Trang chủ Phật học TỔNG LUẬN QUAN ĐIỂM NIẾT-BÀN THEO LUẬN THÀNH DUY THỨC

TỔNG LUẬN QUAN ĐIỂM NIẾT-BÀN THEO LUẬN THÀNH DUY THỨC

181
0

I/TIỂU DẪN

Thành Duy Thức Luận trình bày hai quả chuyển y là Đại Niết-bàn và Đại Bồ Đề; Do đoạn trừ hết thảy các chướng mà thành tựu hai quả vị thù thắng này. Lại do ly khai phiền não chướng vốn dẫn độ đến tái sinh mà đạt được chân giải thoát. Giải thoát, Tây vực Phạn âm gọi là ba-lị-nặc-phược-nẫm; Từ Sanskrit là parinirvāṇam, bát niết- bàn, Niết-bàn viên diệu, hay viên mãn tịch diệt[1]. Ở đây, trong hai quả chuyển y, chúng ta chưa vội đề cập đến quả đại Bồ-đề mà chủ đích chỉ bàn đến Niết bàn hay quả Đại Niết-bàn.

Về ngữ nguyên Sanskrit của từ Niết-bàn, chúng ta đã phân tích nhiều, chúng ta thể lặp lại tóm tắt như sau:

Niết-bàn phiên âm từ Nirvāṇa hoặc tiếng Pāli Nibbāna, từ Prakrit cổ của nó được tìm thấy là Ṇivvāṇa.  Nirvāṇa nó là phân từ thụ động quá khứ của động từ niḥ-căn : có nghĩa là “đã, hoàn thành, hoàn tất…” + Nirvāti với ý nghĩa nghĩa “thổi tắt”, “dập tắt” (một ngọn lửa), như vậy thì Nirvāṇa mang nghĩa đã bị dập tắt, thổi tắt ở đây muốn chỉ cho dập tắt lửa phiền não, hay thổi tắt lửa ái dục v.v..

Theo luật Samdhi ngữ pháp Sanskrit, làm thay đổi luật cách viết Nis khi phối với vāṇa, bắt đầu bằng “v”, Nis —> Nir, và cũng tùy vào những trường hợp khác mà Nis đổi thành Ni, Nih v.v..

Nirvāṇa có tiền tố phủ định từ là Nir (không, chẳng, đi ra khỏi)  + vāṇa là vị biến của vane, được thành lập từ động từ căn van: khu rừng, bụi cây, gỗ; và động từ căn van cũng có nghĩa là dục vọng, khát ái, them khát nhục dục v.v.. nên Niết-bàn được hiểu là trạng thái ra khỏi khu rừng của vô minh, phiền não, gỗ ở đây là dụ cho năm thủ uẩn nên tức là người không còn bị ràng buộc bởi năm thủ uẩn, bởi các giới uẩn và không còn bị chi phối bởi dục vọng, không còn bị khát ái điều khiển nữa.

Vāṇa nó còn đi từ động từ căn : ở dạng quá khứ phân từ, ngoài nghĩa là thổi, nó còn có nghĩa là phát ra mùi (to emit an odour), hay cũng có nghĩa là bị tỏa, bị khuếch tán (be wafted or diffused); động từ căn :  nó cũng có nghĩa là may, dệt; và tất cả ý nghĩa của khi nó bắt đầu bằng Nis một từ chuyên dùng để phủ định: không, tắt, không còn, chẳng còn, v.v.. Nên Nirvāṇa có nghĩa không còn dệt nên sinh tử, may nên mộng tưởng đảo điên, là chấm dứt dập tắp hoàn toàn ngọn lửa và mùi vị khát ái, không còn tỏa ra, khuếch tán ra những phiền não nữa  v.v.. Na cũng thuộc thể loại phủ định từ nên vāna: có nghĩa là không còn dệt nên phiền não nữa.

Nir-căn , có nghĩa là “phát hiện ra, thấu hiểu được, nhìn rõ được v.v..”, nên Niết-bàn là thấu rõ được chân như, phát hiện ra chân lý, chứ không hề mang ý nghĩa là “hư vô” “trống trơn”, theo ý nghĩa nhị nguyên. 

Còn trong Pāli ngữ Nibbāna được thành lập từ Ni (=Na) là bất phân từ, không biến cách: có nghĩa không hay không có, chức năng làm tiền tố phủ định từ có nghĩa là ly khai, tách rời, ra khỏi v.v… Bbāna ái dục, dục vọng, nên trong văn hệ Pāli Niết-bàn hàm nghĩa ly khai khỏi ái dục, không còn ham muốn, lìa xa mong cầu ảo tưởng.

Nên trong Sanskrit từ Nirvāṇa hay Nibbāna của Pāli, rất đa nghĩa, Hán hay Anh dịch không thể có một từ nào cân xứng được với những ý nghĩa nghĩa phong phú như vậy. Qua đó mà thuật ngữ nirvāṇa cũng được Hán dịch nghĩa là Diệt , Diệt tận 滅盡, Diệt độ 滅度, Tịch diệt 寂滅, Bất sinh不生, Viên tịch , và vì sự tịch diệt được hiểu là mục đích tối cao trong tiến trình giải thoát, nên nirvāṇa cũng được dịch ý là Giải thoát , Vô vi 無爲, An lạc 安樂 v.v…”[2]

Từ những ý nghĩa sơ khởi ban đầu như vậy, chúng ta thấy rằng không thể có trường hợp: người có tà kiến hay ngã kiến mà lại thể chứng được Niết-bàn, trái lại người có chánh kiến lại khiến cho trầm luân, lặn chìm trong sinh tử. Tuy nhiên, thân và tâm của các loại chúng sinh tương tục, do năng lực của nghiệp phiền não mà luân chuyển các cõi thú, và do nhàm tởm khổ mà mong cầu thú hướng Niết-bàn.
II/TỔNG LUẬN

Đề-bà (Ārya- Deva), Ngoại đạo Tiểu thừa Niết-bàn luận nói: “Ma-hê-thủ-la luận sư nói như vầy, quả là cái được tác thành bởi Na-la-diên (Nārāyaṇa). Phạm thiên là nhân. Ma-hê-thủ-la là một thể mà có ba phần; đó là, Phạm thiên, Na-la-diên và Ma-hê-thủ-la. Chúa cõi đất là Ma-hê-thủ-la. Trong ba cõi, hết thảy mọi vật có sinh mạng hay không có sinh mạng thảy đều do Ma-hê-thủ-la thiên sinh. Nơi thân của Ma-hê-thủ-la, đầu là hư không, thân là đất, nước tiểu là nước, phân là núi, sâu trùng trong ruột là các loại chúng sinh, mạng là gió, hơi ấm là lửa, nghiệp là tội phước… Tự Tại Thiên là nguyên nhân của sinh diệt. Tất cả sinh từ Tự Tại Thiên, diệt do Tự Tại thiên.”[3]

Thành Duy Thức trình bày quan điểm của các phái ngoại đạo, chấp có một Đại Phạm, thời, phương, bản tế, tự nhiên, hư không, ngã v.v.. Các học thuyết ngoài Phật giáo cho rằng những cái này thường trú, thực hữu, đủ các phẩm tính, sinh sản tất cả các pháp. Chúng đều bị Thành Duy Thức bác bỏ. Từ đó chúng ta thấy rằng, ngoại đạo nêu ra nhiều quan điểm biện chứng sai lầm về Niết-bàn bị Duy-thức bác bỏ, có thể kể đại khái như:

– Luận sư Vi-đà (Vēda) nói, từ rốn của Thần Na-la-diên (Nārāyaṇa) sinh ra một bông sen lớn. Từ bông sen sinh ra Phạm thiên Tổ ông. Vị Phạm thiên này tạo tác nên hết thảy các loài có mạng và không có mạng. Từ miệng Phạm thiên sinh ra những người thuộc giai cấp bà-la-môn; từ hai vai, giai cấp sát-đế-lị; từ hai bắp vế, tỳ-xá-xà; từ gót chân, thủ-đà-la. Tất cả đại địa là giới trường tu phước. Nơi đó sinh các loại hoa cỏ làm phẩm vật cúng dường. Lại hoá làm thú rừng, gia súc các thứ. Nơi giới trường, giết hại chúng để hiến tế Phạm thiên thì được sinh lên cõi kia gọi là cõi Niết-bàn[4].

– Ngoại đạo phương luận sư nói, tối sơ sinh các phương (diśatā). Từ các phương sinh người đời. Từ người đời sinh trời đất. Trời đất diệt tận quay về nơi kia gọi là cõi Niết-bàn.”[5]

– Ngoại đạo Khẩu lực luận sư nói, hư không là nguyên nhân của vạn vật. Thoạt kỳ thủy, sinh hư không. Từ hư không sinh gió. Từ gió sinh lửa. Từ lửa sinh hơi ấm. Từ hơi ấm sinh nước. Nước đông cứng thành đất. Từ đất sinh các thứ cỏ thuốc. Từ cây cỏ thuốc sinh ngũ cốc. Từ ngũ cốc sinh mạng. Loài có mạng sau khi ăn, chết, quay trở về hư không; đó gọi là Niết-bàn.”[6]

Giới, từ vô thủy đến nay, là sở y của hết thảy pháp: vô thủy thời lai giới, nhất thiết pháp đẳng y. Do thử hữu chư thú, cập Niết-bàn chứng đắc 無始時 來界, 一切法等, 由此有諸趣, 及涅槃證得[7]. Cho nên, Giới ở đây có nghĩa là nhân hay chủng tử. Thể của chủng tử, từ vô thủy đến nay, tương tục không đứt tuyệt; tính tuy tồn tại từ vô thủy, nhưng do sự huân tập sai biệt bởi nghiệp tịnh và bất tịnh mới phát sinh. Do quan hệ với quả dị thục được tiếp nhận thường xuyên, nó được nói là mới[8]. Thật vậy, tự tính của các chủng tử, từ vô thủy đến nay, tuy là bản hữu, nhưng do cái mới được huân tập như là nhiễm hay tịnh mà phát khởi; Các loại hữu tình, từ vô thủy đến nay, nếu thuộc pháp bát-Niết-bàn, tất cả thảy đều đầy đủ. Nếu không thuộc pháp bát-Niết-bàn, khuyết chủng tử của ba loại bồ-đề[9].

Sự sai biệt của năm chủng tính bản lai của chúng sinh không do chủng tử vô lậu tồn tại hay không tồn tại. Nhưng chủng tính ấy chỉ y trên trường hợp có có hai chướng là: phiền não chướng (kleśa-āvaraṇa) và sở tri chướng (jñeya-āvaraṇa) hay không có hai chướng này mà thi thiết kiến lập. Như Du-già trình bày giả thi thiết ở nơi cảnh vực chân như mà hoàn toàn có chủng tử của hai chướng, ở đó lập chủng tính của pháp không Bát-niết-bàn. Nếu hoàn toàn có chủng tử của sở tri chướng chứ không phải phiền não chướng, ở đây một phần lập chủng tính Thanh văn, một phần lập chủng tính Độc giác. Nếu hoàn toàn không có chủng tử của cả hai chướng, tức lập nó làm chủng tính Như lai. Cho nên, biết rằng sự sai biệt của chủng tính bản lai y trên chướng mà thiết lập chứ không phải do chủng tử vô lậu[10].

Chủng tính và chủng tử là nói y trên sự chướng ngại mà thiết lập sự sai biệt về chủng tính, ý muốn nói rõ chủng tử vô lậu tồn tại hay không tồn tại: “Lại nữa, tâm xuất thế trước kia chưa hề được tu tập cho nên sự huân tập của nó hoàn toàn không có. Nếu không có huân tập, tâm ấy xuất hiện từ hạt giống nào? Ở đây nên trả lời, tâm ấy xuất hiện từ chủng tử được huân tập bởi do nghe trực tiếp nguồn nước pháp giới tối thanh tịnh.”[11] Nếu hoàn toàn không tồn tại chủng tử vô lậu, chủng tử của hai chướng kia vĩnh viễn không thể bị trừ hại, y theo đó là lập pháp phi Niết-bàn. Nếu chỉ tồn tại chủng tử vô lậu của hai thừa, sở tri chướng kia vĩnh viễn không thể bị trừ hại, theo đó một phần lập chủng tính Thanh văn, một phần lập chủng tính Độc giác. Nếu cũng tồn tại cả chủng tử vô lậu của Phật, chủng tử của hai chướng kia đều có thể vĩnh viễn bị trừ hại, theo đó lập chủng tính Như lai[12].

Tam Thập Tụng nói: 不可知執受處了常與觸 không thể biết sự chấp thọ, xứ, liễu của nó; câu này, chúng ta có thể tìm được một số câu tương đương với nó:相及境不可分別一體無[13], tướng và cảnh, không thể phân biệt; nhất thể, không dị biệt. Từ Sanskrit của nó là: “asaṃviditakopādisthānavijñaptikaṃ ca tat/”; Tạng ngữ đọc là: de ni len pa dag daṅ gnas/ rnam par rig pa mi rig te/ Teramoto: không thể biết sự chấp thọ, và sự liễu biệt về xứ của nó; H. H. Jacobi dịch là: “in ihm bleibt sowohl das Material (upādi) wie die Präsentation eines Standorts unbewußt”. Các bản này đều đọc: asamviditopādi/(asaṃviditaka) sathānavijñaptika; nghĩa là trong bản Hán, đọc là: bất khả tri chấp thọ 不可知執受, và bất khả tri xứ-liễu 不可知處了. Trong các bản dịch này, sthānavijñapti được hiểu là hoạt động nhận thức của A-lại-da về y xứ của nó. Hoạt động ấy không thể nhận biết được.  Vì vậy, đây là hiểu theo giải thích của Sthiramati: “asaṃviditaka upādir yasmin asaṃviditakāvasthāvijñaptir yasmin tad ālaya vijñānam asaṃviditakopādisthāna vijñaptikaṃ”. Trong thức a-lại-da, chấp thọ (upādi) của nó là bất khả tri, và nhận thức về y xứ của nó cũng bất khả tri. Về xứ liễu biệt, Sthiramati giải thích: “sthānavijñaptir bhājanalokasaṃniveśavijñaptiḥ”: nhận thức về (thông tri về) y xứ, đó là nhận thức (thông tri) về vị trí (trạng huống) của khí thế gian. Ở đây, chúng ta nói đến chấp thọ có hai loại đó là các chủng tử và thân có căn.

