Nhưng thật ra, có người dân thành phố nào không có một gốc gác nông thôn? Và vì văn hóa được hình thành theo quy luật thẩm thấu, nên cho dù trải qua những tàn phá thô bạo, những thương tổn nặng nề, trong sâu thẳm tâm linh của người nông dân, những nội dung văn hóa vô hình không dễ gì mất đi được. Chúng vẫn được ủ kín trong mỗi con người…
Bất cứ người Việt nào cũng có, và cần có, một vùng quê để thương để nhớ. Thật bất hạnh cho ai đó không có được một “vùng thương nhớ” ấy trong hoài niệm tuổi thơ. Mà đã là hoài niệm, thì cho dù nơi ấy có cơ cực tủi nhục đến đâu, có xơ xác lam lũ thế nào, có để lại những dấu ấn buồn đau đến mấy, thì vẫn có sức gọi dậy những vang bóng một thời đầy ấp những kỷ niệm mông lung, ấm áp.
Về làng, ta về làng, hai tiếng ấy giục giã đến nao lòng những người vì cuộc mưu sinh, vì một sự nghiệp phải xa quê. “Ai về làng cũ hôm nay, thư này đưa hộ cho thầy mẹ tôi. Con đi mười mấy năm trời, Một thân bé bỏng, nữa đời gió sương…Con đi năm ấy tháng tư, Lúa chiêm xấp xỉ giỗ từ tháng ba. Con đi quạnh cửa quạnh nhà, Cha già đập lúa, mẹ già giũ rơm. Cha dậm gạo, mẹ vần cơm. Có con, con vắng, ai làm thay cho” (Nguyễn Bính).
Mà đã về làng thì làm sao có thể không nhớ đến ngôi chùa làng: “Đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt”. Chùa làng thường gần với đình làng, một bộ sóng đôi trong tâm thức người Việt, nhưng quan trọng hơn, nó thể hiện sinh động triết lý nhân sinh và tinh thần khoan dung hòa hợp trong đời sống tín ngưỡng của dân tộc. Ngôi chùa làng đáp ứng một nhu cầu rất sâu đậm của đời sống thôn dã, là sự cân đối trở lại nét bất bình đẳng nặng nề trong sinh hoạt cộng đồng làng quê xưa. Nếu ở đình làng, ngoài những ngày sóc vọng lễ tiết có “Hội làng mở giữa mùa thu, Giời cao gió cả giăng như ban ngày” mà cả dân làng đều tụ hội, thì thông thường, chốn đình trung chỉ dành cho các quan viên bàn “việc làng”, người phụ nữ không được can dự. Cho nên ngôi chùa làng lại là nơi dành cho họ, các cụ, các bà, các cô thôn nữ, và đương nhiên trẻ em được theo bà, theo mẹ, theo chị đến chùa. “Trẻ vui nhà, già vui chùa”, trẻ cũng được theo già để được “vui chùa”.
Vì vậy, nếu “Cái đình là trung tâm của làng. Làng nào cũng có đền thờ ông thần hoàng. Đình được cất cao ráo khang trang, thế tất theo phong thủy, nơi phong quang nhất làng” theo như sự mô tả Tô Hoài trong Chuyện cũ Hà Nội, thì chùa làng thường được cất nơi thanh vắng, tịch mịch, không câu nệ là ở góc làng, là ở ven làng, hay ở trung tâm. Đúng hơn, ngôi chùa làng dù tọa lạc ở vị trí nào nơi thôn cùng xóm vắng thì nó vẫn hiện diện vừa thân thiết gần gũi, vừa huyền ảo lay động cõi tâm linh, một góc khuất trong đời sống tinh thần của người làng quê. Xin hãy trở lại với vang bóng của một thời để khơi gợi một nét văn hóa làng quê được thăng hoa trong thơ Nguyễn Bính: “Trên đường cát mịn một đôi cô. Yếm đỏ khăn thâm trẩy hội chùa. Gậy trúc dắt bà già tóc bạc. Tay lần tràng hạt miệng nam mô”.
