Trang chủ Lời Phật dạy Con đường tích cực của đức Phật

Con đường tích cực của đức Phật

233
0

Câu hỏi trên do một vị Trời nêu lên bạch hỏi Ðức Phật, và sau đó là lời giải đáp của Ðức Bổn Sư. Lời giải đáp tuy vắn tắt nhưng mang đầy ý nghĩa, bao gồm trọn vẹn giáo huấn Bát Chánh Ðạo, chân lý cuối cùng của Tứ Diệu Ðế mà Ðức Thế Tôn tuyên ngôn ban dạy trong bài pháp đầu tiên. Ðức Phật chỉ rõ rằng điều cần thiết căn bản để tháo gỡ rối loạn là trau giồi ba pháp học (sikkhà): giới (sìla), định (citta hay samàdhi) và tuệ (pannà).

“Rối loạn” (jatà), trong đoạn kinh trên là màn lưới của ái dục hay khát vọng. Vì tình trạng rối loạn này phát sanh liên quan đến chính người này và người khác, và liên hệ đến nội căn và ngoại căn, nên gọi là rối loạn bên trong và bên ngoài. Ðức Phật rõ ràng chỉ dạy rằng rối loạn ấy là giây trói buộc chánh yếu đã cột giữ chúng sanh trong vòng quanh sanh và tử triền miên:

Này chư tỳ khưu, Như Lai không thấy dây trói buộc nào khác mà chặt chẽ cột trói chúng sanh lâu dài, dài dẳng, thênh thang và hối hả bất định xuyên qua vòng quanh những kiếp sinh tồn, như trói buộc của ái dục (tanhà samyojana). Quả thật vậy, này chư tỳ khưu, bị thằng thúc ái dục cột trói, chúng sanh lê bước thênh thang và hối hả bất định trong vòng luân hồi.” [2]

Trong tư tưởng Phật Giáo ái dục có ba loại:

-tham dục, hay ái dục đeo níu theo nhục dục ngũ trần (kàma-tanhà), 
-hữu dục, hay ái dục đeo níu theo sự liên tục sinh tồn, hay tự bảo tồn (bhava-tanhà), và 

– tuyệt diệt dục, ái dục đeo níu theo sự vô sanh (vibhava-tanhà).

Ái dục này, khát vọng mù quáng của chúng sanh này, đã gây nên sân hận và tất cả mọi khổ đau phiền lụy. Không phải bom hạt nhân mà chính tham, sân, si (lobha, dosa, moha) là mối nguy hại tiêu diệt con người quan trọng nhất. Bom đạn và khí giới được chế tạo do tham vọng của con người nhằm xâm lăng và chiếm đoạt. Sân hận dẫn đến giết chóc, và si mê đưa đến cả hai, chiếm đoạt và tiêu diệt. Lòng khát khao danh lợi, thế lực và quyền thống trị đã đem lại cho nhân loại bao nhiêu đớn đau khổ lụy không kể xiết. Nếu không cố gắng kềm hảm lòng khát khao ham muốn vô trật tự luôn luôn sẵn sàng lôi kéo tâm mình thì con người trở thành nô lệ của nó. Con người sẽ không hơn thú vật, vì cả hai đều ăn, ngủ, và thỏa mãn dục vọng. Tuy nhiên, loài thú không thể trau giồi đời sống tinh thần đạo đức, con người có thể. Con người có những đức tánh ngủ ngầm và có khả năng xử dụng các đức tánh ấy để tạo an lành cho chính mình và cho kẻ khác. Nhưng nếu không quán chiếu nội tâm, trau giồi và phát triển những tư tưởng thiện và tránh xa những tư tưởng bất thiện thì kiếp sống của con người thiếu lý tưởng và nguồn cảm hứng hướng dẫn.

Bốn Chân Lý

Những gì Ðức Phật giáo truyền được bao gồm trong bốn chân lý thâm diệu, Tứ Diệu Ðế, tức: dukkha, đau khổ, xung đột hay bất toại nguyện của đời sống, sự phát sanh của đau khổ, sự chấm dứt đau khổ, và con đường dẫn tránh xa tình trạng đau khổ. Người có suy tư sâu xa sẽ nhận thức rằng các Chân Lý ấy là con người và mục tiêu của con người, sự giải thoát cùng tột; đó là những gì bao gồm trọn vẹn pháp Tứ Diệu Ðế. Ðối với những ai nhìn thế gian vô thường này với tâm vô tư khảo sát, có một điều trở nên nổi bật rõ ràng: trên thế gian này chỉ có một vấn đề, vấn đề đau khổ, dukkha. Tất cả những vấn đề khác, được biết hay chưa được biết, đều nằm trong đó, và đó là vấn đề có tánh cách phổ cập đại đồng. Như Ðức Phật dạy: “Thế gian kiên cố vững chắc trong đau khổ, nằm trên nền tảng đau khổ (dukkhe loko patitthito)” [3]. Nếu có chi trở thành vấn đề, thì chắc chắn đó là vấn đề đau khổ, bất toại nguyện, và xung đột – xung đột giữa tham vọng của con người và những trạng huống của kiếp sinh tồn. Và lẽ dĩ nhiên, nỗ lực của chúng ta là để giải quyết vấn đề, dẹp bỏ tình trạng bất toại nguyện, kiểm soát xung đột. Chính nỗ lực ấy là đau khổ, một trạng thái tâm dầy vò bứt rứt.

Vấn đề đơn độc ấy bao gồm nhiều sắc thái: kinh tế, xã hội, chánh trị, tâm lý, và chí đến vấn đề tôn giáo. Có phải chăng tất cả những vấn đề khó khăn ấy bắt nguồn từ một vấn đề đơn độc, dukkha, bất toại nguyện? Nếu không bất toại nguyện, tại sao cần phải gắng công giải quyết? Có phải chăng giải quyết vấn đề hàm xúc ý nghĩa làm giảm suy tình trạng bất toại nguyện? Tất cả các vấn đề đều đưa đến tình trạng bất toại nguyện, và vì lẽ ấy ta phải nỗ lực chấm dứt, nhưng vấn đề này lại dẫn đến vấn đề khác. Nguyên nhân của nó thường không phải ở ngoài, mà ở trong chính vấn đề; nó phát xuất từ cái nhìn chủ quan. Chúng ta thường nghĩ rằng mình đã giải quyết thỏa đáng vấn đề, nhưng nó lại phát hiện trở lại dưới một hình thức khác, bằng nhiều cách khác nhau. Luôn luôn ta phải đối phó với những vấn đề mới, và chúng ta phải gia công tạo những nỗ lực mới để giải quyết. Như vậy, vấn đề khó khăn và phương cách giải quyết vấn đề liên tục nối tiếp không ngừng. Bản chất của đau khổ, đặc tướng phổ cập của kiếp sinh tồn, luôn luôn biến chuyển là như vậy. Ðau khổ phát sanh và chấm dứt, chỉ để phát sanh trở lại dưới hình thức khác. Tất cả những hình thức đau khổ đều là vật chất hay tâm lý, và vài người có thể chịu đựng hình thức này dễ dàng hơn hình thức khác.

Tuy nhiên, xác nhận tánh cách phổ cập của đau khổ không phải là hoàn toàn phủ nhận thú vui hay hạnh phúc. Ðức Phật, vị Chúa Tể của đau khổ, không bao giờ phủ nhận hạnh phúc trong đời sống khi Ngài đề cập đến tánh cách phổ cập của đau khổ. Anguttara Nikàya, Tăng Nhứt A Hàm (I. 80), một bộ trong kinh điển Pali, có đoạn dài nêu lên những hạnh phúc mà con người có thể thọ hưởng.

