Trang chủ Phật học Duy tâm và vô ngã trong kinh Lăng Già

Duy tâm và vô ngã trong kinh Lăng Già

211
0

I. HỌC THUYẾT DUY TÂM TRONG KINH LĂNG GIÀ

Có lẽ Lăng Già là một trong những bộ kinh phân tích cái Tâm một cách chi li, khúc chiết nhất trong kinh điển Phật giáo, làm căn bản cho bộ Duy thức luận của Vasubandhu. Học thuyết Duy tâm được biểu hiện trong các câu quen thuộc, thường được trích dẫn trong kinhLăng Già, chỗ nào cũng là tâm cả (nhất thiết xứ giai tâm), tất cả hình tướng đều do tâm khởi lên (chúng sắc do tâm khởi), ngoài tâm không có cái gì được trông thấy (tâm ngoại vô sở kiến), thế gian chỉ là tâm (tam giới duy thị tự tâm), ba cõi do tâm sinh (tam giới do tâm sinh) v.v..

Cái tâm trong ý nghĩa trên là cái tâm phân biệt, vọng động. Tâm ở đây bao gồm các hoạt động của tâm thức, tức bao gồm tâm thức đang vận hành với những hệ quả phức tạp của chúng (nhãn thức, nhĩ thức….,A-lại-da-thức). A-lại-da là trung tâm của hệ thống này. A-lại-da lại có cái hoạt tố phân biệt là Mạt-na. Bấy giờ A-lại-da là cái bị chấp. Mạt-na là cái chấp, cái biết. Cái biết (Mạt-na) này có tính phân biệt và cái công cụ phân biệt là ý thức. Ý thức nhận các dữ kiện từ năm giác quan đưa vào, rồi sắp xếp, so sánh, ra lệnh cho năm giác quan. Mặt khác, ý thức lại nạp các dữ kiện do nó sắp xếp , phân biệt vào A-lại-da, khiến A-lại-da có một nội dung phân biệt và trở thành đối tượng chấp trước của Mạt-na. Thế là hệ thống thức vận hành không ngừng, gồm thành cái má ta gọi là tâm, cái tâm phân biệt, chấp trước, vọng động như đã nói.

Là thành phần trung tâm của cái tâm, A-lại-da vốn từ vô thỉ hoàn toàn thanh tịnh, nhưng hiện tại nó đang bị ô nhiễm, nên có thể nói nó vừa tốt, vừa xấu và nó trung tính. Nó phải được tẩy sạch các nội dung mà nó đưa vào để trở nên thanh tịnh, uyên nguyên. Được như vậy thì A-lại-da trở thành căn bản thức (paralaya-vijnana) hay còn gọi là Như Lai tạng (thathagata-barbha). Do đó Như Lai tạng là cái Tâm tuyệt đối, là Phật tính, chân như, viên mãn thanh tịnh. Và cái tâm hiểu trong ý nghĩa này chính là Như Lai tạng, đối tượng của tu hành và thể chứng.

Rất nhiều lần, Lăng Già khẳng định tất cả mọi sự đều do tâm biến hiện, tất cả đều không thực có, đều do tưởng tượng, phân biệt. Đức Phật, qua kinh Lăng Già, thường ví cái thế giới tâm vật lý như hình nộm cử động do đôi tay của nhà ảo thuật, như đám mây, bóng cây trong nước, ánh chớp, tiếng dội, đứa bé trong mộng của người đàn bà không sanh đẻ được, một bức tranh, một vòng tròn tạo ra do quay một que củi cháy v.v..Ngôn ngữ, kể cả ngôn ngữ tư duy, mà cơ bản là các tên gọi (danh) cũng như các hình tướng (tướng) đều chỉ là những dấu hiệu không thực (giả danh-samketa), đấy là tưởng tượng, là biến kế sở chấp (parikalpita) mà thôi. Chỉ có một cái thấy, cái biết chân thực (hay như thực-yathabhutam) là cái biết ngay liền, trực giác(tức hiện lượng-pratyaksha) của Thánh trí(aryajnana). Chứng được Như Lai tạng hay Thánh trí lại là cái sở đắc những gì xưa nay vẫn như thế, vẫn ở trong mỗi người và chính là cái Tâm tuyệt đối bản lai diện mục, cái Tự chứng pháp tính(pratyatmadharmata), cái pháp tính xưa nay vẫn thường trụ (bổn trụ pháp tính-pauranasthitidharmata).

