Sau đây, chúng ta sẽ cố gắng tìm hiểu ở mức độ ý thức, lý tính, về tánh Không để giải tỏa bớt sương mù đang che khuất cái nền tảng của Phật giáo Đại thừa. Tánh Không là nền tảng cho mọi kinh điển Đại thừa, và do đó là nền tảng cho mọi tông phái, cả lý thuyết và thực hành, như Thiền tông, Mật tông, Tịnh Độ tông, Duy Thức tông, Hoa Nghiêm tông… Chúng ta cũng sẽ hiểu thêm vì sao ngài Long Thọ không đặt tên cho tác phẩm của ngài về tánh Không là Tánh Không luận mà là Trung luận hay Trung đạo luận; và trường phái của ngài có tên là Trung đạo (Madhyamika School).
1. Vì duyên sanh nên là tánh Không
Duyên sanh nói đầy đủ là nhân duyên sanh. Cái gì hiện hữu, cái đó do những nguyên nhân (causes) và những điều kiện, những hoàn cảnh, những duyên (conditions) kết hợp lại mà tạo thành. Sự hiện hữu dựa vào, tùy thuộc vào những nhân và duyên. Thiếu một nhân, hay một duyên, nó sẽ không hiện hữu hoặc hiện hữu một cách khác, nghĩa là nó không phải là nó nữa.
Kinh nói: “Cái này có nên cái kia có; cái này sanh khởi nên cái kia sanh khởi. Cái này không có nên cái kia không có; cái này diệt mất nên cái kia diệt mất.”
Chúng ta hãy nhìn một đóa hoa ở trước mặt. Sự hiện hữu của nó là do rất nhiều nhân duyên: hạt giống, có người trồng, điều kiện thời tiết đất đai thuận lợi, có người bán, có chúng ta mua về, có ý thức của chúng ta chọn lựa… Và tự đóa hoa, nó hiện hữu nhờ vào những chất liệu tạo ra nó (chẳng hạn, đất, nước, lửa, không khí), nhờ vào những phần tử của nó như cành, lá, những cánh, nhụy, mùi hương, màu sắc… Hơn nữa, nó hiện hữu vì có các thức giác quan và ý thức của tôi hiện hữu. Bông hoa này hiện hữu nhờ vào, nương dựa vào, tùy thuộc vào rất nhiều nguyên nhân và điều kiện, nhiều đến nỗi không thể tính đếm hết. Bông hoa này hiện hữu là do duyên sanh. Sự hiện hữu của bông hoa là duyên sanh.
Những ý nghĩ để viết ra bài này, để bài này hiện hữu cũng là duyên sanh. Không có những lời dạy trong kinh, không có những luận bàn của các luận sư, không có những bậc thầy của tôi, thì cũng chẳng có những ý nghĩ về tánh Không của tôi. Những ý tưởng ấy có được nhớ hay không, có được đào sâu hay không còn là do cuộc sống và sự thực hành của tôi. Những ý nghĩ của tôi cũng chẳng phải là của tôi: chúng chợt khởi lên rồi biến mất, không giữ được, có khi không nhớ kịp. May thì chúng khởi lên nhiều ý nghĩ hay, rủi thì toàn những ý nghĩ dở. Chúng không phải là một cái hộc bàn, kéo ra, muốn tìm cái gì thì thấy cái đó. Những ý nghĩ này là duyên sanh. Rồi nữa, lý do để viết bài này, những cái gì xui khiến tôi viết bài này, tôi không biết rõ vì có quá nhiều lý do không thể biết, không thể nhớ. Tóm lại, những ý nghĩ tạo thành bài viết này và sự hiện hữu của bài viết này hoàn toàn là duyên sanh. Thử nghĩ, nếu không có người đánh máy, tòa soạn không chịu đăng, hay không có người in ấn thì nó có mặt hay không.
Con người và sự vật là duyên sanh. Vì là duyên sanh, nương dựa, và tùy thuộc, chúng không có thực thể độc lập riêng biệt. Chúng không hiện hữu tự mình một cách nội tại mà chúng luôn luôn nương dựa vào, tùy thuộc vào tất cả những nguyên nhân và điều kiện khác. Chỉ cần một nguyên nhân, một điều kiện thay đổi, là chúng thay đổi. Mà những nguyên nhân và những điều kiện thì thay đổi thường trực. Chúng là duyên sanh nên chúng không có thực thể nội tại, điều này được Phật giáo hệ Pali thường gọi là vô ngã. Phật giáo hệ Sanskrit gọi là không có tự tánh, vô tự tánh.
