Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Nhân mùa Phật đản, lại bàn về sự tích Phật Tổ

Nhân mùa Phật đản, lại bàn về sự tích Phật Tổ

279
0

Nội dung của Phật giáo lược khảo gồm phần Mở đầu và 3 phần chính:

Phật Tổ sự tích

Phật lý uyên nguyên

Phật giáo lịch sử

(Phật giáo lược khảo, in trong Thượng chi văn tập, T4, NXB.A.De Rhodes, Hà Nội, không ghi số năm, tr.7-148).

Bộ Thượng chi văn tập (gồm 5 tập) của Phạm Quỳnh, trước 1975 đã được tái bản ở miền Nam và gần đây cũng đã được in lại. Nhân mùa Phật đản, chúng tôi xin đọc lại 2 phần: Phần Mở đầu và phần viết về Phật Tổ sự tích nơi sách Phật giáo lược khảo ấy, có thể xem đây là những ghi nhận cần thiết, giúp cho các bạn đọc, những người học Phật, nhất là lớp trẻ, có những tham khảo thuận tiện trước khi có thể tiếp cận với tác phẩm. Phần Mở đầu có mấy điểm tiêu biểu:

Dẫn lời của một nhà làm sách Nhật Bản khẳng định: “Phật giáo là một trong hai cái nguồn lớn của văn hóa Ðông Á” (Sđd, tr.7).

Than thở, xót xa về tình trạng suy đồi của Phật giáo Việt Nam hiện thời (Sđd, tr.8).(2)

Ghi nhận những thành tựu của các học giả Âu châu trong khoảng một thế kỷ nay đã khảo cứu, tìm hiểu về Phật giáo và Phật học (Sđd, tr.8).

Trong bối cảnh như thế, tác giả đã dựa theo tài liệu của các nhà nghiên cứu Phật học người Pháp, tham khảo thêm kinh sách chữ Hán để “Soạn ra bài Lược khảo này, cống hiến cho các học giả nước ta, tưởng cũng là một việc có ích” (Sđd, tr.9).

Tác giả cũng đã phân biệt: “Khảo về các Ðạo giáo cũng là một sự học vấn, không tất nhiên là sự tín ngưỡng” (Sđd, tr.9).

Phần Phật Tổ sự tích (Sđd, tr.10-71) chủ yếu xét về sự tích Ðức Phật Thích Già Mâu Ni, theo khoa học mới và kinh sách cũ, cố phân biệt phần nào là sự thực, phần nào là truyện huyền. Qua hơn 60 trang sách, tác giả đã lần lượt bàn đến:

Phật là gì?: Giải thích chữ Phật (Sđd, tr.11-14).

Phật Tổ Thích Già (Sđd, tr.14-71), gồm những chi tiết:

Xác định về năm sinh (tr.14-16).

Sự Ðản sinh (tr.17-18).

Việc dưỡng dục (tr.18-20).

Việc gia thất (tr.20-22).

Tứ môn xuất gia (tr.22-23).

Xuất gia (tr.23-26).

Khổ hạnh (tr.26-27).

Ðắc đạo (tr.27-33).

Phật thuyết pháp lần thứ nhất (tr.33-42).

Phật ra tay truyền đạo (tr.43-52).

Cách sinh hoạt và cách hành động (tr.52-55).

Kẻ cừu địch ở ngoài (tr.55-57).

Kẻ phản gián ở trong (tr.57-58).

Mấy năm về già (tr.58-60).

Phật nhập Nát-bàn (tr.60-63).

Mấy điều nghi vấn về sự tích Phật (tr.63-71).

Với 15 chi tiết như thế – trừ chi tiết sau cùng sẽ bàn ở đoạn sau – sự tích của Ðức Phật Tổ cùng ít nhiều liên hệ đã được nêu bày, mô tả nói chung là gọn và đủ. Chúng tôi xin nêu mấy ghi nhận:

* Thứ nhất: Một số nhân danh, địa danh, thuật ngữ v.v… nên phiên âm, đọc đúng và đúng theo hiện tại:

– Trang 11, 48: Tam Tạng (thay vì đọc là Tam Tàng).

– Trang 14: Ðức Phật Câu Na Hàm Mâu Ni (chứ không phải là Phật Câu Na Xá Mâu Ni).

– Trang 14: Phật Ca Diếp (thay vì đọc Già Diệp).

– Trang 14: Phật Tổ Thích Ca (thay vì đọc là Thích Già).

