Trang chủ Vấn đề hôm nay Trách nhiệm và hành động xã hội

Trách nhiệm và hành động xã hội

194
0

Một người có lòng yêu thương, có tâm từ ái, có sự hiểu biết chín chắn, sẽ tác động đến người khác một cách đầy ý thức mà không hề bộc lộ bản ngã, sẽ thúc đẩy họ, sẽ gợi hứng cho họ hành động theo cùng những cách thức ấy. Nhờ thế mà cả cộng đồng được lợi. Như vậy, ngay việc chỉ ngồi tọa thiền trong một thiền thất cũng có một tác dụng mạnh mẽ mà vô hình. Người ta cảm thấy khó mà tin nổi, rằng lại có thể có được những lợi ích xã hội trong việc chỉ ngồi yên một chỗ và vào thiền định. Thế nhưng, sự thật là khi ta tự thanh lọc được tâm trí ta, dù chỉ ở mức độ rất thấp, và chuyển hóa được trạng thái dính mắc vào bản ngã, cùng lúc, ta cũng đang tạo được những điều kiện để thanh lọc tâm trí người khác. Tác động như thế lên những người khác – gia đình ta và những người thân cận với ta – càng lúc càng mạnh mẽ hơn.

Mọi sự đều tùy thuộc vào trạng thái tâm trí ta và vào điều mà tâm thức của ta quyết định. Trong Phật giáo, lòng từ ái và tuệ giác là những phẩm chất phát triển theo sự thực hành. Lần lần, người hành thiền có thể hành động mà chẳng hề vướng mắc vào kết quả, và họ chỉ hành động vì thấy rằng những hành động như thế cần phải được thực hiện. Có những người cảm thấy được kêu gọi phải bày tỏ thái độ trước những bất công xã hội và những tình trạng bất bình đẳng khác theo một cách tích cực. Điều quan trọng là người ấy hành động như thế nào. Nếu cố gắng để đạt tới một kết quả nhất định nào đó, người ấy rơi vào tình trạng bị vướng mắc. Nếu cố gắng để đừng bị vướng mắc, người ấy lại phạm vào những sai lầm vi tế khác. Khi đi sâu vào sự thực hành thiền định, ta cống hiến toàn bộ thân tâm ta cho một hành động nào đó, và cùng lúc chỉ đáp ứng một cách hoàn toàn tự nhiên theo đúng những đòi hỏi của tình thế. Khi ấy chúng ta làm điều mà hiện nghiệp của ta quyết định. Nghiệp,nói một cách dễ hiểu chính là toàn bộ khuôn mẫu của cuộc đời ta. Và nghiệp luôn luôn thay đổi. Hãy nhớ rằng nghiệp không phải là một điều gì bất biến. Mối quan hệ giữa nhân và quả là một mối quan hệ động và nó luôn luôn biến đổi. Càng thực hành sâu về thiền định, chúng ta càng trở nên thức tỉnh trước điều đó. Càng thức tỉnh trước những vấn đề ấy, tức nghiẹp của chúng ta càng biến đổi. Lần lần, hiện nghiệp của chúng ta được thiết lập trên một nền tảng khác, nền tảng của sự Tỉnh thức.

