Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi THIỀN PHÁI TRÚC LÂM YÊN TỬ TỪ LUẬN GIẢI TRẦN NHÂN TÔNG

THIỀN PHÁI TRÚC LÂM YÊN TỬ TỪ LUẬN GIẢI TRẦN NHÂN TÔNG

241
0

Một ngôi sao sáng nhất trong thời Lý- Trần, gắn liền giữa vấn đề Phật giáo và vấn đề dân tộc. Nhà vua đã phát triển xã hội, đất nước từ chính tự thân với tư tưởng Phật giáo trong mối tương giao Tam giáo đồng nguyên. Trần Nhân Tông khai mở hoàn thiện thiền Trúc Lâm, mở ra tông phái Trúc Lâm Yên Tử trong sự phát triển nối kế của lịch sử Phật giáo từ thời đại nhà Lý đến nhà Trần. Tại sao Trần Nhân Tông được hậu thế sùng tôn là Trúc Lâm Đệ nhất tổ? Bài viết, hy vọng đem đến cái nhìn tiệm cận về thời Trần và người phát triển Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử thông qua hình ảnh Trần Nhân Tông.

THIỀN PHÁI TRÚC LÂM YÊN TỬ  TỪ LUẬN GIẢI TRẦN NHÂN TÔNG

Vương quyền tới thần quyền – Từ Trúc Lâm Yên Tử đến thiên hạ.

Trần Nhân Tông cũng như các vị vua khác trong giai đoạn Lý- Trần đều tôn sùng đạo Phật. Thời Trần, từ vua đến quan lại, sĩ dân, đạo Phật đã thành nếp văn hoá, mạch sống của con người. Lên ngôi từ rất sớm, Nhân Tông không muốn kế vị mà chỉ muốn sống theo đạo tu hành([1]). Ngôi vị bậc thánh nhân cũng chính là lấy cái muốn của muôn dân làm cái muốn của mình từ những lời tiên tổ Thái Tông đàm đạo với Quốc sư đại sa môn Trúc Lâm trong Thiền tông chỉ nam tự([2]). Điều đó, cho thấy giữa hai con người trong các vua Trần là vương quyền và thần quyền luôn tương trưởng. Vương quyền chính là triều đình, là cai trị xã tắc thống nhất, đánh đuổi xâm lược, mở rộng lãnh thổ về Nam… Thần quyền là phần hồn, phần tâm linh hướng thượng trong hệ tư tưởng của con người nhà vua. Đấy cũng như sau giấc mộng của Hoàng hậu thấy thần nhân trao cho hai thanh kiếm (神人授兩劍) mà nói rằng: Thượng đế có sắc ban cho người chọn (上帝有敕聽汝自擇) rồi hoài thai mà sinh Nhân Tông([3]). Khi sinh ngài ra, hương thơm khắp nhà, ánh sáng ngập đất, thân mang sắc vàng, cho nên, Thánh Tông mới gọi Nhân Tông là Kim Phật (聖宗以金佛為名)([4]). Đến sau này, Nhân Tông lại thường mộng thấy một đóa sen lớn như bánh xe nở trên rốn, mà trên tòa đó hiện hình đức Biến chiếu tôn 遍照尊([5]). Tất cả hiện lên màu sắc huyền bí nhưng hợp lý cho sự phát triển của con người trong tương quan giữa đạo pháp dân tộc của xã hội Phật giáo Đại Việt thời Lý- Trần.

Việc những giấc mộng gắn liền với vị vua cho thấy sự hợp nhất vương quyền và thần quyền trong con người Trúc Lâm Đệ nhất tổ Trần Nhân Tông. Bởi không chỉ Nhân Tông sinh ra như được báo trước từ giấc mộng hai thanh kiếm rồi đến Pháp Loa sinh ra cũng được báo mộng, khác chăng Pháp Loa được báo mộng là một thanh kiếm mà thôi([6]). Đồng thời, các vị tổ sinh ra đều hương thơm khắp chốn, ánh sáng khắp không gian mà chúng ta gặp bàng bạc trong các thần tích Việt Nam. Phải chăng, văn bản về các vị tổ có lẽ là những truyền thuyết sớm được ghi chép lại để tôn sùng sự uy linh của vương quyền và thần quyền mà biểu trưng là Đạo Phật nhập thế.

Bản thân Trần Nhân Tông nhiều lần từ chối làm thái tử nhưng Thánh Tông không cho, đến khi vững ngôi báu, đánh đuổi quân Nguyên xâm lược hai lần, rồi làm thái thượng hoàng điều hành đất nước và đợi cho Anh Tông trưởng thành, ngài mới xuất gia. Thực tế, thời gian trở thành một thầy tu đúng nghĩa xuất gia chỉ trong 8 năm, cho đến khi ngài thị tịch. Tuy nhiên, trong tám năm đó, bản thân là người nghiên cứu đạo Phật từ nhỏ, Nhân Tông đã thấm nhuần tư tưởng Phật giáo, nên có thể nói, thời gian xuất gia chính là giai đoạn ngài nghiền ngẫm và thấm nhuần tinh thần Phật giáo nhập thế. Lấy tinh thần từ bi hỉ xả cứu độ chúng sinh bằng cách bỏ các dâm từ, phát triển đạo pháp dân tộc cùng hòa hợp, Nhân Tông đã nhiều lần xin Đại Tạng Kinh, tuyên giảng kinh kệ, ngữ lục ở chùa chiền, thuyết giảng, đăng đàn truyền giới.

