Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Về nguồn

Về nguồn

228
0

Người ta thường hiểu về nguồn là sự trở về cái gốc, cái nguyên nhân đầu tiên, cái thực thể suy động tất cả sự vận hành vũ trụ, con người; và do đó nguồn là đối tượng siêu hình học, nhất là siêu hình học phương Tây với các thuật ngữ logos, phusis, ousia, nous, noumena, dasein, Thượng đế, bản thể, tinh thể… Phật giáo gọi cái nguồn này là tâm.

Một mặt, Phật giáo bảo rằng nguyên nhân sinh ra vạn hữu, trong đó có con người là vô minh. Vô minh khiến cho tâm bị ô nhiễm, phiền não, sinh ra chấp trước, phân biệt, do đó mà Tâm thấy có người, có ta, có toàn bộ thế giới hiện tượng. Kinh Pháp Cú dạy: “Tâm dẫn đầu. Tâm làm chủ. Tâm tạo tác”. Kinh Lăng Già bảo: “Thế giới chỉ là Tâm” (Cittamatramlokam – Thế giới duy thị tâm), “tất cả đều là Tâm” (Cittamhisarvam – Nhất thiết xứ giai tâm). Tạo ác, tạo thiện cũng từ tâm này, nhưng từ nguyên sơ, tâm viên mãn, trong sáng, thanh tịnh, rỗng rang, tuyệt đối. Về nguồn chính là trở vế cái Tâm nguyên sơ này, thường được gọi là trở về chân như, như thực (Yathabhutam), Phật tánh, bản lai diện mục, Như Lai tạng… Mặt khác, theo Phật giáo mười hai nhân duyên sinh ra khổ đau của con người có chi phần đầu tiên là vô minh. Vô minh có từ vô thỉ, tức vô minh không có khởi đầu, vô minh không có thật, và tâm cũng không phải là nguyên nhân thứ nhất (Phật giáo không bao giờ chấp nhận nguyên nhân thứ nhất thường được gọi là nguyên nhân sáng tạo, Thượng đế). Cái Tâm bị vô minh che lấp vẫn là cái Tâm vốn tuyệt đối trọn lành, chân thật, cũng chính là trí tuệ siêu việt, là Phật vậy. Tâm chúng sanh đang bị mê mờ, không thể nào diễn tả, cảm nhận trọn vẹn cái Tâm tuyệt đối. Tuy vậy, chúng sanh có kinh nghiệm rằng nếu tâm không tạo tác viễn vông, không chấp trước, phân biệt thì tâm được an vui. Từ đó, phương hướng tiến đên tâm tuyệt đối có thể nhận biết được, đấy cũng gọi là phương hướng, là những bước chân trở về, là con đường về nguồn, con đường tiến đến giải thoát tối hậu.

Từ 5 thế kỷ trước Tây lịch, Heraclitus đưa ra môt ý niệm rất phức tạp là Logos là Nhất tính Bí ẩn (Hidden Unity) không thể nhìn thấy được, nó hình thành thế giới và thế giới trở về với logos. Kinh Lăng Nghiêm nêu trường hợp chứng ngộ của Tôn giả A-na-luật-đà là sự quay cái thấy trở về bản tính, của Tôn giả Kiều-phạm-bát-đề là sự quay cái biết trở về tự tính.

Như trên đã nói: cái Tâm tuyệt đối khó diễn tả, nhưng cái hạnh phúc khi hướng về cái tâm tuyệt đối thì dễ nhận thấy. Lão Tử ví nó như cái Tâm của đứa trẻ, còn đỏ hỏn vì mới ra đời (xích tử chi tâm); Thiền tông gọi đó là khối thịt đỏ của vị chân nhân không ngôi vị (vô vị chân nhân xích nhục đoàn). Mỗi khi bị bối rối, phiền phức trong triết học, đạo đức, xã hội, người ta thường kêu gọi trở về nguồn, như là trở về cái căn gốc, căn bản, đơn giản và thiện lành. Trước sự thất bại về tư tưởng của triết học phương Tây, M. Heidegger kêu gọi trở về nguồn, về tư tưởng của thần thoại, của tư tưởng cổ đại Hy Lạp để cảm nhận tính uyên nguyên, đơn giản và tràn đầy sáng tạo. Về nguồn giống như đứa trẻ cảm thấy an ổn trong vòng tay mẹ; như trong Áo nghĩa thư (Upanishad), người đi tìm chân lý trở về ngồi dưới chân thầy; như nhân vật Siddharta trong tác phẩm cùng tên của H. Hesse, trở về bên dòng sông, lắng nghe tiếng Aum từ suối nguồn chân lý…

Tưởng cũng nên nói thêm: Trước toàn cầu hóa, hội nhập, kinh tế thị trường… người Việt Nam chúng ta đạt được những tiếp thu tốt đẹp, những tiến bộ lợi lạc nhưng hiển nhiên cũng phải nhận lấy những bất ổn của đời sống cá nhân và xã hội. Vấn đề Về nguồn cần đặt ra: sự bảo vệ nguồn, bảo vệ truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tìm sự ổn định, tự chủ, tự lực. Về nguồn bao gồm việc về với đạo đức với sự hiền thiện của cá nhân gia đình, thôn xóm. Theo với đà phát triển của đất nước, Phật giáo Việt Nam đạt được những thành tựu to lớn về các lãnh vực: tổ chức, nhân sự, xây dựng cơ sở, văn hóa, giáo dục…Chỉ nhìn trên mặt nổi, Giáo hội ta có khoảng hơn 16.000 ngôi chùa phần lớn đều được trùng tu, được mở rộng thêm: nhiều ngôi chùa to lớn, đẹp đẽ; một hệ thống cơ sở giáo dục gồm khoảng 28 trường Trung cấp, 4 Học viện, nhiều lớp Cao đẳng, sơ cấp tại các tỉnh thành…Nhưng thử hỏi có bao nhiêu chùa làng được trùng tu, bao nhiêu chùa làng bị hư nát trong chiến tranh được xây dựng lại? Nông thôn, vùng cao, vùng xa, có cuộc sống tốt hơn trước rất nhiều nhưng vẫn chưa ổn định. Nhà nước đang hướng về nông thôn, xóa đói, giảm nghèo, nâng mức sống của bà con nhưng thành quả như ý cũng còn phải chờ lâu. Còn Phật giáo chúng ta? Có phải chúng ta chỉ đến với đồng bào nghèo, nhất là nông dân, để cứu trợ khi có thiên tai? Không biết từ bao giờ có câu nói: “Đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt”; chùa làng là vốn là căn bản của Phật giáo, với số nông dân chiếm 70% dân số cả nước , thế mà hình ảnh ngôi chùa làng, tiếng chuông thanh thản, đầm ấm, hình ảnh hiền thiện của chư Tăng Ni đang trở nên hiếm hoi ở nông thôn. Ước chi mỗi làng quê đều có đình, có chùa. Ước chi chùa quê có nhà giữ trẻ ban ngày để người nông dân gởi con nhỏ, yên tâm ra đồng làm việc. Ước chi đám trẻ đầu đời được nhìn thấy bóng dáng hiền thiện của chư Tăng Ni, được nhìn thấy ảnh tượng Đức Phật, được thân quen với mái chùa, tiếng chuông, tiếng mõ!…Về làng cũng chính là về nguồn, về với tâm hồn dân tộc, với an bình, hạnh lạc. Mong thay!

HT. THÍCH CHƠN THIỆN:  Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo 64

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here