– Trang 17: Thành Ca Tỳ La, dòng Thích Ca (thay vì đọc Già Tỷ La, Thích Già).

– Trang 18: Vua Ba Tư Nặc, bà dì Ba Xà Ba Ðề (thay vì đọc Ba Ti Nặc, Ba Ðồ Ba Ðề).

– Trang 28: Bồ-tát, nói đủ là Bồ-đề-tát-đỏa (chứ không phải là Bồ-đề-tát-thùy).

– Trang 39: Cho “Ngũ trọc hay là Ngũ uẩn”: Không phải thế. Ngũ uẩn: Phạn: Panca Skandhar, là sắc, thọ, tưởng, hành, thức, tức 5 yếu tố hợp tạo nên thân tướng con người, cựu dịch là Ngũ ấm. Còn Ngũ trọc hay Ngũ trược, Phạn: Panca Kasàyàh, là 5 thứ ô trược trong một thời kỳ dài thuộc kiếp sống con người gồm: Kiếp trược (thời kỳ ô trược, nêu chung), Kiến trược (nhận thức ô trược): Nhận thức sai lầm vì theo Thân kiến, Biên kiến, Tà kiến… Phiền não trược: Tâm lý ô trược vì có nhiều tham sân si. Chúng sanh trược: Con người ô trược, xấu kém, vì kiến thức và tâm lý đều ô trược. Mạng trược: Ðời sống ô trược, tức thọ mạng ngắn ngủi, nhiều bệnh tật v.v…

– Trang 45: Vị đại đệ tử ấy là Mục Kiền Liên (thay vì đọc là Mục Kiện Liên).

– Trang 48: Ưu Ba Ly, Tam Tạng (thay vì đọc là U Ba Ly, Tam Tàng).

– Trang 50: Phật lên Thiên giới, thuyết pháp cho chư Thiên Xứ Trời Ba mươi ba – tức Trời Ðao Lợi (thay vì viết là: Phật lên Thiên giới thuyết pháp cho Ba mươi ba bậc Thiên thần).

– Trang 61: Bản sanh truyện (Jàtaka, thay vì dịch là Túc sanh truyện).

Ðáng chú ý nhất là thuật ngữ Tứ diệu đế, nói gọn là Tứ đế (Phạn: Catvary Satya. Hán: , , gồm: Khổ đế, Tập đế, Diệt đế, Ðạo đế. Phạm Quỳnh đã đọc là Tứ diệu đế: Khổ đề, Tập đề, Diệt đề, Ðạo đề (tr.31, 39, 40). Về chữ đọc là Ðế hay Ðề, chúng tôi đã biện giải đầy đủ nơi bài viết: “Một số nhầm lẫn, sai sót về Phật học cần được đính chính”, đăng trên Tập san Văn số 53, tháng 5-2002. Ở đây xin nhắc lại (lược bớt): Từ Hải và Từ Nguyên đều ghi: Ðể nghệ thiết, âm Ðế, nhưng rõ nhất là nơi Ðại Từ điển (Tam Dân Thư Cục, tập 3, tr.4471): chữ có hai cách đọc:

+ Thứ nhất: Ðô kế thiết, đọc là Ðế có 3 nghĩa: Một là Thẩm (xét kỹ). Hai là Thận (thận trọng). Ba là: “Thuật ngữ của nhà Phật, chỉ cho chân lý”.

+ Thứ hai: Ðiền lê thiết, đọc là Ðề () nghĩa là khóc, la. Nói chung, cách đọc sai của Phạm Quỳnh đã khiến một số nhà nghiên cứu đi sau đều đọc sai theo: Ðào Duy Anh (Trong Việt Nam văn hóa sử cương), Dương Quảng Hàm (Việt Nam văn học sử yếu), Nguyễn Ðổng Chi (Việt Nam cổ văn học sử). 

* Thứ hai: Một vài nêu dẫn, nhận định của người viết chưa thỏa đáng cần được làm sáng tỏ.

– Trang 11: Tác giả viết: “Vậy trước khi xét về Phật giáo, phải biết rõ sự tích Phật Tổ. Và cứ theo ý kiến của các nhà bác học châu Âu, thời phần hay nhất, có giá trị nhất trong đạo Phật không phải là phần giáo lý, vì giáo lý của đạo Phật chẳng qua là tổ thuật các đạo Bà-la (Brahma) Phệ-đà (Véda) ở Ấn Ðộ trước mà thôi, mà chính là cái sự tích đặc biệt, nhân cách phi thường của ông Giáo chủ nhờ đó mà đạo Phật về sau mới bành trướng được ra ngoài mạnh như vậy”.

