Trang chủ Vấn đề hôm nay Mục tiêu của giáo dục Phật giáo

Mục tiêu của giáo dục Phật giáo

235
0

I. Bàn về hạnh phúc

Mọi hoạt động có ý thức của con người đều nhằm mục đích nào đó. Đạt được mục đích thì phát sinh một cảm nhận dễ chịu, thỏa ý. Qua thực tế này, người ta bảo rằng sống hành động là nhằm mưu cầu hạnh phúc. Giáo dục cũng như mọi loại hình hoạt động tích cực khác đều hướng đến mục đích là làm cho con người vươn lên đến chỗ hoàn thiện, làm cho con người phát triển theo chiều hướng tốt đẹp hơn và từ đó cộng đồng xã hội được cái tiến. Nói chung, giáo dục cũng có mục tiêu là hạnh phúc cho nhân loại.

Thế nhưng, hạnh phúc là gì? Thật khó có một định nghĩa rõ ràng về hạnh phúc, vì người ta không quan niệm hạnh phúc như nhau, không có tiêu chuẩn cụ thể để đánh giá một hành động, một sự việc mang lại hạnh phúc ở mức độ nào, thậm chí có khi không xác định được đấy là hạnh phúc hay khổ đau.

Hạnh phúc thường được định nghĩa một cách đơn giản là sự thỏa mãn vật chất và tinh thần, thế nhưng thế nào là thỏa mãn vật chất, thỏa mãn tinh thần lại là một vấn đề khác. Có nhiều tiền bạc, có nhiều tiện nghi là hạnh phúc, hay có danh tiếng được ca ngợi là hạnh phúc, hay có con cái hiếu thuận là hạnh phúc? Thực tế thì các quan niệm về hạnh phúc đều không rõ ràng, có thể gây tranh cãi vì quá phụ thuộc vào cá tính, hoàn cảnh của mỗi người.

Phật giáo quan niệm đời là khổ. Điều này có nghĩa là Phật giáo cho rằng hạnh phúc hay giá trị tích cực là những gì làm vơi khổ, giải thoát khỏi cái khổ. Do đó, mục đích của Phật giáo, của giáo dục Phật giáo là giải thoát khỏi khổ. Tiêu chuẩn để đánh giá một hành động là mức độ giải thoát mà hành động đó mang lại. Giải thoát có nhiều cấp độ như giải thoát khỏi cái đói, cái nghèo, sự áp bức…cho đến sự giải thoát tối hậu là Niết-bàn.

II. Mục tiêu của giáo dục Phật giáo

Lịch sử đã ghi nhận biết bao nền văn minh đã sụp đổ vì những mục tiêu sai lạc trong phương hướng phát triển. Chiến tranh, nghèo đó, suy thoái đạo đức, cạn kiệt môi trường sống… là kết quả của những sai lạc ấy. Giáo dục phải chia sẻ trách nhiệm với xã hội trước những hậu quả gây khổ đau như vậy.

Gần đây, người ta thường bảo mục tiêu cụ thể và trước mắt của giáo dục là đào tạo những con người mới, những con người toàn diện với những tiêu chuẩn mang tính khoa học và đạo đức hiện đại, những con người phù hợp với xã hội mới và có khả năng làm cho xã hội mới phát triển. Mặt khác, giáo dục phải đào tạo những con người thuần túy chuyên môn theo sự phân công của xã hội. Một bên là những con người gần như siêu nhân, một bên là những con người gần như là người máy. Trong khi đó không có gì bảo đảm là xã hội đang phát triển theo chiều hướng đúng đắn. Có nhiều dấu hiệu cho thấy rằng con người thời nay không hạnh phúc hơn con người thời xưa nếu chúng ta không cho rằng nhiều tiện nghi vật chất là cốt lõi của hạnh phúc. Và nếu thế thì mẫu người mới của xã hội mới cũng chỉ là phản ảnh của một quan điểm nhất thời.

Giáo dục Phật giáo hướng đến mục đích hay mục tiêu tối hậu là cứu cánh giải thoát khỏi khổ đau, là Niết-bàn. Mẫu người lý tưởng tối hậu mà giáo dục Phật giáo muốn con người vươn tới là Phật. Học tập, tu hành là để làm Phật. Kế đến, con người lý tưởng mà giáo dục Phật giáo cần lấy khuôn mẫu để đào tạo là chư Bồ-tát, chư Thánh tăng đã chứng đạo, chư Tổ sư mà trình độ giải thoát đã được ghi nhận.

