Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Được và mất của việc thay đổi chữ ghi ý bằng chữ...

Được và mất của việc thay đổi chữ ghi ý bằng chữ ghi âm

154
0

 Ngày nay, có khoảng cách hơn nửa thế kỷ để nhìn lại, thử bình tâm xem xét việc bỏ chữ Hán và chữ Nôm để học chữ Pháp và chữ Quốc ngữ, người Việt chúng ta được gì, mất gì?

  1. Bị phong kiến phương Bắc thống trị cả ngàn năm, liện tục là nạn nhân của âm mưu chiếm cứ và đồng hóa, nhưng người Việt Nam qua nhiều thế hệ đã kiên trì đấu tranh để duy trì nòi giống, giữ gìn bản sắc văn hóa, bảo vệ lãnh thổ và chủ quyền. Nhờ có tinh thần bất khuất ấy mà người Việt Nam không bị Hán hóa để có chung số phận bi thương với nhiều tộc Việt khác trong Bách Việt. Chữ Hán mà tổ tiên chúng ta đã sử dụng qua ngàn năm là một bằng chứng sinh động của tinh thần tự chủ ấy. Phải học chữ Hán dưới áp lực của giai cấp thống trị, nhưng các bậc tiền bối của chúng ta đã không đọc chữ Hán theo đúng âm của người Trung Hoa. Mặt chữ Hán, cách viết chữ Hán là của người Trung Hoa, nhưng âm của những chữ Hán ấy là sản phẩm riêng của người Việt Nam. Tác giả bài viết này đã có lần phụ trách một khóa giảng về tiếng Việt trong một lớp chuyên tu dành riêng cho một số học viên người Hoa ờ Chợ Lớn. Nói tiếng Việt thông dụng bằng giọng Huế mà nói chậm thì các học viên có thể hiểu, nhưng khi đọc một mạch những câu thơ chữ Hán bằng âm Hán Việt thì nhiều sinh viên chỉ biết cười trừ vì không hiểu gì. Vậy, chữ Hán ghi tả những tiếng Hán Việt là di sản văn hóa mà tiền nhân qua các thế hẹ đã mất nhiều công sức để xây dựng và gìn giữ thời Bắc thuộc. Trước đời Trần, để ghi tả những tiếng thuần Việt, tổ tiên chúng ta đã dựa vào chữ Hán mà sáng chế ra chữ Nôm. Qua lịch sử ngàn năm, chữ Hán và chữ Nôm đã chuyển tải tư tưởng và tình cảm của người Việt, đã cùng chia sẻ vui buồn, vinh nhục với dân Nam. Thay thế chữ ghi ý có tính truyền thống và nhiều kỷ niệm ấy bằng chữ ghi âm mới du nhập một lần với tàu sắt và súng đồng của kẻ thù đến từ phương Tây, thử hỏi người Việt Nam nào nặng tình dân tộc mà không cảm thấy mất mát như vừa đánh rơi một kỷ vật, như phải ly biệt một người thân? Cổ học suy tàn, chữ Hán và chữ Nôm dần “khuất bóng” đã tạo cho nhà thơ mới Vũ Đình Liên cảm xúc để viết nên kiệt tác Ông đồ, thay mặt những người Việt có lòng hoài cổ nói lời ai điếu thê lương:

                  “Mỗi năm hoa đào nở,
         Lại thấy ông đồ già,
                  Bày mực tàu giấy đỏ,
                  Bên phố đông người qua.

