Trang chủ Vấn đề hôm nay Câu chuyện giáo dục trẻ mầm non: Hạnh nguyện của Ni giới...

Câu chuyện giáo dục trẻ mầm non: Hạnh nguyện của Ni giới và những thách thức

250
0

Đặc biệt, ngành giáo dục mầm non (GDMN) Phật giáo như một “lát cắt” trong mảng công tác từ thiện được Ni giới, đặc biệt là Ni trẻ dấn thân phục vụ. Trước đây, GDMN là thế mạnh của Phật giáo với hệ thống giáo dục tiểu học, trung học Bồ Đề từng hiện diện. Và, ngày nay, chính sách xã hội hóa giáo dục, những chủ trương của Nhà nước khuyến khích tôn giáo, trong đó có Phật giáo mở cơ sở GDMN, gánh vác trách nhiệm cùng với xã hội, đáp ứng nhu cầu học tập của con em Phật tử. Điều này đã tạo nên một bước ngoặc mới, đòi hỏi Ni giới, đặc biệt là chư Ni trẻ phải dấn thân hơn trên con đường thực hiện hạnh nguyện của mình. GDMN Phật giáo vừa mở ra cơ hội mới và cũng là một thách thức cho Ni trẻ…

GNMN và tâm nguyện phục vụ của Ni giới

Ước mơ về hệ thống GDMN Phật giáo như hệ thống mẫu giáo, tiểu học, trung học Bồ Đề trước năm 1975, NT.Thích nữ Tịnh Nguyện, Phó Trưởng ban Thường trực Phân ban Ni giới T.Ư luôn vận động Ni giới tham gia công tác giáo dục. Tuy nhiên vì nhiều nguyên nhân, các trường mẫu giáo do Phật giáo quản lý, đang hoạt động tại các tỉnh, thành chỉ mang tính chất lẻ tẻ, chưa tập hợp được sức mạnh xứng với tiềm năng vốn có.

NT.Thích nữ Tịnh Nguyện cho biết: “GDMN Phật giáo rất phù hợp với tính dịu dàng, chịu thương, chịu khó và năng lực của chư Ni, nữ Phật tử, chúng tôi muốn các trường mầm non PG được xây dựng tại các tỉnh thành để gánh trách nhiệm với xã hội. Phật giáo hưởng ứng xã hội hóa giáo dục không nhằm mục đích lợi nhuận mà vì tinh thần phục vụ xã hội, cộng đồng vì tương lai của trẻ em”. Thao thức về hệ thống giáo dục mầm non Phật giáo năm 1992, Ban TTXH T.Ư đã kết hợp với Trường Cao đẳng Sài Gòn đào tạo chuyên ngành mầm non cho hơn 100 chư Ni và Phật tử tại các tỉnh thành. Sau khi tốt nghiệp khóa học này, các sư cô đã tích cức đóng góp tại các cơ sở mầm non do tự viện thành lập với cương vị là quản lý chuyên môn, một số ít Sư cô trở thành cô giáo trực tiếp đứng lớp tham gia giảng dạy.

Từ thực tế tham gia xã hội hóa GDMN Phật giáo của chính mình, NS.Thích nữ Tịnh Nghiêm, Trưởng ban TTXH GHPGVN tỉnh Tiền Giang, Chủ trường mầm non bán trú miễn phí Tịnh Nghiêm cho biết: “Phật giáo hoạt động giáo dục mang tính thuyết phục với người thật, việc thật và trao đúng địa chỉ, đem lại lợi ích cụ thể cho những người khó khăn, bất hạnh. Đó là điểm tích cực mang tính nhân văn của Phật giáo khi tham gia vào xã hội hóa GDMN”.

 Phật giáo tham gia xã hội hóa giáo dục và hiện nay đang đi đúng hướng, cùng gánh vác trách nhiệm với xã hội vì trẻ em, vì tương lai của cả một thế hệ. Ông Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch UBTƯMTTQVN khẳng định tại Hội nghị toàn quốc về các tôn giáo tham gia phát triển giáo dục mầm non do UBTƯ MTTQVN và Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại TP.HCM vào ngày 8-11-2014: “Ủy ban MTTQVN các cấp luôn đồng hành cùng với các tôn giáo để phát triển GDMN, để tiếp tục nâng cao chất lượng và huy động được các nguồn lực xã hội phát triển hơn nữa đối với các cơ sở. Các cơ sở GDMN của đồng bào có đạo hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. Đây là điều rất đáng trân trọng, là cở sở có tính xã hội rất cao”.