Truyền thống thiền phái Trúc Lâm đã thấm nhập tinh thần nhập thế vào chính truyền thừa tông thất nhà Trần. Từ Trần Thái Tông và Viên Chứng đến các vua Thánh Tông, đến Tuệ Trung Thượng sĩ Trần Tung… tạo nên mạch truyền thống phái và sự phát triển bền vững của đạo Phật thời Trần. Yếu tố thời đại cũng cho thấy, đến thời Trần, các mạch phái đạo Phật ở Đại Việt cũng suy vi, như: thiền phái Tì Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông… đã không còn thịnh trị và phát triển nối kết tông phái được như thời Lý nữa. Nhân Tông đã nối kết từ phái Trúc Lâm để mở rộng và ổn định tông phái, tạo nên mối gắn kết mật thiết giữa dân tộc và tôn giáo, giữa chính quyền vương quyền và thần quyền, tạo nên uy lực cho sự phát triển.

Bản thân Nhân Tông khi còn đương thế, ngài tự xưng là đại sĩ, là Trúc Lâm đại sĩ. Tức là ngài coi mình như một vị bồ tát tu theo hạnh đầu đà. Đến khi viên tịch, được ban tôn hiệu: Đại Thánh Trần Triều Trúc Lâm Đầu Đà Tịnh Tuệ Giác Hoàng Điều Ngự Tổ Phật. Trong Đoạn sách lục được biên soạn sau đó, mà bia tháp Viên Thông trên chùa Thanh Mai dựng năm 1362 ghi chép về Pháp Loa đãcho biết, khi Trần Nhân Tông truyền đăng cho Pháp Loa thành 竹林第二代(Trúc lâm đệ nhị đại)([7]), cùng truyền pháp y cũng như các pháp khí truyền đăng. Như thế, rõràng Nhân Tông đãđược coi là Đệ nhất tổ của Trúc Lâm Yên Tử chính từ thời ngài còn đương tại. Trong văn bia cũng như trong Tam tổ thực lục, Thánh đăng lục đều ghi ngài là đức Điều Ngự, cho thấy các văn bản đều tôn trọng và mang tính thống nhất trong biên soạn về con người hành trạng Nhân Tông.

Làm vua một nước, công huân đánh đuổi xâm lược, trí tuệ siêu phàm, Trần Nhân Tông là một thánh nhân vĩ đại thời Trần. Công uy của ngài bàng bạc khắp đất trời Đại Việt.Đại Việt sử kí toàn thư sau này bình luận về Trần Nhân Tông: “Vua nhân từ hoà nhã, cố kết lòng dân, thực là bậc vua hiền của nhà Trần”. Sau gần nghìn năm, khi cho in lại Tam tổ thực lục (1897), Diệu Trạm thiền sư đã có những lời nhận định trong phần duyên khởi cho lần Trùng san về chư tổ Trúc Lâm Yên Tử như sau:  陳家三祖同時修證者是一佛二菩薩一是法王御世者遜位投禪忘身為道且若禪機酬應果然明鏡不疲– Ba vị tổ nhà Trần cùng thời tu chứng, một vị là Phật, hai vị là bồ tát … Vị thứ nhất là Pháp vương chế ngự ở chốn đời, bỏ ngôi vua để theo thiền tông, quên thân mình vì đạo. Vả lại, Ngài là bậc Thiền cơ thù ứng, quả nhiên là gương sáng không tì vết… đã cho thấy Trần Nhân Tông là một vị vua ngồi ngôi Phật giữa triều đình, điều hành đất nước trên cơ sở vương quyền và thần quyền, định hướng tông giáo, tạo nên tính ổn định và phát triển của dân tộc Đại Việt.

THIỀN PHÁI TRÚC LÂM YÊN TỬ  TỪ LUẬN GIẢI TRẦN NHÂN TÔNG

Trần Nhân Tông và sự ổn định pháp phái

Yếu tố vương quyền và thần quyền tạo nên sự ổn định xã hội với uy quyền của người làm chủ đất nước và làm chủ tông phái. Theo Thiền uyển truyền đăng lục, Tam Tổ thực lục, Trúc Lâm Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục thì Nhân Tông kế nối tông chỉ từ Tuệ Trung Thượng Sĩ. Tuy nhiên, cũng trong Trúc Lâm Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục([8]), đã liệt kê truyền phái Trúc Lâm theo Lược dẫn thiền phái đồ, như sau:

Thông Thiền – Tức Lự – Ứng Thuận – Tiêu Dao – Tuệ Trung– Trúc Lâm – Pháp Loa – Huyền Quang.