                  (…)

                  Nhưng mỗi năm mỗi vắng,
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm,
Mực đọng trong nghiên sầu…”

  1. Dưới thời Pháp thuộc, được sự ưu ái có tính toán của thực dân, chữ Pháp được dạy từ cấp tiểu học và sau ba năm, từ lớp Nhì nhị niên (lớp 4 bây giờ), tiếng Pháp đã được dùng làm chuyển ngữ. Nhờ vậy, học hết cấp I, một học sinh lớp Đệ tứ (lớp 9 bây giờ) đã có thể nói lưu loát tiếng Pháp để có điều kiện trở thành thầy ký, thầy thông, thầy phán, v.v..Cũng nhờ có cái chìa khóa là tiếng Pháp ấy mà nhiều thanh niên trí thức Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám đã mở được cánh cửa kho tàng kiến thức phương Tây để học tập, nghiên cứu và trở thành những nhà báo, nhà văn, nhà biên khảo và phê bình có danh tiếng của văn Quốc ngữ giai đoạn 1930-1945. Giá trị và lợi ích của tiếng Pháp trước năm 1945 cũng gần giống với ích lợi và giá trị của tiếng Anh hiện nay.

Tuy nhiên, bỏ chữ Hán và chữ Nôm để học chữ Quốc ngữ, chữ Pháp hay tiếng Anh, thanh niên Việt Nam đã đánh mất thứ văn tự đã đồng hành cùng dân tộc qua lịch sử ngàn năm. Điều ấy cũng có nghĩa là trong một chừng mực nào đó chúng ta đã cắt đứt mối liên hệ với quá khứ ngàn năm của dân tộc. Với việc dạy tiếng Pháp như là một chuyển ngữ ở tất cả nhà trường Việt Nam trước năm 1945, với phong trào học tiếng Anh ào ạt như hiện nay của người lớn cũng như trẻ em, thử hỏi trong hàng ngàn, hàng vạn người Việt tốt nghiệp đại học trước đây, bây giờ và mai sau, có bao nhiêu nhà trí thức có thể đọc và hiểu được văn tự cổ của tiền nhân là chữ Nôm và chữ Hán? Không cần làm thống kê nhưng chúng ta cũng có thể nói rằng chuyên gia Hán Nôm của nước ta hiện nay và mai sau là quá ít. Có phải vì sự thiếu vắng ấy mà năm 2008 vừa qua Viện Nghiên cứu Hán Nôm của Việt Nam và Viện Harvard-Yenching của Hoa Kỳ đã thành lập Quỹ học bổng Hán Nôm với khoản phụ cấp kinh phí 20 triệu đồng cho một người để mời gọi những ai biết chữ Hán và chữ Nôm đến học tập và nghiên cứu một thời gian tại Viện? (2)

Cũng có ý kiến cho rằng chỉ cần biết chữ Quốc ngữ chúng ta cũng có thể tìm hiểu được tư tưởng và tình cảm của các tác giả Hán Nôm, vì nhiều tác phẩm chữ Hán và chữ Nôm đã được phiên dịch thành văn Quốc ngữ. Sự thật là còn rất nhiều bia đá và sắc phong viết bằng chữ Hán và chữ Nôm ở các đình chùa, còn rất nhiều tác phẩm Hán Nôm lưu trữ ở thư viện quốc gia Việt Nam và nhiều thư viện của các nước trên thế giới, tất cả đang chờ đợi những người Việt biết chữ Hán và chữ Nôm đến tìm đọc và nghiên cứu. Năm 2006, chỉ tại hai thư viện ở Paris, hai cán bộ của Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã “số hóa được 54 tên sách Hán Nôm với 16.858 trang ảnh”(3). Riêng châu bản của hai triều Gia Long và Minh Mạng, Viện Harvard-Yenching Hoa Kỳ đã “trao tặng 64 cuộn film(…) với 13.260 trang ảnh” (4).

  1. Trên Gia Định báo,số ra ngày 15 tháng 4 năm 1867, người đọc thấy những dòng dưới đây:

“Thầy ký dạy học có làm sách mẹo dạy tiếng Lang sa, có làm ra chữ quốc ngữ (sic) để người ta dễ học. Những người ký lục giỏi cùng siêng năng sẽ lo mà học chữ quốc ngữ vì có hai mươi bốn chữ mà viết đặng muôn ngàn chuyện, chữ chi mắc rẽ cũng viết đặng, không phải như chữ Tàu học già đời mà còn có chữ lạ viết không ra, ở đây có Phủ Tường đã học đặng chữ quốc ngữ, viết đặng, đọc đặng. Chữ ấy chẳng khó đâu, ra công học một đôi tháng thì thuộc hết”.

