Trang chủ Vấn đề hôm nay Truyền thống tâm linh phổ quát vì hòa bình

Truyền thống tâm linh phổ quát vì hòa bình

144
0

Lời giới thiệu:

Ngài Satya Narayan Goenka, là một vị giảng sư cư sĩ chuyên về thiền Vipassana (thường được biết dưới tên thiền Minh Sát Tuệ). Mặc dù là người Ấn Độ, ngài sinh trưởng ở Burma (nay là Myanmar) và ngay sau Thế chiến thứ hai, ở độ tuổi chưa tới ba mươi, ngài đã là một nhà hoạt động kỹ nghệ hàng đầu lãnh đạo cộng đồng người Miến gốc Ấn. Sau khi tích cực áp dụng thiền định để trị chứng bệnh đau nửa đầu (migraine), ngài tìm đến để nghiên cứu sâu về phương pháp thiền Vipassana với ngài Sayagyi U Ba Khin, một vị cư sĩ khác đang là công chức cao cấp của chính quyền Miến Điên thời bấy giờ. Được coi là một trong những người học trò xuất sắc nhất của ngài U Ba Khin, vào năm 1969, ngài Goenka được ngài U Ba Khin cử đến Ấn Độ để trao truyền kỹ thuật thiền Vipassana ngược trở lại nơi xuất phát của kỹ thuật thiền định này. Sau khi thành công ở Ấn Độ, ngài Goenka đã nỗ lực phổ biến phương pháp thiền Vipassana trên khắp thế giới, trong đó có Việt Nam.

Ngày 29 tháng Tám năm 2000, ngài Goenka đã được mời phát biểu trước một cử tọa gồm các vị lãnh đạo tôn giáo và tinh thần khắp thế giới đang có mặt tại Trụ sở Liên Hiệp Quốc tại New York để tham dự cuộc Hội nghị thượng đỉnh về Hòa bình Thế giới cho Thiên niên kỷ mới (Millennium World Peace Summit) lần đầu tiên được Liên Hiệp Quốc tổ chức.

Bản văn dưới đây được dịch từ bài nói chuyện của ngài Goenka có tựa đề tiếng Anh là Universal Spirituality for Peace đã phát biểu trong cuộc hội nghị thượng đỉnh ấy.

Khi có bóng tối, ánh sáng là điều cần thiết. Ngày nay, với quá nhiều đau khổ gây nên bởi những xung đột gay gắt, bởi chiến tranh và giết chóc, thế giới đang quay quắt cần đến sự thanh bình và hòa hợp. Đó chính là một thách thức lớn cho các nhà lãnh đạo tinh thần và tôn giáo. Chúng ta hãy chấp nhận sự thách thức đó.

Mọi tôn giáo đều có một hình thức bên ngoài hay cái vỏ và một yếu tính bên trong hay là cái lõi. Vỏ ngoài của tôn gồm những nghi lễ, nghi thức, quy tắc hành xử, niềm tin, huyền thoại và giáo lý. Những yếu tố đó thay đổi từ tôn giáo này qua tôn giáo khác. Nhưng có một cái lõi ở sâu bên trong chung cho mọi tôn giáo, đó là những lời dạy phổ quát về các nguyên tắc đạo đức và lòng cao thượng, về một tâm hồn thanh cao kính tín đầy sự thương yêu, từ ái, thiện chí và bao dung. Chính cái mẫu số chung đó là điều mà các nhà lãnh đạo tôn giáo phải nhấn mạnh đến và những tín đồ phải thực hành. Nếu điều cốt lõi ấy của mọi tôn giáo được dành cho một tầm quan trọng đúng mực và những khía cạnh hời hợt bên ngoài của các tôn giáo được thể hiện với một thái độ bao dung hơn thì mọi xung đột có thể được giảm đến mức thấp nhất.

Mọi người phải được tự do tuyên xưng và tuân phục đức tin của mình. Tuy nhiên, trong lúc làm như vậy, họ phải thận trọng đừng xao lãng việc thực hành điều cốt lõi của tôn giáo mà họ tín ngưỡng, không được quấy rầy người khác bởi việc thực hành tôn giáo của mình, và không được phép chỉ trích hay coi thường những niềm tin tôn giáo khác.