Chấp thọ 執受 từ Sanskrit của nó là upādi. Sthiramati: “upādānam upādiḥ sa punar ātmādivikalpavāsanā rūpādidharmavikalpavāsanā ca”, chấp thọ tức thủ (chấp thủ, trong thủ uẩn). Nó là tập khí của phân biệt ngã chấp và tập khí của phân biệt pháp chấp; Upādi được dùng trong từ phức hợp: sa-upādi-śeṣa-nirvāṇa, hữu dư y Niết-bàn –Đại Tỳ-bà-sa giải thích: “Thế nào là hữu dư y Niết-bàn giới? A-la-hán đã đoạn tận các lậu, nhưng thọ mạng vần còn, dòng tương tuc của sắc do đại chủng tạo vẫn chưa bị cắt đứt, dòng tương tục của tâm y nơi thân của năm căn mà chuyển…”[14] Theo giải thích này, upādi dược hiểu là căn bản của sự sống, hay sinh y, là năng lực duy trì dòng tương tục của căn thân không để đứt đoạn. Thuật ký nói: “Chấp, nghĩa là nhiếp trì 攝義持義 (thâu tóm và duy trì). Thọ, nghĩa là lãnh thọ và giác tri 領義覺義. Thâu tóm vào tự thể, duy trì không để huỷ hoại, cọng đồng an nguy là lãnh thọ, để làm phát sinh cảm giác. Cho nên, nói là chấp thọ.”[15] Giải thích này hiểu chấp thọ là upatta, trong từ phức hợp upatta-mahābhūta, (hữu) chấp thọ đại chủng, chỉ vật chất hữu cơ, có khả năng phát sinh cảm giác.

Giải thích của Hộ Pháp trình bày trong Thuật ký, duy chỉ có thể biến thái thành tợ ảnh là y xứ của căn; vì căn của tha thân chúng không phải là sở dụng của tự thân. Điều mà Biện trung biên nói: “Xuất hiện ảnh tợ như là năm căn của tự thân và tha thân”, đó là nói tự thức và tha thức tự biến riêng biệt. Cho nên, khi tái sinh vào địa giới khác hay nhập Bát-niết-bàn, thi hài còn lại của vị ấy vẫn được thấy còn tiếp nối tồn tại.

Vì “Quyết trạch phần” nêu rõ bốn trường hợp:

1. Thành tựu a-lại-da chứ không chuyển thức: các trường hợp của trạng thái vô tâm vị.

2. Thành tựu chuyển thức, không a-lại-da: A-la-hán, Độc giác, Bồ tát hàng bất thối, và các Như lai trụ hữu tâm vị.

3. Thành tựu cả hai: các hạng hữu tình còn lại trụ hữu tâm vị.

4. Không cả hai: A-la-hán, Độc giác, Bồ tát bất thối và các Như lai nhập diệt tận định, trụ vô dư y Niết-bàn giới[16].

Các vị A-la-hán, Độc giác Như lai, thảy đều không thành tựu a-lại-da. Tập luận cũng nói: “Các Bồ tát, sau khi đã thành tựu hiện quán Thánh đế, trong giai đoạn tu đạo của mười địa, chỉ tu tập phần đối trị sở tri chướng mà không cần tu tập đối trị phần của phiền não chướng. Khi chứng đắc bồ đề, phiền não chướng và sở tri chướng nhất loạt bị đoạn trừ, đốn chứng thành A-la-hán và Như lai”[17]. Thật vậy, các Bồ tát khi thành đạt quả bồ đề, đồng loạt các phiền não và sở tri chướng đều bị đoạn trừ, thành A-la-hán và Như lai.

Song cũng theo Thuật ký, giải thích của nhóm Luận sư thứ hai (Hộ Pháp), A-la-hán đoạn trừ các phiền não thuộc loại thô trọng trong thức này, dứt sạch một cách rốt ráo, không còn chấp tàng thức A-lại-da như là tự ngã nội tại nữa; do A-lại-da vĩnh viễn tiêu thất như thế nên gọi là xả, chứ không phải xả toàn bộ thể của thức thứ tám. Không nên nói rằng A-la-hán không có tự thể của thức thứ tám, không có thức duy trì chủng tử, lúc bấy giờ liền thể nhập Niết-bàn vô dư. Và Thể của thức dị thục được xả khi Bồ tắt sắp đạt được bồ đề. Thanh văn, Độc giác khi nhập Niết-bàn vô dư y cũng xả. Thể của thức vô cấu không khi nào bị xả, vì sự lợi lạc cho chúng sinh không bao giờ cùng tận.

Chứng minh về sự tồn tại của căn bản thức, Thành Duy Thức dẫn Đại thừa A-tì-đạt-ma như sau: “Giới, từ vô thủy đến nay, là sở y của hết thảy pháp; do tồn tại cái này mà có các cõi thú hưóng và có sự chứng đắc Niết-bàn.”; chúng ta cũng có thể tìm được những đoạn tương tự từ kinh luận khác: “無始時來界/一切法等依/由此有諸趣/及涅槃證得” [18] vô thủy thời lai giới, nhất thiết pháp đẳng y, do thử hữu chư thú, cập Niết-bàn chứng đắc;  Chỗ khác kinh cũng nói: “無始世來性/作諸法依止/依性有諸道/及證涅槃果”[19]; trong đó, “tính” chỉ cho Như lai tạng.  Các hoặc, nghiệp, sinh đều y chỉ nơi thưc này; đó là tác dụng sở y và duy trì cho dòng lưu chuyển: “Lưu chuyển (pravṛtti) là sự thọ sinh tái diễn.  Hoàn diệt (nivṛtti) là sự thú hướng đến Niêt-bàn.”[20] Bốn hình thái lưu chuyển và một hình thái hoàn diệt của a-lại-da:

1. Sở duyên chuyển tướng, vin vào đối tượng nội giới là chấp thọ và ngoại giới là khí thế gian mà vận chuyển.

2. Tương ưng chuyển tướng, hằng tương ưng với năm biến hành.

3. Duyên tính chuyển tướng, vận chuyển theo điều kiện tương tác.

4. Câu chuyển chuyển tướng, tồn tại đồng thời với các chuyển thức và cùng vận chuyển. Một hình thái hoàn diệt: nó duy trì chủng tử thiện của thuận giải thoát phàn và thuận quyết trạch phần[21].

Thuật ký dẫn: “Du-già 51 nói, hoàn tức Đạo đế; diệt tức Diệt đế.” Và Huyền Tráng cũng giải thích “Có sự chứng đắc Niết-bàn”:  do có thức này nên có sự chứng đắc Niết-bàn. Nghĩa là, do do có thức thứ tám để duy trì các pháp thuận chiều hoàn diệt khiến cho người tu hành chứng đắc Niết-bàn. Trong đó chỉ đề cập con đường (đạo) dẫn đến chứng đắc. Vì Niết-bàn không y chỉ trên thức này mà tồn tại. Hoăc đây chỉ nói đến Niết-bàn như là đối tượng chứng đắc; vì đó là mục đích nhắm đến của người tu hành. Hoặc đây đề cập cả hai, Niết-bàn và đạo; vì cả hai đều thuộc phẩm loại hoàn diệt. Theo đó, từ “Niết-bàn” chỉ cho diệt được chứng; và từ “chứng đắc” sau đó chỉ rõ con đường (đạo) dẫn đến chứng đắc. Do con đường dẫn đến đoạn trừ mà đoạn trừ các hoặc (phiền não) cần được đoạn trừ; cho đến giai đoạn rốt ráo tận trừ, tổng hợp lại là thành tựu Niết-bàn. Cái đoạn trừ và cái bị đoạn trừ, cái chứng đắc và cái được chứng đắc, thảy đềy y trên thức này; đó chính là tác dụng y chỉ và duy trì cho hoàn diệt. Thượng tọa bộ cho rằng: tâm và tâm sở sinh diệt diễn ra hai thời trong một sát na hiện tại. Thời hai nhưng thể là một. Diệt là cái sắp diệt[22].  

Mặt khác, tự tính của thức này vốn hằng hữu từ vô thủy và nó làm chỗ y chỉ cho tổng thể hay cá biệt, Nhất thiết pháp, chỉ tổng thể. Chư thú và Niết-bàn, chỉ cá biệt. Pháp tạp nhiễm, đó là khổ và tập đế, tức đích thú hướng là sinh, cái dẫn đến các cõi thú là hoặc và nghiệp. Pháp thanh tịnh, đó là diệt và đạo đế; tức Niết-bàn được chứng và Đạo là con đường dẫn đến chứng đắc. Cả hai loại pháp đều y thức này mà tồn tại, vì theo lý mà nói thì không thể y các chuyển thức.

Vô tính 無性, hay vô chủng tính; Sanskrit gọi là agotra, không thuộc dòng họ Thánh, không thể chứng Niết-bàn. Hữu tình thuộc hạng vô tính không thể tận cùng đáy sâu của nó nên nói là “cực kỳ sâu thẳm.” Hạng chủng tính xu hướng tịch diệt không thể thông suốt được nó, nên nói là “cực kỳ vi tế.” Nó là chủng tử chân thực của tất cả pháp. Khi bị kích động bởi duyên, nó dấy lên sóng chuyển thức, hằng chảy xiết không gián đoạn nên nói là “dòng thác lũ”.

Hai sát-na không cùng tồn tại nên không tương ưng. Do không tương ứng nhau nên không có tính chất huân tập và bị huân tập[23]. Bởi vì, tự loại của chúng đã không có huân tập, làm sao có thể quan niệm cái trước là chủng tử của cái sau; và cái gián đoạn không thể sinh trở lại; Khi từ vô sắc chết, tái sinh sắc giới; bấy giờ, do sắc bị đoạn diệt đã từ lâu, không thể có sắc trước kia sản sinh sắc hiện tại[24]. Bậc vô học của Nhị thừa hẵn cũng không có uẩn tối hậu; vì sắc tâm trong trạng thái cận tử trở thành chủng tử của sắc tâm sau. Nếu cho rằng duy chỉ tâm sát-na đi trước là chủng tử dẫn sinh tâm sát-na theo sau không gián cách; thế thì không có tâm tối hậu của A-la-hán, và vì thế ngài không thể nhập Niết-bàn giới vô dư y.[25]

Các loại chúng sinh khi thọ sinh, khi mạng chung, đều ở trong trạng thái tán tâm, không phải là vô tâm định. A-la-hán nhập diệt tận định trước khi nhập vô dư Niết-bàn. Nghĩa là mạng chung trong trạng thái vô tâm định[26]. Nếu không tồn tại căn bản thức, khi sinh, khi chết, tâm không hiện hữu. Nên ngài Huyền Tráng trong Luận Thành Duy Thức giải thích rõ, duy chỉ dị thục tâm, do nghiệp lực từ trước, thường xuyên phổ biến và liên tục chấp thọ thân phần. Chỗ nào mà nó xả chấp thọ, nơi đó cảm xúc lạnh phát sinh, tại vì thọ, noãn và thức, ba cái này không ly khai tách rời nhau. Chỗ nào cảm xúc lạnh khởi lên, chỗ đó trở thành phi tình. Chỗ đó tuy vẫn là (thức) biến và duyên, nhưng không chấp thọ. Cho nên biết rằng, một cách xác định, căn bản thức tồn tại.

Ở đây, những gì là những dưỡng chất thế gian? Đó là những điều kiện quyết định cho sự sinh trưởng, tồn tại và phát triển về các phương diện vật chất cũng như tinh thần trong một chúng sinh. Kinh nói: “Nhất thiết chúng sinh giai y thực trụ”, nghĩa là tất cả chúng sinh đều y thức ăn mà tồn tại[27]. Nếu không tồn tại thức thứ tám, không thể có tự thể của thức thực. Câu này chúng ta có thể tìm thấy tương đương ở Pāli: “cattāro āhārā– kabaḷīkāro āhāro oḷāriko vā sukhumo vā, phasso dutiyo, manosañcetanā tatiyā, viññāṇaṃ catutthaṃ”[28]: “có bốn loại đồ ăn này khiến cho các hữu tình hay các loại chúng sanh được tồn tại hay các loại sắp sinh thành được thọ sanh. Thế nào là bốn? một là đoàn thực thô hoặc tế; hai là xúc thực; ba là tư niệm thực; bốn là thức thực”[29]. Vì thế, những vị chủ trương không có thức căn bản thứ tám, vậy thì y vào loại thức ăn nào mà kinh nói: “Tất cả chúng sinh đều y thức ăn mà tồn tại?”. Cũng không thể quan niệm rằng trong thức vô lậu có chúng tử hữu lậu; chúng làm “thức ăn”.  “Thức ăn” ở đây là Thức thực 識食, Thức ăn bởi thức; từ Sanskrit gọi là vijñāna-ahāra[30]: “Thức thực, do lực chấp trì của thức a-lại-da mà thân tồn tại.” [31] Chỗ khác cũng nói: “Do y nơi đây mà các loại hữu tình hoặc đã sinh, hoặc đang tồn tại được duy trì, và chất chứa ước vọng tái sinh.”[32] Thức vô lậu, cũng như Niết-bàn, không thể chấp trì chủng tử hữu lậu. Do bởi điều đó, một các xác định, biết rằng khác với chuyển thức có dị thục thức. Thức này đồng nhất loại, thường trực, phổ biến; chính nó duy trì thân, mạng khiến cho không bị tan rã, không bị đứt lìa. Y theo nguyên nhân đó, đức Thế tôn dạy rằng: “Tất cả chúng sinh đêu y nơi thức ăn mà tồn tại.” Nói chung khi lên cao cảm thọ tinh vi, tế nhị và kéo dài hơn, cuối cùng chỉ còn lại thức là tầng Diệt tận Định. Sau rốt, thức ăn thức cũng không còn nữa và nhập Niết-bàn; đó là cấp bậc của các vị A-la-hán.