Phải chăng đây chỉ là hoài niệm về một vùng thương nhớ, quyến rũ mà dường như đã một đi không trở lại, khi mà tiến trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa được đẩy tới, mà ai đó trong cái nhìn thiển cận ăn xổi ở thì, cứ ngỡ như chỉ muốn đưa chuyện thi “người mẫu” thi “hoa hậu” lượn lờ khoe các vòng eo thay cho “yếm đỏ khăn thâm trẩy hội chùa”! người ta quên mất rằng, do đời sống kinh tế được cải thiện, nhiều gia đình nông thôn đã sắm được chiếc tivi, nhà chưa sắm được thì đêm đêm có thể xem nhờ hàng xóm. Kinh tế có cải thiện, nhưng lối sống chưa mấy đổi thay, thị hiếu thẩm mỹ đi liền với phong tục tập quán của gần hai phần ba dân số sống ở nông thôn sẽ ngỡ ngàng như thế nào khi đươc thường xuyên “tiếp sóng” những lượn lờ vòng eo và áo tắm 3 mảnh rất chi là mùi mẫn, sẽ “phát huy tác dụng” như thế nào? Người ta quên mất rằng văn hóa không phải là mì ăn liền, văn hóa được hình thành theo quy luật thẩm thấu, việc ăn tươi nuốt sống những sản phẩm văn hóa không tương thích với môi trường sống và phong tục tập quán chưa đổi thay sẽ gây độc hại nhiều hơn là thêm dưỡng chất. Đấy là chưa nói đến việc vì chưa cẩn trọng và thiếu hiểu biết, người ta đã vô tình chuyển tải những cặn bã văn hóa mà xã hội văn minh đã loại thải vì chán ngấy. Và rồi như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều phải thảng thốt kêu lên: “những nền tảng của văn hóa truyền thống ở các làng quê đã biến dạng và bị phá vỡ. Cái quan hệ hàng xóm láng giềng có được trong truyến thống tốt đẹp lâu đời của văn hóa làng Việt Nam mỗi ngày một mất đi những vẻ đẹp và tính nhân văn của nó. Làng quê Việt Nam bây giờ “ông chẳng ra ông thằng chẳng ra thằng”. Phố cũng phải là phố mà làng cũng không phải là làng” (Vietnamnet 20.8.2008). Vì thế, trên một tờ báo điện tử này đã cất lên tiếng gọi hồn: “Làng tôi bây giờ ở đâu? Biết bao nhiêu người đã đứng lặng và cất lên câu hỏi đó…Hồn vía của làng đang bỏ cái làng địa ly ra đi giống một linh hồn đã rời bỏ thể xác…đây không phải là một dự báo mà là một hiện thực. Khi chúng ta đánh mất hồn vía của làng là chúng ta mất làng. Và nói rộng hơn là chúng ta đánh mất văn hóa. Khi văn hóa không còn thì chúng còn gì nữa đâu. Hỡi hồn vía làng quê ở đâu hãy về!”.
Thật ra, ngẫm nghĩ kỹ, cái hồn vía làng quê ấy từng được gìn giữ bằng xương máu của bao thế hệ để giữ làng, giữ nước. Trong trường kỳ dựng nước và giữ nước, người Việt hiểu rõ làng và nước gần làm một, và nét độc đáo của truyền thống Việt Nam là làng còn thì nước còn. Thì chẳng thế sao, nhiều lần ông cha ta dám bỏ ngỏ kinh đô Thăng Long, thế kỷ XIII chống đế quốc Nguyên Mông, thế kỷ XV chống quân xâm lược nhà Minh, thế kỷ XVIII chống quân xâm lược nhà Thanh, thế kỷ XX, Hà Nội bị thực dân Pháp quay trở lại chiếm đóng. Và quân dân đời Trần, đời Lê, đời Quang Trung và thời đại Hồ Chí Minh dựa vào làng để tích tụ sức người, sức của rồi chiếm lại thủ đô, lấy lại nước.
