Học rộng, nghiên cứu nhiều là tìm hiểu, lãnh hội, mổ xẻ vấn đề cho đến nơi đến chốn. Nó thuộc về văn huệ trong văn-tư-tu của nhà Phật. Một học sinh, sinh viên muốn đỗ đạt cao phải siêng năng, chăm chỉ, kiên trì, bền bỉ học rồi ôn tới, ôn lui, sau dùng ý thức để xem xét việc học của mình, nhờ vậy mới thanh đạt trong tương lai. Cũng vậy, người học đạo giác ngộ, giải thoát trên cầu thành Phật, dưới cứu độ chúng sinh không thể lơ là trong việc học rộng, nghiên cứu nhiều. Nó phải được song hành với văn-tư-tu mới giúp cho chúng ta thành tựu viên mãn.
Trong sự nghiệp xây dựng hiện đại hoá đất nước ngày nay, xã hội ta ngày một phát triển và tiến bộ nhanh, cùng với đó là sự hiểu biết, trình độ học rộng, nghiên cứu nhiều là điều không thể thiếu của mỗi người. Học là hoạt động tiếp thu những tri thức của nhân loại đã được đúc kết qua mấy ngàn năm lịch sử. Chúng ta có thể học ở trường qua sự truyền thụ của thầy cô, học ở bạn bè, tự học ở sách vở và thực tế cuộc sống. Học rộng, nghiên cứu nhiều để nâng cao trình độ hiểu biết của bản thân. Ví như một bác sĩ đem những kiến thức tiếp thu được trong suốt quá trình đào tạo 6,7 năm ở trường đại học để vận dụng vào việc chữa bệnh cho mọi người; những kiến trúc sư, kĩ sư xây dựng đem kiến thức đã học để thiết kế và thi công nhiều công trình như nhà máy, bệnh viện, trường học, công viên để phục vụ đời sống con người.
Mục đích cuối cùng của sự học rộng, nghiên cứu nhiều là nhằm phục vụ cho mọi công việc đạt hiệu quả cao hơn. Nếu chỉ học lí thuyết thì dù cao siêu đến đâu chằng nữa mà không đem ra vận dụng vào thực tế thì việc học ấy chỉ tốn thời gian, công sức, tiền bạc vô ích mà thôi vì chẳng giúp gì cho ai; bởi trong công việc, cái người ta cần, người ta quan tâm hàng đầu là sản phẩm, thành quả lao động, chứ không phải là hiểu biết trên lí thuyết. Một khi không đạt chỉ tiêu đó thì dẫu cho có học rộng, nghiên cứu nhiều đến đâu thì cũng chỉ bằng thừa vô ích; như một học sinh học tập rất tốt, điểm môn công dân luôn cao, vậy mà khi thấy một bà lão ăn xin té ngã bên đường, không những chú không giúp đỡ mà ngược lại còn tỏ thái độ khinh thường, ghê tởm bà ấy. Ví dụ này đã phần nào cho ta thấy những tác hại của việc học rộng, nghiên cứu nhiều mà chẳng giúp một ai. Ngược lại, nếu chúng ta đem sự hiểu biết của mình ra để giúp người, cứu vật thì lợi ích biết bao.
Là học sinh trong thời gian học ở nhà trường, việc chăm chỉ học tập tốt, nghiên cứu sâu rộng là một điều khó. Kiến thức cần học phải bao gồm cả văn hoá, chữ nghĩa và kinh nghiệm cuộc sống để nâng cao trình độ kiến thức về mọi mặt và để có cơ hội phục vụ gia đình và đóng góp thiết thực cho xã hội; như vậy cũng đủ thấy sự học rộng, nghiên cứu nhiều quý giá và lợi ích đến chừng nào! Chính nhờ sự học rộng, nghiên cứu nhiều mà người Phật tử chân chính biết được những điều hay, lẽ phải và hiểu rõ chân lý cuộc đời, biết được đâu là chính, đâu là tà, đâu là phải, đâu là quấy, đâu là tốt, đâu là xấu và đâu là đúng, đâu là sai, đâu là con đường hướng thượng giúp ta đi suốt cuộc hành trình để thành tựu Phật pháp. Học rộng, nghiên cứu nhiều nghiễm nhiên trở thành kim chỉ nam để làm hành trang trên bước đường tu học của chúng ta, nó còn là tấm bản đồ, là hành trang cần thiết cho mọi lãnh vực trong cuộc sống. Do đó, chúng ta cần phải trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ của mình bằng cách học rộng, nghe nhiều, hầu đem lại những thành công tốt đẹp trong hiện tại và mai sau.
Minh Không (gởi bài)