Ông Phạm Quỳnh đã không nêu rõ xuất xứ, nhưng chấp chận, chia sẻ theo một quan điểm như vậy rõ ràng là không thỏa đáng, nếu không nói là phiến diện. Ðúng là cuộc đời của Ðức Phật là “cái sự tích đặc biệt, là một nhân cách phi thường”, nhưng không thể tách rời cuộc đời của Ðức Phật và giáo pháp mà Ngài đã tu tập, chứng đắc cùng đem ra giảng dạy ra làm hai phần, để cho phần này hơn phần kia hoặc ngược lại, vì đấy là hai mặt của một toàn thể bất khả phân ly. Chính tác giả sách “Phật giáo lược khảo”, nơi những trang sau, phần bàn về “Ðêm đắc đạo” của Ðức Phật cũng đã nói đến: “Lý hội được Thập nhị nhân duyên, là cái lưới giam chúng sanh trong vòng luân hồi. Phát minh được Tứ diệu đề, là bốn điều cốt yếu để giải thoát khỏi vòng sanh tử…” (Sđd, tr.30-31).

Còn cho: “Giáo lý của đạo Phật chẳng qua là tổ thuật các đạo Bà-la (Brahma) Phệ-đà (Véda) ở Ấn Ðộ trước mà thôi” là hoàn toàn không thỏa đáng, nếu không nói là sai lầm. Biện luận thì sẽ dài dòng, nhưng nếu tóm tắt vào một điểm cốt yếu, thì chỉ mỗi việc Phật giáo không công nhận một đấng Trời đại tự tại tạo ra muôn vật, nắm quyền  thưởng phạt muôn loài, cũng đủ thấy Phật giáo khác hẳn với các đạo Bà-la, Phệ-đà.

– Trang 17-18: Tác giả viết: “Phật mới lọt lòng đã đi được ngay, nhìn bốn phương trời, đi lại bảy bước, nói to lên như tiếng sư tử kêu rằng: “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn. Vô lượng sinh tử ư kim tận hỉ”, nghĩa là: Trên trời dưới đất, duy ta là tôn, sống chết không cùng, từ nay là hết…”.

Ở đây tác giả cũng không nói rõ xuất xứ, nhưng đã nêu dẫn chữ Hán thì tất là trích từ tư liệu chữ Hán. Trong bài viết: “Bàn về chi tiết linh diệu nơi ngày Ðản sinh của Phật theo các kinh thuộc Hán tạng”, đăng trên Tuần báo Giác Ngộ số 121, ngày 22-5-2002, chúng tôi đã nêu dẫn 10 bộ kinh, kệ tán dài, ngắn, vừa, mang số hiệu từ 184 đến 193, thuộc bộ Bản duyên của Ðại tạng kinh Ðại chánh tân tu (ÐTK/ÐCTT) viết về cuộc đời Ðức Phật; Về chi tiết: “Câu nói của Ðức Phật lúc mới sanh”, tất cả các kinh trên, một số hoặc diễn đạt khác, một số đều cùng ghi: “Thiên thượng thiên hạ duy ngã vi tôn” chứ không phải “Duy ngã độc tôn” như Phạm Quỳnh đã viết, chẳng hạn:

+ Kinh No 184 (Kinh Tu hành bản khởi, do Trúc Ðại Lực và Khang Mạnh Tường Hán dịch vào đời Hậu Hán: 25-220, gồm 2 quyển):

Hành thất bộ, cử thủ trụ nhi ngôn: Thiên thượng thiên hạ duy ngã vi tôn. Tam giới giai khổ, ngô đương an chi” (No184, quyển 1, ÐTK/ÐCTT, T3, tr.463C) [Thái tử đi bảy bước, giơ tay, dừng lại và nói: Trên trời, dưới trời, chỉ có Ta là tôn quý. Ba cõi đều khổ, Ta sẽ đem lại an lạc].