Lại theo tờ 11a của Thiền uyển truyền đăng lục([9]) quyển hạ thì việc truyền thừa được ghi chép như sau:

Hiện Quang – Viên Chứng – Đại Đăng – Tiêu Dao – Huệ Tuệ – Điều Ngự Trần Nhân Tông – Pháp Loa – Huyền Quang

Lịch sử đã trải qua hàng nghìn năm, đến nay kiểm chứng lại còn nhiều điều bất cập nên việc truyền thừa này được nhìn nhận trên lý thuyết tương đối. Thực tế, bản thân Tuệ Trung là một cư sĩ, nên không thể truyền thụ giới cho Nhân Tông. Do đó, Nhân Tông nối tông pháp chỉ có thể là từ bậc Tăng nhân Huệ Tuệ truyền trao. Vấn đề, Nhân Tông đắc chỉ dòng Trúc Lâm và đã xiển dương pháp phái, mở rộng quy mô tạo nên tông phái Trúc Lâm Yên Tử. Cho nên, ngài đắc pháp và mở rộng quy mô, ổn định thanh quy, tạo nên sự phát triển của tông phái và bản thân được tôn sùng thành Đệ nhất tổ.

Trước hết sự ổn định pháp phải ở bản thân Nhân Tông là vua một nước, cai quản toàn bộ xã hội từ các cao tăng, thạc đức, các cư sĩ, nho sĩ, đạo sĩ… Tính định hướng của vị vua xuất thế hợp lí bởi bản thân ông tinh thông nội ngoại điển, nhiều lần thỉnh Đại Tạng kinh từ nhà Nguyên, như vào năm 1295 với hơn một vạn năm trăm ngàn cuốn kinh để phát triển đạo pháp Đại Việt. Điều này được chính sử nước ta cũng như Trung Quốc ghi lại([10]). Hơn thế, Đệ nhất tổ cho khắc in lại kinh sách, ấn tống cho tăng chúng học. Việc in khắc kinh sách này không chỉ bia Thanh Mai Viên thông tháp bi ghi lại mà cả Đại Việt sử kí toàn thư cũng cho biết vào tháng 8 năm 1299: “In các sách Phật giáo pháp sư, Đạo tràng tân văn và Công văn cách thức ban hành trong cả nước”.

Đồng thời, Ngài làm chủ đàn giảng giải kinh kệ. Tam tổ thực lục ghi lại: “興隆己亥七年十月徑入安子山精勤修學道十二頭陀行自號香雲大頭陀立支提精舍開法度僧學侶雲湊Tháng 10 năm Kỉ Hợi (1299) niên hiệu Hưng Long thứ 7, ngài đi theo đường nhỏ vào núi Yên Tử, mà tinh cần tu học theo mười hai hạnh đầu đà, tự đặt hiệu là Hương Vân đại đầu đà, lập Chi đề([11]), tinh xá, khai đàn thuyết pháp tiếp tăng độ chúng. Người học đua nhau đến rất đông…([12])

Có thể nói, thông qua việc đào tạo tăng tài, phát triển tông phái, in ấn kinh sách ấn tống, thỉnh Đại tạng… chính là công việc thống nhất giáo hội Phật giáo quy về một mối. Đây cũng chính là công việc vô cùng có ý nghĩa để truyền thống Trúc Lâm, cũng như các tông phái khác được phát triển dựa trên một tông phái chính là triều đình vương quyền với thần quyền của Trúc Lâm Yên Tử mà ngôi vị lớn nhất là Đệ nhất tổ Trần Nhân Tông. Thống nhất tăng chế, thanh quy, mở trường, khai lớp đã khiến cho Phật giáo Đại Việt đi vào quỹ đạo phát triển có định hướng. Điều này thuận lợi cho việc tuyển trạch tăng tài trong giai đoạn Lý- Trần cũng như về sau mà điển trưng là truyền khoa thi Tam giáo trong giai đoạn này. Đây cũng chính là mấu chốt quan trọng trong việc định hình nên vị Thiền gia Thạch trụ Trần Nhân Tông trở thành Trúc Lâm Đệ nhất tổ của Phật giáo thời Trần nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung.

Tuyến tính phát triển Trúc Lâm Yên Tử

Phần này chúng tôi tiến hành một giả định về tuyến tính phát triển của Thiền phái Trúc Lâm sau khi Trần Nhân Tông xuất gia và kế nối dòng thiền tại Yên Tử dựa trên tuyến tính phát triển đường sông – đường núi. Thực chất của tuyến tính này gắn liền với triều đình vua Trần có nguồn gốc từ Nam Định, tổ tiên làm nghề chài lưới. Đồng thời, sự vận chuyển đi lại của thời đại phong kiến chủ yếu bằng đường sông nước, nên chùa chiền miếu mạo nói chung mang tuyến tính đường sông nước và núi non là điều dễ hiểu.