Trong truyến thống kháng chiến qua các thời đại, ngôi Chùa làng bao giờ cũng là nơi nuôi dưỡng chở che người yêu nước. Ngay trong cái bản lảng của một cảm thức mơ hồ về lòng yêu nước mà Tự Lực Văn Đoàn của một thời gợi nhớ, thì ngôi chùa trong Tiêu Sơn tráng sĩ của Nhất Linh không phải là không để lại trong ký ức của ai đó một thoáng đăm chiêu về đất nước dưới ách nô lệ! Một bóng dáng khác, dữ dội hơn nhưng cũng đằm thắm, sâu nặng hơn về ngôi chùa làng, xin được gợi lên trong tác phẩm của Xuân Cang: Nụ hoa cau. Xuất bản cách đây hơn mười năm, nhà văn có kể lại một chuyện cảm động về ngôi chùa làng ở Kẻ Sủi: Một cô du kích gan dạ, từng gánh rơm đốt nhà vãi của ngôi chùa làng ấy để làm hiệu lệnh cho tiêu thổ kháng chiến, khi hòa bình được lập lại, làng của cô đi vào hợp tác, cô đã quyết không chịu biến chùa thành trại chăn nuôi của hợp tác xã. Rồi, cô “chết thảm thương lắm. Nó chất đầy hoa huệ, đóng kín cửa phòng lại. Người ta bảo nó tự tử vì tình…” Ngồi trước nấm mộ chưa xanh cỏ, chị tôi nói: “Cái người nằm dưới ấy mà, không phải chết vì tình đâu. Mà vì người ta bảo cô lập một trại chăn nuôi ở ngay trong vườn chùa. Cô đã chối. Cô tâm sự với chị rằng chùa là nơi thiêng liêng, bát ngát hương hoa, nơi ấy lại có đền có giếng, ngày xưa sớm chiều có tiếng chuông ngân làm dịu lòng người. Ngày trước kháng chiến, đốt chùa làm hiệu lệnh, nó đi một nhẽ. Nay khác. Cô không nỡ biến chùa thành nơi ô uế. Cô sợ rằng làm thế làng ta sẽ không ngóc đầu lên được. Cô thà chết. Người ta đã kết cho cô đủ tội. Và cứ lập trại chăn nuôi. Khổ thế đấy em ạ. Chị đã ẵm cô ấy ra khỏi phòng, người cứ bợt bạt đi. Và đẫm một mùi hương huệ” (tr.22).
Đó là một câu chuyện thật dữ dội về ngôi chùa làng. Và vì chùa làng và đình làng như bộ sóng đôi trong tâm thức người Việt, xin dẫn tiếp một chuyện kể về cái đình làng.
Với sự nhạy cảm của một nhà thơ, cách đây khá lâu Nguyễn Duy đã từng xao xuyến nâng máy ảnh chụp ngôi đình nổi tiếng ở quê anh, đình làng Gia Miêu ở Tống Sơn Thanh Hóa tiêu điều, tàn tạ. Vừa rồi, trên báo lại có đề cập đến chuyện ngôi đình này: “Vua Gia Long cho xây đình Gia Miêu thờ tiên hiền Nguyễn Công Duẫn -một bậc công thần của Lê Lợi thuở khởi nghĩa Lam Sơn, khởi đầu cho công tích họ Nguyễn từ mảnh làng Gia Miêu trở thành một vương triều lớn trong lịch sử Việt Nam”. Và rồi “đình Gia Miêu đẹp và thiêng liêng bậc nhất đất Tống Sơn – Quý Huyện, vậy mà chỉ mới năm 1997 đây thôi nhà thơ Nguyễn Duy về thấy một góc đình thiêng đã sụt, trên cột đình ai đó viết dòng chữ thu mua bèo và ốc để nuôi cá. Ông và nhà văn Nguyễn Khải thắp nhang mà chả biết cắm vào đâu, bèn sắp mấy viên ngói vỡ lên cao một tí làm bàn thiên cắm mấy nén nhang tưởng niệm. Năm 1999 đình Gia Miêu được trùng tu” (Tuổi trẻ 20/10/2008).