 II. DUY TÂM VÀ VÔ NGÃ

Cái tâm trong ý nghĩa là tác nhân của sự hình thành thế giới tâm vật lý, tức là sự vận hành của hệ thống tâm thức thì không khó khăn nhận định rằng tâm ấy là do nhân duyên tạo thành, do sự vận hành, tương tác của các thức theo hoàn cảnh và do đó tâm ấy không có tự tính hay tâm ấy vốn vô ngã. Nhưng cái tâm ý nghĩa A-lại-da thanh tịnh hay Như Lai tạng thì sao? Câu hỏi ấy cũng như câu hỏi rằng: Cái Chân tâm, cái Tự chứng pháp tính, Bổn trụ pháp tính là chân thật, thường hằng, bất biến há chẳng phải được hiểu như là một tự tính, cụ thể, vấn đề là: Như Lai tạng có phải là một thứ ngã không? Từ đây, phát sinh một thắc mắc tinh tế hơn: Phật tính, Như Lai tạng mà Lăng Già thường nhắc đến có trái với học thuyết vô ngã của Phật giáo mà ngay chính kinh Lăng Già vẫn luôn đề cao không?

Ta hãy bắt đầu bằng lời của Bồ-tát Ma-ha-ma-ti (Đại Huệ) hỏi Đức Phật(tr. 77,78 của Phạn bản Nanjo, Suzuki dịch ra Anh ngữ):

“Bấy giờ Bồ-tát Ma-ha-tát Ma-ha-ma-ti bạch Thế Tôn: Thế Tôn có nêu ra cái Như Lai tạng trong các kinh điển và quả thực Ngài đã miêu tả Như Lai tạng có bản tính sáng sủa, thanh tịnh như vốn không ô nhiễm, có ba mươi hai tướng tốt ẩn giấu trong thân thể của mỗi chúng sanh như một viên ngọc quý được bọc trong chiếc áo dơ, trong cái áo của uẩn (skandha), giới (dhatu) và xứ (àryatana) và bị bẩn vì bụi của tham, sân, si và huyễn tưởng, trong khi Thế Tôn miêu tả nó là trường cửu, thường hằng, tốt đẹp, bất biến. Thế Tôn dạy về Như Lai tạng như thế há lại không phải nó là cùng một thứ với cái tự ngã mà các triết gia (ngoại đạo) vẫn tuyên thuyết hay sao? Cái ngã như được nói đến trong các hệ thống triết học là một vị sáng tạo, trường cửu, bất định tính, có mặt khắp nơi và không bị hủy diệt”.

Câu cuối cùng của vấn nạn trên do Ngài Ma-ha-ma-ti nêu ra chỉ là một trong nhiều quan niệm về ngã, linh hồn mà ý nghĩa cơ bản là: Có một cái gì đó vô cùng tinh tế, trường tồn, vĩnh cửu, ở bên trong mỗi người hay mỗi chúng sanh, là linh hồn, là sự sống, là tinh thần, không phụ thuộc vào thể xác.

Trong Lăng Già, Đức Phật nói đến hai loại vô ngã là nhân vô ngã (pudgalanatràtmya) và pháp vô ngã (dharmanairàtmya). Ta hãy nói về pháp vô ngã trước, tức sự vô ngã của các sự vật mà học thuyết Duy tâm luôn luôn nói tới. Thế giới bên ngoài chỉ là phản ảnh của cái tâm phân biệt, là huyễn tưởng, như trăng trong nước, như hình ảnh trong tấm kính…Về pháp vô ngã, Đức Phật dạy:

