Suy nghĩ hay diễn đạt một thứ gì đó dựa vào ký ức và ngôn ngữ tức không phải và không còn là thực tại. Đấy chỉ là hình ảnh được sao chép bởi ý thức và kinh nghiệm. Triết gia Hy Lạp cổ đại Heraclitus nói rằng người ta không thể đặt chân hai lần trên một dòng sông.
Trong tiếng Việt, có một câu nói hàm ý rất hay về thực tại:
“Mải lo suy nghĩ, bỏ quên thực tại”.
Câu nói này, một mặt ám chỉ sự kiện rằng người ta cứ lo nghĩ vẩn vơ đến độ bỏ quên những việc trước mắt, những việc lẽ ra cần phải được quan tâm giải quyết trước mắt hay cần làm ngay. Mặt khác, nó ngụ ý rằng thực tại không nằm trong suy nghĩ; suy nghĩ tức là đánh mất thực tại.
Đạo Phật nêu quan điểm tương tự về thực tại. Trước hết, đạo Phật cho rằng thực tại là cái trước mắt mà mọi người có thể nhìn thấy hay cảm nhận, không phải những gì xa xôi trừu tượng. Trong số các từ ngữ Đức Phật dùng để chỉ thực tại, người ta tìm thấy từ dukkha (khổ đau), ngoài các từ ngữ khác như paticcasamuppàda (duyên sinh), anicca(vô thường), anatta (vô ngã). Tất cả chỉ là thực tại đang trôi chảy; không có gì tồn tại mãi, kể cả khổ đau. Từ đây đạo Phật đề xuất cách nhận diện và sống với thực tại, đó là tập trung quán sát về mọi hiện tượng khổ đau (ngũ uẩn, thập nhị xứ, thập bát giới – con người và thế giới chung quanh), thấy rõ chúng là giả hợp, vô thường, vô ngã (không làm chủ được), khiến tâm thức trở nên tỉnh táo, sáng suốt, không còn rơi vào luyến ái, vướng mắc, không thuận ứng hay nghịch ứng1, đạt đến thanh thản, tịch tịnh, Niết-bàn; gọi là sống giải thoát an lạc ngay đây và bây giờ. Theo quan niệm của đạo Phật thì mọi sự vật và hiện tượng chỉ là một hợp thể gồm các nhân duyên đang vận hành, một dòng chảy tương tục, thường xuyên thay đổi, không có tên tuổi; do vậy, cái mà ta gọi là đau khổ cũng chỉ là cảm thức đóng khung về cái thực tại đang chuyển biến, đang thay đổi, một ngã tưởng, một ý niệm nắm giữ; kỳ thực không có cái gọi là khổ đau trong một tâm thức vắng lặng, không khởi niệm, không bị ám ảnh bởi ngã tưởng. Tự nó cơn đau nào rồi cũng ra đi; chỉ bởi thói quen ôm ấp mà dư âm của nó cứ ám ảnh, đeo bám ta mãi. Chính vì thế mà luận về phương pháp buông bỏ khổ đau, Buddhaghosa nói rằng có sự thật khổ đau nhưng không có người đau khổ.2
Nhận diện cho thật đúng về thực tại vô thường, vô ngã của hiện hữu để thiết lập một đời sống an lạc ngay trong dòng chảy đầy biến động của cuộc đời chính là thái độ minh triết của đạo Phật. Đó chính là quan niệm sống giải thoát an lạc ngay trong hiện tại, nhờ đưa tâm về với thực tại hay nhờ dứt trừ mọi ý tưởng tầm cầu, so sánh, phân biệt, phán xét, gọi chung là vọng niệm. Đây chính là lẽ sống minh triết Phật giáo, tức là sống với những gì đang là, đang trôi chảy, với một tâm tư hoàn toàn sáng suốt, tỉnh giác, vắng bặt mọi ý niệm phân biệt, mọi ý tưởng vui buồn, mọi cảm giác yêu ghét. Nói cách khác, đó chính là lẽ sống giác ngộ, giải thoát, an nhiên tự tại của một tâm tư hoàn toàn tỉnh táo và sáng suốt, cảm thức trọn vẹn về những gì đang diễn tiến mà không một chút vấn vương, không một chút hệ lụy, không rơi vào ý niệm tìm cầu, suy tính thiệt hơn, hy vọng hay thất vọng. Kinh Niệm xứ (Satipatthànasutta) gọi đó là sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời (anissito ca viharati na ca kinci loke upàdiyati), và đề xuất nhiều cách thức để thực nghiệm xoay quanh bốn chủ đề:
Quán thân trên thân, nhiệt tâm, tinh cần, tỉnh giác để diệt trừ tham ưu ở đời.