Thực ra chẳng có gì khác biệt giữa “tồn tại” và “hành động”. Tồn tại chỉ là một khía cạnh của hành động, và hành động cũng chỉ là một khía cạnh của tồn tại. Thiếu một sự tỉnh thức về tồn tại, hảnh động sẽ chẳng có một ý nghĩa nào cả. Mọi hành động thiếu vắng sự ý thức về tồn tại sẽ trở thành một sự điên rồ, một kiểu hành động với những tham vọng cải cách, một điều chỉ mang lại tai họa chứ chẳng đóng góp được gì tốt đẹp cả. Theo như những gì tôi còn nhớ thì trong tác phẩm Nghệ thuật yêu thương, Eric Fromm có nói, rằng trong nền văn hóa phương Tây, để tỏ ra hoạt động, con người phải luôn luôn làm một điều gì đó. Con người hoạt động đó là con người luôn luôn đúng. Và hoạt động có nghĩa là làm việc, nghiên cứu, hay chơi thể thao vân vân. Ông nói tiếp rằng điều không được nói đến chính là động cơ đằng sau việc hành động ấy. Chẳng hạn, một người nào đó có thể thực hiện một điều gì đó là vì có một tham vọng khủng khiếp để kiếm được thật nhiều tiền, để đạt được một danh vọng, để giành được một địa vị, hoặc có thể là vì bị thúc đẩy bởi một nguyên nhân tâm sinh lý nào đó. Có thể đã có một khao khát mãnh liệt về tự ngã, trong trường hợp đó, sự tích cực biến thành một sự thụ động, tiêu cực, vì con người ấy chẳng còn là một người hành động mà chỉ còn là một kẻ bị thúc đẩy hành động. Và vì thế mà Eric Fromm cho rằng, thực sự, hành động cao thượng nhất chính là việc tọa thiền. Bởi vì khi một hành động được thực hiện dưới những điều kiện thích hợp, trong một trạng thái tâm trí thích hợp, hành động đó có tính cách tự do và là loại hành động cao quý nhất. Chắc chắn điều đó đủ chân thực.

Ngồi theo kiểu thiền định như vậy, sau một thời gian, con người phát triển một sự mẫn cảm và nhận biết được một cách sâu sắc mọi nỗi đau nhân thế. Con người nhận biết được mình là một bộ phận của tất- cả-những-gì-khác-với-mình. Trong Thiền, con người tìm được hai cảm giác ấy song hành với nhau. Cũng đã có những bậc thiền sư khuyến khích hành động xã hội, trong toàn bộ lịch sử Phật giáo, đã có những lúc các vấn đề xã hội là một mối quan tâm lớn. Chúng ta thấy tinh thần ấy trong chính cuộc đời báo thân của Đức Thế Tôn. Nhưng có lẽ những chứng cớ nặng ký hơn vẫn thiên về việc con người phải phát triển bản thân trước, trước khi cố gắng thực hiện những công hạnh ở một quy mô lớn.

Cho đến khi phát triển được lòng thương yêu và sự thông cảm, con người chưa thể tạo được sự hòa hợp đúng nghĩa. Tất nhiên, điều này không thể xảy đến hoàn toàn thông qua sự giác ngộ không thôi. Nhưng chắc chắn rằng với sự giác ngộ và việc loại bỏ sự quan tâm quen thuộc vào tự ngã, mọi cảm giác sẽ được giải phóng và cho phép chúng ta cảm nhận sâu sắc hơn mọi tình huống. Tuy nhiên, có những con người cố gắng giúp đỡ người khác trên một bình diện rộng lớn trước khi chính họ đã sẵn sàng. Chúng ta nên nhắclại lời của Ngài Milarepa, bậc thầy Mật tông Tây Tạng vĩ đại, ngài nói, “Sẽ chẳng bao giờ hết người để [thực hành hạnh] giúp đỡ. Cho đến khi tận cùng thế giới này vẫn luôn luôn còn có người để [hành giả thực hành hạnh] giúp đỡ”. Nhưng để giúp đỡ người khác mà cùng lúc không làm tổn thương họ, cũng như không làm tổn thương chính mình, có nghĩa là chúng ta phải tác động trước hết đến chính mình. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là [khi chưa chuẩn bị đủ] chúng ta không được phép thực hành hạnh giúp đỡ trong các trường hợp khẩn cấp, những thời điểm khủng hoảng, hoặc chỉ đơn giản là khi chúng ta được yêu cầu. Cũng như không loại trừ việc chúng ta thực hiện những việc hữu ích hoặc đem lại lợi lạc một cách chung nhất. Nếu chúng ta thấy một việc [hữu ích hoặc đem lại lợi lạc chung nhất] như thế, chúng ta có thể thực hiện ngay. Đó chính là một phần tự nhiên của việc thực hành, nhưng ta không được để bị vướng mắc vào đó. Trong tác phẩm The Three Pillars of Zen” (Tam Trụ Thiền), Đại sư Yasutani có nói về sự khác biệt giữa một vị Bồ tát và một vị Phật. Ngài nói: một vị Bồ tát vẫn còn vướng mắc vào ý niệm cứu độ chúng sinh. Vướng mắc vào ý niệm. Trong lúc một vị Phật thanh thản thực hiện những công việc cứu độ ấy bất kỳ nơi nào Ngài có thể thực hiện. Một vị Phật là một vị thường xuyên cứu độ mà chẳng bao giờ có một suy nghĩ với nhận thức tự ngã, không bao giờ có ý định riêng, về việc cứu độ.

