Một bông hồng héo, một làn da nhăn, một mái tóc bạc, và một đứa bé đang lớn; tất cả đều nhắc nhở chúng ta biết về một thực tế trong cuộc sống là Vô Thường
Thực tế này của cuộc sống đã làm bạn khổ sở bao giờ chưa? Làm bạn vô cùng lo âu chưa? Thế thì, bạn là người may mắn, bởi vì trong bạn, một vị Phật có lẽ đã hiện diện. Tất cả trong chúng ta đều biết câu chuyện Thái tử Tất Đạt Đa (Siddhartha) đã thành Phật như thế nào, vì Ngài đã bị những cảnh tượng của một người bệnh, người già và một tử thi đang được mang đi mai táng làm cho mất đi sự yên tĩnh. Nó khiến thúc Ngài nghi ngờ về bản chất của cuộc sống và cuối cùng dẫn dắt Ngài đi tới Niết bàn an lạc.
Chúng ta hãy tìm hiểu, sự đau khổ thực ra có phải nằm trong việc làn da chúng ta giờ không còn sức hấp dẫn hay trong việc chúng ta giờ không còn bị công việc hay gia đình kiểm soát như 20 năm hoặc 30 năm trước đây. Không, nỗi đau khổ của chúng ta là ở chỗ chúng ta không chấp nhận sự thay đổi. Cuộc sống là một quá trình vốn thay đổi mà qua đó chúng ta có thể tấn tới hay thối lui. Người cao quý không nhờ những tình huống đặc biệt mà làm cho họ cao quý. Họ hết sức chú ý tới những tình huống bình thường trong cuộc sống mà chẳng hề lờ đi hoặc lẩn tránh chúng.
Tại sao chúng ta chống cự lại sự thay đổi? Đó là vì chúng ta sợ sẽ mất đi những trải nghiệm tốt đẹp trong cuộc sống. Tình yêu, niềm vui thích, tính trọng đại, hạnh phúc, sự sung túc và còn nhiều cái hay khác của cuộc sống mà chúng ta đã ấp ủ trong lòng, chúng ta không muốn làn sóng nhẫn tâm của cuộc đời cuốn trôi chúng. Chúng ta không biết cái mới nào có thể khiến chúng ta theo đuổi. Sự sợ hãi trong tình trạng không rõ ràng, chắc chắn đã dồn đẩy chúng ta vào thế chống cự lại sự thay đổi. Ngược lại nếu sự thường hằng là thực chất của cuộc sống, thì điều gì sẽ xảy ra nếu như sự khổ đau, sự bất mãn, sự tức giận, sư thất vọng, sự sợ hãi, sự thất bại và cả hàng loạt cảm nhận không như ý khác cứ tiếp diễn mãi không ngừng? Đó là đã bị sa lầy vào hầm ngục ác kiến.
Ngồi bên dưới cội cây Bồ đề (Pipal) cách đây 2.500 năm, Đức Phật đã thuyết giảng Kinh Duyên khởi (Pratitya Samutpada), Ngài dạy, “Cái này có bởi vì cái kia có . Nếu cái này không, thì cái kia cũng không”. Hạnh phúc thật sự có được nhờ liễu ngộ rằng vạn vật luôn luôn biến đổi. Sự thay đổi sẽ xảy ra khi các yếu tố cùng tạo thành một cái gì đó thay đổi. Làn da của bạn biến đổi khi có sự thay đổi về mặt sinh học. Chúng ta xin hãy nhận biết. Điều gì khiến cho mối quan hệ thay đổi? Niềm xúc cảm bạn có cảm giác hướng tới một người tùy thuộc vào nhận thức bạn nắm được ở thời điểm đó.
Khi cuộc sống càng lúc càng có nhiều trải nghiệm, thì sự nhận thức của bạn tiếp tục thay đổi. Tình yêu, tình cảm, tình bạn vẫn cứ tiếp tục cho đến hết cuộc sống, nhưng chúng cũng vậy, phải nhận gánh những đổi thay mà cuộc sống gây ra và tiến triển theo thời gian. Đó là lý do tại sao mối quan hệ giữa các cộng sự chưa bao giờ là nơi nó bắt đầu. Nó thay đổi theo năm tháng. Nếu đem lại cho nó những nhận thức cần thiết, nó có khả năng đem lại cho bạn nhiều niềm vui và cảm giác thân mật gần gũi nhau. Còn nếu trong sự bất giác thì mối quan hệ có thể thoái hóa thành nỗi đau đớn, sự bực mình.
Khi chúng ta chiêm nghiệm sự thật về những gì Đức Phật đã dạy, chúng ta đi tới chỗ liễu ngộ, yên tịnh với chính mình. Còn có ai để cho chúng ta đổ lỗi? Điều gì thực sự được cho là có trách nhiệm với những bất hạnh mà chúng ta gặp phải? Những nỗi thống khổ ngấm ngầm, những thất vọng và niềm khát khao không còn là gánh nặng đối với chúng ta khi trí tuệ này hiện ra. Tất cả chúng ta đều có một người thích kiểm soát ẩn mình trong chúng ta gào thét ra một sức mạnh tuyệt đối trên mọi thứ; tất cả chúng ta đều có một thái độ cầu toàn ước ao một cái gì đó bậc nhất trong mọi tình huống; tất cả chúng ta đều có một người yêu thích ở bên trong chúng ta tìm cầu sự đáp ứng lý tưởng từ những người thân yêu. Bạn có bao giờ suy nghĩ rằng làm thế nào để có thể dập tắt được lòng ham muốn mạnh mẽ của bạn hay không? Chỉ có thể làm cho nó dịu bớt. Vì thế, Đức Phật đã nói tự do tự chủ là sự làm nguôi dịu mọi nỗi ám ảnh. Mọi nỗi ám ảnh của chúng ta có thể được xoa dịu khi chúng ta nhận ra cuộc sống trong hiện tại là gì, chứ không phải ở vị lai sau. Hoa hồng không phải là một hoa hồng nếu nó cứ mãi tươi đẹp không héo tàn.
Tịnh Như dịch