Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Phật giáo và môi sinh

Phật giáo và môi sinh

140
0

Trong khuôn khổ chương trình Tuần lễ Phật đản PL.2558-Vesak 2014 tổ chức tại TT. Huế vừa qua, Hòa thượng Thích Chơn Thiện, Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS GHPGVN đã có buổi thuyết trình rất thành công tại lễ đài Nghinh Lương Đình với sự tham gia đến nghe của đông đảo chư tôn đức Tăng, Ni và hàng ngàn Phật tử, nhân sĩ trí thức và người dân xứ Huế. BBT. lieuquanhue.vn xin giới thiệu toàn văn bài thuyết trình của Hòa thượng đến với quý đọc giả.

I. Môi sinh

Môi sinh là gì? Thế nào là ô nhiễm môi sinh? Chúng ta hãy bắt đầu tìm hiểu. Môi sinh là một từ mới chỉ thiên nhiên. Một ngành học mới về môi sinh của thời đại gọi là ‘môi sinh học’.

Vài khái niệm về môi sinh học

Môi sinh học là một khoa học tương đối mới mẻ liên quan đến nhiều nguyên lý chế ngự mối liên hệ giữa các sinh vật và môi trường sống của chúng. Frederich Clements (1916), một nhà môi sinh học người Mỹ, xem môi sinh học là ‘khoa học về cộng đồng của con người’; Charles Elton, nhà môi sinh học người Anh, định nghĩa môi sinh học là ‘Khoa lịch sử có tính chất thiên nhiên và khoa học’ liên quan đến ‘xã hội học và sự phân phối và tiêu thụ của các loài động vật’; Woodbury (1954) thì xem ‘Môi sinh học’ là một khoa học nghiên cứu các sinh vật trong mối liên hệ với môi sinh, một triết học mà ở đó thế giới của sự sống được cắt nghĩa bằng các quá trình tự nhiên’. Krebs (1972) định nghĩa ‘Môi sinh học’ là con đường khoa học khảo cứu các sự tương tác thuộc môi sinh vốn chế ngự sự an sinh của các sinh vật, điều chỉnh sự phân phối, sự thừa thãi, sự tái sản sinh và sự tiến triển của chúng’.

P. D. Sharma (F. N. I. E) (Phân ban thực vật học, Ðại học Delhi) đã viết trong tập sách của ông nhan đề ‘Môi sinh học và môi trường sống rằng:

‘Ngày nay “môi sinh học” đã và đang đóng góp rất nhiều cho chính sách về xã hội, kinh tế, chính trị và các chính sách tương tự của thế giới. Thật rất phổ biến kiếm tìm các tham khảo về môi sinh học trong các bài viết, tạp chí, tuần báo và nhật báo về xã hội, kinh tế học. Môi sinh thật sự giữ một vai trò quan trọng trong vấn đề an sinh của con người. Ðây chủ yếu là chủ đề của một ngành học và ngành học môi sinh hiện đại chú trọng đến chức năng các tương thuộc giữa các sinh vật và môi trường sống của chúng’.

P. D. Sharma đã giới thiệu nhiều khái niệm cơ bản về môi sinh, ở đây chỉ trích dẫn vài khái niệm tiêu biểu:

– ‘Tất cả sinh vật và môi trường sống của chúng có phản ứng hổ tương và ảnh hưởng nhau qua nhiều cách. Loài động vật, quần hoa cỏ và cây cối là tương thuộc qua môi sinh và phản ứng hổ tương’

– ‘Môi sinh, nó vốn là một phức thể của nhiều nhân tố tương hệ, và nó năng động (nghĩa là thay đổi theo thời gian và không gian), có chức năng như một cái sàng chọn lọc các sinh vật cho sự phát triển qua rất nhiều hình thái làm nên sự hình thành của nó, hoặc một sự hình thành khác trở nên nhân tố quyết định ở các giai đoạn phát triển quyết định của chu kỳ sự sống của các loài’.

