Robert E. Buswell hiện là vị giáo sư kiệt xuất về Phật học tại Đại học California, Los Angeles và giám đốc sáng lập của Trung tâm Nghiên cứu Phật học. Ông còn là Trưởng ban Biên tập của hai tậpBách khoa toàn thư Phật giáo và là tác giả của nhiều cuốn sách khác.
Donald S. Lopez là giáo sư kiệt xuất về Phật học và Tây Tạng học tại Đại học Michigan. Ông là tác giả của cuốn sách Tử thư Tây Tạng: Hồi ký (The Tibetan Book of the Dead: A Biography) và biên tập viên của tạp chí Phật Học Ứng Dụng, và là tác giả của nhiều cuốn sách khác.
Theo nhà xuất bản, “đây là cuốn từ điển toàn diện và có thẩm quyền nhất về Phật giáo so với các cuốn từ điển Phật giáo được xuất bản bằng tiếng Anh khác. Đây cũng là cuốn từ điển đầu tiên đề cập đến các thuật ngữ từ tất cả các truyền thống và ngôn ngữ trong kinh điển Phật giáo như: tiếng Phạn, Pàli, Tây Tạng, Trung Quốc, Nhật Bản, và Hàn Quốc”. Cũng theo nhà xuất bản: “Không giống như các tài liệu tham khảo khác chỉ tập trung vào một ngôn ngữ Phật giáo duy nhất hoặc một tông phái duy nhất, Từ điển Princeton về Phật giáo là cầu nối giữa các truyền thống Phật giáo chính, cung cấp những kiến thức chung về các thuật ngữ, khái niệm, văn bản, tác giả, các vị Thánh, các trường phái, các tu viện, và các thánh tích, địa danh liên quan đến lịch sử của Phật giáo”.
Các đề mục chính cung cấp cả một định nghĩa ngắn gọn và một bài luận ngắn súc tích giải thích ý nghĩa sâu rộng hơn và tầm quan trọng của thuật ngữ đó. Phần tham khảo chéo mở rộng cho phép người đọc tra cứu các thuật ngữ và khái niệm liên quan với nhau.
Bên cạnh đó, cuốn sách còn được nhiều học giả uy tín ca ngợi. Giáo sư John S. Strong, Đại học Bates viết: “Cuốn từ điển này là một cuốn từ điển toàn diện nhất, có thẩm quyền, và hữu ích về Phật giáo. Khi đọc nó, vô tình tôi đã học được nhiều hơn về lĩnh vực của tôi so với những cuốn sách khác mà tôi đã đọc”.
Giáo sư Lori Meeks, Đại học Southern California phát biểu: “Cuốn sách này sẽ trở thành một tài liệu tham khảo chuẩn mực về lĩnh vực Phật giáo. Mọi học giả và sinh viên tốt nghiệp về Phật học đều muốn có một cuốn. Tôi ước gì tôi có được cuốn sách này khi tôi bắt đầu giảng dạy Phật học. Đây thực sự là một sự đóng góp lớn trong lĩnh vực Phật học”.
Hoàng Lam (theo Princeton.edu) – GNO