Một con đường, gọi là trung đạo, luân phiên thay đỏi giữa đời sống tư duy hướng nội và cuộc sống hành-động-giữa-cuộc-đời, hai cực không rời nhau của Niết-bàn và luân hồi, chính là con đường tối hậu. Điều mà chúng ta tiếp nhận được thông qua thiền định, chúng ta phải cống hiến trong sự từ ái và bằng hành động nhân danh mọi bạn đồng hành với ta trong cõi giới này – dù những bạn đồng hành đó là người hay không phải là người.

Bản thân hành động xã hội cũng là một loại thiền định và có thể là một phương tiện giúp làm tăng trưởng lòng từ ái và nhận thức bình đẳng. Nó cũng chính là hành động bố thí bất kỳ những gì chúng ta có thể bố thí. Điều đó tương ứng với hạnh thứ tám trong mười thiện hạnh: đừng từ chối thể hiện sự giúp đỡ về vật chất hay tinh thần.

Đức Thế Tôn dạy, “Săn sóc người bệnh chính là phụng sự Tam bảo”.

Mục tiêu của việc đạt được sự thấu suốt về bản chất nội tại của sự vật chính thức là làm cho một người trở nên xứng đáng với những hành động từ ái lớn lao trong cuộc đời.

Một vị Thiền sư nói, “Sự thực hành Thiền định chính là việc chuẩn bị cho việc sống trong cuộc đời, chứ không phải là mục tiêu của việc sống trong cuộc đời”. Đạo Phật không hề chấp nhận quan điểm tiền định của nghiệp. Thay vào đó, Phật pháp luôn luôn khuyến thị các hành giả phải thực hiện mọi nỗ lực để xóa bỏ mọi bệnh tật và chiến tranh.

Nói tóm lại, quan hệ nhân quả không cố định mà thường xuyên biến đổi. Con người nam cũng như nữ, tạo ra lịch sử của chính mình, nhưng họ đã thức hiện lịch sử ấy dưới những điều kiện nghiệp lực đặc trưng mà họ thừa kế từ những thế hệ đi trước, cả biệt nghiệp lẫn cộng nghiệp.

Hơn bất kỳ xã hội nào trước đây trong lịch sử con người, xã hội kỹ nghệ tư bản đã tạo ra những điều kiện vô cùng bấp bênh tạm bợ, thiếu thực chất một cách thê thảm, cùng một tình trạng vật lộn triền miên của sự thất vọng và không thỏa mãn. Thật khó mà tưởng tượng rằng còn một trật tự xã hội nào khác thích hợp với đạo Phật và cần đến đạo Phật hơn thế nữa. Chắc chắn rằng người Phật tử phải là những người phê phán kịch liệt và tích cực về mọi điều kiện và giá trị xã hội đang đẩy nhân loại đến chỗ bị lừa dối và phải vật lộn không ngừng để làm tăng sự đau khổ, tham ái và bạo lực. Cùng lúc, họ phải duy trì được sự đáp ứng đầy từ ái trước những con người đang thúc đẩy người khác và cũng bị thúc đẩy bởi những thôi thúc không kiềm chế được của họ. Phải chăng đạo Phật chỉ là một tôn giáo đạo đức giả nếu cứ rao giảng về những điều kiện chính trị kinh tế lừa lọc, chỉ có tác dụng tăng cường những áo tưởng ấy? Một lần nữa ở đây, con đường của chúng ta vẫn là trung đạo, quan tâm đến sự tự điều chỉnh của từng cá nhân nhưng cũng quan tâm đến bối cảnh thay đổi của xã hội, mà tối hậu là với điều gì đó hoặc lớn hơn một trong hai sự thay đổi đó, hoặc lớn lao hơn cả hai.