Quán thọ trên các cảm thọ, nhiệt tâm, tinh cần, tỉnh giác để diệt trừ tham ưu ở đời.
Quán tâm trên tâm, nhiệt tâm, tinh cần, tỉnh giác để diệt trừ tham ưu ở đời.
Quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tinh cần, tỉnh giác để diệt trừ tham ưu ở đời.
Thân (kàya), thọ (vedanà), tâm (citta), pháp (dhamma) là bốn đối tượng quán niệm được vận dụng để thực tập an trú tâm, đưa tâm về với thực tại, khiến cho tâm được an trú, an tọa, định tĩnh, nhất tâm3, không tán loạn, không dao động, đạt đến sáng suốt, sạch trong, không uế nhiễm, không còn bóng dáng các phiền não tham-sân-si. Đó cũng chính là lúc cái tâm được tu tập trở nên hoàn toàn tỉnh giác, vắng lặng, thanh tịnh, thấy rõ sự đến và đi, sanh và diệt của hết thảy mọi sự vật và hiện tượng một cách an nhiên tự tại, không phản ứng, không vui buồn, không yêu ghét. Nói cách khác, đó chính là sống với thực tại, sống với những gì đang là với một tâm tư hoàn toàn trống không, rỗng không, không suy nghĩ, không tư lường, không phân biệt, không phê phán. Các pháp hiện hữu và diễn tiến như thế nào thì thấy như thế ấy mà không đóng khung, không tra vấn, không để ý thức xen vào làm công việc ước lượng, so sánh, phân biệt, đánh giá hay phán xét. “Khi khổ (mọi hiện tượng và sự vật) sanh thời xem là sanh, khi khổ diệt thời xem là diệt; vị ấy không có nghi ngờ, không có phân vân, không duyên vào ai khác, trí ở đây là của vị ấy”4.
Kinh Niệm xứ gọi đó là sự tỉnh thức hay biết rõ: “Tỳ- kheo khi bước tới, bước lui, biết rõ việc mình đang làm; khi ngó tới ngó lui, biết rõ việc mình đang làm; khi co tay, khi duỗi tay, biết rõ việc mình đang làm; khi mang áo tăng-già-lê (sanghati), mang bát, mang y, biết rõ việc mình đang làm; khi ăn, uống, nhai, nếm, biết rõ việc mình đang làm; khi đại tiện, tiểu tiện, biết rõ việc mình đang làm; khi đứng, ngồi, ngủ, thức, nói, im lặng biết rõ việc mình đang làm”5.
Một cách triết lý, Đức Phật nói về lẽ sống giải thoát, an nhiên tự tại trước mọi thực trạng biến đổi: “Trong cái thấy sẽ chỉ là cái thấy, trong cái nghe sẽ chỉ là cái nghe, trong cái thọ tưởng sẽ chỉ là cái thọ tưởng, trong cái thức tri sẽ chỉ là cái thức tri”6.
Trong một văn cảnh khác, Ngài khuyên nhắc và giải thích chi tiết cho chúng ta về cách thức sống với thực tại an lạc.
Đó là:
Quá khứ không truy tìm,
Tương lai không ước vọng.
Quá khứ đã đoạn tận,
Tương lai lại chưa đến.
Chỉ có pháp hiện tại,
Tuệ quán chính ở đây.
…
Và này các Tỳ-kheo, thế nào là truy tìm quá khứ? Vị ấy nghĩ: “Như vậy là sắc của tôi trong quá khứ”, và truy tìm sự hân hoan trong ấy; “Như vậy là thọ của tôi trong quá khứ”, và truy tìm sự hân hoan trong ấy; “Như vậy là tưởng của tôi trong quá khứ”, và truy tìm sự hân hoan trong ấy; “Như vậy là hành của tôi trong quá khứ”, và truy tìm sự hân hoan trong ấy, “Như vậy, là thức của tôi trong quá khứ”, và truy tìm sự hân hoan trong ấy. Như vậy, này các Tỳ-kheo, là truy tìm quá khứ.
Và này các Tỳ-kheo, thế nào là không truy tìm quá khứ? Vị ấy nghĩ: “Như vậy là sắc của tôi trong quá khứ”, và không truy tìm sự hân hoan trong ấy; “Như vậy là thọ của tôi trong quá khứ”, và không truy tìm sự hân hoan trong ấy; “Như vậy là tưởng của tôi… Như vậy là hành của tôi… Như vậy là thức của tôi trong quá khứ”; và không truy tìm sự hân hoan trong ấy. Như vậy, này các Tỳ-kheo, là không truy tìm quá khứ.