Với người trụ diệt tận định, tất cả hành của thân, ngữ, tâm đều diệt, thân hành, chỉ hơi thở, Tứ thiền trở lên không còn hơi thở[33]; Ngữ hành, chỉ tầm và tứ. Tâm hành, chỉ thọ và tưởng; tuy hết thảy hành của thân, ngữ, tâm đều diệt nhưng thọ không diệt, Hữu bộ nói: thọ là thể của mạng căn, cũng không rời hơi ấm, căn không biến hoại, thức không lìa thân, Kinh bộ không thừa nhận mạng căn[34]. Nếu không tồn tại căn bản thức, không thể có sự kiện thức không lìa thân. Ngài Thế Thân đặt câu hỏi: “Trong trạng thái định này (Diệt tận định), ý thức là cái gì?”[35]; Chúng ta có thể y chỉ vào Luận Thành Duy Thức[36] mà Huyền Tráng giải thích cụ thể và một số kinh luận để giải quyết câu hỏi:

– Không thể nói nó là nhiễm hay vô ký. Vì các sự kiện này không có trong các định thuộc thiện, thiện được nói ở đây Thiện định 善定, tức tịnh định, chỉ bốn tĩnh lự và bốn vô sắc định. Vì các tâm nhiễm và vô ký khác đều có tâm sở. Vì không thể nói do chán thiện mà khởi nhiễm v.v… Và Vì không phải cầu tịch tĩnh mà ngược lại khởi tán tâm. Lượng Nhân minh, theo Thuật ký: (Tông) Theo quan điểm đó, tâm cầu Niết-bàn tất phải khởi tán tâm. (Nhân) Vì cầu duyên tịch tĩnh. (Dụ) Như tâm trước khi nhập diệt định.

Nếu nói tâm đó là thiện, vì tương ưng thiện; có bốn lọai thiện:

1. Thắng nghĩa: thiện tuyết đối tức Niết-bàn tự tính.

2. Tự tính: thiện do bản chất như vô tham v.v…

3. Tương ưng: tự nó không phải thiện nhưng do tương ưng với thiện mà thành thiện, như các tâm sở.

4. Đẳng khởi: do nguồn gốc như các bất tương ưng hành[37].

Vậy nó phải tương ưng với các thiện căn như vô tham v.v.. Tâm ấy không phải là tự tính thiện, hoặc thắng nghĩa thiện, vì trái với quan điểm của tông phái này; vì nó không phải là thiện căn v.v., và cũng không phải là Niết-bàn. Y theoThuật ký, chúng ta không thấy Kinh bộ thừa nhận bốn loại thiện. Nhưng đây dùng để bức bách Kinh bộ. Nếu nói tâm ấy là thiện do đẳng khởi, vì nó được dẫn khởi bởi thiện căn thuộc gia hành. Điều này không hợp lý. Vì trái với chủ trương của bộ phái này, giả thiết bản chất của tâm trong Diệt Tận Định là thiện. Vì như các thiện tâm khác, không phải là đẳng khởi. Thiện tâm trực tiếp sinh khởi tâm ba tính, thì đâu có thể nói rằng thiện tâm do đẳng khởi trước đó. Thế nên, tâm mà thiện là do ảnh hưởng của tương ưng. Đã vậy, nó phải tương ưng với thiện căn, nên không phải tâm này độc hành không tâm sở. Vì vậy, nếu không có tâm sở, tâm cũng không[38].

Nếu các nghiệp và quả được sản sinh, sau khi nhập Niết-bàn giới vô dư y nghiệp quả của ba giới tất sẽ sinh khởi trở lại. Vì phiền não cũng không cần nhân mà sinh khởi. Giả thiết không tồn tại căn bản thức để duy trì chủng tử của thanh tịnh đạo thế và xuất thế, sẽ không có nhân để khởi tịnh pháp kia sau các tâm dị loại.

Các pháp thanh tịnh cũng có ba loại, do sự sai biệt của thế đạo, xuất thế đạo, và đoạn quả: tức là quả thành tựu do đoạn trừ phiền não. Nếu không tồn tại thức thứ tám để duy trì chủng tử của thanh tịnh đạo thế và xuất thế, sẽ không có nhân để khởi tịnh pháp kia sau các tâm dị loại: sau khi đạt khởi sinh các tâm tịnh hoặc nhiễm của các giới khác. Giới khác tức bằng Dục giới tâm khởi Sắc giới định tâm. Hai tâm này không thể đồng thời nên không thể là sở huân để thành chủng tử[39].

Vì các nhân khác như được quan niệm đã bị bác bỏ ở trên. Nếu hai tịnh đạo phát khởi mà không cần nhân, vậy sau khi nhập Niết-bàn giới vô dư y hai tịnh đạo kia đáng lẽ sinh khởi trở lại. Theo đó, sở y (thân) sinh khởi cũng không cần nhân.

Giả sử không có căn bản thức duy trì chủng tử của phiền não, đoạn quả của chuyển y cũng không thể thành. Vì khi Thánh đạo hay nói theo Thuật ký đây là vô gián đạo phát khởi, phiền não hiện hành và chủng tử của nó đều không tồn tại, vì trong giai đoạn này thức hữu lậu không tồn tại. Do hai tâm nhiễm và tịnh đều không cùng lúc khởi. Tâm tương ưng Thánh đạo không duy trì chủng tử (phiền não) kia, vì tự tính trái nghịch nhau, như Niết-bàn. Vì các bất tương ưng hành như đắc, mạng căn, đồng phận v.v… thuộc quá khứ, vị lai đều không thật hữu. Vì các pháp khác như sắc v.v.. không được thừa nhận là duy trì chủng tử. Cái bị ly khai đã không có, cái ly khai cũng không; Như vậy, y chỉ cái gì, do bởi cái gì mà xác lập đoạn quả? Nếu nói do ảnh hưởng chi phối của Thánh đạo mà phiền não về sau không khởi sinh nữa, theo đó xác lập đoạn quả, thế thì tối sơ phát khởi Thánh đạo tức thành vô học. Vì về sau các phiền não đã không còn nhân nữa nên vĩnh viễn không sinh khởi. Duy chỉ thức thứ tám này là cái duy trì chủng tử của nhiễm và tịnh mà thôi.

Nan Đà và Tối Thắng Tử nói rằng: phải đợi chủng tử diệt, hiện quả mới được sản sinh. Vì Tập luận cũng nói, cái đã được sinh mà không có chủng tử: vô chủng dĩ sinh 無種已生[40]; giải thích: đó là uẩn tối hậu của A-la-hán khi nhập vô dư Niết-bàn – abījotpannam: caramāḥ skandhāḥ[41]. Thuật ký nói: Bấy giờ chủng tử đã vào quá khứ. Quả tương lai không sinh. Chủng hiện tại đã diệt. Chỉ có uẩn hiện hành. Hay: “Con mắt tối hậu của A-la-hán; có căn nhưng không có giới (chủng tử).”[42] Vì chủng tử và mầm non không đồng thời hiện hữu.

Hoặc có chủ trương (Kịnh bộ) rằng sắc và tâm sinh khởi không gián cách; (sắc) đó là chủng tử của các pháp… Nếu vậy, tâm tối hậu của A-la-hán bất thành, trừ phi thừa nhận nó (sắc) đó là đẳng vô gián duyên”[43]. Thuyết Hộ Pháp[44], cũng dẫn đoạn kinh ở Nhiếp Đại thừa nói rằng sắc cũng có thể được thừa nhận là có đẳng vô gián duyên; nói thế là để phủ định bằng một giả định. Tức là giả định theo Tiểu thừa rằng sắc và tâm, cái trước làm đẳng vô gián duyên cho cái sau, mục đích bác bỏ nhân duyên. A-lại-da cùng xuất hiện với các chuyển thức trong cùng một thân và trong cùng một thời. Như trong một dòng thác có nhiều con sóng cùng lúc xuất hiện. Vì sắc tâm không phải là chủng tử, nên sắc tâm sát na trước không làm nhân duyên cho sát na sau khi vị A-la-hán đang nhập Niết-bàn, mà chỉ có thể làm đẳng vô gián duyên[45].

Vô tưởng hữu tình mà trong một hạn kỳ sinh tồn, tâm và tâm sở đều diệt. Nếu không tồn tại căn bản thức, hạng hữu tình đó tất là vô nhiễm. Với hạng hữu tình này, trong một thời gian dài không có sáu chuyển thức. Nếu không tồn tại thức này, tất chúng không còn ngã chấp. “Còn đủ cả chính kết, gọi là cụ phược[46] hữu tình”[47], các kết sử (saṃyojana) còn đầy đủ, hoàn toàn chưa được đoạn trừ. Không có ở bất đâu mà hạng cụ phược trong một thời gian dài hoàn toàn không có ngã chấp. Chúng không có ngã chấp thì chẳng khác gì Niết-bàn, như thế không phải là nơi mà các Thánh Hiền đều chê trách.

Cần do thế lực của đối tượng được ước mong thì các tâm và tâm sở mới tiếp thu đối tượng (sở duyên). Câu-xá nói: 欲謂希求所作事業[48].  Sanskrit Kośa tương đương: “chandaḥ kṛtakāmatā”, dục là tự tính muốn làm. Yaśomitra: chandaḥ katamaḥ? abhiprete vastuny abhilāṣaḥ; “Thế Tôn nói, “hết thảy các pháp dục là gốc rễ, tác ý dẫn sinh, xức tập hợp, thọ tùy lưu, niệm tăng thượng, định dẫn đầu, huệ tối thắng, giải thoát là kiên cố, Niết-bàn là cứu cánh”[49] – “Nói hết thảy pháp dục là căn bản, vì tất cả lưu chuyển (sinh tử) đề lấy sự mong cầu làm gốc rễ…”[50]. Vì vậy, kinh tạng thường nói dục là gốc rễ của các pháp, “Hỏi: Kinh nói, các pháp lấy dục làm gốc rễ. Tịnh hay nhiễm đều phát sinh từ dục. Vậy sao nói dục không có tác dụng đặc biệt đối với tịnh (nên không lập nó là một trong hai mươi hai căn)?”[51]

Chúng ta nói đến « Si » tức là sự mê ám trong các sự và lý. Nghiệp dụng của nó là chướng ngại vô si, làm sở y cho tất cả tạp nhiễm – Sthiramati: «moho ‘pāyeṣu sugatau nirvāṇe tatpratiṣṭhāpakeṣu hetuṣu teṣāṃ cāviparīte hetuphalasaṃbandhe yad ajñānam/ ayaṃ ca saṃkleśotpattisaṃniśrayadānakarmakaḥ/»: «Si, là sự mê hoặc (vô trí) đối với mối quan hệ nhân quả không điên đảo, và những nguyên nhân tác thành Niết-bàn, thiện thú, khổ thú. Tác dụng của nó là làm sở y sự sinh khởi pháp tạp nhiễm. Pháp tạp nhiễm ở đây gồm có ba phần: phiền não (kleśa), nghiệp (karma), tái sinh (janma); cái này làm nhân cho sự sinh khởi của cái sau”. Vì do vô minh mà khởi phiền nào và tùy phiền nào, nghi, tà kiến, tham. v.v.. tạo nghiệp dẫn đến pháp tạp nhiễm đời sau, theo Thuật ký: thứ tự sinh khởi do vô minh. Trong kiến đạo, do hoài nghi Thánh đế, khởi từ kiến, rồi phát sinh tham, v.v.. Trong tu đạo, vô minh dẫn khởi tham, tạo nghiệp nhân thiên, v.v…

Vị đang học hiện quán nổi lên sợ hãi như vầy: “Ta hiện nay, ta đang ở đâu?” Khi tu tập hiện quán Thánh đế (satyābhisamaya), do ý hướng bỗng phát sinh sợ hãi đối với Niết-bàn, nghĩ rằng: “Ta sẽ không tồn tại”[52]. Do ảnh hưởng ưu thế bởi tát-ca-da kiến mà kởi tà phân biệt trong các hành, cho rằng ta sẽ đoạn diệt, ta sẽ hoại diệt, ta sẽ không tồn tại. Hoặc khi suy tầm hành tướng của ngã, các chướng ngại cùng hiện hành một cách vi tế, do đó khởi lên ý tưởng: Ta sẽ không tồn tại chăng? … Do sự sợ hãi này mà tâm hành giả thoái chuyển, không hướng đến Niết-bàn nữa”[53]. Và Biên chấp kiến nào là câu sinh? Đó là Đoạn kiến[54]. Vị đã học hiện quán (sau khi xuất quán) khởi lên sợ hãi này: Ta nay đây, ta nay đang ở đâu? Vì vậy, các loại cầm thú khi gặp nghịch duyên thảy đều nổi lên sợ hãi rằng ta sẽ đoạn diệt mất, cầm thú sợ chết tức nó có đoạn kiến, chứng minh đoạn kiến thuộc câu sinh, vì cầm thú không có phân biệt.

Sinh tại địa thấp mà chưa dứt trừ các ô nhiễm thấp, thì phiền não thuộc các địa trên không hiện tiền. Chỉ khi thành tựu căn bản định của địa đó thì các phiền não thuộc địa đó mới có thể hiện tiền. Các hữu lậu đạo tuy không thể trấn phục loại phân biệt khởi hay loại câu sinh vi tế nhưng có thể phục trừ mê hoặc câu sinh thuộc loại thô, dân dần đạt được căn bản định bâc trên. Vì chúng chỉ mê sự, hoạt động hướng ngoại, và tán loạn thô động, trực tiếp chướng ngại định. Sau khi đạt được định của địa nào, các phiền não phân biệt và câu sinh thuộc địa ấy mới có thể hiện tiền. Sinh tại địa trên, các phiền nào thuộc địa thấp hơn thuộc loại câu sinh hay phân biệt đều có thể hiện khởi. Như trung hữu sinh trong định thứ tư, do bài bác và phỉ báng giải thoát mà sinh địa ngục: “Tỳ kheo đắc tứ thiền, khởi tăng thượng mạn, tưởng mình chứng đắc A-la-hán. Khi trung hữu của địa này sinh khởi, vị ấy do tà kiến bài báng giải thoát nên chuyển sinh trung hữu của địa ngục.”[55] Tà kiến này khởi lên trong trung hữu ở Sắc giới đệ tứ thiền, vì tưởng mình là A-la-hán nhưng chết rồi mà không thấy Niết-bàn nên sinh bài báng, tức thì chuyển thành trung hữu của địa ngục. Và như thân tại các địa trên khi sắp sinh xuống các địa thấp hơn bấy giờ khởi câu sinh ái ủ mầm tái sinh; Thuật ngữ Duy thức gọi là: Nhuận sinh câu sinh ái 潤生俱生愛; ái thuộc loại câu sinh dẫn đến tái sinh trong giai đoạn chín muồi. Nó là một trong mười hai chi duyên khởi.