– ‘Không phải chỉ có môi sinh ảnh hưởng đến đời sống của các sinh vật, mà các sinh vật cũng bổ sung cho môi sinh như là kết quả của sự phát triển, phân tán, tái sản sinh, chết, tan hoại v.v.. của các sinh vật. Như vậy, môi sinh được gây nên sự đổi thay do các hoạt động của các loài sinh vật.

Môi sinh và các sinh vật năng động mở đường phát triển cho nhiều loại sinh vật khác qua một quá trình được gọi là kế thừa. Quá trình ấy tiếp tục cho đến sự phát triển của cộng đồng như hiện tại tự nó có thể tự điều chỉnh cân bằng với môi sinh. Giai đoạn cuối này của cộng đồng được gọi là đỉnh cao của phát triển.

Các trích dẫn trên chứng tỏ rằng giữa con người và môi sinh có một sự liên hệ sinh động, liên tục, tự nhiên và không thể tách rời nhau. Mối liên hệ mật thiết ấy nói lên rằng gây rối môi sinh có nghĩa là gây rối đời sống của cá nhân như chúng ta có thể thấy qua cuộc khủng hoảng môi sinh hiện nay.

Cuộc khủng hoảng môi sinh

Cuộc khủng hoảng môi sinh hiện tại là sự ô nhiễm môi sinh: ô nhiễm không khí, nước và đất. Như đã được các sách, báo v.v… ghi lại các ô nhiễm ấy do các cuộc thí nghiệm bom nguyên tử, các vũ khí hóa học, các hơi độc thoát ra từ các xưởng kỹ nghệ, và do sự gia tăng dân số trên thế giới gây ra.

Từ ngữ ‘ô nhiễm’ đã được ‘nhóm ô nhiễm môi sinh’ của Hội đồng cố vấn khoa học của Tổng thống định nghĩa trong bản báo cáo của nhóm, nhan đề: ‘Phục hồi phẩm chất môi sinh của chúng ta’, tổ chức vào tháng 11, năm 1965 như sau:

– ‘Ô nhiễm môi sinh là sự thay đổi không thuận lợi về môi trường sống chung quanh, như là toàn thể, hay phần lớn, hậu quả của các hoạt động con người qua các ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp về sự thay đổi các mẫu hình năng lượng, các cấp độ phóng xạ, qua sự cấu thành thuộc vật lý hay hóa học và qua sự thừa thãi của các tổ chức. Các đổi thay này có thể trực tiếp ảnh hưởng đến con người, hay ảnh hưởng qua sự cung cấp nước và cung cấp các sản phẩm nông nghiệp, sinh vật, qua các tư hữu hay đối tượng vật lý, hay qua các dịp con người giải trí, tìm hiểu thiên nhiên’.

Edward J. Kormondy ghi lại sự ô nhiễm không khí do các nguyên nhân tạo hằng năm ở Mỹ như sau:

Các nguồn do con người gây ra

Các chất thải ra (triệu tấn/năm)

– Bụi bặm thiên nhiên

– Cháy rừng

– Giao thông, vận chuyển

– Sự thiêu đốt

– Các nguồn nhỏ khác

63

56,3

1,2

0,931

1,284

Tổng cộng

122,715 triệu tấn

Ðề cập vấn đề năng lượng hạt nhân – sự cứu rỗi hay sự trừng phạt’ E. F. Schumacher, trong tập sách của ông nhan đề ‘Small is Beautiful’ (những cái nhỏ bé là tốt đẹp), viết:

‘Về tất cả những đổi thay mà con người đã đưa vào ngôi nhà thiên nhiên thì sự phân hạch hạt nhân với quy mô lớn đã hẳn rõ là điều sâu xa và nguy hiểm nhất. Các bức xạ hạt nhân là hậu quả đã và đang trở nên một nhân tố nghiêm trọng nhất cho vấn đề ô nhiễm môi sinh, và là sự đe dọa lớn nhất cho sự tồn tại của loài người trên trái đất. Không còn ngạc nhiên gì nữa, bom nguyên tử đã thu hết sự chú ý của người đời, dù đang còn ít nhất một cơ hội mà nó sẽ không bao giờ được sử dụng nữa. Cái nguy hiểm đối với nhân loại gây ra do việc dùng năng lượng nguyên tử phục vụ hòa bình có thể còn to lớn hơn nhiều’.