Và này các Tỳ-kheo, thế nào là ước vọng tương lai? Vị ấy nghĩ: “Mong rằng như vậy sẽ là sắc của tôi trong tương lai”, và truy tìm sự hân hoan trong ấy; “Mong rằng như vậy sẽ là thọ của tôi trong tương lai”, và truy tìm sự hân hoan trong ấy; “Mong rằng như vậy là tưởng của tôi… là hành của tôi… Như vậy là thức của tôi trong tương lai”, và truy tìm sự hân hoan trong ấy. Như vậy, này các Tỳ-kheo, là ước vọng trong tương lai.
Và này các Tỳ-kheo, thế nào là không ước vọng trong tương lai? Vị ấy nghĩ: “Mong rằng như vậy sẽ là sắc của tôi trong tương lai”, và không truy tìm hân hoan trong ấy; “Mong rằng như vậy sẽ là thọ của tôi trong tương lai”, và không truy tìm hân hoan trong ấy; “Mong rằng như vậy sẽ là tưởng… sẽ là hành… sẽ là thức của tôi trong tương lai, “và không truy tìm hân hoan trong ấy. Như vậy, này các Tỳ-kheo, là ước vọng trong tương lai.
Và này các Tỳ-kheo, như thế nào là bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại? Ở đây, này các Tỳ-kheo, có kẻ vô văn phàm phu không đi đến các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh; không đi đến các bậc Chân nhân, không thuần thục pháp các bậc Chân nhân, không tu tập pháp các bậc Chân nhân; quán sắc là tự ngã, hay quán tự ngã là có sắc, hay quán sắc là trong tự ngã, hay quán tự ngã là trong sắc, hay vị ấy quán thọ là tự ngã, hay quán tự ngã là có thọ; hay quán thọ là trong tự ngã, hay quán tự ngã là trong thọ, hay vị ấy quán tưởng là trong tự ngã, hay quán tự ngã là có tưởng, hay vị ấy quán tưởng là tự ngã, hay quán tự ngã là có tưởng, hay vị ấy quán hành là tự ngã, hay vị ấy quán tự ngã là có hành, hay vị ấy quán hành là trong tự ngã, hay vị ấy quán tự ngã là trong hành; hay vị ấy quán thức là tự ngã, hay quán tự ngã là có thức, hay quán thức là trong tự ngã, hay quán tự ngã là trong thức. Như vậy, này các Tỳ-kheo, là bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại.
Và này các Tỳ-kheo, thế nào là không bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại? Ở đây, này các Tỳ-kheo, có vị Đa văn Thánh đệ tử đi đến các bậc Thánh, thuần thục pháp các bậc Thánh, tu tập pháp các bậc Thánh, đi đến các bậc Chân nhân, thuần thục pháp các bậc Chân nhân, tu tập pháp các bậc Chân nhân. Vị này không quán sắc là tự ngã, không quán tự ngã là có sắc, không quán sắc là trong tự ngã, không quán tự ngã trong sắc; không quán thọ… không quán tưởng… không quán hành… không quán thức là tự ngã, không quán tự ngã là có thức, không quán thức trong tự ngã, không quán tự ngã trong thức. Như vậy, này các Tỳ-kheo, là không bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại”7.
Với các định nghĩa trên thì sống giải thoát an lạc ngay trong hiện tại hay còn gọi là sống với thực tại chính là sống với một tâm thức hoàn toàn trong sáng, vắng lặng, không bị ám ảnh bởi ký ức quá khứ, không bị thôi thúc bởi vọng tưởng tương lai, cũng không bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại, tức là không rơi vào ngã tưởng hay những ý nghĩ liên hệ đến tự ngã hay “tôi” khiến cho tâm thức bị dao động, tán loạn, quay cuồng trong thế giới của các tư duy phân biệt đối đãi, không định tĩnh, không an tịnh, không giải thoát. Nói khác đi, khi một tâm thức rời xa mọi ý niệm phân biệt, tìm cầu, mọi hoài niệm, mọi vọng tưởng, đã trở nên thức tỉnh và vắng lặng, đã đạt đến chỗ tịch tịnh thì bấy giờ những gì xảy ra đều không ảnh hưởng gì đến nó. Nó là thanh thản, an nhiên tự tại, vì nó không phản ứng, không dao động, không rơi vào luyến ái, không chống đối, độc lập, không trói buộc, giải thoát, không hệ lụy8. Ngắm nhìn dòng sông đang chảy hay trông thấy chiếc lá đang rơi mà không động tâm suy nghĩ, ưu tư, lo lắng, hy vọng hay thất vọng tức là sống với thực tại, là an nhiên tự tại, không có đau khổ trong dòng biến dịch bất tận của hiện hữu.
