Các đại biểu, khán thính giả Phật tử đã có dịp được nghe những học giả, diễn giả quốc tế thảo luận về các vấn đề nóng bỏng nhất trên thế giới hiện nay dưới cái nhìn của Phật giáo.
Chủ đề chính của Hội thảo chào mừng Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc năm nay là “Phật giáo và khủng hoảng toàn cầu”, góp phần vào những nỗ lực chung của toàn nhân loại tìm ra những giải pháp tích cực và hiệu quả để xây dựng một thế giới tươi đẹp và phát triển bền vững.
GS.TS.Damien Keown, Đại học London, đã thể hiện cái nhìn rất sâu sắc của một học giả Phật giáo. Theo ông, rõ ràng, khủng hoảng mang lại cơ hội cho sự thay đổi. Trong khi mỗi vấn nạn có thể sẽ được giải quyết một cách độc lập, ông cho rằng những vấn nạn ấy đều tương quan, liên đới lẫn nhau. Khi nói đến những khủng hoảng này, kết quả mà chúng ta mong đợi là một nền dân trí cao được hưởng sự an khang thịnh vượng dựa trên sự phát triển bền vững và sống trong một xã hội yên bình.
Ông hy vọng đây không phải là một lý tưởng mơ hồ, mà đó là thứ mà chúng ta hoàn toàn có thể đạt được. Ông Keown nói, qua hội thảo này, chúng ta sẽ có thể tìm ra con đường ngắn hơn để đạt được mục tiêu ấy.
Hội thảo được phân bổ thành những nhóm thảo luận chuyên đề, qua đó tìm ra vai trò của Phật giáo trước những khủng hoảng của thế giới hiện nay. Cụ thể, hội thảo được chia làm 4 chuyên đề: 1. Phản hồi của Phật giáo trước xung đột xã hội; 2. Phản hồi của Phật giáo trước suy biến môi trường; 3. Phật giáo và cộng đồng ASEAN; 4. Phản hồi của Phật giáo trước khủng hoảng giáo dục.
Tuy các chủ đề nêu trên đều có mối liên hệ qua lại nhất định, nhưng điểm nhấn của Hội thảo năm nay chính là chủ đề thứ 3 (Phật giáo và cộng đồng ASEAN) bởi năm 2015 là năm dự kiến sẽ thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Hơn nữa, những vấn nạn như xung đột xã hội, khủng hoảng giáo dục và suy biến môi trường đòi hỏi một giải pháp chung cho toàn thể khu vực chứ không còn giới hạn trong biên giới một quốc gia hay vùng lãnh thổ nào, trong đó Cộng đồng các nước Đông Nam Á là một ví dụ điển hình.
Cũng như chúng ta, Đức Phật đã sống trong một khoảng thời gian của những biến động và bất ổn: những nước nhỏ bị sáp nhập thành một đơn vị chính trị lớn hơn bằng những chính sách hung hăng của những kẻ láng giềng thích bành trướng. Trước vấn đề bành trướng và sáp nhập này, Đức Phật đã đề xuất một giải pháp mới dựa trên nguyên tắc hợp tác và chung sống hòa bình.
Qua hội thảo, các học giả cũng đã thảo luận những phương cách thích hợp dựa trên tinh thần Phật giáo để hòa giải các xung đột đang diễn ra ở khu vực, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến biển Đông đang nóng lên từng ngày.
Ngoài những hoạt động hội thảo, thuyết trình, đặc biệt năm nay là năm dự kiến sẽ cho ra mắt bộ “Thánh điển Phật giáo phổ thông”. Đây là một dự án lớn và là hoài bão lớn lao của những nhà trí thức Phật giáo trên toàn thế giới – mong mỏi sẽ hoàn thành một bộ Thánh điển, trong đó tổng hợp những kinh điển quan trọng của tất cả các truyền thống Phật giáo bao gồm Nam truyền, Bắc truyền và Kim Cang thừa Phật giáo – những lời dạy của Đức Phật được lưu lại bằng nhiều thứ tiếng như Pali, Sanskrit, Hán, Tạng… tại nhiều nước khác nhau. Tất cả sẽ được trích lọc và dịch sang tiếng Anh để làm nên một cuốn Thánh điển Phật giáo phổ thông duy nhất khoảng trên 400 trang giấy khổ A4.
Bộ Thánh điển đang trong giai đoạn hoàn thiện và có thể sẽ ra mắt độc giả trong năm nay. Do đó, để đảm bảo mọi công đoạn trích lọc và chuyển ngữ được chính xác và đồng thuận, một cuộc họp kín được diễn ra với những học giả Phật giáo hàng đầu thế giới trong suốt ngày làm việc thứ hai của Hội thảo Vesak 2015.
Phía Việt Nam, HT.Thích Tuệ Sỹ, GS.Lê Mạnh Thát và TT.Thích Nhật Từ là ba vị đại diện cho Phật giáo Đại thừa cũng như Phật giáo Việt Nam tham gia hiệu đính tập sách vô cùng ý nghĩa này.
Nguồn: GNO