Trang chủ Thiền môn xứ Huế Danh Tăng-Ni, Nhân sĩ Bản Chính Pháp Nhãn Tạng của Tổ Liễu Năng

Bản Chính Pháp Nhãn Tạng của Tổ Liễu Năng

266
0

Đó là một văn bản xưa, được viết trên giấy xuyến màu trắng, loại giấy thường được sử dụng ở Đàng Trong. Văn bản có 29 dòng, kể cả lạc khoản niên đại, mỗi dòng có số chữ không nhất định. Dòng có số chữ nhiều nhất là 16 chữ, có dòng chỉ có hai chữ. Chữ viết khá sắc sảo, sắc nét, theo lối chữ đời Nguyễn sơ. Pháp quyển bị hư mất ở phần đầu và cuối. Dòng đầu ghi “Chính pháp nhãn tạng” theo trục dọc nhưng bị mất hai chữ “Chính pháp”. Có ba con dấu thì hai con đóng lên tên húy, hiệu của Thiền sư Tế Khoan Thiên Quyền và con dấu chữ nhật dài đóng vào tên đệ tử Liễu Năng tự Đức Chất. Dựa vào đây biết, bản Chính pháp nhãn tạng do Thiền sư Tế Khoan Thiên Quyền ban cho đệ tử Liễu Năng Đức Chất. Bản được lập vào ngày 28 tháng 7 năm Quí Dậu, mà không thấy đề niên hiệu các vua triều Nguyễn. Ta có hai cứ liệu để xác định niên đại văn bản.

Thứ nhất, bia “Phước sơn tự bi” cho biết: “Chùa Phước Sơn được Thiền sư Đức Chất lập năm Gia Long thứ nhất (1802). Ngài chống gậy tìm đến núi Phú Mỹ, xã Định Phú bản hạt xây dựng ngôi chùa, tu thành quả thiện”1. Bia định rõ năm khai sơn chùa Phước Sơn là năm 1802 và được Thiền sư Đức Chất, mà vị đó có pháp danh là Liễu Năng kiến lập.

Thứ hai, lời văn trên thân quả chuông chùa Triều Tôn (Phú Yên) có nói đến việc Thiền sư Liễu Diệu Chánh Quang cung thỉnh Thiền sư Thiên Quyền chứng minh việc đúc chuông. Năm thực hiện được đề khá rõ là năm Canh Quí ֲ庚貴. Chữ “Quí” không có trong bản can chi. Can “canh” đi với sáu chi là “Tý, Dần, Thìn, Ngọ, Thân, Tuất”. “Quí” thuộc về thập thiên can, chứ không thuộc về thập nhị địa chi; vả lại, chữ Quí (癸) thuộc thiên can khác với chữ “Quí” (貴) được khắc trên thân chuông. Năm Canh Quí nghe ra vô lý. Nhưng nó xuất hiện trên một số văn bản thuộc về Đàng Trong. Nhóm Bảo tàng Văn hóa Dân gian Huế khi tiến hành dịch Địa bạ thời Gia Long cũng phát hiện niên đại này. Nhóm đó xác định năm Canh Quí là năm Canh Ngọ thuộc niên hiệu Gia Long; như vậy, đổi sang năm dương lịch thì là năm 1810(2). Chúng tôi tạm lấy kết luận này để đoán định niên đại Thiền sư Thiên Quyền. Văn bản không tuân thủ lối tị húy đời Nguyễn vì có các chữ như “Chủng”, “Hoa”, “Tông”   mà không phạm húy.

Hai cứ liệu trên xác định Thiền sư Tế Khoan Thiên Quyền và Liễu Năng Đức Chất đều hành đạo trong thời Gia Long. Vì Thiền sư Tế Khoan là bổn sư của ngài Đức Chất nên độ tuổi của hai vị chênh lệch khoảng hơn 20 năm. Do đó, năm Quí Dậu trong pháp quyển phải là năm 1813, tương đương với năm Gia Long thứ 12.