Cơ hội và thách thức

Là một trong các đại biểu của Phật giáo cùng đại diện 12 tôn giáo khác tham gia hội nghị trên, HT.Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch HĐTS, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Giáo dục Tăng Ni T.Ư cũng nhận định: “Lâu nay, Phật giáo không phải không quân tâm đến GDMN mà do chủ trương của Nhà nước chưa cụ thể hóa, chưa tạo được hành lang pháp lý rõ ràng nên chưa khích lệ được các tôn giáo nói chung, trong đó có Phật giáo thể hiện tính tích cực của mình trong xã hội hóa giáo dục. Từ đây về sau, sự kết hợp của UBMTTQVN và Sở Giáo dục và Đào tạo tại các tỉnh, thành trong cả nước sẽ khích lệ các tôn giáo, và chính sách bảo hộ pháp luật cho công tác GDMN này được khai thông. Đặc biệt là tạo điều kiện tốt nhất cho Phật giáo nói chung, Ni giới nói riêng đóng góp cho công tác GDMN, để công tác GDMN Phật giáo phát triển tốt đẹp. Riêng Ban Giáo dục Tăng Ni T.Ư thấy rằng, đây là công tác đáp ứng được số đông cũng như nguyện vọng và sở trường của Ni giới nói chung và đặc biệt là thế hệ Ni sinh trẻ tham gia vào công tác GDMN, góp phần tham gia cho công tác xã hội hóa giáo dục của Nhà nước, sự đóng góp của các tôn giáo, trong đó có Phật giáo”.

Nhằm khuyến khích đầu tư cho ngành mầm non, Ủy ban Nhân dân TP.HCM cũng đã ban hành các chính sách ưu đãi cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Thành phố sẽ ưu tiên dành quỹ đất cho việc xây dựng các trường mầm non. Đồng thời sẽ mở rộng đối tượng cho vay vốn kích cầu đầu tư mới xây dựng trường mầm non với mức ngân sách hỗ trợ 100% lãi suất, điều chỉnh thời gian trả vốn vay để hỗ trợ các đơn vị đầu tư… Đây là chính sánh mới, rất thông thoáng cho nhà đầu tư GDMN. Bên cạnh đó, việc Ni sinh và nữ Phật tử được các đơn vị Phật giáo hỗ trợ học phí, học ngành sư phạm mầm non ngay tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM cũng là một thuận lợi. Ni trẻ và nữ Phật tử vững tin, mạnh dạn tham gia học và sau này phục vụ trong lĩnh vực GDMN Phật giáo.

Khi Ni trẻ dấn thân vào lĩnh vực GDMN Phật giáo, điều này cũng có nghĩa, sau khi tốt nghiệp, đội ngũ này sẽ lấp chỗ trống cho ngành GDMN PG đang còn bỏ ngõ, có cơ sở để mở thêm trường mới và duy trì sự ổn định ở các trường đang hiện diện… Điều còn lại là tinh thần dấn thân của Ni giới, đặc biệt là Ni trẻ và nữ Phật tử  trên con đường thực hành hạnh nguyện Bồ-tát vì trẻ em, vì tương lai của Phật giáo. Thuận lợi của Ni giới hiện nay là mỗi năm có hàng ngàn chư Ni trẻ tốt nghiệp các trường Phật học.

Khó khăn nội tại, ngoại tại

Nhiều sư cô có thâm niên trong nghề với vai trò bảo mẫu, giáo viên đứng lớp, quản lý, chủ trường… cho rằng đã bước chân vào lĩnh vực GDMN Phật giáo thì phải chịu cực. Các sư cô phải biết sắp xếp thời gian để việc tu học ở tự viện được “vuông tròn”, không bỏ bê việc chùa, hành trì. Vấn đề oai nghi của người tu khi dấn thân vào chuyên ngành sư phạm mầm non cũng là một hạn chế, vì lẽ ngoài đam mê với nghề, yêu trẻ còn phải bắt buộc thể hiện được năng khiếu về múa, hát, hoạt náo… Đây là điều nhiều vị bổn sư khó chấp nhận hình ảnh các sư cô ca, hát, múa trên lớp học.

Khó khăn không chỉ ở cá nhân mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa, đó là các sư cô chưa được sự đồng thuận, hỗ trợ thật sự của thầy tổ để sau khi tốt nghiệp chuyên môn các sư cô mới có thể đứng lớp, làm công tác chuyên môn mà mình thật sự yêu thích. Hỏi Ni sư Tịnh Nghiêm có khuyến khích Ni trẻ tham gia công tác GDMN hay không? Ni sư thẳng thừng rằng, nếu nói khuyến khích thì không bởi vì Ni trẻ cần thầy tổ uốn nắn, cần thử thách ở môi trường nội viện.