Bản chất của con người và sự vật là duyên sanh, nên chúng không có thực thể (vô tự tánh), không có hiện hữu thực (vô sở hữu), không có một thực tại có thể nắm bắt (bất khả đắc), là Vô sanh, là tánh Không.
Lấy thí dụ đóa hoa ở trên. Đóa hoa này mai mốt sẽ tàn và đang tàn. Nó là vô thường. Bởi vì nó là vô thường, nên nó là vô tự tánh. Nó là tánh Không.
Từ duyên sanh, đi sâu hơn vào duyên sanh, chúng ta bắt gặp tánh Không. Tất cả các hiện tượng, tất cả các pháp là Không (Nhất thiết pháp không là một trong 18 nghĩa của tánh Không, theo kinh Đại Bát-nhã).
Trung luận, phẩm Quán Tứ đế nói:
Chưa từng có một pháp Không từ nhân duyên sanh Thế nên tất cả pháp
Không gì chẳng phải Không.
Chúng ta thấy tánh Không không phải là không có cái gì cả, mà tánh Không là vì duyên sanh. Và vì duyên sanh nên không có hiện hữu nội tại độc lập, gọi là không có tự tánh, vô tự tánh. Đi từ duyên sanh, chúng ta đến cái rốt ráo của duyên sanh là tánh Không, vô tự tánh. Như vậy, tánh Không không bác bỏ duyên sanh, nghĩa là không bác bỏ nhân quả, vì nhân quả là một phương diện của nhân duyên sanh. Không bác bỏ nhân quả nghiệp báo cho nên không rơi vào đoạn kiến, chủ nghĩa hư vô. Mặt khác, không xem nhân quả nghiệp báo là có tự tánh và tất định, không thể chuyển hóa, tịnh hóa, cho nên không rơi vào thường kiến, chủ nghĩa vĩnh cửu.
Đây là một phần ý nghĩa Trung đạo của tánh Không.
Có thể nói rằng, duyên sanh và nhân quả là hiện tượng, tánh Không là bản thể. Nói theo Trung luận, duyên sanh là chân lý tương đối, quy ước (tục đế) và tánh Không là chân lý tuyệt đối, tối hậu (đệ nhất nghĩa đế). Duyên sanh là hiện tượng của bản thể tánh Không. Và tánh Không là bản thể của hiện tượng duyên sanh.
Chư Phật y hai đế
Vì chúng sanh nói pháp
Một là thế tục đế
Hai, đệ nhất nghĩa đế
Nếu người không thể biết
Phân biệt hai đế này Đối Phật pháp sâu xa Không biết nghĩa chân thật Không y thế tục đế
Không được đệ nhất nghĩa Không đạt đệ nhất nghĩa Thì không đắc Niết-bàn.
Trung luận, Quán Tứ đế
Đệ nhất nghĩa đế là tánh Không, mà tánh Không được ngài Long Thọ tóm tắt trong bài kệ mở đầu của Trung luận:
Không sanh cũng không diệt Không thường cũng không đoạn Không một cũng không khác Không đến cũng không đi
Bậc thuyết giáo đệ nhất Nói pháp nhân duyên ấy Khéo diệt các hý luận Con cúi đầu lễ Phật.
2. Do tánh Không nên có duyên sanh
Chúng ta hãy đi đến tận cùng của sự vật. Chẳng hạn, đóa hoa ở trên. Đóa hoa duyên sanh từ những vi trần, những nguyên tử. Rồi những nguyên tử duyên sanh từ những hạt nhỏ hơn. Những hạt nhỏ hơn này lại duyên sanh từ những cái nhỏ hơn nữa cho đến vô tận. Như vậy, khi đi đến tận cùng chúng ta gặp tánh Không rốt ráo (Tất cánh không, là một trong 18 nghĩa của tánh Không, theo Kinh Đại Bát-nhã).
Mọi con người, sự vật có sanh ra đều từ và do “nền tảng”, “căn bản” là tánh Không hay vô tự tánh. Nếu không có cái nền tảng là vô tự tánh hay tánh Không ấy, không có cái gì được sinh ra, hiện hữu, và diệt mất.
Chính trên nền tảng tánh Không mà thế giới nhân duyên sanh khởi.
