Trang chủ Lời Phật dạy Đức Phật trong Pháp cú Nam tông

Đức Phật trong Pháp cú Nam tông

248
0

Trước hết, trí thức của Phật có từ ngồn gốc nào? Pháp cú Pali nói Phật không có thầy. Nói thế cũng như nói thầy của Phật là Pháp. Quả thật không thấy ở nơi đâu nói Phật từ thầy nào, sách nào mà có cái trí thức Phập giáo. Thêm nữa, trí thức ấy hoàn toàn là trí thức siêu linh hay có cả trí thức khoa học? Khó mà nói Phật không có trí thức loại sau. Trước Phật khá lâu, cái trí thức toán học siêu đẳng trong kim tự tháp hay trong lý số học là có đó, mà từ toán học nào không như ngày nay. Cổ nhân làm như lòe ra một chút cho hậu thế kinh dị. Rồi thôi. Vì thời đại trước hay đời Phật, trí thức ấy chưa thể đem ra truyền đạt, ứng dụng. Do vậy, trí thức khoa học chắc Phật có, nhưng cái có ấy Phật không sử dụng, vì đi trước thời đại quá xa, đặc biệt vì không liên quan mục đích Phật phục vụ cho đời. “Một người bị trúng tên thì thầy thuốc phải nhổ tên, cho thuốc, không phải để đó mà tìm coi tên gì, độc gì, ai bắn, bắn làm gì”. Phật là như vậy, trí thức mà Phật áp dụng là như vậy.

Trí thức của Phật, ngay trong mục đích này, Pháp Cú là truyện tích của Pháp Cú Pali cho thấy  Phật hễ gặp bệnh nhân thì biết phải cho thuốc gì. Cái biết này cực kỳ thuần thục, linh hoạt mà thuần nhất. Và ai được chỉ cho thì lành bệnh cả. Cái trí này Đại Thừa gọi là đạo chủng trí: “Cái trí biết Pháp, và biết cách cho Pháp, cho chúng sinh”. Biết cách cho Pháp là biết rõ về họ: biết cái lúc, cái cơ hội tiếp nhận được, nói đúng thuật ngữ là “Lúc thiện căn của họ thuần thục”. Do vậy, Phật không chỉ phải đợi đến lúc thiện căn thuần thục, mà chính Ngài tạo ra cho họ cái thiện căn ấy. Có máy thì bắt hình được, nhưng không phải đợi người ta có máy mà phải làm cho người ta có máy để phát hình cho họ bắt. Trí của Phật, và việc của Phật, là như vậy.

Trí của Phật biết, là ví như ngọn đèn soi rõ cảnh vật, nói như vậy không đúng như ví như đài gương lớn và sáng, cảnh vật hiện hết và rõ trong đó. Thế nên trí Phật là tâm Phật đã siêu thoát: đã sạch ái dục là chủ yếu. Pháp Cú Pali vi dụ như lá sen không dính nước, mũi kim không dính hạt cải. Phật cũng vậy, nơi Phật không còn dấu vết hay tơ vương nào của ái dục. Nói như vậy là hiểu được “tánh tịnh” của Đại thừa. Tánh mà không tịnh thì không làm sao cho tịnh được: trăng vốn sáng mới sáng lúc ra khỏi mây mù.

Từ sự “tánh tịnh” trên đây mà nói, Phật giáo không quan tâm đối tượng là gì, mà quan tâm làm sao cho tâm trí được sạch. Không cần phải thấy cảnh vật là gì, mà phải làm cho mắt lành, kính trong, thì thấy và thấy đúng. Thế nên trí Phật chính là, phải là “lậu tận thông”. Lậu chưa tận – tâm chưa sạch – thì đối tượng có là gì đi nữa cũng chỉ là dơ bẩn.

Với trí và tâm như vậy, làm cho cơ thể, lời tiếng, tư duy, bao giờ cũng đồng bộ hoạt hiện thành đời sống của Phật trong việc xử thân độ thế. Rõ nhất là Đức Nhẫn ngoại hạng của Ngài, dạy cho ta thấy sức mạnh của đức tính ấy mà làm quân lực cho mình.

