Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Một số ảnh hưởng của Phật giáo đến đời sống người dân...

Một số ảnh hưởng của Phật giáo đến đời sống người dân thành phố Đà Nẵng

121
0

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, Phật giáo là tổ chức tôn giáo lớn nhất, với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú. Vì vậy đã đưa đến những ảnh hưởng quan trọng đối với đời sống của người dân thành phố.

1. Ảnh hưởng về mặt tư tưởng, đạo đức.

Dân số thành phố Đà Nẵng hiện nay khoảng 1 triệu người (tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2010 là: 942.132 người), trong đó có 699 chức sắc Phật giáo, 525 huynh trưởng, 3.496 đoàn sinh Gia đình phật tử, 120.790 tín đồ phật tử. Điều này cũng đồng nghĩa với việc có khoảng 14% dân số thành phố chịu ảnh hưởng trực tiếp từ tư tưởng của Phật giáo. Ngoài ra, số lượng người dân tại thành phố tin Phật, thờ Phật nhưng chưa quy y cũng chiếm một số lượng lớn song chưa được thống kê cụ thể.

Sở dĩ có sự ảnh hưởng này là vì trong Phật giáo có nhiều tư tưởng, giáo lý có điểm tương đồng với phong tục thờ cúng tổ tiên của người dân và các tín ngưỡng bản địa có mặt tại thành phố như: tín ngưỡng thờ Mẫu, thờ thần sông, thờ thần biển….

Thực tế cũng cho thấy, hiện nay số lượng người dân thành phố dù không phải Phật tử nhưng vẫn đi chùa sám hối và ăn chay vào các ngày: rằm, mùng một và những ngày hội lớn như ngày rằm tháng giêng, rằm tháng tư (Phật Đản) và rằm tháng bảy (lễ Vu lan), lễ Quan Thế Âm… tương đối đông, nhất là với những người già và phụ nữ. Đa số các cơ sở chùa Phật giáo trên địa bàn thành phố hiện nay đều có sự cúng dường hỗ trợ từ các công ty, doanh nghiệp đóng trên địa bàn thành phố. Nhiều người dù không phải là phật tử cũng dựng tượng phật hay tranh ảnh có yếu tố phật giáo để chiêm ngưỡng và trang trí cho cảnh nhà đẹp và trang nghiêm.

Riêng đối với thế hệ trẻ thành phố, sự ảnh hưởng của Phật giáo chủ yếu thông qua hình thức tổ chức Gia đình phật tử. Vì mục đích, tôn chỉ, nội dung, phương pháp rèn luyện của Gia đình phật tử có nhiều điểm phù hợp với tâm sinh lý thanh thiếu niên… Vì vậy hoạt động của Gia đình phật tử có tác dụng nhất định đến việc giáo dục thanh thiếu niên về nề nếp, lòng nhân ái, ý thức tổ chức kỷ luật, các hoạt động xã hội” . Để thực hiện mục đích giáo dục của mình, qua hơn 60 năm tồn tại và phát triển (1951- 2013) tổ chức Gia đình Phật tử Đà Nẵng đã xây dựng được các hình thức sinh hoạt, các bộ môn tu học Phật pháp tương đối phù hợp với từng tâm sinh lý lứa tuổi và tổ chức được nhiều hoạt động mang tính giáo dục như: hoạt động thanh niên, văn nghệ, hoạt động xã hội …. Đồng thời, đã biết kết hợp, gắn liền với việc sử dụng các hình thức giáo dục có tính nghiệp vụ sư phạm như: giảng, kể chuyện, ghi chép, sinh hoạt vòng tròn tập thể, kiểm tra, thi kết khóa.. Điều này đã góp phần giáo dục cho Thanh, Thiếu, Đồng niên tin Phật hình thành những đức tính đạo đức căn bản đúng với danh nghĩa người Phật tử chân chính, hướng cho các em có trách nhiệm với hành vi của mình, biết tôn trọng kỷ cương luật lệ, sống thật thà, không dối trá, không làm điều ác… ngoài bổn phận đối với bản thân, gia đình còn phải làm tròn trách nhiệm đối với quê hương, đất nước.