Dựa vào những sai biệt về đức tin, làm thế nào chúng ta có thể vượt qua những khác biệt ấy và thành tựu một kế hoạch cụ thể về hòa bình? Đức Phật, Đấng Giác Ngộ, vẫn thường tiếp cận với những con người có các quan điểm khác biệt. Đối với họ, Ngài thường nói, “Chúng ta hãy bỏ qua một bên mọi khác biệt. Chúng ta hãy chú tâm vào những gì mà chúng ta có thể nhất trí với nhau, và chúng ta hãy đua7 những điều nhất trí ấy vào thực hành. Tại sao lại phải cãi cọ?”. Ngày nay, lời khuyên khôn ngoan ấy vẫn giữ nguyên giá trị của nó.

Tôi xuất thân từ một vùng đất cổ xưa nơi đã xuất hiện nhiều trường phái triết học và tâm linh khác nhau suốt nhiều thiên niên kỷ. Không kể những khoảnh khắc lẻ loi của bạo động, đất nước tôi vẫn là một mẫu mực của việc chung sống hòa bình. Vào khoảng 2.300 năm trước, đất nước này được cai trị bởi Ashoka vĩ đại, đế quốc của ngài trải dài từ nơi mà nay là Afghanistan đến nơi mà nay là Bangladesh. Trên khắp lãnh địa của ngài, vị hoàng đế nhân từ này đã cho khắc những chỉ dụ lên đá, tuyên bố rằng mọi đức tin đều phải dược tôn trọng; và hệ quả của điều đó là tín đồ của mọi truyền thống tâm linh đều cảm thấy an toàn dưới sự thống trị của ngài. Ngài đòi hỏi mọi thần dân phải sống một cuộc sống đạo đức, kính trọng cha mẹ và người già, và kiêng giết hại. Những lời lẽ qua đó ngài cổ vũ thần dân của mình đến ngày nay vẫn còn thích đáng.

Dân chúng không được chỉ công khai ca ngợi tôn giáo của chính mình mà bài xích các tôn giáo khác. Thay vào đó, dân chúng nên công khai ca ngợi các tôn giáo khác vì những lý do khác nhau. Bằng cách làm như vậy, người dân không chỉ giúp làm cho tôn giáo của chính mình phát triển mà còn thể hiện sự phục vụ cho tôn giáo của những người khác. Làm khác đi, người dân tự đào mồ cho tôn giáo của chính mình và cũng làm hại đến tôn giáo khác. Kẻ ca ngợi tôn giáo của chính mình và công kích các tôn giáo khác chỉ vì hết lòng với tôn giáo của anh ta, nghĩ rằng, “Ta sẽ vinh danh tôn giáo của ta”, những hành động của anh ta chỉ làm tổn thương tôn giáo của anh ta một cách trầm trọng. Sự hòa hợp là điều có lợi. Hãy để mọi người lắng nghe và hãy sẵn lòng lắng nghe những giáo lý được tuyên xưng bởi những người khác.

Đại đế Ashoka đại diện cho một truyền thống vinh quang của sự chung sống đầy bao dung và của tinh thần hòa hợp. Truyền thống ấy là phương tiện sống còn giữa các chính phủ và các nhà cai trị hiện đại. Một thí dụ là hành động của Quốc vương Oman, người đã cấp đất cho nhà thờ và các đền miếu thuộc các đức tin khác trong lúc vẫn thực hành tôn giáo của chính mình với sự tận tâm và tinh cần. Tôi tin chắc rằng những nhà cai trị và các chính phủ từ ái như thế tiếp tục xuất hiện trong tương lai ở nhiều vùng đất trên khắp thế giới. Như người ta vẫn nói, “Phúc thay cho những người kiến tạo hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con của Thượng đế”.

Cũng hiển nhiên là những kẻ tôn sùng bạo lực trước hết làm hại chính bà con bạn bè của họ. Họ có thể thực hiện những điều họa hại đó một cách trực tiếp, thông qua sự khắt khe của mình, hoặc một cách gián tiếp, bằng việc khơi gợi sự đáp trả bằng bạo lực đối với hành động của họ. Mặt khác, người ta thường nói, “Phúc thay cho kẻ nhân từ, vì họ sẽ nhận được sự khoan dung”. Đó chính là luật tự nhiên. Đức Phật vẫn dạy, “Oán thù không thể bị dập tắt bởi oán thù mà bởi điều ngược lại. Đó là một pháp vĩnh cửu”. Điều được gọi là giáo pháp ở Ấn Độ chẳng liên quan gì đến Ấn giáo, Phật giáo, Kỳ-na giáo, Thiên Chúa giáo, Hồi giáo, Do Thái giáo, hay bất kỳ thứ tôn giáo nào khác. Đó chỉ là một chân lý đơn giản sau đây: trước khi làm hại người khác, bạn đã trước hết làm hại chính mình bởi việc sản sinh sự tiêu cực của tâm thức; và nhờ việc giũ bỏ sự tiêu cực ấy, bạn có thể tìm thấy sự thanh bình nội tâm và củng cố nền hòa bình thế giới.

