Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Công việc hộ pháp của các vua triều Nguyễn

Công việc hộ pháp của các vua triều Nguyễn

178
0

Tuân theo truyền thống của tổ tiên, các vua Nguyễn đều sùng mộ Phật giáo. Dưới các triều vua đều phát tâm xây dựng chùa tháp, tạo tượng đúc chuông, tổ chức các pháp hội đàn tràng khắp nước. Chúng tôi chỉ giới thiệu sơ lược một số công việc hộ pháp dưới thời Nguyễn như sau:


1. GIA LONG (1802 – 1820)

– Năm 1814, trùng tu Quốc tự Thiên Mụ, vua cho thỉnh Hòa thượng Tổ Ấn – Mật Hoằng (1753 – 1825) về giữ chức trú trì Thiên Mụ, Quốc Ân. Ngài là đệ tử của thiền sư Phật Ý Linh Nhạc, đời thứ 36 theo dòng kệ Lâm Tế do Tổ sư Nguyên Thiều truyền vào Nam Hà. Hòa thượng Mật Hoằng nguyên quán làng Phù Cát, Bình Định sau vào Nam xuất gia tại chùa Đại Giác, Biên Hòa. Năm 1820, ngài trở về Bình Định trùng tu tổ đình Thập Tháp Di Đà ở thôn Thuận Chánh, huyện Tuy Viễn. Năm 1822 ngài ra kinh đô Huế trùng tu tổ đình Quốc Ân.

– Năm 1808, Hoàng thái hậu Hiếu Khương trùng tu tổ đình Báo Quốc, đổi thành Thiên Thọ tự, cung thỉnh hòa thượng Đạo Minh-Phổ Tịnh (? – 1816) trú trì. Hòa thượng Đạo Minh Phổ Tịnh nguyên quán Duy Xuyên, Quảng Nam; năm 1815, ngài khai đại giới đàn tại chùa Báo Quốc quy tụ rất đông giới tử cầu pháp.

– Năm 1817, vua Gia Long triệu hòa thượng Tổ Thành – Liễu Đạt (hòa thượng Liên Hoa) từ miền Nam ra kinh đô Huế giảng Phật pháp cho hoàng gia. Năm 1823, ngài xin trở về Nam, trú trì tổ đình Từ Ân. Ngài viên tịch khoảng 1823, long vị thờ tại tổ đình Từ Ân ghi: “Sắc tứ Từ Ân tự đường thượng, tam thập ngũ thế, húy Tổ Thành thượng Liễu hạ Đạt thiền sư giac  linh chi vị”.

– Năm 1815, Hoàng hậu Thừa Thiên ban tiền trùng tu chùa Kim Chương ở Gia Định và đổi tên thành Thiên Trường tự.

Chùa Thiên Mụ (Huế)

2. MINH MẠNG (1820 – 1840)

– Sau khi hòa thượng Tổ Thành – Liễu Đạt về Nam, vua Minh Mạng triệu hòa thượng Tế Chánh-Bổn Giác (đệ tử ngài Liễu Đạt) ở Gia Định ra giữ chức Tăng cang Thiên Mụ. Ngài cùng đại sư Huệ Giác xin vua đại trùng tu chùa Quốc Ân. Ngài viên tịch năm 1851, tháp táng tại chùa Quốc Ân. Long vị ngài thờ tại chùa Quốc Ân và Từ Ân (Gia Định) ghi: “Tứ y bát thiền trượng Thiên Mụ tăng cang, trùng tu Quốc Ân tự tổ đình, đệ tam thập lục thế, húy Tế Chánh Bổn Giác giác linh”.

– Vua Minh Mạng còn cho lập các Quốc tự sau: Thánh Duyên tại núi Túy Vân (1837), Linh Hựu trong kinh thành (1830), Giác Hoàng trong kinh thành (1839), Cung cử hòa thượng Tánh Thiên-Nhứt Định làm Tăng cang Quốc tự Giác Hoàng kiêm trú trì Linh Hựu,

– Quốc tự Tam Thai ở tỉnh Quảng Nam (1825), Khải Tường ở Gia Định (1832).

Chùa Khải Tường (Pagode Barbé) là một ngôi cổ tự, trước đây tọa lạc trên một gò cao tại ấp Tân Lộc, thuộc Gia Định xưa; nay ở khoảng khu vực Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, số 28, Võ Văn Tần, Quận 3, chùa đã bị phá hủy năm 1880 dưới thời Pháp thuộc.(Ảnh chùa Khải Tường do Emile Gsell chụp trong khoảng năm 1871-1874)

– Suốt hai trào Gia Long, Minh Mạng có bà hoàng cô (chị ruột vua Gia Long, cô của vua Minh Mạng) tức Long Thành công chúa Nguyễn Thị Ngọc Tú, pháp danh Tế Minh, đệ tử quy y của hòa thượng Tổ thành Liễu Đạt. Bà hết lòng ủng hộ Phật pháp, đặc biệt đối với hai ngôi tổ đình Từ Ân (Gia Định) và Quốc Ân (Thuận Hóa). Bà qua đời năm 1825, hiện nay tại hai ngôi chùa trên vẫn thờ long vị bà, ghi rõ: “Thích môn hộ giáo hoàng cô, thọ Bồ tát giới, pháp danh Tế Minh, hiệu Thiên Nhựt chi vị”.