Ðối với sự ô nhiễm đất và nước E. F. Schumacher viết:

‘Cho đến nay vẫn chưa có một sự thỏa ước quốc tế nào đạt được về sự phế thải. Hội nghị của ‘Tổ chức năng lượng Quốc Tế’ tại Monaca, tháng 11, 1959, đã kết thúc trong sự bất đồng ý kiến, phần chính do các chống đối mạnh mẽ của đa số các nước chống lại sự phế thải vào đại dương của Anh và Mỹ. Các đồ phế thải ở ‘cấp độ cao’ tiếp tục được vứt bỏ vào biển, trong khi đó số lượng các phế thải thuộc ‘cấp độ trung bình’ hay ‘cấp độ thấp’ thì vứt vào sông hay trực tiếp vào lòng đất. Báo cáo của ‘tổ chức năng lượng quốc tế’ ấy khảo sát ngắn gọn rằng các phế thải chất lỏng ngấm dần vào đất, nước, để lại toàn phần hay một phần các bức xạ thuộc hóa học hay vật lý trong lòng đất’.

Ngày nay, ô nhiễm môi sinh gây ra bởi các bức xạ của năng lượng hạt nhân, của chất thải các hóa chất, của nạn cháy rừng, phá rừng, của giao thông, vận chuyển, của các sự thiêu đốt và của các nguồn khác nữa trở nên càng trầm trọng hơn bao giờ mà các nhà nhân văn đã đặt biệt báo động.

Từ các trích dẫn trên, chúng ta có thể hình dung ra sự ô nhiễm môi sinh hiện nay nguy hiểm biết bao! Ðe dọa đời sống nhân loại trên hành tinh biết bao!

Sự ô nhiễm ấy là hậu quả hiển nhiên của nền văn hóa khoa học hiện đại với sự phát triển kỹ nghệ, kinh tế nhanh chóng mà không thể kiểm soát được. Nền văn minh ấy, đến lượt nó, là hậu quả của sự phát triển cao đỉnh của tư duy hữu ngã, con đường tư duy và hưởng thụ lạc thú của con người. Thế nên, nguyên nhân chính của cuộc khủng hoảng lớn về môi sinh, như đang được báo động, là vô minh và lòng tham ái. Thử tìm hiểu giáo lý nhà Phật có ảnh hưởng gì cho vấn đề bảo vệ môi sinh, có thể nêu ra một triết lý nền tảng cho vấn đề bảo vệ môi sinh không?

II. Phật Giáo và vấn đề môi sinh và bảo vệ môi sinh

1. Về giáo lý Duyên khởi

Giáo lý Duyên khởi là sự thật mà đức Phật giác ngộ dưới cội bồ đề cách đây hơn 26 thế kỷ. Đó là:

Vô minh, hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sinh, lão tử, sầu, bi, khổ, ưu, não.

Trong đó, chi phần Hữu là chỉ cho thế giới nầy; chi phần danh – sắc là chỉ cho con người vật lý và tâm lý (hay thân ngũ uẩn); hai thực thể này có mối liên hệ mật thiết bất khả phân ly. Chẳng những vậy, sự thật duyên sinh đó còn nói lên rằng mọi hiện hữu trong thế giới nầy đều có mối tương quan mật thiết với nhau. Điều này nói rõ con người và môi trường là cộng sinh: bảo vệ con người là bảo vệ môi trường, bảo vệ môi trường là bảo vệ con người; hay ngược lại, làm ô nhiễm môi trường là làm ô nhiễm con người, hoặc làm ô nhiễm con người là ô nhiễm môi trường. Giáo lý này hẳn nhiên gợi ý rõ ràng rằng con người cần bảo vệ môi trường sống trong lành thoát khỏi ô nhiễm như bảo vệ chính sức khỏe, sinh mạng và hạnh phúc của mình.