Trùng tu, đúng, phải trùng tu ngôi đình. Nhưng trước hết có lẽ phải “trùng tu” cái đầu còn hời hợt trong suy nghĩ về di sản của ông cha để lại. Trên non sông gấm vóc này từng có bao nhiêu di sản như vậy bị tàn phá và nay vẫn đang còn bị tàn phá một cách tàn nhẫn và quyết liệt do nhiều nguyên nhân. Ấy thế mà cũng về ngôi đình này, xin được gợi lên đây một sự kiện thật có ý nghĩa do nhà thơ Nguyễn Duy kể lại.
Nhân tham gia Hội thảo khoa học về Chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn tại Thanh Hóa, tác giả của bức ảnh chụp đình Gia Miêu tàn tạ, đổ nát năm 1997 đã đến thăm lại đình Gia Miêu vừa được trùng tu, anh được biết thêm rằng: Theo ký ức của một số cụ già địa phương thì tháng 2 năm 1947, nghĩa là chưa đầy 3 tháng sau ngày Toàn quốc kháng chiến 19/12/1946, thay vì từ chùa Thầy ở Sơn Tây đi ngay lên Việt Bắc, thủ đô kháng chiên. Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định về thăm Thanh Hóa. Trước khi đến nói chuyện với “các đại biểu thân sĩ, trí thức, phú hào tỉnh Thanh Hóa” (* Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 5 NXB CTQG Hà Nội 1995, tr 57), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thắp hương ở đình Gia Miêu và lăng miếu Triệu Tường. Một sự kiện mà càng suy ngẫm càng thấm thía tầm cao tư duy của lãnh tụ, một cốt cách văn hóa vượt hẳn lên cái nhìn trực quan hạn hẹp để thấu vào cốt lõi của lý tưởng giải phóng dân tộc và mục tiêu cao cả của sự nghiệp cách mạng.
Không một tấm lòng Việt Nam yêu nước thương nòi nào không xúc động về hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đền Hùng năm 1954 với câu nói bất hủ: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cố gắng giữ lấy nước”. Rồi vào thời điểm cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc vừa bắt đầu, Người đã về thăm đền thờ Nguyễn Trãi ở Côn Sơn ngày 15/2/1965. Hình ảnh từng có sức lay động mãnh liệt về sự gắn kết giữa truyền thống với hiện đại, về sự hiện diện của ông cha trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước hôm nay, đó là hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tấm bia “Côn Sơn Tư Phúc tự bi” vào dịp ấy. Có hiểu về điều này mới hiểu ý nghĩa sâu sắc của việc Bác Hồ ký sắc lệnh về bảo vệ di sản đúng hai tháng sau ngày Nam Bộ kháng chiến 23/9/1945. Sắc lệnh đó ghi rõ: “Cấm phá hủy những đình, chùa, đền, miếu hoặc những nơi thờ tự khác, cung điện, thành quách, cùng lăng mộ chưa được bảo tồn. Cấm phá hủy những bi ký, đồ vật, chiếu sắc, văn bằng, giấy má, sách vở có tính cách tôn giáo hay không, nhưng có ích cho lịch sử mà chưa được bảo tồn”. Và sẽ càng hiểu sâu đậm hơn khi đặt cạnh sắc lệnh số 65 ngày 23/11/1945 nói trên cái “Sắc chỉ” của Minh Thành Tổ gửi viên tướng viễn chinh Chu Năng cách đó 539 năm, ngày 21/8/1406: “…Một khi binh lính vào nước Nam, trừ sách vở và bản in của đạo Phật, đạo Lão thì không thiêu hủy, ngoài ra, hết thảy mọi sách vở văn tự, cho đến những loại ca lý dân gian hay sách dạy trẻ nhỏ, loại sách có câu “thượng đại nhân, khưu ất kỷ”…một mảnh, một chữ đều phải đốt hết. Khắp trong nước, phàm những bia do Trung quốc dựng từ xưa đến nay thì đều giữ gìn cẩn thận, còn các bia do