Đi vào nội dung, bản Chính pháp nhãn tạng cung cấp sự truyền thừa một chi của thiền phái Lâm Tế tại miền Trung. Tài liệu đưa ra như sau:

Đời thứ ba mươi mốt, Hòa thượng Đạo Chí Mộc Trần chùa Thiên Đồng truyền lại.

Đời thứ ba mươi hai, Đại lão Hòa thượng Khoáng Viên BảQuả chùa Báo Tư.

Đời thứ ba mươi ba, Đại lão Hòa thượng Thọ Tông Nguyên Thiều chùa Quốc Ân dong thuyền từ ngoài biển đến, mài dấu vết trên đất này, chọn đệ tử cả hai hàng tại gia xuất gia. Hóa duyên sắp mãn, Sư trao gửi dặn dò; truyền đến:

Đời thứ ba mươi bốn, Đại lão Hòa thượng Minh Dung

Thành Chí Pháp Thông chùa Hoàng Long

Đời thứ ba mươi lăm, Sa-môn nối nghiệp đời trước là

Đại lão Hòa thượng Thiệt Lãm Chí Kiên.

Đời thứ ba mươi sáu, Sa-môn kế nghiệp đời trước là

Hòa thượng Tế Khoan Thiên Quyn.

Bản văn nêu rõ ngài Nghĩa Huyền lập dòng Lâm Tế (nhưng ghi nhầm pháp danh của ngài thành Huyền Nghĩa), sau đó lược các đời bên ngoài để bắt đầu từ đời thứ ba mươi mốt có liên quan trực tiếp đến dòng truyền thừa Lâm Tế ở Đàng Trong. Dựa vào những chữ đầu của pháp húy từng vị, chúng ta xác định được kệ phái mà họ truyền thừa. Bốn vị đầu truyền theo kệ phái của Đạo Mân Mộc Trần với câu “Đạo Bản Nguyên Thành Phật Tổ Tiên”. Đến đời pháp thứ ba mươi bốn, ngài Minh Dung Pháp Thông, thì vị này được trao pháp danh theo kệ phái của Thiền sư Tổ Định Tuyết Phong tương ứng với câu: “Hành Siêu Minh Thiệt Tế”. Như vậy có mâu thuẫn không? Thực tế đi vào truyền thừa pháp phái Thiên Đồng qua nhánh của thiền sư Đạo Mân Mộc Trần, ta thấy nhánh này truyền theo hai kệ. Bản thân Thiền sư Mộc Trần được bổn sư Viên Ngộ ban pháp danh Thông Thiên và trước đó sư theo học với Pháp sư Nhược Muội  được vị này ban pháp danh Đạo Mân. Do tiếp nhận từ hai phái mà khi ngài hành đạo, sư lại tục kệ theo phái của Thiền sư Nhược Muội Trí Minh với chữ “Đạo” làm đầu. Các đệ tử của ngài cũng được ban theo hai kệ phái như Thiền sư Bản Quả Khoáng Viên có thêm pháp danh Hành Quả. Pháp tôn Nguyên Thiều Thọ Tông có pháp danh Siêu Bạch. Nối tiếp ngài Nguyên Thiều như Thiền sư Minh Dung Pháp Thông còn có pháp danh là Thành Chí, Thiền sư Minh Lượng Nguyệt Ân có thêm pháp danh Thành Đẳng, Minh Giác Kỳ Phương có pháp danh Thành Đạo. Những thế hệ sau chữ “Minh”, chữ “Thành” thì tùy vị bổn sư đặt theo kệ phái nào thì họ sẽ tuân thủ kệ phái đó. Tiêu biểu thiền sư Minh Dung Pháp Thông cho đệ tử với tên húy chữ “Thiệt” như Thiệt Lãm Chí Kiên, Thiệt Giám Trí Quang, Thiệt Hội Chân Ý… Chưa tìm được vị nào thiền sư ban pháp danh với chữ “Phật” theo kệ phái Đạo Mân Mộc Trần. Từ đó, những vị nối dòng của Thiền sư Minh Dung Pháp Thông đều truyền theo kệ phái Tổ Định Tuyết Phong như sự truyền thừa tại chùa Thập Tháp (Bình Định) hiện nay.