2. Giáo lý Ngũ uẩn

– Kinh Tương Ưng III, PTS, London, 1992, trang 41 ghi:

“Này các Tỷ Kheo, thế nào là Sắc uẩn? Này các Tỷ kheo, tất cả sắc thuộc quá khứ, hiện tại hay vị lai, thuộc trong hay ngoài, thô hay tế, thấp hèn hay cao sang, xa hay gần, đều gọi là sắc uẩn”. (Sắc uẩn: chỉ nhóm thân sắc con người)

– Kinh Tương Ưng III, 1993, tr.112, bản dịch của Hòa thượng Thích Minh Châu ghi:

“Này các Tỷ kheo, thế nào là sắc? Bốn đại chủng và sắc do bốn đại chủng tạo thành. Này các Tỷ kheo, đây gọi là sắc”. (Bốn đại chủng là: đất, nước, gió, lửa).

Thế là, sắc uẩn của con người là bao gồm thân vật lý này và thế giới vật lý. Hay thân vật lý này là đất, nước, gió, lửa như đất, nước, gió, lửa ở bên ngoài: nó là một gốc. Nếu đất, nước, gió, lửa ở bên ngoài ô nhiễm thì thân con người bị ô nhiễm, không thể khác.

Đây là sự thật cùng gợi ý lên rằng: con người cần có nhận thức thật minh bạch rằng con người cần bảo vệ môi trường sống thoát khỏi ô nhiễm như bảo vệ chính sự sống và hạnh phúc của mình: Bảo vệ môi trường sống không phải là một nghĩa vụ mà là quyết định sự sống còn của tự thân. Phương chi, Kinh Di Giáo nhà Phật dạy rằng người giữ tịnh giới thì không được chặt phá các cây cối. Phương chi, trong oai nghi nhà chùa khuyên không được đổ thức ăn thừa lên cây cỏ làm chết cây cỏ. Phương chi, trong lời hồi hướng của các thời kinh của nhà chùa và của Phật tử ghi “Tình dữ vô tình giai cộng thành Phật đạo” (hữu tình là các chúng sinh, sinh vật; vô tình là các loài cây cỏ, đồ vật). Phương chi, vào thế kỷ thứ 3 trước Tây lịch, Đại đế Asoka (Ấn Độ), vị đại đế ứng dụng giáo lý nhà Phật vào giáo dục dân chúng, đã truyền chỉ cho toàn dân trồng cây khắp các nẽo đường Ấn Độ. Truyền thống trồng cây ấy đã được nhân dân Ấn giữ gìn cho đến bây giờ: nhà nước cấm tuyệt việc chặt phá cây, trừng phạt các người dân chặt phá cây để bảo vệ môi trường.

3. Giáo lý đoạn vô minh, ly dục của Phật giáo

Như vừa kế luận ở trên, do vô minh, không thấy rõ vai trò quan trọng của môi trường sống trong lành, không thấy rõ rằng môi sinh có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của con người, nền văn minh của nhiều thế kỷ trở lại đây đã để lại một hậu quả ô nhiễm vô cùng lớn đe dọa trầm trọng sự tồn vong của nhân loại. Chính từ vô minh nầy mà dục vọng con người phát triển nhanh chóng và mãnh liệt dẫn dắt con người vào các ham muốn không giới hạn vì sự hưởng thụ cá nhân, vì lợi ích cá nhân và lợi ích nhóm: nhỏ thì đốt rừng, phá rừng, khai thác các quặng khoáng sản vô độ, ném chất thải ra đường, vào sông hồ, biển cả, thải độc khí vào không gian; lớn thì gây ra các cuộc chiến tranh nóng, lạnh, lớn nhỏ để thu gom của cải về cho các nhóm người, tàn phá cuộc sống, môi trường sống vô hạn, phát sinh mạnh mẽ lòng tham lam, sân hận, si mê (vô minh) nuôi dưỡng động cơ, căn gốc của ô nhiễm môi trường.

Tại đây, một lần nữa ta lại phải trở về với giáo lý nhà Phật để mở ra hướng giáo dục đại chúng tận trừ căn gốc sâu xa gây ra ô nhiễm môi trường sống, sự sống.

Có thể nói rằng toàn bộ giáo lý nhà Phật đều có thể được sử dụng cho hướng giáo dục đại chúng này.

