Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Thiền Sư Vạn Hạnh và Bài Sấm Ký Trên Cây Gạo

Thiền Sư Vạn Hạnh và Bài Sấm Ký Trên Cây Gạo

165
0

Năm 980 nhà Tiền Lê thay thế nhà Đinh, năm 1009 nhà Lý thay thế nhà Tiền Lê. Hai cuộc thay ngôi đổi chủ cách nhau 29 năm nhưng tương đối giống nhau. Hai vua kế vị tiền triều đều còn bé, sự việc diễn ra trong hòa bình và hai vua mới đều được hai bà Thái hậu triều trước trân trọng mời vào cung trao long bào và ngôi báu. Chỉ khác nhau ở chỗ người chủ xướng thay đổi triều Đinh là một đại tướng quân có binh quyền, còn người chủ xướng thay đổi triều Tiền Lê là nhà sư trong tay không tấc sắt không tên quân.

Tháng 3 năm Ất Tỵ (1005) vua Lê Đại Hành băng hà, truyền ngôi cho Thái tử Lê Long Việt. Các hoàng tử khác tranh giành ngôi báu đem quân đánh nhau suốt 8 tháng trời mới yên, Thái tử đăng cơ chỉ được ba ngày thì bị em là Long Đỉnh giết hại, cướp ngôi.

Trong bốn năm trị vì (1005-1009) xét công luận tội thì Long Đỉnh tội nhiều hơn công. Sử thần Ngô Sĩ Liên nhận xét ”Ngọa Triều (Long Đỉnh) không những thích giết người lại còn oán vua cha không lập mình làm thái tử, đánh đau người Man để họ kêu gào, nhiều lần phạm đến tên húy của cha mà lấy làm thích” Còn sử thần Ngô Thì Sĩ thì :”Khai Minh Vương(Long Đỉnh) là dứa con hư của Đại Hành, là đứa em ngỗ nghịch của Trung Tông (Long Việt)…là kiếp sau của vua Kiệt vua Trụ, nhốt tù nhân dưới nước, đặt hình phạt ngọn cây, trác táng vì rượu gái, nhiều điều tối tăm hỗn loạn không thể nào hình dung”.

Khi Long Đỉnh chết, Ngô Thì Sĩ liên hệ đến triều Đinh và cho đó là quả báo nhãn tiền “Long Đỉnh giết Long Việt thì cũng như Đinh Liễn giết Hạng Lang. Bọn Phạm Cự Lượng tôn Lê Đại Hành cũng như bọn Đào Cam Mộc phò Lý Thái Tổ lên ngôi. Quả báo của kẻ làm nhiều điều ác như xoay theo vòng tròn”  Rồi ông tiết lộ một bí mật mà các sử gia khác không biết  “Lý Thái Tổ lại rất căm phẫn về tội ác giết anh cướp ngôi của Khai Minh Vương nhân lúc Khai Minh Vương bệnh tật, sai người vào đầu độc giết đi rồi dấu kín việc đó nên sử không được chép, nếu quả như vậy cũng là đạo trời hay báo ứng cho nên chép phụ vào đây để làm răn”. Thực hư ra sao không rõ, chỉ thấy Lý Công Uẩn lên ngôi hoàn toàn danh chánh ngôn thuận.

Trước khi Long Đỉnh qua đời, một hôm, ở làng Diên Uẩn có mưa to gió lớn, sét đánh trúng cây gạo cổ thụ làm tét một mãng da lớn. Vài ngày sau dân làng phát hiện chỗ sét đánh có nhiều chữ chi chít và cho đó là sấm ký của thần nhân. Bài sấm như sau “Thụ căn diểu diểu. Mộc biểu thanh thanh. Hòa đao mộc lạc. Thập bát tử thành. Đông A nhập địa. Mộc dị tái sinh. Chấn cung xuất nhật. Đoài cung ẩn tinh. Lục thất niên gian. Thiên hạ thái bình” (Gốc cây thăm thẳm. Ngọn cây xanh xanh. Hạt hòa đao rụng. Mười tám hạt thành. Đông A vào đất. Cây khác lại sanh. Đông mặt trời mọc. Tây sao náu mình. Khoảng sáu bảy năm. Thiên hạ thái bình)

