Trang chủ Thiền môn xứ Huế Danh Tăng-Ni, Nhân sĩ Hành trạng của tỳ kheo ni Hải Bình chùa Tường Vân- Huế

Hành trạng của tỳ kheo ni Hải Bình chùa Tường Vân- Huế

201
0

Trong “Tường Vân tự sự lục”,đạo nhân Như Như (1) có ghi lại hành trạng của Tỳ kheo ni Hải Bình. Đây là một điều đặc biệt,chúng tôi xin lược dịch để góp thêm tư liệu tìm hiểu ni giới dưới thời Nguyễn 

“Phiến ngọc Côn Sơn,cành quế Quế Lâm người đời gặp được quý chuộng biết bao! Phàm gọi là núi rừng trong trời đất chẳng phải chỉ non Côn ,rừng Quế. Mà trong Côn, Quế còn có ngọc với đá,quế với cũi chứ chẳng phải duy nhất quế, ngọc. Nhưng tại sao chỉ thấy người ta ca ngợi, quý chuộng riêng quế,ngọc?Phải chăng chỉ vì nó rất hiếm gặp vậy!

Quế , ngọc mà như thế huống chi có người còn đáng quý trọng hơn cả quế,ngọc thì sao?

Người ở thế gian rất nhiều mà giới xuất thế cũng chẳng ít. Tôi từng thấy trong chốn tòng lâm có xây dựng chùa ni,cũng thành lập hội ni .Nhưng người để cho ni chúng nhìn làm mẫu mực noi theo thì không được  mấy.  Chỉ cầu người giữ được giới hạnh tinh nghiêm,siêng năng tụng kinh bái sám, chưa có ai đạt được đạo đức cao siêu bằng đại ni cô chùa Tường Vân, đời sau ít người sánh được như thế. Nay tôi đến Tường Vân không ngăn được ý muốn ca ngợi một cành quế,một phiến ngọc quý vậy.

Bà quê quán ở Tống Sơn- Thanh Hóa. Con gái ông đội trưởng đội Cảnh tất (2) Nguyễn Cửu Phước. Sinh năm Kỷ hợi (1839) dưới triều vua Minh Mạng.Lúc nhỏ được tiến cung vào hầu đức Dực Tôn Anh hoàng đế ( Tự Đức) rất được thương yêu. Bà thông minh lanh lợi, giỏi chữ ca hay lại có ngón đàn tuyệt kỹ nỗi tiếng nhất trong cung cấm một thời.

Năm 25 tuổi,bà đến cầu hòa thượng Huệ Cảnh (3) thọ ký được ban pháp danh Hải Bình tự Khiết Bạch. Hòa thượng khen bà tuổi trẻ sớm hiểu đạo nhưng do đang ở trong nội cung nên không được phép xuống tóc. Tuy nhiên các nghi thức tụng niệm, tán sám bà luyện tập công phu,âm điệu tiết tấu tuyệt diệu. Bà lại am hiểu thiền lý sâu xa,kiên trì mật hạnh. Vua không biết việc này.

Năm Tự Đức thứ 35 ( 1882) gặp sự biến An Nghiệp ở Đông Kinh (4) Bà đến chùa Hoằng  n trong đại nội cầu nguyện. Đêm nằm mộng có vị thần đến bảo rằng :”Chúng như bầy ong tụ tập quấy rối ồn ào, giống như loài chuột núi,chồn hoang rút cục không nơi ẩn trốn.Rồi sẽ đến lúc yên vui”. Sau khi tỉnh giấc tìm nghe các lời tâu ,bà mới biết trong ngoài đã được yên ổn. Hôm khác bà mộng thấy vị thần đến trình :” Hoàng ái tử  Dưỡng  Thiện Công (sau làm vua hiệu Kiến Phước). Hãy xem bàn tay dùng ngón cái chỉ vào ngón vô danh thuộc cung mùi ngôi vua dừng lại ở đó ”. Tỉnh mộng bà chiêm nghiệm hiểu ý, lấy làm lo lắng suy nghĩ rất nhiều .Nhưng không dám nói ra chỉ bàn riêng với một hai người kín đáo tin cẩn. Quả nhiên sang năm Quý mùi (1883), vua trở bệnh nặng, theo lời tâu xin của hoàng thái hậu Trang Ý (5) và Đoan phi,vua hạ sắc bảo Bà đến chùa Hoằng  n cầu đảo. Bà đem hết lòng thành khấn nguyện. Trong cung đều khen Bà làm được nghi thức đúng đắn bên ngoài,ẩn dấu tình cảm xót xa bên trong, không sai lạc với ý nghĩa cảm thông, như vị thần đã báo trước. Đến khi vua băng sau lễ an táng vào lăng tẩm, Bà tuân chỉ chầu trực ở Khiêm cung ( lăng vua Tự Đức) chuyên lo việc thờ Phật.