Xuyên qua giác quan, con người bị trần cảnh thu hút, rồi thỏa thích trong đó, và bám níu vào đó để thọ hưởng khoái lạc. Ðó là sự kiện hiển nhiên, không thể phủ nhận vì là kinh nghiệm sống. Tuy nhiên, trần cảnh mà ta hoan hỷ thỏa thích trong đó, cũng như chính sự thọ hưởng thỏa thích, cả hai đều không bền vững. Nó phải đổi thay. Chúng sanh, và thế gian mà chúng sanh ấy kinh nghiệm, cả hai đều không ngừng chuyển biến, phát sanh rồi hoại diệt. Tất cả đều quay cuồng trong một vòng lẩn quẩn, không có chi vượt thoát ra khỏi trạng thái vô thường biến đổi, và trạng thái ấy vốn bất di dịch. Và do bản chất phù du tạm bợ ấy, không có chi thật sự là đáng thỏa thích. Có hạnh phúc, nhưng nó chỉ tồn tại nhất thời, rồi tan biến như giọt tuyết rơi và nhường chỗ cho tình trạng bất toại nguyện. Không có trạng thái an nghỉ thật sự trong vũ trụ, mặc dầu con người mệt mỏi có khát khao ước muốn được an nghỉ bao nhiêu. Có thể tương đối an nghỉ, nhưng tuyệt đối an nghỉ thì không thể tìm ra. Hạnh phúc quả có thật, nhưng chỉ là trạng thái mê hoặc ảo huyền. Mắt vừa thấy thì nó đã biến tan. Ðối tượng mong mỏi không còn đó nữa khi ta vói tay nắm lấy, hoặc khi nắm được trong tay rồi thì nó vội tan biến.

Giải pháp cho vấn đề đau khổ, dukkha, xung đột, bất toại nguyện, trong đời sống là Bát Chánh Ðạo mà chư Phật, các đấng Chánh Ðẳng Chánh Giác của tất cả mọi thời đại đã ban truyền. Con Ðường ấy vốn là pháp hành của Phật Giáo, được sắp xếp làm ba nhóm: giới, định, tuệ.

Tám chi của con đường là:

Nhóm Tuệ (pannà)

1. Chánh Kiến (sammà-ditthi)
2. Chánh Tư Duy (sammà-samkappa)

Nhóm Giới (sìla)

3. Chánh Ngữ (sammà-vàcà)
4. Chánh Nghiệp (sammà-kammanta)
5. Chánh Mạng (sammà-àjiva)

Nhóm Ðịnh (samàdhi)

6. Chánh Tinh Tấn (sammà-vàyàma
7. Chánh Niệm (sammà-sati
8. Chánh Ðịnh (sammà-samàdhi)

Ðức Phật, người sáng lập Con Ðường này, Con Ðường duy nhất của Phật Giáo, khác biệt với tất cả các tôn giáo và triết thuyết khác, gọi Con Ðường ấy là Trung Ðạo, vì là con đường tránh xa hai cực đoan, lợi dưỡng trong dục lạc và khổ hạnh ép xác [4]. Ta phải luôn luôn ghi nhớ rằng danh từ “Con Ðường” chỉ là một hình ảnh tượng trưng, một biểu tượng diễn đạt, một nghĩa bóng. Mặc dầu một cách quy ước ta nói đi trên con đường, nhưng trong ý nghĩa cùng tột, đó là thực hành tám giai đoạn, tám yếu tố, hay tám tâm sở. Tám tâm sở này tùy thuộc lẫn nhau, liên quan mật thiết với nhau, và đến tầng cao siêu nhất, sinh hoạt cùng một lúc; không phải hành theo thứ tự, chi này xong rồi đến chi kế. Dầu ở tầng lớp thấp hơn cũng vậy, mỗi chi đều phải liên hệ nhiều hay ít với chánh kiến, bởi vì chánh kiến là yếu tố then chốt trong đạo Phật. Chánh kiến đến đầu tiên và lãnh đạo các chi khác của Con Ðường.

Tam Học

Con đường giới, định, và tuệ mà nhiều bài kinh đề cập đến, được xem là ba pháp tu tập (tividhà-sikkhà). Ba pháp này đi chung với nhau và tương trợ lẫn nhau. Giới, hay sự điều hòa phẩm hạnh, củng cố vững mạnh tâm định, và đến lượt nó, định giúp phát triển tuệ. Tuệ phá tan đám mây mờ che lấp quan kiến, không cho ta thấy rõ đời sống như thật sự đời sống là vậy, tức thấy rằng tất cả sự vật trong đời đều sanh và diệt.

Ðịnh, này chư tỳ khưu, được giới hỗ trợ, đem lại nhiều thành quả, nhiều lợi ích. Tuệ, được định nâng đỡ, đem lại nhiều thành quả, nhiều lợi ích. Tâm mà được trí tuệ (chánh kiến) hỗ trợ trọn vẹn và đầy đủ ắt thoát ra khỏi mọi ô nhiễm của dục vọng, thoát ra khỏi hữu (không còn trở thành), khỏi tà kiến và vô minh (kàma, bhava, ditthi, avijjà).” [5]

Hãy quan sát pháp tu học đầu tiên trong ba pháp, giới (sìla). Giới luật mà Ðức Phật ban truyền có rất nhiều loại và rộng rãi mênh mông, nhưng chức năng của giới trong Phật Giáo chỉ có một, không nhiều: kiểm soát lời nói và việc làm, nói cách khác là thanh lọc khẩu và thân. Tất cả giới được ban hành trong Phật Giáo đều dẫn đến mục tiêu này – phẩm hạnh thanh cao. Tuy nhiên, tự chính nó, giới đức không phải là mục tiêu, mà là phương tiện nhằm đưa đến định (samàdhi). Rồi định là phương tiện nhằm đưa đến trí tuệ thật sự (pannà) và đến giải thoát cái tâm (ceto vimutti), mục tiêu cùng tột của giáo huấn. Hợp chung lại, giới, định và tuệ đem lại trạng thái phát triển điều hòa những cảm xúc và phần trí thức của con người. Ðó là mục tiêu mà Ðức Bổn Sư muốn hướng hàng đệ tử về.

Chánh Ngữ

Ba chi của Bát Chánh Ðạo hợp thành giới luật (sìla). Ðó là: chánh ngữ (sammà-vàcà), chánh nghiệp (samma-kamma) và chánh mạng (samma-àjivà).

Chánh ngữ bao gồm (a) kiêng cữ lời giả dối và luôn luôn nói lời chân thật; (b) kiêng cữ lời đâm thọc, gieo rắc mối chia rẽ và tình trạng bất hoà, và nói những lời đem lại hoà khí và hoàn cảnh an lành; (c) kiêng cữ lời thô lỗ cộc cằn, mắng nhiếc chưởi rủa và trái lại, dùng lời thanh tao nhã nhặn; và (d) kiêng cữ lời nhảm nhí, vô ích, hay ngồi lê đôi mách và nói những lời hữu lý và đáng được tán dương, không bị khiển trách.

Lời nói thật là kỳ diệu; chỉ nói một lời cũng có thể biến đổi toàn diện một người – từ xấu trở thành tốt hoặc từ tốt trở nên xấu. Quả thật chúng ta rất hữu phúc có được thiên tính ấy mà loài thú không có. Tuy thế, không bao nhiêu người trong chúng ta biết xử dụng nó để tạo an lành cho mình và cho kẻ khác. Nhiều phiền toái và nhiều hoàn cảnh hiểu lầm nhau có thể tránh nếu con người thận trọng và dịu hiền hơn trong lời nói, chính xác và thành thật hơn trong khi viết.

Lời nói là một khả năng có giá trị lớn lao. Nhờ nó ta có thể chia xẻ tư tưởng và ý kiến của mình với người khác. Nhưng nếu ta để cho cái lưỡi, vốn không xương, tự do trở thành vô kỷ luật thì nó có thể là một hiểm họa lớn lao. Phải chăng vì nó mà bao nhiêu trường hợp cãi vã, tranh chấp và xáo trộn đã xảy diễn giữa những gia đình, bao nhiêu chiến tranh giữa những quốc gia? Nếu con người có thể thuần hóa cái lưỡi của mình, thế gian này phải chăng là nơi chốn biết bao tốt đẹp hơn để sống?

