Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Giới thiệu “NIÊN ĐẠI ĐỨC PHẬT LỊCH SỬ” vấn đề còn...

Giới thiệu “NIÊN ĐẠI ĐỨC PHẬT LỊCH SỬ” vấn đề còn đang tranh luận

305
0

Lời người dịch: Đây là bài nhận định tổng hợp của giáo sư Heinz Bechert, tóm tắt 21 bài viết đăng trong tuyển tập When Did the Buddha Live? được chính giáo sư làm tổng biên tập. Bài tóm tắt vô cùng công phu này đã đặt lại các vấn đề biên niên sử Tích Lan, Ấn Độ và các nước Phật giáo có liên hệ về cách tính niên đại của đức Phật, chẳng hạn như Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản. Qua bài viết, tác giả cho chúng ta thấy hàng trăm học thuyết khác nhau về niên đại của đức Phật, trong đó có cả trường hợp bịa đặt về biên niên kỷ cũng như cách cấu trúc về các niên đại đồng thời giữa hai nước nào đó thật thiếu logic và khó chấp nhận. Mặc dầu không chấp nhận niên đại truyền thống của Tích Lan về năm 624 trước TL như là năm đản sinh của đức Phật, tác giả cho thấy phần lớn các nhà nghiên cứu đều đồng ý cho rằng ngày đản sinh của đức Phật có thể trước hoặc sau năm 560 trước TL vài năm. Trong khi các học giả cố gắng truy nguyên niên đại của đức Phật lịch sử, họ đã đưa ra quá nhiều học thuyết khác nhau đến độ mâu thuẫn và loại trừ lẫn nhau. Đó cũng chính là lý do làm cho học thuyết về niên đại của đức Phật của các trường phái Phật giáo dựa trên các biên niên sử của mình vẫn còn lý do để tồn tại và thách thức các giới hạn tri thức về lịch sử của con người.

Nội dung của bài nhận định tổng hợp này gồm 8 phần sau: 1) Niên đại của đức Phật – một vấn đề chưa giải quyết; 2) Điểm lại lịch sử nghiên cứu đề tài; 3) Bằng chứng rút ra từ bối cảnh lịch sử văn hoá Ấn Độ; 4) Các đánh giá khác nhau về cứ liệu; 5) Nguồn gốc và phát triển các biên niên đại đức Phật truyền thống; 6) Thuyết thiên niên kỷ trong các truyền thống Phật giáo; 7) Niên đại của đức Phật theo cách tính dựa vào niên đại lịch sử; và 8) Kết luận.

Chữ viết tắt: TK: thế kỷ; TTL: trước Tây lịch; Symp: Tập Hội Thảo Chuyên Đề. 

1. NIÊN ĐẠI CỦA ĐỨC PHẬT – MỘT VẤN ĐỀ CHƯA GIẢI QUYẾT?

Chưa có tài liệu nào về niên đại của đức Phật lịch sử, vị sáng lập đạo Phật, được truyền thừa nhất quán trong các tông phái chính của Phật giáo cũng như được các học giả cùng công nhận. Các học giả cũng chưa đi đến một kết luận thống nhất nào về vấn đề này. Hầu hết các nguồn sử liệu Phật giáo và các học giả đều nhất trí cho rằng đức Phật đã nhập diệt lúc tám mươi tuổi. Nếu tính theo lịch Thiên Chúa giáo, ngày Niết-bàn của đức Phật theo truyền thống khoảng năm 2420 đến 290 TTL. Điều này không những làm cho các học giả lúng túng rất nhiều mà còn làm cho các Phật tử ngày nay ngộ nhận khi họ bắt đầu vào con đường nghiên cứu Phật học. Vì vậy, vấn đề biên niên sử đã được bàn thảo rộng rãi trong các phong trào Phật giáo quốc tế, và như chúng ta sẽ thấy dưới đây, đã có nhiều nỗ lực để đi đến thống nhất chung về Phật lịch, nhưng kết quả đạt được thật là giới hạn.

Vấn đề niên đại của đức Phật và những nhân vật đương thời với Ngài không kém phần quan trọng đối với các sử gia. Thật sự nó vẫn là vấn đề thiết yếu cho ngành sử học Ấn Độ và thế giới. Do đó, nhiều người đã có nhiều cố gắng để đi đến một niên đại thống nhất, tuy nhiên đại đa số các học giả Nam Á và phương Tây theo một khuynh hướng, còn các học giả Nhật Bản lại đi theo một khuynh hướng khác. Theo quyển “Lịch Sử Ấn Độ của Đại Học Cambridge” (Cambridge History of India), biên niên sử được phần lớn các học giả phương Tây và Nam Á sử dụng trong giai đoạn giữa thế kỷ XIX cho đến thời gian gần đây, giả định rằng: “Đức Phật nhập Niết-bàn trước hoặc sau vài năm của năm 480 TTL.”[1] Cách tính này được xem như là cơ sở của biên niên sử Ấn thời kỳ đầu và nó cũng được xem như là tài liệu đáng tin cậy nhất trong lịch sử Ấn Độ. Vì thế, trong quyển Biên Niên Sử Ấn Độ (Chronology of India) của D. Mabel Duff (1899), viết: “Thái tử Siddhārtha, sau thành đức Phật Gautama, sinh ở Kapilavastu khoảng năm 557 TTL” được xem như ngày lịch sử đầu tiên trong bảng niên đại, ngay sau năm 3102 TTL- năm đầu tiên của kỷ nguyên Kaliyuga và năm 3076 TTL – năm đầu của kỷ nguyên Laukika.[2]Ngày đản sinh của đức Phật được tính ngược lại từ năm 477 TTL, và đây là năm đức Phật nhập Niết-bàn theo quan điểm của Max Muller.

Các cách tính này, đặc biệt dựa vào truyền thống biên niên của Đảo Sử (Dīpavaṃsa) và Đại Sử (Mahāvaṃsa) trong văn học Pāli do các tác giả Tích Lan trước tác khoảng TK IV đến đầu TK VI TL cũng như dựa vào bộ Thiện Kiến Luật Tỳ-bà-sa (Samantapāsādikā) của Ngài Phật Âm (Buddhaghosa). Tuy nhiên, niên đại được tính dựa theo những tác phẩm đã được các Phật tử Tích Lan cũng như các Phật tử theo truyền thống Theravāda ở Nam Á chấp nhận thì ngày đức Phật nhập Niết-bàn không phải năm 477 / 480 mà là năm 544 / 543 TTL. Đó là điểm khởi đầu của Phật lịch đã được các cộng đồng Phật giáo Theravàda ở Nam và Đông Nam Á sử dụng.[3] Niên đại 544 hay 543 TTL có thể gọi là biên niên sử gốc, hoặc là “Biên niên sử dài chưa-hiệu-chỉnh” (Uncorrected Long Chronology), hoặc là “Biên Niên Sử Phật Giáo Nam phương” (Southern Buddhist Chronology), trong khi đó biên niên sử các học giả phương Tây sử dụng được xem như “Biên Niên Sử Dài Đã Hiệu Chỉnh” (Corrected Long Chronology).

Trong giai đoạn nghiên cứu đầu tiên của người Châu Âu về Phật giáo, khoảng tiền bán TK XIX đã có khuynh hướng theo “Biên niên sử Nam truyền” hay “Biên niên sử Nam phương Phật giáo chưa hiệu chỉnh” này.[4] Chính đây là biên niên sử cuối cùng về niên đại đức Phật và dường như nó là quan điểm dễ chấp nhận nhất. Tuy nhiên, như đã đề cập trong phần giới thiệu của bản dịch Đại Sử của ấn bảnMahāvaṃsa xuất bản năm 1837 vô cùng có giá trị thời bấy giờ, George Turnour đã lưu ý đến mức độ không chính xác khoảng 60 năm giữa niên đại vua Chandragupta thuộc triều đại Maurya như đã được truyền thống này đề cập, và niên đại này được thành lập nhờ vào sự xác định niên đại đồng thời của vua Chandragupta và các nhà văn Hy Lạp Sandrakotto, và việc xác định này được ông William Jones phát hiện năm 1793. Ông Turnour đã kết luận rằng niên đại của các Hoàng Đế Chandragupta và Aśoka được tính quá sớm trong biên niên sử, nhưng ông lại chấp nhận dữ liệu trong Mahāvaṃsa cho khoảng cách giữa đức Phật nhập Niết-bàn và lên ngôi của vua Chandragupta là 168 năm và lên ngôi của vua Aśoka là 218 năm.[5] Dựa trên căn bản này, Turnour đã đưa ra một loại biên niên sử mới mà sau này mệnh danh là “biên niên sử dài đã hiệu chỉnh.” Điều này càng được khẳng định hơn nữa nhờ sự giải mã về các bia ký của Aśoka và sự xác định niên đại của các vua Hy Lạp đương thời đã được đề cập trên các bia ký đó.[6]

Như người viết đã từng đề cập, “biên niên sử dài đã hiệu chỉnh” dù có sự biến thiên nhỏ giữa các năm 486 – 477 TTL được ấn định là năm đức Phật nhập Niết-bàn, được xem như là nền tảng của các biên niên sử Ấn Độ. Hầu hết các niên đại đã được đề cập trong các tác phẩm văn học Ấn Độ thời kỳ đầu đều dựa vào niên đại này và được rộng rãi quần chúng tin cậy như là ngày đầu tiên trong lịch sử Ấn Độ. Như vậy, niên đại được ghi trong văn học Bràhmaṇa khoảng 1000 năm TTL, những bản kinh (Sùtra) và Áo Nghĩa Thư (Upanishad) thời kỳ đầu, khoảng 800 – 500 TTL, v.v… đã được các nhà nghiên cứu thời Max Muller lặp đi lặp lại nhiều lần, đều dựa trên tài liệu biên niên sử này.

Tuy nhiên, cũng còn một vài trường hợp ngoại lệ mà chúng ta gặp phải trong “biên niên sử dài đã hiệu chỉnh”. Nhiều sách hiện nay về lịch sử Ấn Độ, lịch sử thế giới, lịch sử tôn giáo, v.v… trên thực tế lại được xuất bản ở các nước phương Tây hoặc ở Nam Á suốt 100 năm qua. Nhìn chung, nó được nhìn nhận như một sự kiện đã định hình. Trong số các luận chứng cổ điển, bản văn giới thiệu cho dịch phẩm Mahāvaṃsa (1912) của Wilhelm Geoger là một trong những bản văn có ảnh hưởng lớn nhất để ủng hộ giả thuyết này.[7]

Năm 1953, André Bareau đã xuất bản một bài khảo cứu có tính nghiên cứu cao được đăng tải trong tạp chí Journal Asiatique [8] để ủng hộ biên niên sử dài đã hiệu chỉnh. Từ đó niên đại khoảng 480 TTL như là niên đại đức Phật nhập Niết-bàn được tin là đã được thành lập “tương đối chắc chắn”. Đây là điểm được A. K. Warder trình bày vào năm 1970[9] và nó có thể được công nhận một cách đương nhiên như là nền tảng của tất cả biên niên sử Ấn Độ thời kỳ đầu. Một số lý luận của những người ủng hộ biên niên sử dài vẫn tiếp tục được xem như có sức thuyết phục trong các bài viết có tính nghiên cứu cao gần đây về đề tài này, ví dụ như cuốn Đức Phật Lịch Sử của H. W. Schumann vào năm 1982.[10]

Tuy nhiên, có một số học giả hiện nay biện hộ cho Biên niên sử dài chưa hiệu chỉnh, nghĩa là theo Thượng Tọa Bộ, năm đức Phật nhập Niết-bàn là năm 544 TTL. Một trong những người đáng chú ý nhất là Vinsent A. Smith, tác giả cuốn Lịch Sử Ấn Độ thuộc Ấn Bản Oxford [11] và Lịch Sử Ấn Độ Thời Kỳ Đầu từ 600 TCN đến Cuộc Xâm Lăng của Muhammadan.[12]

Người viết xin trích dẫn một dẫn chứng dưới đây[13]:

Tôi không tin rằng niên đại của đức Phật có thể được xác định như là “chắc chắn” và trái với các ý kiến đã được ủng hộ cho rằng năm đức Phật nhập Niết-bàn là 487 hoặc 486 TTL. Ngày nay chúng ta có thêm một dữ liệu mới nhờ bia ký Khāravela, nếu nó đúng, buộc chúng ta phải đi ngược lại niên đại của Saisunaga hơn 50 năm, và vậy nó sẽ ủng hộ niên đại đức Phật nhập Niết-bàn theo truyền thống Tích Lan năm 544 hay 543 TTL. Điều này có thể lập luận rằng các truyền thống được bảo tồn ở Màgadha nên được tin tưởng hơn là những truyền thuyết do chư tăng ở Tích Lan xa xôi ghi lại sau này, nhưng cũng có bằng chứng thuyết phục hơn là đức Phật Gautama là người sống cùng thời với vua Srenika Bimbisara và con trai của vua là Kunika Ajata-sutra, và nếu như vậy, người viết cảm thấy rằng nên chấp nhận niên đại 543 TTL, vì nó dựa vào sử liệu được khám phá nhờ bia ký Khāravela; trừ phi có các nghiên cứu mới về đề tài này.”

Biên niên sử 544 TTL của Thượng Toạ Bộ dĩ nhiên là được đại đa số các nhà nghiên cứu Phật học Nam Á hiện nay tán thành. Chính biên niên sử này đã được các phong trào Phật giáo quốc tế như “Hội Thân hữu Phật tử Thế giới” (World Fellowship of Buddhists) và các hiệp hội Phật giáo chấp nhận. Biên niên sử này được truyền bá khắp nơi. “Đại hội Phật giáo Thế giới” lần đầu tiên được tổ chức để mở màn cho Đại hội Phật giáo toàn quốc Tích Lan ở Colombo năm 1950, với niềm hy vọng rằng “đúng vào năm 2500 sau đức Phật diệt độ, tức là năm 1956 của TL, toàn thể thế giới sẽ tiếp nhận lối sống của đạo Phật” như được trình bày trong bản tường trình chính thức tại hội nghị.[14] Tại hội nghị một cuộc vận động được xúc tiến: “Các thân hữu Phật tử thế giới đã chấp nhận năm 2494 sau đức Phật nhập Niết-bàn như là năm thành lập Phật lịch (nghĩa là năm 1950) và bản nghị quyết này được gởi đến tất cả đoàn thể, hiệp hội Phật giáo để tường tri và thực hiện.”[15] Tuy nhiên, nó đã bị trì hoãn để xét duyệt lại. Hội đồng chuyên gia đã được thành lập sau hội nghị Hội Thân hữu Phật tử Thế giới[16] lần hai, khẳng định quyết định này để ủng hộ Phật lịch theo truyền thống Thượng Toạ Bộ và nó được chấp nhận trong nghị quyết tại đại hội lần ba năm 1954.[17]

Mặc dù những nỗ lực này đã đạt đến những quyết định có thẩm quyền quan hệ đến Phật lịch, tuy nhiên vấn đề vẫn còn tồn đọng, gây tranh luận không những trong thế giới học giả mà còn trong thế giới Phật tử. Tôi xin trích dẫn một ví dụ từ những tác phẩm của tác giả Phật tử Tích Lan hiện nay, đó là ông G.H.de Zoysa. Ông cho rằng cái gọi là “Phật lịch chuẩn xác” phải là năm 384 TTL.[18] Giả thuyết này được bàn thảo rộng rãi ở Tích Lan, ví dụ tờ tuần báo Chủ Nhật Silumina của Colombo, ra ngày 9 tháng 8 năm1987.[19] Để biện hộ cho việc “chuẩn xác” Phật lịch, de Zoysa đã đưa ra những điểm không nhất quán trong cách tính năm của các biên niên sử Tích Lan thời kỳ đầu. Sự trình bày chi tiết của P.Kiefer-Pulz về giả thuyết của de Zoysa đã được tìm thấy trong một chương liên hệ của tác phẩm này.[20]