Có  thể khẳng định rằng, bản chất nhân cách, đạo đức con người Việt Nam nói chung, người dân thành phố Đà Nẵng hiện nay nói riêng chịu ảnh hưởng từ nhiều học thuyết, tư tưởng và tôn giáo, là sự tổng hoà từ nhiều mối quan hệ xã hội khác nhau. Nhưng rõ ràng, có một thực tế không thể phủ nhận, đó là ngoài sự chi phối trực tiếp từ lý thuyết và nếp sống của Phật giáo đến nhân cách mỗi người con Phật tử, thì đồng thời, Phật giáo cũng đã có những tác động nhất định đến tư tưởng và đạo đức của nhiều người dân thành phố.

2. Ảnh hưởng về mặt văn hóa, du lịch tâm linh

Phật giáo suy cho cũng không phải chỉ là tôn giáo thuần thúy, nó không chỉ tạo ra tư tưởng khoan hòa, nhân ái trong chính sách an dân mà còn góp phần rất quan trọng trong việc định hình lối sống, phong tục, chuẩn mực giá trị văn hóa Việt Nam. Vượt qua chốn thờ tự tôn kính linh thiêng, Phật giáo đã tham dự vào cấu trúc văn hóa Việt với tư cách là thành tố văn hóa tinh thần, nhưng lại để lại dấu ấn sâu sắc cả trong văn hóa sinh hoạt vật chất. Nhìn  chung,  các  nhà  nghiên  cứu  đều  khẳng  định,  qua  hàng  ngàn  năm tồn tại và phát triển ở Việt Nam Phật giáo đã có ảnh hưởng sâu đậm trong đời sống văn hóa tinh thần  đối với con người  Việt  Nam.

Tại thành phố Đà Nẵng, ảnh hưởng của Phật giáo trong đời sống văn hóa được thể hiện khá rõ nét trong các công trình kiến trúc của hơn 100 cơ sở chùa Phật giáo, trong đó đáng chú ý là hệ thống các chùa cổ như: chùa Tam Thai, chùa Linh Ứng – Non nước, chùa An Long, chùa Pháp Lâm. Tiếp đến là qua các nghi lễ lớn của Phật giáo, qua các phong tục: tổ chức tang lễ, cưới hỏi, ăn chay, thờ phật theo truyền thống Phật giáo của đại đa số người dân thành phố Đà Nẵng. Ngoài ra, Phật giáo tại Đà Nẵng còn có ảnh hưởng đến văn hóa kinh doanh của nhiều công ty đóng trên địa bàn thành phố, biểu hiện qua việc có không ít các nhà doanh nghiệp đến chùa cầu cúng, làm từ thiện để mong được Phật gia hộ trong kinh doanh..

Riêng trong lĩnh vực du lịch tâm linh, loại hình du lịch nhằm thõa mãn nhu cầu tâm linh của khách, khách du lịch không những đi đến các đình, chùa, để vãn cảnh, chiêm bái, cầu nguyện,… mà còn là tìm hiểu và nghiên cứu văn hóa, tâm linh, tham gia tu học.. Tại thành phố Đà Nẵng loại hình này đang có xu hướng ngày càng phát triển.

Du lịch tâm linh phật giáo tại thành phố Đà Nẵng tương đối phát triển là vì sự phát triển du lịch chung của thành phố, đồng thời hầu như các ngôi chùa lớn tại Đà Nẵng đều gắn liền với cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn như: ngôi chùa Linh Ứng – Non nước, chùa Quan Thế Âm, chùa Tam Thai, chùa Long Hoa, chùa Hương Sơn, chùa Huệ Quang gắn với danh thắng Ngũ Hành Sơn và hiện nay Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng cũng đã quy hoạch xây dựng tại đây Công viên văn hóa tâm linh Ngũ Hành Sơn; Chùa Linh Ứng – Bài Bụt, chùa Sơn Trà gắn với khu du lịch bán đảo Sơn Trà; chùa Linh Ứng – Bà Nà gắn với khu du lịch sinh thái Bà Nà..

Theo thống kê của Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các Bãi biển du lịch Đà Nẵng, riêng tại chùa Linh ứng – Bãi Bụt  Sơn Trà vào các dịp lễ tết Nguyên đán hằng năm trung bình có khoảng 15.000 người/1 ngày đến viếng.

Ngoài ra, vào các lễ hội Phật giáo có quy mô lớn, các hoạt động thuyết giảng phật pháp, các khóa tu học Phật diễn ra hằng năm trên địa bàn thành phố Đà Nẵng cũng thu hút một lượng khách du lịch lớn đến tham gia.