“Này Ma-ha-ma-ti, thế nào là pháp vô ngã? Đấy là thể nghiệm rằng các uẩn, giới, xứ được định tính bằng bản chất của sự phân biệt sai lầm. Này Ma-ha-ma-ti, vì uẩn, giới, xứ chỉ là một sự tích tập của các uẩn và phải chịu nhân duyên hỗ tương ràng buộc nhân quả với nhau bằng sợi dây khả ái và nghiệp, nên không có nhân tố tạo sanh nào trong chúng cả. Này Ma-ha-ma-ti, các uẩn không có các tướng đặc thù và tướng tổng quát. Kẻ ngu vì phân biệt lầm lạc mà tưởng ra cái đa phức của các hiện tượng; còn người trí thì không như thế. Này Ma-ha-ma-ti, khi nhận ra rằng tất cả các sự vật đều không có tâm, ý, ý thức, năm pháp, ba tự tính, vị Bồ-tát Ma-ha-tát sẽ biết thế nào là pháp vô ngã” (tr. 70 sđd).

Đoạn kinh trên khẳng định rằng thế giới bên ngoài hiện hữu là do sự phân biệt của tâm, do sự giao thoa giữa chủ thể tâm vật lý (uẩn) với đối tượng bên ngoài (giới) và với các quan năng nhận thức (xứ). Đấy là do duyên sinh, vì duyên sinh nên tất cả đều không có tự tính, tức là vô ngã.

Còn cái vô ngã kia, tức nhân vô ngã, rốt ráo hơn nữa là sự vô ngã của Như Lai tạng thì vấn đề trở nên khó khăn hơn. Chúng ta cố tìm hiểu ý nghĩa – vô ngã, trước khi tìm hiểu về nhân vô ngã.

III. TÂM-NGÃ VÀ VÔ NGÃ

Nếu hiểu lầm là toàn bộ hệ thống thức và sự vận hành của chúng (tâm tụ hay thức thân – cittakapala, vijvanakaya) thì khái niệm về sự vô ngã của tâm tương đối dễ hiểu vì các thức nương vào nhau mà vận hành, đấy là ý nghĩa duyên sinh, đưa đến ý nghĩa vô ngã. Nhưng một khi học thuyết Duy tâm được tụ về cực điểm của nó là A-lại-da hay Như Lai tạng thì tâm có vẻ giống như một tự ngã, một linh hồn hằng cửu.

Phật giáo vẫn một mực bác bỏ cái ngã linh hồn như thế và tuyên bố rằng không thể tìm đâu được một cái ngã như thế. Mặt khác, Phật giáo lại nêu lên tính bất khả tư nghì của những gì mang tính tuyệt đối. Lăng Già thừa nhận có một nguyên lý tối hậu, cái Tự chứng pháp tính hay Bổn trụ pháp tính vốn là một diễn dịch của cái Tâm tuyệt đối, Như Lai tạng, Ngã hay Vô ngã có thể chỉ là những phương pháp đối trị những thắc mắc hữu ngã hay vô ngã. Và nếu như thế thì câu hỏi đặt ra ở trên kia hoặc chỉ là một giả vấn đề hoặc vấn đề chưa được giải đáp.

Ta hãy trở lại câu hỏi của Bồ-tát Ma-ha-ma-ti: “Thế Tôn dạy về Như Lai tạng như thế, há lại không với phải là cùng một thứ với cái tự ngã mà các triết gia vẫn tuyên thuyết đó sao?”.