Sư Vạn Hạnh bèn dùng lối chiết tự phân tích và giảng nghĩa bài sấm ký cho dân làng nghe, đại ý vua yếu, tôi mạnh, nhà Lê đổ, họ Lý thành, phương đông vua xuất hiện, phương tây dân chúng mất, qua sáu bảy năm thì thiên hạ được thái bình.

Bài sấm ký và lời bàn của Sư Vạn Hanh nhanh chóng lan truyền khắp trong thành ngoài nội, Sư nói với Lý Công Uẩn ”Gần đây cứ suy lời sấm thì họ Lý đáng nổi lên. Nay họ Lý trong nước có ai khoan từ nhân thứ rất được lòng người như Thân vệ, binh quyền trong tay, làm chủ muôn hộ, nếu bỏ Thân vệ thì còn ai đương nổi”.

Lúc bấy giờ Long Đỉnh còn tại vị, sợ sự việc tiết lộ mang họa sát thân, Công Uẩn không dám bàn đến việc đó mà còn đem Sư dấu ở Tiên Sơn. Sự cẩn thận của Công Uẩn không phải vô ích, Long Đỉnh cũng nghe biết bài sấm ký và lời bàn của Sư Vạn Hạnh, âm thầm sai thủ hạ thân tín tìm giết hết người họ Lý nhưng không hề đả động đến Công Uẩn thường xuyên kề cận bên mình. Có lẽ ông ta cho Công Uẩn không phải là người phản bội bởi khi ông ta giết Long Việt cướp ngôi, quần thần sợ hãi không ai dám phản ứng, chỉ có Công Uẩn ôm xác Long Việt khóc than thương tiếc được ông ta khen trung thành và thăng chức từ Đội trưởng cấm quân lên Tứ sương quân phó chỉ huy sứ rồi Tả Thân vệ điện tiền chỉ huy sứ.

Long Đỉnh chết, con còn bé, Chi hậu Đào Cam Mộc nói với Công Uẩn ”Người trong nước đều biết họ Lý đáng nổi lên, lời sấm đã hiện ra, đó là cái họa không thể che dấu nổi, chuyển họa thành phúc chỉ một sớm một chiều. Đây là lúc trời trao mệnh và người hưởng ứng theo, Thân vệ còn ngờ gì nữa” Công Uẩn nói ”Tôi biết rõ ý ông không khác ý Vạn Hạnh. Nếu đúng như lời ấy thì nên tính kế thế nào?” Biết Công Uẩn đồng ý, Cam Mộc bàn với quần thần, không ai có ý khác, bèn cùng nhau vào cung tâu với Thái hậu, bà đồng ý, vời Công Uẩn vào khuyên lên ngôi hoàng đế.

Thật ra thì bài sấm ký đó không phải của thần nhân ban cho mà tác giả chính là…Sư Vạn Hạnh. Sử thần Ngô Thì Sĩ viết ”Ôi!  trời có nói gì đâu! Một tiếng sét thành ra chữ, chỉ bốn mươi chữ mà việc hưng phế của dòng họ các đời trong khoảng vài trăm năm đều khái quát vào đấy cả. Có lẽ Sư Vạn Hạnh giỏi về suy đoán, nhân sét đánh cây gạo, giả thác bài chữ sét đánh để tỏ sự thần dị”.

Sư Vạn Hạnh họ Nguyễn (không biết tên gì) sanh năm 938, người làng Cổ Pháp cùng quê với Công Uẩn. Năm 21 tuổi xuất gia tại chùa Lục Tổ, đệ tử sư Thiền Ông, thông minh, học nhiều biết rộng, tinh thông Tam giáo (Nho-Phật-Lão), từng làm cố vấn cho vua Lê Đại Hành cả chánh trị lẫn quân sự, giúp vua chiến thắng quân Tống quân Chiêm xâm lược và quấy phá nước ta.

