Trang chủ Phật giáo khắp nơi Phật giáo trong nước VESAK 2008: 10.000 ngọn nến nguyện cầu hòa bình

VESAK 2008: 10.000 ngọn nến nguyện cầu hòa bình

134
0


Vesak – Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc hay còn gọi là đại lễ Tam hợp (kỷ niệm ba ngày Đức Phật Đản sinh, Thành đạo và Nhập niết bàn, thời gian tương đương với trung tuần tháng 5 dương lịch). Vesak là lễ hội mang tính văn hóa và nhân văn ở tầm quốc tế, nội dung chủ yếu đề cập tới hai vấn đề lớn của thế giới là tôn giáo và văn hóa.


500 phái đoàn Phật giáo quốc tế với 4.000 khách mời thuộc 81 quốc gia, lãnh thổ sẽ đến Hà Nội tham dự Vesak 2008. Đại đức Thích Đức Thiện – Phó trưởng Tiểu ban tuyên truyền Vesak 2008 nói, với việc chọn ngày sinh của Phật làm ngày của văn hóa và tôn giáo cho thế giới, nhiều quốc gia đã gửi gắm niềm hy vọng rằng giáo lý của Phật sẽ tiếp tục soi sáng hành tinh trong tương lai khi mà loài người đã phải chịu đựng quá nhiều khổ đau, chiến tranh, chia rẽ, hận thù, tang tóc…


Phật giáo nhập thế


Chủ đề Vesak 2008 vừa phù hợp với thực tế nước chủ nhà mà cũng là sự quan tâm của Phật giáo. Đại đức Thích Đức Thiện nói, điều đó cũng thể hiện tinh thần nhập thế của Phật giáo ngày nay, đó là sự quan tâm đến các cuộc xung đột trên thế giới, môi sinh, môi trường, giải quyết các vấn đề xã hội, HIV/AIDS, cuộc chiến chống đói nghèo… Chính vì thế, các đoàn sẽ nghe hai thuyết trình: Phật giáo với vấn đề công bằng và dân chủ, Vai trò của Phật giáo trong việc giải quyết xung đột và ngăn ngừa chiến tranh.


Thể hiện tinh thần nhập thế, từ ngày 13 đến 16-5, các đoàn sẽ thảo luận nhóm 7 chủ đề: Vai trò của Phật giáo trong việc giải quyết xung đột và ngăn ngừa chiến tranh, Sự đóng góp của Phật giáo về công bằng xã hội, Phật giáo nhập thế và sự phát triển, Chăm sóc môi trường: Giải pháp của Phật giáo về sự thay đổi khí hậu, Vấn nạn gia đình và giải pháp của Phật giáo, Diễn đàn “Giáo dục Phật giáo: Sự kế thừa và phát triển”, Phật giáo trong thời đại kỹ thuật số.


“Hơn 2.500 năm trước, Đức Phật đã quán tưởng và người đã nhận thấy từ trong Phật giáo những quan điểm khoa học ngày nay. Ví dụ, bệnh tật mới nảy sinh, trái đất nóng lên gây bão lũ… đều là các vấn đề do con người tạo ra” – đại đức Thích Đức Thiện nói – “Các nhà khoa học đã nói, thế kỷ 21 là thế kỷ của tâm linh. Nhìn lại thực tế, xã hội phát triển, sự bảo đảm không phải bao giờ cũng thỏa mãn nhu cầu.


Phật giáo vừa là một tôn giáo thân thiện, dễ được chấp nhận và mang tính khoa học đã trở thành chỗ dựa niềm tin cho nhiều người dân”. Chúng ta hạnh phúc vì tôn giáo mà ta đi theo, giáo chủ mà ta tôn thờ, cuối cùng đã được đông đảo loài người công nhận là lẽ phải, là lương tri của nhân loại, vì đã gây ảnh hưởng tốt lành lên đời sống của biết bao người trong suốt mấy ngàn năm lịch sử.


Phật giáo gần gũi với đời sống xã hội


Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc (LHQ) 2008 không chỉ thuần túy mang ý nghĩa tôn giáo, bên cạnh nội dung sinh hoạt tôn giáo, còn có những cuộc hội thảo về các chủ đề Phật giáo đối với đời sống xã hội, triển lãm, biểu diễn văn hóa nghệ thuật dân gian của nước đăng cai; du lịch tham quan thắng cảnh, thắng tích Phật giáo…


“Tại Vesak 2007, nước chủ nhà Thái Lan chủ yếu nhấn mạnh tính chất hội thảo. Vesak 2008 bên cạnh các chủ đề thảo luận, lễ hội còn mang nhiều nét đặc sắc VN như múa lục cúng, ca nhạc dân tộc, xe hoa diễu hành, biểu diễn vở cải lương Cuộc đời Đức Phật” – đại đức Thích Đức Thiện phân tích. Tu tập và ứng dụng giáo lý Phật giáo vào trong đời sống nhằm mang lại một thế giới phát triển, hòa bình và an lạc.


Chính vì vậy, một trong các nội dung quan trọng của Đại lễ Vesak LHQ là tổ chức các khóa tu. Có hai loại khóa tu: Một khóa tu dành cho gia đình Phật tử, một hình thái Phật giáo nhập thế, mang đậm nét đặc trưng của Phật giáo VN, mà các quốc gia Phật giáo khác không có; khóa tu dành cho người nước ngoài và người địa phương trước và sau Đại lễ Vesak theo truyền thống mà các đại lễ trước đã thực hiện.


Đặc biệt, một vạn ngọn nến xếp theo hình chữ vạn sẽ được thắp lên tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình trong dịp Lễ Phật đản Vesak 2008. Các bậc chân tu sẽ cùng đông đảo phật tử, người dân thắp lên, cùng cầu nguyện cho hòa bình. Lễ cầu nguyện cho hòa bình cũng sẽ được tổ chức tại đất Phật Yên Tử và Công viên Văn hóa Phật giáo Bái Đính, Ninh Bình.


Để quảng bá hình ảnh VN, các tour lịch chính thức trong đại lễ và các tour du lịch trước và sau Đại lễ Vesak LHQ là hoạt động không thể thiếu. Hoạt động này vừa đề cao giá trị đại lễ vừa quảng bá hình ảnh đất nước VN thanh bình, tươi đẹp và thân thiện đối với thế giới. Sau 3 ngày hội thảo, các đoàn Phật giáo có thể đăng ký tham gia tour du lịch văn hóa tâm linh tại chùa Trúc Lâm Yên Tử, vịnh Hạ Long, Quảng Ninh; Công viên Văn hóa Phật giáo Bái Đính, cố đô Hoa Lư, Ninh Bình.


Theo đại đức Thích Đức Thiện, việc chọn các địa danh này vừa thể hiện ý nghĩa tôn giáo – văn hóa, vừa thể hiện tinh thần nhập thế của Phật giáo VN: Yên Tử là đất Phật của VN. Cố đô Hoa Lư vừa là một trung tâm Phật giáo lớn trong lịch sử, vừa là kinh đô đầu tiên của nhà Lý, một vị vua xuất thân từ giới tu hành, sau đó đã đưa Phật giáo trở thành quốc đạo. Còn việc đưa các du khách đến vịnh Hạ Long, Giáo hội Phật giáo VN mong muốn giới thiệu với ban bè quốc tế một di sản thiên nhiên thế giới, một ứng cử viên sáng giá của danh hiệu 1/7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới.




  • Thái An 


  • Ảnh minh họa: GS-TS Lê Mạnh Thát trao tặng sách cho Thủ tướng Thái Lan Surayud Chulanont tại Vesak 2007

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here