Khi tu tập định vô tưởng, nhàm chán tưởng thô; do ảnh hưởng này, sinh vào trời vô tưởng thiên, trấn áp các tâm và tâm sở không thường xuyên hiện hành, sáu chuyển thức hoàn toàn không hiện hành. Thức thứ bảy và tám vẫn hoạt động.  Trong đó, tưởng dẫn đầu trong những thứ bị diệt, do đó gọi là vô tưởng thiên, Sanskrit là asaṃjñika: “Vô tưởng thiên, chỗ cao tháng tịch tĩnh trong trời Quang quả (Bṛhatphala), đệ tứ thiền”[56]. Vì vậy, sáu chuyển thức đều bị cắt nơi đây. Thuật ký nói: thuyết nhất kỳ vô tâm, trạng thái vô tâm trong một chu kỳ sinh tử, chư thiên ở đây thường trực không có sáu thức; Chư thiên này không có chuyển thức- «saṃjñisattveṣu deveṣūpannasyāthāvarāṇāṃcittacaitasikaṃ dharmāṇāṃ nirodhe āsaṃjñikam iti prajñaptiḥ»[57]: “sự diệt tận của các tâm và tâm sở vốn không thường trực tồn tục của chúng sinh đã sinh trong các trời hữu tình vô tưởng; y trện sự diệt tận này mà thiết lập vô tưởng dị thục”[58]. Và cũng nói rằng ở đó chỉ có chi hữu sắc, trong mười hai chi, ở đây không có chi danh sắc (nāma-rūpa), mà chỉ có chi thuộc về sắc. Vì vô tưởng thiên thuộc sắc giới, nhưng các chuyển thức không hiện hành: “Trong vô tưởng thiên, và vô tưởng định, diệt tận định, chỉ có thể có chi hữu sắc, không có chi vô sắc. Nếu sinh vô sắc giới, chỉ có chi vô sắc, không có chi hữu sắc”[59]. Lại cũng nói rằng, ở đó thuộc địa vô tâm, vô tâm địa (acittakabhūmi), sáu trạng thái vô tâm: ngủ mê, ngất, vô tưởng định, vô tưởng sinh, diệt tận định, vô dư y Niết-bàn giới[60].

Chúng ta quay trở lại vấn đề Diệt tận đinh, đây là loại định của hàng Thánh giả, hữu học hay vô học, tức A-na-hàm thân chứng (kāyasāksī) và A-la-hán chứng câu phần giải thoát (ubhayatobhāgavimukta), đã trấn phục hoặc xả ly tham thuộc Vô sở hữu, tham cõi trên bất định, tham phi tưởng phi phi tưởng, đọan hay không đoạn đều có thể nhập diệt tận định; do bởi tác ý đình chỉ tưởng dẫn đầu, dập tắt tâm tâm sở không thường trực hiện hành và thường trực hiện hành nhiễm ô; đó gọi là diệt : «nirodhasamāpattiḥ katamā? ākiṃcanyāyatanavītaragasya bhavāgrād uccalitasya śātnavihārasaṃjñāpūrvakena manasikāreṇāsthāvarāṇāṃ (tadekatyānāṃ ca sthāvarāṇāṃ) cittacaitasikānāṃdharmāṇāṃ nirodhe nirodhasamāpattir iti prajñaptiḥ… »[61] Diệt tận định là gì? Ly tham đối với Vô sở hữu xứ, vượt lên Hữu đỉnh, với tác ý đãn đầu bởi tưởng an trú tịch tĩnh, diệt các tâm và tâm sở không thường trực (và một phần không thường trực); y trên sự diệt này mà giả lập diệt tận định. Ta cũng có thể dẫn thêm ở nơi khác: «tadekatyānāṃca sthāvarāṇām iti kliṣṭamanaḥsaṃgṛhītānām»[62],  một phần (tâm tâm sở) không thường trực, bao hàm nhiễm ô ý. Không hằng hành, chỉ sáu chuyển thức; hằng hành, chỉ nhiễm ô ý (mạt-na), và thứ tám a-lại-da. Theo đó, liên hệ với thức thứ tám, thì thứ bảy là một phần của các thức hằng hành[63]. Trong văn của Thành Duy Thức, không nói nêu từ “một phần”. Quan điểm của An Huệ, toàn bộ thức thứ bảy diệt[64]. Theo Hộ Pháp, thức thứ bảy gồm cả pháp chấp và ngã chấp, thông cả vô lậu, do đó khi Bồ tát nhập diệt tận định, chỉ phần nhiểm và ngã chấp của thứ thứ bảy diệt. Như thế, hằng hành nhiễm ô tâm và tâm sở là chỉ cho toàn bộ phần nhiễm của thức thứ bảy, do đó, luận không cần phải nêu từ “một phần” để tách riêng thức thứ tám ra như giải thích được nói là của An Huệ. Và nó khiến cho thân an hòa nên cũng gọi là định. Do riêng nhàm chán thọ và tưởng nên nó cũng được nói là loại định diệt tận hai thứ đó, định cũng được gọi đủ là diệt thọ tưởng định, hay tưởng thọ diệt tận định (saṃjñāvedanīyanirodhasamāpatti).

Các địa dưới Hữu đỉnh: bốn tĩnh lự và ba vô sắc. Bậc sơ tu, y Hữu đỉnh mà nhập diệt định. Bậc hậu tu, đã tự tại, sau khi nhập một trong các định dưới Hữu đỉnh, có thể y trên tâm của các định này mà nhập diệt định. Năng lực do quán tập (paricayabala) có ba: thượng, trung và hạ. Trong bậc hạ, nhập, trụ và xuất trong các định đều chưa thành thục, nên phải lần lượt qua các thiền và vô sắc định theo thứ tự. Bậc trung, có thể siêu nhập một bậc (từ sơ thiền bỏ qua nhị thiền mà vào thẳng tam thiền). Ở bậc thượng, có thể siêu bao nhiêu bậc tùy ý muốn, hoặc thuận hoặc nghịch[65]. Nếu tu tập định này đã đạt đến tự tại thì ngay sau tâm của trong địa khác nó cũng có thể hiện tiền. Vì Diệt tận định tuy thuộc Đạo đế, nhưng được kể trong phi học và phi vô học, Vì tương tự Niết-bàn. Do thành tựu bởi A-la-hán nên nó là phi học, do đạt được bởi vị Bất hoàn nên là phi vô học.

Năm trạng thái của vô thức được kể, có chết và tái sinh; Ngay trong khi chết và tái sinh, cũng không có ý thức, vậy vì sao chỉ nói nó không hoạt động trong năm trạng thái? Có giải thích nói rằng, hai từ “cập” và “dữ” trong tam thập tụng chỉ luôn cả chết và tái sinh. Giải thích này theo Huyền Tráng là phi lý. Hai từ này trong bản Hán, chỉ tương đương với một từ trong bản Bản Sanskrit là: api, «cũng». Tại vì vô tâm chỉ được nói đến trong sáu thời, đó là, năm trạng thái : Vô tưởng thiên, Vô tưởng định, Diệt tận định, ngủ và ngất, chết và tái sinh, cùng với vô dư y. Kể cả vô dư y Niết-bàn giới, là sáu vị vô tâm; không nói đến tử và sinh[66]. Nên nói, sinh tử được bao hàm luôn trong ngất, vì đó là trạng thái cực độ muôn tuyệt. Các từ “cập” và “dữ” chỉ nêu rõ năm trạng thái này không lẫn lôn nhau. Điều này muốn nói rằng, sau khi y thức đã bị cứt đứt, thời gian sau y trong bản thức chủng tử của nó sinh khởi trở lại. Thế nên, không nói nhập vô dư y. Trong năm trạng thái đã nói, dị sinh có bốn, trừ diệt định. Thánh giả chỉ có ba trạng thái sau; trong đó, Như Lai, và Bồ tát tự tại, duy chỉ được một tồn tại, vì không có thụy miên và muộn tuyệt.

Tám hiện thức cũng các tâm sở của chúng, tụ trước đối với tụ, đồng chủng loại, liên tục không gián đoạn, cái trước mở đường làm điều kiện cho cái sau quyết định sinh khởi gọi là Đẳng vô gián. «Kathaṃ samanantarataḥ/ nairantaryasamanantarato ’pi, sabhāgavisabhāgacittacaittotpattisamanantarato’pi samanantarapratyayo draṣṭavyaḥ/»[67]  Thế nào là đẳng vô gián? Trực tiếp, không có gián cách ở giữa. Sự sinh khởi của tâm, tâm sở, đồng loại, dị loại, không có gián cách ở giữa; đó là đẳng vô gián duyên. «Arhataḥ paścimānapāsyotpannāś cittacaittāḥsamanantarapratyayaḥ»[68], Các tâm, tâm sở đã phát sinh, trừ tối hậu nơi vị A-la-hán sắp nhập Niết-bàn, đều có tính chất đẳng vô gián duyên[69]. Nếu thức này, trực tiếp không gián cách, quyết định sản sinh các thức kia; thức này là đẳng vô gián duyên của các thức kia[70]. Tâm của A-la-hán váo sát-na cuối cùng trước khi nhập vô dư Niết-bàn cực kỳ vi tế, mờ nhạt: “các A-la-hán trụ tâm nào để nhập Niết-bàn trong vô dư y Niết-bàn giới? Không còn tư duy đến tất cả tướng, duy chân chính tư duy chân vô tướng giới, dần dần nhập diệt định, diệt các chuyển thức, thứ đến, dị thục thức xả y chỉ, vì dị thục thức bấy giời không còn gì để chấp thủ; các chuyển thức sau khi diệt không còn sinh khởi trở lại nữa; duy chỉ tồn tại chân pháp giới thanh tịnh vô vi vô cấu.”[71] Tâm khi nhập vô dư cực kỳ vi tế, mờ nhạt nên không có tác dụng mở đường, nó cũng không dẫn khởi pháp đẳng vô gián, tức là pháp được sản sinh trực tiếp ngay sau đó, không có trung gian gián cách. Cho nên không có tính chất của duyên này. “Nếu từ thức này mà các thức kia, trực tiếp không gián cách, quyết định sinh khởi; thức này là duyên đẳng vô gián cho các thức kia”[72], nên Huyền Tráng nói rõ, nếu thức này làm điều kiện đẳng vô gián cho thức kia quyết định sinh khởi, tức nói rằng thức này là duyên đẳng vô gián của thức kia.

Căn bản thức từ sau Dục giới, hoặc từ sau Sắc giới thì dẫn sinh vô lậu. Các hạng dị sinh cầu Phật quả nhất định sau Sắc giới mới dẫn sinh vô lậu; Phàm phu trực tiếp phát tâm cầu thành Phật, không qua Nhị thừa. Thuật ký nói rằng: Hạng Bồ tát đốn ngộ khi qua địa thứ tám nhất định sinh lên đệ tứ thiền, sau khi đạt được thân thù thắng, chuyển thành thân biến dịch. Tức không còn chịu sinh tử phần đoạn, chỉ còn thân biến dịch chịu biến dịch sinh tử. Giải thích này liên hệ tư tưởng kinh Thắng-man. Nhưng trong đó không nói từ biến dịch sinh tử[73], hạng Thanh văn hồi hướng đại bồ đề, vì nếu nhập Niết-bàn vô dư y thì không còn phát tâm được nữa, nên y trên hữu dư y Niết-bàn, lưu thân tối hậu để tiếp tục tu Đại thừa cho đến khi thánh Phật. Vị ấy bảo lưu thân có căn, hóa hiện thành một hóa thân khác mà phương tiện thị hiện nhập vô dư y Niết-bàn; nhưng thân hữu căn thật mới chính xác được bảo lưu ở một nơi nào đó trong châu Thiêm bộ. Vì các hạng dị sinh cầu Phật quả nhất định sau Sắc giới mới dẫn sinh vô lậu hạng này về sau tất định đi lên Tịnh cư thiên, trong cung Đại Tự Tại, rồi mới chứng đắc Bồ-đề.  

Bồ tát pháp vân địa (dharmameghabhūmika) phần nhiều làm Thiên vương Ma-hê-thủ-la, Sanskrit là Maheśvara: Đại Tự Tại[74]. Trong cõi trời thuộc tứ thiền, có năm tầng gọi là Tịnh cư thiên (Suddhāvāsa) dành riêng cho các Thánh giả. Tầng cao nhất, thứ năm, là Sắc cứu cánh (Akaniṣṭha). Vượt lên Sắc cứu cánh có cung Đại Tự Tại (Maheśvara-vimāna) là trú xứ của Bồ-tát địa thứ mười[75]. Do tu tập vô lượng tam-ma-địa của Bồ tát, trong hàng Bồ tát địa thứ mười, đạt được thiền thứ tứ, vượt qua Sắc cứu cánh trong Tịnh cư thiên mà đi qua cung Đai Tự Tại. Tuy nhiên, cung Đại Tự Tại của thập địa Bồ tát thật sự ở đâu, các thuyết không nhất định[76]. Thuật ký cũng nói đây là cõi Tha thọ dụng độ, trú xứ của báo thân Bồ tát hàng thập địa. Trong A-hàm, Phật nhập Niết-bàn sau khi nhập đệ tứ thiền. Căn cứ theo đây có thể nói, trên biên tế định của tứ thiền, tức vượt qua Sắc cứu cánh, là trú xứ của Phật thọ dụng thân, cũng là trú xứ của Bồ tát hàng thập địa, hay từ địa thứ tám trở lên.

Nếu là hàng Nhị thừa hồi chuyển đại bồ-đề, nhất định sau Dục giới thì dẫn sinh vô lậu. Vì chỉ có trong Dục giới mới có sự hồi chuyển và lưu thân. Hạng Thanh văn, Độc giác thuộc chủng tính bất định, trụ ở địa vị vô học, tuy không còn phiền não, nhưng do chí cầu bồ-đề, bằng lực của định và nguyện, bảo lưu thân tương tục tu Đại thừa hành[77]. Thanh văn hồi hướng đại bồ đề, y chỉ hữu dư y Niết-bàn, bảo lưu thân này, kéo dài thêm thọ hành cho đến khi thành Phật… Thân có căn của vị ấy được bảo lưu tại Dục giới này, trong châu Thiệm-bộ[78]. Hạng này tuy cũng sẽ sinh lên cung Đại Tự Tại rồi mới thành Phật, nhưng vì lực của bản nguyện, nên thân được bảo lưu duy chỉ thuộc Dục giới.

Trong gia hành vị, tức bốn thiện căn noãn, đỉnh, nhẫn và thế đệ nhất; ở đây nó trực tiếp dẫn phát căn bản vị. Trong tư lương vị, từ chỗ chuẩn bị để đạt được hiện quán Thánh đế nên phát khởi quyết định thắng thiện pháp dục,  tức là dục liên hệ pháp thiện thù thắng, tức dục tâm muốn đạt đến thiện pháp thù thắng, phát tâm cầu Bồ-đề, Niết-bàn. Cho đến trước khi đạt được thuận quyết trạch phần (nirvedha-bhāgiya), giai đoạn tu tập bốn thiên căn (noãn, đỉnh, nhẫn, thế đệ nhất), quán sát mười sáu hành tướng của Thánh đế, trước khi vào kiến đạo. Các thiện căn trong khỏang đó gọi là tư lương vị, vì gián tiếp nó tư trợ phát sinh căn bản vị.