Tuy nhiên, trong các tác phẩm Sanskrit Phật giáo đầu tiên và những bản dịch của các tác phẩm này, chúng ta vô tình bắt gặp một truyền thống biên niên sử khác khá xa với các sử liệu của Thượng Toạ Bộ mà người viết đã bàn đến. Biên niên sử này cũng còn được gọi là “biên niên sử ngắn” (short chronology) cho rằng đức Phật nhập Niết-bàn trước lễ Đăng quang của vua Aśoka 100 năm.[21] Trong khi các bản chánh tạng, ngụy tạng và hầu hết các tác phẩm trong tục tạng tính thời gian giữa đức Phật nhập Niết-bàn và lễ đăng quang của vua Aśoka là 100 năm, thì trong luận thuyết phân phái Samayabhedoparacanacakra của Ngài Vasumitra (Thế Hữu / Thiên Hữu hoặc được phiên âm là Bà-tu-mật) thuộc văn học Trung Quốc, chúng ta lại bắt gặp con số “116” với cách đọc khác là “160” và con số “160” trong luận phẩm Nikayabhedavibhangavyakhyana của Ngài Bhavya và một vài con số khác trong các tài liệu sau này.[22]

Tuy nhiên, “biên niên sử ngắn” lại không cung cấp cho chúng ta một hệ thống niên đại như cách của biên niên sử dài. Các truyền thống Ấn Độ thường chỉ cung cấp một biên niên sử tương đối, nghĩa là khoảng thời gian giữa đức Phật nhập Niết-bàn với giai đoạn Vua Aśoka hoặc đức Phật nhập Niết-bàn với Vua Kanishka. Tuy thế, truyền thống chép sử ở Ấn Độ lúc bấy giờ không phải là không bị gián đoạn. Vì vậy, Phật tử Ấn Độ thời Trung cổ không có truyền thống nào đáng tin tưởng liên quan đến khoảng thời gian giữa Vua Aśoka hay Kanishka với thời của họ, và do đó hầu như họ cũng không chấp nhận lối chuyển các thông tin này thành cách tính về khoảng cách thời gian giữa đức Phật nhập Niết-bàn đến thời của họ. Nếu như sử dụng biên niên sử Purāṇa (tuyển tập về chuyện kể liên quan đến Bà-la-môn giáo) của các Bà-la-môn đương thời để tính thời đại Maurya, họ sẽ có biên niên sử sớm hơn. Tất nhiên, vấn đề này cũng tăng cường sự bất đồng của những người ở Đông Á, Tây Tạng, và các nước Trung Á khác để tính ngày Niết-bàn trong giới hạn hệ thống niên đại riêng của họ, bởi vì phần lớn các truyền thống này đều dựa vào cách tính của các trường phái Phật giáo ở Ấn Độ.[23] Về phương diện này, truyền thống Ấn Độ hoàn toàn khác với truyền thống của các vị Thượng Toạ Bộ, ngay từ các thời kỳ đầu đã đưa ra hệ thống biên niên sử nhất quán.

Học giả người Hà Lan, Hendrik Kern (1896), là người đầu tiên đưa ra hai đoạn trong Dīpavaṃsa (1.24-27 và 5.55-59) giả định rằng trong một phần khác của biên niên sử ngắn[24] bị biên niên sử dài thay thế. Tính không nhất quán này có thể được giải thích bằng cách cho Dīpavaṃsa không phải là một tác phẩm văn học có giá trị, mà chỉ là tuyển tập các bài kệ từ các tác phẩm trước đây như Wilhem Geiger[25], Erich Frauwallner[26], và các học giả khác đã trình bày. Dựa vào trọng điểm của những đoạn này, Hendrik Kern, và sau này E. J. Thomas[27], G. C. Mendis[28] cũng như gần đây nhất P. H. L. Eggermont[29] quan niệm rằng biên niên sử ngắn trình bày biên niên sử Phật giáo sớm nhất và nó đi trước tất cả biên niên sử Phật giáo khác. Tuy nhiên, các học giả khác thích đi theo hướng của Hermann Oldenberg hơn và giải thích lại các đoạn trong Dīpavaṃsa như là các đoạn tham khảo thiếu cứ liệu về mặt văn bản học so với biên niên sử dài.[30]

Các học giả Nhật Bản lại bất đồng về vấn đề này hơn các học giả phương Tây. Hầu hết các học giả Nhật Bản có thẩm quyền hiện nay đều dựa vào sự khác biệt của cái gọi là biên niên sử ngắn ấy để làm điểm khởi đầu cho việc tính toán niên đại của đức Phật.[31] Phương pháp họ sử dụng cho cách tính này, căn bản giống như phương pháp những người ủng hộ biên niên sử dài đã hiệu chỉnh đã sử dụng, nghĩa là thêm 100 năm hoặc thêm 116 năm vào ngày vua Aśoka đăng quang như các sử gia đã viết, và do vậy ngày đức Phật nhập Niết-bàn phải là năm 368 hay 383 TTL. Trong một bài tham luận nhân dịp hội thảo chuyên đề về niên đại đức Phật lịch sử (1988), Akira Hirakawa cho rằng vua Aśoka sống khoảng 100 năm sau khi đức Phật diệt độ vì cách tính niên đại này được tìm thấy hầu hết trong Tam Tạng và nó rất phù hợp với phương diện phát triển Tăng đoàn.[32] Tuy nhiên, Hajime Nakamura đã nhấn mạnh trong bản tham luận của mình ở buổi hội thảo là năm nhập Niết-bàn của đức Phật phải được tính dựa vào niên đại đã được tìm thấy trong bản dịch tiếng Hoa   là Samayabhedoparacanacakracủa Vasumitra (Thế Hữu) đã được đề cập ở trên. Theo Luận phẩm đó, số năm từ khi đức Phật nhập diệt cho đến khi Vua Aśoka xuất hiện là 116 năm. Giả thuyết này cho rằng đức Phật nhập Niết-bàn năm 383 TTL và cũng được Nakamura đưa ra vào năm 1955.[33] Tương tự các học giả Nhật Bản hiện nay đã đưa ra nhiều biên niên sử dựa trên cách đánh giá của mức độ thay đổi trong biên niên sử ngắn, đó là năm 390 hoặc là 384 TTL (Genmiyo Ono, 1905)[34] năm 386 TTL (Hakuji Ui, 1924)[35], và khoảng 400 TTL (Ryùsho Hikata, 1980).[36]

Các học giả Nhật Bản thuộc trường phái khác chấp nhận biên niên sử được mệnh danh là “Chúng Thánh Điểm Ký” ở Quảng Đông (Canton). Đây là truyền thống có liên quan đến một bản văn viết tay rất cổ, trong đó mỗi năm được chấm vào một chấm sau năm đức Phật nhập Niết-bàn. Truyền thống này vẫn còn được tiếp diễn ở Quảng Đông đến năm 489 TL. Từ số các dấu chấm này người ta suy ra, năm đức Phật nhập Niết-bàn là 486 TTL hay nếu theo cách tính khác là vào năm 483 TTL.[37] Niên đại này khá ăn khớp với biên niên sử dài đã hiệu chỉnh. Tuy nhiên, giá trị sử liệu và nguồn gốc biên niên sử vẫn còn đang gây rất nhiều tranh luận. Trường phái biện hộ cho biên niên sử này được trình bày trong sách chuyên đề do công đóng góp của G. Yamayaki, người theo truyền thống Nam Phương (xem phần IV của bài viết này).[38] Với ngoại lệ duy nhất của biên niên sử dựa vào “Chúng Thánh Điểm Ký” này, các cách tính của các học giả Nhật Bản không dựa vào truyền thống Đông Á mà chỉ dựa vào nguồn gốc hiện đại. Chúng phát xuất từ sự đánh giá về những tác phẩm nguyên tác bằng ngôn ngữ Sanskrit Phật giáo hoặc các bản dịch Trung Hoa hay Tây Tạng, thường được đề cập đến bằng thuật từ mặc ước, “Bắc tông” hay các truyền thống Phật giáo phương Bắc.

Về điểm này, cần phải nhắc đến tác phẩm được xem như là “thánh kinh” của các nghiên cứu Phật học hiện đại, đó là quyển “Lịch Sử Phật Giáo Ấn Độ” của Étienne Lamotte xuất bản năm 1958.[39] Có lẽ rất hữu ích khi trích dẫn những đoạn đề cập đến biên niên sử ngắn và dài trong tác phẩm của Lamotte[40]ở đây:

“Hai biên niên sử này được xác nhận trong tài liệu cổ: biên niên sử dài cho ngày đức Phật nhập Niết-bàn là 218 năm trước lễ đăng quang của Aśoka (khoảng 486 TTL) và biên niên sử ngắn cho sự kiện này khoảng 100 năm trước Aśoka lên ngôi (khoảng 386 TTL).

1. Như vậy, theo Biên niên sử dài được truyền thống Tích Lan công nhận, lễ Đăng quang của Aśoka thuộc vào năm 218 sau đức Phật nhập Niết-bàn (Dīpavaṃsa VI.1, tr.19-20; Mahāvaṃsa V.21; các ấn bản Pāli khác nhau của bộ Thiện Kiến Luật Tỳ-bà-sa (Samantapāsādikā) I, tr. 41, 1.25) và đại hội kết tập kinh điển tại Pā.taliputra 18 năm sau, nghĩa là vào năm 236 sau đức Phật nhập Niết-bàn (Dīpavaṃsa VII. 37 và 44; Mahāvaṃsa V. 280).

Tuy nhiên, cách tính này đòi hỏi cần thận trọng.

Trong Đảo Sử, truyền thống này tính tới 13 vị vua suốt khoảng thời gian 278 năm từ lúc Bimbisāra lên ngôi (60 năm trước đức Phật nhập Niết-bàn) cho đến khi lễ đăng quang của vua Aśoka (218 năm sau đức Phật nhập Niết-bàn)- một con số rất thông thường, nhưng điều đáng nói ở đây là chỉ có năm vị Tổ Sư Luật tạng- một con số quá nhỏ.

Trong phần 2, biên niên sử và các bản sớ giải của Tích Lan không trung thực tuyệt đối với cách tính của chúng. Như vậy, lễ Đăng quang của vua Aśoka vào năm 118 sau đức Phật nhập Niết-bàn theo ấn bản tiếng Hoa của quyển Thiện Kiến Luật Tỳ-bà-sa (Samantapāsādikā) (Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh, số 1462 k.1, tr. 679c 13) thay vì năm 218 sau đức Phật nhập Niết-bàn. Kỳ kiết tập kinh điển ở Pā.taliputra thay vì là năm 236 sau đức Phật nhập Niết-bàn thỉnh thoảng lại cho 218 (trong Dīpavaṃsa I, tr 24-25, và V, tr. 55-59), thỉnh thoảng cho là 218 sau đức Phật nhập Niết-bàn (Atthasālinì, tr. 3, 1.26-27; tr. 4, 1.25-26).

2. Hầu hết tất cả các tác phẩm Sanskrit và tiếng Hoa đều dựa vào biên niên sử ngắn cho rằng lễ đăng quang của vua Aśoka sau đức Phật nhập Niết-bàn 100 năm. Tuy nhiên, theo cách tính này chỉ có 12 vị vua và 5 vị Tổ sư Luật Tạng từ thời vua Bimbisāra và Aśoka. Có nhiều nguồn sử liệu cho rằng Aśoka và vị quốc sư Upagupta sống khoảng 100 năm sau đức Phật nhập Niết-bàn…”

Cũng trong tác phẩm vừa nêu (tr.15), Lamotte đã phát biểu hết sức thận trọng trong một đoạn văn rằng “các sử gia hiện nay có thể chọn tuỳ ý biên niên sử dài hay biên niên sử ngắn,” riêng ông, ông chỉ sử dụng biên niên sử dài như là “một giả thuyết có thể chấp nhận.” May mắn thay, người viết đã có cơ hội thảo luận riêng vấn đề này với cố giáo sư Lamotte. Ông cho rằng việc sử dụng biên niên sử dài chỉ là “vấn đề thuận tiện”; và dưới ánh sáng những bằng chứng hiện có, “chúng ta nên đề ra niên đại của đức Phật nhập Niết-bàn một cách dứt khoát.” Quan điểm này cũng được phản ánh trong những tác phẩm sau cùng của ông.[41]

Khi đối diện với các giả thuyết khác nhau của các học giả được đào tạo trong các truyền thống phương Tây và Nhật Bản, tác giả cảm thấy cần phải đặt lại cái gọi là độ đáng tin cậy của biên niên sử Ấn Độ hay phương Tây. Trong tiến trình khảo cứu, người viết đi đến kết luận rằng những bằng chứng có giá trị về “biên niên sử dài đã hiệu chỉnh” hoàn toàn không có sức thuyết phục.

Trong một bài tham luận tại Hội Thảo về Ấn Độ Học ở Stockholm năm 1980, tác giả cho rằng “biên niên sử dài đã hiệu chỉnh” không nên được ủng hộ nữa. Bài viết này sau đó được xuất bản trong tạp chí Indologica Taurinensia. [42] Trong đó, người viết đã bày tỏ lòng biết ơn đến Giáo sư Eggermont đã khuyến khích xuất bản những khám phá của người viết nhân dịp Hội thảo Lần Thứ Hai của Hội Phật Học Quốc Tế ở Nalanda (The Second Conference of the International Asociation for Buddhist Studies in Nalanda), tháng 1 năm 1980, khi người viết đọc bản tóm tắt đó.[43] Người viết cũng đã ghi nhận rằng “những khám phá của Eggermont cũng không mâu thuẫn với quan điểm đã trình bày trong bài viết này” (nghĩa là bài viết trong Indologica Taurinensia, 1982), “và các lập luận khác của giáo sư Eggermont trên căn bản cũng đã đi đến cùng một kết luận” trong bài viết của ông mang tựa đề “Những Ghi Chú Mới về Aśoka và Những Vị Kế Thừa”.[44] Đức Phật và Mahānīra là những người đồng thời, cho nên biên niên sử của Mahānīra cũng phải được xét duyệt lại. Điều này cũng đã được đề cập tại hội thảo quốc tế ở Strasbourg năm1980.[45] Trong tiến trình khảo sát xa hơn, một số quan điểm đã được trình bày trong những cố gắng ban đầu này được xem là đúng, và một tác phẩm nghiên cứu chi tiết hơn, “Cuộc Đời Đức Phật, Niên Đại Thành Lập Sớm Nhất của Lịch Sử Ấn Độ” được xuất bản năm 1986.[46] Trong bài viết này, người viết cho rằng các nguồn tài liệu hiện hành không giúp gì được để xây dựng lại chính xác cuộc đời đức Phật, bởi vì chúng ta không có bằng chứng nào thuyết phục về những gì mà tài liệu biên niên sử đáng tin cậy được truyền thừa ở Ấn Độ trước cuộc xâm lăng của Vua Alexander. Người viết tin tưởng rằng “biên niên sử ngắn” trình bày biên niên sử Phật giáo sớm nhất trong nguồn sử liệu chúng ta đã tìm ra. Tuy nhiên, điều này không ám chỉ nó trình bày tài liệu biên niên sử đáng tin cậy. Những nghi ngờ này cùng với tất cả những nỗ lực để đi đến xác định trong vòng mười năm hay vài mươi năm khi sự kiện đức Phật nhập Niết-bàn xảy ra, bao gồm những nỗ lực trước đây của riêng người viết.[47] Tuy nhiên, điều này cũng không thể cấm đoán người viết phát biểu rằng, nếu dùng từ của Lamotte, “hãy đi đến kết luận niên đại của đức Phật nhập Niết-bàn một cách dứt khoát”.[48] Để hiểu rõ các quan điểm này, người đọc có thể xem bài nghiên cứu trong tác phẩm này.[49]

Một bài giới thiệu trong một tuyển tập về biên niên của đức Phật sẽ còn nhiều thiếu sót nếu không tham khảo đến những bài khảo cứu khác nhau của các học giả Ấn Độ về cách tính năm của đức Phật và những người đồng thời với Ngài. Mặc dù đại đa số các học giả Ấn Độ hiện đại như đã gợi ý ở trên đều lấy nguồn thông tin biên niên sử từ các nguồn tài liệu Ấn Độ được các học giả phương Tây tin cậy như trong bài nghiên cứu của J. U. Hartmann trong tập sách này.[50] Rất nhiều sử gia Ấn Độ dựa vào các nguồn tài liệu khác nhau, phần lớn là dựa vào truyền thống được ghi lại trong các bộ Purāṇa. Các học giả này không chấp nhận giá trị của những luận điểm mà biên niên sử dài đã hiệu chỉnh và cách tính của người Nhật Bản và phương Tây hiện nay về niên đại của đức Phật nhập Niết-bàn đã dựa vào. Nghĩa là niên đại đồng thời giữa vua Chandragupta và Aśoka với tài liệu biên niên sử ở Hy Lạp. Người viết xin trích dẫn một ví dụ ở đây trong cuốn Lịch Sử Văn Học Sanskit Cổ Điển [51] của M. Krishnamachariar (1937) mà ngày nay vẫn còn được sử dụng như một tác phẩm tham khảo rất phổ biến trong làng văn học Sanskrit. Trong một bài luận về biên niên sử dài, tạo nên một phần giới thiệu cho cuốn sách này[52] ông đã bàn chi tiết về các nghiên cứu của các học giả phương Tây từ thời điểm nghiên cứu của William Jones, nhưng kết quả hoàn toàn khác nhau. Krishnamachariar phê bình gay gắt những gì ông gọi là “sai lầm về niên đại đồng thời giữa Sandracottus của người Hy Lạp và vua Chandragupta Maurya”[53] và ông đưa ra một niên đại đồng thời khác. Biên niên sử của riêng ông dựa vào các đoạn trong văn học Purāṇa. Theo ý của ông văn học Purāṇa “tính thẩm quyền của nó thật là chắc chắn.” Các đoạn văn này cho rằng “triều đại Maurya kéo dài khoảng 316 năm, từ 1535 – 1219 TTL”.[54] Do đó, ngày đức Phật nhập Niết-bàn phải được tính sớm hơn.

