Trang chủ Vấn đề hôm nay Triết lý nhân quả và cải cách giáo dục

Triết lý nhân quả và cải cách giáo dục

163
0

Chúng ta đã nghe, đã thấy qua các phương tiện thông tin đại chúng về tình trạng bạo lực học đường, từ những vụ việc thanh toán giữa học sinh với nhau, va chạm giữa học sinh và các thầy cô giáo. Chúng ta đã nghe bao nhiêu lời than phiền về tình trạng xuống cấp đạo đức của thanh thiéu niên hôm nay? Bao nhiêu cuộc hội thảo về cải cách giáo dục đã và đang diễn ra, nhưng hầu như chưa có một giải pháp nào khả thi cho tình trạng nêu trên. Người ta đã giải thích theo nhiều hướng: từ tác động của phim ảnh cho đến sự thiếu quantâm giáo dục của cha mẹ, sự thiếu gương mẫu của người lớn trong lối sống và cách cư xử với nhau. Ví dụ đưa ra thì rất nhiều: thầy cô dạy các em phải trung thực nhưng khi cần phải thao giảng, lại bắt các em phải “đóng kịch”, thậm chí giả vờ trả lời sai để thầy cô có dịp phô trương kiến thức; cha mẹ thì chạy trường chạy lớp, kể cả “chạy điểm” khi cần thiết; người lớn khi nổi giận cũng sẵn sàng lao vào nhau mà chém giết, bất chấp nhân tình. Nhưng có ai nhìn ra những lỗ hỏng nhân cách của học sinh cũng chính là lỗ hổng của chương trình học, lỗ hổng trong hệ thống sư phạm, lỗ hổng của cả một nền giáo dục dựa trên triết lý xa vời, phi thực tế.

Trẻ em đang học những gì?

Trong một bài viết gần đây trên báo Người Lao Động (7/1/2009), giáo viên Nguyễn Ngọc Hà cho rằng chương trình học hiện nay “quá cao siêu”; cụ thể, về trí dục, nội dung chương trình quá tồi khiến học sinh không theo kịp nên đâm ra chán học và quậy phá. Về mặt đức dục, học sinh phải học về “Liên Hiệp Quốc” (lớp 5) “nghĩa vụ nộp thuế” (lớp 9), duy vật biện chứng (lớp 10) mà thiếu hẳn những bài học thấm đẫm tính nhân văn như những câu truyện trong Quốc văn giáo khoa thư ngày xưa hay trong tác phẩm Tâm hồn cao thượng, thậm chí chúng ta có thể lấy những câu truyện trong bộ Hạt giống tâm hồn do First News xuất bản gần đây cũng vẫn gần gũi và thiết thực hơn. Có ai dạy các em thấy đám ma đi ngang qua mà ngả mũ chào không? Có ai dạy các em dắt người mù hay người già qua đường không? Có ai dạy các em đi thưa về trình, biết nói lời xin lỗi, cám ơn không? Phải chăng chúng ta đang ôm đồm nhồi nhét đủ thứ kiến thức cần thiết và không cần thiết vào tâm hồn non dại của các em, để rồi khi khôn lớn vào đời, các em thiếu hẳn một nếp sống tự giác có kỷ cương, thiếu hẳn một nhân cách vũng vàng có thể tự kềm chế trước những cám dỗ vật chất. Nói tóm lại, thiếu một sự rèn luyện tâm hồn.

Liệu triết lý nhân quả có cần thiết cho giáo dục?

Có phải là thiển cận không khi các nhà giáo dục chúng ta có lúc đã phê phán quan niệm “ở hiền gặp lành”, không tin chuyện “làm ác gặp ác” ở dương gian hoặc nơi địa phủ? Ngày xưa, cha ông chúng ta đã bảo ban răn dạy, dù có phần nghiêm khắc, nhưng xem ra hiệu quả rõ ràng. Con trẻ lớn lên không dám làm ác vì sợ quả báo, vì sợ sự trừng phạt hữu hình và cả vô hình. Nhà thơ William Wordsworth trong một bài thơ đã viết “The Child is father to the Man”, hàm ý trẻ thơ chính là mầm sinh trưởng nên con người lớn hôm nay. Hạt giống gieo thế nào thì quả sẽ như thế ấy.