Đức Phật đã trả lời như sau: “Không, này Ma-ha-ma-ti, Như Lai tạng của Ta không phải như cái ngã mà các triết gia tuyên thuyết. Này Ma-ha-ma-ti, vì cái mà Như Lai tuyên thuyết là Như Lai tạng có ý nghĩa rằng đấy là cái không, cái bờ giới của thực tính, Niết-bàn,vô sinh, vô định tính và vô nguyện. Lý do khiến chư Như Lai, bậc A-la-hán, đấng Toàn Giác thuyết giáo lý Như Lai tạng là để làm cho kẻ ngu nói đến giáo lý vô ngã và để làm cho họ thể chứng trạng thái vô phân biệt, vô tưởng. Và này Ma-ha-ma-ti, Ta cũng mong rằng chư Bồ-tát Ma-ha-tát trong hiện tại và trong vị lai sẽ không có ý niệm về một cái ngã (mà tưởng rằng nó là một linh hồn). Này Ma-ha-ma-ti, cũng giống như một người thợ đồ gốm tạo ra nhiều bình lọ do một khối đất sét cùng một loại bằng sự khéo tay và cần mẫn, với một cái cần, nước và chỉ; này Ma-ha-ma-ti, chư Như Lai thuyết giảng về sự vô ngã của các sự vật, gỡ bỏ tất cả những dấu vết phân biệt nhờ vào các phương tiện thiện xảo khác nhau phát xuất từ trí tuệ siêu phảm của chư vị: đấy là có khi chư vị dùng lý thuyết Như Lai tạng, có khi dùng lý thuyết vô ngã. Và cũng như người thợ đồ gốm, chư vị dùng nhiều đề mục, nhiều biểu từ và nhiều từ đồng nghĩa mà thuyết giảng. Vì thế, này Ma-ha-ma-ti, học thuyết về Tự ngã của các triết gia không phải là cùng một thứ với giáo pháp như Như Lai tạng. Này Ma-ha-ma-ti, học thuyết Như Lai tạng được trình bày để thức tỉnh các triết gia cho họ khỏi chấp vào ý niệm về ngã, để cho những ai đã rơi vào các kiến giải cho rằng cái ngã phi hữu là thực và rơi vào cái ý niệm tam giải thoát là cứu cánh thì bây giờ nhờ học thuyết này mà họ có thể nhanh chóng ngộ được trạng thái chứng ngộ tối thượng” (tr. 79 sđd).

Đoạn kinh trên bao gồm 5 điểm sau đây:

1/ Học thuyết Như Lai tạng không cùng nghĩa với học thuyết Tự ngã. 2/ Như Lai tạng có ý nghĩa là không, vô tướng, vô nguyện (tức là vô ngã), 3/ Học thuyết Như Lai tạng nhằm cho người ngu khỏi sợ hãi khi nghe đến học thuyết vô ngã (vì vô ở đây không phải là trống rỗng, đối lập với hữu), 4/ Học thuyết Như Lai tạng nhằm cho người chấp ngã thức tỉnh, chóng đến Tam giải thoát (không, vô tướng, vô nguyện), và 5/ Học thuyết Như Lai tạng và học thuyết Vô ngã được thuyết giảng tùy theo hoàn cảnh, đối tượng, như là những phương tiện thiện xảo để trình bày chân lý. Như vậy, Như Lai tạng là vô ngã, nhưng không phải là cái gì trống rỗng mà là một thực tính tuyệt đối. Khẳng định như thế là giải đáp được phần nào câu hỏi trên. Trong nỗ lực giải đáp tối đa cho câu hỏi, ta thử xét thêm về nhân vô ngã, hay cái vô ngã của con người hay của một cái gọi là chủ thể.

Cái tư tưởng cho rằng mỗi người là một chủ thể, có tự tính hay linh hồn thật ra chỉ là do thói quen, tập khí phân biệt từ vô thỉ, thâm nhiễm qua chuỗi luân hồi dài của sinh mệnh trong ba cõi. Nếu không thể tìm ra được cái ngã nào trong con người thì không thể gán cho Như Lai tạng hay A-lại-da thức ở trong con người đó một ngã tính nào được. Về nhân vô ngã, Đức Phật dạy:

Nhân vô ngã nghĩa là gì? Đó là một tập hợp các uẩn, giới, xứ, không có gì thuộc ngã thể cả. Thức có gốc là vô minh, nghiệp và khát ái và thức duy trì chức năng của nó bằng cách nhiếp các đối tượng vào các căn như mắt, v.v..và do chấp các đối tượng là thực, trong khi một thế giới đối tượng và thân thể chỉ được thể hiện do bởi sự phân biệt xảy ra trong một thế giới của chính cái tâm, tức là trong A-lại-da thức. Do tập khí được chất chứa bằng cách suy tưởng sai lầm từ vô thỉ, cái thế giới này phải chịu vô thường và đoạn diệt trong từng sát-na giống như một dòng sông, một hạt giống, một ngọn đèn, gió và mây, trong khi cái thực nó như một con khỉ không lúc nào ngưng nghỉ, giống như một con ruồi bao giờ cũng tìm kiếm những thứ không sạch và những chỗ dơ bẩn, giống như một ngọn lửa không bao giờ thỏa. Lại nữa, cũng giống như một bánh xe kéo nước hay một cái máy, thức tiếp tục lăn bánh xe luân hồi, mang nhiều thân xác khác nhau, làm sống lại cái chết như quỷ Vetàla vẫn làm, khiến cho các hình nộm bằng gỗ cử động lung tung như nhà ảo thuật vẫn khiến. Này Ma-ha-ma-ti, đấy là sự thám hiểm về nhân vô ngã” (tr. 68,69 sđd).

