Một ngày cuối tháng 7, trong bữa tiệc gia đình, tôi có may mắn được gặp một người vừa đi vòng quanh thế giới sau chín tháng và vừa mới trở lại Canada cách đây ba tuần. Tất cả mọi người rất hồi hộp và muốn biết chuyến đi của anh ra sao, động lực nào đã khiến anh quyết định bỏ việc để đi. Mẹ tôi nói mỗi người được hỏi hai câu và em Pitchou là người bắt đầu. Sau những câu hỏi “quen thuộc” như: Nước nào đẹp nhất? Phụ nữ xứ nào xinh nhất? Bạn có gặp tiếng sét ái tình ở đâu không và nếu có, bạn vượt qua nó như thế nào? Tôi đã hỏi anh: “Bài học lớn nhất anh thu hoạch được sau chuyến đi là gì?” và cậu đã không ngần ngại trả lời: “Người ta không nhất thiết là phải có nhiều tiền để vui. Nhiều người họ rất nghèo nhưng họ sống rất vui và sẵn sàng cho mình nhiều thứ họ có”.
Khi mẹ tôi hỏi anh rằng: “Con không thấy những điều này ở đây sao? Vậy con không thấy đời sống ở đây có ý nghĩa sao, anh bảo: “Không. Ở đây người ta suy nghĩ cần phải có tiền mới vui. Mình không thấy mình sống ở đây để làm gì, để hữu ích cho ai. Ở đây người ta nói chuyện là để khoe mình làm việc nhiều, mình không đi nghỉ hè, mình vừa mua xe mới, loanh quanh luẩn quẩn: nhà, việc, xe. Ở những xứ nghèo, họ không có tiền nhưng họ không thấy họ khổ, họ muốn cho”. Vậy ai hay cái gì đã cho con nhận thức về ý nghĩa về cuộc đời, mẹ tôi hỏi tiếp. “Chính bản thân con và ở sở làm của con. Con thấy người ta chỉ nhào nhào vào làm việc mà không nghĩ đến người khác, thích lấn người khác, thích giành thêm giờ phụ trội để làm. Con không muốn đặt tiền bạc trên hết, không muốn nó là giới hạn của mình. Con muốn biết mình sống để làm gì. Con muốn khi chết, khi người ta nói đến tên mình, người ta biết mình là ai chẳng hạn tên Hitler dính liền với tội ác, tên Bill Gate dính liền với Microsoft. Con ý thức mình đang làm gì với tên của mình ”, anh đã trả lời mẹ tôi như thế!
Tôi lặng mình nhìn anh – một người đàn ông vừa mới đi qua ba mươi hai mùa xuân, cuối cùng cũng đã tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời từ chính những trải nghiệm của bản thân. Khi tôi hỏi anh rằng liệu anh có quay trở lại với công việc cũ của mình không, anh suy nghĩ một hồi rồi bảo: “Tôi không biết. Nhưng tôi chắc chắn sẽ không kiếm tiền từ sự ngây thơ của người khác”. Câu trả lời của anh khiến tôi nhớ tới cuộc trò chuyện với người cha của anh một ngày trước đó khi tôi tới Toronto. Khi kể về người con trai của mình, ông từ tốn nói: “Nó là một đứa không thích nhiều tiền, chỉ cần đủ. Hồi đi học Kinh tế, nó học được hai năm thì bỏ vì không thích. Nghỉ ở nhà được một thời gian, nó đi loanh quanh rồi cuối cùng cũng chịu học về nghề làm kính, vì nó biết không có tiền thì cũng không làm gì được cả. Nhưng làm được ba bốn năm, nó thấy sự bất công khi tiền mua cái gọng kính nhiều khi chỉ hai mươi đô, nhưng khi bán ra cho khách hàng thì tận…mấy. Nó bảo nó không thích lừa dối khách hàng như vậy! Sau khi tiết kiệm được một ít tiền, nó quyết định đi du lịch vòng quanh thế giới…”
Tôi đã quên không hỏi anh rằng nếu không có chuyến đi này, anh có hình dung ra được rằng bây giờ anh sẽ sống thế nào không? Nhưng thôi, nói “nếu” để làm gì khi những điều tốt đẹp hơn đã đến với anh. Tôi mừng vì anh đã dám từ bỏ, dám sống cho lý tưởng và ước mơ của mình. Ba mươi hai tuổi, có thể anh không có một sự nghiệp giàu sang như bạn bè cùng trang lứa, nhưng anh lại có một điều mà rất nhiều những người trẻ, thậm chí là cả những người già đã không có được, đó là nhận thức được chân lý của cuộc sống và ý nghĩa cuộc đời.
Tôi – một cô gái cũng sắp đi qua ba mươi mùa hoa, đến giờ phút này, cũng vẫn còn đang loay hoay những câu hỏi về cuộc đời. Tôi không có được những trải nghiệm như anh, nhưng những năm tháng đã qua, những ngày đã sống, tôi cũng đã hiểu ra được rằng: Nếu muốn biết ý nghĩa cuộc sống là gì, hãy mở rộng trái tim.
Và tôi vẫn đang mở rộng nó mỗi ngày.
H.Y.A