Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Thế nào là một người có văn hóa

Thế nào là một người có văn hóa

190
0

Chúng ta nói đến 4 thành phần, 4 lĩnh vực của con người là thân thể, tình cảm, trí năng và tâm linh. Một cách tổng quát văn hoá là việc nuôi dưỡng bốn thành phần ấy và làm cho chúng tiến hoá; tiến hoá đến mức độ đủ để làm người thì chúng ta gọi người ấy là có văn hoá, có nhân cách. Ở đây chúng ta cũng theo bốn thành phần, bốn tầng lớp ấy để tìm cách xác định một số đặc tính của người có văn hoá, được văn hoá “vun trồng và làm cho phát triển”.

1. Lĩnh vực thân thể: thân thể của một con người có văn hoá được xác nhận bởisự tự chế, điều tiết và sinh động, linh hoạt của nó (những chữ in nghiêng trong toàn bài là để chỉ những tính chất của người có văn hoá). Chúng ta đều thấy ngược với “tự chế, điều tiết” là “buông thả, bị bản năng thống trị” và “sinh động, linh hoạt” là “trì độn, lười biếng, uể oải, ù lì”.

Những cái ngược lại đó chúng ta đều thấy là xấu, là “kém giá trị”. Do sự tự chế, điều tiết này mà có một thân thể sạch sẽ (khác với dơ bẩn, là cái kém văn hoá), có một phong cách lịch sự, tao nhã (ngược với thô lỗ, tuềnh toàng), đẹp đẽ, sáng sủa (ngược với tối tăm), trật tự chỉnh tề (ngược với cẩu thả, rối loạn).

Dù Tây hay Đông, bản sắc văn hoá có khác nhau nhưng chẳng ai khen những tính cách sau và chê những tính cách trước cả. Chẳng hạn, Đức Đạt Lai Mạt Ma khi chào hỏi thì chắp tay theo Đông phương chứ ít khi bắt tay như Tây phương, nhưng người Đông hay Tây đều đồng ý hành động, cử chỉ của Đạt Lai Lạt Ma là lịch lãm, thân mật. Người Việt ta có câu “học ăn, học nói, học gói, học mở” nói về sự học hỏi các cử chỉ thân thể như thế nào cho nó có văn hoá văn minh.

Chỉ nêu hai tính chất của thân thể, nhưng chúng ta cần thấy rằng cả bốn thành phần của con người thì ăn thông với nhau, tác động lẫn nhau, bao trùm lẫn nhau. Thế nên hai tính chất ấy của thân thể không phải là sự hoàn thiện riêng của thân thể, mà là đi cùng với hai thành phần trên, tình cảm và trí năng. Với Phật giáo cũng như với minh triết phương Đông, thân và tâm là một, là hai mặt của cùng một thực tại con người.

Cho nên, nếu lớp trẻ ngày nay bắt chước “cuộc cách mạng tự do tình dục” của Âu Mỹ vào những năm 60 đến 70 của thế kỷ trước (mà ngày nay Tây phương thấy là sai lầm nên đã bỏ) rồi thì cũng “tự do” đối với thân thể mình, “thân thể tôi lung tung dễ dãi như vậy nhưng tâm hồn tôi không như vậy” là sai lầm. Tôi đem thân tôi cho ai có nghĩa là tôi đem tâm hồn tôi cho người đó, thân tôi không còn trong trắng nghĩa là tâm tôi cũng đã mất đi một phần trong trắng. Thân tâm nhất như của Phật giáo là như vậy.

Lĩnh vực thân thể, mặc dầu giới hạn nhất vì thuộc về thế giới vật lý vẫn có thể phát triển đến tột cùng của nó. Chẳng hạn sự phát triển thân thể của Phật là 32 tướng tốt và 80 tướng phụ phản ánh những hành vi và ý nghĩ tốt của Ngài. Ở mức độ được chuyển hoá cao, thân thể là lãnh vực hoạt động trong thế giới vật lý của một con người cao cả. Hoạt động ấy thuật ngữ Phật giáo gọi là Hạnh.