Không nên để cho những tư tưởng bất thiện như tham, sân, ganh tỵ, ngã mạn hay ích kỷ chen lẫn và ảnh hưởng lời nói. Nói nhiều chắc chắn làm cho tâm khó lắng dịu và suy tư chân chánh, và một cái lưỡi không được kềm chế sẽ dẫn đến tất cả bốn loại vọng ngữ. Ðức Phật dạy: “Này chư tỳ khưu, có năm điều bất lợi và năm hiểm họa trong lời nói dài dòng bất cẩn: người nói nhiều, không kiểm soát lời nói, sẽ thốt ra những lời giả dối, đâm thọc, thô lỗ cộc cằn và vô ích, và sau khi chết sẽ tái sanh vào cảnh xấu.” [6]

(1) Giới đầu tiên của chánh ngữ là cố tránh xa những lời nói giả dối, và nói lời chân thật. Người đáng tín cẩn nói lời thành thật, ngay thẳng, chắc chắn. Người ấy không rời xa sự thật để tìm danh lợi hay để lấy lòng người khác.

(2) Nói đâm thọc, nói hai lưỡi, hay ngồi lê đôi mách là tật xấu kế đó mà cái lưỡi không xương có thể vi phạm. Danh từ Pali có nghĩa “bẻ gảy tình bằng hữu”. Ðâm thọc, nói xấu người này với người khác tệ hại vô cùng, bởi vì đó là bày điều đặt chuyện, cố ý làm giảm suy uy tín của một người. Người nói đâm thọc thường phạm hai giới cùng một lúc. Họ nói dối vì thuật lại một điều sai sự thật, rồi nói xấu.

Trong văn thơ Bắc Phạn (Sanskrit) người nói đâm thọc được ví như loài muổi, nhỏ mà độc hiểm. Nó bay đến bạn, vo ve ca hát, đậu trên mình bạn, hút máu bạn, và có thể chuyển đến bạn chứng bệnh sốt rét. Lời nói của người tánh ưa đâm thọc có thể ngọt ngào như mật nhưng tâm của họ đầy độc dược. Ta nên cẩn thận xa lánh người có thói quen đặt điều “đâm bị thóc, chọc bị gạo” để phá hoại tình bằng hữu. Thay vì gây xáo trộn, hãy nói những lời tạo hòa nhã, những lời đem lại an bình và hòa hợp [7]. Thay vì gây mầm mống chia rẽ, hãy đem lại thanh bình và tình huynh đệ giữa những người bất đồng ý kiến hay thù nghịch. “Hãy đoàn kết, không nên chia rẽ” (samaggà hotha màvivadatha), là lời dạy của Ðức Phật. “Sống thuận thảo trong niềm hòa khí quả thật đáng ca ngợi” (samavàyo eva sàdhu) là những chữ được Vua Asoka (A Dục) xứ Ấn Ðộ cho ghi tạc vào đá. Bởi vì chúng ta tùy thuộc lẫn nhau, chúng ta phải tập sống chung với nhau an lành trong tình huynh đệ, tương thân tương ái và thuận thảo điều hòa.

(3) Giới kế đó là kiêng cữ, lánh xa những lời thô lỗ cộc cằn và nên ăn nói nhã nhặn thanh cao, dễ mến. Những gì mà ta nói ra có thể đem lại lợi lộc hay mất mát, danh thơm hay tiếng xấu, khen tặng hay khiển trách, hạnh phúc hay đau khổ.

Lời nói dịu hiền có thể làm mềm quả tim cứng rắn nhất, trong khi lời thô lỗ cộc cằn có thể gây bao nhiêu đổ vỡ và tai họa không thể tả. Vậy, ta nên thận trọng suy nghĩ cặn kẻ trước khi nói xấu người nào, vì đó là một cố gắng làm tổn hại thanh danh và uy tín họ.

Lời nói thường bộc lộ tâm tánh của người nói. Một lời thô lỗ cộc cằn, một cử chỉ sỗ sàng khó thương, một nụ cười bất chánh, có thể biến đổi người bẩm tánh hiền lương trở thành người tội lỗi, một bạn lành trở nên thù nghịch. Lời nói thanh nhã dễ mến có sức hấp dẫn và là một lợi điểm cho xã hội; nhưng lắm khi vẻ đẹp ấy bị những lời thô lỗ sỗ sàng làm hư hỏng. “Ngôn ngữ của tâm, lời nói phát xuất từ thâm tâm, lúc nào cũng giản dị, duyên dáng và đầy năng lực.”

(4) Giới thứ tư, cũng là giới cuối cùng của chánh ngữ, là kiêng cữ, không nói những lời nhảm nhí vô ích hay ngồi lê đầu này đầu kia để nói chuyện thiên hạ, không đem lợi ích lại cho ai, dầu ở đâu cũng vậy. Con người có tật ham nói nhảm, độc hiểm, làm giảm suy giá trị người khác. Báo chí, trong những cột ngồi lê đôi mách của họ, cũng xấu xa như vậy. Ðàn ông cũng như đàn bà, ăn không ngồi rồi, không có chuyện gì làm, mãi mê say trong những cuộc nói nhảm vô cùng tận, tìm vui thích cho mình trong khi có hại cho người khác. Như J.L. Hollard nói: “Câu chuyện ngồi lê đôi mách lúc nào cũng là trường hợp tự thú tội (bộc lộ cho người ta thấy rõ), hoặc bẩm tánh xảo quyệt, hoặc tình trạng ngu dốt, của mình. Ðó là câu chuyện thấp hèn, nông nổi, không đứng đắn và thường là bẩn thỉu, làm cho những người bạn láng giềng trở nên thù nghịch lẫn nhau trọn đời.”

Ðức Phật thẳng tay bác bỏ những lời đồn đãi nhảm nhí, những lời gièm pha, gây xáo trộn, bởi vì nó làm cho tâm chao động, không tĩnh lặng và an trụ. “Chỉ một câu vắn tắt đầy ý nghĩa, làm cho người nghe an lạc thanh bình, còn hơn cả ngàn câu dài dòng văn tự – chỉ gồm một mớ danh từ vô ý nghĩa.”[8]. Trong tiếng Pàli, người thông minh sáng suốt, nhà hiền triết, bậc trí tuệ, đôi khi được gọi là muni, có nghĩa là người giữ im lặng. Ðúng vậy, “im lặng là vàng”. Vì lẽ ấy, chỉ nên nói khi ta biết chắc rằng lời nói sẽ cải thiện hoàn cảnh, tốt đẹp hơn là giữ im lặng.

Chánh Nghiệp

Chánh nghiệp là chi thứ nhì trong nhóm giới. Chánh nghiệp là kiêng cữ, tránh xa ba loại hành động sai lầm: sát sanh, trộm cắp và tà dâm. Thay vì ba hành động sai lầm ấy, chi này bao hàm lòng bi mẫn đối với tất cả chúng sanh; chỉ lấy những gì được cho đến mình; và sống đời sống gia đình trong sạch – đối với hàng tại gia cư sĩ là không lang chạ lăng loàn, và đối với chư tăng và chư ni là sống hoàn toàn cuộc sống độc thân. Ðây là ba giới đầu trong năm giới căn bản (pancasìla) của nền luân lý Phật Giáo, hai giới còn lại là kiêng cữ vọng ngữ và các chất say. Những giới tu tập này, trong khi đào luyện tâm tánh cá nhân của người thận trọng nghiêm trì, cũng giúp đem lại tình trạng điều hòa tốt đẹp trong cuộc giao dịch giữa người và người. Người nghiêm túc trì giới tạo cho người khác hoàn cảnh châu toàn và an lạc, không lo âu sợ sệt. Toàn thể giới luật, hay cuộc sống giới đức tốt đẹp, đều căn cứ trên nền tảng từ ái và bi mẫn (mettà và karunà). Người thiếu hai đức tánh nổi bật ấy không thể thật sự được gọi là đức hạnh. Lời nói và việc làm mà không đượm nhuần tâm từ và tâm bi không thể được xem là tốt và thiện nghiệp. Lẽ dĩ nhiên, ta không thể sát sanh với những tư tưởng từ bi và tâm thiện, mà chỉ khi nào bị tham ái, hung bạo và si mê lôi cuốn.