Cũng như đã nói về pháp vô ngã, ở đây, Đức Phật cũng định nghĩa con người là một tập hợp của các uẩn, giới, xứ, tức là con người được hình thành do nhân duyên nên không thể mang ngã tính. Sự việc con người ý thức về mình, nghĩ mình là một chủ thể, có ngã, linh hồn là vì con người có tâm thức, sự vận hành các thức lại có gốc là nghiệp, và khát ái, tức là cái gốc mười hai chi phần duyên khởi được nói gọn. Do nghiệp lực và như là tập khí, thức vận hành không ngừng, tạo ra những hình ảnh, những ý tưởng, tạo ra sự sinh diệt luân hồi. Thức thiên biến vạn hóa như quỷ Vetàla, như nhà ảo thuật đến nỗi có thể ví như ông thần (thức thần), và thế là thế giới bên ngoài, bên trong con người đều là giả, là tưởng tượng.

Duy thức hay Duy tâm là nhẳm trỏ ý rằng cái thế giới này đây, con người này đây là do thức, do tâm tạo ra, chỉ có thức, chỉ có tâm mà thôi vậy. Duy tâm trong Lăng Già còn trỏ cái A-lại-da Như Lai tạng như là thực thể tối hậu và Duy tâm ở đây là duy A-lại-da, duy Như Lai tạng trong ý nghĩa thực thể tối hậu này là không, là vô ngã. Từ đó, Lăng Già để nghị phải chứng cho được cái thực thể tối hậu vô ngã này bằng một sự đột chuyển (paràvritti), được hiểu như sự đốn ngộ trong Thiền tông. Duy tâm của Lăng Già còn bao gốm ý nghĩa này nữa!

 VI. KẾT LUẬN

Trên đây là một nỗ lực để có thể nói được rằng học thuyết Duy tâm trong kinh Lăng Già một khi được phân tích đến phần cốt lõi là A-lại-da, Như Lai tạng, người ta có thể nghĩ rằng phần cốt lõi này mang một ngã tính, nhưng thật ra nó là vô ngã. Nỗ lực trên vẫn chưa thỏa đáng cho cái thắc mắc rằng: phải chăng có mâu thuẫn trong câu trả lời Bồ-tát Ma-ha-ma-ti của Đức Phật khi Ngài dạy rằng Như Lai tạng không giống với Tự ngã (tức Như Lai tạng là vô ngã) và rằng học thuyết Như Lai tạng nhằm cho người ngu khỏi sợ hãi khi nghe nói đến học thuyết vô ngã (tức là, một cách nào đó, Như Lai tạng khác với vô ngã)? Nếu người ngu sợ hãi khi nghe nói đến vô ngã (vì nghĩ rằng nếu vô ngã thì mình sẽ bị mất đi) thì người ấy cũng sẽ sợ hãi khi nghe nói đến Như Lai tạng nếu như Như Lai tạng không mang một ngã tính nào!

Thắc mắc ấy phải chăng phát xuất từ một trí óc nhị biên, phân biệt, chấp trước, điều màLăng Già cực lực bác bỏ? Lăng Già kêu gọi chúng ta hãy tự tu, hãy tự chứng cái chân lý tự nội (svasiddhanta), hãy làm sao có sự đột chuyển (paravritti) xảy ra ngay chính trong A-lại-da. Đây cũng chính là nội dung của pháp môn Thiền định vậy…■tang-kinh-lang-gia

Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 84

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here