Con Đường của đạo Phật, với thái độ từ ái, bình thản, dung hòa, quan tâm đến sự tự tin và tinh thần trách nhiệm, – và trên hết, với vũ trụ quan của hệ thống giáo pháp ấy-có thể là một mẫu mực của xã hội.

Điếu cần là những mối quan hệ kinh tế chính trị và một nền công nghệ sẽ: (a) giúp đỡ mọi người vượt qua được tính cách chỉ biết nghĩ đến mình thông qua sự hợp tác với người khác thay vì chỉ nghĩ đến sự lệ thuộc, sự khai thác, và sự cạnh tranh; (b) cung hiến cho mọi người một sự tự do chỉ bị hạn chế bởi tự do của người khác, nhờ đó mà mọi cá nhân đều có thể phát triển một tinh thần trách nhiệm đối với xã hội một cách tự tin thay vì chỉ là những quân cờ thấp kém bị chi phối bởi các định chế hay những ý thức hệ; và (c) quan tâm trước hết đến những điều kiện xã hội và vật chất cần thiết cho sự phát triển nhân cách sau đó mới quan tâm đến viêc sản xuất vật chất.

Chúng ta có thể trích dẫn E.F. Schumaker trong tác phẩm đã trở thành cổ điển của ông, “Small is beautiful” (Nhỏ thì đẹp), rằng, “Người duy nhất có thể thực hiện thiện hạnh là người biết rõ sự vật thế nào và tình thế của sự vật thế nào?”.

Đối với một thế giới đang quằn quại trong thù hận và áp bức, đạo Phật mang lại một sự phối hợp độc đáo về sự thanh thản không gì lay chuyển được và một sự quan tâm thực tiễn về lòng từ ái sâu sắc:

 Kẻ chấp chặt vào Tánh không,
Rẻ rúng lòng Từ
Không thể đạt tới trạng thái cao tột.
Những kẻ chỉ thực hành từ tâm
[Cũng] chẳng thể thoát khỏi phiền não sinh tử.
Chỉ những ai kiên tâm thực hành cả hai
Mới tự do giữa luân hồi và Niết-bàn.

Có vẻ như đối với tôi, một nhiệm vụ lớn lao của Phật giáo ở phương Tây la phải liên kết với mọi tôn giáo và các tổ chức có liên quan khác để ngăn chặn trước mọi thảm họa đang chờ đón loài người: sự hủy diệt hạt nhân, tình trạng ô nhiễm đang có vẻ không thể đạo ngược được của môi trường sống, và việc tiếp tục hủy hoại ở quy mô lớn những tài nguyên không thể tái tạo. Chúng ta cũng phải có trách nhiệm cung cấp những hỗ trợ và vật chất lẫn tinh thần cho những ai đang chiến đấu chống nghèo đói và áp bức ở bất kỳ nơi nào trên thế giới.

Giữ im lặng hay thờ ơ trước những thách thức của một thế giới đang bị đe dọa ngày nay, cuối cùng, chính là sự giúp đỡ và cổ võ những thế lực phản động và mù quáng làm suy yếu những hiệu quả của những người đang cố gắng chiến đấu chống lại những sức mạnh xấu ác ấy. Hãy để cho sự thực hành của chúng ta đồng hành với chúng ta trong những thiên đường và quan sát những gì đang diễn ra. Hãy để cho những đau khổ của thế giới này thâm nhập các cuộc tọa thiền của chúng ta và quán sát sự cố gắng lớn lao sẽ xuất hiện.

Phạm Hư Tâm dịch

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here