Trang chủ Thiền môn xứ Huế Danh Tăng-Ni, Nhân sĩ Vài kỷ niệm cùng Thầy Đức Tâm

Vài kỷ niệm cùng Thầy Đức Tâm

180
0

Chúng tôi hay quen gọi các vị Hòa Thượng là Ôn hoặc Thầy với tất cả lòng thương yêu, kính trọng. Tôi đã gặp, đã được trò chuyện từ lâu năm lắm  cùng các Ôn Linh Mụ – Thầy Đôn Hậu, Ôn Từ Đàm – Thầy Thiện Siêu, Ôn Tường Vân -Thầy Tịnh Khiết, cùng Thầy Nhất Hạnh, Thầy Trí Thủ, Thầy Đức Nhuận, Thầy Minh Châu một thời Đại Học Vạn Hạnh, và giờ đây còn được  ngồi bên Thầy Tuệ Sỹ, nghe tiếng dạo đàn dương cầm của Thầy trên căn gác nhỏ Đào Nguyên, Đàlạt, lòng tôi thật bình yên, hạnh phúc …

Và sao tôi lại nhớ Thầy Đức Tâm, lại viết đôi dòng kỷ niệm về Thầy chiều nay? Có phải đó là do cái duyên trùng hợp: tháng 9 năm nay khi về Santa Ana, California, ghé thắp cây hương cho nhà văn Nguyễn Mộng Giác, kỷ niệm một năm ngày Giác mất, gặp Thầy Từ Mẫn ở đó, (hồi trước tôi hay vẽ bìa sách cho nhà xuất bản Lá Bối của Thầy, hay An Tiêm của Thầy Thanh Tuệ…) trong câu chuyện, Thầy nói: “Anh viết về Thầy Đức Tâm đi …”.  Vừa qua, gặp anh Trần Văn Duy ở Sàigòn, anh đem tặng tờ Văn Hóa Phật Giáo, cũng nói tôi viết một bài về Thầy Đức Tâm, nhân sẽ tục bản tạp chí Liễu Quán.

dinh_cuong_va_bang_huu_o_chua_gia_lam

Thầy Tuệ Sỹ – Lê Mạnh Thát – Thầy Đức Tâm – Thân Trọng Minh – Lữ Quỳnh – Đinh Cường

Chùa Già Lam, Gia Định 1983

Nhớ lại những năm tháng ở Huế, những năm tháng được gần gũi bên Thầy cùng các sinh hoạt văn hóa, nhất là tại Trung Tâm Văn Hóa Phật Giáo Liễu Quán Huế, do công của Thầy đứng ra tạo dựng vào năm 1970, nhớ lúc ấy luôn có anh Hồ Đăng Lễ, Trưởng Ty Công Chánh giúp ý kiến, yểm trợ vật liệu xây dựng, cũng như đã cùng Thầy yểm trợ công trình điêu khắc lớn của Lê Thành Nhơn: tạc tượng cụ Phan Bội Châu và tượng Quán Thế Âm. Tượng cụ Phan nay đã được đem ra dựng ở mảnh đất đài phát thanh Huế cũ, cạnh chân cầu Tràng Tiền thật uy nghi hùng vĩ. Tượng Quán Thế Âm vẫn dựng ở sân trước Trung Tâm từ trước 1975 cho đến nay, thật đẹp. Còn nhớ là khi dựng xong bức tượng đã được đúc bằng đồng đen, có nhiều tiếng xì xào … sao giống Khánh Ly, ca sĩ nổi tiếng hát những ca khúc của Trịnh Công Sơn. Thầy đã bình thản nói: tùy tâm họ, họ nghĩ đó là Phật Bà thì tốt nhưng họ nghĩ là Khánh Ly cũng được thôi…Ở Huế chỉ có chùa Pháp Hải tôn tri hình tượng Khổng Tử cho đến ngày nay dù vật đổi sao dời do Thầy thông tam giáo ( Dương Đình Châu – Một vài giai thoại về Thầy ).