Sự thanh bình của tâm thức
Cho nền hòa bình thế giới

Mọi tôn giáo xứng đáng với tên gọi ấy đều khuyến dụ tín đồ sống một lối sống có luân lý và đạo đức, đạt tới việc làm chủ tâm thức và nuôi dưỡng sự thanh cao của tâm hồn. Một truyền thống bảo chúng ta, “Hãy thương yêu người hàng xóm của ngươi”; truyền thống khác nói, “Salaam walekum” hay “Cầu bình an đến với các con”; và một truyền thống khác nữa nói, “Bhavatu sabbamangalam” hay “Sarve bhavantu sukhinah” có nghĩa là “Cầu cho mọi loài đều hạnh phúc”. Mọi nhà sáng lập vĩ đại của các tôn giáo đều có lý tưởng bao dung và hòa bình. Thế nhưng thế giới của chúng ta vẫn luôn bị lèo lái bởi sự xung đột và kể cả bởi chiến tranh giữa các giáo phái và tôn giáo, vì chúng ta chỉ thấy cái vỏ của tôn giáo là quan trọng và đã xao lãng phần cốt lõi.Kết quả là sự thiếu thốn lòng yêu thương và tinh thần từ ái trong tâm thức.

Hòa bình thế giới không thể thành tựu trừ khi có sự hòa bình nơi từng cá nhân. Sự lo âu và sự an bình nội tâm không thể cùng tồn tại. Một cách để thành tựu sự an bình nội tâm là Vipassana hay phép thiền trực nghiệm, một kỹ thuật hướng đến kết quả, có tính cách khoa học và không tông phái của việc nhận thức thực tại và tự quán chiếu. Việc thực hành kỹ thuật này mang lại sự hiểu biết thực nghiệm về cách thức tương tác giữa thân và tâm. Mỗi khi một trạng thái tiêu cực sinh khởi trong tâm thức,chẳng hạn như sự sân hận, trạng thái tâm lý đó gây nên những cảm giác khó chịu trong cơ thể. Mỗi khi tâm thức sản sinh một tình yêu vô ngã, một sự từ ái hay một ý hướng tốt, toàn thân tràn ngập những cảm giác dễ chịu. Việc thực hành Vipassana cũng cho thấy hành động tâm thức đến trước mọi hành động của ý chí hay thể chất, quyết định hành động của ý chí hay thể chất có tính cách lành mạnh hay ác độc. Tâm thức làm chủ tất cả. Đó chính là lý do vì sao ta phải tìm được những phương pháp thực hành để làm cho tâm thức an bình và thanh tịnh. Những phương pháp như thế sẽ khuếch đại tính hiệu quả của tuyên bố chung mà cuộc Hội nghị Thượng đỉnh vì Hòa bình Thế giới này đưa ra.

Nền văn hóa cổ Ấn Độ đã cống hiến cho thế giới hai phương pháp thực hành. Một phương pháp là việc rèn luyện thân thể của các tư thế yoga (Asanas) và việc kiểm soát hơi thở (Pranayama) để giữ cho thân thể được khỏe mạnh. Phương pháp kia là việc rèn luyện tâm thức Vipassana để giữ cho tâm thức dược lành mạnh. Người theo bất kỳ đức tin nào cũng đều có thể và thực hành được cả hai phương pháp nói trên. Cùng lúc,họ vẫn có thể tuân theo tôn giáo của họ trong sự an bình và hòa hợp; không hề có nhu cầu cải đạo, một nguyên nhân thông thường vẫn gây căng thẳng và xung đột.

Để cho xã hội hòa bình, càng nhiều càng tốt những thành viên của xã hội phải có được sự an bình. Với tư cách những nhà lãnh đạo, chúng ta có trách nhiệm đặt ra một ví dụ, trở thành một sự gợi hứng. Một bậc minh triết đã từng nói, “Một tâm thức quân bình là điều cần thiết để làm quân bình tâm thức cho những người khác”.