Những dòng quan điểm tương tự như vậy được nhiều học giả Ấn Độ khác dựa theo. Ví dụ, gần đây (khoảng năm 1984) V. G. Ramachandran sử dụng cách tính thiên văn học như là luận điểm chính của ông, và đã tuyên bố rằng năm đức Phật đản sinh là 1887 TTL và năm đức Phật nhập Niết-bàn là 1807 TTL.[55] Năm 1987, Shriram Sathe đã xuất bản tập “Hội thảo chuyên đề” Niên Đại Đức Phật mà người viết muốn giới thiệu ở đây để cung cấp thêm thông tin về nhiều niên đại khác nhau mà các học giả Ấn Độ đã đề nghị.[56] Một loại kết hợp khác giữa niềm tin truyền thống và nghiên cứu học đường được các học giả nỗ lực trình bày để tính niên đại của đức Phật, bằng cách đối chiếu niên đại đồng thời của lịch sử Ấn Độ và Trung Quốc thời kỳ đầu. Các loại lịch sử này được trình bày trong bài phát biểu của Chen Yen-huei.[57]

2. ĐIỂM LẠI LỊCH SỬ NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀI

Đối tượng chủ yếu trong bài hội thảo chuyên đề của Gottingen (1988) về niên đại của đức Phật lịch sử và tuyển tập này là nỗ lực khảo duyệt và hiệu đính toàn diện một cách nghiêm túc những học thuyết về niên đại của đức Phật trong điều kiện cho phép. Chính các dữ kiện ban đầu được các sử gia cung cấp không thể dẫn đến sự nhất trí như là câu trả lời cuối cùng cho vấn đề này. Sự thống nhất ý kiến rất khó có thể đạt được trong một cuộc hội thảo chuyên đề với sự đóng góp của các học giả thuộc nhiều truyền thống nghiên cứu và nhiều cách tiếp cận với các phương pháp khác nhau. Ngược lại, thật là ngạc nhiên, ít nhất chúng ta đã đạt đến quan điểm chung một phần nào liên quan đến các phương diện chủ yếu của vấn đề này. Trong tập này, trong một góc độ nào đó chúng ta trình bày vấn đề niên đại đức Phật khá tổng quát, nếu không muốn nói là cung cấp tài liệu nghiên cứu toàn diện về niên đại của đức Phật lịch sử các cách trả lời khả dĩ về vấn đề này. Nhờ vậy, giới độc giả có thể có được những thông tin cần thiết để rút ra các quan điểm cho riêng mình về những vấn đề đang còn tranh luận này.

Như vậy chúng ta đã đánh dấu điểm nổi bật trong tiến trình hội thảo về lịch sử nghiên cứu đề tài. Phần lớn các luận điểm được trích dẫn để ủng hộ các biên niên sử đức Phật đã được các học giả đề cập trong suốt 150 năm qua, và như vậy chúng đã trùng khớp với các tác phẩm trước đây về cùng đề tài. Một số sự kiện lịch sử đã được trưng dẫn ở trên trong phần đầu của lời giới thiệu này. Trong tuyển tập này người đọc sẽ thấy bản tường thuật chi tiết của Siglinde Dietz về lịch sử nghiên cứu phương Tây cho đến 1980 (xem cùng tác phẩm, tr. 39-105). Bản nghiên cứu đánh dấu giai đoạn sớm nhất của các ấn bản châu Âu về đề tài, bắt đầu từ việc tính niên đại đức Phật đản sinh vào năm 1026 TTL, trong tác phẩm Khổng Tử (Confucius) của tác giả Phillippe Couplet (1687), người Bỉ. Thời gian đức Phật trụ thế là 79 năm, một con số được xem là có giá trị cho đến ngày nay.

Một giai đoạn nghiên cứu mới bắt đầu bằng cách tính dựa theo biên niên sử dài đã hiệu chỉnh của George Turnour năm 1837. Suốt TK XIX và XX, nhiều học giả phương Tây, một mặt đã đề xuất các niên đại khác nhau bao gồm biên niên sử chưa hiệu chỉnh của Thượng Toạ Bộ, và sau này Albrecht Weber, Niels Ludwig Westergaard[58] và các học giả khác thừa nhận. S. Dietz đã trình bày những nỗ lực khác nhau về cách tính niên đại của đức Phật trong bài khảo cứu của ông, do đó các độc giả xem tuyển tập này sẽ được cung cấp đầy đủ các thông tin về lịch sử nghiên cứu của phương Tây về lãnh vực này.

Lịch sử nghiên cứu về niên đại đức Phật ở Ấn Độ và Tích Lan bằng ngôn ngữ phương Tây được Jens-Uwe Hartmann đề cập đến.[59] Những nhà nghiên cứu ở Nam Á và các học giả phương Tây nghiên cứu lãnh vực này dĩ nhiên trao đổi ý kiến qua lại. Bài khảo cứu này được bổ sung bằng các tài liệu: (i) công trình nghiên cứu của Gustav Roth về các ấn phẩm cùng chủ đề bằng tiếng Hindi[60], (ii) ghi chú về Phật lịch trong Malalankaravatthu của Heinz Braun[61], và (iii) một bài tóm lược các nghiên cứu của người Nhật Bản về cùng chủ đề của Hajime Nakamura.[62] Thông tin về việc nghiên cứu ở Trung Hoa chỉ được tìm thấy trong các bài đóng góp của một số tác giả như Herbert Franke trong phần 5 của tập này[63] , bài “Cách Tính Niên Đại của Đức Phật theo Phật Giáo Trung Hoa”[64] của Lewis Lancaster, trong bài “Nghiên cứu của người Trung Hoa về Niên Đại Đức Phật”[65] của Chen Yen-huei. Một số nỗ lực gần đây nhất trong việc nghiên cứu về niên đại đức Phật lịch sử cũng được thảo luận trong bài giới thiệu mang tính khảo cứu này.

3. BẰNG CHỨNG RÚT RA TỪ BỐI CẢNH LỊCH SỬ VĂN HOÁ ẤN ĐỘ

Vấn đề niên đại của đức Phật không thể xác định một cách đúng đắn nếu không có khảo cứu về bối cảnh lịch sử văn hoá Ấn Độ trong đó đức Phật thuyết giảng giáo pháp. Hiểu biết và giải thích dựa theo bối cảnh Ấn Độ cung cấp cho chúng ta nhiều bằng chứng gián tiếp cần thiết. Bằng chứng này có thể xem như thước đo về các tài liệu biên niên sử từ các nguồn khác. Chính nhờ các nguồn tài liệu này có thể giúp chúng ta ấn định niên đại tương đối đáng tin cậy của đức Phật. Các bằng chứng gián tiếp như vậy có thể được rút ra từ nguồn thông tin lịch sử Phật giáo thời kỳ đầu. Và trong bối cảnh lịch sử đó, đặc biệt (1) tình trạng chính trị và xã hội ở phía Bắc Ấn Độ trong thời đức Phật, (2) bằng chứng nhờ khám phá của khảo cổ học về giai đoạn này, (3) người đương thời đức Phật là Mahānīra, (4) sự kế tục của các Tổ Sư Luật Tạng của Phật giáo và Kỳ-na giáo, (5) biên niên sử của quá trình phát triển giáo lý và triết học thời kỳ đầu, (6) quá trình phát triển của ngôn ngữ, phương tiện diễn đạt, văn học và âm điệu thi kệ trong truyền thống Phật giáo Thượng Toạ Bộ, (7) thông tin từ các nguồn phi Phật giáo trong lịch sử Ấn Độ cổ đại, (8) mối bang giao văn hoá giữa Ấn Độ và phương Tây thời cổ, và (9) việc nghiên cứu các yếu tố thần thoại trong các truyền thống biên niên sử.

Việc đánh giá các thông tin gián tiếp này được trình bày trong các bài viết trong tập này: “Nghiên Cứu theo Phương Pháp Khảo Cổ về các Di Tích Phật Giáo Cổ Đại”[66] của Herbert Hartel; “Vài Khảo Sát về Ý Nghĩa của Niên Đại Đức Phật trong Lịch Sử Bắc Ấn”[67] của Hermann Kulke, “Bối Cảnh Lịch Sử về Quá Trình Phát Triển Phật Giáo và Cách Tính Niên Đại”[68] của Georg von Simson; “Niên Đại Đồng Thời của Đức Phật và Jina Mahānīra và Vấn Đề Biên Niên Sử của Kỳ-na Giáo Nguyên Thuỷ”[69] của Adelheid Mette; “Khảo Sát Ngôn Ngữ Học về Niên Đại Đức Phật”[70] của Oskar von Hinuber; “Các Tham Khảo của Ấn Độ Cổ Đại về Hy Lạp và Các Cuộc Gặp Gỡ Đầu Tiên giữa Phật Giáo và Phương Tây”[71] của Wilhem Halbfass; “Một số ý kiến về Vấn Đề Niên Đại Đức Phật nhập Niết-bàn”[72] của André Bareau, và “Gia Phả Purāṇa và Niên Đại của Đức Phật”[73] của Heinrich von Stietencron. Có nhiều kết luận khác nhau về vấn đề niên đại đồng thời của đức Phật và Mahānīra, điển hình là bài viết của bà Adelheid Mette trong tập này và bài viết “Năm Qua Đời của Mahānīra”[74] của P. H. L. Eggermont trong phần đầu của tập Symp IV, 1.

Lambert Schmithausen đã “Nỗ Lực Đánh Giá Khoảng Thời Gian giữa Aśoka và Đức Phật dưới Dạng Lịch Sử Học Thuyết”[75] Một vài phương diện liên hệ khác cũng được Sigfried Lienhard giới thiệu trong bài “Ghi Chú Ngắn về Niên Đại Đức Phật Lịch Sử và Thơ Ca Cổ Điển[76] và “Gia Phổ của Đức Phật và Tổ Tiên của Ngài” của Ryutaro Tsuchida.[77]

Đóng góp của ông đối với tập này (cùng tác phẩm, tr. 195-209), Wilhelm Halbfass không chỉ làm rõ tầm quan trọng của các mối quan hệ giữa người Hy Lạp và người Ấn Độ trong thời kỳ đầu để giúp chúng ta hiểu về biên niên sử nhưng cũng đề cập đến giả thuyết mới của ông Daniel Schlumberger, cho rằng giáo pháp đức Phật đã chịu ảnh hưởng của triết gia Hy Lạp Epicurus. Halbfass nói rằng lý thuyết này “không những vô bổ mà còn không thể đứng vững được”. Có thể nói một cách không ngần ngại là giả thuyết gần đây của Paolo Daffinà dựa trên học thuyết của Schlumberger (xem thêm phần nhận xét của người viết tr. 277-280, cùng tác phẩm).

Người viết không dự định tóm tắt ở đây những luận điểm khá phức tạp của những bài đóng góp này, nhưng người viết cảm thấy gần như tất cả các bài viết đều đi đến kết luận cho rằng có những lý do chính đáng để xác định niên đại của đức Phật trễ hơn năm được ghi nhận trong biên niên truyền thống. Herbert Hartel tóm tắt những khám phá của ông: “từ quan điểm này…, rồi đến niên đại của đức Phật trong TK thứ V – IV TTL là rất có thể” (cùng tác phẩm, tr. 159). Trong phần nghiên cứu uyên bác về khoảng cách tương đối giữa vua Aśoka và đức Phật dưới dạng lịch sử giáo lý, Lambert Schmithausen đã cẩn thận phát biểu “việc khảo sát của ông có lẽ không được chắc chắn, ngoại trừ niên đại đầu tiên của đức Phật, nhưng dường như nó đưa ra một niên đại sau này có khả năng hơn”.[78] Georg von Simson tóm tắt rằng, mối bận tâm của ông là “việc đánh giá sau này có khả năng hơn nhiều so với việc đánh giá trước” (cùng tác phẩm, tr. 137). Bài đánh giá về “Các Tham Khảo của Ấn Độ Cổ Đại về Hy Lạp và Các Cuộc Gặp Gỡ Đầu Tiên giữa Phật Giáo và Phương Tây” của Wilhem Halbfass cũng đi đến kết luận tương tự: “ít nhất nó hầu như dễ dàng phù hợp với giả định cho rằng Phật giáo chưa thể có mặt hai Thế kỷ trước thời Megasthenes; Phật giáo cũng chưa xây dựng được các trung tâm tu viện, Phật giáo còn khá trẻ và chưa có bộ mặt đầy đủ khi Magesthenes viếng thăm kinh đô Pataliputra khoảng năm 300 TTL” (cùng tác phẩm, tr.205). S. Lienhard dựa vào một bài nghiên cứu về thi kệ Phật giáo Thượng Toạ Bộ đã kết luận rằng biên niên sử dài đã hiệu chỉnh “dường như nằm quá xa mốc thời gian”.[79] Tóm lại, kết luận rút ra dường như không thể tránh khỏi là các nguồn sử liệu chính yếu về bằng chứng gián tiếp đối với niên đại của đức Phật có sức thuyết phục hơn tài liệu đã được biên niên sử dài đã hiệu chỉnh đề cập.