+ Kinh No 185 (Kinh Thái tử thụy ứng bản khởi, Hán dịch là cư sĩ Chi Khiêm, dịch vào đời Ðông Ngô: 222-280, gồm 2 quyển):

Tức hành thất bộ, cử hữu thủ trụ nhi ngôn: Thiên thượng thiên hạ duy ngã vi tôn, Tam giới giai khổ, hà khả lạc giả” (No 185, quyển 1, ÐTK/ÐCTT, T3, tr.473C) [Thái tử liền đi bảy bước, giơ tay phải lên, dừng lại và nói: Trên trời dưới trời, chỉ có Ta là tôn quý. Ba cõi đều khổ, ai là người có thể đem lại an lạc?].

+ Hoặc đây là sự diễn đạt của “Phật sở hành tán” (No 192, Trường ca của Bồ-tát Mã Minh viết về Lịch sử của Ðức Phật, Hán dịch là Ðại sư Ðàm Vô Sấm, dịch vào đời Bắc Lương: 397-433):

“Thử sinh vi Phật sinh

Tắc vi hậu biên sinh

Ngã duy thử nhất sinh

Ðương độ ư nhất thiết…”.

(No 192, ÐTK/ÐCTT, T4, tr.IB)

Ðây là Phật thị hiện

Lần sinh ấy cuối cùng

Ta với một đời này

Muôn loài nguyện độ hết.

+ Nơi đoạn sau (tr.29) tác giả có nói đến kinh Phổ diệu. Về chi tiết nêu trên, kinh Phổ diệu viết: “Nhĩ thời Bồ-tát tùng hữu hiếp sinh, hốt nhiên kiến thân trụ bảo liên hoa, trụy địa hành thất bộ, hiển dương Phạm âm, vô thường huấn giáo: Ngã đương cứu độ, thiên thượng thiên hạ vi thiên nhân tôn, đoạn sinh tử khổ, tam giới vô thượng, sử nhất thiết chúng sinh vô vi thường an”. (Kinh Phổ diệu, Pháp sư Trúc Pháp Hộ Hán dịch, No 186, 8 quyển, quyển 2, ÐTK/ÐCTT, tập 3, tr.494A).

[Lúc này, Bồ-tát từ nơi hông bên phải sinh ra, hốt nhiên thấy thân trụ ở đóa sen báu. Bước xuống đất, Bồ-tát liền đi bảy bước, tiếng nói là Phạm âm vang rõ, chỉ dạy về vô thường: Ta sẽ cứu độ muôn loài, trên trời dưới trời, Ta là bậc tôn quý của hàng Trời, người, diệt trừ mọi thứ khổ của sanh tử, ba cõi không gì hơn, khiến cho hết thảy chúng sanh luôn được an lạc nơi cảnh giới giải thoát].

+ Ðối chiếu một vài chi tiết, thì hầu như câu nói được Phạm Quỳnh nêu dẫn là đã tóm lược từ kinh No 189 (KinhQuá khứ hiện tại nhân quả, Hán dịch là Ðại sư Cầu Na Bạt Ðà La, dịch vào đời Lưu Tống: 420-478, gồm 4 quyển): “Bồ-tát tiệm tiệm tùng hữu hiếp xuất… Vô phù thị giả, tự hành thất bộ, cử kỳ hữu thủ, như sư tử hống: Ngã ư nhất thiết thiên nhân chi trung tối tôn tối thắng. Vô lượng sinh tử, ư kim tận hỉ”. (No 189, quyển 1, ÐTK/ÐCTT, tập 3, tr.625A).

[Bồ-tát dần dần từ nơi hông bên phải sanh ra… không người để vịn đỡ, tự đi bảy bước, giơ cao tay phải, lời nói như tiếng sư tử gầm: Ta, đối với tất cả hàng Trời, người, là bậc tối tôn tối thắng. Vô lượng nẻo sinh tử từ nay sẽ dứt hết].

Tóm lại, như chúng tôi đã ghi nhận nơi bài viết kia: Các kinh thuộc Hán tạng đã dẫn, kể cả kinh Trường A-hàm, quyển 1, đều chép là: “Duy ngã vi tôn”, độc tôn chắc chắn là do sự thêm bớt của người đời sau.

Tác giả viết tiếp:

“Nói xong rồi lại nằm xuống, nghiễm nhiên như các trẻ khác. Ðó là những truyện huyền, đời sau bịa đặt ra, cho thêm tôn trọng lên (Sđd, tr.18).