An Nam dựng thì phá hủy tất cả, một chữ chớ để còn…” Nghĩa là tiêu diệt nền văn hóa bản địa hiện hình trên những bia ký, sách vở vốn là di sản vô giá của một dân tộc, một quốc gia. Tiêu diệt cái đó cũng chính là hủy diệt đời sống tinh thần của một dân tộc, cái làm nên sức mạnh của dân tộc đó. Quân xâm lược quyết “một chữ chớ để còn”, cho nên nhà sử học Ngô Sĩ Liên đau xót mà viết “…Lửa đốt sạch, than ôi vận nước, sách vở đi đời. Muốn tìm sự tích sau cơn khói lạnh tro tàn, thật rất khổ tâm về nỗi nét sai, chữ sót…” Hoàng Đức Lương, văn thần triều Lê Thánh Tông, tác giả của Trích Diễm thi tập ngậm ngùi mà rằng: “bôn ba sưu tập, hỏi han khắp nơi…những gì thu thập được cũng chỉ còn được “một, hai trong trăm ngàn phần”…” Thế đấy, chỉ còn được “một, hai trong trăm ngàn” những báu vật quốc gia, những di sản vật thể và phi vật thể ấy, vì thế mà phàm là người Việt Nam còn chút lương tri, lương năng thì phải cố công chăm chút bảo vệ. Phạm vào di sản quốc gia là phạm vào trọng tội, sẽ bị hậu thế chê cười, con cháu phê phán vì đã không biết trân trọng máu xương của bao thế hệ Việt Nam đổ ra để tạo dựng và gìn giữ. Về chuyện này, lịch sử rất sòng phẳng.
Thế là từ chuyện ngôi chùa làng mà bàn rộng ra những di sản, báu vật quốc gia.
Mà báu vật quốc gia sát sườn với con người đang sống đang thực hành công nghiệp hóa, đô thị hóa, hiện đại hóa là chùa làng, là đình làng, những biểu tượng văn hóa gần gũi, gắn bó với người nông dân, kể cả những người thành thị là gốc gác nông dân. Nhưng thật ra, có người dân thành phố nào không có một gốc gác nông thôn? Và vì văn hóa được hình thành theo quy luật thẩm thấu, nên cho dù trải qua những tàn phá thô bạo, những thương tổn nặng nề, trong sâu thẳm tâm linh của người nông dân, những nội dung văn hóa vô hình không dễ gì mất đi được. Chúng vẫn được ủ kín trong mỗi con người, nhất là những cụ già. Và đấy là lý do giải thích sự khởi sắc của một số lễ nghi, tập tục qua các hội làng, các sinh hoạt tín ngưỡng ở làng quê. Tuy không mất đi được, song sự tổn thương thì rất khó hàn gắn. Những tổn thương đó hiện đang được trị liệu, nhưng song hành với những trị liệu đó, “văn hóa làng” đang đứng trước một thách đố còn quyết liệt hơn nhiều của làn sóng công nghiệp hóa và đô thị hóa. Liệu có thể khoanh tay ngắm nhìn sự một đi không trở lại của những hình bóng quê hương, những ngôi chùa làng, những ngôi đình làng thân thiết sâu thẳm trong tâm thức người Việt chỉ còn là những “vang bóng một thời”?
Không! “Văn hóa làng” chính là cái nôi nuôi dưỡng tâm hồn Việt Nam, góp phần hun đúc nên bản sắc văn hóa dân tộc được vun đắp trong suốt chiều dài lịch sử mấy ngàn năm, không có cái gốc đó, không thể có bề dày văn hóa hôm nay. Đương nhiên, cũng trong văn hóa làng đã trầm tích những nét tiêu cực của con người Việt Nam nông dân, lối suy nghĩ vụn vặt, tản mạn tự trói mình trong lũy tre làng của lối sống tự cấp tự túc không sao chuyển nổi sang kinh tế hàng hóa để phát triển bứt lên. Nhưng văn hóa làng không chỉ có thế. Cùng với những tiêu cực phải xóa bỏ, phải biết ra sức trân trọng gìn giữ và phát huy những cốt lõi tinh hoa của văn hóa làng, cái gốc của văn hóa dân tộc.