Đời Phật, việc thương tâm nhất là Lưu Ly vương tàn hại họ Ngài, Việc ấy đáng nguyền rủa là kẻ gây ra. Nhưng lỗi thì rõ ràng họ Thích không lý gì đến tư tưởng nổi tiếng của Phật là bình đẳng. Kỳ thị đến miệt thị quá đáng thì thật tai họa. Sắp hạng kể vụ này là Thiện giác vương, cha vợ của Ngài, ông này thù Phật vì bỏ con gái ông, công chúa Gia Du, mà đi làm Phật. Ai dám nói vương tử Đề Bà, con trai ông, đã không chịu ảnh hưởng của ông trong âm mưu hại Phật, chia rẽ Phật giáo? Việc ngoại đạo vu khống, việc bị bỏ đói, việc đệ tử bất trị, và quái quỷ nhất việc một cô gái cầu hôn với Phật không được mà thù oán độc địa. Tất cả, ta đứng nhìn Phật như không gian hay như đại địa, mà hãy nhìn Ngài như “con voi hứng chịu cung tên gươm giáo giữa chiến trận”. Nhìn thế mà học, và học thêm rằng không nhẫn như Phật thì Phật chẳng có, chẵng có những gì Phật làm cho đời, cho ta.

Việc Phật làm cho đời là Pháp và Tăng. Cả hai việc sẽ được nói đến sau đây. Nay chỉ nói sơ lược. Suốt đời Phật, không thấy Ngài nghỉ dài hạn hay ngắn hạn lúc nào. Dừng lại ở đâu cũng chỉ “một thời”, một thời gian thích hợp. Sống bằng đi khất thực, và mỗi ngày đêm chỉ ăn một lần. Đồ mặc, kể cả ngự hàn, không quá ba y. Không cất lại hay dồn lại đồ ăn, đồ mặc, đồ nằm. Chỗ ờ không bền chắc. Mỗi năm không đi khất thực ba tháng mùa mưa an cư. Pháp Hoa nói thuyết pháp là sự bận rộn duy nhất của Phật. Gọi là thuyết Pháp, không phải chỉ ở giảng đường. Sự chịu khó của Phật còn khác thường hơn. Hằng ngày, bất cứ lúc nào, nhất là sáng sớm, hễ trí Phật hiện ra ai, hay những ai, đến lúc đắc độ, thì Phật đến liền. Phật nói không nhiều, không khó, không cầu kỳ. Nói rất giản dị. Đa số vài lời, thậm chí một pháp thôi. Có lúc thường đến tầm thường. Nhưng cái tầm thường ấy xuất từ trí Phật, đúng lúc, đúng chỗ, đúng tâm trạng, đúng tầm cỡ, đặc biệt được nói với chữ và giọng của Phật, nơi với cử chỉ và ánh mắt của Ngài lại nói với sự nói hay sự im lặng của Ngài, và tất cả đều thuần thục, nhẹ nhàng, như không có gì, như vậy mà khiến cho một câu hợp pháp thôi cũng thành ra phi thường. Trái lại thế, có lúc trí Phật nói một cách cực kỳ tranh trọng. Và tất cả sự nói như trên đây của Phật dệt thành ra Pháp. Rõ hơn, Đại thừa nói Phật sống như đại bàng hai cánh. Phật với đại trí và đại bi, hòa hợp thành ra cái “Pháp là Phật”.

Nhưng Phật nói cho ai, ai đã đến với Phật? Phật không khước từ ai cả. Trên lý thuyết, kẻ nào trong đời này mà sát hại cha mẹ sinh ra thân mình, thì kẻ đó đời này không được xuất gia. Còn tại gia cũng không loại trừ kẻ này. Pháp cú và truyện tích của Pháp Cú Pali cho thấy Phật đã hóa độ cho kẻ chiến thắng, kẻ chiến bại, kẻ khổ đến nỗi khó sống nổi, thậm chí sát thủ, đao phủ thủ, trộm cướp thông minh, xuất sắc, đần độn  đặc biệt, nam giới, nữ giới, lão niên, đồng ấu. Tăng của Phật có đủ. Và cách tiếp độ của Phật dĩ nhiên kỳ lạ. Không lạ gì khi Ngài đích thân hòa giải trận chiến sắp khai hỏa, cũng không lạ gì khi Phật biết trước ai và những ai sắp đến lúc chết, chết thảm. Phật đã tạo ra cho họ cái chết không tồi tệ, nhiều trường hợp Phật đã đến thật đúng lúc, thật sát lúc, làm cho chứng ngộ trước khi chết ngay. Và Ngài, dĩ nhiên, đã nhận đủ hoài nghi, trách cứ .Nhưng Ngài vẫn làm những gì còn làm được. Nên những điều này không lạ kỳ. Kỳ lạ là Ngài đã dùng ngay cá tính tự trọng của một vương tử mê vợ, sự chậm lụt của một đần độn, sự thất vọng của một kẻ ham gần Phật , sự ỷ có công với Phật mà kiêu binh, mà ngoan cố, Phật nói rõ Ngài nhập diệt thì kẻ ấy chứng ngộ . Nói to tuồng một chút; sự nhập diệt của Phật cũng là cách hóa độ của Ngài. Đại thừa nói các Pháp là chánh mà cũng là tà, tùy ở sự tiện dụng mà thành chánh, thành tác dụng hóa độ cả. Phật tin tưởng tuyệt đối vào khả năng của chúng sinh, nhất là loài người. Loài người, và cả chúng sinh, vô lượng kiếp đi nữa mầm mống thiện căn (tín tiến niệm định tuệ) không mất trong họ, nói cách khác, chúng sinh là “tánh tịnh”, tánh ấy không có cái nghĩa biến chất, hủy diệt. Vấn đề chỉ còn một, giúp cho thiện căn ấy phát triển; hai, lúc thiện căn ấy thuần thục thì giúp cho chứng ngộ, người giúp là Phật. Trong Đại thừa, Phật là “đại thiện trí thức”. Người giúp như vậy, là quan trọng, nhưng chủ yếu vẫn là người được giúp có tiếp nhận và cố gắng hay không. Pháp Cú Pali đề cao phần tự lực như vậy là để cảnh cáo, khuyến khích. Còn Phật, với đại trí và đại bi, thì làm hai cái việc giúp trên đây. Người được giúp, ngoài tại gia là cơ sở, có xuất gia tiêu biểu là Tăng.