Nhận xét như thế là cũng không thỏa đáng. Ðoạn trước, tác giả đã nói: “Xét về sự tích Ðức Phật Thích Già Mâu Ni theo khoa học mới và kinh sách cũ, cố phân biệt phần nào là sự thực, phần nào là truyện huyền (tr.10). Phân biệt sự thực và truyện huyền không hẳn là không thể chấp nhận những “chi tiết linh diệu” gắn liền với sự xuất hiện của một bậc vĩ nhân, nhất là khi những chi tiết linh diệu ấy có giá trị ẩn dụ, giá trị tượng trưng rất cao, sâu. Theo chúng tôi, sự kiện linh diệu nơi ngày Ðản sinh của Ðức Phật, với sự ghi chép của một số kinh thuộc Phật giáo Bắc truyền, chính là bức thông điệp ngắn gọn và hàm súc nhất gởi đến muôn loài chúng sinh trong thế gian, khẳng định tính ưu việt của bậc vĩ nhân vừa thị hiện, cùng giáo pháp diệt khổ, giải thoát mà Ngài sẽ chứng đắc sau này và đem ra truyền dạy.

– Trang 29-30: Ðoạn nói về Ðức Phật đắc đạo, tác giả đã dẫn kinh Phổ diệu và viết: …” Thế gọi là Ðạo vô vi độ thế vậy. Bỏ cái gốc ác, trừ những bụng dâm nộ mê, thoát được vòng sinh tử. Lúc sao mai mọc thời khuếch nhiên đại ngộ, được cái Ðạo vô thượng chánh chân… Lại nhớ lại các kiếp trước… đã từng nhu nhược tĩnh ý, làm sáu bậc vô cực, bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, một lòng, trí tuệ, lại làm những việc từ bi hỷ hộ…”.

Chúng tôi xin nói rõ thêm:

Kinh Phổ diệu (Phạn: Lalilavistara Sùtra) hiện có trong ÐTK/ÐCTT, No 186, thuộc bộ Bản duyên, Hán dịch là Pháp sư Trúc Pháp Hộ, dịch vào Ðời Tây Tấn (265-317), gồm 8 quyển (ÐTK/ÐCTT, T3, tr.483-538), nội dung là thuật lại cuộc đời của Ðức Phật, từ Ðản sanh đến Thành đạo, Chuyển Pháp luân, độ sanh, trở về thăm quê hương Ca Tỳ La Vệ sau 12 năm xa cách.

Một bản dị dịch của kinh Phổ diệu, do Ðại sư Ðịa Bà Ha La (613-687) Hán dịch vào đầu đời Ðường (618-906), mang tên là kinh Phương quảng đại trang nghiêm, gồm 12 quyển (ÐTK/ÐCTT, T3, No 187, tr.539-617), do dịch sau nên văn, nghĩa nơi kinh này đầy đủ, sáng rõ hơn kinh trước rất nhiều. Chọn kinh Phổ diệu, không chọn kinhPhương quảng đại trang nghiêm, chứng tỏ Phạm Quỳnh cũng không có nhiều sự lựa chọn trong quá trình tiếp cận các tư liệu thuộc Hán Tạng. Vì dịch trước, dịch trong thời kỳ đầu(3) nên nhiều từ ngữ, thuật ngữ được dùng nơi kinh Phổ diệu còn ở giai đoạn hình thành, chưa chuẩn. Mấy từ chúng tôi cho in nghiêng nơi đoạn nêu dẫn trên là những ví dụ:

+ Ðạo vô vi độ thế: Là đạo giải thoát xuất thế gian.

+ Dâm nộ mê: Là tham sân si.

+ Ðạo Vô thượng Chánh chân: Là đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

+ Nhu nhược tĩnh ý: Tức nhu nhuyển (dịu dàng thuận hợp) tĩnh ý.

+ Làm sáu bậc vô cực: Tức tu tập 6 pháp Ba-la-mật. Ba-la-mật thời Pháp sư Trúc Pháp Hộ dịch là độ vô cực, gồm: Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Nhất tâm, Trí tuệ. Sáu pháp Ba-la-mật, dịch chuẩn theo hệ Cựu dịch gồm: Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí tuệ. Còn theo hệ Tân dịch là: Bố thí, Tịnh giới, An nhẫn, Tinh tấn, Tĩnh lự, Bát-nhã.(4)

+ Từ bi hỷ hộ: Là từ bi hỷ xả. Thời Pháp sư Trúc Pháp Hộ, Xả dịch là Hộ.

Trang 38: Tác giả giải thích về Bát Chánh đạo.