Một vị Bất hoàn (A-na-hàm) tuy không hiện khởi ái để tẩm ướt, nhưng nơi vị ấy tất yếu của chủng tử của thủ. Vị A-na-hàm thành tựu diệt tận định, khi tái sinh vào địa khác, không hiện khởi ái để tẩm ướt mầm tái sinh; vì đã trấn áp tất cả phiền não cho đến Hữu đỉnh nên ái không hiện hành nữa. Trường hợp vị này sự tái sinh được tẩm ướt bằng chủng tử ái. Trường hợp vị Bất hoàn thuộc hạng thượng lưu Bát-niết-bàn, khi từ Dục giới chết tái sinh Sơ thiền thiên, lần lượt cho đến Sắc cứu cánh, tất cả đều có ái ái hiện hành để nhuận sinh, tấm ướt mầm tái sinh. Thánh giả Bất Hoàn tạp tu các tĩnh lự (dhyāna-vyavakīrṇa), vị A-na-hàm  đó y chỉ  trên đệ tứ thiền tu “xen kẽ” các tĩnh lự. Khi nhập vô lậu đạo, trong nhiều sát na liên tục vô lậu hiện tiền; rồi từ đó dẫn sinh hữu lậu hiện tiền tiền trong nhiều sát-na liên tục; cuối cùng trong nhiều sát na tiếp theo vô lậu hiện tiền. Trong hạng thượng lưu Bát-niết-bàn, nếu không có tạp tu tĩnh lự, vị ấy phải lần lượt tái sinh trong tất cả cõi Sắc giới, duy chỉ không đi qua năm Tịnh cư thiên, sau đó sinh lên Hữu đinh mới nhập Niết-bàn. Với vị có tạp tu tĩnh lự thứ tư, sau khi sinh lên Sức giới sơ thiền, rồi chết tại đây, vị ấy tái sinh thẳng lên Sắc cứu cánh và nhập Niết-bàn tại đây[79]. Vị Bất Hoàn có tạp tu tĩnh lự thứ tư, tùy theo năm trình độ mà tái sinh vào năm tầng Tịnh cư khác nhau[80]. Năm phẩm tạp tu tĩnh lự thứ tư của vị Bất Hoàn:

1. Hạ phẩm có ba tâm, niệm đầu vô lậu, niệm trung gian hữu lậu, niệm cuối vô lậu; tái sinh lên Vô phiền thiên.

2. Trung phẩm có sáu tâm, niệm đầu vô lậu, thứ hai hữu hậu, thứ ba vô lậu, thứ tư vô lậu, thứ năm hữu lậu, thứ sáu vô lậu; tái sinh Vô nhiệt thiên.

3. Thượng phẩm, chín tâm, sáu tâm như trước, thứ bày vô lậu, thứ tám hữu lậu, thứ chín vô lậu; tái sinh Thiện hiện thiên.

4. Thượng thắng phẩm, mười hai tâm, chuẩn như trên; tái sinh Thiện kiến thiên.

5. Thượng cực phẩm, mười lăm tâm, tái sinh Sắc cứu cánh[81].

Thánh giả Bất Hoàn bằng tư trợ nghiệp cũ mà sinh Tịnh cư

Thánh giả Bất Hoàn không phải do tạo nghiệp mới để tái sinh trong năm Tịnh cư. Bằng nghiệp cũ là các nghiệp thuộc ba tầng dưới Tịnh cư (Vô vân thiên, Phước sinh thiên, Quảng quả thiên), do tạp tu bằng tĩnh lự thứ tư, các nghiệp này được chuyển sinh lên năm Tịnh cư. Tư trợ nghiệp cũ, chuyển túc tàn nghiệp thành dị thục mới theo ý muốn. Vị A-la-hán muốn lưu thọ hành tức kéo dài tuổi thọ, trước hết bố thí Tăng một cái gì đó. Sự bố thí này là nghiệp dẫn đến dị thục sung túc. Vị ấy phát nguyện, tức quyết ý chuyển nghiệp này thành dị thục trường thọ, sau đó nhập biên tế tĩnh lự thứ tư. Sau đó xuất định, tâm niêm đồng thời miệng nói: “Nghiệp chiêu càm phú dị thục của ta hãy chuyển thành thọ dị thục.” Hoặc vị ấy có thể y trên một túc tàn nghiệp tương xứng, rồi cũng phát nguyện, nhập đệ thứ biên tế tĩnh lự, và xuất định[82]; điều này không có gì phi lý.

Khi biện minh về hai hình thái sinh tử, Thành Duy Thức nêu lên nạn vấn: Nếu nghiệp vô lậu được trợ lực bởi sở tri chướng dẫn đến sinh tử, hạng định tính thuộc Nhị thừa đáng lẽ không vĩnh viễn nhập vô dư Niết-bàn? Nạn vấn này, từ Kinh nói ‘vô lậu là chính nhân’. Các bộ phái Tiểu thừa đều khẳng định các Thánh giả vô học sẽ vĩnh viễn nhập vô dư Niết-bàn, Kinh nói: “Thanh văn, Độc giác, còn có tập khí sở tri chướng chưa bị diệt, làm sao chứng cứu cánh Niết-bàn? Tập khí sở tri chướng là vô tri chứ không phải nhiễm ô. Nó chướng ngại quả Bồ-đề, chứ không chướng ngại Niết-bàn. Nếu không có nguyện lực, hồi chuyển tâm về đại bồ-đề cho đến địa vị vô học (Phật), khi vị ấy hết tuổi thọ, sẽ vĩnh viễn nhập Niết-bàn.”[83] Huyền Tráng nói: Vì cũng như hàng dị sinh bị câu thúc bởi phiền não[84], đây văn hàm ẩn, Thuật ký đề nghị ba giải thích:

a. Đồng pháp dụ, theo đó, định tính Nhị thừa bị câu thúc bởi xu hướng tịch diệt nên không thể vĩnh viễn nhập Niết-bàn, như phàm phụ bị câu thúc bởi phiền não. Giải thích này được nói là không phù hợp với Du-già[85].

b. Suy luận diễn dịch, tức vấn đề nêu trên, diễn dịch bằng loại suy thành nạn vấn. Nạn vấn này không chính xác.

c. Đoạn văn này, cùng với đoạn văn trước và cả câu hỏi tiếp theo, hợp thành nạn vấn thứ nhất, về ý nghĩa mà Kinh nói ‘vô lâu nghệp là chính nhân’…

Đề nghị thứ ba được cho là xác đáng.

Định và nguyện vô lậu tư trợ nghiệp hữu lậu khiến cho quả đạt được tiếp nối lâu dài, càng lúc càng phát triển thành vi tế thù thắng. Theo ý nghĩa đó mà nói một cách ước lệ là chiêu cảm. Khi có sự chiêu cảm như vậy, là do sở tri chướng làm duyên trợ lực, chứ không phải độc nhất nghiệp vô lậu mà có thể chiêu cảm. Tuy nhiên, sở tri chướng không chướng ngại giải thoát; vì nó không hiệu lực phát động nghiệp và tẩm ướt mầm tái sinh. Dù chỉ là vị A-la-hán hướng còn không có thêm một đời nữa, vậy vị A-la-hán đã chứng Niết-bàn giới hữu dư y (sa-upadhiśeṣa) mà hồi chuyển Đại bồ-đề làm sao có thể trải qua nhiều đời để thành Phật? Vị ấy cần phải kéo dài thọ hành để hoàn thành sự nghiệp. Bằng vào bốn như ý túc mà Thế Tôn đã mật ý nói, vi ấy tăng thọ hành (āyuḥsaṃskārān sthāpayati), lưu lại thân hữu căn (sendriyakāya), biến hóa thành một thân khác thị hiện cho các vị đồng pháp (sahadharmka) khác thấy là đã nhập Niết-bàn-giới vô dư y. Do nhân duyên này, các vị đồng pháp nghĩ rằng ‘Tôn giả kia đã nhập Niết-bàn giới vô dư y.’ Nhưng vị kia đã thân hữu căn chân thật, ở ngay trong châu Thiệm-bộ (Jambudvīpa) này, tùy theo nơi nào thích hợp, mà cả đến chư thiên cũng không thể nhìn thấy. Bởi vì vị ấy có xu hướng an trú Niết-bàn tịch tĩnh, nhưng vẫn du hành khắp mọi thế giới, cúng dường thân cận Phật Bồ tát, tu tập các Thánh đạo làm tư lưong cho bồ đề, cho đến cuối cùng thành Phật, vĩnh viễn nhập Niết-bàn giới vô dư y. Thân hữu căn được lưu ở đây gọi là thân biến dịch tử”[86]. Nhưng nên biết trong Du-già không có từ ‘biến dịch tử’.

Thành Duy Thức tiếp tục nêu nạn vấn thứ hai: “Vậy cần gì phải tư trợ để chiêu cảm khổ sinh tử?”[87], nạn vấn này ta cũng có thể tìm thấy ở nơi khác như sau: “Các Thanh văn đều đã an trú bậc vô học, khi hết hạn của báo thân dị thục này chắc chắn nhập diệt trong Niết-bàn giới vô dư, tịch tĩnh an lạc không khác với Phật; vì sao phải thú hướng Đại bồ đề để phái chịu khổ lâu dài?”[88] Tự chứng bồ-đề, vì sự lợi lạc cho nhiều người. Độc giác và Thanh văn thuộc hạng bất định tính, và hạng Bồ tát đại nguyện và đã đắc tự tại; các hạng này đã vĩnh viễn đoạn trà, trán phục phiền não chướng, do đó sẽ không còn thọ nhận thân phần đoạn trong tương lai. Nhưng vì e rằng phải bỏ dỡ sự tu tập Bồ tát hành, bèn dùng định và nguyện lực vô lậu thù thắng, nhưng phương pháp kéo dài tuổi thọ, tư trợ nhân của thân hiện hữu khiến cho nó tồn tại lâu đài cùng với quả không bị cắt đứt, thường xuyên bằng sự tư trợ của định và nguyện lực như vậy cho đến khi chứng đắc tối thượng bồ đề. Định ở đây là Thắng định, Thuật ký nói: theo cựu phái, biên tế định của thiền thứ tư. Nhưng bản văn không xác định là biên tế của đinh nào, nên bốn định đều có thể[89].

Madhyānta: “Paramārthantu ekataḥ// arthaprāptiprapattyā hi paramārthastridhā mataḥ/”[90] Thắng nghĩa có ba, và chỉ thuộc tự tính:

1. Nghĩa thắng nghĩa, tức chân như, vì nghĩa của cái tối thắng; Ngài Thế Thân, phân tích samāsa (hợp từ) theo tatpuruṣa (y chủ) như sau: paramārthaḥ = paramasya jñānasyārtha ity kṛtvā. Sthiramati giải thích: “paramo hi lokottaraṃ jñānam/tasyārtho viṣaya iti kṛtvā tathatā paramārtha ity ucyate”, từ thắng hay đệ nhất ở đây chỉ cho trí xuất thế gian; Chân như là cảnh giới đối tượng của trí ấy nên được gọi là thắng nghĩa hay đệ nhất nghĩa.

2. Đắc thắng nghĩa, tức Niết-bàn, vì nghĩa tức tối thắng; Thế Thân, phân tích hợp từ theo karmadhāra (hợp từ mô tả, trì nghiệp thích): “paramo’rtha iti kṛtvā”. Sthiramati giải thích: “tatra saṃsakṛtā’ saṃskṛtadharmāgratvāt paramaḥ/mārgaprayojanatvād arthaḥ/” parama, vì nó là đỉnh tối thượng của các pháp hữu vi và vô vi; artha, vì nó là mục tiêu của đạo. Đạo là mục tiêu hướng đến chứng đắc Niết-bàn. Artha ở đây như vậy đồng nghĩa với prāpti chứng đắc; parama tức chỉ cho Niết-bàn.

3. Hành thắng nghĩa, chỉ Thánh đạo, vì lấy tối thắng làm nghĩa. Hợp từ theo bahuvṛhī (hữu tài thích), Thế Thân: “paramo’syārtha (mārgasya) ity kṛtvā”, Thánh đạo mà đối tượng của nó là tối thắng. Sthiramati giải thích: artha ở đây là cảnh vực (viṣaya) hay mục tiêu (prayojna). Cành vực là chân như; mục tiêu là Niết-bàn. Ngang qua một cảnh vực (viṣyadvāreṇa) không có hai tối thắng như trong một khu rừng không có hai sư tử (siṃhavanavat).

Không biến dị, không điên đảo, tùy theo sự thích hợp, theo Thuật ký: không biến dị là hai nghĩa đầu; không điên đảo là nghĩa thứ ba. Vì vậy, đều được bao hàm trong viên thành thật.

Theo Tỳ-bà-sa có ba loại thiện căn:

1. Thuận phước phần (puṇyabhāgīya), các loại thiện dẫn tái sinh chư thiên và loài người.

2. Thuân giải thoát phần (mokṣabhāgīya), thiện căn quyết định dẫn đến giải thoát, chứng Niết-bàn.

3. Thuận quyết trạch phần (nirvedhabhāgīya), bốn thiên căn dẫn đến hiện quán Thánh đế là noãn, đỉnh, nhẫn và thế đệ nhất[91].

Quan điểm của Du-già thì cho là có bốn loại thiện: thuận phước phần thiện, thuận giải thoát phần thiện, thuận quyết trạch phần thiên, và vô lậu thiện[92].

Còn Phiền não chướng, đó là một trăm hai tám (128) phiền não căn bản gồm:

– Kiến sở đoạn: Dục giới có bốn mươi; hai thượng giới mỗi giới ba mươi sáu;

– Tu sở đoạn: có mười sáu (40 + 36 + 36 + 16 = 128).

