Để tìm hiểu chi tiết về hơn 100 kỷ lục Phật giáo được ghi vào cuốn Niên giám kỷ lục Việt Nam, do Trung tâm sách kỷ lục VIETKINGS ấn hành và công bố vào dịp Đại lễ Phật đản quốc tế (Vesak Liên Hiệp Quốc 2008) tại Hà Nội, chúng tôi đã tiếp cận ông Lê Trần Trường An (ảnh), Chủ tịch Hội đồng quản trị VIETKINGS.
* Xin ông cho biết ý nghĩa của việc xác lập và phổ biến hàng trăm kỷ lục Phật giáo lần này vào cuốn niên giám sắp phát hành? Ảnh: Nhân vật cung cấp
Rõ nhất là nhằm góp phần chào mừng đại lễ Vesak LHQ lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam. Và cũng vì đây là một sự kiện quốc gia, sự kiện văn hóa tôn giáo mang tầm vóc quốc tế, nên lần này chúng tôi muốn giới thiệu những kỷ lục Việt Nam không chỉ đến bạn đọc trong nước mà đến cả các vị đại biểu nhiều nước về dự đại lễ. Để trước hết, qua đó độc giả tìm thấy những dấu ấn của Phật giáo Việt Nam trên dòng chảy của lịch sử dân tộc. Cũng qua đó, các kỷ lục sẽ cho thấy Việt Nam đã rộng cửa giao lưu văn hóa với thế giới bên ngoài từ xa xưa.
* Ông có thể nêu một ví dụ về điều ấy?
Đó là ngôi chùa Dâu xưa nhất của Việt Nam vẫn còn tồn tại ở Bắc Ninh, nằm cách Hà Nội khoảng 30 cây số về hướng Đông, được xây từ thế kỷ thứ 3. Đến thế kỷ thứ 6, vào năm 580, chùa Dâu đã đón một nhân vật phi phàm gốc người phía Nam Ấn Độ đến mở dòng thiền đầu tiên ở Việt Nam. Đó là ngài Tì-ni-đa-lưu-chi (Vinitaruci). Trước đó, ngài từ Ấn Độ sang Trung Hoa, đến núi Tư Không được tâm ấn nơi Tổ Tăng Xán (là vị Tổ thứ 3 truyền từ Bồ Đề Đạt ma xuống) và theo lời dạy của Tổ Tăng Xán, ngài đã qua phương Nam, đến chùa Dâu nước ta. Ở đây đã diễn ra cuộc gặp gỡ độc đáo giữa ngài với một nhà sư Việt Nam đang tu học trong chùa là Pháp Hiền. Ngài nhìn thẳng vào sư Pháp Hiền, hỏi: “Ngươi họ gì?”. Pháp Hiền không trả lời, mà hỏi lại: “Hòa thượng họ gì?”. Ngài lại hỏi nữa: “Ngươi không có họ sao?”. Pháp Hiền đáp: “Họ thì chẳng phải không, hòa thượng làm sao biết được?”. Ngài nói như quát: “Biết để làm gì?”. Tất cả đối thoại đều là các câu hỏi và câu hỏi sau cùng đã khiến Pháp Hiền hoát nhiên tự ngộ, quỳ xuống sụp lạy. Tổ Tì-ni-đa-lưu-chi liền ấn chứng và Pháp Hiền sau này là vị thiền sư nối pháp đời thứ nhất của ngài. Vậy đó, ngôi chùa Dâu kỷ lục là chứng tích thuở đầu khi thiền tông mới truyền vào Việt Nam và cũng là một địa điểm minh chứng rõ ràng về mối giao lưu văn hóa và tôn giáo lâu đời ở nước ta.