 Năm đầu triều Hàm Nghi ( 1885) theo lệ được cho về chùa tổ (Tường Vân), Bà xin với sư huynh giáo thọ Hải Toàn chứng minh làm lễ xuống tóc. Sư bố trí cho Bà giữ việc hương đăng tại chùa, ngày đêm sửa soạn hương hoa cúng dường mọi việc rất chu đáo. Tính Bà không thích đi lại,giao tiếp. Khi các chùa chiền tổ chức pháp sự ,Bà phát tâm đóng góp nhiều ít công đức rồi mật niệm tán trợ. Hơn mười  năm không ra khỏi núi, người quen biết cũ rất hiếm khi gặp,chỉ nghe Bà thường xuyên tụng kinh , vì thế mà gọi là sư cô. Bà chuyên trì kinh Pháp Hoa sớm chiều không bỏ sót.Năm Thành Thái thứ 3 (1891) hoàng thái hậu Từ Minh triệu Bà vào chùa Hoằng  n tụng kinh cầu an được linh nghiệm nên ban tặng Bà một bộ cà sa bằng gấm bảy màu xen chỉ vàng. Năm thứ 6 (1894) Bà cầu thọ giới cụ túc với hòa thượng Diệu Giác tại tổ đình Báo Quốc (6). Năm thứ 7 (1895) giáo thọ Hải Toàn nhận thấy Bà càng già lại càng siêng năng Phật sự , suy nghĩ cho Bà ngưng việc hương đăng để ở riêng hậu liêu tu niệm.Đến năm hơn 60 tuổi Bà càng nổ lực trì kinh Pháp Hoa.

Đức hạnh của Bà ở trên có thể theo kịp hiền thánh Diệu Thiện. Đạo nghiệp của  Bà vượt trội chư ni, xứng đáng làm tiêu biểu cho người đời sau”. 

Qua đó chúng ta biết được ngày xưa việc xuất gia tu hành của giới nữ rất khó khăn hạn chế. Nhưng vẫn có những vị nữ lưu đã vượt qua các chướng ngại để đạt được ước nguyện giải thoát

Bà Hải Bình – Khiết Bạch là một trongcác vị nữ tu đầu tiên cầu thọ đầy đủ giới pháp xuất gia của ni giới Thừa Thiên Huế. Rất tiếc ngày nay danh hiệu,hành trạng của Bà dần dần chìm vào quên lãng.

T.Đ.S

————————————

Ghi chú:

(1) Như Như đạo nhân: tên Nguyễn Phước Hồng Bàng (1851-? ) Đệ tử của hòa thượng Tâm Truyền chùa Báo Quốc,pháp danh Trừng Khế tự Như Như

(2) Đội Cảnh tất: lính dẹp đường khi vua ra ngoài.

(3) Hòa thượng Tánh Hoạt-Huệ Cảnh ( 1798-1869). Sơ tổ khai sơn chùa Tường Vân

(4) Chỉ sự việc H.Rivière đánh chiếm Hà Nội vào ngày 25/4 /1882

(5)  Tức bà Lệ Thiên Anh hoàng hậu Võ thị Duyên,con gái của Đông các đại học sỹ Võ Xuân Cẩn ở Lệ Thủy Quảng Bình

(6) Hòa thượng  Diệu Giác tức hòa thượng Hải Thuận Lương Duyên (1806-1892 ) trú trì chùa Báo Quốc.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here