Pháp Cú Pali cho thấy hiện tại của Phật là như vậy, cái hiện tại đã có thể nói xứng đáng gọi là Đức Phật . Nhưng cái hiện tại ấy ta phải thấy cái quá khứ của Phật đã làm gì mới có cái hiện tại như vậy, và cái hiện tại như vậy không thể nào không có cái tác dụng ở vị lai mà Pháp Cú Pali chưa thể nói rõ. Đại thừa thì nói rõ. Phật đã làm Bồ tát mới có cái làm Phật “8 hình thức”; và nhập diệt thì cái thân người 32 tướng mà thôi. Không thể nói Phật để lại cái Pháp “thiện nhân truyền dạy cho thiện nhân” mà gọi đó là cả cái vị lai của Phật. Đừng đẩy cái hiện tại vĩ đại, càng đẩy công hạnh như vậy, vào trạng huống không có gì, nhất là không có gì đối với chúng sinh, mà phải thấy Phật không bao giờ bỏ chúng sinh. Khi làm Bồ Tát thì làm cha mẹ,. Thầy bạn, tôi tớ cho chúng sinh mới có cái hiện tại làm Phật cho chúng sinh, từ cái hiện tại này Phật đi vào cái vị lai không những làm cha mẹ, thầy bạn, tôi tớ cho chúng sinh, mà còn tiếp tục làm Phật cho chúng sinh, trong cái vị lai bất tận. Không thể nói hiện tại Phật nhập vô dư Niết bàn là rồi. Rồi như thế, dù được nói như thế nào, cũng đích thật là đoạn kiến đối với chúng sinh. Trong khi đọc Pháp Cú Nam Tông, tôi có gặp được vài chỗ, của Narada và Dhammananda, đều có, nói Niết bàn là siêu thể, là trạng huống không thể nghĩ  bàn. Có nghĩa Phật, hay La Hán, nhập vô dư Niết bàn rồi, sau đó thì Phật không nói tới, ta càng không thể ước lượng. Lối nói này chỉ lấy không chính xác tư tưởng Đại thừa mà tránh cái đoạn kiến khó tránh khi đã bài bác Đại thừa. Phải thấy là cái lỗi thật sự, thật lớn lao, khi đẩy công hạnh lớn lao, bất khả tư nghị của Phật, hay vài vị La hán, vào cái vị lai hoàn toàn mơ hồ. Như thế thì thành Phật, thành La hán để làm gì? Để nói gì hơn ngoài cái việc không cái “hữu” trong 12 chi duyên khởi? Nói Phật không nói gì thì ngay Pháp Cú Pali đã cho thấy sai, rất sai. Hãy đọc kỹ 2 pháp cú 254- 255, và phải biết đó là hai pháp cú Phật nói vào giờ phút sắp nhập diệt, nói với một đệ tử cuối cùng cũng sắp cuối cuộc đời. “Như Lai thì không phải giả dối, vô thường” là nói gì? Chắc chắn không phải để nói như Tiểu thừa cố nói.

