Trang chủ Vấn đề hôm nay Đôi nét Phật giáo và khoa học

Đôi nét Phật giáo và khoa học

161
0

Giáo chủ của đạo Phật nhân vật lịch sử có thật, là Thái tử Tất-đạt-đa con vua Tịnh Phạn nước Ca- tỳ-la-vệ. Trước những trắc ẩn của cuộc sống, Ông đã từ bỏ hoàng cung đến với những nhà tu hành của tôn giáo, đi tìm lời giải đáp và sự giải thoát khỏi sinh, già, bệnh, chết. Sau sáu năm khổ luyện với nhiều vị thầy thuộc nhiều tôn giáo dù đạt tới những kết quả tu học nhất định nhưng Ông thất vọng vì sự bế tắc của các tôn giáo ấy, Ông quyết định con đường riêng của mình và trong tự lực tham thiền nhập định, Ông đã thấy biết được những gì các tôn giáo khác không thể đạt được. Sự chứng đắc ấy được gọi là Giác ngộ, là Phật. Sau khi giác ngộ, Đức Phật đã mang sự hiểu biết và đạo đức của mình giáo hóa cho con người trong thời gian bốn mươi chín năm. Những lời Đức Phật dạy được ghi chép lại và còn đến ngày nay gọi là Giáo lý. Những chuẩn mực Đức Phật quy định để cho người tin theo Phật phải thực hiện, giữ gìn nhằm bảo vệ sự tôn nghiêm và duy trì sinh hoạt chung cũng như tạo nên nếp tự giác cho cá nhân trên con đường tu học gọi là Giáo luật. Những người cùng tu theo đạo Phật cùng thực hiện những nghi lễ, thể hiện nét riêng biệt của Phật giáo so với các tôn giáo khác gọi là Giáo lễ. Và khi đã có nhiều người cùng tin theo, tạo thành một cộng đồng rộng lớn, có tổ chức đó là Giáo hội.

Trong vai trò của một tôn giáo, Phật giáo đã có ảnh hưởng sâu rộng đối với xã hội, Phật giáo đã giúp cho các cá nhân con người tự điều chỉnh mình thông qua việc nâng cao nhận thức, điều chỉnh thân-khẩu-ý, điều chỉnh tinh thần để vững vàng trước những biến động của xã hội và cuộc sống. Trong suốt quá trình tồn tại, Phật giáo lúc thịnh, lúc suy. Đặc biệt khi xuất hiện các tôn giáo mới, một số thế lực cực đoan kết hợp quyền lợi của một số tôn giáo với quyền lợi của giai cấp thống trị, đã phát động các cuộc chiến tranh xâm lược, nhằm mở rộng thuộc địa của các cường quốc kết hợp việc mở rộng lãnh địa của tôn giáo mới. Trong bối cảnh ấy phạm vi hoạt động của Phật giáo bị thu hẹp, Phật giáo bị xem là thụ động yếm thế khi bất bạo động, hạn chế đấu tranh trực diện.

Trong giai đoạn khoa học phát triển, đã có một số kết quả nghiên cứu của khoa học thực nghiệm chứng minh cho những vấn đề mà Phật giáo đã nêu ra từ trước đó. Chẳng hạn, năm 1760 nhà bác học Lô-mô- nô-xốp đưa ra Định luật bảo toàn chất và chuyển động “Vật chất không tự nhiên sinh ra và cũng không tự nhiên mất đi, nó chỉ chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác. Tất cả những sự biến đổi xẩy ra trong thiên nhiên đều có bản chất là vật thể này mất đi một lượng bao nhiêu thì vật thể kia được thêm một lượng bấy nhiêu…”. Điều mà nhà bác học thực nghiệm kết luận thì khi tại thế Đức Phật đã từng nói thế giới không có khởi đầu và không có kết thúc, sinh diệt là quá trình phụ thuộc lẫn nhau, có cái sinh sẽ có cái diệt, có cái này sẽ có cái khác trong sự chuyển hóa vô tận của thế giới. Nếu Vật lý thiên văn tìm ra vật vô cùng lớn như mặt trời, trái đất, thiên hà, hệ thiên hà… và vật lý lượng tử tìm ra vật vô cùng bé như điện tử, hạt nhân… thì trước đó, Đức Phật đã dạy đệ tử về thế giới có cực đại: Tam thiên, đại thiên thế giới… và cực tiểu: vi tế, vi vi tế… Khi có kính hiển vi điện tử, khoa học mới phát hiện nước trong suốt mà vẫn có vi trùng, vi khuẩn… thì từ thời Đức Phật, khi nâng bát nước lã lên uống, Ngài đã biết trong đó có muôn ức sự sống nên phải làm phép và cầu cho chúng nếu phải vào trong bụng người mà thiệt thân thì được siêu sinh chuyển kiếp lành. Học thuyết tiến hóa của Darwin và các kết quả nghiên cứu lý, hóa, sinh hiện đại đã chứng minh cho sự đúng đắn của thuyết “Thập nhi nhân duyên” trong Phật giáo. Thập nhị nhân duyên là mười hai giai đoạn hình thành và tồn tại phát triển của con người, giai đoạn này làm tiền đề cho giai đoạn kia trong sự kế thừa nối tiếp, giai đoạn này thúc đẩy giai đoạn kia để xuất hiện cái mới thì kết thúc cái cũ, nhờ nhân, duyên mà có sinh có diệt… Nhà bác học Einstein tìm ra “Thuyết tương đối” thì trước đó Đức Phật đã từ bỏ sai lầm của cực đoan một chiều tuyệt đối và chọn con đường trung đạo mới đạt tới cảnh giới Giác ngộ.