Muốn GDMN Phật giáo phát triển thì cần nguồn nhân lực, tuy nhiên hiện nay, nguồn giáo viên chủ lực (Ni trẻ) cũng rất hạn chế do nhiều nguyên nhân. Theo NT.Thích nữ Tịnh Nghiêm, Trường mầm non bán trú miễn phí Tịnh Nghiêm hiện nay đang giáo dưỡng cho 220 cháu con nhà nghèo, người lao động tại địa phương với 20 cô giáo, nhân viên. Tuy nhiên, ngoài Ni trưởng với cương vị là chủ trường thì chỉ có 3 Sư cô làm công tác quản lý chuyên môn. Giáo viên trực tiếp đứng lớp đều do các cô giáo bên ngoài đảm nhiệm.

NT.Thích nữ Huệ Từ, Phó ban TTXH T.Ư, Chủ trường mầm non Dân lập Họa Mi I (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) cho rằng, muốn ổn định trường phải có các sư cô làm giáo viên đứng lớp. Hiện nay, Trường Mầm non dân lập Họa Mi I (chùa Giác Tâm, Q.Phú Nhuận) có các sư cô được tốt nghiệp chuyên ngành sư phạm mầm non vừa tham gia công tác quản lý vừa trực tiếp đứng lớp, và hợp đồng thêm cô giáo, nhờ đó trường khá ổn định.

Hiện nay, Phật giáo đang tồn tại 3 hình thái GDMN, đó là hình thức mầm non tư thục có thu phí, mầm non tư thục hoàn toàn miễn phí (theo chương trình Bộ Giáo dục và Đào tạo) và mầm non tình thương (mô hình này chủ yếu tồn tại ở các huyện, thị thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế) do các tự viện làm chủ, quản lý. So với Thiên Chúa giáo, các cơ sở do Phật giáo đầu tư còn ít, chỉ rải rác ở một số tỉnh, thành như: Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Tiền Giang, Đồng Nai, TP.HCM, Khánh Hòa…

Theo số liệu thống kê mới nhất của UBMTTQVN TP.HCM, hiện nay trên địa bàn TP.HCM có 144 cơ sở GDMN do tôn giáo quản lý thu hút 37.628 cháu theo học thì chỉ có 3 cơ sở của Phật giáo còn lại 141 cơ sở là của Thiên Chúa giáo. Tại tỉnh Lâm Đồng có 90 cơ sở tôn giáo thì chỉ có 3 cơ sở thuộc các tự viện Phật giáo. Hay như ở Đà Nẵng, có 16 cơ sở GDMN của tôn giáo nhưng trường mầm non Phật giáo không hiện diện ở đây. Vài con số đơn cử ở 3 tỉnh, thành, nếu thống kê kỹ hơn sẽ thấy GNMN Phật giáo không hiện diện ở một số nơi khác nữa. Điều này cho thấy, Phật giáo tham gia vào xã hội hóa GDMN còn rất hạn chế so với các tôn giáo khác, cơ sở trường còn hạn hẹp trong khuôn viên của tự viện.

Là người am hiểu tình hình ở tỉnh nhà, NT.Thích nữ Như Minh, Trưởng ban TTXH GHPGVN Thừa Thiên Huế cho biết, tại Thừa Thiên Huế, chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội rất đồng thuận về xây dựng hệ thống GDMN Phật giáo nhưng vì những khó khăn về nội tại cũng như ngoại tại nên không phát triển mạnh như mong muốn. Hiện nay, hệ thống trường mẫu giáo tại huyện Phú Lộc, Phú Vang, Hương Thủy, TP.Huế do chư Ni điều hành có 175 lớp với 5.282 cháu. Ở Huế, tu sĩ chưa được phép đứng lớp dạy (khác với bên các soeur, họ có hình thức như người đời), do đó các sư cô chỉ làm công tác quản lý chuyên môn, chủ trường.

Khó khăn nhiều, tuy nhiên Phật giáo cũng có những mặt thuận lợi. Đó là các trường/ lớp do Phật giáo quản lý luôn được các cơ quan hữu quan tại địa phương tin tưởng. Phụ huynh, Phật tử luôn ủng hộ, tin tưởng đưa con em đến học tại các trường này. Cơ sở GDMN Phật giáo tại các thành phố, huyện, thị luôn trong tình trạng quá tải, cung chưa đáp ứng được nhu cầu rất lớn của xã hội. Theo NS.Thích nữ Tịnh Nghiêm, muốn hệ thống GDMN Phật giáo phát triển đều khắp tại các tỉnh, thành cần sự đồng thuận cao, sự quyết tâm của chư tôn đức Giáo hội, các BTS GHPGVN tỉnh, thành, Tăng Ni, Phật tử các tự viện. Và, trước mắt đó là ủng hộ thật sự của thầy tổ của các sư cô – cô giáo mầm non tương lai để sau khi tốt nghiệp, đội ngũ này có một ngôi trường được đầu tư nghiêm túc và có chỗ để đứng vững với nghề mà mình đã chọn.