Nói rộng hơn, một xã hội hòa bình sẽ tìm được một phương thức sống trong hòa bình với môi trường tự nhiên của xã hội ấy. Tất cả chúng ta đều hiểu rõ nhu cầu bảo vệ môi trường, nhu cầu chấm dứt việc làm ô nhiễm thiên nhiên. Điều ngăn cản chúng ta không hành động dựa trên sự nhận biết ấy là cái kho ô nhiễm của tâm thức, chẳng hạn sự vô minh, sự tàn bạo và sự tham lam. Việc loại bỏ những sự ô nhiễm tâm thức ấy sẽ thúc đẩy hòa bình giữa người với người, cũng như một mối quan hệ lành mạnh, quân bình giữa loài người với môi trường tự nhiên của loài người. Đó chính là cách thức mà tôn giáo có thể cổ võ việc bảo vệ môi trường.

Bất bạo động: từ khóa
Cho một định nghĩa về tôn giáo

Chắc chắn là vẫn có những điều khác biệt giữa các tôn giáo. Tuy nhiên, bằng việc tập hợp tại cuộc Hội nghị Thượng đỉnh về Hòa bình Thế giới này, lãnh đạo của tất cả những truyền thống đức tin lớn đã thể hiện rằng họ muốn làm việc vì hòa bình. Vậy thì hãy để cho hòa bình trở thành nguyên lý đầu tiên của “tôn giáo phổ quát”. Chúng ta hãy cùng tuyên bố rằng chúng ta sẽ từ bỏ việc giết hại, rằng chúng ta kết án bạo lực. Tôi cũng khuyến cáo các nhà lãnh đạo chính trị nên tham gia vào tuyên bố chung này, xét rằng họ có vai trò quan trọng trong việc mang lại hoặc hòa bình hoặc chiến tranh. Cho dù họ có tham gia với chúng ta hay không, ít nhất chúng ta hãy cùng nhau công bố ngay tại đây và vào lúc này: thay vì bỏ qua cho sự bạo động và việc giết hại, chúng ta hãy tuyên bố rằng chúng ta kết án vô điều kiện những hành vi như thế, nhất là những hành vi bạo động nhân danh tôn giáo.

Chắc chắn các nhà lãnh đạo tinh thần có đủ minh triết và can đảm để kết án hành vi bạo lực nhân danh niềm tin của chính họ. Có thể vẫn có những quan điểm triết học và thần học khác biệt về hành động tìm kiếm sự tha thứ hay hối lỗi trước sự giết chóc và bạo động trong quá khứ, nhưng chính sự công nhận những hoạt động bạo lực đã thực hiện trong quá khứ hàm ý rằng bạo lực là sai trái và sẽ không được tha thứ trong tương lai.

Dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc, chúng ta hãy cố gắng phát biểu một cách có hệ thống một định nghĩa về tôn giáo và truyền thống tâm linh nhấn mạnh đến thái độ bất bạo động, và từ chối cho phép bạo động hay giết hại. Sẽ không có lỗi lầm nào của loài người lớn hơn sự thất bại trong việc định nghĩa tôn giáo là đồng nghĩa với hòa bình. Cuộc Hội nghị Thượng đỉnh này có thể đề nghị một khái niệm “tôn giáo phổ quát” hay “truyền thống tinh thần không tông phái” để được tán thành bởi Liên Hiệp Quốc.

Tôi tin chắc rằng Hộj nghị Thượng đỉnh này sẽ giúp tập trung sự chú tâm của thế giới vào mục đích thật sự của tôn giáo:

Tôn giáo không chia rẽ chúng ta.

Tôn giáo rao giảng hòa bình và sự thanh tịnh của tâm hồn.

Tôi hết sức vui mừng trước viễn kiến và những nỗ lực của những người tổ chức cuộc Hội nghị Thượng đỉnh này. Và tôi cũng tự hào về những nhà lãnh đạo tôn giáo và tinh thần đã có sự thuần thục để cống hiến cho hoạt động hóa giải, mang lại hy vọng cho loài người rằng tôn giáo và các truyền thống tinh thần sẽ đưa tới nền hòa bình tương lai.

 Cầu chúc mọi người đều thoát được ác cảm và được hạnh phúc.

Cầu chúc cho hòa bình và hòa hợp được thịnh hành.■

Nguồn http://www.buddhistchannes.tv/

 Nguyễn Văn Nhật dịch ++

Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 94

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here