Đại thừa nói sự Niết bàn có 4. Một là tánh tịnh Niết bàn: bản thể là nhất quán là siêu thể; bản thể không phải ô nhiễm, ô nhiễm chỉ là bụi bám mà thôi, đó là tánh tịnh Niết bàn. Hai là hữu dư Niết bàn: tánh tịnh nói trên tẩy sạch ô nhiễm (chủ yếu là ái dục) thì dù “khổ” đang còn mà “tập” đã diệt, đó là Hữu dư Niết bàn. Ba là Vô dư Niết bàn: “khổ” cũng không còn. Bốn là Vô trú Niết bàn: ở đâu và lúc nào, cái “tánh tịnh nay không còn bụi bám nữa” cũng hoạt hiện chứ không vướng mắc. Niết bàn (vì có đại bi) hay vướng mắc sinh tử (vì có đại trí). Vô trú Niết bàn là Niết bàn của Phật, có hai trạng huống là tuệ giác trong sáng và hoạt dụng siêu việt (Khởi Tín luận).

Khái niệm Niết bàn như vậy thì Niết Bàn đúng trạng huống (chứ không phải là một nơi, một xứ), nhưng không phải là trạng huống của tâm thức, mà là trạng huống toàn bộ và  đồng bộ của thân thể của tâm thức, của thế giới và xã hội của thân tâm ấy .

Quay lại mà nói, Niết bàn của Phật là Vô trú Niết bàn. Sự nhập diệt dưới cây sa la chỉ là của cái thân người hiện tại của Phật, mà thôi. Niết bàn của Phật là Vô trú Niết bàn nên không bao giờ Phật rời chúng sinh, mà ở với chúng sinh, làm cha mẹ, thầy bạn, bà con, tôi tớ cho chúng sinh dù chúng sinh được ở với và được làm cho như vậy mà không thể biết được; cái ví dụ người mù sống nhờ ánh nắng mà không thấy ánh nắng được nói ở đây. Ngay thời Phật, chúng sinh thấy là thấy cái thân người 32 tướng của Phật, và thấy một số việc làm của thân ấy mà chúng sinh có thể thấy được. Còn những thân khác, và những việc làm khác, làm sao mà thấy mà hiểu. Ngay việc làm có thể thấy mà đâu có thấy hết, hiểu hết được. Nhưng Niết bàn của Phật là như vậy, ở với và giúp cho chúng sinh phát sinh và tăng trưởng thiện căn, bằng vô số phương cách, biểu hiện bởi tuệ giác trong sáng và hoạt dụng siêu việt bởi Vô trú Niết bàn của Phật, Tiểu thừa nên thấy từ cái Niết bàn Hữu dư và Vô dư phải còn cái Niết bàn cao tột, viên mãn hơn, của Phật (mà ta phải lấy làm mục tiêu học tập theo Ngài). Nói bao quát và dễ hiểu một chút, thì cái mà nay gọi là “Đức Phật trong lịch sử”, cái mà tôi có thể gọi là “Đức Phật trong Pháp Cú Nam Tông”, Đức Phật ấy có thể nói là hoạt hiện, là diệu dụng “Vô trú Niết bàn” của Phật đó. Chỉ với Đức Phật ấy mà thôi, mà đã không thể và không đem tư tưởng của mình mà hạ Đức Phật ấy xuống cho ngang mình.

Nay, chỉ lấy Đức Phật trong Pháp Cú và truyện tích của Pháp Cú Pali mà nói thôi, cũng thừa để thấy tất cả La Hán thời Phật, không một ai có thể nói bằng Phật. Các vị là đệ tử mà có khi và có người còn chưa xứng, huống cho dám nói như thầy, bằng thầy.

Do vậy, hãy chấm dứt cách nói Phật cũng là một vị La hán. Nói như vậy mà Phật nói thì để đề cao, nhưng La hán nói thì là tự cao. Đại thừa nói Phật có 3 đức: đoạn đức (đoạn trừ ái dục), trí đức (thành tựu toàn giác), ân đức (giúp đỡ chúng sinh). La hán chỉ tương đồng, mà chưa đồng đẳng với Phật về đoạn đức. Truyện tích Pháp Cú Pali cho thấy các ngài Ca Diếp hay Xá Lợi Phất tự chứng tỏ như vậy. Vậy các vị cố mà học cho được cái trí đức và cái ân đức mà Phật có và các vị đã thấy, hơn nữa, đã hưởng được.

(Trích: đọc Pháp Cú Nam Tông 1, tựa của VHPG)

TỲ KHEO TRÍ QUANG   (Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 11)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here