Trước tiên chúng tôi thấy rằng dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử gắn liền và lấy dãy Yên Tử làm trung tâm phát triển. Núi Yên Tử có thể có cách gọi khác nhau như núi An Kì sinh, Linh Sơn, Lỗi Sơn, Phật Tích Sơn (chùa Thanh Mai)… Tuy nhiên, các phân nhánh núi này đều theo mạch kiến tạo kéo dài của dãy núi từ khu vực Quảng Ninh lên đến điểm cuối tận Lục đầu giang  nhưng vượt qua sông và gắn mạch ngầm qua Bắc Giang, Bắc Ninh, nên về sau hệ thống bia chùa Bút Tháp, chùa Tĩnh Lự còn ghi về mạch truyền của núi Yên Tử. Điều này minh chứng hệ thống chùa chiền dòng thiền Trúc Lâm đi theo tuyến tính núi Yên Tử kéo dài theo mạch lên khu vực Bắc Giang, Bắc Ninh.

Thứ hai, dòng thiền Trúc Lâm gắn liền với tuyến tính các dòng sông. Có lẽ, cách đây một nghìn năm, hệ thống sông nước và đồng bằng ao hồ cũng khác bây giờ, nhưng những con sông còn lại hoặc chăng dựa trên tài liệu Hán Nôm, hoặc chăng trên căn cứ nghiên cứu thị sát.

Tuyến đầu tiên về đường sông gắn liền với các chùa theo mạch di chuyển của dòng thiền cũng như chùa chiền là chùa Siêu Loại. Điều dễ nhận ra là Trần Nhân Tông thường về chùa Siêu Loại giảng kinh, hoặc chùa Vĩnh Nghiêm, qua chùa Sùng Nghiêm ở núi Lỗi Sơn, chùa Tú Lâm ở ngọn An Kì Sinh mà nay chúng ta thường gọi là Yên Tử hoặc Am Ngọa Vân. Tuyến tính này cho thấy Ngài (có thể) đi theo sông Đuống đến chùa Siêu Loại, hoặc đi qua sông Lục Nam, hoặc đến Sông Lục Đầu rồi lên chùa Vĩnh Nghiêm. Từ sông Lục Đầu, theo sông Kinh Thầy qua phân nhánh sông nhỏ có thể về chùa Quỳnh Lâm hoặc lên núi Phật Tích chùa Thanh Mai.

Đồng thời một tuyến tính đường sông nữa mà ngài đi là từ dãy núi Yên Tử trên các tổ đình, các am, tự viện ngài có thể đến phủ Hưng Long (Thái Bình) dựa trên đường thuyền đi sông Thái Bình. Việc này cũng rất thuận tiện sang chùa Phổ Minh ở Thiên Trường giảng kinh kệ: kinh Pháp Hoa hoặc kinh Hoa Nghiêm các hội. Ngoài việc đi Thái Bình, Nam Định qua sông Thái Bình khi ở Vĩnh Nghiêm hoặc Yên Tử, từ Thăng Long thì thuyền có thể đi theo dòng sông Hồng để xuống. Như thế, các tuyến tính đều có điểm nối kết.

Phân định tuyến tính đi lại cũng chính là phân định tuyến tính phát triển dòng Thiền. Đồng thời là sự kiểm soát của triều đình với Phật giáo. Nó cũng chính là sự bao trùm của Trần Nhân Tông, phát triển Trúc Lâm Yên Tử với một giáo hội đầy đủ các chức năng quản lývà phát triển tông giáo khắp cả nước. Sự ổn định không những trong không gian Đại Việt trên cơ sở tuyến tính phát triển mà con vươn rộng ra các địa phương khác như am Tri Kiến tận trại Bố Chính([13]). Tất cả cho thấy vị thế của vị Trúc Lâm Đại Đầu đà – Trúc Lâm Yên tử  Đệ nhất tổ Trần Nhân Tông.