3. Đóng góp tích cực vào công tác an sinh xã hội của thành phố

Đối với thành phố Đà Nẵng sau 16 năm trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương (1997 – 2013), cùng với việc tập trung đẩy mạnh sự phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực để Đà Nẵng sớm trở thành một đô thị văn minh, hiện đại, đáng sống; chính quyền thành phố cũng đã dồn sức chăm lo đời sống của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt đối với các đối tượng chính sách, đồng bào nghèo, đồng bào gặp khó khăn bất hạnh…từ việc ăn, ở, đi lại, khám chữa bệnh, học hành…Tất cả đều được chăm sóc với tinh thần trách nhiệm cao, nên cuộc sống của người dân được cải thiện ngày càng tốt hơn. Trong đó, Phật giáo thành phố cũng đã có nhiều đóng góp đáng kể.

Chủ trương của Phật giáo nói chung, Phật giáo tại thành phố Đà Nẵng nói riêng là khuyến thiện, tránh ác, với phương châm: “Dù xây chín bậc phù đồ. Không bằng làm phước cứu cho một người”. Do đó, cùng với việc hướng dẫn cho tín đồ có cuộc sống tâm linh theo tôn chỉ, giáo lý và mục đích của đạo Phật; một nội dung rất quan trọng là phật giáo thành phố luôn chăm lo đến cuộc sống vật chất của người dân theo tinh thần “từ bi, bác ái”, “cứu độ chúng sinh”…  nhằm góp phần làm cho nhân dân, không chỉ tín đồ tôn giáo mình vơi bớt nỗi khổ đau, bất hạnh trong cuộc sống đời thường.

Thực tế cho thấy, từ khi truyền vào thành phố đến nay, tinh thần từ bi cứu khổ của đạo Phật được phát huy rộng rãi, với tư tưởng: “Thương người như thể thương thân”, thông qua các hoạt động từ thiện, nhân đạo, Phật giáo thành phố Đà Nẵng đã có nhiều đóng góp quan trọng trong công tác an sinh xã hội. Điển hình như chùa Quang Châu do sư cô Thích Nữ Minh Tịnh trụ trì nuôi dưỡng  gần 100 trẻ em mồ côi và người già neo đơn, Tuệ Tĩnh đường tại chùa Pháp Lâm, Tuệ Tĩnh đường chùa Lộc Quang tại huyện Hòa Vang  là các cơ sở đã khám chữa bệnh cho hàng nghìn lượt người, đa số là đồng bào nghèo khó; nồi cháo tình thương, cơm miễn phí cho bệnh nhân nghèo được duy trì hàng ngày tại Bệnh viện Đa khoa thành phố (Khoa Lây) và các Trung tâm Y tế quận Thanh Khê, Hải Châu, Hòa Vang, Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn và những buổi ăn bồi dưỡng trong tháng tại Bệnh viện tâm thần Thanh Khê, tổ chức thăm và tặng quà cho Hội người mù, Nhà Nuôi dạy trẻ em đường phố, đồng bào khó khăn trong các dịp lễ lớn như Phật Đản, Vu Lan, chương trình tiếp sức mùa thi của Gia đình phật tử Đà Nẵng…

Đặc biệt, vào tối ngày 01 tháng 9 năm 2013, tại Nhà hát Trưng Vương thành phố Đà Nẵng đã diễn ra Lễ phát động “Phật giáo Đà Nẵng với chương trình an sinh xã hội” do Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố phối hợp với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Đà Nẵng tổ chức. Tại buổi lễ, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Đà Nẵng cũng đã trao tặng số tiền hơn 2,2 tỷ đồng cho Chương trình an sinh xã hội của thành phố. Số tiền này do các chùa thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Đà Nẵng quyên góp được từ các doanh nghiệp, mạnh thường quân và đạo hữu phật tử… Đây là hoạt động mang nhiều ý nghĩa chính trị, xã hội và nhân văn sâu sắc của Phật giáo Đà Nẵng, nhằm góp phần cùng chính quyền và nhân dân thành phố thực hiện thắng lợi các mục tiêu về giảm nghèo và an sinh xã hội tại thành phố Đà Nẵng hiện nay.

Đ.H

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here