Khi khoa học thực nghiệm đặt Phật giáo vào vị trí của khoa học suy lý, lý thuyết, thì dưới lăng kính của khoa học xã hội, Phật giáo được xem là sự hợp nhất, tổng hợp của nhiều ngành khoa học, bởi Phật giáo có phương pháp, cách thức để tìm hiểu thế giới hiệu quả và đạt tới trình độ thấy, biết khó tả, cách thức đó là pháp tu theo quy trình: Giới – Định – Tuệ (Giữ giới, Thiền định tập trung suy nghĩ, Có trí tuệ). Từ kho tàng kiến thức khổng lồ của Phật giáo, nếu soi xét ở mỗi khía cạnh khoa học chuyên ngành hiện nay, gần như ngành nào Đức Phật đều có đề cập và đạt tới độ sâu sắc: Về giáo dục, Đức Phật được xem là nhà đại giáo dục, được tôn là Thiên nhân sư – Người thầy của trời và người, với kiến thức siêu xuất và phương pháp hết sức uyển chuyển: khế lý, khế cơ, khế thời, khế xứ; có nghĩa là giáo dục phải biết căn cơ đối tượng, lựa thời gian và điều kiện, xem phong tục tập quán từng nơi mà ứng xử cho phù hợp sẽ có kết quả cao; đó chính là phương pháp tìm hiểu đối tượng và vận dụng phương pháp tâm lý giáo dục phù hợp với điều kiện đặc điểm đối tượng. Nhờ sự uyển chuyển ấy mà Đức Phật thành công trong truyền đạo, trong việc đưa tín đồ theo “Bát chánh đạo”, nhiều người đủ thành phần theo Phật ai cũng tiến bộ, đắc quả. Về đạo đức, lý thuyết Phật giáo là tôn giáo thể hiện những chuẩn mực đạo đức rõ ràng, trong sáng, với phương châm sống“Vô ngã, vị tha”, “ từ bi, hỷ xả” thể hiện tính đạo đức cao cả của con người. Ở góc độ cá nhân, Đức Phật là một điển hình về chuẩn mực sống khiêm cung, phạm hạnh, giới đức sáng ngời, ứng xử hòa ái, thái độ khoan hòa bao dung đủ sức chuyển hóa thu phục nhân tâm của tất cả mọi người từng tiếp xúc; trọn đời hành đạo, Ngài là con người bình dị, gần gũi với tất cả mọi người mà cao quý vô cùng vì luôn trân quý mọi người, không mảy may vụ lợi, không một hành động sai trái, không một vết nhơ. Về văn hóa, triết lý Phật giáo là một hệ tư tưởng văn hóa thể hiện tính nhân văn đỉnh cao; trong bối cảnh xã hội còn định kiến, bảo thủ nặng nề về phân biệt đẳng cấp, Đức Phật đã tuyên bố “khi máu cùng đỏ, nước mắt cùng mặn thì không có sự phân biệt đẳng cấp”; Ngài tôn trọng sự bình đẳng của con người và các sự sống hiện hữu trên thế gian, tin tưởng vào mỗi cá nhân nếu biết đi theo con đường chính đạo như Ngài đã nêu, bằng sự nỗ lực và tự giác, tự rèn luyện, tu tập đều sẽ thành tựu “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”. Toàn bộ tư tưởng của Đức Phật là tư tưởng đoàn kết, gắn bó để xây dựng cuộc sống an lành. Về Y học, Đức Phật được tôn vinh là “Y vương” – vua của thầy thuốc; theo Đức Phật con người có thân và tâm, bằng phương pháp tu học con người điều tâm để tâm nhân hậu, hiền từ, trong sáng, tiết dục để tâm tri túc (biết đủ), dưỡng thần để trí tuệ luôn sáng suốt thì con người tránh được nhiều căn bệnh hiểm nghèo do ăn uống, do sinh hoạt vô độ, do cuộc sống ưu phiền,… mang lại, tâm luôn vui, vô lo vì biết không tham lam sân hận, thì thân điều độ vô bệnh khỏe mạnh. Ngoài điều tâm, thân thể cũng phải được chăm sóc hàng ngày, được tập luyện đúng cách thân sẽ khỏe, thân khỏe thì tâm sáng. Triết lý của Đức Phật rất phù hợp với khoa học dưỡng sinh, khoa học phòng bệnh hiện nay. Về môi trường, thực tế đã chứng minh do khai thác thiên nhiên, chặt rừng, ngăn sông, phá núi… bừa bãi, con người đã phải chịu những thảm họa thiên tai với mật độ ngày càng nhiều, càng khốc liệt. Triết lý của Đức Phật là học thuyết giáo dục về bảo vệ môi trường sinh thái bền vững khi con người biết khai thác môi trường và tự nhiên để phục vụ cho cuộc sống vừa đủ “thiểu dục, tri túc” và luôn tạo ra sự cân bằng trong “nhận và trả” để không phải chịu “Luật nhân quả” do sự bừa bãi của con người mang lại. Hòa bình và xây dựng xã hội an lạc là đặc trưng của tư tưởng Phật giáo, tư tưởng “Lục hòa”: Thân hòa cùng ở, Khẩu hòa cùng vui, Ý hòa cùng thuận, Trí hòa hiểu nhau, Lợi hòa cùng hưởng, Giới hòa đồng tu, đưa con người an vui sống trong sự đoàn kết. Tư tưởng “ Bát chính đạo”:Chính kiến – luôn giữ vững quan niệm về từ bi, hỷ xả, vô ngã, vị tha, tứ diệu đế; Chính tư duy – luôn suy nghĩ theo sự đúng đắn; Chính ngữ – không nói dối, không thêu dệt hại người; Chính nghiệp – không làm sai trái, không vi phạm giới luật; Chính mạng – xa tránh nghiệp ác, không giết sinh linh, không làm việc xấu; Chính tinh tiến – phát triển nghiệp lành, làm việc tốt; Chính niệm – luôn giữ thân thể, lời nói, ý nghĩ trong sạch; Chính định – tập trung cao độ, cố gắng hết mình. Làm con người nếu ai cũng sống trong Lục hòa và Bát chính đạo thì làm gì có kẻ xấu ác, làm gì có người hại người gây chết chóc, đau thương. Thực tế tồn tại hơn hai mươi lăm thế kỷ, Phật giáo chưa bao giờ gây chiến tranh, chỉ có những cuộc chiến chống lại xâm lược để bảo vệ hòa bình, diệt ác để bảo vệ sự sống lương thiện.