Sự dấn thân của Ni trẻ

Dù vướng rất nhiều khó khăn khách quan lẫn chủ quan, chư Ni trẻ cũng đã biết vượt qua các thử thách, ngay cả trong đời sống tu tập và trong nghề giáo để sống với nghề mà mình ấp ủ, đam mê. Nhiều Ni trẻ đã bước qua nhiều chướng duyên, dấn thân phụng sự trên tinh thần Bồ-tát. Với SC.Thích nữ Tâm Pháp, Hiệu phó chuyên môn Trường Mầm non dân lập Họa Mi I thì thuận lợi của Sư cô chính là được bổn sư là NT.Thích nữ Huệ Từ tạo mọi điều kiện trong tu tập và đến với nghề sư phạm mầm non. Từ một giáo viên, trở thành quản lý chuyên môn là một quá trình trưởng thành và cố gắng hơn mười năm làm nghề. “Được sư phụ khuyến khích, tôi thi và tốt nghiệp Đại học Sư phạm ngành mầm non. Những giờ lên lớp, bận bịu với những tiết dạy chữ, rồi múa, hát, đọc thơ… với những cháu nhỏ và cho chúng tình yêu thương thật sự, mới thấy rằng nghề mà mình chọn là đúng đắn. Nó không chỉ không ảnh hưởng gì đến việc tu tập mà còn làm cho mình thêm tự tin, vun bồi thêm chất liệu cho cuộc sống tu tập”, Sư cô cho biết.

Với Sư cô TN.Tâm Khánh để đứng vững với nghề này thì ngoài lòng yêu trẻ ra thì phải thật sự có đam mê. Hơn năm năm làm những việc phụ như là một bảo mẫu và hai năm chính thức là giáo viên đứng lớp, Sư cô cảm thấy rất hạnh phúc khi được làm nghề. Hình ảnh của Sư cô trên lớp học thật sự rất năng động, sáng tạo. Là một giáo viên xuất sắc, ngoài giờ lên lớp, Sư cô Tâm Khánh thường biên đạo nhiều tiết mục múa, hát phục vụ cho các cháu nhỏ trong lớp học. Thỉnh thoảng, Sư cô còn hướng dẫn các cháu phục vụ giúp vui tại các buổi lễ “cây nhà lá vườn” cho các chùa khác trong các dịp đặc biệt như Đại lễ Phật đản, Vu lan…

Sư cô Tâm Khánh tâm niệm làm nghề sư phạm mầm non cũng là thực hành hạnh Bồ-tát, công việc hàng ngày cũng đem lại rất nhiều niềm vui. Với Sư cô, đứng lớp làm nghề không chỉ là sự đam mê mà còn tận tụy vì cái chung, vì lý tưởng mà quý sư bà luôn ấp ủ: cùng chung tay vì tương lai của trẻ em, chung tay trong công tác GDMN Phật giáo và phụng sự xã hội.

                                                                                                                                                                                Suối Nghệ-nguồn: hoangphap.info

Tài liệu tham khảo:

– Tài liệu Hội nghị kỳ II khóa VII Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

 Nghị quyết số 90/CP ngày 21/8/1997 của Chính phủ: Về phương hướng và chủ trương xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa.

– Nghị định số 73/1999/NĐ-CP, tạo hành lang pháp lý, điều kiện thực hiện xã hội hóa giáo dục.

– Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg, quy định một số chính sách phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2011 – 2015.

-Quyết định 31/2014/QĐ-UBND, ngày 13-9-2014 về việc ban hành chính sách đầu tư đối với giáo dục mầm non và chế độ hỗ trợ đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên thuộc ngành học mầm non trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

 -Báo cáo tham luận của Ủy ban MTTQVN TP.HCM, tham luận của Ủy ban MTTQVN tỉnh Lâm Đồng, báo cáo của Sở Giáo dục và Đạo tạo Đà Nẵng tại Hội nghị toàn quốc về các tôn giáo tham gia phát triển giáo dục mầm non trên địa bàn TP.HCM.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here