Dù vũ trụ này được sanh ra theo những nhân duyên nào và theo cách nào, hoặc Big Bang (Vụ nổ lớn) hay Big Bounce (Vụ nẩy bật lớn) hay “giống như một mạng lưới nhện do một con nhện nhả ra, rồi sau đó sẽ thu lại lưới nhện ấy vào mình” như theo văn hóa Veda Ấn Độ, thì nó được sanh ra, được duyên sanh trên nền tảng vô tự tánh hay tánh Không.
Nước nếu giữ được tự tánh của nó thì không thay đổi, không biến chuyển, không thể chảy, không thể bốc hơi, không thể đóng băng, không thể trở lại thành khí hydro và oxy. Vì nước có bản chất là vô tự tánh, nó có thể chảy, bốc hơi, đóng băng, và tan thành khí. Nhiều người thắc mắc về Phật giáo: Tại sao Phật giáo nói có tái sanh, có luân hồi lại đồng thời nói vô ngã? Đã có luân hồi, tái sanh thì phải có một cái ngã để luân hồi, tái sanh chớ? Đến đây, trong bối cảnh tánh Không, chúng ta có thể trả lời, chính vì vô ngã, vô tự tánh, mới có tái sanh, có luân hồi. Nếu có một cái gì thực sự là ngã, là có tự tánh, thì làm gì có sự thay đổi, lưu chuyển, luân hồi?
Vì mọi sự là duyên sanh, nên mọi sự phải duyên sanh trên nền tảng vô tự tánh, trên nền tảng tánh Không.
Đây là điều ngài Duy-ma-cật nói với Bồ-tát Văn-thù- sư-lợi, “Từ gốc vô trụ (vô tự tánh) mà tất cả các pháp được thành lập.” (Phẩm Quán chúng sanh, kinh Duy-ma-cật).
Trung luận cũng nói:
Do vì có nghĩa Không Tất cả pháp được thành Nếu không có nghĩa Không Tất cả pháp chẳng thành
(Phẩm Tứ đế)
Chúng ta thấy, vì có tánh Không, có vô tự tánh, nên có duyên sanh, có nhân quả, có nghiệp báo. Như thế, tánh Không không phải là không có gì, tánh Không không bác bỏ nhân quả, nghiệp báo, nghĩa là không phải đoạn kiến, chủ nghĩa hư vô.
Ngược lại, duyên sanh có nền tảng tối hậu là tánh Không, nên duyên sanh không phải là thường kiến, không phải là chủ nghĩa vĩnh cửu. Duyên sanh nhờ có nền tảng trên tánh Không, y cứ trên tánh Không mà có sự giải thoát cho duyên sanh.
Đây là một phần ý nghĩa Trung đạo của tánh Không, không rơi vào hai cực đoan đoạn kiến và thường kiến; đồng thời sử dụng cả duyên sanh và tánh Không để lập nên con đường Trung đạo tiến đến giải thoát và giác ngộ.
Chính vì đi giữa thường kiến và đoạn kiến, giữa có và không, nên tánh Không còn có một phương diện nữa là“giả”, là “như huyễn”:
Pháp các nhân duyên sanh
Ta nói tức là Không
Cũng gọi là giả danh
Cũng là nghĩa Trung đạo.
(Phẩm Tứ đế)
Kinh Kim Cương, một kinh thuộc hệ Bát-nhã tánh
Không, đã chấm dứt bằng bài kệ:
Tất cả pháp hữu vi
Như mộng huyễn bọt ảnh Như suơng cũng như chớp Hãy tu quán như vậy.
3. Ý nghĩa của Trung đạo
Con đường Bồ-tát là con đường của hai sự tích tập: tích tập công đức và tích tập trí huệ. Tích tập công đức là việc làm nằm trong vòng duyên sanh, nhân quả. Tích tập công đức là hoàn thiện trí huệ soi thấu tánh Không.
Với Bồ-tát, hai sự tích tập này phải thông với nhau, đồng bộ dần dần cho đến mức hợp nhất. Ví dụ trong kinh Kim Cương, tích tập công đức là bố thí, nhẫn nhục, trang nghiêm cõi Phật, thuyết pháp, cứu giúp chúng sanh…, mọi hành động này đều phải tương ưng với trí huệ soi thấu tánh Không.
Như vậy đây là con đường Trung đạo của Bồ-tát, đi giữa một bên là duyên sanh, tạo nhân để thành quả, và một bên là tánh Không. Con đường Trung đạo này đi giữa sanh tử (duyên sanh) và Niết-bàn (tánh Không).
