Trang chủ Phật học Tính cách tích cực của tánh Không

Tính cách tích cực của tánh Không

219
0

Từ đó mà không tin nhân quả, định luật để con người dựa vào đó mà tiến bộ, tiến hóa. Từ đó mà có thái độ hư vô chủ nghĩa, không có trách nhiệm, không có trật tự, không có lối thoát cho cuộc đời mình. Nếu không tìm hiểu minh bạch về tánh Không, người ta sẽ quan niệm Phật giáo là một thứ hư vô chủ nghĩa, là chán đời, bi quan, trốn lánh.

Tánh Không, cốt lõi của Phật giáo, thì ngược lại. Nó là phương tiện (“Lấy vô sở đắc làm phương tiện”) và cứu cánh cho những con người tích cực nhất, trách nhiệm nhất, nhiều tình thương nhất. Đó là những Bồ-tát, mà Tây phương thường dịch là những Anh hùng.

Sau đây chúng ta sẽ trích dẫn một đoạn trong kinh Đại Bát-nhã phẩm Sơ nghiệp, hội thứ hai, do ngài Huyền Trang dịch, để thấy thái độ của người thực hành tánh Không đối với người khác và thế gian này.

Sơ nghiệp là sự nghiệp ban đầu của Bồ-tát. Sự nghiệp ban đầu là phát tâm Bồ-đề, “phát tâm đạt đến Giác ngộ vô thượng” để giải thoát cho tất cả chúng sanh. Đây là lời nguyện khởi đầu làm nên con đường Bồ-tát, sự nghiệp Bồ-tát. Dĩ nhiên trên con đường ấy, tùy theo mức độ đạt tánh Không đến đâu, khai triển tâm từ bi đến đâu, nghĩa là sức mạnh Bồ-tát đến đâu, thì giúp đỡ, cứu thoát chúng sanh đến đó.

Chúng ta gặp ngay một nghịch lý: muốn đạt đến tánh Không để ra khỏi sanh tử mà lại phải ở trong sanh tử để độ thoát chúng sanh. Lấy ví dụ cho dễ hiểu: một bác sĩ muốn tự mình thoát ra khỏi bệnh viện nơi sanh già bệnh chết, nơi đầy bệnh lây nhiễm khổ đau thì phải lánh xa bệnh viện ấy. Nhưng nếu ra khỏi, lánh xa bệnh viện thì người ấy không thể cứu chữa cho ai cả, người ấy phải bỏ công việc làm bác sĩ và lời hứa nghề nghiệp của mình. Còn nếu muốn làm bác sĩ cứu người, anh ta phải ở trong bệnh viện, nghĩa là anh ta không thể tự giải thoát được.

Nghịch lý ấy đã được Đại thừa giải quyết. Anh ta vẫn tự giải thoát bằng cách ngộ nhập tánh Không, đồng thời tánh Không vẫn luôn luôn hiện hữu nơi bệnh viện nên anh ta vẫn ở trong tánh Không của bệnh viện để cứu chữa cho bệnh nhân.

Một nghịch lý khác nữa. Cũng theo kinh Đại Bát-nhã, chúng sanh là “vô tự tánh, vô sở hữu, bất khả đắc”. Đã vô tự tánh, vô sở hữu, bất khả đắc thì cần gì độ thoát cho họ? Họ có thật đâu mà cứu độ họ? Và rồi, có phải vì chúng sanh là không thật có mà Bồ-tát bỏ chúng sanh, bỏ trách nhiệm và nghề nghiệp của mình?

Nghịch lý này được giải quyết như sau.

Về phần mình Bồ-tát thấy chúng sanh là vô tự tánh, vô sở hữu bất khả đắc, sanh tử là không thật có, chính cái thấy tánh Không này là sự tự giải thoát của Bồ-tát. Nhưng về phần chúng sanh, họ vẫn thấy họ là thật, những cái của họ là thật, khổ đau của họ là khổ đau thật, sanh tử của họ là sanh tử thật, cho nên họ có khổ đau. Bởi vì chúng sanh có khổ đau, nên Bồ-tát phải cứu độ họ ra khỏi khổ đau, dầu khổ đau ấy là họ tự thấy lấy, tự chuốc lấy, tự cảm nhận lấy. Khổ đau sanh tử đối với Bồ- tát là không thật, nhưng đối với chúng sanh là có thật, cho nên Bồ-tát phải cứu độ họ, mặc dù sự cứu độ này đối với Bồ-tát cũng không thật, chỉ là đánh thức họ ra khỏi giấc mộng tự thấy là khổ đau của chính họ mà thôi.

Tóm lại, Bồ-tát hưởng thụ tự do, giải thoát và thông tỏ trong tánh Không. Nhưng cũng trong tánh Không này, chúng sanh lại thấy ràng buộc khổ đau. Thế nên cứu độ của Bồ-tát là làm sao cho chúng sanh thấy ra thật tướng của mọi sự là tánh Không để thoát khỏi giấc mộng khổ đau ấy, hết thấy hư không lại có sanh tử hoa đốm ấy.