Cần phải trau giồi đời sống tâm linh đến một mức độ nào, bởi vì cái tâm không được thuần hóa luôn luôn tìm lý do biện giải để hành động sai lầm bằng thân hay khẩu. “Khi tư tưởng không được canh phòng, hành động bằng thân cũng buông lung, khẩu và ý cũng vậy.” [9]

Hạnh kiểm tạo tâm tánh. Không ai có thể ban cho người khác một tâm tánh tốt. Mỗi người phải tự mình xây dựng nhân phẩm của mình bằng đường lối suy tư, nghĩ ngợi, cần cù, tinh tấn, chú niệm và định tâm. Cũng như khi muốn vững chắc trong một nghệ thuật ta phải gia công chuyên cần. Cùng thế ấy, muốn chắc chắn nắm vững nghệ thuật trau giồi đức tánh cao quý thánh thiện nhằm xây dựng tâm tánh tốt đẹp và dũng mãnh, ta phải cần mẫn nỗ lực. Như William Hawes nói: “Trong mọi trường hợp, một tâm tánh tốt là thành quả của công trình cố gắng cá nhân. Ðó không phải là di sản mà ta thừa hưởng của cha mẹ, không phải được tạo nên do lợi thế ngoại lai, không nhất thiết phải dính liền với sự sanh trưởng trong một gia đình nào, với sự nghiệp, tài năng, hay địa vị nào; mà là hậu quả của sự cố gắng của chính mình.” [10] Nếu muốn có một tâm tánh cao đẹp phải nhớ lời Ðức Phật nhắc nhở không nên buông lung: “Hãy tinh cần, luôn luôn giữ chánh niệm” (appamattà satìmanto). Trong pháp tu tập tâm tánh, điều thiết yếu phải có đầu tiên là thực hành đức hạnh tự chế (samyama). Hạnh tự chế này đến với ta qua lối suy tư về giới đức và những lợi ích của giới. Nhất là tuổi trẻ, cần phải trau giồi lòng quý mến giới đức, vì giới dưỡng nuôi đời sống tâm linh. Một cái tâm không được kềm chế sẽ buông lung xao lãng trong những sinh hoạt vô ích. Tâm tánh là cái gì ta phải đào luyện, rèn đúc trên hòn đe của ý chí cương quyết.

Những giới tu tập – kiêng cữ sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối và dùng các chất say – không hàm ý nghĩa nào như giới cấm, hay điều răn. Ðức Phật không phải nhà lập pháp, ban hành giới luật một cách độc đoán. Trong Phật Giáo không có áp chế hay cưỡng bách. Nhà sư hay người Phật tử cư sĩ tự ý mình, tự do chấp nhận nghiêm trì giới luật.

Chánh nghiệp – sammà-kammanta không phải gì khác hơn là sammàkamma. Nghiệp báo là một trong những giáo lý then chốt trong Phật Giáo. Nghiệp (kamma) là những hành động có tác ý. Nếu thông suốt rõ rằng những hành động có tác ý sẽ mang lại hậu quả tương xứng của nó (kamma-vipàka), ta sẽ không cố tình làm những hành động bất thiện, nhận thức rằng những hành động bất thiện như vậy chỉ dội trở lại, đem đến ta đau khổ và sầu muộn.

Chánh Mạng

Chi thứ ba, và cũng là chi cuối cùng của nhóm giới, chánh mạng (sammà-àjìva), bao gồm: kiêng cữ buôn bán vũ khí và khí giới có thể gây tử thương, chăn nuôi thú vật để làm thịt, bán người, bán các thức uống có chất say và các loại thuốc độc. Mặc dầu Ðức Phật chỉ nêu lên năm nghề kể trên, chúng ta phải hiểu nằm lòng rằng Ngài nói với xã hội Ấn Ðộ vào thế kỷ thứ sáu trước dương lịch. Lúc bấy giờ phần lớn là nông dân, những nhà chăn nuôi súc vật, và thương gia. Ngày nay chúng ta có thể thêm vào nhiều nghề sinh sống sai lầm khác.

Trong thế gian tân tiến hiện đại, chánh mạng có thể là giới hạnh khó gìn giữ trong sạch nhất. Rất nhiều công ăn việc làm có thể gây tác hại cho xã hội và không thích nghi với người Phật tử chân chánh. Có những kỹ nghệ chiến tranh hạt nhân, những cơ xưởng chế tạo khí giới, những cơ sở buôn bán các thức uống có chất say, những nghề phải giết thú vật; những người làm báo nhơ bẩn bất lương, quảng cáo và rao hàng bất chánh; và những thương vụ nhằm vơ vét của người. Phật Giáo không phải là tôn giáo có tâm trạng hẹp hòi. Phật Giáo nhìn các khuyết điểm của con người yếu mềm với tâm hiểu biết và thương hại. Tuy nhiên, người Phật tử chân chánh không thể vừa công khai tuyên bố một quy chế giới luật, vừa hành nghề theo một nếp sống thấp hèn khác.” [11]

Nhiệm Vụ Của Quốc Gia

Không nên nghĩ rằng Ðức Phật chỉ nói với người dân thường khi đề cập đến chánh mạng. Trong kinh điển Pali, như trong hai bộ Dìgha Anguttara Nikàya (Trường A Hàm và Tăng Nhứt A Hàm), có những bài kinh dạy về nhiệm vụ của nhà cầm quyền hay hạng người trị dân. Kinh sách rõ ràng dạy rằng làm vua phải cai trị một cách ngay thẳng (dhammena) chớ không phải bất chánh (a-dhammena). Ngoài nhiệm vụ phải nghiêm túc hành trì năm giới căn bản như tất cả những người dân thường, nhà cầm quyền trị dân cần phải có những đức tánh lành mạnh làm cho mình xứng đáng lãnh đạo quốc gia. Người trị dân phải vững vàng kiên cố trong Giáo Pháp (dhamma), trong từ bi, và trong hạnh chánh trực công minh, tránh xa những tật xấu và như thế, nêu gương lành cho dân trong xứ.

Không bao giờ an nghỉ để tận hưởng quyền lợi của ngai vàng hay của chức vụ mình, nhà vua hay người trị dân được trông đợi phải hiền hoà và hữu trách, làm tròn nghĩa vụ đối với dân “giống như ông cha lành đối với con cái.” [12] Một ông vua mà chìm đắm trong nhục dục ngũ trần và say mê trong quyền thế (issariyamadamatta) không đáng được khen ngợi tán dương mà đáng bị khiển trách và xem thường [13]. Nhằm giữ mình cho được công minh, trong sạch và chánh trực đối với mọi người, không thiên vị và đặc biệt dung dưỡng, ban bố ân huệ cho riêng ai, người cầm quyền trị dân nên cố tránh bốn tư cách đối xử sai lầm là đối xử với tâm tham ái (chanda), sân hận (dosa), sợ sệt (bhaya) và si mê (moha) [14]. Trong thời đại dân chủ hiện nay, những nếp sống thông thường được chuyển từ nhà cầm quyền cai trị dân sang người đại diện chánh phủ, người được bầu lên hay được chỉ định, có phận sự điều hành quốc gia. Những quy luật liên quan đến chánh mạng được ban hành nhằm mang lại hạnh phúc thật sự cho cá nhân và xã hội, và tạo hoàn cảnh đoàn kết thuận hoà giữa người và người. Có những lối sống bất công và sai lạc giữa cá nhân, giữa gia đình và giữa những quốc gia. Một nghề sinh sống bất chánh và không đúng với chánh mạng kéo theo biết bao hoàn cảnh bất hạnh, kém điều hòa và xáo trộn. Khi một người hay một đoàn thể sa ngã trong tội ác, lợi dụng khai thác kẻ khác, ắt xen lẫn vào phá rối trật tự và tình trạng thanh bình và hòa điệu của xã hội. Quả thật tánh ích kỷ và tham lam đã xúi giục con người có lối sống sai lạc và bất hợp pháp. Những người như thế ấy rõ ràng dững dưng, không màng nghĩ đến tình trạng lợi lộc và lỗ lã mà mình gây ra cho người láng giềng và cho xã hội.