Chư Phật và chư Thánh giả nói trên là những mẫu người lý tưởng của Phật giáo và mục tiêu của giáo dục Phật giáo là đào tạo những con người có khả năng học tập và phát triển tâm linh cao để đạt đến trình độ giải thoát như những mẫu người lý tưởng ấy. Mặt khác, mục tiêu phải được hiểu là những điểm cuối của những chặng đường mà các đối tượng của giáo dục (người học) phải đạt đến trên con đường dài có nhiều chặng cần phải vượt qua để đạt được lý tưởng tối hậu. Do đó, giáo dục tùy hoàn cảnh tùy trình độ từng cá nhân mà phải có những mục tiêu trước mắt khác nhau. Đấy là những mẫu người chủ yếu là những Tăng Ni tài đức có khả năng tu tập, chứng đạt một trình độ tâm linh cao cả va có khả năng giảng dạy, hướng dẫn các Tăng Ni khác và các cư sĩ Phật tử trong sinh hoạt hàng ngày, tạo một xã hội khang lạc, vui tươi.

Phật giáo tuyên bố đời là khổ nên mọi hoạt động của Phật giáo, đặc biệt là giáo dục Phật giáo, đều lấy cuộc đời làm đối tượng, lấy những con người đang sống trong tập thể xã hội làm đối tượng. Cho nên, mẫu người đào tạo của Phật giáo trong mọi thời đại chính là những con người thâm hiểu và mang ý nguyện tu tập theo giáo lý của Đức Phật, đồng thời người ấy lại phải thích nghi với xã hội, với những kiến thức kỹ năng hiện đại.

III. Nhận xét về “con người toàn diện”

Như đã nói trước kia, “con người toàn diện”hình như chỉ là khẩu hiệu về mục tiêu đào tạo của giáo dục. “Con người toàn diện”trong ý nghĩa chung chung là con người được đào tạo về đủ mọi phương diện: đức, trí, thể, mỹ, lao. Năm phương diện này tạo thành nội dung giáo dục mà hơn một thế kỷ qua, các học đường thường đặt thành những mục tiêu để hướng đến. Tất nhiên, trên thực tế, đây chỉ là một mẫu người khá thích nghi với sự phát triển của xã hội. Ngoài ra, người ta còn nói đến “con người toàn diện”, đỉnh cao của con người toàn diện, xuất sắc về mọi phương diện. Dĩ nhiên, đây chỉ là một ước mơ của giáo dục khó có thể thực hiện khi mà các ngành khoa học, kỹ thuật phát triển lớn mạnh, đa dạng và chuyên sâu. Sự phát triển này đòi hỏi mẫu người chuyên môn và khiến một con người, với một tài năng có giới hạn,chỉ có thể chuyên môn về một ngành học nào đó mà thôi.

Con người toàn diện, theo Phật giáo, phải được hiểu là con người được giáo dục đào tạo và tự đào tạođể đúng là con người tự bảnthân có hạnh phúc thật sự và có khả năng tạo hạnh phúc cho người khác.

Do đó giáo dục Phật giáo phải nhằm tới đối tượng là con người đúng như con người vói hai phương diện: con người tự thân và con người xã hội. Đó là con người với nhân cách người có khả năng giải thoát tự thân để vượt qua những ràng buộc, những khổ đau, và con người trong những mối liên hệ với tự nhiên và xã hội, trong thế giới duyên sinh, vô thường, khổ, không, vô ngã. Đó là ý nghĩa của con người toàn diện trong giáo dục Phật giáo.

III. Kết luận – mục tiêu giáo dục là một sự chuyển hóa

Kinh điển Phật giáo thường dùng từ giáo hóa để thay cho giáo dục. Giáo hóa là từ Hán-Việt đươc dịch từ từ “paripae” trong Phạn ngữ. Các sớ luận thường giảng rằng ‘giáo’ là lấy thiện pháp mà dạy người ta, ‘hóa’ là làm cho người ta xa rời ác pháp. Kinh dạy: “Chuyển pháp luân vô thượng mà giáo hóa chư Bồ-tát, giáo hóa, an lập vô số chúng sinh, khiến họ an trú vào đạo vô thượng, chuyển ác thành thiện, chuyển phàm hóa thánh”. Rải rác trong các kinhĐại bổn của Trường A Hàm, Tăng Nhất A Hàm quyển 1, Pháp hoa quyển 4…, ta còn thấy các từ thay cho từ giáo dục như khai hóa, nhiếp hóa, khuyến hóa, thí hóa.

Trong những từ trên, chữ ‘hóa’ là chữ trọng tâm. Nó có nghĩa là biến đổi, làm cho trở thành, hóa thành. Mục tiêu của giáo dục, như đã được từ ‘hóa’ gợi lên, là làm cho biến chuyển; trở thành, chuyển hóa như thành ngữ “chuyển phàm hóa thánh”. Đôi khi, từ ‘hóa’ còn chỉ cho việc tạo ra sự nhảy vọt, sự đột chuyển (paravriti) như một số kinh, luận chủ trương và được thiền học triển khai. Sự đột chuyển này gọi là “đốn ngộ”.

Như vậy, mục tiêu của giáo dục Phật giáo bao giờ cũng là một sự chuyển hóa dù hàm ý tiệm tiến hay chớp nhoáng. Và, trong một chuỗi mục tiêu liên tục áp dụng vào đối tượng giáo dục, giáo dục Phật giáo luôn luôn sinh động, tràn trề sức sống và đầy hiệu năng.

Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 89

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here