Trong bốn mươi chín năm hoằng pháp, Đức Phật để lại cho hậu thế hệ tư tưởng với kho tàng kiến thức khổng lồ. “Tam tạng kinh điển” là ba kho kinh điển đồ sộ vào bậc nhất so với các hệ tư tưởng và kiến thức của các nhân vật lịch sử để lại: Kinh – những điều Phật nói được ghi chép lại: Luật – những quy định Phật đặt ra được thực hiện trong Phật giáo; Luận – Những lời bàn, những kiến giải phân tích triển khai kinh điển và phương pháp tu tập của Đức Phật cho hậu thế học và làm theo. Điều đáng kinh ngạc là bằng khả năng tư duy của một con người nhưng có thể nhận biết quy luật và sự vận động của tự nhiên, xã hội mà ngày nay khi khoa học càng phát triển càng thấy rõ sự đúng đắn trong nhiều lĩnh vực, điều đó chứng tỏ khả năng nhận thức thông qua suy lý của con người là vô cùng, đạo Phật là một đạo khoa học. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra để chúng ta suy nghĩ khi đặt câu hỏi là đạo Phật rất khoa học, tại sao lại chưa được phổ biến như khoa học một cách rộng rãi? Trả lời câu hỏi ấy có nhiều cách lý giải, theo chúng tôi có một số lý do: Thứ nhất, không phải khoa học nào cũng được phổ biến rộng rãi. Thứ hai, với phương diện là một tôn giáo, những người theo đạo Phật khai thác tính tôn giáo nhiều hơn tính khoa học, số người chứng đắc được như Đức Phật không phải nhiều, trong khi những nhà khoa học hạn chế bởi nhiều lý do, họ ít có cơ hội nghiên cứu sâu về Phật giáo, ít có cơ duyên tìm được sự liên hệ hoặc sự chỉ dẫn từ Phật giáo. Thứ ba, một số cá nhân lợi dụng các tôn giáo khác kết hợp với chiến tranh đẩy lùi và làm hạn chế ảnh hưởng của Phật giáo trên diện rộng xã hội, việc mà Phật giáo không làm đối với các tôn giáo khác. Thứ tư, Phật giáo theo tư duy duy lý để nhận thức thế giới, khai thác phát huy năng lượng cá nhân để nâng cao khả năng của con người trong nhận thức và hành trì tri túc để phát triển trong sự cân bằng nên ít đi vào thực nghiệm và phát triển kỹ thuật, không nặng khai thác thế giới vật chất để phục vụ cuộc sống. Vì sự khác nhau ấy mà phải mất một khoảng thời gian rất dài khoa học mới gặp được Phật giáo. Thời kỳ Phục hưng, thế kỷ Ánh sáng ở châu Âu thì Phật giáo chưa có mặt ở nơi đây, song nhờ có khoa học kỹ thuật phát triển, Phật giáo và khoa học đã gặp nhau. Khi Phật giáo tìm thấy lợi thế của khoa học thực nghiệm và ngược lại thì cả hai đều được bổ sung cho nhau và cùng phát triển. Einstein – nhà bác học vĩ đại đã thể hiện điều đó hết sức đáng khâm phục: “Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo vũ trụ. Nó sẽ phải vượt lên trên ý tưởng về một Thiên Chúa nhân hóa, và thoát khỏi các giáo điều và thần học. Bao trùm cả cái tự nhiên lẫn cái tinh thần, nó sẽ phải dựa trên một ý nghĩa tôn giáo sinh ra từ sự trải nghiệm tất cả các sự vật, tự nhiên cũng như tinh thần, coi như một tổng thể có ý nghĩa… Phật giáo đáp ứng được mô tả này… Nếu tồn tại một tôn giáo có thể phù hợp với các đòi hỏi cấp bách của khoa học hiện đại, thì đó chính là Phật giáo”.