Rất nhiều ngôi chùa khác của Việt Nam lưu giữ các giá trị văn hóa, nghệ thuật được ghi nhận qua niên giám kỷ lục như chùa Đậu chẳng hạn. Tại đây, còn nhiều hiện vật quý như bia đá, chuông, khánh, sách đồng, biển gỗ, chữ nôm và độc đáo hơn cả là hai pho tượng được tạo nên từ hai thi hài của hai vị sư trụ trì kế tiếp nhau vào thế kỷ 17 là Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường. Viện Khảo cổ học đã bỏ nhiều năm nghiên cứu phương pháp bảo quản xác hiếm thấy này, cũng như giới thiệu trên các tạp chí quốc tế và quay thành phim tài liệu khoa học Điều bí ẩn của pho tượng chùa Đậu đoạt giải thưởng đặc biệt của Liên hoan phim Việt Nam từ 20 năm trước (1988). Đến nay hàng loạt các ngôi chùa cũng mang những kỷ lục độc đáo riêng của mình được chúng tôi tìm kiếm, phát hiện trên hành trình đi tìm các kỷ lục Việt Nam.
* Đó là những ngôi chùa nào?
Đó là chùa Hiến với cây nhãn lâu đời đã được Trung ương Hội làm vườn Việt Nam xác định trên 300 năm tuổi và công nhận là cây “nhãn tổ” Việt Nam. Cây nhãn này có trái mang vị ngọt đường phèn, quả to, cùi dày, thơm ngon, ngày trước thường hái cúng Phật, cúng thành hoàng và tiến vua. Đó là ngôi chùa đúc bằng đồng nguyên chất trên núi Yên Tử, rộng gần 20 mét vuông, mỗi viên ngói nặng 4 kg, 4 cột chùa mỗi cột nặng 1 tấn, chuông đồng khánh đồng nặng hơn 250 kg, trọng lượng chùa đồng khoảng 70 tấn, khánh thành đầu năm 2007. Chùa Đại Tòng Lâm ở Bà Rịa-Vũng Tàu đúc 10.000 tượng Phật nhỏ bằng đồng đặt quanh chánh điện. Các tượng La hán chùa Tây Phương, các tượng linh thú bằng đá ở chùa Phật Tích, tượng Quan Âm thiên thủ thiên nhãn ở chùa Bút Tháp và chùa Thánh Ân, tượng vua đang quỳ đội Phật trên lưng để sám hối ở chùa Hòe Nhai, tháp cổ Phước Duyên ở chùa Thiên Mụ, những bộ kinh chép trên lá buông ở chùa Soai Tong.
Niên giám còn ghi nhận những kỷ lục lạ như tượng Bồ Đề Đạt ma bằng tóc cao 2,32m toàn bằng tóc ở chùa Tây Tạng (Bình Dương), đại hồng chung ở chùa Bái Đính thuộc khu du lịch văn hóa Trường An (Ninh Bình) có quả chuông nặng đến 36 tấn, đường kính 3,45m, cao 5,40m, là quả chuông lớn nhất Việt Nam hiện nay. Tượng Di Lặc cao đến 33,6m, dài 30m, tải trọng cả nền và tượng ước lượng đến hơn 1.690 tấn bê tông cốt thép ở tỉnh An Giang.
Bồ Đề Đạt ma bằng tóc – |
* Nếu chỉ khoanh lại quanh những ngôi chùa đã được công nhận di tích quốc gia hoặc có những hiện vật giá trị không thôi thì sẽ không phản ánh hết các nội dung kỷ lục Phật giáo?