Nói Sư Vạn Hạnh giỏi suy đoán, tiên liệu việc như thần, nói đâu trúng đó cũng không ngoa, không cường điệu. Vì, Sư lăn lộn trong chính trường nhiều năm, giữ vị trí quan trong trong triều, thân cận bên vua nên không có việc gì không biết, không có biến cố nào không trải qua. Một người như thế chắc chắn tích lũy nhiều vốn sống, kinh nghiệm, nhìn vạn vật biển chuyển, thế sự thăng trầm, lòng người  thay đổi là có thể đoán biết hồi kết như thế nào.

Lúc bấy giờ mọi người đều chán ghét sự hà khắc, bạo ngươc, tàn ác của Long Đỉnh, tiếng oán than, căm phẫn vang lên khắp nơi thì không chỉ có Sư mà bất cứ kẻ sĩ nào cũng biết nhà Lê đã suy vong nên thần dân ngoảnh mặt quay lưng không còn lưu luyến gì với triều đại xấu xa tàn ác đó. Thời cơ đã đến, nhân chuyện sét đánh cây gạo Sư bèn viết bài sấm ký để tác động tâm lý và kích thích lòng dân cùng khanh tướng, quan lại triều đình và cả Công Uẩn..

Công Uẩn lại được Sư nuôi dạy từ năm 7 tuổi đến trưởng thành theo sự phó thác của sư Khánh Văn. Sư nhận xét đứa học trò “Cậu bé nầy không phải là người thường, sau nầy lớn lên chắc sẽ giải quyết được nhiều việc khó, làm bậc vua sáng suốt trong thiên hạ”. Do vậy, tự thân không thể làm vua thì làm thầy vua, Sư quyết định đưa Công Uẩn lên ngôi cửu ngũ không phải bằng vũ lực mà bằng…văn chương! Việc làm của Sư xem ra khá mạo hiểm, liên quan đến an nguy sinh mạng của học trò vì Long Đỉnh có thể giết hại Công Uẩn bất cứ lúc nào để bảo vệ củng cố ngôi vị. Tuy nhiên, như đã nói trên, Sư đã từng trải nhiều năm trong triều đình, vốn sống phong phú, đầy đủ kinh nghiệm, biết người biết ta cho nên chuyện đó đã không xảy ra.

Sử thần Ngô Sĩ Liên khen Sư biết sự chuyển biến của thời vận, trí thức hơn người thường, còn sử thần Ngô Thì Sĩ thì nhận xét Sư có chí khí hơn đời, ôm tài thao lược phò tá nghiệp vương, có kiến thức, biết tính toán nên biết trước sự việc xảy ra “cũng là tay lỗi lạc trong giới thiền”.

Năm 1025 Sư viên tịch, để lại cho các đệ tử bài thơ :

Thân như điện ảnh hữu hoàn vô.

Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô.

Nhâm vận thịnh suy vô bố úy.

Thịnh suy như lộ thảo đầu phô

(Thân người như ánh chớp có rồi không. Muôn cây mùa xuân tươi tốt mùa thu héo khô. Mặc cho thời vận thịnh suy không nên sợ hãi. Vận thịnh suy như hạt sương trên ngọn cỏ tan biến cấp kỳ).

Sau nầy, cảm kích công đức cao dày của Sư, vua Lý Nhân Tông có làm bài thơ khen tặng:

Vạn Hanh dung tam tế.

Chân phù cổ sấm ky.

Hương quan danh Cổ pháp.

Trụ tích trấn vương kỳ

(Vạn Hạnh thông ba kiếp. Phục hợp cổ sấm thi. Quê hương làng Cổ pháp. Cấm gậy trấn kinh kỳ). *./

Nguon: daophatngaynay.com

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here