Trung đạo của người hành Bồ-tát đạo là tạo lập, xây dựng công đức, là công việc ở trong nhân quả duyên sanh của sanh tử, nhưng không ở trong sanh tử vì đồng thời vẫn thể nhập tánh Không; và thể nhập tánh Không nhưng không lìa bỏ sanh tử, không lìa bỏ chúng sanh. Ở một cấp độ rất cao, Bồ-tát vẫn học tánh Không mà không chứng nhập tánh Không. (Học Không bất chứng, một phẩm của kinh Đại Bát-nhã).
“Bồ-tát tuy hành môn tam muội giải thoát Không, nhưng trong đó không chứng vô tướng, không rơi
vào hữu tướng. Vì sao thế? Bồ-tát này trí huệ sâu xa, thiện căn đầy đủ, nghĩ như thế này, ‘nay là lúc học không phải lúc chứng’…, vì Bồ tát không từ bỏ tất cả chúng sanh.” (Kinh Phật Mẫu Bát-nhã Ba-la-mật-đa, phẩm Phương tiện thiện xảo.)
Với sự tích tập công đức ở trong ba cõi sanh tử, Bồ- tát dần dần thành tựu Sắc thân, gồm Báo thân và Hóa thân. Với sự tích tập trí huệ tánh Không, Bồ-tát dần dần thành tựu Pháp thân. Khi hai sự tích tập ấy viên mãn, Bồ-tát đầy đủ cả ba thân, Pháp thân, Báo thân và Hóa thân viên mãn, và thành một vị Phật.
Trung đạo là đi giữa và hợp nhất sanh tử sanh diệt và Niết-bàn tánh Không. Sự hợp nhất này là “duyên sanh tức vô sanh” và “vô sanh mà duyên sanh”. Cuối cùng, Bồ tát chứng ngộ sanh tử sanh diệt là Niết-bàn tánh Không, còn gọi là Vô trụ xứ Niết-bàn, như Trung luận, phẩm Quán Niết-bàn nói:
Niết-bàn và thế gian Không mảy may phân biệt Thế gian và Niết-bàn
Cũng không chút phân biệt. Thật tế của Niết-bàn
Và thật tế thế gian
Cả hai thật tế ấy
Không mảy may sai khác.
Sự không mảy may sai khác vượt khỏi mọi có không này được các kinh gọi là tánh Như, Chân Như. Trong kinh Đại Bát-nhã, tánh Không cũng tức là tánh Như, Chân Như, Nhất Tướng… Kinh Kim Cương nói: “Như Lai, đó là nghĩa Như của tất cả các pháp”.
Tánh Không không phải là không có gì cả, mà là không có những vọng tưởng thấy sai lầm về thực tại, cho nên còn được gọi là tánh Như. Tánh Như là nghĩa Trung đạo trong bài kệ của Ngài Long Thọ:
Pháp các nhân duyên sanh – ta nói tức là Không – cũng gọi là giả danh – cũng là nghĩa Trung Đạo.”
Chúng ta trích thêm một đoạn về tánh Như trong kinh Duy-ma- cật, phẩm Bồ-tát:
“Làm sao ngài Di-lặc được thọ ký sanh một đời nữa thì thành Phật? Là theo Như sanh mà được thọ ký ư? Là theo Như diệt mà được thọ ký ư? Nếu vì Như sanh mà được thọ ký, thì Như không có sanh. Nếu do Như diệt mà được thọ ký, thì Như không có diệt. Tất cả chúng sanh đều là Như. Các thánh hiền cũng là Như. Cho đến ngài Di-lặc cũng là Như. Nếu ngài Di-lặc được thọ ký thì tất cả chúng sanh cũng phải được thọ ký. Tại sao như thế? Đã vốn là Như, thì không hai, không khác.
Nếu Ngài Di-lặc đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, thì tất cả chúng sanh cũng phải đắc. Tại sao như thế? Tất cả chúng sanh là tướng Bồ-đề. Nếu ngài Di-lặc được diệt độ, thì tất cả chúng sanh cũng được diệt độ. Tại sao như thế? Chư Phật thấy biết tất cả chúng sanh rốt ráo tịch diệt, tức là tướng Niết-bàn, chẳng phải chờ đợi sự diệt độ nào nữa”.
NGUY Ễ N TH Ế ĐĂ NG | Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 139