Chánh Tinh Tấn

Giới hạnh là giai đoạn đầu tiên trên Con Ðường Giải Thoát. Kế tiếp là trau giồi tâm trí, hay định (samàdhi), bao gồm ba chi của Bát Chánh Ðạo: chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.

Chánh tinh tấn (sammà-vàyamà) là kiên trì gia công nỗ lực để:

(a)    ngăn ngừa những tư tuởng xấu xa và bất thiện chưa phát sanh, không để cho phát sanh, 
(b) xua đuổi, diệt trừ các tư tưởng xấu và bất thiện mà đã phát sanh, 
(c) khai triển và trau giồi những tư tưởng thiện chưa phát sanh, và 
(d) cải tiến và bảo tồn những tư tưởng thiện đã phát sanh.

Như vậy, chức năng của chi thứ sáu này là kiên trì, gia công kiểm soát những tư tưởng bất thiện và khai triển, bảo tồn những tư tưởng trong sạch và thiện. Người đã vững chắc làm chủ lời nói và hành động do nhờ giới (sìla), giờ đây nỗ lực quán chiếu tận tường tư tưởng và những trạng thái tâm.

Ðức Phật mãnh liệt quan tâm đến chi thứ sáu này của Con Ðường – chánh tinh tấn -bởi vì tự bản thân Ngài không có quyền năng cứu ai hết, mà chính mỗi người phải tự mình nỗ lực. Mặc dầu lúc nào cũng sẵn sàng hướng dẫn người khác tiến bước trên con đường, khuyến khích và nâng đỡ tinh thần kẻ khác, nhưng Ngài không phải là nhân vật cứu thế và không thể bảo đảm sẽ cứu ai vượt khỏi đau khổ, tháo gỡ những trói buộc của vòng luân hồi (samsàra). Ý niệm rằng có ai đó có thể đem người khác từ thấp lên tầng lớp cao hơn và cuối cùng cứu hẳn họ, có chiều hướng làm cho con người nhu nhược, uể oải biếng nhác, và kém suy tư. Nó làm suy giảm giá trị và lu mờ phẩm cách của con người trên mọi phương diện.

Thái độ của Ðức Phật, đặt nặng trọng tâm nơi chánh tinh tấn, chỉ rõ rằng Phật Giáo không phải là một giáo huấn bi quan yếm thế để cho những tâm hồn ươn yếu, mà là tôn giáo của hạng chiến sĩ tinh thần thật sự, của người nhất quyết mở đường tự giải thoát. Dầu là tiến bộ trong thế gian trần tục như lợi lạc và quyền thế, cũng đều phải tùy thuộc nhiều vào sự nỗ lực của ta. Như vậy, càng cần nỗ lực hơn nữa để rèn luyện tâm tánh và trau giồi những gì tốt đẹp cao cả nhất bên trong ta. Vì công trình rèn luyện tâm tánh đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn, hãy gia công từ giờ phút này. “Không nên để ngày tháng trôi qua như cái bóng của đám mây, không lưu lại dấu vết gì phía sau để nhắc người ta nhớ đến.”

Chánh Niệm

Chánh niệm (sammà-sati), giai đoạn kế tiếp của con đường, áp đặt sự hay biết vào, hay làm cho tâm giác tỉnh chăm chú vào:

(a) sinh hoạt của thân (kàyànupassanà, niệm thân), 
(b) thọ, hay những cảm giác (vedanànupassanà, niệm thọ), 
(c) những trạng thái tâm (cittanupassanà, niệm tâm), và 
(d) các đối tượng của tâm (dhammànupassanà, niệm pháp).

Thời Pháp được biết nhiều về “Sự Củng Cố Chú Niệm” (satipatthàna-sutta) đề cập rành mạch đến bốn niệm xứ này.

Vì các chi của con đường tùy thuộc lẫn nhau, chánh tinh tấn hỗ trợ chánh niệm. Cùng chung với nhau, hai chi này – chánh tinh tấn và chánh niệm – hợp sức kiểm soát, không để cho ác pháp phát sanh. Người tỉnh thức luôn luôn hay biết hành động của thân và khẩu mình, tránh xa những gì gây tổn hại cho tiến bộ tinh thần của mình. Con người như thế ấy không thể để tâm lười biếng và dã dượi. Sự chú niệm, trạng thái hay biết đầy đủ và hiểu biết rõ ràng, là hai yếu tố chánh giúp công phu hành thiền thành tựu mỹ mãn. Người mà lúc nào cũng chú niệm đã ở trước cổng của trạng thái Bất Diệt. Một diễn biến có nhiều ý nghĩa là trước giờ Nhập Niết Bàn, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của công phu chú niệm, lời di huấn tối hậu của Ðức Phật là: “Tất cả các pháp hữu vi đều vô thường. Hãy tận lực gia công chú niệm” (vayadhammà samkhàrà appamàdena sampàdetha) – (Dìgha Nikàya, Trường A Hàm, 16).

Không ngừng chú niệm và luôn luôn giác tỉnh là hai công trình rất thiết yếu để tránh làm điều bất thiện và cố làm điều thiện. Tư tưởng và cảm xúc của chúng ta lúc nào cũng cần phải được trông nom chăm sóc để hướng về con đường trong sạch (Thanh Tịnh Ðạo). Chính nhờ kiên trì canh phòng hay biết như vậy mà ta chứng nghiệm tiến bộ tinh thần.

Học nhiều không đem lợi ích gì cho người học nếu học mà không chú niệm. Không có niệm, đức tánh tối trọng yếu này, dầu học rộng biết nhiều cũng không thể thấy sự vật đúng trong bối cảnh của nó. Người có địa vị cao sang mà ăn nói không suy tư và không lượng định hậu quả của lời nói, thường bị chỉ trích nặng nề và đúng lý. Có lời tục ngữ rằng: “Lời đã thốt ra, cơ hội đã mất, và như mũi tên bắn đi, không bao giờ có thể thâu hồi lại được.”

Pháp hành thiền được thành tựu tốt đẹp nhờ ba yếu tố căn bản phối hợp: tinh tấn, niệm và định. Ba chi này hợp thành ba tao nhợ của sợi đỏi. Tuy nhiên, niệm được xem là tao nhợ vững chắc nhất, bởi vì niệm đóng vai trò trọng yếu nhất trong cả hai, thiền vắng lặng và thiền minh sát (samatha và vipassanà). Chú niệm là một chức năng của tâm và như vậy, là một yếu tố tâm, tức tâm sở. Ðược gọi là chánh niệm vì nó lánh xa sự chú tâm sai lạc và ngăn ngừa, không để tâm chăm chú vào đối tượng lầm lạc. Niệm hướng dẫn người có chánh niệm đi đúng trên con đường dẫn đến trong sạch và tự do.