Truyền thừa tông giáo từ Trần Nhân Tông đến các tổ

Nhân Tông xuất gia, đi khắp nơi dẹp dâm từ, thí hành thập thiện, hướng đạo văn nước nhà, cứu khổ cho muôn dân. Trong một lần du hoá, Trần Nhân Tông đã gặp Thiện Lai mà sau này đặt tên hiệu là Pháp Loa. Biết Thiện Lai là bậc có pháp khí, có khả năng truyền đăng tục diệm, thiệu đăng tông phong, Nhân Tông đã rất vui nhận làm đệ tử. Về sau, nhân duyên nhận Huyền Quang cũng thế. Huyền Quang theo làm thị giả cho Bảo Phác, Nhân Tông nhìn thấy, mới bảo Huyền Quang theo ngài. Từ đó, Huyền Quang theo thị giả cho Nhân Tông. Nhân duyên với đạo đã gắn ba vị tổ lại thành một tuyến tính, một mối liên kết lấy Đệ nhất tổ Trúc Lâm Trần Nhân Tông làm trung tâm. Hai vị lại sau đều là đệ tử, mà trong rất nhiều tranh minh họa kinh sách Phật giáo đều vẽ khắc lại hình Nhân Tông ở giữa, hai bên là Pháp Loa và Huyền Quang([14]). Đến như việc giảng dạy, việc hướng dẫn tu tập… Nhân Tông cũng rất chăm chú chỉ dẫn cho học trò, nào đọc kinh gì, điểm nhãn để Pháp Loa chứng ngộ, vì Pháp Loa thuyết giảng Đại Tuệ ngữ lục….([15]). Sau, khi Nhân Tông thị tịch, làm Lễ Vu lan cầu siêu thoát, Pháp Loa nhắc nhở Huyền Quang: “Di chúc của Điều Ngự, ngươi quên rồi ư?”, cho thấy, sự gắn kết và truyền thống truyền đăng tục diệm của chư tổ([16]). Trước, Nhân Tông đã ban cho Pháp Loa ‘Kinh sử ngoại thư”trăm hòm cùng Đại tạng tiểu thừa gồm hai mươi hòm chích máu viết, cùng sau này, Anh Tông lại giao tiếp cho Đại tạng kinh 500 hòm nữa([17]). Tất cả số kinh sách này cho thấy: Nội điển được các sư tham học và sử dụng rất nhiều. Đây cũng chính là cơ sở cho sự phát triển tư tưởng Phật giáo thời Trần cũng như nhiều sách Công văn – Thích điển mà đến nay tăng chúng vẫn dùng có căn nguyên từ giai đoạn này([18]).

Điều đặc biệt Thanh Mai Viên Thông tháp bi còn ghi lại một cuộc giao phó ngôi trụ trì cũng chính là truyền giao ngôi Đệ nhị tổ ở chùa Siêu Loại giữa Điều Ngự Trần Nhân Tông với Pháp Loa để chúng ta nhìn nhận về lễ nghi tôn giáo phát triển triều Trần: “Ngày 1 tháng giêng năm Hưng Long thứ 16 (1308) Sư phụng mệnh làm lễ truyền thừa Tự pháp trụ trì Cam Lộ đường chùa Siêu Loại, liệt vị các tổ, tấu đại nhạc, thiêu hương thơm, Điều Ngự dẫn Sư bái tổ đường, lễ xin cháo xong, lại mệnh tấu nhạc, đánh chuông pháp, tập hợp đại chúng, lên pháp đường. Bấy giờ, Anh Tông xa giá đến chùa, sắp xếp ngôi vị chủ khách. Anh Tông là một đàn việt lớn trong Phật pháp nên ngồi ngôi vị khách, ở trên pháp đường, trên quan tể tiếp đến quan thứ liêu, đều ngồi dưới sân. Điều Ngự lên tòa thuyết pháp, thuyết xong thì xuống, giúp sư (Pháp Loa) lên trên toà. Điều Ngự đối diện chắp tay vấn tấn, Sư đáp lại bằng lạy tạ, nhận pháp y rồi mặc lên người, Điều Ngự bèn ra ngồi bên ghế hướng bên mà nghe sư thuyết pháp. Lấy chùa Siêu Loại thuộc sơn môn Yên Tử mệnh cho Sư kế nhiệm trụ trì làm Trúc Lâm đời thứ 2([19]). Qua hành lễ cho thấy, sự chuyển giao thế hệ không chỉ trong sơn môn pháp phái mà còn được sự minh chứng của vua Anh Tông cũng như quan lại triều đình là các bậc đàn na tín thí về vị Đệ nhị tổ Pháp Loa tại chùa Siêu Loại.

Truyền thừa các tổ Trúc Lâm từ y bát cùng thư, tâm, kệ giao phó lại cho Pháp Loa và dạy phải hộ trì Phật pháp. Việc truyền thừa này là qua trao truyền pháp kệ của các tổ, chứ không đồng nhất với bài kệ truyền khi thị tịch. Bởi thị tịch là tiếng nói cuối cùng ở đời để rồi thiền tăng thoát li khổ hải về với chốn Phật. Các bài kệ không được nhắc đến trong các thư tịch Phật giáo như Thánh đăng lục, hoặc Tam tổ thực lục, bởi có sự biên soạn qua lại, thêm bớt về sau. Trong Kiến tính thành Phật, tờ 50a-50b do Chân Nguyên soạn, một thiền sư kế nối tông Trúc Lâm Yên Tử thời Lê, tu tập ở chùa Long Động – Hoa Yên trên núi Yên Tử đãghi chép lại các bài kệ truyền thừa. Dưới đây là bài kệ từ của Trần Nhân Tông:

故越國竹林第一祖淨慧調御覺皇了一偈

我佛本無一

心法亦不二

八字直打開

一乘無巴鼻

Dịch nghĩa: Cho nên, Trúc Lâm Đệ nhất tổ Tịnh Tuệ Điều Ngự Giác Hoàng nước Việt hiểu rõ bằng một bài kệ:

Ta và Phật vốn không là một

Tâm và pháp cũng chẳng phải là hai

Tám chữ thẳng thắn mở ra

Một cỗ xe nhất thừa không sở đắc([20]).