Nhờ khảo sát về gia phổ trong văn học Purāṇa, Heinrich von Stietencron (cùng tác phẩm, tr. 221-249) đã đi đến một kết luận khác. Ông khẳng định rằng “biên niên sử Purāṇa đã có mặt trước khi các đoàn truyền giáo của Vua Aśoka truyền bá Phật giáo vào Tích Lan,” bởi vì chính Megasthenes, vị sứ thần đi qua vương triều Chandragupta Maurya, trong suốt thời thịnh trị của Chandragupta, rất có thể tác phẩm Bhavisya Purāṇa đã được biên tập (cùng tác phẩm, tr. 221). Tuy nhiên, “tài liệu Purāṇa tự nó không có giá trị về mặt niên đại chính xác”. Như vậy von Stietencron đã biện hộ rằng những năm tính theo vương triều đó có lẽ đúng với các vị vua kế tục sau triều đại Maurya, như các triều đại Nanda và về sau là Sunāga, nhưng các tác phẩm này bị tiểu thuyết hoá hầu hết trong giai đoạn trước đó.” Stietencron còn suy luận có hai cách có thể tính các niên đại của các vị vua cai trị vào thời đức Phật. Niên đại của đức Phật nhập diệt được rút ra từ phần Vaṃ’sānukarita của các tác phẩm Purāṇa hoặc là 520 / 519 TTL với các tham số khác nhau 547 / 546 và 511 / 510 TTL (con số này không khác nhau mấy so với biên niên sử dài chưa-hiệu-chỉnh hoặc là 487 / 486 TTL (tham số này phù hợp với Biên niên sử dài đã hiệu chỉnh và Chúng Thánh Điểm Ký). Trong một bài nghiên cứu của H. v. Stietencron, ông đã thừa nhận: “chúng ta không thể dựa vào một biên niên sử tuyệt đối nào về các tham số mà Purāṇa đã ấn định, vì vậy niên đại của đức Phật xuất phát từ những tham số này không nhất thiết phải được tin theo”. Tuy nhiên, ông lý luận rằng niên đại đức Phật không thể “bị dời xa đến một mức độ như vậy mà nó có thể phù hợp với 100 năm trước thời Aśoka,” bởi vì các người đương thời của đức Phật cách xa vương triều của Chandragupta Maurya đến “7 hoặc 8 các vị vua kế nghiệp” (cùng tác phẩm, tr. 249).[80]

Gananth Obeyesekere đã đóng góp một bài nghiên cứu vô cùng quan trọng về phương pháp luận “Huyền Thoại, Lịch Sử và Số Học trong Biên Niên Sử Phật Giáo”.[81] Trong bài đóng góp đó, ông chỉ ra rằng con số “mười tám” trong một vài trường hợp nào đó, con số “9” và một số con số đặc biệt khác được lặp đi lặp lại nhiều lần trong các biên niên sử Tích Lan. Ý nghĩa đặc biệt về số “18” hầu như trong tất cả các trường phái truyền thống thuộc văn học, tôn giáo, triết học và khoa học, kể cả việc chép sử Phật giáo ở Tích Lan đã được Otto Stein và các học giả khác giải thích.[82] Các khám phá về bản chất huyền thoại và biểu trưng của nhiều thông tin biên niên sử Tích Lan này có tác động mạnh mẽ đến các phán đoán liên quan đến tính khả tín của các truyền thống biên niên sử trong giai đoạn đầu, bất cứ khi nào chúng ta gặp phải những con số tượng trưng như vậy. Các số như vậy có rất nhiều trong các nguồn tài liệu Phật giáo cổ bao gồm cả biên niên sử đức Phật truyền thống và các con số này cần được khảo sát lại bằng cách tiếp cận này.

Suốt cuộc hội thảo cũng có rất nhiều con số tượng trưng được vạch ra. Các con số này không phải dễ dàng được nhận diện bởi vì chúng không phải là con số chuẩn xác cũng không phải con số tượng trưng, do đó chúng có thể bị hiểu sai lạc như là các thông tin truyền thống đáng tin cậy đã được trình bày. Các loại biên niên sử với các loại số như vậy được xây dựng vì những lý do khác nhau tuỳ thuộc vào mục đích và bối cảnh của việc chép sử lúc bấy giờ. Có rất nhiều trường hợp trong truyền thống Ấn Độ, La Mã và sử ký ở Đức thời cổ có thể được xem như là nền tảng để chúng ta so sánh. Tôi xin đề cập đến bài nghiên cứu của Carl J. Classen, đã gởi cho hội thảo và được xuất bản trong Symp IV, 2.[83]

Vẫn còn nhiều bằng chứng gián tiếp khác về niên đại của Đức Phật, đó là cách đánh giá lại các truyền thống liên quan đến lịch sử Tăng-già thuở ban đầu, đặc biệt về việc truyền thừa của các vị Tổ sư Luật Tạng. Điều này đã được khảo sát bằng rất nhiều phương pháp khác nhau và rút ra nhiều kết luận dị biệt trong một vài đoạn của các bài tham luận đánh giá lại truyền thống Ấn Độ. Đặc biệt hơn, vấn đề vẫn còn tranh luận là danh biểu của các vị Tổ Luật Tạng này và niên đại được trình bày trong các tài liệu lịch sử đó được xem là đáng tin cậy hay không trong khi niên đại được gán cho các Ngài còn rất mơ hồ?

Về điểm này, người viết muốn giới thiệu bài đóng góp của André Bareau “Một Số Ý Kiến về Vấn Đề Niên Đại Đức Phật nhập Niết-bàn”[84] liên quan đến bằng chứng gián tiếp này. Trong khi Bareau lý luận trong bài đã đề cập ở trên (1953)[85] rằng tài liệu biên niên sử về Luật Tạng liên quan đến kỳ kiết tập kinh điển tại Vai’sālì trong biên niên sử ngắn là không có căn cứ và xem như là lời biện minh chính cho độ tin cậy của biên niên sử dài đã hiệu chỉnh. Trong bài của ông gởi cho hội thảo chuyên đề ông cho rằng “chúng ta có thể giả sử kỳ kiết tập này xảy ra chưa tới 100 năm nhưng có thể hơn 50 năm sau đức Phật nhập Niết-bàn”. Cách khảo cứu niên đại đức Phật nhập Niết-bàn xuất phát từ những cứ liệu gián tiếp đã được tìm thấy trong hai bia ký của Aśoka. Các tài liệu này “chứng minh rằng khoảng năm 250 TTL tín ngưỡng và huyền thoại học Phật giáo đã phát triển đến đỉnh cao”.[86] Giai đoạn khoảng 380 TTL nên được xem như thời gian có thể xảy sự kiện đức Phật nhập Niết-bàn. Biên niên sử dài (543 hoặc 480 TTL) không thể đứng vững với những cứ liệu khảo cổ này (cùng tác phẩm, tr. 218-219). Phương pháp đã được A. Bareau vận dụng liệt vào loại thứ (5) của các loại cứ liệu gián tiếp đã được trích dẫn ở trên.

Niên đại sớm nhất đã được đề cập trong các tài liệu của chúng tôi xuất phát từ giai đoạn truyền thống khẩu truyền. Vì vậy rất bổ ích khi chúng ta đề cập ở đây một bài nghiên cứu mới, chi tiết về thông tin biên niên sử được truyền thừa dưới dạng truyền khẩu, đó là bài của ông David P. Hennige, “Biên Niên Sử Theo Truyền Thống Truyền Khẩu: Tìm Kiếm Điều Hảo Huyền”.[87] Hennige cho rằng các sử gia và các nhà dân tộc học đã nhất trí truyền thống khẩu truyền là đặc tính của “những người thiếu khả năng để thành lập và duy trì mức độ chính xác của thời quá khứ mà họ cố gắng thuật lại” (sđd, tr.2), do đó chúng ta không thể suy ra niên đại đáng tin cậy nào từ các truyền thống này. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên bỏ qua các thông tin của truyền thống này và hãy xem nó như “động lực” và phân tích giá trị lịch sử trong mỗi trường hợp cá biệt. Mặc dù Hennige chủ yếu biện minh nền tảng của việc nghiên cứu theo truyền thống Châu Phi, ông cũng bàn đến các trường hợp xuất phát từ lịch sử văn hoá Châu Âu và Châu Á. Trong bất cứ trường hợp nào những khám phá mới của ông nên được chú ý cho sự đánh giá về truyền thống biên niên sử về niên đại của đức Phật.

4. CÁC ĐÁNH GIÁ KHÁC NHAU VỀ CỨ LIỆU

Những quan điểm cá biệt về niên đại của đức Phật đã được phát biểu dựa trên một trong những bài đánh giá thuộc truyền thống Ấn Độ trong tám bài đóng góp đã được đưa vào trong hai tập hội thảo chuyên đề và trong một số ấn bản gần đây.

P. H. L. Eggermont, người có công xuất bản một loạt sách nghiên cứu về biên niên sử quan trọng, kê cứu lại các bài viết cùng chủ đề về thời đại Aśoka và căn cứ trên các biên niên sử tương đối đáng tin cậy đã đi đến một kết luận bất ngờ, đó là Aśoka không ai khác hơn chính là Ajaata’satru. Như thế niên đại đức Phật nhập Niết-bàn chuyển dịch đến thời vua Aśoka, nghĩa là năm 261 TTL. Giả thuyết này được ghi lại trong bài “Năm Đức Phật nhập Niết-bàn”.[88] Cứ liệu này tiêu biểu cho niên đại đức Phật nhập Niết-bàn muộn nhất.[89]

Trong bài “Đánh Giá Nguồn Sử Liệu Niên Đại của Đức Phật” của Akira Hirakawa[90] đưa ra kết luận “những Phật tử ở Ấn Độ phán đoán tự tin rằng quan điểm niên đại đức Phật nhập Niết-bàn xảy ra trước 100 năm của vua Aśoka là nổi bật nhất” và “cách tính niên đại này cũng phù hợp với phương diện phát triển Tăng đoàn”. Vì vậy, nó là quan điểm “có sức thuyết phục nhất”.[91] Các cuộc tranh luận về lịch sử của Tăng đoàn Thượng Toạ Bộ trong bài viết mang tính nghiên cứu này phản ánh cách đánh giá của tác giả về lịch sử kiết tập và các trường phái Phật giáo Thượng Toạ Bộ. Cách giải thích của các nguồn sử liệu khác nhau đề cập đến sự kiện này, một số không có liên hệ trực tiếp đến vấn đề chúng ta, đã chạm phải đến một vấn đề gây rất nhiều tranh cãi mà chúng đã được đề cập trong rất nhiều các ấn bản về Phật-đà học (Buddhology). Tuy nhiên, những quan điểm đối lập của các nhà nghiên cứu Phật học ở phương Tây đã không được nhắc đến trong bài của Hirakawa. Trong số những vấn đề khác bài này bao gồm nhận định đánh giá của các nguồn sử liệu trước đây về niên đại đức Phật nhập Niết-bàn, bao gồm “Chúng Thánh Điểm Ký,” mối liên hệ của những người chiêm bái từ Trung Quốc đến Ấn Độ và các nguồn sử liệu khác. Hirakawa đã trình bày hết sức thuyết phục rằng sự phát triển của Tăng đoàn xảy ra khoảng đức Phật nhập Niết-bàn và Asoka lên ngôi có thể xảy ra trong vòng một thế kỷ mà thôi.

Niên đại đức Phật nhập Niết-bàn sớm hơn đã được trình bày trong “Sơ Khảo Vấn Đề Niên Đại Đức Phật” của Hajime Nakamura.[92] Niên đại này được thành lập dựa trên cứ liệu truyền thừa trong văn bản Samayabhedoparacanacakra hoặc được viết Samayabhedaprakaraṇa của Ngài Vasumitra bằng tiếng Hoa (có lẽ TK II TL). Nakamura khẳng quyết rằng niên đại đức Phật nhập Niết-bàn nên được tính dựa vào tác phẩm này mặc dù nó chỉ là một tác phẩm cung cấp thông tin. Theo tác phẩm trên “số năm trôi qua giữa năm đức Phật thị tịch và năm đăng quang của vua Aśoka là 116 năm”[93] Với cách tính này, năm đức Phật nhập Niết-bàn là năm 383 TTL đã được Nakamura trình bày vào năm 1955.[94]Điều này cũng đã được đề cập trong phần I ở trên.

K. R. Norman nghiên cứu lại các phương diện chính của vấn đề này trong bài “Khảo Sát Niên Đại của Jina và Đức Phật.”[95] Ông khẳng định “cả Mahānīra và Đức Phật Gautama đều diệt độ trong khoảng 10 năm trước hoặc sau năm 400 TTL.” (Symp IV, 1, p. 312).[96]

Trong một bài viết cho hội thảo (Symp VI,1, tr. 315-325), Gen’ichi Yamzaki đã biện hộ, tán đồng quan điểm của biên niên sử dài đã hiệu chỉnh tương ứng với truyền thống “Chúng Thánh Điểm Ký”, cho năm đức Phật nhập Niết-bàn là 486 TTL. Trong bài viết của mình, ông đã xắp xếp lại lịch đại Tổ Sư Luật Tạng, điểm chung này đóng một vai trò vô cùng then chốt. Yamazaki đã làm sống lại cách giải thích của Oldenberg về những đoạn trích dẫn của Đảo Sử 1.24-27 và 5.55-59 ở trên và do đó không chấp nhận sự hiện hữu của mốc điểm thời gian trong biên niên sử ngắn trong bài này.[97] Gen’ichi Yamazaki chấp nhận rằng. “Chắc chắn “Chúng Thánh Điểm Ký” đã dựa vào truyền thuyết Nam Phương Thượng Toạ Bộ.[98] Ông lập luận rằng niên đại biên niên sử dài có mặt sớm hơn nhiều so với “Chúng Thánh Điểm Ký”. Thật là thiếu sót, Yamazaki không để ý đến cách tính nhầm biên niên sử của Thượng Toạ Bộ. Tuy nhiên, nhờ nhận xét này mà các Phật tử Nam Phương Thượng Toạ Bộ đã chuyển đổi số năm trong biên niên sử gần như chính xác từ lúc vua Aśoka cho đến hậu bán Thế kỷ thứ V”[99]. Chúng ta có thể suy ra rằng, trên căn bản ông chấp nhận giả thuyết của Wickremasinghe dưới một văn bản đã hiệu đính được Wilhelm Geiger sử dụng, mặc dù được bổ sung chút ít trong những gì ông khẳng định là biên niên sử sớm hơn được sử dụng cho đến thế kỷ thứ V- giai đoạn “Chúng Thánh Điểm Ký” được giới thiệu. Tuy nhiên, Senerat Paranavitana đã phủ bác toàn bộ giả thuyết của Geiger đã có mặt vào năm 1960 bằng cách cho rằng kỷ nguyên của Theravāda bắt đầu từ năm 544 TTL đã được sử dụng vào cuối thế kỷ IV.[100] Vì vậy các vị thuộc Nam Phương Phật giáo không thể đã chuyển đổi Phật lịch từ năm 486 thành cuối TK thứ V được. Dẫu sao, Yamazaki đã không ghi nhận về các nghiên cứu liên hệ gần đây. Yamazaki nhấn mạnh rằng ông tin tưởng niên đại “218 năm trước lễ đăng quang của Aśoka” là lâu hơn hay sớm hơn “danh sách các Tổ Sư ngụy tạo”.[101]

Trong bài viết của tôi, ở trang 253-286, tôi đã lập lại các luận điểm mà tôi đã trình bày trong bài nghiên cứu xuất bản năm 1986.[102] Tôi cho rằng việc ra sức tìm niên đại đức Phật nhập Niết-bàn trong một hay vài thập niên chỉ hoài công vì hết thảy những cố gắng như thế đều dựa trên phán đoán. Thật là rõ ràng rằng niên đại đức Phật nhập Niết-bàn trễ hơn nhiều so với biên niên sử dài đã hiệu chỉnh. Đặc biệt người viết tin chắc rằng các biện chứng của Herbert Hartel, Hermann Kulke, và Georg von Simson[103] không còn thừa nhận quan niệm về các niên đại đức Phật nhập Niết-bàn sớm như vậy nữa.