3.1. Đoạn trừ vô minh

Vô minh là gì? Đức Phật dạy: không hiểu rõ sự thật duyên khởi (của mối tương quan trùng trùng của vạn hữu) là vô minh. Hiểu rõ sự thật Duyên khởi là minh, là minh kiến, là chánh kiến trí tuệ. Không hiểu rõ sự thật của khổ đau, sự tập khởi của khổ đau, sự đoạn diệt của khổ đau và con đường đưa đến đoạn diệt khổ đau là vô minh; hiểu rõ sự thật đó là minh, là minh kiến, là chánh kiến, là trí tuệ; không hiểu rõ sự thật của vạn hữu là vô thường, vô ngã (không có tự ngã) mà chấp chặt vạn hữu có một tự ngã thường hằng bất biến, là vô minh; hiểu rõ sự thật ấy là minh, là minh kiến, là chánh kiến, là trí tuệ.

Chính vì vô minh, không hiểu rõ sự thật con người và thế giới có mối tương quan bất khả phân ly mới xây dựng một nền văn hóa dẫn đến ô nhiễm môi sinh trầm trọng, tàn hại môi sinh và tàn hại sự sống.

Chính vì vô minh cho rằng có các tự ngã độc lập, thường hằng, độc lập với thiên nhiên nên mới gây ô nhiễm môi sinh vô tội vạ, mới nuôi dưỡng và phát triển tự ngã, lòng vị kỷ, dục vọng vô độ gây ra hại mình, hại người, gây ra xung đột, chiến tranh.

Chính vì không thấy rõ sự thật duyên sinh, vô ngã, nên không thấy được con đường sống của cộng đồng dẫn đến dập tắt nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường. Tại đây giáo lý nhà Phật đã soi sáng con đường ấy, soi sáng con đường của tự ngã và dục vọng dẫn đến khổ đau vô cùng tận của mình và người là sai lầm, và chỉ rõ con đường chánh của ly dục là con đường đi ra khỏi ô nhiễm môi trường và khổ đau.

3.2. Đoạn trừ dục vọng

Nghe đề cập đến loại trừ dục vọng thì người đời thường sợ hãi vì nghĩ rằng sống là thỏa mãn các dục vọng, không còn dục vọng thì hầu như mất đi nghĩa sống. Thực ra, không còn dục vọng thì chỉ mất đi khổ đau; mất đi khổ đau là được hạnh phúc: đây mới là mục đích sống của con người, và là mục đích mà các nền văn hóa nhắm đến.

Một lần tôn giả Xá Lợi Phất (bậc tướng quân chánh pháp) nói với một nhóm Tỷ kheo sắp đi hoằng hóa ở xa rằng:

“Này chư Hiền giả! các bậc hiền trí có thể hỏi: ‘Bậc Đạo Sư của các tôn giả nói gì, tuyên bố gì?’ thì các hiền giả phải trả lời: “Bậc Đạo Sư của chúng tôi nói đến sự điều phục dục và tham”.

– Điều phục dục và tham đối với cái gì?

– Điều phục dục và tham đối với sắc, thọ, tưởng, hành, thức”.

(Nghĩa là dục và tham con người và thế giới).

(Tương Ưng III, 1993, bản dịch của H/T Thích Minh Châu, tr.19)

– Đối với năm uẩn, ai chưa viễn ly tham, dục, nhiệt tình, khát ái, thì khi sắc, thọ, tưởng, hành, thức biến hoại đổi khác sẽ khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não. (Sđd, tr.20)

– Đối với năm uẩn, ai đã viễn ly tham, dục, nhiệt tình, khát ái, thì khi sắc, thọ, tưởng, hành, thức biến hoại, đổi khác, sẽ không khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não”. (Sđd, tr.21)

Thay vì nói nhiếp phục dục, tham đối với năm uẩn, bài kinh về trái tim của trí tuệ, của đại trí tuệ, mà nhà chùa Việt Nam gọi là Bát Nhã Tâm Kinh thường được chư Tăng, Ni và Phật tử tụng đọc trong tất cả các khóa lễ nói rằng: “Quán Tự Tại Bồ Tát, hành thâm bát nhã ba la mật đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhất thiết khổ ách”. (Khi Bồ tát Quán tự tại thực hành trí tuệ sâu xa, thấy rõ năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) là không (vô ngã) thì liền vượt qua hết thảy mọi khổ ách).