Con đường Bồ-tát là sự kết hợp của trí huệ nhìn thấy tánh Không và đại bi cứu thoát chúng sanh ra khỏi khổ đau. Hai điều tưởng như đối nghịch ấy được kết hợp làm một trong tánh Không. Nhờ tánh Không mà lòng bi của Bồ-tát trở nên không bị ngăn ngại, không sợ hãi sanh tử và rộng lớn bao trùm, vô duyên đại bi, đồng thể đại bi. Nhờ đại bi mà tánh Không của Bồ-tát trở nên tích cực hoạt động, triệt để, bao la trùm khắp ba cõi.

Con đường kết hợp tánh Không và đại bi là con đường tích cực nhất. Tích cực nhất, triệt để nhất về mặt trí huệ. Tích cực nhất, triệt để nhất về mặt lòng bi.

Thái độ tích cực triệt để ấy, sự kết hợp trí huệ và lòng bi có ngay từ đầu con đường Bồ-tát với việc phát Bồ đề tâm. Ngay từ bước đầu của sự nghiệp Bồ-tát, người ta đã kết hợp hai khả năng của tâm thức con đường: tình cảm (mà bây giờ thường được gọi là trí tuệ xúc cảm) và lý trí (trí thông minh).

Trong kinh Đại Bát-nhã (phẩm Sơ Nghiệp hội thứ hai), Đức Phật nói:

“Như vậy, như vậy! Các Đại Bồ-tát làm được việc khó, là ở trong tất cả các pháp mà tự tánh là Không, mong cầu Giác ngộ vô thượng, muốn chứng Giác ngộ vô thượng.

Tu-bồ-đề! Các Đại Bồ-tát tuy đạt tất cả pháp như huyễn, như mộng, như tiếng vang, như bóng trong gương, như ảnh, như dợn nắng, như việc biến hóa, như thành Càn-thát-bà, tự tánh đều Không, nhưng để cho thế gian được lợi lạc chân chánh nên phát tâm đến Giác ngộ vô thượng. Vì để cho thế gian được lợi ích lớn lao, nên phát tâm đến Giác ngộ vô thượng. Vì để cho thế gian được an vui, nên phát tâm đến Giác ngộ vô thượng. Vì muốn cứu vớt thế gian, nên phát tâm đến Giác ngộ vô thượng. Vì làm chỗ nương về cho thế gian, nên phát tâm đến Giác ngộ vô thượng. Vì làm nhà ở cho thế gian, nên phát tâm đến Giác ngộ vô thượng”.

Việc khó” ở đây là kết hợp được trí huệ nhìn thấy tánh Không, nhìn thấy chúng sanh là Không, vô sở hữu, bất khả đắc mà vẫn khai triển tâm đại bi không bỏ chúng sanh, che chở cứu độ chúng sanh. “Việc khó” ở đây là thấy biết thế gian như huyễn như mộng, tự tánh đều Không nhưng không một bề chứng nhập Không mà lòng bi càng thêm lớn rộng, vì thế gian ở trong Không mà chẳng biết Không nên oan uổng trôi chìm trong sanh tử khổ đau.

Thế nên Bồ-tát “để cho thế gian được lợi ích chân chánh lớn lao, để cho thế gian được an vui, vì muốn cứu độ thế gian, vì làm chỗ nương về, làm nhà ở cho thế gian, nên phát tâm đến Giác ngộ vô thượng”.

Bồ-tát Duy Ma Cật nói: “Vì chúng sanh bệnh nên tôi bệnh”. Bệnh của Bồ-tát không phải vì tham đắm sanh tử như chúng sanh. Bệnh của Bồ-tát là lòng đại bi. Vì “bệnh” đại bi này nên Bồ-tát “làm chỗ nương về”, “làm nhà ở” trong sanh tử hiểm nghèo, trong “ba cõi đang bừng cháy”, ở trong sanh tử để “cứu vớt thế gian, để cho thế gian được lợi ích lớn lao”. Đây là hạnh đồng sự ở trong sanh tử cùng với chúng sanh.

Nhưng Bồ-tát xây dựng nhà ở và hạnh đồng sự này trên tánh Không và trong tánh Không. Thế nên những chỗ nhà ở và hạnh đồng sự ấy vẫn là giải thoát và là vô tự tánh, vô sở hữu, bất khả đắc.

Chính nhờ tánh Không mà đại bi không phải là “lòng bi ái kiến” (chữ trong kinh Duy-ma-cật), không phải là lòng bi chìm đắm theo chúng sanh và thế gian. Lòng bi này song hành với trí huệ tánh Không, nên lòng bi này là lòng bi giải thoát. Giải thoát cho mình và cho người.

Lòng bi này nhờ tánh Không nên trở thành vô hạn vô biên đồng thời xuyên thấu vô ngại. Cái gì hữu hạn, hữu biên, cái đó phải chịu sanh và diệt, phải chịu hư hỏng, hủy hoại. Lòng bi song hành với tánh Không là lòng bi vô hạn vô biên như tánh Không, không chỗ nào không có nên lòng bi ấy chính là sự giải thoát như tánh Không là giải thoát.