Trong bài viết của ông “Niên Đại Đức Phật: Vấn Đề Lạc Dẫn Đã Được Sáng Tỏ”[104], Richard Gombrich cũng nhất trí cho rằng niên đại chuẩn xác của đức Phật nhập Niết-bàn có thể căn cứ trên Đảo Sử. Ông quả quyết tài liệu biên niên sử được rút từ các đoạn văn ghi lại việc truyền thừa của các vị Tổ từ Upāli đến Tissa Moggaliputta và Mahinda là có thể tin cậy được, nhưng mãi đến bây giờ tài liệu này vẫn còn bị ngộ nhận. Căn cứ vào các thông tin này, Gombrich tính niên đại đức Phật nhập Niết-bàn có thể vào khoảng giữa năm 411 TTL và năm 399 TTL, và có khả năng nhất là năm 404 TTL. Hơn thế nữa, ông còn tán thành với cách tính truyền thống cho thời gian 218 năm giữa đức Phật nhập Niết-bàn và lễ lên ngôi của vua Aśoka chỉ là dựa trên giả định sai lầm xa xưa, nghĩa là tuổi hạ của các vị Tăng được tính kể từ lúc thọ đại giới (Symp IV, 2, tr.257). Thật tình cờ, cách tính của Gombrich đã rơi vào khoảng con số niên đại trong biên niên sử dài đã hiệu chỉnh vốn được các nhà phê bình, nghiên cứu gần đây nhiệt tình ủng hộ.[105]

Trong một vài cuộc hội thảo tổ chức trước đây bàn về niên đại của đức Phật, một cách tính niên đại xuất phát từ thiên anh hùng ca Maṇimèkalai của người Tamil (thế kỷ VI TL) đưa ra “một dạng thức rất mơ hồ về niên đại đức Phật”.[106] Những đoạn này cũng được Ryth Walldén nhắc đến trong bài “Một vài Ghi Chú về Niên Đại Đức Phật trong Maṇimèkalai”.[107] Những đoạn trích dẫn như vậy khó có thể được xem như là nguồn sử chính thức lại được khẳng định trong bài viết mang tính nghiên cứu này.[108]

K. Narain cũng có viết một bài tham luận đóng góp hội thảo được đề cập đến trong tập II. Ông bảo vệ quan điểm cho rằng năm 483 TTL được ghi nhận trong biên niên sử dài đã hiệu chỉnh là đúng. Các luận điểm của ông được căn cứ trên cái gọi là “bằng chứng bia ký”, đó là dựa theo con số 256 trên một chỉ dụ đầu tiên của Aśoka.[109] Lần đầu tiên Georg Buhler đưa ra giả thiết về niên đại đức Phật nhập Niết-bàn này vào năm 1894 /1995, nhưng đến bây giờ con số này vẫn còn đang tranh luận.[110]

Về điểm này thiết tưởng cũng nên được đề cập, là vài tác phẩm cùng chủ đề gần đây vừa xuất bản không có mặt vào thời điểm hội thảo và do đó không được tham khảo. Đó là các tác phẩm của K. T. S. Sarao[111] cho rằng niên đại đức Phật nhập Niết-bàn vào khoảng 397 TTL. Sarao đưa ra một cách giải thích mới dựa vào hai đoạn trong Dīpavaṃsa (4.27-46 và 5.69-107), những đoạn sử này cũng là nền tảng cho biện minh của Gombrich đã được nói ở trên. Số liệu ghi trong Đảo Sử I5.96 (Dīpavaṃsa) thường được biết như là số năm của năm vị Trưởng Lão trì giới theo như cách giải thích của K. T. S. Sarao “là tuổi hạ của các vị Cao Tăng trở thành những vị Trưởng Lão truyền giới pháp”, bởi vì “không thể có sự kiện một vì trưởng lão nào có thể giữ giềng mối giới luật trong một thời gian quá dài (như đã được ghi trong Đảo Sử 5. 96), nhưng tự thân bài kệ này nó không có ý nghĩa nhiều như những gì người ta phân tích nó”.[112] Cách lý luận của K. T. S. Sarao là giả định một truyền thống có tài liệu biên niên sử chính xác từ thời đại đức Phật trở về trước, một giả định rất đáng ngờ nhưng không được giải thích rõ về nguyên nhân sai lầm trong cách luận giải của tài liệu biên niên sử này.

Năm 1989, Kailask Chandra Varma đã công bố một bài viết về niên đại đức Phật nhập Niết-bàn.[113]Ông đoan chắc rằng “quan điểm giả định niên đại 490-80 TTL là thiển cận và ủng hộ nhiệt tình niên đại 544 TTL như là năm nhập diệt của đức Phật”. Varma còn luận thêm “chân thành mà nói là các học giả đầy đủ khả năng chưa từng bị mù quáng trước các giả thiết của các học giả phương Tây cũng như một số người Ấn thiếu hiểu biết nên khảo duyệt lại toàn bộ vấn đề biên niên sử Ấn Độ cổ đại”.[114]Thiết nghĩ, tôi không cần bàn tới sự đính chính về các luận điểm quá lỗi thời trên; tốt hơn là ghi nhận sự kiện có lợi rằng “biên niên sử dài chưa hiệu chỉnh” vẫn tiếp tục được một số học giả Ấn Độ bảo vệ. Nhiều bài nghiên cứu gần đây mang dáng dấp tương tự được nhắc đến trong bài viết của J. U. Hartmann.[115]

Cùng năm 1989, K. D. Sethna đã xuất bản công trình nghiên cứu rất dài của ông về biên niên sử Ấn Độ thời kỳ đầu trong đó có phần trình bày về niên đại đức Phật.[116] Luận chứng của Ông phần lớn dựa trên văn học Purāṇa và các nghiên cứu cũng như các nguồn tài liệu liên hệ. Trong “bảng biên niên sử mới” này, ông xác định niên đại đức Phật nhập Niết-bàn vào năm 1168 TTL, 218 năm trước lễ lên ngôi của vua Aśoka Maurya năm 950 TTL. Mặc dù độc giả có thể xem quan điểm này như là chuyện lạ, người viết nêu lên ở đây chỉ cốt để trình bày toàn cảnh của vấn đề bàn thảo về niên đại của đức Phật ngày nay.

Sau hết, tưởng cũng nên đề cập đến quyển sách nhỏ của Sonam Morup. Đây là cuốn sách tập hợp các luận điểm bảo vệ biên niên sử dài đã hiệu chỉnh.[117] Các sự kiện chính về niên đại chính xác trong các luận cứ này dựa vào các kết quả tính toán bằng thiên văn học. Sonam Morup xác định đức Phật nhập Niết-bàn vào ngày 11 tháng 4 năm 487 TTL.

Vì vậy, có một số điểm bất đồng trong các nghiên cứu đã được đề cập ở trên về đánh giá các truyền thống Ấn Độ. Nhiều kết luận về ngày đức Phật nhập Niết-bàn từ 2066 TTL (D. R. Mankad), cho đến 1807 TTL (V. G. Ramachandran), 1168 TTL (K.D. Sethna), 544 TTL (K. C. Varma), 487 TTL (Sonam Morup), 486 TTL (G. Yamazaka), khoảng 483 TTL (A. K. Narain), giữa 420 TTL và 380 TTL (A. Bareau), khoảng 404 TTL (R. Gombrich), giữa 410 TTL và 390 TTL (K. R. Norman), khoảng 400 TTL (R. Hitaka), khoảng 397 TTL (K. T. S. Sarao), khoảng giữa 400 TTL và 350 TTL (H. Bechert), 383 TTL (H. Nakamura), 368 TTL (A. Hirakawa), thậm chí cho đến 261 TTL (P. H. L. Eggermont).

5. NGUỒN GỐC VÀ PHÁT TRIỂN CỦA CÁC BIÊN NIÊN ĐẠI ĐỨC PHẬT TRUYỀN THỐNG

Mục tiêu của tập hội thảo chuyên đề về niên đại của đức Phật không chỉ khảo sát các vấn đề làm thế nào và chúng ta có thể quyết định niên đại của đức Phật lịch sử đã được bao xa. Nhiệm vụ không kém phần quan trọng là bao gồm khảo sát nguồn gốc và quá trình phát triển lịch sử của biên niên sử khác nhau của đức Phật mà đã được các Phật tử sử dụng qua nhiều thời đại cũng như khảo sát niên đại đã được các cộng đồng tôn giáo khác đặt định, mà họ đã ghi trong hệ thống tôn giáo của họ như là theo tôn giáo Manichaean và Bonpo.

Người viết bắt đầu bằng biên niên sử của Thượng Toạ Bộ, trong suốt quá trình đó biên niên sử Phật lịch Thượng Toạ Bộ được nổi bật số một. Như đã đề cập ở trên, tất cả các Phật tử đã chấp nhận Phật lịch này trong các phong trào Phật giáo thế giới.[118] Nguồn gốc của biên niên sử này thực sự còn gây nhiều tranh luận. Một số học giả còn tiếp tục đồng ý với Wilhelm Geiger cho rằng niên đại của vua Tích Lan Devānampiyatissa lên ngôi năm 236 sau đức Phật nhập Niết-bàn, vốn có liên hệ rất gần với niên đại 218 của vua Aśoka lên ngôi sau đức Phật nhập Niết-bàn”, thuộc về niên đại đáng tin tưởng và được truyền thừa qua nhiều thế hệ, và nó phải được xem như là bộ xương của biên niên sử Tích Lan”.[119] Giả thuyết này, như chúng ta đã thấy còn gây rất nhiều tranh luận. Điểm quan trọng nhất để đánh giá giá trị của biên niên sử này, dĩ nhiên cần giải thích cách tính nhầm trong lịch của Thượng Toạ Bộ hiện nay. Điều này đã được nhận ra từ thời điểm nghiên cứu của G. Turmor như chúng tôi đề cập ở trên. Bài viết của tôi trong tập này là cố gắng tóm tắt các cách lý giải của người khác để trả lời vấn đề này, cũng như quan điểm riêng về chủ đề (cùng tác phẩm, tr. 253-286).

Biên niên sử của Thượng Toạ Bộ được sử dụng trong các tài liệu bia ký (không còn bị gây tranh luận) tương đối cũ về Phật lịch được tìm thấy ở Ấn Độ, đó là bia ký ở Bodhgayā ghi năm 1813 sau đức Phật nhập Niết-bàn. Những vấn đề tranh luận cũ có liên quan đến cách giải thích niên đại này và cách giải quyết vấn đề đã được Cornelia Mallebrein trình bày.[120] Biên niên sử của Thượng Toạ Bộ dường như đã ảnh hưởng đến các truyền thống Bắc phương Phật giáo, ví dụ như tác phẩm Li-yul-gyi-lo-rgyus, một tác phẩm lịch sử cổ đại của người Khotan (Tân Cương) được viết bằng ngôn ngữ Tây Tạng[121], một tác phẩm biên niên của truyền thống khác là Ha-dbanblo-gros-bzan-po (Sure’samatibhadra) đã dược các sử gia Tây Tạng lưu truyền. Tác phẩm này xuất phát từ ký sự của một vị Tăng Sākya’sribhadra người Kashmir đã viếng thăm Tây Tạng năm 1204-1213,[122] vā từ thông tin biên niên kỷ được tìm thấy trong một bản văn viết tay của người Nepal về tác phẩm Hevajraprakasa, có niên đại 1811 sau Phật nhập niết-bàn. Chú thích của bản viết tay này đã được đề cập trong bài “Bàn về Niên Đại Đức Phật Lịch Sử theo Truyền Thống Nepal”[123] của Mahes Raj Pant (Symp IV,1, pp.358-362). So với biên niên sử của Thượng Toạ Bộ thì tác phẩm Sure’samatibhadra khác hơn 1 năm, trong khi bản viết tay Hevajraprakasakhác 5 năm. Thật rõ ràng, mối quan hệ (mặc dù không phải luôn luôn chính xác), kiến thức về biên niên sử Thượng Toạ Bộ được truyền sang Nepal, Tây Tạng, và Trung Á phải đã có mặt trong các cộng đồng Thượng Toạ Bộ ở Bodhgayā và đặc biệt ở các tu viện Tích Lan, đã xuất hiện ở đó nhiều thế kỷ.

Liên quan đến việc sử dụng biên niên sử của Thượng Toạ Bộ ở Thái Lan, Oskar von Hinuber cho tôi biết rằng việc sử dụng biên niên sử được biết sớm nhất ở Thái Lan được tìm thấy trên bia ký tượng Phật ở Bắc Thái Lan có niên đại 2039 theo Phật lịch (1495 / 96) TL.[124]

Nhiều ý kiến về niên đại đức Phật trong phong trào chấn hưng Phật giáo được Petra Kieffer-Pulz và học thuyết biên niên sử khác được các Phật tử Theravāda hiện nay trình bày cũng được bàn thảo trong tập đóng góp này.

Có lẽ ở đây cũng nên thêm lời nhận xét về tài liệu được xuất bản hiện nay bao gồm một truyền thống chưa được biết đến về niên đại đức Phật nhập Niết-bàn. Đây là một phần còn sót lại của tác phẩm Sankrit Lokaprajñapti, tác phẩm này cho chúng ta biết khoảng cách 540 năm khi Pusyaputra lật đổ triều đại Mauryavaṃsa và chính ông đã chiếm hữu thành Pataliputra. Bản văn chỉ là một phần còn sót lại và do đó chúng ta không biết chắc chắn từ sự kiện nào năm 540 được tính. Siglinde Diestz đã luận rằng sự kiện này có khả năng là niên đại đức Phật nhập Niết-bàn.[125]

Về sau, các truyền thống Tây Tạng và Ấn Độ được Gunter Gronbold trình bày trong bài nghiên cứu tổng quát về niên đại của đức Phật trong những tác phẩm Mật Tông[126] và trong giải thích cứ liệu về niên đại đức Phật như đã được tìm thấy trong tác phẩm nổi tiếng “Lịch Sử Giáo Lý” của Claus Vogel.[127] Trong hai tập hội thảo chuyên đề, những bài viết phụ liên quan đến truyền thống Tây Tạng được đưa vào, đó là “Niên Đại của Đức Phật Thích-ca Mâu-ni theo Nguồn Sử Bompo”của Per Kvaerne,[128]”Ghi Chú về Cách Tính của Ấn Độ và Tây Tạng về Đức Phật nhập Niết-bàn và Khoảng Thời Gian Hoằng Pháp của Ngài”[129] của David Seyfort Ruegg, cũng như tuyển tập của những tài liệu như vậy từ các nguồn được Champa Thupten Zongtse tuyển chọn[130] và của E. Zabel.[131]

Vì Phật giáo đóng vai trò then chốt trong lịch sử Trung Á, các truyền thống về niên đại đức Phật nhập Niết-bàn đã được khám phá trong những tác phẩm Trung Á cổ đại tạo nên một chủ đề hấp dẫn mà đã được Klaus Ruhrborn khảo cứu,[132] còn truyền thống Manichean đã được Wener Sundermann đánh giá trong bài “Truyền Thống Manichaean về “Niên Đại Đức Phật Lịch Sử”.[133] Các cứ liệu của người Tokharian được K.T. Schmid đề cập.[134] Theo tài liệu có được từ các nhà chuyên gia dẫn đầu về lãnh vực, chưa có cứ liệu nào về đức Phật nhập Niết-bàn đưa ra trong các bản văn của người Sogdia, trong khi đó chỉ có một trích dẫn liên hệ đến chủ đề trong một tác phẩm của người Khotan.[135] Các tham khảo dựa vào truyền thống Mông Cổ được Klaus Sagaster trình bày.[136]

Về niên đại của Đức Phật, các truyền thống Đông Á có rất nhiều khúc quanh hơn các truyền thống Tây Tạng. Các truyền thống Trung Quốc cũng được điểm qua trong bài đóng góp “Bàn về Niên Đại Đức Phật theo Truyền Thống Trung Quốc” của Herbert Franke cũng được in trong tuyển tập này.[137] Về các bài đóng góp khác đối với hội thảo chuyên đề này liên quan đến các truyền thống Đông Á bao gồm các bài đánh giá về nguồn sử liệu của Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam. Đó là các bài của Hubert Durt,[138] của Lewis Lancaster, “Niên Đại của Đức Phật theo Phật Giáo Trung Quốc”[139]; của Bhikkhu Pāsādika, “Các Hệ Thống Biên Niên Sử Phật Giáo Truyền Thống: Các Truyền Thống Việt Nam”[140], của Erhard Rosner, “Vài Nhận Xét về Khảo Luận của Yu Cheng – hsieh liên quan đến niên đại của đức Phật,[141] và Chen Yen- huei, ” Nghiên Cứu về Niên Đại Đức Phật của Người Trung Quốc”.[142]

Ở Indonesia, Phật giáo truyền thống chỉ phục hưng trong tình trạng tôn giáo Bali hỗn hợp được biết như “Siva- Buddhism”.[143] Bài khảo cứu về các biên niên sử ở Indonesia của J. G. de Casparis không cung cấp thêm dữ liệu nào về niên đại Đức Phật.[144] Giáo sư J. Ensink (Groningen) đã cung cấp cho người viết biết rằng cho đến nay không tìm thấy dấu vết nào của truyền thống cổ đại liên quan đến niên đại đức Phật được khám phá ở Indonesia.[145] Các Phật tử Indonesia hiện đại thì theo biên niên sử Thượng Toạ Bộ.