Chùa Quốc Ân (Huế)

3. THIỆU TRỊ (1841 – 1847)

– Vua theo ý chỉ của tiên đế Minh Mạng, xây tháp Từ Nhơn, sau đổi thành Phước Duyên bảo tháp để cầu nguyện tuổi thọ cho Thái hoàng thái hậu Thuận Thiên. Năm 1844, vua cho xây Quốc tự Diệu Đế. Vua theo chủ trương của tiên đế, muốn “dĩ Phật tải Nho”, thông qua đạo Phật để phổ biến Nho giáo cho quần chúng, “khuyên người làm thiện tất chẳng hại gì cho vương đạo”.

Chùa Diệu Đế toạ lạc bên bờ sông Hộ Thành, người Huế gọi là sông Gia Hội, hoặc sông Đông Ba, nay là số 100B đường Bạch Đằng, gần cầu Gia Hội. Chùa Diệu Đế có một vị trí quan trọng trong lịch sử Phật giáo ở Huế.

– Ban tiền trùng tu chùa Hoằng Ân (Hà Nội), chùa Trấn Quốc (Hà Nội), chùa Cổ Am (Ninh Bình).

Thời Thiệu Trị, từ Bắc chí Nam chùa chiền được trùng tu xây dựng rất nhiều. Đặc biệt, như chùa Báo Ân ở Hà Nội được Tổng đốc Nguyễn Đăng Giai xây dựng hết sức quy mô.

Chùa Báo Ân là một ngôi chùa lớn và độc đáo từng tồn tại ở Hà Nội trong khoảng 5 thập niên của thế kỷ 19. Chùa khánh thành vào khoảng năm 1842, do Tổng đốc Hà Nội là Nguyễn Đăng Giai đã quyên tiền dân xây dựng trên khu đất gần 100 mẫu ở bờ Đông hồ Gươm. Mặt trước chùa quay ra sông Hồng, mặt sau dựa vào hồ. (Ảnh tư liệu do bác sĩ Hocquard thực hiện năm 1884).Chùa bị thiệt hại nhiều khi Tây đánh chiếm Hà Nội, đến năm 1892 khi Pháp cho đắp đường phía đông hồ Gươm thì chùa bị triệt hạ để xây Bưu điện Hà Nội.

4. TỰ ĐỨC (1848 – 1883)

Giai đoạn này triều đình đang đối đầu với cuộc chiến xâm lược của thực dân Pháp. Tại kinh đô Huế xảy ra sự biến “loạn chày vôi” do anh em Đoàn Trưng chủ xướng, có sư Nguyễn Văn Quý trụ trì chùa Thiên Phước tham dự nhằm lật đổ vua Tự Đức (1866). Từ đó, vua sanh ác cảm với chùa chiền, cao tăng và buộc một số tăng sĩ phải hoàn tục.

Hòa thượng Tế Giác – Quảng Châu, tức Tiên Giác – Hải Tịnh (1788 – 1875) tăng cang Thiên Mụ, trú trì Quốc tự Giác Hoàng. Năm 1867, quân Pháp chiếm Nam kỳ, triệt phá chùa chiền, hòa thượng xin từ nhiệm trở về tổ đình Giác Lâm (Gia Định), lo chấn chỉnh tăng đoàn, bí mật ủng hộ phong trào yêu nước. Ngài đặc biệt xiển dương pháp môn ứng phú để giúp quần chúng giữ vững đức tin, cố kết lòng người chờ thời cơ giành lại chủ quyền đất nước.

Hoàng thái hậu Từ Dũ cho xây dựng chùa Từ Ân ở kinh đô Huế để kỷ niệm sau ngày miền Nam bị thực dân Pháp chiếm. Bà hết lòng vận động vua Tự Đức bớt đàn áp tăng đồ vì nghi ngờ liên can sự biến “loạn chày vôi”.

Sau ngày Tự Đức băng hà (1883), Việt Nam hoàn toàn mất độc lập, triều Nguyễn bị đặt dưới sự bảo hộ của thực dân Pháp qua các trào Hiệp Hòa (1883), Kiến Phước (1883 – 1884), Hàm Nghi (1884 – 1885), Đồng Khánh (1886-1888), Thành Thái (1889 – 1907), Duy Tân (1907 – 1916), Khải Định (1916 – 1925), Bảo Đại (1926 – 1945), chùa chiền ở kinh đô lần lượt bị triệt phá (Giác Hoàng, Linh Hựu, Kim Sơn, Long Quang) vì triều đình không đủ ngân sách duy trì. Mặt khác, Phật giáo còn bị đàn áp qua các cuộc nổi dậy của các tăng sĩ như Võ Trứ (Phú Yên), Trần Cao Vân (Huế).

An Nam Phật Học Hội được Vua Bảo Đại bảo trợ với danh nghĩa là Chánh Hội Trưởng Danh Dự. Trong ảnh: Giấy chứng nhận Hội viên của An Nam Phật Học Hội ngày 19-9-1937

Năm 1932, hòa thượng Giác Tiên và cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám vận động thành lập hội An nam Phật học ở Trung kỳ đã được hoàng gia hết lòng ủng hộ; góp phần rất lớn trong việc bảo tồn văn hóa truyền thống, nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, mở mang dân trí, truyền bá lý tưởng dân chủ tự do.

T.Đ.S

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here