Dựa vào pháp quyển trên, chúng ta đính chính sai lầm của việc xếp Thiền sư Liễu Năng Đức Chất vào phái Từ Quang mà trước đây có nhà nghiên cứu cho vị này là đệ tử của Thiền sư Pháp Chuyên Luật Truyền Diệu Nghiêm. Lúc chưa tìm được tư liệu, chúng tôi đã nghi vấn về dòng pháp của ba vị Liễu Năng Đức Chất, Liễu Diệu Chánh Quang và Liễu Căn Thiện Giáo, ba vị Tổ sư khai sơn ba chùa Phước Sơn, Triều Tôn và Bảo Sơn vào những năm đầu của niên hiệu Gia Long. Về sau, ba chùa này trở thành những tổ đình lớn của thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh tại Phú Yên nên các nhà nghiên cứu không truy tìm tông phái, vội kết luận họ là đệ tử của Tổ Pháp Chuyên. Nếu như họ là đệ tử của Tổ Pháp Chuyên thì họ phải có pháp danh chữ“Toàn”như các vị Toàn Thể Linh Nguyên, Toàn Nhật Quang Đài, Toàn Đạo Thiệu Long, Toàn Nghĩa Chơn Thường…Trong khi đó, các vị với chữ “Liễu” làm đầu thì họ phải thuộc kệ phái Thiền sư Tổ Định Tuyết Phong. Sau đây, xin công bố bản phiên âm, dịch nghĩa:

Phiên âm:

CHÍNH PHÁP NHÃN TẠNG

Nam-mô Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Văn Phật

Niêm hoa Đại Ca Diếp vi tiếu, sư đồ đạo hợp, châm giới tương đầu, dĩ như thị pháp, phú như thị nhân. Tây Càn tứ thất tục diệm truyền đăng; Đông Chấn nhị tam tương thừa biến diệp.

Tự vị truyền chí thượng Huệ hạ Năng lục tổ đại sư phó chúc

Nam Nhạc thượng Hoài hạ Nhượng đại sư lưu nội Mã Tổ thượng Đạo hạ Nhất đại sư tương thừa Bách Trượng thượng Hoài hạ Hải đại sư Mật phó Hoàng Bá thượng Đoạn hạ Tế đại sư, kế tự

Sa môn thượng Huyền hạ Nghĩa thiền sư. Tự Lâm Tế chính tông thị vi kế nguyên lưu hạ.

Đệ tam thập nhất thế Thiên Đồng thượng Mộc hạ

Trần Đạo Chí hòa thượng lưu truyền.

Đệ tam thập nhị thế Báo Tư thượng Khoáng hạ Viên

Bản Quả đại lão hòa thượng.

Đệ tam thập tam thế Quốc Ân thượng Thọ hạ Tông Nguyên Thiều đại lão hòa thượng thuyền hải nhi lai, trác tích tư thổ, trạch hợp bạch truy, hóa duyên tương mãn phú chúc hữu tại, truyền chí

Đệ tam thập tứ thế Hoàng Long thượng Pháp hạ

Thông Minh Dung Thành Chí đại lão hòa thượng.

Đệ tam thập ngũ thế tự tổ sa môn thượng Thiệt hạ

Lãm Chí Kiên đại lão hòa thượng.

Đệ tam thập lục thế tự tổ sa môn húy thượng Tế hạ

Khoan hiệu Thiên Quyền hòa thượng.

Vi nhất đại sự, khai phước thành đông vi. Nam mô Phật, liễu lục hoa hồng, khai thị ngộ nhập, thành nhất thốn trung thử vi biểu tín, cánh chúc kệ vân:

Tâm địa hợp chư chủng Phổ vũ tất giai manh Đốn ngộ hoa tình kỷ

Bồ đề quả tự thành.