2. Lĩnh vực tình cảm: Chúng ta kê ra vài đặc tính mà ai cũng thấy là tốt.

Biết hổ thẹn (tàm quý, thuật ngữ Phật giáo), xúc động và đam mê sự cao cả, cái đẹp chân lý, tính anh hùng… (Phật giáo gọi là Dục như ý túc, nguyện) khoan hoà và anh hùng, từ bi hỷ xả, nhẫn nhục, nỗ lực, sùng mộ, hướng thượng…

Chẳng hạn nhiều người Việt có đức tính cần cù. Cần cù là sự chịu đựng gian khổ (nhẫn nhục) để vượt qua, vượt lên (tinh tấn). Với Phật giáo thì cả hai cần có thêm trí tuệ để soi đường và tình thương (từ bi) làm động lực, mới hoàn hảo hơn. Chẳng hạn trong vụ cựu Tổng thống Clinton có quan hệ tình dục với cô thực tập sinh tại Toà Bạch ốc, bà Hillary Clinton có một xử sự có văn hoá: chắc hẳn sẽ ghen tuông lắm vì nghe lại vụ việc qua băng được thu lại từng chi tiết, nhưng bà đã tự chế, nhẫn nhục, đối xử cao thượng, khoan dung và anh hùng. Về phần ông cũng thế, xin lỗi vợ con và công khai xin lỗi công chúng. Kết quả là cả hai vượt qua được cơn sóng gió, bảo vệ được nhân cách và địa vị.

Lĩnh vực tình cảm có thể phát triển rất rộng lớn, vì đã vượt khỏi lĩnh vực vật chất, như tình yêu nhân loại, tình yêu khoa học, nghệ thuật…

3. Lĩnh vực trí năng: Chúng ta có thể lấy những tính chất chức năng của hai bán cầu não để tìm cách hoàn thiện. Bán cầu phải: trực giác, phi logic, nghệ thuật, nữ tính, tưởng tượng… bán cầu trái: phân tích, logic, kỹ thuật, nam tính… ở đây chúng ta chỉ nói vài đặc tính chung:

Trí nhớ và sự phân biệt đánh giá, chọn lọc: có thể hiểu là thông tin và xử lý thông tin. Ở mức độ con người, điều căn bản là phải biết nhìn khách quan, biết phân biệt đúng sai, tốt xấu, thiện ác.

Sự tập trung (Phật giáo gọi là định, sammatha). Một thí dụ nhỏ là có những người tâm thường tán loạn, khi nói chuyện không tập trung được vào một chủ đề, thành thử mất nhiều thì giờ mà cả hai không ích lợi.

Trí tưởng tượng, sự quan sát bằng cách hình dung (Phật giáo gọi là quán, vipassana). Sự tập trung và tưởng tượng là hai khả năng căn bản của con người, khiến nó cao cấp hơn loài vật và đưa đến sự sáng tạo, biến đổi chính nó và thế giới. Như vậy là khi con người tiến hoá nó làm cho thế giới tiến hoá theo.
Hiện nay lãnh vực trí năng của nhân loại, mà giới trí thức Tây phương gọi là trí quyển (noosphere) vẫn đang phát triển từng giờ, từng ngày.

Đến một lúc nào của sự phát triển, chúng ta thấy hai lĩnh vực tình cảm và trí năng, dù cao hơn lĩnh vực thân thể, gặp phải giới hạn. Đây là giới hạn của chính hai lĩnh vực đó. Chẳng hạn tình thương và cái đi kèm với nó là sự hy sinh (đây là điều mà chúng ta gọi là tính anh hùng ở trên) ở lĩnh vực thứ hai luôn luôn gặp một chướng ngại giới hạn nó lại là sự ích kỷ “cái ta”, khiến chúng ta chỉ có thể thương yêu được những người thân, thương được những người mình thích, thương được đất nước của mình.

