Trang chủ Phật giáo với Tuổi trẻ Biết an tâm để an thân

Biết an tâm để an thân

215
0

Có một mối liên hệ tương tác không thể phủ nhận- thậm chí khá mật thiết- giữa tâm (đại diện cho tinh thần) và thân (các gọi chung thể chất, thể trạng) của mỗi chúng ta. Thực tế cho thấy, có không ít trường hợp mà nguồn năng lượng tốt từ tinh thần và ý chí còn góp phần tạo nên những kì tích y học…

Có thể thấy, không chỉ trong các bài thuyết giảng tôn giáo mà ngay cả ngành Tâm lý học hiện đại cũng như nhiều nghiên cứu  y khoa đều chỉ ra rằng: Yếu tố tinh thần có tác động không nhỏ đến sức khỏe, đến cơ chế gây bệnh- khỏi bệnh…của con người.

Nhiều nghiên cứu đã cho thấy, não có thể sinh ra chất endorphins- còn được gọi là loại “ma túy nội sinh”, giúp con người luôn lạc quen, nhìn nhận cuộc sống tích cực, đồng thời góp phần tiêu trừ sự đau đớn trong cơ thể. Hay chất gamma globulin củng cố thêm sức mạnh cho hệ miễn dịch của con người, chất interferon giúp cơ thể đề kháng và chống lại sự nhiễm trùng, đào thải độc tố…

Trong khoa học đã vậy, còn trong giáo lý nhà Phật, mối liên hệ này càng được thể hiện rất rõ rệt. Theo Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu-Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó ban Tăng sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Tâm lành, tâm hướng thiện thúc đẩy ta làm những việc hữu ích cho đời, cho người và cho mình. Đó là khởi nguyên cho nguồn năng lượng tốt, giúp con người an nhiên tự tại, giảm tiếp xúc với các nguy cơ gây bệnh đồng thời có cơ chế phục hồi tốt hơn. Đó là bởi, cái tâm đã được “an trụ”…

Tâm lành, tâm hướng thiện thúc đẩy ta làm những việc hữu ích cho đời, cho người và cho mình.

Tâm lành, tâm hướng thiện thúc đẩy ta làm những việc hữu ích cho đời, cho người và cho mình.

Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu thuyết giải: “Chúng sinh – người nào mang tâm ác, tâm bạc nhược…- mà không biết hồi hướng tu tập, tức là đã thả mình theo nghiệp chướng, ương ủ mầm ác, đến khi gặp dịp thì phát tác thành những hành động gây hại cho người và cho mình. Như thế, tức là đã tự mình gây bệnh cho mình. Đổi lại, nếu biết dưỡng tâm lành, luôn hướng thiện và tích cực làm việc thiện thì luôn thanh thản, tạo ra năng lượng tốt, an nhiên tự tại , ít nhiễm bệnh, bệnh chóng lành…Đó chính là cơ chế “Tâm khỏe thì Thân khỏe, Tâm an thì Thân an”.

Bên cạnh đó, ta thường nghe: “Con người ta dù làm việc gì cũng cần phải có cái Tâm”, nhưng cần biết rộng hơn: Tâm của con người phải được an trụ vào một chính đạo, chính kiến. Nếu tâm không an trụ thì sẽ “lăng xăng”, không ngừng dao động, vọng tưởng mà như người xưa thường nói là “Tâm viên, Ý mã”. Hình tượng này diễn tả cái tâm của chúng sinh như con khỉ, con vượn không lúc nào yên, thoắt động, thoắt lo, mà ý thì như con ngựa bất kham- cuồng vọng vô bờ… Cái Tâm, cái Ý như thế khiến chúng ta bị dẫn dắt theo mê lầm, theo những nhu cầu của Tai-Mắt-Miệng…mà luôn phiền não, đau khổ.