Cuối cùng, cũng nên đề cập ở đây rằng Werner Sundermann đã khảo sát truyền thống của tín đồ thờ lửa (Zoroastrian) liên quan đến niên đại đức Phật, ở đó đức Phật được biết dưới tên “Bòdāsp”như một nhân vật huyền thoại thuộc về quá khứ xa xôi.[146] Trong hệ thống biên niên sử của đạo bái hoả, Bòdāsp có lẽ có niên đại khoảng 6254 hoặc 6255, tương ứng với 2745 hoặc 2746 trước khi Zarathustra xuất hiện.

6. THUYẾT THIÊN NIÊN KỶ TRONG CÁC TRUYỀN THỐNG PHẬT GIÁO

Một yếu tố quan trọng đang chú ý về niên đại của đức Phật trong số những Phật tử trong các giai đoạn sau là niềm tin của họ cho rằng lịch sử Phật giáo đã được phát triển phù hợp với qui luật nào đó đã được đức Phật tiên đoán. Như vậy, bằng cách tính khoảng cách từ ngày đức Phật nhập Niết-bàn cho đến thời đại họ, họ có thể xác định thời điểm của họ trong toàn bộ lịch sử Phật giáo như nó tương ứng với sự kiện nào đó trong lịch sử thế giới.

Những lời tiên đoán về thời gian của chánh pháp, mạt pháp và thời gian đức Phật tương lai, Phật Di-lặc (Maitreya) được giải thích rất chi tiết trong truyền thống Phật giáo. E. Lamotte và E. Leumann đã trình bày bài khảo cứu của mình toàn diện về những vấn đề như vậy trong Phật giáo Ấn Độ.[147] Tất cả truyền thống Phật giáo chính đã truyền thừa những tác phẩm về đề tài này, và nó đã được biên tập và chuyển dịch sang nhiều ngôn ngữ khác nhau, ví dụ như cuốn Anāgatavaṃsa bằng Pāli, Maitreyavyākarana bằng Sanskrit, Maitreyasamiti bằng tiếng Khotan, Maitrisimit bằng tiếng Tokhar, và bằng ngôn ngữ Uigur, v.v…vẫn còn có nhiều hệ thống tín ngưỡng nhỏ hơn như vậy trong thời kỳ Phật giáo muộn, đáng chú ý nhất là trong hệ thống Kālacakra (bánh xe thời gian), có nguồn gốc từ Ấn Độ và đã ảnh hưởng sâu sắc đến Phật giáo Tây Tạng. Các cách tính biên niên sử của giới Phật tử Tây Tạng như đã trình bày trong tập này phải được hiểu là trái ngược với bối cảnh này. Những trào lưu tư tưởng tin vào Đấng Cứu Thế cầu mong Bồ-tát Di-lặc ra đời, vì vậy đã có nhiều biến động và phát sinh nhiều cuộc canh tân trong lịch sử Trung Quốc.[148] Các trào lưu cứu độ sôi nổi đó phát triển mạnh đặc biệt ở Đài Loan[149], và ngay cả nó lây lan sang Indonesia. Những người theo các trào lưu này đại diện một trong bảy giáo phái của Phật giáo Indonesia ngày nay.[150] Các tư tưởng cứu độ và mạt pháp của Phật giáo cũng xuất hiện ở Nhật Bản.[151]

Vào năm 1956 / 1957 Phật giáo Theravāda đã tổ chức lễ kỷ niệm năm đức Phật nhập Niết-bàn lần thứ 2500 (Buddha Jayanti) và điều đó được xem là một điềm lành tối thượng. Như đã đề cập ở phần một, bao nhiêu ước nguyện lớn được ấp ủ để chờ đến năm này. Tuy nhiên các niềm tin này không luôn đúng hoàn toàn với các tiên đoán đã được tìm thấy trong văn học sớ giải (A.t.thakathā), một bộ sớ giải chứa đựng những lời giải thích của Theravāda chánh thống về giáo pháp của đức Phật.[152] Các phong trào kiểu này được M. Sarkisyanz ghi lại trong “Hiệp Hội Thiên Niên Kỷ của đức Phật Đản Sinh”.[153]

7. NIÊN ĐẠI ĐỨC PHẬT THEO CÁCH TÍNH DỰA VÀO NIÊN ĐẠI LỊCH SỬ

Vẫn còn tồn đọng một phương diện khác về vấn đề niên đại đức Phật mà người nghiên cứu không thể lãng quên khi nghiên cứu chủ đề này. Đây là vấn đề thuộc niên đại đức Phật theo cách tính dựa vào niên đại lịch sử và trong các cách tiếp cận mang tính học thuyết đối với lịch sử thế giới. Chúng ta gặp nhiều phương cách tính như thế trong nhiều tài liệu của Trung Quốc về niên đại cuộc đời Đức Phật. Tài liệu hiện có từ trong các bài tham luận về truyền thống Đông Á (xem Phần V ở trên) minh hoạ đầy đủ những đánh giá xác thực của các nhà sử học Trung Quốc đề ra.

Cách tính dựa theo niên đại lịch sử vẫn luôn được các thời đại từ xưa đến nay ưa chuộng. Một học thuyết được thảo luận phổ biến trong thời gian khá gần đây đó là “Học Thuyết về Trục Thời Gian” (Axial Age Theory) do Karl Jaspers khởi xướng. Việc áp dụng khả thi đối với vấn đề này đã được S. N. Eissenstadt viết trong “Luận về Ngày Sinh của Đức Phật dưới Phương Diện của Nền văn Minh Tương Đối”.[154] Các cuộc thay đổi văn hoá lớn xảy ra ở Trung Âu và Bắc Âu trong giai đoạn đức Phật tại thế tạo thành chủ đề của chương cuối trong tập sách này. Chủ đề này được Reinhard Wenskus đóng góp và được đăng trong Symp IV,1 [155]

8. KẾT LUẬN

Chúng ta không thể cung cấp cho các sử gia một biên niên sử mới về đức Phật mà được tất cả mọi người hay các chuyên gia đồng ý. Các quan điểm dị biệt vẫn còn tồn đọng rất nhiều. Tuy nhiên, chúng ta có thể nói rằng tập hội thảo chuyên đề này ít nhất cũng thực hiện được chức năng làm sáng tỏ “sự thống nhất chung giữa các học giả là đức Phật nhập Niết-bàn khoảng những năm 480 TTL”[156] và sự kiện đó đã trở nên một cái gì thuộc về quá khứ. Hiện nay biên niên sử này chỉ là một trong nhiều giả thuyết về biên niên sử. Giá trị của nó chỉ là một phần đóng góp cho tập hội thảo chuyên đề và trong một bài viết bổ sung mà thôi. Đại đa số các vị đóng góp đều cho rằng niên đại đức Phật nhập Niết-bàn đáng lưu ý nhất là sau 480 TL, nhưng họ không thể đi đến thống nhất là sau bao nhiêu năm, và sự kiện này nên là năm nào.

Một phương diện lý thú khác liên quan đến nguồn gốc của tài liệu biên niên sử và sử gia nào đã sử dụng chúng. Trong tuyển tập này, độc giả sẽ gặp rất nhiều trường hợp bịa đặt khác nhau về cấu trúc và niên đại đồng thời của biên niên sử. Người viết xin trích ở đây trường hợp ở Tích Lan. Các sử gia trước kia đã xây dựng niên đại đồng thời giữa Vijaya, tổ tiên có tính chất huyền thoại của người Tích Lan và Niết-bàn của đức Phật để bào chữa cho lời tuyên bố của người Tích Lan về Vijaya là dân tộc được đức Phật chọn lựa (Mahāvaṃsa 6.1-4). Tuy nhiên, việc đánh đồng giữa đức Phật và Vijaya không chỉ là hư cấu của huyền thoại Tích Lan mà còn từng lạc dẫn các học giả vào niềm tin cho rằng nó trình bày những thông tin lịch sử đáng tin cậy. Trường hợp rất nổi tiếng thứ hai là “Đánh đồng niên đại của Gajabāhu” mà vẫn còn được xem như là nền tảng của biên niên sử Tamil thời kỳ đầu.[157] Như G. Obeyesekere đã chỉ ra rất rõ,[158] việc đánh đồng này chỉ cốt để xây dựng huyền thoại, không hề có cơ sở lịch sử. Một trường hợp khác liên quan đến niên đại của Kālidāsa. Câu chuyện kể rằng KāladāsaKamāradāsa (biệt hiệu là Kumāradhātusena) là những người sống đồng thời đã được rất nhiều học giả trước đây xem như là điều khẳng định về niên đại của Kālidāsa.[159] Tuy nhiên, Kumāradāsa, tác giả của tác phẩm Jānakìharaṇa, sống sau vua Kumāradhātusena đến vài thế kỷ và câu chuyện này ra đời rất muộn.[160]

Quan niệm cho rằng danh sách các vị Tổ Sư Phật giáo trong 3 truyền thống chính của Phật giáo Nguyên Thủy không ăn khớp với “biên niên sử dài đã hiệu chỉnh”[161] đã là điểm xuất phát các tranh luận và nó còn để lại các luận điểm quan trọng bậc nhất về khảo cứu niên đại đức Phật của người biên tập và xác nhận năm Niết-bàn của đức Phật phải là sau năm 480 TTL mà đã được hầu hết các học giả phương Tây đồng ý.[162] Người viết cảm thấy rằng các luận chứng đã được trình bày tại hội thảo chuyên đề đã làm vững thêm giả định này. Như kết quả của một quá trình tìm kiếm, dường như những giả định khác nhau liên quan đến biên niên sử Ấn Độ đã được phần lớn chấp nhận trước cuộc xâm lăng của Vua Alexander nên được khảo sát lại. Điều này có liên quan đến niên đại lịch sử cũng như đối với những ai phản ánh sự phát triển văn hoá và những tác phẩm văn học, và nó bao gồm luôn mối liên hệ biên niên sử Ấn Độ và triết học Hy Lạp cổ đại cũng như mối ảnh hưởng hỗ tương khả dĩ của chúng đã được trình bày trong bài đóng góp của Wilhelm Halbfass.

Heinz Bechert – TK. Giác Hoàng dịch: nguồn: thuvienhoasen.org


Dịch từ nguyên tác tiếng Anh “Introductory Essay: The Dates of the Historical Buddha – A Controversial Issue” của giáo sư Heinz Bechert đăng trong tuyển tập When Did the Buddha Live? được giáo sư Heinz Bechert làm tổng biên tập (Delhi, Sri Satguru Publications, 1995) từ trang 11-36.


[1]Jarl Carpentier, “The History of the Jains” The Cambridge History of India, [Chương “Lịch Sử của Kỳ-na,” trong quyển Lịch Sử Ấn Độ của Đại Học Cambridge] Cambridge, 1992, p. 156.

[2] D. Mabel Duff, Chronology of India from the Earliest Times to the Beginning of the Sixteenth Century, [Biên Niên Sử Ấn Độ từ Thái Cổ đến Đầu Thế Kỷ XVI], Westminster, 1899, p. 4.

[3] Sự khác biệt một năm Phật lịch giữa Tích Lan, Miến Điện và Thái Lan, Lào, Cam-pu-chia không có nghĩa là cách tính khác biệt. Vì Phật lịch ở Tích lan, Miến Điện và Ấn Độ tính năm Đức Phật Niết-bàn như là năm thứ nhất, còn ở Thái Lan, Lào, Cam-pu-chia thì không tính. Đối chiếu World Fellowship of Buddhists [Hội Thân Hữu Phật Tử Thế Giới] (bt.) So sánh Resolutions from the First to the Twelth General Conferences [Những Giải Pháp của Hội Phật Giáo Thế Giới từ Đại Hội I đến XII.], BWF, Bankok, 1980, pp. III-IV.

[4] Đối chiếu Bechert, Lebensz, tr. 131.

[5] Georg Tumour, Mahāvaṃsa in Roman Characters [Đại Sử phiên âm bằng Chữ La-mã], tập1, Ceylon [Colombo], 1837, pp. XLVIII-L.

[6] Claus Vogel đã chỉ ra (Review of Bechert, Lebensz, trong Indo-Iranian Journal 32, 1980, tr. 50, chú thích 1-2), Alexander Cunningham và Max Muler đã xuất bản các cách tính niên đại của họ lần đầu tiên năm 1854, và sau, 1859.

[7] Wilhelm Geiger, The Mahāvaṃsa or The Chronicle of Ceylon [Đại Sử hay Biên niên sử Tích Lan], đã được dịch sang tiếng Anh, London, 1912.

[8] André Bareau, “La date du Nirvāṇa,” Journal Asiatique, tập 241 (1953), tr. 27-62.

[9] A. K. Wader, Indian Buddhism [Phật Giáo Ấn Độ], ấn bản lần I, Delhi, 1970, tr. 44.

[10] Hans Wolfgang Schumann, Der Histoische Buddha [Lịch Sử Đức Phật], Koln, 1982, tr. 48, 51.

[11] Vincent A. Smith, The Oxford History of India, ấn bản lần 2, Oxford, 1923, tr. 48, 51.

[12] Vincent A. Smith, The Early History of India from 600 B.C to the Muhammadan Conquest [Lịch Sử Ấn Độ Thời Kỳ Đầu từ 600 TCN đến Cuộc Xâm Lăng của Muhammadan], ấn bản thứ 4, Oxford, 1924, tr. 50. Trong ấn bản thứ 3, (Oxford, 1914), Smith đã ủng hộ năm 487-486 TCN “gần như là năm thật” của đức Phật nhập Niết-bàn (Sđd, tr. 46-47)

[13] Smith, Sđd, ấn bản thứ 4, ghi chú 13, tr. 50.

[14] The World Fellowship of Buddhists: Report of The Inaugural Conference [Hội Thân Hữu Phật Tử Thế Giới: Bản Tường Thuật Khai Mạc Đại Hội], Colombo, 1950, tr. 1.

[15] Sđd, tr. 85

[16] WFB Resolusions [Những giải pháp của Hội Thân Hữu Phật Tử Thế Giới], ghi chú 4, tr. 5 (Nghị Quyết 9/ 5/ GC 2/ 2495).

[17] Sđd, ghi chú 4, tr. 22 (Nghị quyết 52/ 27/ GC 3/ 2498H). Vấn đề này được bàn thảo suốt đại hội của Hội Thân Hữu Phật Tử Thế Giới ở Phnom Penh (1961); xem Đại Hội Phật Giáo Thế Giới lần thứ 6, 14-22 tháng 11, năm 1961, Phnom Penh, s. d, tr. 88-89; so sánh WFB Resolutions [Những Giải Pháp của Hội Thân Hữu Phật Tử Thế Giới] (ghi chú 4), tr. 67-69 (Nghị quyết 165/ 8 GC 11/ 2519 “Twenty-Sixth Birth Centenary of the Buddha” [kỷ niệm Đức Phật Đản Sinh lần thứ 2600].

[18] G. de Zoysa, Sinhala Aryan 424 BC-1986, Anuradhapura, 1985. Xin cảm ơn Giáo Sư Gamini Wijesuriya và Tiến sĩ Gonter Gronbold đã cung cấp cho người viết các ấn phẩm này. Gần đây, ông G.H. de Zoysa đã vui lòng gởi cho người viết tập sách mới nhất của ông: The Correct Buddhist Era [Phật Lịch Chuẩn Xác] đã hiệu đính, Anuradhapura, 1988.

[19] G. H. Da Soyisā (de Zoysa), “Nivaradi Buddha var.sayè ārambhaya kri. pù. 384” Si.lumoṇa, ‘Sātrìya Atirèkaya, ngày 9 tháng 8 năm 1987, tr. 20.

[20] Xem Petra Kieffer-Pulz, “The Date of the Historical Buddha in the Buddhist Revival Movement” [Niên Đại Đức Phật Lịch Sử trong Phong Trào Chấn Hưng Phật Giáo], xem cùng tác phẩm, tr. 297-307.

[21] Nguồn biên niên sử ngắn trong những tác phẩm của Ấn Độ và Trung Quốc được liệt kê trong Histoire du Buddhisme Indien, Des origines aa l’ère ‘saka, cuả Étienne Lamotte, Louvain, 1958, tr. 14-15.