Chánh niệm phải được áp đặt vào tất cả và mỗi hành động. Trong mọi cử động, người hành thiền phải luôn luôn giác tỉnh chú niệm. Dầu đi, đứng, hay ngồi, dầu nói năng hay im lặng, ăn uống hay đại tiện, tiểu tiện – trong những công việc ấy và trong tất cả những hoạt động khác, phải luôn luôn thức tỉnh và chú niệm. “Chú niệm, này hởi các tỳ khưu, Như Lai tuyên ngôn, là chánh yếu trong tất cả và ở mọi nơi.”

Nơi đây phải ghi nhận rằng trong kinh điển Phật Giáo danh từ Niệm (sati) thường được dùng chung với một danh từ khác cũng có ý nghĩa ngang nhau, “hiểu biết rõ rang” (sampajanna).Từ ngữ sati-sampajanna, niệm và hiểu biết rõ ràng, thường đi chung với nhau trong các bài kinh và mật thiết hỗ trợ lẫn nhau.

Cũng như người kia đi từ ngoài trời sáng vào một phòng tối, lúc đầu bị chóa mắt, rồi dần dần phân biệt nhận ra các món đồ trong phòng, cũng dường thế ấy, người chú niệm đầy đủ và hiểu biết rõ ràng, càng lúc càng thấy rõ hơn bản chất thật sự của sự vật, vốn bị che đậy dưới lớp mây mờ vô minh, nhưng chánh niệm giúp khai triển tuệ minh sát và chánh kiến.

Trong bài kinh “Niệm Xứ” (satipatthàna), các đoạn mô tả mỗi niệm xứ đều chấm dứt bằng những chữ: “Vị ấy sống độc lập, không bám níu vào bất luận gì trên thế gian.” [15] Ðó là thành quả mà người hành thiền nhắm đến, một thành tựu thiết tha mong muốn, và lúc nào cũng kỳ vọng tiến đạt. Rất khó mà không bám níu gì trên thế gian, và những cố gắng của ta để tiến đến tầng lớp cao thượng ấy có thể không đem lại kết quả trong tức khắc. Tuy nhiên, nó đáng cho ta kiên trì cố gắng thêm … và thêm nữa. Một ngày nào, nếu không phải trong kiếp này thì trong một kiếp sống khác, ta có thể tiến đến tận đỉnh cao mà tất cả những ai thật sự nỗ lực đã đến. “Hãy gieo một ý tưởng“, có người nói như vậy, “và bạn sẽ gặt hái một hành động. Hãy gieo một hành động, và bạn sẽ gặt hái một thói quen. Hãy gieo một thói quen, và bạn sẽ gặt hái một tâm tánh. Hãy gieo một tâm tánh, và bạn sẽ gặt hái một định mạng – bởi vì tâm tánh là định mạng.

Chánh Ðịnh

Chánh định (sammà-samàdhi), chi thứ tám của con đường, là trạng thái tâm tập trung vững chắc, giống như ngọn đèn không chao động, ở một nơi không có gió. Ðịnh (samàdhi) kềm giữ tâm ngay ngắn và ở yên một điểm, không lay chuyển và không xao xuyến. Pháp hành đúng giữ tâm trong một trạng thái quân bình. Người hành thiền gặp phải nhiều chướng ngại tinh thần, nhưng nhờ chánh tinh tấn và chánh niệm hỗ trợ, hành giả có thể vượt qua và đạt đến tâm định hoàn toàn. Một cái tâm hoàn toàn an trụ không bị ngoại cảnh, những đối tượng của giác quan, khuấy động và thấy đúng thực tướng của sự vật.

Pháp hành thiền trong Phật Giáo được chia làm hai hệ thống, tâm định hay vắng lặng (samàdhi, samatha) và minh sát (vipassanà). Trong hai pháp này, tâm định có tác dụng làm cho tâm tĩnh lặng, và do đó danh từ samatha hay samàdhi ở vài nơi được dịch là vắng lặng, yên tĩnh hay tĩnh lặng. Làm cho tâm tĩnh lặng hàm xúc ý nghĩa gom tâm, tập trung tâm vào một điểm duy nhất hay “nhất điểm tâm“, thu hẹp tâm chăm chú vào một đề mục, không còn thấy gì khác ngoài đề mục ấy.

“Tâm định là gì? Dấu hiệu của tâm định là gì? Cần phải có gì mới định tâm? Làm thế nào để phát triển tâm?

Bất cứ gì là trạng thái gom tâm vào một điểm, đó là định tâm; bốn trường hợp phát sanh của niệm là dấu hiệu của tâm định; bốn tinh tấn là những gì cần phải có để định tâm; bất cứ gì là pháp tu tập, là sự phát triển, là sự tăng trưởng những điều ấy, đó là phát triển tâm định.” [16]

Những lời dạy trên rõ ràng chỉ rằng ba chi của nhóm định (samàdhi) — tức chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định – cùng sinh hoạt chung với nhau để tạo tâm định thật sự.

Hiện nay nhiều người xem tự do và không tự kềm chế là đồng nghĩa. Khuynh hướng vật chất của nền văn hóa hiện đại, nặng về phần nhục dục, làm cho họ tin rằng công trình tự rèn luyện tâm tánh là một trở ngại, làm cho con người không thể phát triển trọn vẹn. Tuy nhiên, giáo huấn của Ðức Phật thì khác hẳn. Ðức Phật tuyên ngôn rằng phải tự khắc phục lấy mình, tự thuần hóa và rèn luyện đúng theo chiều hướng chân chánh mới có thể trở thành thật sự tốt đẹp. Phải canh phòng, không để cho những tư tưởng tham, sân, si phát sanh – đó là con đường dẫn đến an lạc và hạnh phúc thật sự.

Chỉ đến khi tâm được kiểm soát và kềm giữ đúng theo con đường chân chánh của sự tiến bộ có trật tự nó mới trở thành hữu dụng, cho người làm chủ nó và cho xã hội. Một cái tâm hoang dại, buông lung và vô trật tự là một gánh nặng, cho người làm chủ nó và cho nhiều người khác. Tất cả những tai họa tàn khốc trên thế gian đều đã được gây nên bởi những nguời không có học phương pháp kiểm soát tâm, làm cho tâm quân bình và trầm tĩnh. Kiểm soát tâm là cái chìa khóa để mở lối vào hạnh phúc. Ðó là vị chúa tể của giới hạnh và động lực nằm phía sau mọi thành tựu thật sự mỹ mãn. Chính vì thiếu kiểm soát mà bao nhiêu xung đột đã nổi dậy trong tâm con người.

Muốn kiểm soát tâm, con người cần phải học hỏi làm thế nào để không buông lơi thả lỏng những khát vọng và những chiều hướng tâm tánh hoang dại của mình và phải cố gắng sống cuộc đời tự kềm chế, trong sạch và an tĩnh.

Trầm tĩnh không phải là yếu hèn. Một thái độ trầm tĩnh lúc nào cũng cho thấy là con người thấm nhuần văn hóa. Nghĩ rằng chỉ có người ồn ào, gây gổ và lăn xăn mới hùng mạnh thì quả thật là sai lầm.

“Ðúng vậy, trống rỗng thì kêu to, 
Nhưng đầy thì trầm lặng; 
Kẻ ngu như cái lọ vơi nước, 
Người trí như ao hồ.” 
— Sutta Nipàta, v, 721
.

Người có trau giồi đức hạnh trầm tĩnh ít khi cảm nghe bực dọc phiền toái lúc phải đương đầu với những thăng trầm của đời sống. Người ấy cố gắng nhìn sự vật đúng trong bối cảnh của nó, khởi phát như thế nào và tan biến làm sao. Không lo âu và không bị khuấy động, người ấy cố gắng nhận thức đặc tánh phù du tạm bợ của những gì vốn là tạm bợ phù du. “Những tâm hồn tĩnh lặng … tiếp tục tiến bước, khi may mắn cũng như trong hoàn cảnh bất hạnh, đều đặn cùng một nhịp, như cái đồng hồ trong cơn sấm sét” (R.L. Stevenson).