Tóm lại, thực tại là những gì đang diễn biến, chuyển động, sinh diệt liên tục. Nó không dính dáng gì đến ý tưởng có không, hơn thua, được mất, buồn vui, lạc khổ của đầu óc con người. Tựa như dòng sông, tất cả đều chuyển biến, trôi chảy không ngừng và do vậy sống với thực tại tức là sống với những gì đang chuyển biến, đang trôi chảy, sống với cái tâm hoàn toàn tỉnh thức, vắng lặng, không ái luyến, không tìm cầu, không chấp trước, không suy nghĩ, không ước lượng, không phán xét, không so sánh hay phân biệt. “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm.” Đây là lẽ sống minh triết được nhấn mạnh trong đạo Phật mà các bản kinh Trung Bộ như Niệm xứ, Nhất dạ hiền giả đã nói đến với các chỉ dẫn và giải thích chi tiết về phương pháp thực hiện.
Thực tại cuộc đời có thể là có hoặc không, hơn hay thua, được hay mất, vui hay buồn, lạc hay khổ tùy theo cách nhìn và ý chí của bạn; nhưng dù bạn có gọi nó là gì đi nữa thì tất cả chỉ là một dòng trôi liên tục, không do ai tạo ra, cũng không ai ngăn cản được. Nhận thức được như vậy thì bắt đầu thấy ra ý nghĩa và giá trị của pháp môn Niệm xứ hay cách thức sống với thực tại được nói đến trong đạo Phật, mới có đủ cơ sở để hiểu vì sao Đức Phật dạy quán niệm hơi thở vô hơi thở ra một cách nhiệt tâm, tinh cần, tỉnh giác thì có thể diệt trừ được tham (abhigijjhana) và ưu (domanassa) ở đời, cũng được gọi là tham (ràga) và sân (patigha), tức hai loạt phản ứng thuận và nghịch của tâm thức dẫn đến khổ đau cùng có chung cội rễ là vô minh (avijjà) hay si mê (moha), là con đường độc nhất (ekàyano-maggo) đưa đến thanh tịnh cho chúng sinh, vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết- bàn9. Trong kinh Tương Ưng Bộ10 có lưu một cuộc đối thoại lý thú giữa Đức Phật và vị Thiên tử Kakudha xoay quanh kết quả lợi lạc thiết thực của pháp môn Niệm xứ hay cách thức sống với thực tại do Đức Phật tự thân chứng nghiệm và chỉ bày. Thiên tử tên Kakudha đến hỏi Thế Tôn, bậc Giác ngộ:
– Thưa Sa-môn, Ngài có hoan hỷ không?
– Ta được cái gì, này Hiền giả, mà Ta hoan hỷ?
– Nếu vậy, thưa Sa-môn, có phải Ngài sầu muộn?
– Ta mòn mỏi cái gì, này Hiền giả, mà Ta sầu muộn?
– Vậy thì thưa Sa-môn, Ngài không hoan hỷ và không sầu muộn?
– Thật như vậy, này Hiền giả.
Thiên tử Kakudha:
Làm sao, này Tỳ-kheo, Ngài không có sầu muộn, Làm sao ở nơi Ngài,
Hoan hỷ không khởi lên? Làm sao nay Ngài lại, Ngồi cô độc một mình, Không có được hoan hỷ,
Cũng không bị dao động?
Bậc Giác ngộ:
Hoan hỷ chỉ có đến,
Với người tâm sầu muộn, Sầu muộn chỉ có đến,
Với người tâm hoan hỷ. Do vậy, vị Tỳ-kheo,
Không hoan hỷ, sầu muộn. Vậy nên, này Hiền giả,
Ông phải biết như vậy.
Thiên tử Kakudha:
Đã lâu, con mới thấy, Bà-la-môn tịch tịnh,
Vị Tỳ-kheo không sầu, Cũng không có hoan hỷ, Đã an toàn vượt khỏi,
Chỗ người đời đắm say.
Chú thích:
1. Chỉ cho thái độ tham và sân, tức là tham ái đối với những gì thích ý, hấp dẫn và bất mãn đối với những gì không thích ý, không hấp dẫn.
2. Thanh tịnh đạo luận, Chương XVI: Mảnh đất cho tuệ tăng trưởng.
3. Kinh Thân hành niệm, Trung Bộ.
4. Kinh Kaccayanagotta, Tương Ưng Bộ.
5. Kinh Niệm xứ, Trung Bộ.
6. Kinh Phật tự thuyết, Tiểu Bộ.
7. Kinh Nhất dạ hiền giả, Trung Bộ.
8. Kinh Bất đoạn, Trung Bộ.
9. Kinh Niệm xứ, Trung Bộ.
10. Kinh Kakudha, Tương Ưng Bộ.