Còn một tình thương rộng lớn hơn, vượt khỏi biên giới của “tôi và cái của tôi”, không cần do cái gì cả (vô duyên từ bi) thì đành chịu. Ở lĩnh vực trí năng cũng thế, có mở rộng đến đâu, có biết nhiều đến đâu cũng không thể thoát khỏi sự phân đôi chủ thể và đối tượng, vì luôn luôn có một cái tôi ở đó. Trong vật lý lượng tử hiện đại, điều này được chứng minh rõ: sự quan sát của người quan sát luôn luôn tác động vào đối tượng được quan sát, bởi thế đòi hỏi thấy được một tiến trình khách quan tuyệt đối thì không thể.

Lĩnh vực tình cảm đạt đến mức cao độ (đam mê, ngưỡng mộ, sùng tín cái tuyệt đối) cộng với lãnh vực trí năng đạt đến mức cao độ (thiền định và thiền quán) sẽ phá vỡ vách ngăn che chướng giữa ba lĩnh vực thấp với lĩnh vực ở trên, chúng là lãnh vực tâm linh: người ta sẽ thực sự biết lĩnh vực tâm linh là cái gì, dù khi diễn tả họ sẽ diễn tả theo nền văn hoá riêng của họ.

Cũng cần nói rõ thêm khi nói “lĩnh vực tình cảm hay trí năng đạt đến cao độ” cũng có nghĩa là hai lãnh vực đó được tịnh hoá (purification). Trong lịch sử nhân loại chúng ta thấy có những người đã đạt đến lãnh vực thứ tư, lãnh vực tâm linh, đó là những bậc Thánh, bậc Giác ngộ. Và chính lĩnh vực tâm linh là nguồn cội sâu xa nhất của loài người, cho nên những vị đã đạt đến đó, dù có nhiều mức độ khác nhau, đã trở thành những vị thầy, những nhà thầy biết, những đạo sư của một phần nhân loại, và tất cả nhân loại đều phải tham khảo, nghiên cứu.

4. Lĩnh vực tâm linh. Đây là lĩnh vực các tôn giáo, như chúng ta hiện biết.

Cũng phải thấy rằng có những thể nghiệm cao cấp hơn, và cũng có những tôn giáo ít toàn diện hơn, những thể nghiệm ở cấp độ thấp hơn và kém phát triển hơn. Lĩnh vực này không chỉ dành riêng cho những người “mặc áo” tôn giáo. Các nhà thờ, nhà văn, các nghệ sĩ, các khoa học gia, các nhà chính trị cũng đạt đến cấp độ dưới của lãnh vực tâm linh. Chẳng hạn Walt Whitman, thi sĩ Mỹ, Tagore của Ấn Độ, Nguyễn Du của Việt Nam.

Lĩnh vực này vượt lên cả ba lĩnh vực kia, nên ba lĩnh vực trước không thể hiểu trực tiếp và trọn vẹn được. Những lời dạy của những vị ở lãnh vực này không thể hiểu bằng trí năng mà chỉ có thể chứng nghiệm bằng cách sống với chúng bằng toàn bộ thân tâm mình ở mức độ cao nhất. Chính ở lĩnh vực này, ba lĩnh vực trước mới được phát triển đến cùng tột: thân thể trở nên hoàn hảo, tình thương trở nên vô hạn, không còn bị chướng ngại bởi vật chất, và trí năng không còn bị giới hạn trong nhị nguyên chủ – khách. Lĩnh vực này rất rộng lớn, và do đó có thể giải phóng cho những giới hạn của ba lĩnh vực trước và có giá trị cao nhất vì đưa cả ba lĩnh vực tới chỗ toàn thiện của chúng.