Uy Âm vương ư tiền pháp ấn tâm, Uy Âm vương ư hậu tâm ấn pháp.

Tông thừa đệ tử pháp danh Liễu Năng tự Đức Chất đại sư như thị trân trọng, trân trọng!

Tuế thứ Quí Dậu niên thất nguyệt nhị thập bát nhật kính lục

Tạm dịch:

Chánh pháp nhãn tạng

Kính lễ Đức Bổn sư Thích–ca Mâu-ni Văn Phật

Cành hoa giơ lên Đại Ca-diếp mỉm cười, thầy trò cùng hiểu, như nam châm hút sắt, như hổ phách dính hạt cải; lấy pháp như vậy trao cho người như vậy. Tây thiên mở ra, hai mươi tám đời tiếp lửa trao đèn; Đông độ vang dội sáu vị tổ dẫn dắt cỗ xe nối đời mở rộng.

Kế thừa ngôi vị, truyền đến: Đại sư Lục tổ Huệ Năng trao gửi dặn dò; Đại sư Nam Nhạc Hoài Nhượng giữ gìn thu nhận; Đại sư Mã Tổ Đạo Nhất dẫn dắt cỗ xe; Đại sư Bách Trượng Hoài Hải kín đáo trao truyền; Đại sư Hoàng Bá Đoạn Tế nối tiếp sự nghiệp.

Thiền sư Sa-môn Huyền Nghĩa vì để tiếp nguồn truyền lại về sau mà lập ra dòng Lâm Tế.

Đời thứ ba mươi mốt, Hòa thượng Đạo Chí Mộc Trần chùa Thiên Đồng truyền lại.

Đời thứ ba mươi hai, Đại lão Hòa thượng Khoáng Viên

Bản Q u ả chùa Báo Tư.

Đ ời thứ ba mươi ba, Đại lão Hòa thượng Thọ Tông Nguyên Thiều(3) chùa Quốc Ân dong thuyền từ ngoài biển đến, mài dấu vết trên đất này, chọn đệ tử cả hai hàng tại gia xuất gia. Hóa duyên sắp mãn, Sư trao gửi dặn dò; truyền đến:

Đ ời thứ ba mươi bốn, Đại lão Hòa thượng Minh Dung

Thành Chí Pháp Thông(4) chùa Hoàng Long

Đời thứ ba mươi lăm, sa-môn nối nghiệp đời trước là

Đại lão Hòa thượng Thiệt Lãm Chí Kiên(5).

Đời thứ ba mươi sáu, sa-môn kế nghiệp đời trước là

Hòa thượng Tế Khoan Thiên Quyền(6).

V ì mộ t việc lớn, mở phước thành Đông, niệm Nam mô Phật, liễu xanh hoa hồng, khai thị ngộ nhập, trong một tấc lòng thành ấy mà thể hiện sự chân thực, lại trao kệ rằng:

Đất tâm bao các giống Mưa khắp ắt nảy mầm Hoa tình đốn ngộ rồi Quả bồ-đề tự thành

Từ Phật Uy Âm Vương trở về trước lấy pháp ấn tâm, từ Phật Uy Âm Vương trở về sau lấy tâm ấn pháp.

Tông thừa đệ tử pháp danh Liễu Năng tự Đức Chất(7)

như vậy trân trọng, trân trọng.