Và các tùy phiền não là những đẳng lưu của chúng; Đẳng lưu, tiếng Phạn gọi là niṣyanda, dịch là phái xuất, cũng có nghĩa cùng một dòng chảy. Trong đó đứng đầu là tà kiến tát-ca-da, sự cố chấp cái bị biến kế sở chấp như là thật ngã. Tát-ca-da tà kiến phiên âm từ Sanskrit: satkāyadṛṣṭi – Câu-xá: “sīdatīti sat/ cayaḥ kāyaḥ saṃghātaḥ skandha ityarthaḥ”[93]: nó có xu hướng hủy hoại nên nói là sat, đống tích tụ gọi là thân đó là hợp thể năm thủ uẩn. Sat đi từ động từ căn sad: sīdati: nó ngồi xuống, chìm lặn, sụp xuống, sụp đổ; Kāya tức caya, do động từ căn ci: cayati, tích lũy, tích tập, tụ tập. Y trên năm thủ uẩn, chấp có ngã và ngã sở, thành hai mươi trường hợp tát-ca-da kiến[94]. Những thứ này quẩy rối thân tâm của hữu tình gây chướng ngại Niết-bàn nên được gọi là phiền não chứớng. Gọi là phiền não, vì nó gây não loạn thân tâm khiến cho không tịch tĩnh[95].

Liên hệ đến tà kiến tát-ca-da chúng ta nói đến sở tri chướng, đó là kiến, nghi, vô minh, ái, nhuế, mạn các thứ, bao gồm các tâm, tâm sở, nghiệp được phát động, quả đạt được[96]. Đứng đầu là tà kiến tát-ca-da, sự cố chấp cái bị biến kế sở chấp như là thật ngã. Vì chúng che lấp cảnh sở tri vốn có tính không điên đảo, chướng ngại bồ-đề, do đó gọi là sở tri chướng. Sở tri chướng (jñeyāvaraṇa), đó cũng tức là sự vô tri không ô nhiễm đối với cảnh sở tri[97]; nó chướng ngại nhất thiết trí chứ không chướng ngại Niết-bàn và nó che lấp cảnh sở tri vốn không điên đảo, khiến cho không hiển hiện[98].

Trong giai vị gia hành sự hệ phược bởi tướng chưa bị loại bỏ, hệ phược thô trọng cũng chưa bị cắt đứt. Hai loại hệ phược, tướng phược và thô trọng phược; “Tướng thắng nghĩa và tướng của các hành, là nhất hay là dị? … Nếu không loại trừ tướng của các hành, không thể bứt thoát hệ phược bởi tướng. Người thấy Thánh đế mà không bứt thoát được hệ phược bởi tướng thì cũng không thể bứt thoát khỏi hệ phược thô trọng. Do chưa bứt thoát khỏi hai hệ phược, người thấy Thánh đế hẵn không thể đạt được Niết-bàn tối thượng an ổn.”[99] Mười bốn thô trọng phược: hệ phược bởi căn, bởi cảnh, bởi khát ái, v.v.. cho đến, bởi tăng thượng mạn về biến tri pháp[100]. Duy chỉ có thể trấn áp trừ diệt hai thủ, vì chúng trái nghịch với kiến đạo. Nhưng hai thủ thuộc loại câu sinh và tùy miên của chúng tâm tâm quán sát thuộc hữu lậu, vì còn có cái để bắt nắm, và vì có phân biệt, do đó, chưa hoàn toàn bị trấn áp và trừ diệt.

Trong gia hành đạo, tác dụng quán sát các pháp của Tư hiện quán mãnh liệt nhất, nên đặc biệt lập thành hiện quán. Tư hiện quán đó là tuệ được tác thành bởi tư tối thượng phẩm tương ưng hỷ thọ. Nó quán sát cọng tướng của các pháp, dẫn sinh noãn các thứ. Đặc tính của tư hiện quán là ở trong địa vị dị sinh mà nhận thức thông suốt một cách quyết định rằng các hành là vô thường, tất cả hành là khổ, các pháp là vô ngã, Niết-bàn là tịch tĩnh[101]. Các pháp như noãn, đỉnh v.v. không phân biệt pháp một cách chi tiết, lại cũng chưa chứng nghiêm thật lý, vì thế đây không phải là hiện quán.

Do thường xuyên tu tập mà ly khai hai phần thô trọng. Chủng tử của hai chướng được đặt gọi là thô trọng. Vì thể tính của nó là khó sử dụng, và không vi tế nhẹ nhàng. Trí này do loại bỏ hai thứ thô trọng ấy mà chứng đắc đại chuyển y. Y tức sở y. Đó chính là y tha khởi: “āśrayo’tra sarvabījakam ālayavijñānam/”[102] ở đây, y hay sở y là thức a-lại-da, hạt giống của tất cả. Và vì nó làm sở y cho pháp nhiễm và tịnh.

Nhiễm là biến kế sở chấp hư vọng. Tịnh chỉ cho tính viên thành thật chân thật. Chuyển, đó là sự chuyển xả và chuyển đắc đối với hai phần. Chuyển y, từ Sanskrit của nó là: “āśrayasya paravṛttiḥ”: sự biến chuyển trở thành cái khác của sở y, sự tha hóa của sở y. Trong Tam thập tụng, là hai từ độc lập quan hệ sở hữu: “acitto ‘nupalambho’sau jñānaṁlokottaraṁ ca tat| āśrayasya parāvṛttir dvidhā dauṣṭhulyahānitaḥ”: Vô đắc, bất tư nghị, nó là trí xuất thê gián. Do loại bỏ hai phần thô trọng mà chứng đắc chuyển y[103]. Khuy Cơ cho là một āśrayāparavṛttiḥ (hợp từ) nên suy diễn là hợp từ y sĩ thích. Sthiramati giải thích: “tasya paravṛttỉ/ yā dauṣṭhulyavipākadvayavāsanābhāvena nivṛttau satyāṃkarmaṇyatā-dharmakāyā dvayajñānabhāvena paravṛttiḥ/”: Sự chuyển đổi của nó (sở y, a-lại-da), đó là, trong khi triệt tiêu thể của hai loại tập khí, của thô trọng và dị thục, có sự chuyển đổi thành trí bất nhị và pháp thân chân thật, linh diệu. Do thường xuyên tu tập tri vô phân biệt đoạn trừ phần thộ trọng của hai chướng trong bản thức, do đó mà chuyển xả biến kế sở chấp trên y tha khởi, và chuyển đắc tính viên thành thật trong y tha khởi. Do chuyển phiền não mà chứng đắc đại Niết-bàn, chuyển sở tri chướng mà chứng vô thượng giác. Thành lập duy thức là với ý hướng khiến hữu tính chứng đắc hai quả chuyển y này. Hoặc y chỉ cho chân như duy thức, vì là sở y của sinh tử và Niết-bàn. Phàm ngu do điên đảo mê mờ chân như này cho nên thọ khổ sinh tử từ vô thủy. Thánh giả xả ly điên đảo, tỏ ngộ chân như này, cho nên đạt được an lạc cứu cánh của Niết-bàn. Do thương xuyên tu tập trí vô phân biệt đoạn trừ phần thô trọng của hai chướng trong bản thức, cho nên chuyển diệt sinh tử có sở y là chân như, mà chuyển chứng Niết-bàn có sở y chân như. Đây tức là chân như tách rời tính tạp nhiễm. Như tuy tính tịnh nhưng tướng của nó bị tạp nhiễm. Do đó, khi ly nhiễm nói tượng trưng là thanh tịnh.  Sự thanh tịnh mới có này được gọi là chuyển y. Đây là sự đoạn chướng và chứng đắc trong tu tập vị.

Do bởi ba hành đầu mà không trụ Niết-bàn:

1. Thí có ba: tài thí, vô úy thí, pháp thí.

2. Giới có ba: luật nghi giới, nhiếp thiện giới, nhiêu ích hữu tình giới.

3. Nhẫn có ba: nhẫn nại những sự gia hại của kẻ oán ghét mình, an nhẫn thọ khổ, đế nhẫn quán sát pháp một cách chân thực.

Và do ba hành tiếp theo mà không trụ sinh tử, lấy đó làm tư lương cho Niết-bàn vô trụ xứ:

4. Tinh tấn có ba: tinh tấn bằng khối giáp, tinh tấn nhiếp trì thiện, tinh tấn lợi lạc.

5. Tĩnh lự có ba: tĩnh lự an trụ, tĩnh lự dẫn phát, tĩnh lự biện sự.

6. Bát-nhã có ba: tuệ vô phân biệt về sinh không, tuệ vô phân biệt về pháp không, tuệ vô phân biệt về cả hai không. Kinh cũng nói: “sā hi prajñāpāramitāśrayeṇa nirvāṇa-saṃsārayor apratiṣṭhānāt saṃsāranirvāṇayor abhimukhī: «Bồ Tát ở địa thứ sáu, do y trên bát-nhã ba-la-mật, có thể không trụ sinh tử cũng không trụ Niết-bàn, do đó hướng đến cả hai (nên gọi là hiện tiền)”[104].

Vì thế, sáu thắng hành hay sáu ba-la-mật này không nhiều hơn, không ít hơn.

Chướng bởi Niết-bàn hạ thừa gọi là: thân tịnh ngã mạn chướng[105]. Một phần câu sinh trong sở tri chướng, khiến nhàm chán sinh tử mà ước muốn đạt đến Niết-bàn, đồng với sự chán ghét khổ mà mong cầu tịch diệt của Nhị thừa. Nó chướng ngại vô sai biệt đạo trong địa thứ năm. Gọi là vô sai biệt đạo: nghĩa là quán chân như bốn chân đế, không thấy có sự sai biệt giữa sinh tử Niết-bàn để mà ghét hay ưa. Khi nhập ngũ địa nó mới vĩnh viễn bị đoạn. Do ý nghĩa này ngũ địa được nói là đoạn hai thứ ngu và phần thô trọng của chúng:

1. Ngu bởi thuần tác ý quay lưng sinh tử, tức trong đây nói sự nhàm chán sinh tử.

2. Ngu bởi thuần tác hướng Niết-bàn, tức trong đây nói sự mong cầu đạt Niết-bàn.

Cho nên, Tập luận nói, khi chứng đắc bồ-đề nhất loạt đoạn trừ phiền não và sở tri chướng, thành A-la-hán và thành Như Lai, vì chứng đại Niết-bàn, và đại bồ-đề. Thành Duy Thức gọi là Chuyển y quảng đại, trong giai vị Đại thừa, vì lợi tha hướng đến đại bồ-đề, không có sự ghét ưa đối với sinh tử và Niết-bàn, có thể thông đật đầy đủ cả hai không chân như, cùng lúc đoạn chủng tử của cả sở tri chướng và phiền não chướng, đốn chứng Vô thượng Bồ-đề Niết-bàn, có khả năng thích ứng lớn, nên được gọi là quảng đại. Tức là nói sự chuyển y quảng đại do loại bỏ hai thô trọng mà được thành tựu. Chuyển y cũng có nghĩa là sở chuyển đắc, tức quả đạt được bởi chuyển y. Có hai loại:

1. Sở hiển đắc, tức đại Niết-bàn.

2. Sở sinh đắc, tức đại bồ đề.

Quả Đại Niết-bàn là một trong hai quả chuyển y mà Thành Duy Thức phân tích rất kỹ. Tóm tắt mà nói, quả đạt do hiển lộ, đó là Đại Niết-bàn. Tuy tự tính của Đại Niết-bàn bản lai vốn thanh tịnh nhưng do bị che phủ bởi phiền não khách trần nên không được hiển lộ. Khi chân Thánh đạo phát sinh, chướng ấy bị đoạn, khiến cho tướng thanh tịnh hiển hiện nên nói là chứng đắc Niết-bàn. Đây căn cứ theo sự ly chướng của chân như mà có khái niệm, thể của nó tức là pháp giới thanh tịnh.

Ý nghĩa sai biệt của Niết-bàn nghĩa có bốn thứ[106]:

1. Bản lai tự tính thanh tịnh Niết-bàn (prakṛti-svabhāva-pariśuddha-nirvāṇa), Niết-bàn mà tự tính bản lai thanh tịnh, đó là lý tính chân như của hết thảy pháp tướng, tức là tất cả mọi biểu hiện của pháp. Tuy có khách trần nhưng bản tính vốn tịnh, đầy đủ vô lượng công đức vi diệu, không sinh không diệt, trong suốt như hư không, mà hết thảy hữu tình đều có chung một cách bình đẳng, cùng với hết thảy pháp không phải đồng nhất cũng không phải dị biệt, xa lìa hết thảy tướng, hết thảy phân biệt, con đương bởi tầm từ bị bít lối, con đường bởi ngôn ngữ bị đoạn tuyệt, duy chỉ được chứng nghiệm nội tại hay sở chứng nội tại bởi bậc Chân Thánh giả. Vì tính thể của nó bản lai vắng lặng nên được gọi là Niết-bàn.

2. Hữu dư y Niết-bàn (sopadhiśeṣa-nirvāṇa): Niết-bàn hữu dư y tức Chân như (bhūtatathatā) đã xuất ly phiền não chướng, nhưng còn sở y (upadhi) của khổ vi tế mờ nhạt chưa được diệt, nhưng chướng thì đã vĩnh viễn bị dập tắt, do đó nói là Niết-bàn.

3. Vô dư y Niết-bàn (nir-upadhiśeṣa-nirvāṇa): Niết-bàn vô dư y, Chân như đã thoát ly sinh tử, phiền não đã bị hoàn toàn diệt tận không còn, dư y cũng diệt, mọi nỗi khổ đều bị dập tắt vắng bặt, nên được gọi là Niết-bàn.

4. Vô trụ xứ Niết-bàn (apratiṣṭhita-nirvāṇa): Niết-bàn vô trụ xứ, tức chân như đã xuất ly sở tri chướng (jñeyāvaraṇa), luôn luôn được chắp cánh hay vận chuyển bởi đại bi và bát-nhã, do đây mà không chìm trong sinh tử hay không an trụ Niết-bàn, lợi lạc hữu tình suốt cùng vị lai, dụng thường tịch nên nói là Niết-bàn.

Tất cả chúng sinh hay loài hữu tình đều có thể thành đạt loại Niết-bàn thứ nhất. Hạng Nhị thừa vô học có thể chứng đắc ba loại Niết-bàn đầu. Nhưng duy chỉ nơi đức Thế Tôn mới có thể chứng và diễn nói đầy đủ cả bốn loại Niết-bàn.

Tuy không có sở y thật của khổ nhưng tợ như là có, sở y khổ chưa diệt hẵn, gọi là Niết-bàn hữu dư y. Hoặc sở y của khổ đã diệt tận, hay bị dập tắt hoàn toàn nên nói là vô dư y; không phải sở y của khổ còn hiện tại mà nói hữu dư y; Chính xác mà nói, hữu dư y là do bởi nơi Phật còn tồn tại uẩn sở y vô lậu. Vì vậy, Thế Tôn khả năng diễn thuyết và có đủ bốn loại Niết-bàn.

