi, dâu rể, cháu nội ngoại… đều quy hướng Tam bảo. Nhờ đó đã có sự chuyển biến về nhận thức và thực hành lời Phật dạy…, thực hiện nếp sống thiểu dục tri túc. Về nhận thức cũng như thực hành sâu cạn chưa đồng nhưng tất cả gia đình đều có niềm tin Tam bảo, tin sâu nhân quả, nghiệp báo luân hồi. Trước mắt đã có được thành quả bước đầu là giảm bệnh tật, bớt lo lắng, sợ hãi khổ đau! Với niềm tin vào sự gia hộ của Tam bảo, thực hành Chánh pháp, đã mở ra cho mọi thành viên gia đình chúng tôi cuộc sống an vui hạnh phúc đời này và đời sau!