Kính ghi ngày 28 tháng 7 năm Quý Dậu (1813) „

Chú thích:

  1. 1. Tham khảo bài “Văn bia chùa Phước Sơn” trênVăn Hóa Phật Giáo, số 132.
  1. 2. Tham khảo Các tác giả, Văn bản Hán Nôm làng xã vùng Huế, Nxb Thuận Hóa, 2008, tr.121. Các ông không đưa ra chứng cứ, còn nói đến năm Minh Mạng có lệnh bỏ.
  2. 3. Theo Lịch truyện tổ đồ cho biết: ““Sư nguyên tịch huyện Trình Hương, phủ Triều Châu, Quảng Đông, con họ Tạ. sinh giờ Tuất ngày 18 tháng 5 năm Mậu Tý (1648). Mười chín tuổi, từ thân xuất gia, đắc pháp với Hòa thượng Khoáng Viên, chùa Báo Tư, được ban pháp danh Nguyên Thiều, tự là Hoán Bích. Năm Ất Tỵ (đúng là năm Đinh Tỵ (1677, tác giả chú), từ Trung Hoa sang, đầu tiên chống gậy đến phủ Qui Ninh, sáng lập chùa Thập Tháp Di Đà, rộng mở tượng pháp. Lại trở về núi Phú Xuân, Thuận Hóa, khởi tạo chùa Quốc Ân, cùng tháp Phổ Đồng. Vâng mệnh Tiên vương, trở về Quảng Đông thỉnh mời Hòa thượng Thạch Liêm, am Trường Thọ, mở kì trao giới, cùng thỉnh tượng Phật và pháp khí, hoàn thành nhiều công đức. Từ đó, vâng ban ở chùa Hà Trung. Đến năm Mậu Thân (1728), sắp thị tịch, ngày 19 tháng 10, chiêu tập bốn chúng, nói chuyện cơ mầu, trao truyền mật ngữ, đến giờ bỏ bút. Kệ rằng:

Lặng lẽ gương không chiếu bóng Sáng trưng ngọc chẳng thâu hình Rõ ràng vật không phải vật

Mênh mông không chẳng là không.

(Nguyễn Lang dịch)

Viết xong, bỏ bút, ngồi ngay thẳng mà tịch, pháp lạp 63 hạ, thế thọ 81 tuổi, tháp xứ Cửu Hóa”.

  1. 4. Minh Dung Thành Chí Pháp Thông (1631-1749): đệ tử của Tổ Nguyên Thiều Thọ Tông. Chưa rõ quê quán, tông tộc. Sư xuất gia với Tổ Nguyên Thiều tại chùa Quốc Ân, trụ trì chùa Hoàng Long mà ta chưa xác định được vị trí nằm về tỉnh nào của miền Trung. Sư đứng in Nhân quả thực lục năm Long Đức thứ 5 (1736) và chứng minh khắc bản kinh Pháp Hoa vào năm Long Đức thứ 3 (1734). Hiện, chùa Quốc Ân (Huế), chùa Thập Tháp (Bình Định) và chùa Liên Tôn (Quảng Ngãi) có long vị thờ Tổ. Riêng hai bản long vị chùa Liên Tôn và Thập Tháp có ghi niên đại Tổ sư.
  2. 5. Thiệt Lãm Chí Kiên: Tổ khai sơn chùa Cổ Lâm, Thiên Hưng, Bảo Sơn Thiên Hải thuộc tỉnh Phú Yên. Niên đại, quê quán, tộc họ chưa rõ. Ngài có thể hành đạo giai đoạn giữa và cuối thời chúa Nguyễn ở Đàng Trong.
  3. 6. Tế Khoan Thiên Quyền: đệ tử của Tổ Thiệt Lãm Chí Kiên, kế nhiệm trụ trì chùa Cổ Lâm. Chưa rõ niên đại, quê quán, tông tộc. Ngài hành đạo khoảng đời Tây Sơn kéo dài đến thời Gia Long. Chùa Thiên Đức (Bình Định) có long vị thờ ngài nên có người cho ngài trụ trì. Thực tế, Tổ hành đạo ở Phú Yên, có đệ tử về Thiên Đức nên mới lập long vị thờ vọng vậy.
  4. 7. Liễu Năng Đức Chất: chưa rõ quê quán, tông tộc. Sư khai sơn chùa Phước Sơn năm Gia Long thứ nhất (1802).

Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 187

 

vanhoaphatgiaoblog.com

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here