Trong giáo lý nhà Phật, nhân quả được xem là luật. “Luật ở đây là luật thiên nhiên, luật tự nhiên…Người ta có thể khám phá ra luật ấy chứ không thể đặt ra luật ấy được. Đức Phật, mặc dù là một Đấng giác ngộ, cũng không đặt ra luật ấy. Ngài chỉ là người đã dùng trí tuệ sáng suốt của mình để vách cho mọi người thấy rõ ràng cái luật nhân quả đang điều hành vũ trụ mà thôi…Luật nhân quả tránh cho ta những mê tín dị đoan, những tin tưởng sai lầm vào thần quyền…đem lai lòng tin tưởng vào chính con người (H.T. Thích Thiện Hoa-Tám quyển sách quý).

Vận dụng vào triết lý giáo dục, ta phải thấy rằng chính nhà trường là nơi ươm mầm cho những công dân tương lai vào đời. Không chỉ gieo hạt, người thầy còn phải dựa vào những duyên phụ, theo ngôn ngữ nhà Phật là tăng thượng duyên hay trợ duyên. Như hạt lúa tốt chưa đủ, phải có đất, nước, không khí, ánh nắng, người gieo cấy… Cho nên muốn có cái kết quả mong muốn, chúng ta phải hội đủ các điều kiện, nghĩa là đủ nhân duyên. Ở đây là phải đưa vào chương trình những bài học cụ thể về tình yêu thương; cụ thể về lòng hiếu thảo, tình làng nghĩa xóm, tôn kính thầy cô, biết giúp đỡ người hoạn nạn…Đồng thời, giảm chương trình nặng về kiến thức mà thiếu truyền thụ kỹ năng sống và ứng xử. Hãy tổ chức những chuyến đi đến các trại mồ côi, nhà nuôi người giả, trẻ khuyết tật để các em thấy rằng chung quanh còn bao nhiêu người bất hạnh. Từ đó khơi gợi trong tâm hồn các em tình tương thân tương ái, biết quý trọng sự sống của chính mình và người khác.

Chúng ta hẳn đã từng nghe câu chuyện một bậc hiền giả bán cho vua một bài học với giá một ngàn lượng vàng. Bài học chỉ có một câu “Phàm làm việc gì, trước phải xét kỹ kết quả của nó về sau”. Nhờ nghiền ngẫm câu nói ấy, vua đã tu tỉnh, không còn mê lầm tửu sắc, xây dựng đất nước hùng mạnh nên đã chống được ngoại xâm mấy năm sau đó. Cũng nhờ thế mà viên quan Ngự y được thuê ám sát vua chợt tỉnh ngộ, thú tội với vua khi nhìn thấy câu nói trên được khắc trong chén thuốc độc.

Thiết tưởng những nhà quản lý giáo dục và những nhà giáo dục, khi xây dựng kế hoạch hay chiến lược giáo dục, hãy hình dung những con người mà chúng ta đang hướng đến cho xã hội mai sau. Đó phải là một con người có lòng nhân, biết sống và quý trọng sự sống của kẻ khác, phải hành xử trong tinh thần khiêm cung, nhẫn nhịn, hòa ái. Muốn được vậy, phải xây dựng nền giáo dục trên gốc rễ đạo đức mà trí thức chỉ là phần ngọn vì suy cho cùng một kẻ chỉ được gọi là “có học thức” khi những ứng xử xã hội của anh/chị ta mang tính chất “văn hóa”, vì nói theo Poincaré thì “Văn hóa là cái gì còn lại khi người ta quên đi tất cả”. Nếu hôm nay chúng ta gieo những mầm bất thiện thì đừng trách mai kia cuộc sống thiếu vắng những tâm hồn và xã hội bỗng hóa khô cằn như hoang mạc với những trái tim đầy toan tính đến lạnh lùng.

 

Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 75:  NGUYÊN CẨN

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here