Dầu bao nhiêu lập luận về phương pháp làm cho tâm vắng lặng và cho cuộc sống trở nên toàn hảo cũng không đưa chúng ta đến mục tiêu mong mỏi; nhưng mỗi hành động buông xả thật sự, mỗi cố gắng để tách rời chúng ta ra khỏi những đối tượng của ái dục, dẫn đến trạng thái tĩnh lặng và trong sáng.

Con đường mà Ðức Thế Tôn chỉ dạy để làm cho nội tâm trưởng thành là hành thiền. Tất cả những phương pháp hành thiền được đề cập đến trong Phật Giáo đều dẫn đến sức khỏe nội tâm, không bao giờ đến ươn yếu, bởi vì tất cả đều loại trừ những tình trạng căng thẳng làm cho tâm bệnh hoạn, và rửa sạch những bợn nhơ của tâm.

Tư tưởng thật sự quan trọng chỉ có thể tăng trưởng trong những khoảng thời gian yên tĩnh lâu dài. Hoàn cảnh cô đơn giúp làm cho tâm lớn mạnh và hùng dũng. Năng lực sáng tạo to lớn nhất được un đúc trong tình trạng im lặng, nhưng thông thường người ta thích tiếng động hơn. Phần đông người ta say mê trong công cuộc làm ăn hằng ngày và xem thường tầm quan trọng của công trình yên lặng lắng tâm suy niệm. Khi ẩn rút vào yên lặng ta tuyệt đối đơn độc một mình, tự do quán chiếu và nhận thấy chính mình như thật sự mình là vậy; ta trực diện với thực tại và chừng đó có thể tu tập sửa sai những khuyết điểm và thiếu sót của ta. Nhưng thường ngày ta mãi lo bận rộn quây quần giống như con sóc chạy vòng vòng trên cái đu của nó, quay tròn trong cái lồng – mặc dầu rất nhanh nhẫu hoạt động, nhưng chỉ quay tròn bên trong cái lồng. Con gà mái ấp trứng, dầu thấy hình như bất động và uể oải biếng nhác, nhưng đang làm một việc hữu ích: nó ôm ấp chuyền hơi nóng, làm cho trứng nở ra gà con. Ta phải cố gắng dành ít nhất là nửa tiếng đồng hồ mỗi ngày, làm công chuyện con gà mái ấp trứng. Công phu hành thiền phải được tiếp tục đều đặn, đúng giờ, trong một thời gian lâu dài. Không nên trông đợi kết quả nhanh chóng, bởi vì chuyển biến tâm linh chỉ xảy diễn rất chậm chạp. Chính nhờ yên lặng tu tập suy niệm mà ta có thể thành tựu hoàn mãn một cái tâm tĩnh lặng – atta manasà (cái tâm của chính mình) là tên của một trạng thái tâm hạnh phúc, thành quả của công trình cố gắng tu tập và thành tựu. Nhưng trạng thái tâm khốn khổ, chìm đắm trong những tư tưởng tham lam, sân hận, si mê, ngã mạn, ganh tỵ v.v… là anatta manasà (tâm của kẻ khác).

Trí Tuệ Thật Sự

Ðã nắm vững, làm chủ tâm mình do nhờ định tâm (thiền vắng lặng), giờ đây hành giả trau dồi trí tuệ thật sự (pannà), gồm hai chi đầu của Bát Chánh Ðạo, chánh kiến và chánh tư duy, giai đoạn cuối cùng của con đường.

Chánh tư duy (sammà-samkappa), suy tư chân chánh, bao gồm những tư tưởng từ khước, buông xả (nekkhamma samkappa), thiện ý, không thù hận (avyàpàda samkappa) và bi mẫn, không hung tợn (avihimsà samkappa). Những tư tưởng này phải được trau giồi và ban rải cùng khắp tất cả chúng sanh không phân biệt dòng giống, chủng tộc, giai cấp, bộ lạc, nam nữ hay tín ngưỡng. Những tư tưởng này phải bao trùm tất cả chúng sanh có hơi thở, không có hạn chế gia giảm nào. Người ích kỷ, chỉ biết mình, không thể ban rải những tư tưởng cao cả như vậy. Nếu nhận thức sự vật với tâm quan sát không thiên tư ta sẽ hiểu rằng ham muốn ích kỷ, sân hận và hung bạo không thể đi chung với trí tuệ thật sự. Chánh kiến hay trí tuệ thật sự lúc nào cũng thấm nhuần những tư tưởng chân chánh, không bao giờ tách rời. Ðàng khác, chánh tư duy, suy tư chân chánh, là hậu quả của chánh kiến. Cả hai – chánh kiến và chánh tư duy – hợp thành nhóm tuệ, được đề cập đến trong phần Bát Chánh Ðạo. Suy tư đúng, chánh tư duy, là hậu quả của lối nhìn sự vật đúng như sự vật là vậy.

Tư tuởng quả thật rất quan trọng vì thân nghiệp và khẩu nghiệp đều bắt nguồn từ tư tưởng. Chính tư tưởng được diễn đạt thành lời nói và hành động. Hậu quả của những lời ta nói và những việc ta làm thiện hay bất thiện, xấu hay tốt, chỉ tùy thuộc nơi lối suy tư của ta. Do đó, tu tập suy tư chân chánh, thay vì quanh co bất chánh và không chừng đổi, thật vô cùng trọng yếu.

Giờ đây chúng ta thử tìm hiểu tầm quan trọng của công trình diệt trừ những tư tưởng bất thiện và phương pháp áp dụng để thành tựu hoàn mãn công trình ấy bằng cách thực hành chân chánh các pháp từ khước, thiện ý và bi mẫn. Khi tâm mãi mê say đắm trong khát vọng hay sân hận, ắt ta không thể thấy rõ sự vật. Nhưng diệt trừ những trở ngại ấy không có nghĩa là tranh đấu với những tư tưởng bất thiện đang bám chặt vào tâm. Phải tu tập để diện đối diện, thấy rõ những tư tưởng ấy – nó khởi phát, xuất hiện trở lại và áp đảo, khắc phục tâm ta như thế nào; phải nghiên cứu học hỏi bản chất của nó. Giờ đây, nếu ta để cho tâm liên tục ôm ấp dưỡng nuôi những tư tưởng tham ái và sân hận, không cố gắng kiểm soát nó, những tư tưởng bất thiện ấy sẽ tăng trưởng lớn mạnh và khuynh đảo, làm chủ tâm. Nhưng nếu thật sự quyết tâm diệt trừ nó, ta nỗ lực dần dần, trau giồi và phát triển những tư tưởng thiện. Thiện pháp này sẽ phản công các pháp bất thiện. Thí dụ như khi ta bị tham dục khuấy động, những tư tưởng từ khước, buông bỏ, sẽ đem lại trạng thái tâm thanh bình an lạc. Cùng thế ấy, thiện ý và bi mẫn sẽ thoa dịu những tư tưởng ác ý, sân hận, hung tợn và thù hằn. Tuy nhiên, không phải là dễ nắm vững, làm chủ cái tâm của mình. Cần phải tận lực quyết tâm và gia công cố gắng.

Trong Phật Giáo, thiện ý (avyàpàda) hàm xúc tình thương không thiên về xác thịt. Trong giới Phật tử, danh từ thông dụng để nói thiện ý là tâm từ (mettà), hay danh từ sanskrit (Bắc Phạn) là maitrì. Tình bằng hữu, lòng tốt, tình thương đại đồng, và lòng từ ái, hay tâm từ, là những chữ thường được dùng nhất. Mettà, tâm từ, là lòng thành thật mong muốn cho tất cả chúng sanh, không có hạn định hay phân biệt nào, đều được an lành hạnh phúc.