Đúng là chỉ với “hai mươi bốn chữ”cái, người học chữ Quốc ngữ có thể “viết đặng muôn ngàn chuyện”, nhưng viết mà không hiểu hoặc hiểu lờ mờ cả hàng ngàn từ Hán Việt. Bạn trẻ ngày nay không lạ gì với hai chữ “tiền phong”, nhưng có người hỏi “phong”là gì thì không thể trả lời. Chúng tôi đã nhiều lần đặt câu hỏi này trong các giảng đường đại học và chỉ nhận được lời giải thích “phong”là “gió”. Nếu “phong” có nghĩa là “gió” thì “thanh niên tiền phong” là “thanh niên trước gió”! “Thanh niên trước gió”mà thiếu bản lĩnh, mất lập trường thì sẽ vật vờ theo chiều gió như một loài cỏ dại! Phải viết chữ Hán, thấy mặt chữ “phong” ()với bộ “kim” (), chúng ta sẽ hiểu “phong” là cái “mũi nhọn” bằng sắt thép, như mũi gươm, mũi giáo mà người ta sẵn sàng lao về phía trước để đương đầu với địch thủ. Hiểu rõ được ý nghĩa ấy của chữ “phong” thì những bạn trẻ tự nhận là “thanh niên tiền phong”mới biết rõ nhiệm vụ của mình.

Đúng là người học chữ Quốc ngữ chỉ cần mất vài ba tháng đã đọc thông viết thạo. Nhưng “ra công học một đôi tháng” để “thuộc hết” rồi thì chữ Quốc ngữ chẳng còn gì để mà học tập, để mà nghiên cứu nữa. Trái lại, mỗi chữ Hán, chữ Nôm là một bức tranh gợi tả nhiều ý nghĩa mà tiền nhân muốn trao gởi lại cho hậu thế. Để hiểu nghĩa từ Hán Việt, tác giả bài viết này thường xuyên tra tự điển Hán Việt, mãi cho đến khi đã “già đời” vẫn còn có nhiều hứng thú khi nhận biết được ý nghĩa sâu xa của một chữ Hán. Tiếng Hán Việt có từ “hưu”nghĩa là “nghỉ ngơi”. Tra từ điển Hán Việt, chúng ta thấy “hưu” (退休)được tạo thành bởi hai thành phần: “Nhân đứng” (nhan) là “người” và “mộc” () là “cây”. Người đứng dưới gốc cây là “nghỉ ngơi”. Bằng trực giác thiên tài, cổ nhân phương Đông đã cảm nhận được mối quan hệ mật thiết, quan hệ sinh tử giữa người và thiên nhiên mà thành phần tiêu biểu là cây xanh. Qua chữ “hưu”này, từ mấy ngàn năm trước, người xưa đã trao truyền lại cho chúng ta ngày nay một bài học có giá trị về môi trường sống. Nhìn nét chữ tượng hình, nhận biết ý nghĩa sâu sắc của từ “hưu”, chúng tôi hiểu rõ vì sao Đức Thế Tôn đã đản sanh dưới cây vô ưu, thành đạo bên gốc cây bồ đề và nhập diệt trong bóng mát của rừng cây sa…. 