[22] Xem Akira Hirakawa, An Evaluation of the Sources on the Date of the Buddha [Đánh Giá Nguồn Sử thuộc Niên Đại Của Đức Phật], Symp IV, 1, tr. 280 với ghi chú 113. Nguồn sử liệu này cũng được Lamotte trình bày, sđd, ghi chú 22, tr. 15.

[23] Về cách tính này, xem bài đóng góp của G. Grunbold, C. Vogel, H. Franke và K. Rưhrborn trong tập này; đối chiếu với E. Zercher, The Buddhist Conquest of China, [Cuộc Xâm Thực Phật Giáo ở Trung Quốc], Leiden, 1959, tr. 269-280; bài đóng góp của L. Lancaster, H. Durt và Bhikkhu Pāsādika trong Symp IV, 1, và bài đóng góp của Chen Yen – huei, D. Seyfort- Ruegg, E. Zabel, C. T. Zongtse, K. Sagaster, K. T. Schmidt và E. Rosner trong Symp IV, 2.

[24] Hendrik Kern, Manual of Indian Buddhism [Cẩm Nang Phật Giáo Ấn Độ], Strassburg, 1896, tr. 108.

[25] Wilhelm Geiger, The Dīpavaṃsa and Mahāvaṃsa and their Historical Development in Ceylon (Đảo Sử và Đại Sử và Quá Trình Phát Triển Lịch Sử của Chúng ở Tích Lan), Colombo, 1908, tr. 5 và các trang rải rác khác.

[26] Erich Frauwallner, Uber den geachichtlichen Wert der alten ceylonesischen Chroniken” Nachgelassene Werke, Ernst Steinkellner biên tập, Wien, 1984, tr. 7-33.

[27] E. J. Thomas, “Therāvādin and Sarvāstivādin Dates of the Nirvāṇa” [Niên Đại Đức Phật Niết-bàn của Thượng Toạ Bộ và Nhất Thiết Hữu Bộ] B. C. Law vol, phần 2, Poona, 1946, tr. 18-22.

[28] G. C. Mendis, “The Chronology of the Early Pāli Chronicles of Ceylon” [Bảng Niên Đại của Biên Niên Sử Văn Học Pāli Thượng Toạ Bộ], University of Ceylon Review 5, no. 1 (1947), tr.39-54.

[29] P.H. L. Eggermont, “New Notes on Aśoka and His Successors” [Các Chú Thích Mới về Aśoka và Những Người Kế Vị Ông], phần 1-4, Persica 2 (1965 / 66), tr. 27-70; 4 (1969), tr. 77-120; 5 (1970 / 71), tr. 69-102; 8 (1979), tr. 55-93.

[30] Để biết thêm chi tiết về vấn đề này, hãy xem Heinz Bechert, “The Dates of the Buddha and the Origin and Spread of the Theravāda Chronology” [Niên Đại của Đức Phật, Nguồn Gốc và Phát Triển của Biên Niên Sử Theravāda], xem cùng tác phẩm, tr. 265 vctkt, và Bechert, Lebensz, tr. 145-149.

[31] Để biết thêm khảo sát của người Nhật Bản về niên đại của Đức Phật, hãy xem Hajime Nakamura, “Japanese Research on the Date of the Buddha” [Nghiên Cứu của Nhật Bản về Niên Đại Đức Phật], xem cùng tác phẩm, tr. 135-137. Xem cùng tác giả, Phật Giáo Ấn Độ, bài khảo cứu với nhiều ghi chú thư mục tham khảo, (Indian Buddhism, A Survey with bibliographical notes), Tokyo, 1980, tr. 13-15.

[32] Akira Hirakawa, “An Evaluation of the Sources on the Date of the Buddha” [Đánh Giá về Nguồn Niên Đại của Đức Phật], Symp, IV, 1, tr. 252-295.

[33] Hajime Nakamura “Mauryò-òchò no nendai ni tsuite” [Niên Đại của Triều Đại Maurya], Tòhògaku 10 (1955), tr. 1-16; cùng tác giả “A Glimse into the Problem of the Date of the Buddha,” [Sơ Khảo Vấn Đề Niên Đại Đức Phật], Symp IV, 1, tr. 296-299.

[34] Genmyò Ono, “On the Problem of Sakyamuni’s Nirvāṇa-year” [Bàn Về Vấn Đề Năm Đức Phật Thích-ca Mâu-ni Niết-bàn], phần 1., 1905 [trích dẫn theo Hikata, Ryùshò: “On the Period of Lifetime of Sakyamuni” [Bàn về Giai Đoạn Sinh Thời của Đức Phật Thích-ca Mâu-ni]; cùng tác giả Studies in Buddhism and Buddhist Culture [Nghiên Cứu Phật Giáo và Văn Hoá Phật Giáo], Naritasan, 1985 (Bộ Chuyên Khảo của Phân Viện Nghiên Cứu Phật Học Naritasan, 1), tr. 6, ghi chú 5 (2); xem Nakamura, “Japanese Research….,” xem cùng tác phẩm, tr. 136.

[35] Hakuji Ui, “On the Time of Buddha’s Nirvāṇa” [Bàn về Niên Đại Đức Phật Niết Bàn], Gendai Bukkyoo, tháng 6/ 10 năm 1924; tái bản tại Indo Tetsugaku Kenkyù (Khoa Nghiên Cứu Triết Học Ấn Độ), tập 2, Tokya, 1925, tr. 3-111.

[36] Ryùshò Hikata, “On the Period of Lifetime of Sakyamuni” [Bàn về Giai Đoạn Sinh Thời của Đức Phật Thích-ca], Transactions of the Japan Academy [Các Văn Kiện của Viện Hàn Lâm Nhật Bản], tập 36, số 3 (1980), tr. 187-202; cùng tác giả dịch “On the Period of Life-time of Sakyamuni” “Bàn về Giai Đoạn Sinh Thời của Đức Phật Thích-ca,” “Nghiên Cứu Phật Giáo và Văn Hoá Phật Giáo, Naritasan, 1985 (Monograph Series of the Naritasan Institute for Buddhist Studies 1) [Bộ Chuyên Khảo của Phân Viện Phật Học Naritasan], tr. 1-20. Bàn về giả thuyết của Hikata, xem Bechert, “The Dates….” xem cùng tác phẩm, tr. 276-277.

[37] Xem “Dotted Record” [Chúng Thánh Điểm Ký], inter alia, P. H. L. Eggermont, The Chronology of the Reign of Aśoka Moriya [Biên Niên Sử của Triều Đại Aśoka Moriya], Leiden, 1956, tr. 141-143 và Bechert, Lebensz, tr. 137-141. Các cách lý giải cùng chủ đề với nhiều lối giải thích khác nhau được Geni’chi Yamazaki đóng góp trong Symp, IV, 1, tr. 318-320; Hurberb Durt (Symp, IV,1, tr. 486-489); và Heinz Bechert, “the dates…” xem cùng tác phẩm, tr. 260-261. Cũng nên xem S. Dietz, “History of Research…” xem cùng tác phẩm, tr. 72.

[38] Geni’chi yamazaki, “The Lists of the Patriarchs in the Northern and Southern Legends” [Danh Sách của các Tổ Sư theo Truyền Thống Bắc Phương và Nam Phương], Symp IV, 1, tr. 313-325.

[39] Étienne Lamotte, Histoire du Buddhisme Indien. (ghi chú 22), tr. 13-15; tái bản trong Symp IV, 1, tr. 22-23. (So sánh Bản dịch Anh ngữ của tác phẩm Lamotte của Sara Webb-Boin, History of Indian Buddhism, Louvain-la-Neuve, 1988, tr. 13-14.

[40] Lamotte dịch, sđd, (ghi chú 22), tr. 14.

[41] Étienne Lamotte, “Le boudidhisme de Sākyamuni” Nachrichten der Akademie der Wissenschaften in Gưttinggen, Phil.-hist. Kl. 1963, tr. 84, và bài đóng góp của ông trong The World of Buddhism, được Heinz Bechert và Richard Gombrich, London, 1984.

[42] Heinz Bechert , “The Date of the Buddha Reconsidered” [Xét Lại Niên Đại Đức Phật] Indologica Taurinensia 10 (1982), tr. 22-36

[43] Bechert, sđd, tr. 36, ghi chú 33.

[44] New Notes on Aśoka and His Successor. Bechert, sđd, tr.32, ghi chú 21. Về bài của Eggermnt, xem ghi chú 30 ở trên.

[45] Heinz Bechert, “A Remark on the Problem of the Date of the Mahānīra [Nhận Xét về Vấn Đề Niên Đại của Mahānīra], Indologica Taurinensia 11 (1983), tr. 287-290.

[46] Bechert, Lebensz, tr. 127-184.

[47] Người viết xin phép được nói rằng niên đại Đức Phật Niết-bàn là khoảng 85-105 năm trước lễ đăng quang của vua Aśoka (Bechert, “The Dates.., tr. 36.

[48] Lamotte trong The World of Buddhism, [Thế giới Phật Giáo] (ghi chú 42), tr. 41

[49] Bechert,” The Dates …, xem cùng tác phẩm, , tr. 253-286.

[50] Jens-Uwe Hartmann, “Research on the date of the Buddha: South Asian Studies Published in Western languages” [Nghiên Cứu về Niên Đại của Đức Phật: Nam Á Học, Được Xuất Bản bằng Ngôn Ngữ Phương Tây], tr. 107-124.

[51] M. Krishnamacharia, History of the Classical Sanskrit Literature [Lịch Sử Văn Hoá Sanskrit Cổ Điển], (ấn bản lần thứ nhất, 1937), ấn bản lần 3, Delhi, 1974.

[52] Krishnamachariar, sđd, Lời giới thiệu, phần 33-98, tr. XLIII-CX.

[53] Krishnamachariar, sđd, phần 60, tr. LXXXI.

[54] Krishnamachariar, sđd, phần 41, tr. LI.

[55] V. G. Ramachandran, Gautama Buddha, the Date and Time [Đức Phật Gautama, Niên Đại và Thời Gian], Madras, khoảng 1984, tr. 38; và Hartmann, Research on the Buddha… [Nghiên Cứu về Niên Đại Đức Phật…,] tr.118.

[56] Shriram Sathe, Dates of the Buddha [Niên Đại của Đức Phật], Hyderabad, 1987. Xem thêm Hartmann, Research on the Date of the Buddha [Nghiên Cứu về Niên Đại Đức Phật], tr. 119. Theo người viết, năm đức Phật nhập Niết-bàn là 2066 TCN, nếu dựa vào nguồn sử Ấn Độ truyền thống (D. R. Mankad, Puranic Chronology [Biên Niên Sử của Purāṇa], Vallabhvidnagar, 1951, tr. 169-176.

[57] Chen Yen-huei, “Die Chinesischen Studien zum Datum des Buddha” (Symp IV, 2, pp. 84-102).

[58] Bài viết cùng chủ đề của N.L. Westergaard đã được tái bản trong Hội Thảo Chuyên Đề IV, tr. 366-400.

[59] xem phần sau trang 107-124;

[60] Cùng tác phẩm, tr. 125-130.

[61] Cùng tác phẩm, tr. 131-133.

[62] Cùng tác phẩm, tr. 135-137.

[63] Cùng tác phẩm, tr. 343-350.

[64] Lewis Lancanter, “The Dating of the Buddha in Chinese Buddhism” (Symp IV, 2, pp.84-102).

[65] Chen Yen-huei, “Chinesische Studien zum datum dé Buddha,” (Symp IV, 2, pp.84-102).

[66] Herbert Hartel, “Archaeological research on Ancient Buddhist Sites,” (below, pp.141-159).

[67] Hermann kulke, “Some Considerations on the Significance of Buddha’s Date for the History of North India” (below, pp.161-167).

[68] Georg von Simson, “The Historical Background of the Rise of Buddhism and the Problem of Dating” (below, pp.169-177).

[69] Adelheid Mette, “The Synchronism of the Buddha and the Jina Mahānīra and the Problem of the Chronology in Early Jainism” (below, pp.179-183).

[70] Oskar von Hmuber, “Linguistic Considerations on the Date of the Buddha” (below, pp. 185-194).

[71] Wilhelm Halbfass, “Early Indian references to the Greeks and the First Encounters between Buddhism and the West,” (below, pp.195-209).

[72] André Bareau, “Some Considerations on the Problem Raised by the Date of the Parinirvaaṇa of the Buddha” (below, pp.211-219).

[73] Heinrich von Stietencron, “The puraaṇic Genealogies and the Date of the Buddha” (below, pp. 221-249).

[74] P.H.L Eggermont, “The Year of Mahānīra Decease” (Symp IV,1, pp.138-151).

[75] Lambert Schmithausen, “An Attempt to Estimate the Distance in Time between Aśoka and the Buddha in Terms of Doctrinal History” (Symp IV,1, pp.110-147).

[76] Siegfried Lienhard, “Note on the Date of the Historical Buddha and Classical Poetry” (Symp IV,1, pp.194-196).

[77] Ryotaro Tsuchida, “Die Geanologie des Buddha und seiner Vorrfahren” (Symp IV, 1, pp.108-131).

[78] Symp IV, 2, p.143.

[79] Symp IV, 2, p.196.

[80] Cách lý luận này chưa được bàn thảo trong hầu hết những bài đóng góp trong Hội thảo chuyên đề, nhưng nó được xem xét trong bài viết của người viết trong tập này “Niên Đại của Đức Phật…,” tr. 282-283.

[81] Gananath obeyesekere, “Myth, History and the Numerology in the Buddhist Chronicles” (Symp IV, 1, pp. 152-182).

[82] Otto Stein, “Số 18,” The Poona Orientalist 1, số 3 (tháng 10, 1936), tr. 1-37, và “Ghi chú thêm về số 18,” The Poona Orientalist 2 (1937), tr. 164ff; Otto Stein giải thích lại, KleineSchriften, Friedrich Wilhem biên tập, Stuttgart, 1985, tr. 513-553; xem phần đặc biệt tr. 538-542. Tầm quan trọng của số 18- như số quy ước trong Phật giáo đã được các học giả đề cập đến, như: H. Kern và É. Lamotte; xem H. Bechert, “Einleitung,” Zur Schulxu gehorigkeit von Werken der Hìnayāna Literatur, H. Bechert biên tập, tập 1. Gottingen, 1985, tr. 40.

[83] Carl Joachim Classen, “Computing Dates of the very Distant past: Some remarks on the Greek and Roman Practice” [Cách Tính Niên Đại của Thời Thái Cổ: Vài Nhận Xét về Cách Tính của Người Hy Lạp và La Mã], Symp IV, 2, tr. 351-362.

[84] André bareau, “Some Considerations Concerning the Problem Posted by the date of the Buddha’s parinirvaaṇ” below, pp.211-219.

[85] Xem ghi chú số 8 ở trên.

[86] Đoạn trích dẫn từ “English Summary: Some Considerations Concerning the Problem Posted by the Date of the Buddha’s Parinirvāna” [Tóm Tắt của người Anh: Một Số Ý Kiến về Vấn Đề Niên Đại Đức Phật Niết-Bàn], Symp IV, 1 pp. 220-221.

[87] David P. Hennige, Chronology of Oral Traditions: Quest for a Chimena, Oxford, 1974.

[88] The Year of the Buddha’s Mahāparanirvāṇa, (Symp IV,1,pp. 237-251).

[89] Giả thuyết biên niên sử này làm cơ sở cho bài “The Year of Mahānīra’s Decease” [Năm Qua Đời của Mahānīra] của Eggermont, Symp.IV, 1, tr. 138-151.

[90] Akira Hirakawa, “An Evaluation of the Sources on the Date of the Buddha” (Symp, IV,1, pp.252-295)

[91] Symp IV, 1, pp. 295

[92] Hajime Nakamura, “A Glimpse into the Problem of the Date of the Buddha” (Symp IV,1 pp. 296-299).

[93] Nakamura, Symp IV, 1, p. 299.

[94] Xem bài ở Tohogaku của Nakamura được trích ở trên, ghi chú 34

[95] K.R. Norman, “Observations on the Dates of the Jina and the Buddha” (Symp IV, 1, pp. 300-312).