Lòng bi mẫn (avihimsà) chắc chắn không phải là trạng thái cảm xúc yếu mềm. Ðây là đức tánh dũng mãnh và bền bỉ. Khi có một người đang khốn khổ. Chính quả tim trắc ẩn của người bi mẫn đập mạnh và thúc đẩy người ấy cứu vớt kẻ lâm nạn và nơi đây, tâm cần phải có sức mạnh. Có người hấp tấp cho rằng bi mẫn là dấu hiệu của tính yếu hèn bởi vì bi mẫn là dịu hiền, mềm mỏng. Những người ấy không biết họ đang nói gì. Theo họ, tàn ác chắc đúng thật là dấu hiệu của tâm dũng mãnh.

Chánh kiến (sammà-ditthi), trong ý nghĩa cùng tột, là hiểu biết thực tướng của đời sống. Muốn được vậy, phải rõ ràng thông suốt Tứ Diệu Ðế. Thấu hiểu những chân lý này là thông suốt những điểm phức tạp của thiên nhiên. “Người thấu triệt trọn vẹn những chân lý này thật sự được gọi là ‘sáng suốt chứng ngộ’.” [17]

Chánh kiến quan trọng hơn tất cả, bởi vì hướng dẫn bảy chi còn lại của Bát Chánh Ðạo [18]. Chánh kiến kiện toàn chánh tư duy, làm cho suy tư được bảo đảm, và phối hợp các ý nghĩ. Khi những suy tư và ý nghĩ trở thành rõ ràng và thiện thì việc làm và lời nói cũng xuôi chiều theo sự hướng dẫn ấy: một lần nữa, chánh kiến thúc đẩy ta từ bỏ những cố gắng vô ích và trau dồi chánh tinh tấn để chánh tinh tấn hỗ trợ, phát triển chánh niệm. Chánh tinh tấn và chánh niệm, được chánh kiến hướng dẫn, tạo điều kiện cho các chi khác của hệ thống dung hợp thích nghi.

Người đọc thận trọng giờ đây có thể hiểu biết ba nhóm giới, định và tuệ, dung hoà tương trợ lẫn nhau như thế nào để cùng chung tiến đến mục tiêu, giải thoát cái tâm (cetovimutti). Do nhờ thật sự trau giồi tâm và kiểm soát thân, khẩu mà hành giả thành đạt trạng thái trong sạch. Do nhờ tự mình gia công, tự mình phát triển, hành giả tiến đến tự do. Ðó là Giáo Pháp mà Ðức Phật khám phá, tự Ngài áp dụng để chứng đắc trạng thái Toàn Giác, và giáo hóa người khác.

Từ xa xưa trong quá khứ, thế gian có nhiều vấn đề. Mỗi thời đại có vấn đề của nó, và thái độ của chúng ta đối với các vấn đề ấy có phần khác biệt nhau; và nhiều giải pháp đã được đem ra áp dụng. Bát Chánh Ðạo thâu hẹp các vấn đề, gom lại thành một mà Ðức Phật gọi là dukkha, vấn đề đau khổ. Ngài giải thích rằng nguyên nhân đưa đến vấn đề ấy là avijjà, vô minh, và tanhà, ái dục, khát vọng vị kỷ. Ngày nay, vấn đề là: con người hiện đại đã tìm ra giải pháp chưa, hay chỉ làm cho nó trở nên trầm trọng thêm? Hiện nay con người có sống trong trạng thái an toàn và hạnh phúc không, hay vẫn mãi mãi lo sợ và luôn luôn căng thẳng? Họ đang đi trên con đường dẫn đến trạng thái tâm lành mạnh hay đang đi đến điên rồ? Giờ đây, thử nhìn xem Trung Ðạo là con đường gì? Nó bao gồm tám chi: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định. Có chi nào trong đó mà ta có thể gác bỏ qua một bên vì nó lỗi thời và không dẫn đến tiến bộ vật chất hay tinh thần không? Có chi nào gây trở ngại cho tình trạng phát triển tốt đẹp của con người, phàm tục hay gì khác không? Chắc chắn là chỉ người đầu óc đầy bùn nhơ mới có thể gọi Bát Chánh Ðạo là lỗi thời bởi vì, mặc dầu là xưa cũ, pháp ấy lúc nào cũng vẫn tươi trong mát dịu. Tất cả những vấn đề của đời sống đang dồn dập tấn công con người có thể thâu gọn lại thành vấn đề duy nhất, dukkha, đau khổ, xung đột, hay bất toại nguyện. Giải pháp cho vấn đề ấy mà chư Phật hay các đấng Toàn Giác trong các thời đại ban truyền là giáo huấn Bát Chánh Ðạo. Cũng như có ăn mới chứng minh được món ăn là ngon, cùng thế ấy, phải thực hành mới có thể chứng minh giải pháp là đúng.

Bát chánh Ðạo của Ðức Phật được mở rộng cho tất cả. Không có sự phân biệt trong Niết Bàn. Ðề cập đến con đường và so sánh nó với chiếc xe, Ðức Bổn Sư dạy:

“Và dầu đó là người nữ, dầu là người nam 
Chiếc xe ấy vẫn đợi chờ, cùng một chiếc xe ấy, 
Sẽ chở vào Niết Bàn.” 
— Kindred Sayings, i, trang 45.

T.W. Rhys Davids, vị Chủ Tịch Sáng Lập Viên hội Pali Text Society tại London viết:

“Dầu là Phật tử hay không, tôi đã khảo sát các hệ thống tôn giáo lớn trong thế gian, từng hệ thống một, không có ở đâu tìm ra điều gì tốt đẹp hơn và đúng lý hơn Bát Chánh Ðạo của Ðức Phật. Tôi tự nguyện uốn nắn đời sống mình đúng theo con đường ấy.”

“Hãy từ ái và bi mẫn 
Và khéo thu thúc trong giới hạnh, 
Hãy gia công nỗ lực, hướng về mục tiêu, 
Và tiến bước, luôn luôn can đảm tiến lên.

Hiểm họa nằm trong sự dể duôi uổng phí thì giờ, 
Công phu kiên trì nỗ lực chắc chắn và an toàn: 
Ðiều ấy khi ta thấy, 
Rồi trau giồi Bát Chánh Ðạo, 
Ta sẽ chứng ngộ, và như vậy 
Làm cho Con Ðường Bất Diệt là của chính ta.” 
— Psalms of the Brethen, 979, 980.


Trích từ sách: “Phật Giáo, Nhìn Toàn Diện-The Spectrum of Buddhism”:

Phạm Kim Khánh dịch


Chú thích:

[1] Samyutta Nikàya, Tạp A Hàm, i,13.

[2] Itivuttaka, I, ii,v.

[3] Samyutta Nikàya, Tạp A Hàm, I, 40.

[4] Samyutta Nikàya, Tạp A Hàm, v, 420; Vinàya Pitaka, Tạng Luật, I, 10.

[5] Dìgha Nikàya, Trường A Hàm, bài kinh số 16.

[6] Anguttara Nikàya, Tăng Nhứt A Hàm, iii, 254.

[7] Majjhima Nikàya, Trung A Hàm, 27.

[8] Dhammapada, Kinh Pháp Cú, câu 100.

[9] Anguttara Nikàya, Tăng Nhứt A Hàm, I, 261

[10] Mark Gilbert, Wisdom of the Ages (London: 1948), trang 48.

[11] John Walters, Mind Unshaken (London: Rider & Co., 1961), trang 47.

[12] Dìgha Nikàya, Trường A Hàm, ii, 178.

[13] Samyutta Nikàya, Tạp A Hàm, i, 100.

[14] Anguttara Nikàya, Tăng Nhứt A Hàm, ii, 17.

[15] Samyutta Nikàya, Tạp A Hàm, v, 115.

[16] Majjhima Nikàya, Trung A Hàm, 44/l. 301.

[17] Majjhima Nikàya, Trung A Hàm, 43/l. 292.

[18] Majjhima Nikàya, Trung A Hàm, 117/lll. 76.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here