Thành Duy Thức lại nêu lên nạn vấn: “Thanh văn cũng có vô dư y, sao có nơi nói là vị ấy không có đủ bốn loại Niết-bàn?”[107], Kinh Thắng-Man cũng nói: “…A-la-hàn và Bích-phật còn có sinh pháp hữu dư chưa diệt tận nên còn có sự sinh, còn có phạm hạnh hữu dư chưa hoàn thành nên tác sự chưa thuần, vì chưa đạt cứu cánh nên còn có những việc cần làm, vì chưa vượt qua bên kia nên còn có những cái cần đoạn trừ, Vì không đoạn trừ nên cách Niết-bàn giới còn xa.”[108]; và Luận Thành Duy Thức đã trả lời nạn vấn: có nơi nói vị đó thảy đều không hoàn toàn có Niết-bàn, nhưng đâu có nói vị ấy cũng không có cả hữu dư y? Kinh Thắng-man y trên địa vị cứu cành là Phật quả mà nói, theo đó thì Nhị thừa chưa phải là qua vị cứu cánh, do đó Niết-bàn cũng không cứu cánh. Nhưng vì nơi Thanh văn Nhị thừa, khi thân trí còn tồn tại, còn có sở y của khổ là sở tri chướng chưa diệt tận, ý nghĩa Niết-bàn bị ẩn khuất, do đó nói là không có Niết-bàn. Không phải nơi các vị ấy phiền não chướng không thật sự diệt tận, chân lý được hiển hiện, là Niết-bàn hữu dư. Vì lúc bấy giờ chưa chứng Niết-bàn vô dư nên cũng nói là vị ấy không có vô dư y. Không phải rằng vị đó về sau khi thân trí đã diệt trừ tất cả sở y của khổ cũng diệt tận mà không có Niết-bàn vô dư.

Hoặc nói Nhị thừa không có Niết-bàn là căn cứ theo vô trụ xứ chứ không phải căn cứ ba loại Niết-bàn đầu. Lại nói rằng vị đó không có vô dư y, đó là căn cứ nơi hàng Nhị thừa bất định tính mà nói. Vị ấy vừa mới thành tựu Niết-bàn hữu dư liền quyết định hồi tâm hướng đến cầu Tối thượng giác, do năng lực của định và nguyện, vị đó lưu thân tồn tại lâu dài không phải như một loại nhập vô dư y, chỉ hàng định tính Nhị thừa. Nghĩa là, có hàng Nhị thừa cực kỳ ái lạc Niết-bàn, khi thành đạt sinh không quán, thể chứng chân như, hoàn toàn diệt tận phiền não chướng vốn là nguyên nhân dẫn độ đến thọ sinh, hiển lộ Niêt-bàn hữu dư vốn y nơi lý chân như. Nơi vị đó vì phiền não mà bị dẫn độ đến tái sinh đã diệt tận toàn diện, nên dị thục của hậu hữu, tức là thân của đời sau. Không do đâu mà tái sinh, sở y của khổ hiện hữu diệt một cách tự nhiên, các pháp hữu vi còn lại đã không còn sở y, nên đồng loạt bị xả ly đồng thời với sở y khổ kia, hiển lộ Niết-bàn vô dư y vốn y trên lý chân như. Lúc ấy, nơi vị Nhị thừa tuy thân trí không tồn tại nhưng do sự chứng đắc của vị đó nên có thể nói vị đó cũng có vô dư y. Trong giai đoạn này duy chỉ có chân như thanh tịnh, ly tướng, trong suốt, tịch nhiên, an lạc.

Y theo ý nghĩa trên đây mà nói vị ấy không có gì khác với Phật. Nhưng do bởi bồ-đề, hay tuệ giác tối thượng và sự nghiệp lợi tha nên nói vị ấy khác với Phật. Các sở tri chướng không dẫn độ đến tái sinh, khi ly khai, diệt trừ chúng tức chứng đạt được vô trụ xứ. Vì do chúng che lấp pháp không chân như khiến không phát sinh đại bi và đại trí tức bát-nhã để suốt cùng vị lai lợi lạc hữu tình, do đó khi diệt trừ chúng lý pháp không hiển hiện. Lý ấy chính là Niết-bàn vô trụ xứ, vì khiến cho không trụ vào bất cứ biên tế nào cả.

Tuy diệt trừ sở tri chướng cũng chướng Niết-bàn nhưng không đạt được trạch diệt. Vì Trạch diệt là thoát ly hệ phược: “ratisaṃkhyānirodho yo visaṃyogaḥ”[109], trạch diệt là sự thoát ly hệ phược. Chúng không phải là hệ phược. Như tại sao đã ly khai chúng mà cũng không thành tựu Niết-bàn? Vì Không phải các Niết-bàn đều thuộc trạch diệt. Nếu không như thế, tự tính thanh tịnh hẵn không phải là Niết-bàn.

Những gì hệ phược mà khiến chúng sinh chìm đắm trong sinh tử, khi diệt trừ chúng, lúc đó nói là đạt được trạch diệt vô vi. Các sở tri chướng không dẫn khởi đến sinh tử, không phải như phiền não mà có thể hệ phược chúng sinh, vì vậy khi tách rời chúng mà không thành tựu trạch diệt. Nhưng trừ diệt chúng, lý pháp không hiển hiện. Tướng của lý ấy tịch tĩnh nên nói là Niết-bàn; chứ không phải tính thể của Niết-bàn này là trạch diệt.

Thế nên, với bốn loại Niết-bàn, trong các vô vi, hai loại đầu và cuối là chân như; hai loại giữa thuộc trạch diệt. Nếu duy chỉ ly khai hệ phược mà thành tựu trạch diệt, vậy hai vô vi – bất động và ấn tượng về thọ diệt – thuộc vào đâu trong bốn vô vi? Về các loại vô vi, theo Ngũ uẩn luận, có bốn: hư không vô vi, trạch diệt vô vi, phi trạch diệt vô vi, chân như vô vị. Theo các luận Bách pháp, Du-già, thêm bất động vô vi, tưởng thọ diệt vô vi, thành sáu. Du-già 3, kể là: hư không, phi trạch diệt, trạch diệt, thiện bất thiện, vô ký pháp, chân như, bất động, tưởng thọ diệt; như vậy có tám vô vi, nhưng tổng lược thành sáu. Tám háy sáu đều bình đẳng Như thế hai vô vi bất động và ấn tượng về thọ diệt – thuộc phi trạch diệt (apratisaṃkhyānirodha), khi điều kiện cho các pháp sinh khởi đủ, mà những pháp đã xuất hiện thì pháp khác không xuất hiện được, ở tropng trạng thái tịch diệt, tịch tĩnh, đó gọi là phi trạch diệt[110]. Câu-xá lại nói: 畢竟礙當生 別得非擇滅[111] các pháp do khuyết duyên mà tương lai vĩnh viễn không xuất hiện được gọi phi trạch diệt – diệt không do tư trạch-“utpādātyantavighno’nyo nirodho’praisíaṃkhyayā”[112]. Phi trạch diệt, diệt không do thoát ly hệ phược, vì tùy miên vĩnh viễn bị hại không do bởi nó[113].

Vì được nói là tạm thời thoát ly hệ phược. Trạch diệt vô vi duy chỉ cứu cánh diệt. Vì có trường hợp phi trạch diệt không vĩnh viễn diệt tận: “các duyên không hội đủ, lúc bấy giờ nó hoàn toàn không xuất hiện, chứ không phải vĩnh viễn không xuất hiện”[114]. Có bốn ly hệ:

– Phi trạch diệt vô vi: do duyên sai thoát mà được hoàn toàn ly hệ;

– Trạch diệt vô vi: do giản trạch phiền não mà hoàn toàn ly hệ;

– Bất động vô vi: do khổ lạc tạm thời ly hệ;

– Tưởng thọ diệt vô vi: tâm tâm pháp tạm thời ly hệ[115].

Theo đó, bất động và tưởng thọ diệt vì tạm thời ly hệ nên được bao hàm trong phi trạch diệt. Hoặc vô trụ xứ cũng thuộc trạch diệt, vì đạt được do lực giản trạch chân chính mà diệt trừ các chướng. Trạch diệt có hai:

– Diệt thành tựu do diệt trừ toàn bộ hệ phược, tức là đoạn các phiền não dẫn độ đến tái sinh.

– Diệt thành tựu do diệt trừ hết thảy chướng, tức đoạn trừ các chướng còn lại mà chứng đắc.

Cho nên, với bốn Niết-bàn, trong các vô vi, một Niết-bàn đầu tức chân như, ba Niết-bàn còn lại đều là trạch diệt. Hai vô vi – bất động và ấn tượng về thọ diệt – do chỉ tạm thời phục diệt nên thuộc phi trạch diệt. Những gì bị diệt trừ rốt ráo hoàn toàn thì thuộc về trạch diệt.

Chướng bồ-đề tức là sở tri chướng cũng chướng Niết-bàn. Vì “phiền não chướng” chướng Niết-bàn, vì như thế nó không luôn cả bồ-đề. Cho nên biết rằng, Thánh giáo y chỉ trên công dụng ưu việt thù thắng mà diễn nói, lý thật thảy đều chướng cả hai quả. Như thế, trong bốn loại Niết-bàn được nói Thành Duy Thức, ba loại sau thành tựu do bởi được hiển hiện.


III/TIỂU KIẾT

Tâm phẩm tương ưng với trí bình đẳng tính, tâm phẩm này quán chiếu hết thảy pháp, tự và tha, tất cả chúng sinh, thảy đều bình đẳng, luôn luôn cùng tương ưng với đại từ bi v.v.. Tùy theo thị hiếu của các chúng sinh mà thị hiện những ảnh tượng sai biệt, thọ dụng thân và độ. Nó là sở y bất cộng của trí diệu quán sát, và do bởi nó mà Niết-bàn vô trụ được thiết lập, tương tục một vị suốt cùng vị lai. Chuyển thức mạt-na ô nhiễm thành trí bình đẳng tính (samatājñāna). Nó đã được thành tựu vào lúc đầu hiện quán. Trong tu đạo vị, nó càng lúc càng thanh tịnh. Do đây mà an trú nơi Niết-bàn vô trụ (apratiṣṭhitanirvāṇa). Hằng tương ưng với đại từ đại bi. Tùy theo sở thích mà hiện ảnh tượng Phật[116]. Tâm phẩm tương ưng với trí thành sở tác, tâm phẩm này, vì muốn lợi lạc chúng sinh, cho nên khắp trong cả mười phương thị hiện ba nghiệp được biến hóa qua nhiều hình thái, hoàn thành những điều cần làm theo lực của bản nguyện. Chuyển năm thức thành trí thành sở tác (kṛtyānuṣṭhānajñāna). Khắp trong mười phương hết thảy thế giơi, có thể biến hóa từ khi rời khỏi thiên cung Đổ-sử-đa, Sanskrit gọi là tuṣitabhavana: Đâu-suất thiên chung, cho đến khi nhập Niết-bàn; hóa hiện và đảm trì sự nghiệp lợi lạc cho tất cả chúng sinh[117].

Bốn tâm phẩm:

-Tâm phẩm tương ưng trí đại viên kính.

-Tâm phẩm tương ưng với trí bình đẳng tính.

-Tâm phẩm tương ưng trí diệu quán sát.

-Tâm phẩm tương ưng với trí thành sở tác

Được gọi là sở sinh đắc – quả chuyển y đạt được bởi xuất sinh. Sở sinh đắc này được gọi chung là Bồ-đề, và Niết-bàn được nói trên là sở chuyển đắc. Tuy ý nghĩa chuyển y tổng quát có bốn, nhưng ở đây chỉ chọn lấy hai sở chuyển đắc. Hai sở chuyển đắc tức Đại bồ-đề và Đại Niết-bàn. Thuật ký nói rõ: vì ba nghĩa chuyển y kia thì không thể chứng. Giả thiết có nói đến chân như, vô lậu đạo, nhưng đó không có nghĩa chứng đắc. Do vì Tam Thập Tụng nói “chứng đắc chuyển y”. Trong tu tập vị này nói đến khả năng chứng đắc, chứ không phải đã chứng đắc, vì nó thuộc giai đoạn tu nhân. Các phẩm trí này không phải do chuyển năm thức mà thành tựu thì thể của nó là năm thức. Như chuyển sinh tử, nói rằng thành tựu Niết-bàn, không thể nói Niết-bàn cũng được bao hàm đồng với sinh tử. Tâm phẩm bốn trí, do hoàn toàn thoát ly mọi sự não hại, nên cũng được nói là an lạc.

Tự tính của hai quả chuyển y này không có sự bức não, và khiến hết thảy hữu tình an lạc, do đó cả hai chuyển y – Niết-bàn và Bồ đề, đều được gọi là an lạc. Sthiramati: “kleśāvaraṇaprahāṇāt śrāvakāṇāṃ vimuktikāya/” Do đoạn trừ phiền não chướng, các Thanh văn có giải thoát thân; Hai quả chuyển y thành tựu bởi Nhị thừa duy chỉ vĩnh viễn thoát ly sự hệ phược của phiền não chướng chứ không có pháp gì đặc sắc, cho nên nói theo Tam Thập Tụng chỉ được gọi là giải thoát thân.

Sthiramati: “sa evāśrayaparāvṛttilakṣaṇo dharmākhyo ’py ucyate mahāmuneḥ/ bhūmipāramitādibhāvanayā kleśajñeyāvaraṇaprahāṇāt āśrayaparāvṛttisamudāgamāt mahāmuner dharmakāya ity ucyate/”: “Chính đặc tính chuyển y này đức Đại Mâu-ni có danh hiệu là Pháp.  Do sự tu tập các ba-la-mật, các địa, đo đoạn trừ phiền não và sở tri chướng, do chân chính đạt đến chuyển y, đó được gọi là Pháp thân của Đại Mâu-ni”. Sự thành tựu nơi Thế Tôn Đại giác là pháp tịch mặc tối thượng, vì được gọi là Đại Mâu-ni. Hai quả chuyển y thành tựu bởi đức Đại Mâu-ni vĩnh viễn thoát ly hai chướng cũng được gọi là pháp thân.

Vì được trang nghiêm bằng vô lượng vô biên pháp đại công đức như lực, vô úy, v.v.. Là tự thể, là y chỉ, là tu tập, được gọi chung là thân. Ba từ đồng nghĩa với từ thân, kāya: ātmabhāva (tự thể), āśraya (sở y), rāśi (tụ)[118].