[96] Bài viết của Norman trong Hội Thảo Chuyên Đề đã được in trong Các Bài Viết Chọn Lọc IV của ông, Oxford, 1993, tr. 185-201.

[97] Phụ lục B, (1) trong Symp IV,1, tr. 322-323.

[98] Symp IV,1, p. 319.

[99] Sđd, tr.320.

[100] Xem Bechert, “The Dates…” xem cùng tác phẩm, tr. 263.

[101] Phụ lục B (3) trong Symp IV,1, p.263.

[102] Bechert, Lebensz, xem phần trên, ghi chú 1.

[103] Htel, “Archaeological research…,” xem cùng tác phẩm, tr. 141-159; Kulke, “Some Considerations…,” xem cùng tác phẩm, tr. 161-167; G. v. Simson, “The History Background”, xem cùng tác phẩm, tr. 169-177.

[104] Richarch Gombrich, “Dating the Buddha: A Red Herring Revealed,” (Symp, IV, 2, pp.237-259).

[105] Đi sâu vào vấn đề này, xem H. Bechert, “The Dates…), xem cùng tác phẩm, tr. 257-258.

[106] Tựa bằng tiếng Anh: “Indicating in a rather vague manner some dates on the Budha.”

[107] Ruth Walldén, “Notes on Somes Days on the Buddha in the Maṇimekalai” (Symp, IV, 2, pp. 200-207).

[108] Niên đại khá sớm được A. S. P. Ayyar (1947) rút ra từ tác phẩm Maṇimèkalai; M. Mathialagan đã tham khảo niên đại này trong Bách Khoa Văn Học Tamil (Encyclopaedia of Tamil Literature), Shu Hikosaka và nhiều tác giả biên tập, tập 2, Madras, 1992, tr. 536. Giáo Sư P. Schalk, Uppasala đã giới thiệu phần tham khảo này.

[109] Xem A. K. Narain, “The Dates of the Gotama Buddha’s Parinirvaaṇa” [Niên Đại của Đức Phật Niết-bàn], (Symp IV, 2, pp.185-199).

[110] K. T. S. Sarao, The Origin and Nature of Ancient Buddhism [Nguồn Gốc và Bản Chất Phật Giáo Cổ Đại], Delhi, 1989, tr. 13-28; cùng một tác giả, “Did the Buddha Really Belong to the Sixth-Fifth Century BC” [Đức Phật Sống vào thế kỷ VI-V TCN có thật không?], Philodophy, Grammar, and Indology: Essays in Honour of Professor Gustav Roth, [Nghiên Cứu về Triết Học, Văn Phạm và Ấn Độ Học: Các Bài Bình Luận Giá Trị của Giáo Sư Gustav Roth], do Hari Shankar Prasad biên tập, Delhi, 1993, tr. 303-317.

[111] Sarao, “Did the Buddha Really Belong…” [Đức Phật Sống vào Thế Kỷ VI-V TTL có thật không?] (ghi chú 73), tr. 304.

[112] Kailash Chandra Varma, “Date of the Nirvāṇa of the Buddha” [Niên Đại Đức Phật Niết-bàn], History and Archaeology: Prof. H. D. Sankalia, Felicitaion Volume [Lịch Sử và Khảo Cổ Học: Giáo Sư H. D. Sankalia], Bhaskar Chatterjee biên tập, Delhi, 1989, tr. 25-38.

[113] Varma, sđd, (ghi chú 75), tr. 38.

[114] Ancient India in A New Light [Ấn Độ Cổ Đại trong Nguồn Sáng Mới], New Delhi, 1989.

[115] J. U. Hartmann, “South-Asian Studies…” [Những Nghiên Cứu Nam Á…], xem cùng tác phẩm, tr. 118-119K. D. Sethna, Ancient India in A New Light [Ấn Độ Cổ Đại trong Nguồn Sáng Mới], New Delhi, 1989.

[116] Sonam Morup, The Date of the Buddha’s Parinirvāṇa [Niên Đại Đức Phật Niết-bàn], New Delhi, 1990.

[117] Sonam Morup, The Date of the Buddha’s Parinirvaaṇa, New Delhi, 1990.

[118] Xem ở trên.

[119] Wilhelm Geiger, “The Trustworthiness of the Mahāvaṃsa” (1930) [Niềm Tin của Mahāva”msa], cùng tác giả Kleine Schriften zur Indologie und Buddhismuskunde, Heinz Bechert biên tập, Wiesbaden, 1973, tr. 289-290

[120] xem cùng tác phẩm, tr. 287-295

[121] Xem Bechert phía dưới, tr. 255.

[122] Xem Gonbold, xem cùng tác phẩm, tr. 325-326.

[123] Mahes Ra Pant, “On the dates of the Historical Buddha according to Nepalese Traditions” (Symp IV, 1,pp. 358-362).

[124] Giáo Sư O.v. Hinuber tham khảo: H. Penth, bản tiếng Anh: Inscriptions on the Pedestal of Buddha images in Chiang Mai , Bangkok, 2519 / 1976, Nr. 12, tr. 88, dòng thứ 2 của bia ký. Muốn nghiên cứu các mối liên hệ giữa biên niên sử Phật giáo và các biên niên sử khác ở Thái Lan, xem thêm Sao saimong, “Cùla Sakarāja and the Sixty Cyclical year,” Journal of the Siam Society69 (1981), tr. 4-12. Về tài liệu tham khảo này, người viết trân trọng ghi ơn Giáo Sư Oskar von Hinuber

[125] Siglinde Dietz, “Remark on a Fragmentary List of Kings of Magadha in a Lokaprajñāpti Fragment”, bản dịch tiếng Đức: Wiener Zeitschrift fur die Kunde Sudasiens 33 (1989), tr. 121-128; xem thêm Bechert, Lebensz, tr. 181-182.

[126] Trong bài viết, tr. 311-328

[127] Xem cùng tác phẩm, tr. 329-341.

[128] Per Kvaerne, “The Dates of Sakyamuni according to Bompo Sources” (Symp IV, 2, tr. 263-290).

[129] David Sey fort Ruegg, “Notes on Some Indian and Tibetan Reckonings of the Buddha’s Nirvaaṇa and the Duration of His Teachings” (symp IV, 2, tr. 263-290).

[130] Champa Thupten Zongtse, “Tibetan Calculations of the Parinirvāṇa of the Buddha” (Symp IV, 2, tr. 299-318).

[131] E. Zabel, “Tibetische Quellen zur datierung dé historischen Buddha” (Symp IV, 2, tr. 291-298).

[132] Xem cùng tác phẩm, tr. 351-353.

[133] Werner Sundermann, “Manichaean Traditions on the Dates of the Histarical Buddha” (Symp IV, 1, tr. 426-438).

[134] K.T.Schmid, “Eine tocharische Quelle zur Buddha-Datierung” (Symp, IV, 2, tr. 332-333).

[135] Người viết xin cảm ơn Giáo sư David N. MacKenzie, người đã khảo duyệt vấn đề này liên quan đến các bản văn của người Sogdian (lá thư đề ngày 29 tháng tư, 1989). Giáo sư Ronald E. Emmerck đã báo cho tôi biết ông đã tìm ra dữ liệu niên đại Đức Phật trong một tác phẩm của người Khương Cư (Khotan), đó là lời chú thích trong bản thảo viết tay cuốn sách của Zambasta, cho chúng ta biết nó đã được viết 800 năm sau khi đức Phật Niết-bàn (nói chuyện cá nhân, ngày 14 tháng 2 năm 1995).

[136] Klaus Sagaster, “Das Datum des Buddha nach mongolischen historischen Texten,” (Symp IV, 2, tr.321-331).

[137] Herbert Franke, “On Chinese Traditions Concerning the Dates of the Buddha,” (xem cùng tác phẩm, tr. 343-350).

[138] Hubert Durt, “La date du Buddha en Corée et au Japon” (Symp IV, 1, pp. 458-489).

[139] Lewis Lancaster, “The Dating of the Buddha in Chinese Buddhism” (Symp IV, 1, pp. 449-457).

[140] Bhikkhu Pāsādika, “Traditional Buddhist Chronological Systems: Vietnamsses traditions” (Symp IV, 1, pp.490-499).

[141] Erhard Rosner, “Somes Remarks on Yui Cheng-hesieh Essay concerning the Date of the Buddha” (Symp IV,2, pp. 341-347).

[142] Chen Yen-heui, “Chinesische Studien zum Datum des Buddha” (Symp IV,2, pp. 84-102).

[143] J. Ensink, “’Siva-Buddhismus in Java und Bali,” Buddhism in Ceylon and Studies on Religious Syncretism in Buddhist Countries [Phật Giáo ở Tích Lan và Nghiên Cứu Sự Hỗn Hợp Các Tôn Giáo ở Các Nước Phật Giáo], ed. Heinz Bechert, Gottingen, 1978, pp. 178-198.

[144] J. G. de Casparis, Indonesian Chronology, [Biên Niên Sử Indonesia], Leden, 1978 (Handbuch der Orientalistik, III, 1, Lfg. 1).

[145] Lá thư của Giáo Sư Ensink, ngày 12 tháng 2 năm1986.

[146] W.Sundermann, “Eine Bemerkung zur Datierung des Buddha in der mitelpersischen Literature der Zoroastrier,” (Symp IV,2, pp.334-338).

[147] E. Lamotte, Histoire, (note 22), pp. 210-222; Ernst Leumann, Maitreya-Samiti: Das Zukunftsideal der Buddhisten, Strassburg, 1010. Cũng nên xem Emil Abegg, Der messiasglaube in Indiien und Iran, Berlin, 1982, pp. 143-230; và cùng tác giả, Der Buddha Maitreya, St. Gallen, 1946.

[148] Daniel L. Overmyer, Folk Buddhist Religion: Dissenting Sects in Late traditional China [Phật Giáo Dân Gian: Các Phái Phi Chính Thống trong Truyền Thống Trung Quốc Cổ], Cambrigde, Mass., 1976; Erik Zurcher, “Prince Moonlight: Messianism and Eschatology in Early Medieval Chinese Buddhism” [Thái Tử Nguyệt Quang: Chủ Nghĩa Cứu Độ và Mạt Pháp ở Phật Giáo Trung Quốc vào Sơ Kỳ Trung Cổ], T’oung Pao 68 (1982), pp.1-75.

[149] Ví dụ theo tín ngưỡng của Nhất Quán Đạo có 3 giai đoạn có thể được đề cập; xem David K. Jordan and Daniel L. Ovenmyer, The Flying Phoenix: Aspects of Chinese Sectarianism in Taiwan, [Phượng Hoàng Tung Cánh: Các Phương Diện của Chủ Nghĩa Bộ Phái ở Đài Loan] Princeton, N. J. ,1986, pp. 261-263.

[150] Heinz Bechert, “Buddhism in Modern Java and Bali” [Phật Giáo ở Java và Bali Ngày Nay], Buddhist Studies (Bukkyò Kenkyù) 20 (1991), p. 175.

[151] H. Durt, “La date du Buddha en Corée et au Japon,” Symp IV, 1, pp. 472-473; và Peter Fisher, Studien zur Entwicklungsgeschichte dé Mappoo-Gedankens and zum Mappoo-Toomyoo-ki, Hamburg. 1976 (Mitteilungen der Gesellschaft fur Natur-und Volkerkunde Ostasiens, 65).

[152] Niềm tin này và mối liên hệ của chúng với truyền thống được ghi lại trong sách vở, xe, Richard Gombrich, Precept and Practice: Traditional Buddhism in the Rural Highlands of Ceylon [Khái Niệm và Tu Tập: Phật Giáo Truyền Thống ở Cao Nguyên-Nông Thôn Tích Lan], Oxford, 19______, pp. 284-293. [Vì năm xuất bản trong nguyên tác không rõ].

[153] M. Sarkisyanz, Chilliastic Asociations of the Buddha Jayanti” (Symp IV, 1, pp. 378-382). Đói chiếu: Kitsiri Malalgoda, “Millennialism in Relation to Buddhism,” Comparative Studies in Society and History 12 (1970), pp. 424-441; E.M. Mendelson, “A Mesianic Buddhist Asociation of Upper Burma,” Bulletin of the School of Oriental and African Studies 24 (1961), pp. 560-580.

154 S. N Eisenstardt, “The Dispute about Birthday ò the Buddha from a Comparative Civilizational Perspective” (Symp, IV, 1, pp. 503-504)

[155] Reinhard Wenskus, “Mittel-und Norderuopa in der fruhen Eisenzeit,” Symp, IV, 12, pp. 506-522.

[156] Xem cước chú số 1.

[157] K. V. Zvelebil, Tamil Literature, Wiesbaden, 1974 (A History of Indian Literature X, 1), p.9, note 11; Idem, Tamil Literature, Leiden 1975 (Handbuch der Orientalistik, II, 2, 1) pp. 38-39.

[158] Gananath Obeyesekere, “Gajabahu and the Gajabahu Synchronism,” The Ceylon Journal of the Humanities 1 (1970), pp. 25-26 and idem, The Cult of the Goddess Pattini, Chicago, 1984, pp. 361-377.

[159] M. krisknamachariar, History of Classical Sanskrit Literature, [lịch Sử văn Học Sanskrit Cổ Điển], loc.cit. (ghi chú 52), p.135 (phần 39); W. Ruben, Kālidāsa: Die menschliche bedeutung seiner Werke, berlin, 1956, p. 12.

[160] The Jānakìharana of Kumāradāsa, do S. Paranavitana và C. E. Godakumbura biên tập, Colombo. 1967, phần Giới Thiệu

[161] Symp IV, 1, pp. 226-227) và “The Dates…” xem cùng tác phẩm, pp. 258-259.

[162] Trong phần bình luận về Symp IV, 1 trong Gottingische gelehrte Anzeigen 247 (1994), tr. 55-64, mà tôi mới biết gần đây, R. Gombrich đã chỉ trích tôi một cách sai lầm khi cho tôi là đã phát biểu trong kỳ đại hội năm 1981: “Có hai loại biên niên sử, một loại có tính chất ở trong tu viện, một loại thuộc triều chính. Loại biên niên sử có tính chất thuộc cung đình dường như được tin cậy hơn” (tr. 46). Tôi chưa bao giờ phát biểu loại phán đoán như vậy, do đó những lời nhận xét của Gombrich rõ ràng là lời giải thích sai quan điểm mà tôi đã liên tục trình bày trong tất cả những ấn phẩm về đề tài này, và những lời phát biểu của tôi từ năm 1980 cho đến tuyển tập này. Nếu Gombrich lắng nghe một cách cẩn thận nội dung các bài hội thảo, tham khảo các bản báo cáo chính thức của hội nghị đó, thì ông sẽ nhận ra, lời phát biểu đó không phải của tôi mà của Tiến sĩ Guruge. Guruge cho rằng “các thông tin dựa trên những năm được tính theo lịch hoàng gia trong các tập tài liệu này được xem là có thẩm quyền hơn bởi vì những tác phẩm này phản ánh rất nhiều truyền thống Hoàng gia như là truyền thống tu viện” (Tenth International Conference of the International of Buddhist Studies, Paris 1991, Summary Report, by A.W. P. Guruge, Paris, 1982, p. 4). Trong một cách vội vã khác, Gombrich truyền bá cái gọi là khám phá niên đại chính xác của Đức Phật Niết-bàn (xem ở trên, tr.28 và phần sau, tr.275-276) trong bài mà đã được đăng tải trong Symp IV, 2, như một cống hiến cho buổi hội thảo về đề tài gây nhiều tranh luận này. Mặc dù người viết rất ngưỡng mộ tính cách tự tin của ông khi ông đưa ra giải pháp cuối cùng cho vấn đề của chúng ta, nhưng tôi phải nói rằng học thuyết của ông dựa vào những giả định chưa được chứng minh. Vì thế nó có thể được xem như một nỗ lực khác về cách tính niên đại chính xác, giống như những giả định của K. T. S. Sarao, G.H. de Zoysa và những người khác. Người viết sẽ trình bày những nhận định của Gombrich trong một bài viết khác chi tiết hơn.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here