Càng đi vào hiện đại, càng tiến sâu vào quá trình hội nhập quốc tế, càng phải biết gìn giữ, vun đắp cho cái gốc ấy. Đã mất gốc thì làm sao phát triển, cho dù kinh tế có tăng trưởng bao nhiêu mà văn hóa lại lai căng, mất gốc thì sự tăng trưởng đó chẳng có được bao nhiêu ý nghĩa. Đấy là chưa nói đến chuyện, vào những thập kỷ cuối thế kỷ XX bước sang thế kỷ XXI, thế giới ngày càng nhận thức rõ chính văn hóa mới là động lực và sức mạnh của phát triển. Trong quá trình toàn cầu hóa về kinh tế, mỗi quốc gia lại phải lo gìn giữ và phát triển bản sắc văn hóa của mình, đó chính là điểm tựa cho sự phát triển trong một thế giới đa cực và đa dạng. Thế nhưng, hãy nhìn vào ngôi chùa làng, ngôi đình làng, trừ một số ít được giữ gìn hoặc đang được trùng tu, còn lại thì đang tàn tạ, tiêu điều! Vì thế, nhận thức được điểm tựa của phát triển ấy, mới thấy cần phải trả lại cho chùa làng, đình làng cái chức năng văn hóa trong đời sống tinh thần của người Việt. Liệu có thể đánh thức cảm quan thẩm mỹ “Qua đình ngả nón trông đình. Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu” và biết xao động với hình ảnh “Sư già quét lá sau chùa, Để thiêu xác là trước giờ lên chuông” trong xã hội hiện đại? Ảo tưởng chăng? Hoài cổ ư?
Có thể. Nhưng đừng quên rằng, một trong 18 bộ phim hay nhất qua mọi thời đại của điện ảnh châu Á do CNN bình chọn năm 2008 chính là phim Bao giờ cho đến tháng Mười của đạo diễn Đặng Nhật Minh, bộ phim duy nhất của điện ảnh Việt Nam được đưa vào trong danh sách bình chọn đó. Chiều sâu thẳm của bộ phim đó đề cập đến một chủ đề hiện đại trên một cái nền của cảm quan thẩm mỹ dân tộc, ở đây có thể hiểu được một cách cụ thể và đầy thuyết phục thế nào là truyền thống hiện đại và hiện đại hóa truyền thống. Và cũng chính ở đây, ngôn ngữ điện ảnh đã làm sống lại cái hồn dân tộc trong vở chèo Trương Viên dưới mái đình làng và sự thăng hoa của cảm xức thẩm mỹ trong màn sương hư ảo của miếu thờ thành hoàng, ngôi chùa làng làm sống động nét tâm linh của nhân vật Duyên, một tính cách nhuần nhị và kiên cường của người phụ nữ làng quê, vượt qua những đau khổ của chiến tranh tưởng chừng không sao vượt nổi. Cái làm cho bộ phim Bao giờ cho đến tháng Mười trở thành bộ phim hay nhất qua mọi thời đại của điện ảnh châu Á phải chăng có sự góp sức đáng kể của sự thăng hoa ấy trong lý tưởng thẩm mỹ của nhà nghệ sĩ điện ảnh Đặng Nhật Minh? Quả là, trúc xinh trúc mọc đầu đình, em xinh, em đứng một mình cũng xinh.
Cùng với cái đình làng, phải thấy cho ra ngôi chùa làng, những biểu tượng của văn hóa làng, cội nguồn của văn hóa dân tộc! Thấy cho ra, để như đòi hỏi của Nguyễn Văn Siêu, danh sĩ nổi tiếng cuối triều Nguyễn: “Cần phải thăm dò cái gốc của nó, lại phải tười tắm cho cái ngọn của nó, mở rộng cái nguồn của nó, lại phải buông lơi cái dòng của nó”của mạch sống dân tộc. Nói theo ngôn từ hiện đại thì đó chính là biết hiện đại hóa những tinh hoa của bản lĩnh văn hóa truyền thống, nâng chúng lên một tầm mới trong sự nghiệp phát triển và hội nhập của đất nước hôm nay. Nói chuyện ngôi chùa làng là để nói về văn hóa. Vâng, văn hóa.
Chúng ta đến với thế giới bằng gì nếu không là bằng bản lĩnh của văn hóa Việt Nam?
TƯƠNG LAI: Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 72-73