Làm sao để “an tâm”

Vậy, làm sao để “an tâm”? Với chúng sinh muôn người, trong đời thường này, công việc hoàn cảnh khác nhau, có suy nghĩ khác nhau, nhưng đều cần có Chính kiến. Đó là những nhận thức đúng đắn về cuộc sống, Tâm phải hướng đến đó để phát triển. Có định hướng, Tâm sẽ không bị tán loạn mê lầm.

Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu nói: “Giáo lý nhà Phật có dạy, chúng ta phải có Định thì mới phát Tuệ, ta tạm hiểu là thông qua Thiền Định để có Tuệ. Ngày nay, người ta hay nhắc đến khái niệm Thiền và đôi khi còn lạm dụng từ này, nhưng chưa hiểu và chưa chạm đến bản chất của Thiền Định. Trong cuộc trò chuyện này, tôi chỉ muốn nhắc đến Thiền như một khoảng lặng cho chúng ta nhìn vào nội tâm mình, lắng cái Tâm của mình”.

Về cơ chế “Bệnh khởi từ tâm và khỏi cũng từ tâm”, giáo lý nhà Phật cũng lý giải, điều này xuất phát từ Nhân-Qủa nghiệp báo, làm việc tốt sẽ thu được kết quả tốt, cũng giống như trồng cây giống ngọt thì sẽ thu được quả ngọt, trồng cây giống chua thì thu được trái chua. Trong cuộc sống gia đình của con người cũng vậy, nếu ta đối xử với cha mẹ tốt thì sau này con cái sẽ đối xử tốt với chúng  ta, mà như dân gian có câu “Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy”. Chính vì vậy, con người sống cần phải có cái Tâm thiện lương, biết tri ân, đền đáp. Ở phạm vi nhỏ trong gia đình, là biết công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ để báo ơn, báo hiếu, không chỉ bằng vật chất mà còn phải bằng tình cảm, sự quan tâm hằng ngày. Nhờ đó, sẽ làm tinh thần, sức khỏe của cha mẹ tốt hơn, duy trì thể trạng khỏe mạnh.

Lại nói chuyện “tâm an để thân lạc”, tất cả “nhất thiết duy tâm tạo” (mình nghĩ tốt là tốt, nghĩ xấu là xấu, tâm nghĩ sao thành vậy). Trong đạo Phật có nói, lấy tâm mọi người làm tâm của mình. Khi ta biết cái nóng, cái lạnh, cái vui, cái buồn của con người, cây cỏ xung quanh, biết đặt mình vào đó để đừng làm tổn hại, tức là đã dưỡng được cái tâm lành, tâm vị tha. Sự thanh thản vị tha này khiến người ta dần dần giải tỏa được Tham-Sân-Si, giúp tâm bình yên, thân khỏe mạnh vì không bị “ôm đồm” những cáu giận, buồn lo, ganh ghét…

Sự thanh thản vị tha khiến người ta dần dần giải tỏa được Tham-Sân-Si, giúp tâm bình yên, thân khỏe mạnh.

Sự thanh thản vị tha khiến người ta dần dần giải tỏa được Tham-Sân-Si, giúp tâm bình yên, thân khỏe mạnh.

“Mỗi người ở vị trí của mình, nên chung tay giúp môi trường sống sạch sẽ, trong lành, thoáng mát…hạn chế các loại ô nhiễm, các nguồn chất bẩn đầu độc cuộc sống của chính chúng ta. Người xưa có câu “Bệnh tòng khẩu nhập…”, nay đầy rẫy các thông tin về nguồn thực phẩm vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, thực là mối lo. Khi cơ thể khỏe mạnh thì sẽ đào thải được độc tố, nhưng nếu cơ thể yếu hoặc tích lũy độc tố nhiều và lâu ngày, sẽ sinh bệnh. Vì thế, người trồng, người bán, người mua để phân phối lại, chế biến cho mọi người ăn…cần có cái Tâm để tránh gây tác hại cho con người, không nên chạy theo lợi nhuận trước mắt, cái lợi cho bản thân mà hại đến những người khác. Đó cũng là một hành động giản dị mà ý nghĩa để “thân tâm an lạc”!

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here