Cho nên, tính thể của Pháp thân này là năm pháp, không phải duy chỉ tịnh pháp giới độc nhất được gọi là Pháp thân. Vì cả hai quả chuyển y đều được bao hàm trong ý nghĩa này.

Nguyện ở trong tất cả thế gian mà thành tựu giác ngộ tối thượng, không rời khỏi khoảng bằng đầu ngọn lông xíu mà thị hiện khắp tất cả mọi nơi, dù nhỏ bằng đầu lông xíu, sơ sanh, xuất gia, bước đến đạo tràng, thành chánh giác, chuyển Pháp luân, nhập Niết-bàn, chứng đắc cảnh giới Phật, năng lực đại trí tuệ, ở trong mỗi một niệm, tùy tâm của tất cả chúng sanh mà thị hiện thành Phật, khiến cho được tịch diệt, bằng một niệm chánh giác mà biết tất cả pháp giới tức Niết-bàn tướng; bằng một âm thanh mà thuyết pháp khiến hết thảy chúng sanh đều sanh tâm hoan hỉ, thị hiện nhập đại Niết-bàn mà không đoạn tuyệt Bồ tát hạnh; chỉ bày mặt đất đại trí tuệ; đặt vững tất cả pháp; bằng pháp trí thông, thần túc thông, huyễn thông, tự tại biến hóa sung mãn tất cả pháp giới”[119].

[Trong bài TỔNG LUẬN QUAN ĐIỂM NIẾT-BÀN THEO LUẬN THÀNH DUY THỨC, chỉ luận về Quan điểm Niết-bàn hay quả Đại Niết-bàn trong hai quả chuyển y, chứ chưa phân tích kỹ về quả Đại Bồ-đề, và những vấn đề liên quan đến Niết-bàn theo Thành Duy Thức Luận, như Tư tưởng giải thoát, Ly-hệ quả, trạch diệt, vô vi v.v.. Những vấn đề này, sẽ được trình bày tiếp tục vào những tiết sau cùng với những liên hệ với A-tỳ-đạt-ma Câu-xá – Phước Nguyên]

P.N.: Nguồn: Hoavouu.com

THƯ MỤC THAM KHẢO
*Các Tụng bản Hán ngữ trích dẫn theo Taishō Edition of Chinese Tripiṭaka 大正新脩大藏經 Đại chánh tân tu Đại tạng kinh, có đánh số trang, số tập ở phần cước chú. Dẫn: Đại/Đại chánh/ T (Taishō). Số trang ở phần cước chú theo đúng số trang Đại chánh.

Thành duy thức luận, 10 quyển, Hộ Pháp và các Bồ tát tạo, Huyền Tráng dịch; No.1585, Đại 31, tr. 1ff.

A-tỳ-đạt-ma Câu-xá luận, 30 quyển, Tôn giả Thế Thân tạo, Huyền Tráng dịch; No.1558, Đại 29, tr. 1ff. Dẫn: Câu-xá.

Du-già sư địa luận, 100 quyển, Di-lặc Bồ tát thuyết, Huyền Tráng dịch; No. 1579, Đại 30, tr. 279ff. Dẫn: Du-già.

Giải Thâm Mật Kinh, 5 quyển, Huyền Tráng dịch, No.676, Đại 16.

Thập Địa Kinh Luận, 12 quyển, Thiên Thân Bồ-tát tạo, Bồ-đề-lưu-chi dịch, No.1522, Đại 26.

Phật Địa Kinh Luận, 7 quyển, Thân Quang Bồ-tát tạo, Huyền Tráng dịch, No.1530, Đại 26.

Abhidharmakośabhāṣyam of Vasubandhu, Ed., A. Thakur, Jayasṣal Research Institut, Patna, 1975.

Śikṣāsamuccaya of Śantideva, edited by Dr.P.L. Vaidya, The Mithila Institut, Darbhanga, 1961.

Abhidharma-Samuccaya, 大乘阿毗达磨集论(S), Compendium of Abhidharma by Asanga; མངོན་པ་ཀུན་བཏུས་ mngon pa kun btus, 大乘阿毘達磨集論(T).

Williams ,Monier M.A. Williams , Sanskrit-English Dictionary, The Clarendon Press, Oxford.

Bonwadaijiten (Phạn-Hòa đại từ điển)., Unrai Wogihara, Kôtansha,  1997.

Thành Duy Thức Luận, Bản Việt, Tuệ Sỹ dịch và chú, Thư quán Hương Tích ấn hành.

Buddhist Hybrid Sanskrit Grammar and Dictionary, F.Edgerton, Motilal Barnasidass, 1972.

 The Pratical Sanskrit-English Dictionary, V.Sh. Apte, Motilal Barnarsidass, 1975.

V.v.. Cùng nhiều các tụng bản Hán ngữ tham chiếu trích dẫn từ Đại Chánh cũng như văn bản Sanskrit mà chúng tôi đã ghi ở phần cước chú.  


[1] Thuật ký, Đại chánh, tr.235c5.

[2] Cf. Tinh Hoa Triết Học Tu Tập và Hành Đạo của Đức Phật Tỳ-bà-thi, cùng tác giả. Web: http://thuvienhoasen.org/a23091/tinh-hoa-triet-hoc-tu-tap-va-hanh-dao-duc-phat-ty-ba-thi

[3] T32n1640, tr.157c23.

[4] T32n1640, tr.157a11.

[5] Ibid., tr.157a3

[6] Niết-bàn luận, T32n1640, tr. 158a24.

[7] Cf. Kinh Đại thừa A-tì-đạt-ma (chưa có Hán dịch), dẫn bới Nhiếp luận thích (TTh) 1, T31n1597, tr. 324a18.

[8] Du-già 3, T30n1579, tr. 284b19.

[9] Thuyết bản hữu của Candrapāla (Hộ Nguyệt). Cf. Thành Duy Thức Luận, Chương II. A-lại-da thức.

[10] Cf. Thành Duy Thức Luận, Chương II, Thuyết tân huân: Thắng Quân (Śrīsena) và Nan-đà (Nanda).

[11] Cf. Nhiếp luận bản 1, tr. 136c01.

[12] Quan điểm của Hộ Pháp, giải thích nan đề, Cf. Thành Duy Thức Luận, Chương II. A-lại-da thức.

[13] Cf. Chuyển thức luận, Đại chánh, tr.61c13.

[14] Đại tỳ-bà-sa 32, tr. 167c13.

[15] Thuật ký, tr. 315c11.

[16] Cf. Du-già 51, Nhiếp quyết trạch phần, tr. 582a8.

[17] A-tì-đạt-ma tập luận 7, T31n1605, tr. 692c5, Tạp tập luận 14, T31n1606, tr. 763c26.

[18] Cf. Nhiếp luận bản 1, tr.133b15; Nhiếp luận thích 1,Thế Thân, T31n1597, tr. 324a19; Nhiếp luận thích 1, Vô Tính, T31n1598, tr. 383a3.

[19] Cf. Bảo tính luận 4, T31n1611, tr. 839a18.

[20] Tì-bà-sa 100, tr. 515b12.

[21] Du-già 51, tr. 579c26.

[22] Diễn bí, tr. 874c15.

[23] Vô Tính, ibid., tr. 389c7.

[24] Vô Tính, ibid. tr. 396c2.

[25] Vô Tính, ibid, tr. 396c6.

[26] Du-già 80, T30n1579, tr. 748a14.

[27] Trường A-hàm 8, kinh 9, tr. 49c; Tạp A-hàm 15, kinh 571, tr. 101c25.

[28] Pali, Saṅgīti, D.iii. 211: sabbe sattā āhāraṭṭhitikā; ibid. tr. 228.

[29] Samyutta Nikāya, tập II, trang 11; bản Việt Tương Ưng kinh, tập II.A, tr.12. Cf. Dị Môn Túc Luận, Đại chánh, tr.1536, XXVI, trang 3670, 400ab. Đại Tỳ Bà Sa, Đại chánh, tr. 1545, XXVII, tr. 674 và tiếp theo.

[30] Pāli tương đương: viññāna-ahāra, thực phẩm bởi thức.

[31] Tạp tập 5, tr. 716c11.

[32] Du-già 50, tr. 576c.

[33]Tỳ-bà-sa 26, 136a21.

[34] Câu-xá 5, tr. 26a25.

[35] Thành nghiệp luận, tr.784a19.

[36] Cf. Thành Duy Thức Luận, Chương II, mục Diệt Tận Định, Đại 31, No.1585. Bản Việt, Tuệ Sỹ.

[37] Cf. Câu-xá 13, tr.71a16.

[38] Cf. Thành Duy Thức Luận, Chương II, mục Diệt Tận Định, Đại 31, No.1585. Bản Việt, Tuệ Sỹ.

[39] Cf. Nhiếp Bản Luận I, tr. 136b06, tr.136b16.

[40] Tập luận 2, T16n005, tr. 668b29.

[41] Samuccaya, p. 22,2.

[42] Du-già 56, tr. 609b20.

[43] Nhiếp luận bản 1, tr. 137a14.

[44] Cf. Thành Duy Thức Luận, Chương III, Thức Mạt-na, Đại 31, No.1585. Bản Việt, Tuệ Sỹ.

[45] Nhiếp luận Thế Thân thích 3, tr. 336a19, Cf. Nhiếp luận Vô Tính thích 3, tr. 396c5.

[46] Cụ phược 具縛, Skt.sakalabandha.

[47] Cf. Tì-bà-sa 49, tr. 259a24.

[48] Cf. Câu-xá 4, tr. 19a18.

[49] Thuận chính lý 10, tr. 388b27.

[50] Ibid, tr. 388c19.

[51] Cf. Tì-bà-sa 143, tr. 737a12.

[52] Du-già 88, tr. 797a19.

[53] Du-già 86, tr. 780b04.

[54] Tạp tập 4, tr. 711a14.

[55] Tạp tập 6, tr. 722a27.

[56] Tì-bà-sa 154, T27n1545, tr. 0784b05.

[57] Tạp tập 2, tr.700b12; Samuccaya, Gokhale 18, 27.

[58] Cf. Hiển dương 1, T31n1602, tr. 0484b09.

[59] Du-già 10, T30n1579, tr. 0327b10.

[60] Du-già 13 T30n1579, tr. 0345a10.

[61] Samucc., Pradhan 10, 21.

[62] Sớ giải (Sthiramati).

[63] Cf. Tạp tập 2, T31n1606, tr. 0700b07; Quảng ngũ uẩn, tr. 854b04.

[64] Giải thích của Thuật ký, Cf. Tập thành biên 31, tr. 645c, 645a.

[65] Tạp tập 5, tr.714b03.

[66] Du-già 13, tr. 345a10.

[67] Samuccaya, Tatia, p. 37, 23.

[68] Kośa, k.ii.61.

[69] Cf. Tạp tập 5, Đại 31 tr. 714a10. Câu-xá 7, Đại 29 tr. 36b16.

[70] Du-già 3, Đại 30 tr. 292a3.

[71] Du-già 80, tr. 748a14.

[72] Du-già 3, đã dẫn, cht. 69; Hiển dương 18, Đại 31, tr. 570c28:

[73] Thuật ký dẫn Du-già 80, Đoạn văn liên hệ, tr. 749a5-a25.

[74] Hoa nghiêm 27, Đại 9, tr. 574c7.

[75] Du-già 4, tr. 295a10.

[76] Hiển dương 2, tr. 488a23.

[77] Thập địa kinh luận 5, Đại 26, tr. 312b15.

[78] Du-già 80, tr. 749a5-a25.

[79] Cf. Câu-xá 24 tr. 125c14, Thuận chính lý 65, tr. 6980b20.

[80] Du-già 14, tr. 353a14, Tạp tâp 13 tr. 755c7.

[81] Nghĩa diễn 10.

[82] Cf. Câu-xá 3, tr. 15b9.

[83] Phật địa luận 5 tr. 312c1.

[84] Cf. Thành Duy Thức Luận, Chương VI. Tiến trình sinh tử, Đại 31, No.1585. Bản Việt, Tuệ Sỹ.

[85] Nghĩa uẩn 5 tr. 474a2.

[86] Tham khảo Du-già 80, tr. 749a13.

[87] Cf. Thành Duy Thức Luận, Chương VI. Tiến trình sinh tử, Đại 31, No.1585. Bản Việt, Tuệ Sỹ.

[88] Phật địa luận 2, tr. 299b10.

[89] Câu-xá 3, tr. 15b13.

[90] Madhyānta, v. 10d-11ab.

[91] Tì-bà-sa 7, tr.34c27.

[92] Du-già 3, tr. 292a17.

[93] Câu-xá 19 tr. 100a1; Bhāṣya v.7.

[94] Tì-bà-sa 8, tr. 36a10.

[95] Phật địa luận 7, tr. 323b1.

[96] Ibid, tr. 323b1.

[97] Phật địa luận 4, tr. 310c20.

[98] ibid. 7 tr. 323b2.

[99] Giải thâm mật 1, tr. 690b25.

[100] Cf. Du-già 75, tr. 712c24, Hiển dương 15 tr. 555c11.

[101] Du-già 54, tr. 605c8, Du-già 71, tr. 690c23.

[102] Sthiramati.

[103] Triṃś. 29. Tam Thập Tụng 29, Thế Thân.

[104] Sūtrālaṅ, tr. 174 20, Cf. Trang nghiêm kinh, tr. 659b3.

[105] Thập địa luận 1 ibid.

[106] Thành Duy Thức 10, tr. 54b7.

[107] Ibid, tr. 54b.

[108] Thắng man, tr. 219c1.

[109] Câu-xá i. 3. Cf. Kośa. i. 3.

[110] Du-già 53 tr. 593a19.

[111] Tham chiếu Câu-xá, k. i. 3.

[112] Kośa. i. 3.

[113] Tạp tập 2, tr. 702c3.

[114] Phật địa luận 2, tr. 299b28.

[115] Hiển dương 18, tr. 572a29.

[116] Nhiếp luận 9, Thế Thân, tr. 372a12; Vô Tính 9,  tr. 438a13.

[117] Vô Tính 9, tr. 438a13.

[118] Cf. Phật địa luận 7, tr. 325a10.

 

[119] Cf. Hoa nghiêm (Phật), Đại 9, tr. 545b.ff. Hoa nghiêm (Thật), Đại 10, tr. 181c.ff. Cf. Daśa, tr. 9ff. abhi-saṃbodhimahājñānābhijñābhinirhārāya… Về giải thích  nguyện này, xem Thập trụ, tr. 30b10ff.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here