– Vì vậy chúng tôi đã mở rộng việc tìm kiếm xác lập kỷ lục rộng ra các lĩnh vực hoạt động xã hội. Như làng nghề tạc tượng và làm đồ thờ phụng Phật pháp lớn nhất Việt Nam là ở Sơn Đồng thuộc huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây chẳng hạn. Làng này nằm giữa sông Đáy và sông Nhuệ, cạnh việc trồng lúa nước, dệt vải, làm nghề mộc, dân làng Sơn Đồng từ lâu đời vẫn đeo đuổi một nghề đặc biệt của mình là làm tượng thờ bằng gỗ mít, bằng đất. Hiện có khoảng 250 gia đình vẫn đang tiếp tục nghề tạc tượng và sơn son thếp vàng. Chúng tôi cũng đưa vào niên giám những kỷ lục do tập thể thực hiện vào các dịp lễ lớn. Ví dụ lễ hội hoa đăng với khoảng 20.000 người tham dự ở chùa Hoằng Pháp, huyện Hóc Môn, TP.HCM. Hoặc lễ cầu siêu ở Quảng Trị với phẩm vật dâng cúng lớn nhất gồm 11.000 chiếc bánh chưng, 11.000 ngọn nến, 11.000 đóa hoa hồng, 11.000 trái chuối. Có những kỷ lục do một đơn vị nào đó thực hiện như quả cầu Như Ý bằng đá hoa cương đỏ nặng 6 tấn rưỡi đặt trên một bệ đá nặng 4 tấn do Công ty Hà Quang làm trong 2 năm, hiện đặt tại chùa Lân, tức thiền viện Trúc Lâm ở Yên Tử. Những kỷ lục về dịch kinh điển Đại thừa nhiều nhất Việt Nam của hòa thượng Thích Trí Tịnh, dịch kinh điển Pali nhiều nhất Việt Nam của hòa thượng Thích Minh Châu, viết sách nghiên cứu lịch sử và văn học Phật giáo nhiều nhất Việt Nam của học giả Lê Mạnh Thát, chụp ảnh và lưu giữ ảnh nhiều ngôi chùa nhất Việt Nam của nhiếp ảnh gia Võ Văn Tường, vận động góp công đức đúc tượng Phật nhiều nhất Việt Nam của thượng tọa Thích Quảng Tùng… đều ghi vào niên giám.
* Việc ghi nhận và xác lập các kỷ lục trên được thực hiện như thế nào? Tại sao lại chuyển công việc này do Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam – VIETBOOKS đảm nhiệm trước đây sang VIETKINGS?
Những kỷ lục Phật giáo là một phần của cuốn niên giám do VIETKINGS thực hiện, nội dung còn mấy trăm kỷ lục nữa trên nhiều lĩnh vực khác. Để biên soạn, trước đây kể từ tháng 8.2004, Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam – VIETBOOKS mở hành trình tìm kiếm kỷ lục Việt Nam trong cả nước, bước đầu đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của đông đảo bạn đọc, các cơ quan ban ngành trong việc đề xuất kỷ lục. Trong những năm qua (từ 2004 – 2007), Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam đã xác lập được trên 1.000 kỷ lục về con người và thiên nhiên Việt Nam. Hiện nay, Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam – VIETBOOKS đã chính thức trở thành Công ty cổ phần Kỷ lục – VIETKINGS (thành viên của Tổ hợp sáng tạo VIETBOOKS). Đến nay đã qua 12 lần hội ngộ Kỷ lục gia Việt Nam, thu hút sự quan tâm, tham gia của đông đảo cộng đồng kỷ lục gia Việt Nam và khách tham dự. Ngày 17.4.2008, Trung tâm biểu diễn và trưng bày kỷ lục Việt Nam (do VIETBOOKS và Công ty Tấn Hưng đầu tư) chính thức khởi công xây dựng tại Bình Chánh với diện tích 5.000m2, sân khấu biểu diễn 2.000 ghế. Sau khi hoàn thành (trong vòng 30 tháng), đây sẽ là nơi tổ chức biểu diễn chuyên nghiệp của kỷ lục gia Việt Nam và thế giới.
Trong năm 2008, Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam tiếp tục mở rộng tìm kiếm kỷ lục Việt Nam ra các tỉnh thành cả nước, kết hợp với các hội và hiệp hội ngành nghề để xác lập và công bố kỷ lục tại các tỉnh thành và trong từng ngành nghề. Dự kiến đến năm 2010 sẽ xác lập và công bố 1.000 kỷ lục, đúng vào dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.
* Cám ơn ông.
Giao Hưởng
Source:>>http://www6.thanhnien.com.vn/Vanhoa/2008/5/11/238190.tno
( Ảnh: Giếng lớn nhất Việt Nam trong chùa Bái Đính – Ảnh: Võ Văn Tường)