Đến bài kệ của Đệ nhị tổ Pháp Loa Phổ Tuệ đại sư:

心法等空花

佛我如電拂

舉起遍十方

滅了無可得

 Dịch nghĩa:

Tâm và pháp như hoa không

Phật và ta như điện xẹt qua

Nhìn khắp cả mười phương

Diệt hết không thể được.

Bài kệ của Đệ tam tổ Huyền Quang tôn giả:

悟道無住心

見性無住佛

心佛非兩端

本來無一物   

Dịch nghĩa:

Ngộ đạo không trú tâm

Thấy tính chẳng ở Phật

Tâm và Phật chẳng phải hai đầu mối

Xưa nay không một vật.

 Trong Kiến tính thành Phật, sắp xếp các bài kệ này nối liền với truyền thống kệ truyền của các tổ Phật Tây phương đến sáu vị tổ Thiền tông Đông độ. Việc kế nối kệ truyền mang tính chất xuyên suốt tư tưởng Tâm, Tính và Phật tính, Phật, Pháp trong mỗi thiền sư. Quán xuyến tất cả vẫn là chư tổ nối chư tổ, các bậc cổ đức đàm đạo với nhau bằng vô ngôn mà thông. Truyền đèn nối lửa, tạo nên truyền thống Trúc Lâm Yên Tử bằng mạch dây kiến tính thành Phật từ Nhân Tông đến Huyền Quang và các thế hệ về sau. Đây cũng chính là điểm tạo nên truyền thống Trúc Lâm và Nhân Tông Đệ nhất tổ trong lịch sử Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung.

Sơ luận tư tưởng Trần Nhân Tông

Nhân Tông, từ ngôi vị hoàng đế đến ngôi vị Phật hoàng; từ vương quyền đến thần quyền… trên phương diện nào thì con người Nhân Tông vẫn hiển hiện với tư tưởng, tình cảm và con người Đại Việt, lấy vận mệnh đạo pháp và dân tộc hòa chung trong một bản trường ca là Phật giáo Nhập thế. Xét bình diện tư tưởng Phật giáo, Thiền sư Nhân Tông đã ngồi trên tòa sen cửu phẩm, ngôi giữa mà hai bên là nhị và tam tổ thị giả trong truyền thống Trúc Lâm.

Tính từ kệ truyền thừa đã trích dịch ở trên, cho thấy mạch nguồn nối kết các tổ chính là vấn đề liễu rõ bản Tâm, vấn đề Tâm Tính, vấn đề tự thân và Phật là đồng dị… Nhân Tông khi đã hiểu rõ “sinh diệt diệt dĩ, tịch diệt vi lạc”– tám chữ đó thì mọi sự đã được viên thông. Khi đó Phật chính là Nhân Tông, Tính chính là Nhân Tông, Tâm pháp là Nhân Tông, đều bất nhị. Từ đồng nhất thể, thân và Phật để thấy rõTâm pháp cũng chẳng phải là sai biệt, Nhân Tông kế nối truyền thống chư tổ thiền để luận thuật tâm tông. Một tác phẩm khác là “Cư trần lạc đạo” Nhân Tông đã viết:

了真如信般若莫尚尋佛祖西東

證實相達無為何勞問經禪南北

Rõ chân như, tin Bát nhã, chớ cần chi tìm Phật TổTây Ðông.

Chứng thật tướng, đạt vô vi, đâu nhọc hỏi kinh thiền Nam Bắc([21]).

Sau đó, Chân Nguyên Thiền sư nhận định về Tâm Tính học của Trúc Lâm Đệ nhất tổ : “Khiến người người phản bản hoàn nguyên, cho kẻ kẻ hồi quang tự ngộ. Chỉ chín chắn quán xét sâu xa, rõ được tột người người là Phật, ngộ tâm tông Phật Phật là người. Xin hãy đến thẳng đó đương đảm, chớ chạy đuổi bên ngoài tìm kiếm”. Đây cũng chính là tông chỉ truy tìm tự thân của Phật giáo Trúc Lâm. Vấn đề Bản Tâm, Tâm Tính. Tu là chuyển nghiệp, nhưng chuyển về đâu? Tâm là Phật, vậy an tâm thế nào? Các câu hỏi đặt ra cũng chính làcâu trả lời như bài kệ “八字直打開一乘無巴鼻 bát tự trực đã khai, nhất thừa vô ba tị” của Trần Nhân Tông như đúc kết cho liễu giải của ngài vềTâm, về Phật để quán suốt xưa nay không một vật, đồng với chư Phật, chư tổ!