Vì những giá trị to lớn của Phật giáo, năm 1999 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã quyết nghị chọn Phật giáo làm “Tôn giáo điển hình”, và để tôn vinh nhằm phát huy giá trị tích cực ấy, hàng năm Liên Hợp Quốc đã chủ trì tổ chức Đại lễ Vesak (Đại lễ Tam hợp Đức Phật vào ngày trăng tròn tháng Tư – Đức Phật đản sinh, Đức Phật thành đạo, Đức Phật nhập Niết-bàn) tại trụ sở chính và các trụ sở đại diện của Liên Hợp Quốc trên thế giới. Quyết nghị này chắc chắn không dễ gì đạt được khi nhiều tôn giáo có số lượng tín đồ và phạm vi hoạt động rộng lớn hơn Phật giáo. Song nghị quyết được chấp nhận đủ nói lên giá trị và ảnh hưởng của Phật giáo đối với đời sống xã hội.

Trước đối tượng Phật giáo vừa là tôn giáo, vừa là khoa học, tổ chức sinh hoạt Phật giáo cần đảm bảo phát huy tính tích cực của cả hai mặt ấy: Thứ nhất, tôn trọng Phật giáo là một tôn giáo để phát huy tính tích cực của tâm linh trong đoàn kết cộng đồng, giải quyết những trắc ẩn của cá nhân và cộng đồng theo Phật giáo trong cuộc sống. Song, cần nhận thức rõ để hạn chế dần việc làm biến thái, xuyên tạc, lợi dụng Phật giáo để mê tín hóa tín đồ, trục lợi cá nhân làm mất bản chất khoa học của Phật giáo. Thứ hai, tôn trọng Phật giáo là một khoa học, đối xử với Phật giáo như một khoa học và khuyến khích phát triển theo hướng phát triển khoa học để phục vụ con người và xã hội theo hướng tích cực. Ngày nay nhiều nhà khoa học đang nghiên cứu Phật giáo ở cả tính tôn giáo và tính khoa học. Nhiều nước đã mở trường đào tạo Phật học và nghiên cứu Phật giáo như là một khoa học phục vụ cuộc sống. Song, để rộng rãi xã hội thực sự khẳng định Phật giáo là một khoa học thì Phật giáo ngày nay còn cần nhiều sự thể hiện để tỏ rõ tính khoa học trong đời sống xã hội.

Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 175Hữu Tâm – Bùi Hữu Dược

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here