Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Tây Nguyên: Lễ Xuất gia cho người sắc tộc Gia Rai

Tây Nguyên: Lễ Xuất gia cho người sắc tộc Gia Rai

223
0

Núi rừng Tây Nguyên, sau một đêm chìm lặng trong màn đêm dầy đặc, trên chóp núi hào quang rựng sáng. Cây cối xanh tươi tràn trề nhựa sống; chim chóc bắt đầu líu lo thúc hối nếp sinh hoạt thường ngày của cư dân miền núi. Trong con đường sâu hút dẫn vào thôn làng, ngôi chùa xây dựng dang dở, ngổn ngang vật liệu, cũng bắt đầu nhộn nhịp kẻ tới người lui chuẩn bị cho buổi lễ trọng đại trong mùa Vu Lan.

Chư Tăng ban kinh sư và Thượng Tọa chủ sám – Thầy Phước Niệm cũng từ Sài Gòn, đã có mặt để đăng đàn chẩn tế tại chùa Phổ Quang cùng với lễ xuất gia cho 4 cháu sắc tộc người làng Ya Siên tại Kontum. Chùa Phổ Quang thuộc xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar, Tỉnh Daklak, được Phật tử địa phương, gốc miền Trung di dân lập nghiệp, tự đứng ra xây dựng vào năm 1959. Thời gian khá lâu tự tu tự quản lý, họ đã thỉnh Đại Đức Tâm Định, cũng gốc Thừa Thiên, vào trụ trì và chung tay xây dựng ngôi Tam Bảo. Khác với một số chùa, trụ trì chủ động mọi việc, thầy Tâm Định giao toàn bộ cho Ban hộ tự điều hành, thầy chỉ cố vấn tinh thần. Xuất thân từ Bắc Tông, ĐĐ Tâm Định thọ pháp Theravada với ngài Hộ Nhẫn, Tăng trưởng hệ phái Nam Tông Kinh, vì thế, nghi pháp cả hai hệ phái thầy đều nắm vững. Chính vì vậy, Chẩn tế và lễ thế phát cho người sắc tộc đều áp dụng nghi thức Bắc tông.

Theo chương trình, sẽ xuất gia cho 5 cháu sắc tộc Gia Rai, nhưng giờ chót, một cháu phải về lại lo cho ông bố bị tai nạn. Đây là lễ xuất gia đầu tiên trên cao nguyên cho đồng bào thiểu số. Những năm trước, Tỉnh hội Kontum quy y cho hàng ngàn người sắc tộc, nhưng sau đó, một số họ trở lại Tin Lành. Tín ngưỡng đối với đồng bào thiểu số chỉ là cơm ăn áo mặc; nơi nào cung cấp thường xuyên những nhu cầu thường ngày thì nơi đó họ sẽ có mặt. Giáo lý Phật giáo khó mà thâm nhập được tâm hồn họ khi mà tín ngưỡng truyền thống của họ về quyền năng của một ông Giàng tương tợ như một Thượng Đế. Không ai đủ ngôn ngữ và tâm lý để đưa giáo lý đạo Phật vào đời sống tâm linh cho họ. Họ đi chùa như một phong trào khi quà từ thiện cứu trợ xuất hiện. Tuy nhiên, huyện Sa Thầy tại Kontum, một số người Gia Rai cũng đã quen với hình ảnh đức Phật, một vài vị từng tới lui với chùa tại phố chợ, cách làng trên 50km. Mỗi lần đi chùa, họ phải mất một ngày đường băng rừng nếu không có tiền đón xe, và dĩ nhiên công việc nương rẫy cũng đình trệ. Khi về, trên tay cũng phải có gạo, tiền, nhu yếu phẩm…