+ Chánh kiến: Thành thực mà tin đạo.

+ Chánh tư duy: Thành thực mà suy xét.

+ Chánh ngữ: Thành thực mà nói năng.

+ Chánh nghiệp: Thành thực mà làm việc.

+ Chánh mệnh: Thành thực mà mưu sinh.

+ Chánh tinh tiến: Thành thực mà mong tới.

+ Chánh niệm: Thành thực mà tưởng nhớ.

+ Chánh định: Thành thực mà ngẫm nghĩ.(5)

Chữ Chánh mà giải thích là thành thực là chưa chuẩn xác. Chánh ở đây là chân chánh, là đúng đắn. “Chánh kiến là hiểu biết đúng đắn. Chánh tư duy là suy nghĩ đúng đắn. Chánh ngữ là lời nói đúng đắn, trung thực và thận trọng. Chánh nghiệp là thực hiện những hành động đúng đắn, tránh những hành động sai trái. Chánh mạng là kiếm sống bằng những nghề chính đáng, lương thiện. Chánh tinh tấn là siêng năng phấn đấu để tiến bộ. Chánh niệm là luôn tâm niệm điều thiện, điều lành, nẻo chính. Chánh định là tập trung tư tưởng đúng đắn, dẫn tới giác ngộ và giải thoát”. (Ðại cương văn hóa phương Ðông, Lương Duy Thứ chủ biên, NXB.Giáo Dục, 1996, tr.177-178).(6)

Chi tiết sau cùng nơi phần “Phật Tổ sự tích” là “Mấy điều nghi vấn về sự tích Phật”, tác giả nêu lên 4 nghi vấn của một số học giả Âu Tây sau đây về sự tích của Phật Tổ:

Phật có thật có hay không?

Trong đời Phật có những việc gì là việc thực có thể tin được?

Phật sinh hoạt vào khoảng đời nào?

Phật đã làm nên sự nghiệp gì?

(Sđd, tr.63-64)

Nhìn chung, đó là những nghi vấn của những nhà khảo cứu chưa đến nơi đến chốn, và Phạm Quỳnh, dù “Chỉ xin theo ý kiến của các học giả, lấy lẽ chiết trung mà giải”, cũng đủ thấy chúng là hoàn toàn lỗi thời, kể cả ông Senart, người Pháp, tác giả sách: La Légende du Boudha, cho truyện Phật là truyện huyền, chẳng qua là truyện của một vị thần Mặt trời!

Ðoạn kết của Phần 1 (Phật Tổ sự tích), tác giả tuy đã hết lời tán dương nhân cách vĩ đại của Ðức Phật, nhưng vẫn chia sẻ cái quan điểm tách rời con người và giáo pháp, để cho là phần trước hơn phần sau (tr.70-71).

Hai phần còn lại của sách (Phật lý uyên nguyên và Phật giáo lịch sử), chúng tôi sẽ xin bàn luận vào một dịp khác. 

Nguồn: GNO

 ___________________

(1) Năm 1915, sách Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính (1875-1921) được xuất bản, trong đó, Phan Kế Bính đã dành khoảng 5 trang sách để viết về Phật giáo và Phật giáo Việt Nam. Nhưng lối viết không nêu dẫn tư liệu tham khảo, chỉ nêu: Tục truyền, tương truyền, bảo rằng, kể rằng… với đầy dẫy những sai lầm quá đỗi tệ hại, nên không thể nói đấy là một sự nghiên cứu nghiêm túc.

(2) Chúng tôi có góp ý vắn tắt nơi phần đầu bài viết: “Ðinh Văn Chấp – Người mở đầu cho công việc dịch thơ thiền thời Lý-Trần”, Nguyệt san Giác Ngộ số 126, tháng 9-2006.

(3), (4) Xem thêm bài viết của chúng tôi: “Từ ba bản Hán dịch kinh Duy Ma”, Nguyệt san Giác Ngộ số 118, 119, tháng 1,2-2006.

(5) Sách Việt Nam văn hóa sử cương của Ðào Duy Anh, phần viết về Phật Học, giải thích Bát Chánh đạo đã chép y lại cách giải thích của Phạm Quỳnh (Xem VNVHSC, bản in 1952, tr.246).

(6) Tham khảo thêm: Ðức Phật lịch sử của H.W.Schumann, Trần Phương Lan dịch, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam xuất bản, 1997, tr.345-347.

 

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here