Thấy năm uẩn là không, vô ngã là thấy năm uẩn do các điều kiện nhân duyên mà sinh, không có tự ngã thường hằng. Thấy rõ như vậy thì không còn thấy năm uẩn là ta, là của ta và từ đó không còn lòng tham đối với năm uẩn ấy. Không còn lòng tham ái với năm uẩn (con người và thế giới) thì khi năm uẩn biến hoại, đổi khác tâm sẽ không khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não, liền thoát được khổ ách. Giáo lý Bát nhã này cũng giúp đời trừ được căn gốc gây ra ô nhiễm môi sinh như đã đề cập.

Để vấn đề được sáng tỏ hơn, ta thử phân tích sắc thân vật lý của ta:

– Thân này do hương ấm (nghiệp thức) kết hợp với tinh khí của bố mẹ trong thời gian có thể thụ thai: thai nhi được hình thành và phát triển nhờ máu của mẹ; thai nhi ra đời nhờ sữa của mẹ nuôi dưỡng; lúc lớn lên nhờ thức ăn nuôi dưỡng.

– Tinh khí của bố mẹ, máu và sữa đều lấy từ tinh chất của thực phẩm.

– Thực phẩm thì được sinh thành nhờ vào các duyên như đất, nước, hơi nóng (ấm), nhờ đến cả sự hiện diện của mặt trời nuôi dưỡng cho chất xanh (diệp lục tố).

– Mặt trời thì tồn tại như thế nhờ vào hấp lực của thái dương hệ, v.v… nghĩa là thân sắc do cả hơn vạn duyên mới hình thành và tồn tại.

Thế có nghĩa là thân sắc không phải là một tự ngã thường hằng, bất biến: nó không phải là ta, của ta.

Tương tự như vậy, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn đều nương vào thân sắc không tự ngã đó mà có, vì thế thọ, tưởng, hành, thức cũng không có tự ngã, cũng không phải là ta, của ta.

Thấy rõ như vậy thì con người sẽ không còn chấp chặt vào cái thân ngũ uẩn này, không còn tham ái con người và thế giới để không còn gây ra ô nhiễm môi trường và cuộc sống.

Phương chi, trong thời kinh chiều của nhà chùa có câu “Quy y pháp, ly dục tôn” (trở về nương tựa pháp thì tôn chỉ là ly dục).

Tại đây, chúng ta có thể nhận ra có hai điểm nổi bật của giáo lý nhà Phật là:

– Giúp mỗi người tự đi ra khỏi dục vọng của mình để được giải thoát khỏi khổ đau, được an lạc hạnh phúc chân thật.

– Giúp văn hóa nhân gian thấy rõ gốc của ô nhiễm môi trường là lòng dục: đoạn trừ lòng dục là đoạn trừ căn gốc gây ra ô nhiễm môi trường, gây ra hận thù, chiến tranh và các tàn hại cuộc sống.

Trong một thời gian trao đổi ngắn ngủi, nhất là trong thời điểm đại lễ Vesak, không khí rất nhộn nhịp, chúng ta không thể đi sâu và đi xa vào ba tạng giáo điển. Chúng tôi chỉ xin giới thiệu một bài kệ bốn câu ngắn mà Đức Thích Ca Mâu Ni đã tóm tắt toàn tạng giáo lý nhà Phật rằng:

“Trừ bỏ tất cả điều ác,

Làm tất cả việc lành,

Giữ tâm ý trong sạch,

Đó là lời dạy của chư Phật”.

Đây cũng là nội dung rất cần thiết cho một nền văn hóa bảo vệ môi sinh và đem lại hạnh phúc nội tâm chân thật cho con người. Giáo lý Phật giáo, qua các trình bày ở trên có thể cung cấp một nền tảng cho triết lý bảo vệ môi sinh vậy.

HT. T.C.T

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here