Với chủ trương đổi mới và xu hướng mở cửa , hội nhập ngày nay, thanh niên Việt Nam không những phải biết chữ Quốc ngữ mà còn phải học thêm một vài ngoại ngữ để có cơ hội tiến thân và góp phần xây dựng đất nước một cách hữu hiệu. Tuy nhiên, những người Việt Nam yêu nước, biết quý trọng tiếng nói của dân tộc, những người làm công tác văn hóa giáo dục như các nhà nghiên cứu, những nhà giáo, nhà văn, nhà báo, các biên tập viên ở các nhà xuất bản, trên các đài phát thanh và truyền hình, nếu không có điều kiện học thêm chữ Hán thì cũng nên chịu khó thường xuyên tra từ điển Hán Việt. Tra từ điển để không nhầm lẫn “cảnh quan” với “quang cảnh”, “điểm yếu” với “yếu điểm”, “nhân thân” với “thân nhân”; để nói “cảm khái”, “chẩn đoán”, “ta thán” mà không nói “cảm khoái”, “chuẩn đoán”, “ca thán”; để giải thích “xuyên” (trong thường xuyên) là “dòng sông” mà không giải thích là “xuyên qua”, giải thích “quy tiên” là “về cõi tiên” mà không giải thích là “về với tổ tiên”; để viết “sa mạc hoang vắng” mà không viết “sa mạc hoang vu”, viết “nói tràng giang đại hải” mà không viết “nói tràn lan đại hại”, viết “con tép là cứu tinh của người dân vùng lũ” mà không viết “con tép là cứu cánh của người dân vùng lũ”, v.v.

Qua những điều vừa trình bày ở trên, chúng ta có thể kết luận chữ ghi ý hay chữ ghi âm đều có ưu điểm và nhược điểm của nó. Vì hoàn cạnh đặc thù của lịch sử Việt Nam trong nửa đầu thế kỳ XX mà chúng ta phải thay thế chữ Hán, chữ Nôm bằng chữ Pháp và chữ Quốc ngữ. Sự chọn lựa này không phải là không có đau đớn, vì chúng ta được nhiều mà mất cũng không ít. Cho nên người Việt ở đầu thế kỳ XXI này không còn bồng bột và thiếu hiểu biết để suy tôn chữ Quốc ngữ đến mức như ai đó đang làm khi cho rằng nhờ có chữ Quốc ngữ mà Việt Nam đã tiến nhanh ba thế kỷ!? Nếu nhận định này đúng thì phải chăng nước Nhật Bản và nước Trung Hoa đã chậm tiến ba trăm năm so với Việt Nam, vì hai quốc gia này không chịu thay thế chữ ghi ý truyền thống của tổ tiên bằng chữ ghi âm do các giáo sĩ phương Tây chế tác?!

Chữ ghi ý và chữ ghi âm có đủ ưu điểm và nhược điểm cũng như cổ học và tân học có đủ mặt mạnh và mặt yếu. Đã xa rồi cái thời thanh thiếu niên theo Tây học “xúm nhau lại chế giễu, mạt sát” những nho sĩ, những cụ đồ là “quê mùa”, là “hủ lậu”. Cũng không còn nữa những bạn trẻ đi theo dấu chân cũ của Tự lực Văn đoàn để dứt khoát “Đoạn tuyệt” với quá khứ của giống nòi. Nước Việt ngày nay mở cửa, giao lưu với các nước tiên tiến trên thế giới nhưng cũng biết quý trọng, biết giữ gìn những giá trị có tính truyền thống của văn hóa dân tộc. Lúc này, tại quê nhà cũng như ở các phương trời xa, vẫn còn đó những người con nước Việt không quên cội nguồn, vẫn còn đó những tấm lòng Việt Nam hoài cổ, âm thầm, u tịch mà không kém phần sâu lắng:

      “Lòng ta là những hàng thánh quách cũ,
Tự ngàn năm bỗng vẳng tiếng loa xưa”. 

Chú thích:

  1. Điều tâm niệm thứ nhất trong Mười điều tâm niệm của Hoàng Đạo
  2. Tạp chí Hán Nôm, số 4 (89) năm 2008, tr. 83
  3. Tạp chí Hán Nôm, Sđd tr. 72-76
  4. Phạm Thế Ngữ, Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, tập III, Quốc học tùng thư, Sài Gòn, 1965, tr.67.
  5. Hoài Thanh, Thi nhân Việt Nam, Thiều Quang, Sài Gòn, 1967, tr. 74
  6. Tên một cuốn tiểu thuyết của Nhất Linh.
  7. Vũ Đình Liên, Lòng ta là những hàng thành quách cũ

Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 89

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here