Thực chất Tâm Tông đó là nối từ chư tổ Thiền tông đến người học đạo –Thiền sinh. Bản thân Nhân tông được Chân Nguyên Thiền sư trong Bát nhã chính tông ca nhận định về đạo học đấy là nhìn thẳng vào bản tâm, như sau:

TổTrúc Lâm chỉ thẳng tâm

Điều Ngự tông giáo xưa mà nay([22])

Vấn đề Tâm trong tư tưởng Phật giáo Trần Nhân Tông là một xuyên suốt để nhìn thấy ánh sáng giác ngộ, nhìn thấy con đường chứng đạt về cội nguồn chư Phật, cứu độ tự thân. Tâm chính là lòng người, là tâm thể, là bản tâm. Trong Cư trần lạc đạo, Nhân Tông nhiều lần đề cập đến tâm – lòng:

Dừng tam nghiệp mới lặng thân tâm

Đạt một lòng thì thông Tổ giáo.

Đấy chính là lòng tự tại, lòng thông suốt trong veo thanh tịnh chứng đạt vô vi.  Sự chứng đạt này dựa trên nền tảng của cái bình thường Tâm  thị đạo mà Phật đã truyền qua Đông Độ từ Đạt Ma đến Lục tổ thìThiền tông thịnh trị. Mã Tổ Đạo Nhất đề xướng bình thường tâm thị đạo tạo nên tông phong các phái y theo tu tập để giác ngộ thiền cơ. Nhân Tông hiểu rõ lẽ nhân sinh qua nhân sinh quan của bậc Thượng trí đứng đầu quốc gia dân tộc, ngài hiểu rõ lẽ thiền kế đăng thần quyền tông giáo để nhận định vấn đề con người:

Cư trần lạc đạo thả tùy duyên

Cơ tắc san hề khốn tắc miên

Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch

Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.

Chỉ với một chữ Tâm đã quán suốt toàn bộ tư tưởng thể hiện trên hệ thống tác phẩm cũng như hành trì vận đạo vào cuộc sống thường nhật của Trần Nhân Tông Trúc Lâm Đệ nhất tổ. Câu cuối của “Cư trần lạc đạo” như đúc kết tất cả: “đối cảnh vô tâm đừng hỏi về Thiền” đã nói lên tông chỉ về bản thể triết học, tư tưởng Trần Nhân Tông về vấn đề chân như, bát nhã, thực tướng… tất cả đều từ Tâm mà ra.

Tạm kết

Phật giáo từ tự giác giác tha, đến giác hạnh viên mãn cũng như đạo Nho ban đầu phải là tự tu. Trần Nhân Tông từ vấn đề tự thân ngài đã đưa lên thành vấn đề quốc gia dân tộc. Từ vấn đề của cá nhân, đến Điều Ngự Phật đã thành, mang tính chất xuyên suốt, tạo nên tông phong Trúc Lâm Yên Tử. Nhân Tông đã thống nhất đạo Phật về một mối với tính chỉnh thể, gắn liền đạo – đời. Từ vương quyền với thần quyền để giải quyết các vấn đề quốc gia dân tộc, Nhân Tông đã nối kết lòng người không chỉ trong nước mà cả biên cương, không chỉ thời gian mà cả không gian để ngài mãi mãi là Thiền gia long tượng của người Việt.

Viết tại Thiền Phong viện: nguồn: dacsansuoinguon.org



[1]. Thiền uyển truyền đăng lục, (VHV.9) cho rằng, năm Nhân Tông 16 tuổi, đã ba lần từ chối làm Thái tử (固辞再三cố từ tái tam) mà Thánh Tông không đồng ý.

[2]. Nguyên văn: 凡為人君者以天下之欲為欲以天下之心為心Phàm vi nhân quân gi, dĩ thiên h chi dc vi dc, dĩ thiên h chi tâm vi tâm  Phàm là bậc vua phải lấy cái muốn của thiên hạ làm cái muốn của mình, lấy tấm lòng của thiên hạ làm lòng mình.… (Trần Thái Tông ngự chế Khoá hư, bản in, Việt Nam Phật điển tùng san, 1943).

[3]. Theo Đệ nhất tổ thực lục, tờ 1a, sách Tam tổ thực lục, bản in của Diệu Trạm thiền sư năm 1897. Sau này trong Thiền uyển truyền đăng lục tờ 8b, quyển hạ, Phúc Điền hoà thượng, bản in, kí hiệu VHV. 9, Viện Nghiên cứu Hán Nôm có nhắc lại.

[4]. Theo Đệ nhất tổ thực lục, tờ 1b, sách đã dẫn và trong Thiền uyển truyền đăng lụctờ 8b, quyển hạ, sách đã dẫn.

[5]. Theo Đệ nhất tổ thực lục, tờ 2a, sách đã dẫn và trong Thiền uyển truyền đăng lụctờ 8b, quyển hạ, sách đã dẫn.