Các em sắc tộc Gia Rai quy y trong lễ Xuất gia

Người Phật tử chịu khó đến với đồng bào núi rừng Tây Nguyên, làm quen với họ, đó là anh Như Lực. Anh ta ở Quảng Phú, Daklak, nhưng đến với đồng bào Kontum cách nhau trên trăm cây số, để làm quen và hướng dẫn họ đến với đạo quả là việc lạ. Như Lực có cha mẹ già trên trăm tuổi, vẫn đang sống và rất minh mẫn, tuy không đi lại được bình thường, nhưng vẫn thường xuyên niệm Phật và gương mặt hai ông bà cụ tràn đầy hoan hỷ, an lạc. Như Lực nhờ bà chị từ miền Trung vào chăm sóc hai ông bà để có thời gian sinh hoạt Phật sự. Suốt một tháng đưa các chú sắc tộc về chùa Phổ Quang đào tạo, tập sự sinh hoạt trong chùa, Như Lực đã bỏ hẳn nương rẫy, cuộc sống giao phó cho người vợ, cũng là một Phật tử gương mẫu, suốt ngày ngoài chợ với sạp hàng tạp phẩm chưa tới 3m2 để nuôi 7 miệng ăn, trong đó, hai người con đang tuổi ăn học (một cháu năm cuối Đại học, một cháu đang học lớp 12). Phải nói đây là gia đình Phật giáo gương mẫu và hạnh phúc. Như Lực rất năng động, có khả năng tổ chức, chịu hy sinh, có tâm Đạo và hiểu Đạo. Mặc dù Như Lực không phụ việc sinh kế trong thời gian qua, nhưng người bạn đời của Như Lực không hề than phiền, ngược lại tạo điều kiện xăng nhớt, chi phí cho Như Lực đi lại hàng ngày lo pháp sự. Một người Tín nữ gương mẫu hiếm hoi giữa cuộc sống thiếu thốn mọi bề đã toát hiện nét đẹp tâm hồn mà sau một ngày ngoài chợ đời, tối về vẫn duy trì thời khóa tu tập!

Và sau khi đã làm lễ Xuất gia

Như Lực huấn luyện các chú biết lao tác việc chùa, thuộc kệ khai chuông và chú Đại Bi. Biết sử dụng chuông mõ, cũng như nếp sinh hoạt người Kinh mà các cháu chưa hề quen biết. Với âm giọng không dấu của người sắc tộc, các chú đọc Đại Bi như một ngôn ngữ mới mà loài người hiện chưa có. T.T Phước Niệm, chủ sám giảng và trao truyền Tam Quy ngũ giới. Trong buổi lễ tạ ơn cha mẹ, có sự tham dự gần trăm Phật tử của chùa và chư Tăng, có bà mẹ đã rớm nước mắt. Với bộ sắc phục của người Gia Rai, giờ đây, được thay bởi bộ nâu sòng và chiếc áo dài màu sương khói. Lần đầu tiên tóc tai bù xù được phủi sạch, cái đầu trơn tru đón gió mát đại ngàn làm cho mấy chú cứ đưa tay sờ như sờ một cái gì xa lạ. Gia đình mấy chú hạnh phúc, bốn chú thích thú với hình tướng mới. Đại chúng hiện diện chúc phúc và tất cả đều hoan hỷ một sự kiện chưa từng có nơi cửa Phật trên đất cao nguyên. Tuy thầy Tâm Định là bổn sư nhưng mọi trách nhiệm nằm trên vai của Như Lực. Quý thầy cũng như phật tử than phiền khi mấy chú có những hành hoạt chưa thích nghi với người Kinh và sinh hoạt trong chùa, đều đổ dồn trách nhiệm cho Như Lực. Suốt một tháng Như Lực ngày nào cũng bị mắng vốn, vì tâm nguyện hy sinh cho Phật pháp và tương lai cho các chú nên Như Lực chấp nhận tất cả!

Sau khi những nhát kéo tượng trưng, bốn chú lần lượt được Như Lực xuống tóc dưới táng cây phía trước chùa. Một trong bốn chú, đã học đến lớp 12, dự định, thầy Tâm Định sẽ gửi về Saigon để học nội điển. Ba chú còn lại tiếp tục đến trường cho hết chương trình phổ thông.

Việc nuôi dưỡng chúng Tăng là một gánh nặng, nhất là tại phố núi; việc nâng cấp trình độ hiểu biết cho các chú sắc tộc để tương thích với đời sống bình nhật của người Kinh lại là việc khó hơn, vừa nặng về vật chất lẫn tinh thần. Thế nhưng, thầy Tâm Định và anh Như Lực tình nguyện gánh vác việc khó đó để tương lai các chú hòa nhập và trở thành một tu sĩ, đem Phật giáo trở về buôn làng. Đây là hạnh nguyện Bồ Tát, cần sự yểm trợ của những ai có tâm với Phật pháp, và giáo hội cần quan tâm giúp đỡ những khó khăn pháp lý nếu gặp phải.

Mùa Vu Lan 2558 trở thành một sự kiện hy hữu tại phố núi Daklak, xuất hiện bốn chú sắc tộc Gia Rai xuất gia đầu Phật tại chùa Phổ Quang, xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar là một tín hiệu đáng mừng để tương lai là bốn Tăng sĩ Phật giáo miền núi lâu nay chưa thể xuất hiện trong các buôn làng xa xôi, sẽ không còn xa lạ đối với đồng bào thiểu số.

M.M

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here