Ở Đông Á, có những danh từ cao đẹp nhất để chỉ người đã hoàn thiện ở lĩnh vực này: bậc chí nhân, chân nhân, thánh nhân, bậc giác ngộ… Chúng ta cũng cố nêu lên vài đặc tính của các vị này: bi (hay theo Khổng giáo là nhân), trí, dũng, phương tiện (khả năng giúp đỡ muôn loài)…Tính đại đồng, tính phổ quát, tính chung (universality) là một đặc tính ở cấp độ tâm linh.

Chẳng hạn tính bình đẳng là một niềm mơ ước của con người. Nhưng ở cấp độ thân, tình, trí, các cấp độ bình thường của đời sống con người, cùng lắm là chỉ có thể thực hiện được sự công bình nhờ pháp luật, còn bất bình đẳng luôn luôn có mặt: anh cao lớn hơn tôi, thông minh hơn tôi, giàu có hơn tôi. Nhưng ở cấp độ tâm linh, người ta thực hiện được, chứng nghiệm được tính bình đẳng dù cho bao nhiêu sai biệt ở bề ngoài: tôi bình đẳng với thượng đế (nếu có), với tất cả mọi người, với thiên nhiên, với tất cả mọi vật. Điều này triết học Đông Á gọi là “Thiên (thực tại vô hình và tối hậu, hay đạo), địa (thế giới vật chất có hình tướng), nhân (con người) là nhất thể”.

Ở trên là một số đặc tính để xác định con người có văn hoá. Với mức độ con người bình thường, đó là những đặc tính của ba lãnh vực thân, tình, trí. Dĩ nhiên, để là người có văn hoá phải “trồng trọt”, “vun trồng”, phải tu dưỡng một số những đặc tính ấy thì chúng mới phát triển, đơm hoa kết trái. Cũng phải thấy rằng ở cấp độ cao nhất là cấp độ tâm linh, ba cấp độ dưới mới thành tựu trọn vẹn.

Người có văn hoá cao, dù không thể vươn tới cấp độ tâm linh cũng cần nghiên cứu, học hỏi phần nào về nó. Chẳng lẽ tâm linh là quyền lợi và năng lực cao nhất của con người, chúng ta có thể lơ là bỏ qua sao? Chúng ta thấy những nhà vật lý xuất sắc nhất ở thế kỷ XX đều có nghiên cứu về tâm linh hay tôn giáo: Max Planck, Einstein, Bohr, David Bohm… Chúng ta cũng thấy rằng đạt đến lãnh vực tâm linh thì con người mới “trưởng thành” trọn vẹn, mới “làm người” trọn vẹn, mới trở thành người có văn hoá toàn diện và hoàn mãn. Do đó, bốn cấp độ đó cũng là bốn cấp độ của sự tiến hoá của nhân loại.

Đến đây chúng ta tìm hiểu thêm danh từ “văn hoá” theo truyền thống Đông phương. Văn là cái văn vẻ, cái đẹp, cái vi tế ẩn mật. Hoá là cái biến hoá ra, biểu hiện ra, thể hiện ra bên ngoài của cái đẹp, cái vi tế bên trong mỗi người. Cái đẹp, cái vi tế, cái chân thiện mỹ, những tiềm năng vốn có bên trong mỗi người, theo Phật giáo Đại thừa gọi là Phật tính (hay có thể gọi bằng nhiều tên khác như thiên tính – thiên mạng chi vị tánh, trung dung – nhân tính, đạo, hay thực tại tối hậu và siêu việt như triết học Tây phương…).

Như vậy, theo Phật giáo, văn hoá là sự thể hiện ra bên ngoài của Phật tính thành những đức tính nơi ba lĩnh vực thân, tình, trí của con người sống ở đời. Những tiềm năng, những hạt giống đức tính vốn có sẵn nơi mỗi người nhưng lâu nay đã bị chôn lấp, đã ngủ vùi dưới bao lớp phiền não nay được đánh thức, được vun trồng, nuôi dưỡng. Công việc đó được gọi là văn hoá Phật giáo.

Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 32 | ĐƯƠNG ĐẠO

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here