duc_tam-hue

Hòa thượng Thích Đức Tâm-Huế, 1960

Gần như một giai thoại nữa mà tôi nhớ mãi, là khi về dạy ở trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế năm 1967, Vĩnh Phối để cho gia đình tôi ở căn nhà phía sau trường, vốn xây để cho giám đốc trường ở… Căn nhà nhiều ám khí khó ai ở yên. Một hôm Thầy Đức Tâm ghé thăm, Thầy nói đi mua nhang đèn, vàng bạc, tôi quỳ dâng sớ, Thầy làm phép, thế là từ đó gia đình được ở yên lành cho đến năm 1975…

Từ những năm sau 1970  đã có nhiều sinh hoạt văn hóa ở Trung Tâm Văn Hóa Liễu Quán tôi còn ghi nhớ: tháng 10 năm 1974 đã giúp anh Vĩnh Ấn, một họa sĩ gốc ở Vỹ Dạ, sống rất lâu năm ở Pháp về làm một cuộc bày tranh nhỏ ở đó, những Bàn Tay Phật – những tranh khắc của anh, gam màu xanh rêu là một cõi lặng đầy thi đạo… Năm 1977 giúp chị Điềm Phùng Thị tập họp một số nữ sinh trường nữ trung học Đồng Khánh và Thành Nội dự cuộc “chơi mà học”, chị giao cho các em các mẫu tự mẫu ( 7 modules mẫu của chị ) với giấy màu, bút chì… để tự các em cắt, dán, vẽ. Sau đó là cả một phòng bày tranh của các em, đa dạng và tuyệt đẹp. Chị nói: “Tính thiện” là bản chất của con người tuổi nhỏ. Trẻ em còn giữ được trinh nguyên trên từng ý nghĩ, xếp đặt, bố cục nghệ thuật… Sau đó còn nhớ có buổi triển lãm tranh sơn dầu vẽ trên bao bố của Bửu Chỉ cũng thật lạ, cùng bày chung với Hoàng Đăng Nhuận… Những năm sau 1975 chúng tôi hay cùng ngồi cà phê  trước Liễu Quán.

duc_tam_va_phat_tu_hue

Thầy Đức Tâm và Hướng Đạo Huế

Cứ tưởng Trung Tâm Liễu Quán và cái tượng Quán Thế Âm sẽ bị xóa bỏ, dời đi. Ai ngờ còn đến hôm nay và lại tiếp tục có những sinh hoạt văn hóa ở đó, nhất là mùa Phật Đản.

Có lẽ năm tháng và những cuộc đổi dời, từ hơn ba mươi năm nay ít còn ai nghĩ đến công lao của người sáng lập là Thầy Đức Tâm. Thầy mất khi mới 60 tuổi, nhưng những đóng góp của Thầy cho trung tâm này nói riêng và nói chung là cho văn hóa Phật Giáo, không riêng Huế, thật đáng kính nể và khâm phục. Riêng đối với tôi, vẫn xem Thầy là một Nhà Văn Hóa dám nghĩ dám làm – rất avant garde – Với dáng người cao lớn, đôi mắt lộ, sáng, vẻ mặt cương nghị mà tình cảm, hình ảnh Thầy còn ghi trong tôi: đôi khi thầy nhai cau trầu miệng đỏ tươi, nụ cười hiền, Thầy hay mặc bộ đồ lam, đi đôi guốc mộc. Thầy thân thiết với nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng ở Huế một thời như họa sĩ Phạm Đăng Trí (chùa Pháp Hải do họa sĩ Phạm Đăng Trí chọn mẫu màu tường và các cánh cửa rất lạ, không giống các chùa khác ), họa sĩ Phan Xuân Sanh, Vĩnh Phối, Tôn Thất Văn, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba, nhạc sĩ Ưng Lang, nhà thơ Võ Ngọc Trác, Ngô Kha, Định Giang…, kỹ sư Nguyễn Hữu Đính, giáo sư Trần Như Uyên, Trần Viết Ngạc, Nguyễn Hữu Châu Phan, cũng như Bác sĩ Dương Đình Châu, người kề cận chăm sóc, biết nhiều giai thoại về Thầy. Nhà thơ Phạm Nhuận cùng Trịnh Công Sơn, Bửu Ý và tôi  hay qua thăm Thầy bên chùa Pháp Hải, Cồn Hến – Vỹ Dạ. Đặc biệt ngay trước sân chùa có cội sim tím già hiếm thấy ở phố thị. Trước mặt chùa là cả hồ sen mênh mông, đến mùa sen nở hay mùa hoa bắp lay bên cồn thật đẹp, đẹp như sáu câu lục bát của Nhuận:

Chiều nay dừng lại bên cầu

Cúi nhìn dòng nước bạc đầu ta sao

Trong chùa kinh vọng lời cao

Giở trang bối diệp người vào pháp không

Mai sau vỡ giọng chuông đồng

Khép hai vạt áo nâu sồng hóa thân 

(Phạm Nhuận – Bên Cầu Pháp Hải –

Có Hề Chi Vàng Một Chút Rêu Rong – thơ, Nhà xuất bản Đồng Nội- Huế, 1973)

chua_phap_hai

Chùa Pháp Hải – Cồn Hến, Vỹ Dạ  (Huế)

Tôi gặp Thầy lần cuối, năm 1983 nhân chùa Già Lam – Gia định tổ chức tuần lễ văn hóa Phật Giáo, giới thiệu những công trình nghiên cứu dịch thuật, chú giải kinh sách của Lê Mạnh Thát, của Tuệ Sỹ… Tôi có vẽ bức sơn dầu Trần Nhân Tông do anh Trần Đình Sơn đề nghị, cùng đưa cho tôi một bức tranh cổ vẽ Trần Nhân Tông nét đen làm tài liệu. Tôi đã vẽ hết lòng mình, như  Bửu Ý viết: Chúng ta đã nhận chịu chấn thương đủ loại, cho nên cần quy hướng đến những ý tưởng, tình cảm và ánh sáng thiện hạnh. (Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo, số 71, ngày 15. 12. 2008) Bức tranh được Thầy Trí Thủ ghi thêm hai dòng bút tích rất quý. Không biết nay bức tranh còn không ở chùa Già Lam… Thầy Trí Thủ mà tôi yêu kính từ thời ở chùa Hải Đức – Nha Trang, thời tôi hay ghé thăm Tuệ Sỹ và  Phạm Công Thiện, thời đứng bên đồi hoa khế tím trước khi lên chùa:

Gió thổi đồi tây hay đồi đông

Mưa hạ ly hương nước ngược giòng

Trong mơ em vẫn còn bên cửa

Tôi đứng trên đồi mây trổ bông  

(Phạm Công Thiện – Gió thổi đồi tây hay đồi đông)

Vài kỷ niệm cùng Thầy Đức Tâm như nhắc nhớ trong tôi một thời thật đẹp ở Huế, một thời mà mỗi bậc cấp lên chùa như nghe một lời kinh, còn âm vang trong hồn tôi. Nhớ vô cùng hai người bạn đã sẻ chia cùng tôi rất nhiều về một đời sống tâm linh nghệ thuật: Bửu Chỉ và Trịnh Công Sơn. Bửu Chỉ luôn nhắc OM MANI PADME  HUM… và Trịnh Công Sơn thì nhắc: Mỗi người phải nỗ lực để xây dựng cho bằng được một ngôi chùa tĩnh lặng trong lòng mình và nuôi lớn Phật tính trong chính bản thân thành một tượng đài vững chắc . (TCS – Sống trong mỗi sát na).

dinh_cuong_lieu_quan

Đinh Cường trước Trung Tâm Phật Giáo Liễu Quán

Thầy Đức Tâm đã ghi dấu trong tôi bao hình ảnh đẹp. Nhắc đến Trung Tâm Văn Hóa Phật Giáo Liễu Quán – Huế  hôm nay là phải nhớ đến công ơn của Thầy, người đã sống hết lòng vì Chân Thiện Mỹ, hết lòng vì Văn Hóa Phật Giáo.

Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A  Di Đà Phật.

Virginia, Dec. 20, 2013

Đinh Cường

(Ấn phẩm Liễu Quán số 1)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here