[6]. Xem “Thanh Mai Viên Thông tháp bi”, thác bản tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, trong Văn khắc Hán Nôm thời Trần, Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

[7]. Theo Thanh Mai Viên Thông tháp bi, thác bản lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

[8]. Trúc Lâm Tuệ Trung thượng sĩ ngữ lục, bản in năm 1683, bản in lại của Diệu Trạm Thiền sư năm 1897 tại chùa Pháp Vũ huyện Ninh Giang tỉnh Hải Dương.

[9]. Thiền uyển truyền đăng lụctờ 8b, quyển hạ, Phúc Điền Hoà thượng, bản in, kí hiệu VHV. 9, Viện Nghiên cứu Hán Nôm sách đã dẫn.

[10]Toàn tập Trần Nhân Tông, Lê Mạnh Thát,  trang 484, Nxb. Tổng hợp  TP. Hồ Chí Minh, 2006.

[11]. 支提Chi đề, phn ng CAITYA, còn gi là Chế đề, chế đa : nơi t tp tăng chúng li để ging gii, tương t vi chùa, vi tháp làm trung tâm.

[12]. Tam tổ thực lục, tờ 3a, Đệ nhất tổ thực lục, bản in bởi Diệu Trạm năm 1897, sách đã dẫn.

[13]. Tam tổ thực lụcghi: 至布政寨立知見庵以居(Chí B Chính tri, lp Tri Kiến am dĩ cư) Đến tri B Chính, lp am Tri Kiến để , t 3a, Đệ nhất tổ thực lục, sách đã dẫn.

[14]. Như tranh bìa sách Tam tổ thực lục, Kiến tính thành phật, sách đã dẫn.

[15]. Thanh Mai Viên Thông tháp bi, đã dẫn.

[16]. Thanh Mai Viên Thông tháp bi, đã dẫn.

[17]XemThanh Mai Viên Thông tháp bi, đã dẫn.

[18]Như các sách: Thích điển biện công văn, Tạp tiếu chư khoa, Bảo Đỉnh hành trì…

[19]. Thanh Mai Viên Thông tháp bi, Tam tổ thực lụcđều ghi lại việc này.

[20]. Nguyên văn 無巴鼻(Vô ba t): Đại ý cái ch vô sở đắc như Đức Dị Đàn Kinh tự có câu: Tận đắc vô ba tị (dẫn theo Phật học Đại từ điển – Đinh Phúc Bảo).

[21]. Kiến tính thành Phật, A. 2570, sách đã dẫn. Điều lạ là, trong Kiến tính thành Phật dẫn rằng: “cố Cư trần Điều Ngự tổ vân – cho nên trong Cư trần, tổ Điều Ngự nói”, nhưng rõ ràng khi chúng tôi so sánh với Cư trần lạc đạo, bản in của Sa di ni Diệu Thuần năm Cảnh Hưng 6 (1745) thì thấy có sự dị biệt với văn bản Hán trong Kiến tính thành Phật: Biết chân như tin bát nhã, cần chi tìm Phật Tổ Tây Đông, Chứng thật tướng, đạt vô vi, đâu nhọc hỏi kinh thiền Nam Bắc. (Cư trần lạc đạo, hội 4, câu 48, 49).

[22]. Bát nhã chính tông ca, trong Kiến tính thành Phật, bản A. 2570, sách đã dẫn.

 Tài liệu tham khảo:

Tam tổ thực lục kí hiệu A. 786 Viện Nghiên cứu Hán Nôm (và bản Tam tổ thực lục, bản in bởi Diệu Trạm Thiền sư chùa Pháp Vũ, huyện Ninh Giang, Hải Dương năm 1897).

Thiền uyển truyền đăng lục, Phúc Điền hoà thượng, kí hiệu VHV. 9, Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

Khoá hư lục, bản in bởi Việt Nam Phật điển tùng san, Hà Nội. 1943.

Kiến tính thành Phật, Chân Nguyên thiền sư, kí hiệu A. 2570, Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

Thanh Mai Viên Thông tháp bi chùa Thanh Mai.

Đại Việt sử kí toàn thư NXB. KHXH- 1998.

Lược khảo tư tưởng Thiền Trúc Lâm Việt Nam, Nguyễn Hùng Hậu, NXB. KHXH, H.1997.

Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Viện Triết học, NXB. KHXH, H.1988.

Tam tổ Trúc Lâm giảng giải, Thích Thanh Từ, NXB. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2005.

Toàn tập Trần Nhân Tông, Lê Mạnh Thát, NXB. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2000.

Toàn tập Trần Thái Tông, Lê Mạnh ThátNXB. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2004.

Lịch sử Phật giáo Việt Nam, từ LýThánh Tông (1054) đến Trần Thánh Tông 91278), Lê Mạnh Thát, NXB. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2000.

Việt Nam Phật giáo sử luận, Nguyễn Lang, NXB. Văn học, H. 2000.

 Thơ văn LýTrần, tập II, Viện Văn học, Quyển thượng. NXB. KHXH, H.1989.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here