Kinh nói tiếp:

Vì muốn chỉ đường rốt ráo cho thế gian, nên phát tâm đến Giác ngộ vô thượng. Vì làm cồn bãi cho thế gian, nên phát tâm đến Giác ngộ vô thượng. Vì làm mặt trời mặt trăng cho thế gian, nên phát tâm đến Giác ngộ vô thượng. Vì làm đèn đuốc cho thế gian, nên phát tâm đến Giác ngộ vô thượng”.

tanh-cach-tinh-khong

Bồ-tát thấy thế gian và chúng sanh “tự tánh đều Không”, nhưng Bồ-tát không bỏ chúng sanh, trái lại làm những gì tích cực nhất cho chúng sanh: chỉ đường đi cho chúng sanh, làm cồn bãi cho chúng sanh đang trôi trong dòng nước xiết, làm mặt trời mặt trăng cho đêm dài sanh tử, làm đèn đuốc trong bóng tối dày đặc của thế gian đắm chấp “thật có tôi và cái của tôi”.

Không phải thấy thế gian là giấc mộng rồi chìm đắm vào giấc mộng ấy như Lão Trang “không biết mình mộng thành bướm hay bướm mộng thành mình”. Bồ- tát thấy thế gian như huyễn như mộng, vô tự tánh, vô  sở hữu, bất khả đắc nhưng nhận lấy trách nhiệm đối với thế gian, đảm đương thế gian cho đến ngày thế gian thoát khỏi giấc mộng. Chính sự đảm đương càng ngày càng lớn rộng ấy khiến Bồ-tát đủ công đức để sẽ đạt đến Giác ngộ vô thượng.

Trong khi cứu độ chúng sanh (đại bi), Bồ-tát thấy chúng sanh như mộng như huyễn, sự việc cứu độ là như mộng như huyễn, và chính mình cũng là người mộng người huyễn (trí huệ), nên khi cứu độ chúng sanh Bồ-tát được giải thoát ngay trong lúc đang hành động ấy.

Vì làm thầy dẫn đường cho thế gian, nên phát tâm đến Giác ngộ vô thượng. Vì làm tướng soái cho thế gian, nên phát tâm đến Giác ngộ vô thượng. Vì làm chỗ về đến cho thế gian, nên phát tâm đến Giác ngộ vô thượng. Vì thương xót khổ sanh tử của thế gian, nên phát tâm đến Giác ngộ vô thượng”.

Con đường Bồ-tát là sự hợp nhất của trí huệ thấu suốt tánh Không và công đức cứu độ chúng sanh. Cứu độ chúng sanh là thái độ và hành động tích cực nhất mà một người có thể làm cho những người khác, những sinh linh khác. Đây cũng là công đức lớn nhất mà người ta có thể có được. Công đức cứu độ này thậm chí là vô lượng vô biên vì chúng sanh thì vô lượng vô biên.

Bồ-tát thấy sanh tử là vô tự tánh nhưng không một bề chứng nhập tánh Không, không một bề tịch diệt theo nghĩa tịch diệt là một cái gì ở ngoài sanh tử. Kinh Đại Bát-nhã nói rằng tánh Không còn có nghĩa là “chân như, pháp tánh, pháp giới, tánh chẳng hư dối, tánh chẳng biến khác, tánh bình đẳng, thật tế, hư không giới, bất tư nghì giới”.

Chính nhờ chúng sanh và con đường độ thoát chúng sanh và tấm gương của Đức Phật và chư Đại Bồ- tát mà Bồ-tát thấy ý nghĩa và giá trị của sanh tử, thấy ý nghĩa và giá trị của cái có, của tất cả mọi cái có, ý nghĩa và giá trị của Diệu Hữu, trong thành ngữ của Phật giáo Đại thừa Chân Không Diệu Hữu. Đó cũng là ý nghĩa của cuộc đời Bồ-tát, của Bồ-tát hạnh.

“Biết tất cả pháp tánh tướng đều Không, tất cả pháp đồng đẳng với hư không, tự tướng vốn Không, vô tánh làm tánh mà vẫn thường chẳng xa lìa tâm đại Bồ-đề, thường nguyện nhiêu ích lợi lạc tất cả chúng sanh, thường xưng tán ca ngợi công đức Tam Bảo khiến lợi ích an vui tất cả chúng sanh” (Phẩm Chuyển, bất chuyển, Hội thứ 2).

Chính trên nền tảng tánh Không này mà Bồ-tát có thêm công đức, đủ mọi công đức của thân khẩu ý, và những công đức ấy được sâu rộng không cùng nhờ tánh Không sâu rộng không cùng.

Chúng ta thấy trong các chùa thường thờ Đức Phật Thích Ca ở giữa. Bên trái là Bồ-tát Đại trí Văn Thù, bên phải là Bồ-tát Đại hạnh Phổ Hiền. Đại trí là trí huệ thấu đạt tánh Không, trí huệ của thế giới Chân Không. Đại hạnh là muôn hạnh muôn đức của thế giới Diệu Hữu. Một Đức Phật gồm đủ cả đại trí và đại hạnh, thế nên thế giới của Ngài là pháp giới Chân Không Diệu Hữu vậy.

Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 178

 vanhoaphatgiaoblog.com

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here