Trang chủ Phật giáo với Tuổi trẻ Em có một giấc mơ

Em có một giấc mơ

131
0

Đây là mẩu chuyện thứ nhất về các loài sâu và sư chú Thạch Lang. Các em có biết sâu là loài gì không? Tiếng Anh gọi là catipillar, tức là loài sâu bọ. Con sâu có tấm thân nho nhỏ, mình mẩy hơi dài, tròn như chiếc đũa và có nhiều chân. Sâu có nhiều loại đủ cả màu sắc. Có loài sâu mang trên mình chiếc áo có nhiều sợi lông tua tủa như sâu khế chẳng hạn.

Chuyện này xảy ra ở cánh rừng trong tu viện Rừng Phong. Năm đó không biết vì lý do gì mà loài sâu sinh ra nhiều lắm. Có thể nói tới hàng triệu, hàng chục triệu con sâu sinh sống khắp nơi. Sư chú Thạch Lang đi đâu cũng thấy sâu. Sâu ở nơi vỏ cây, thân cây, cành cây và nơi từng chiếc lá. Rừng ở nơi đây có nhiều loại cây lắm. Đó là cây phong, sồi, dâu, thông và hạt dẻ. Mấy con sâu này thích ăn lá phong xanh non. Có lẽ lá phong vừa dòn vừa ngọt. Các em có biết hay không? Ở xứ này, người ta làm si rô ngọt bằng lá phong. Họ gọi là “maple syrup”. Nước này long lỏng nhưng ngọt lịm như mật ong. Người bản xứ thường ưa ăn với bánh pancake vào buổi sáng.

Sư chú Thạch Lang cảm thấy xót thương cho mảnh rừng quá đi, bởi vì nó bị loài sâu ăn gần hết lá. Cành nào cũng trở nên xơ lơ, xác lác, trụi lụi hết trơn. Thế mà, mấy con sâu này vẫn tiếp tục muốn ăn các chiếc lá đang còn non mơn mởn trên cành cao. Đa số các con sâu này nghĩ rằng lá ở trên cành cao mới ngon và ngọt hơn. Bọn sâu chỉ ăn qua loa vài miếng lá gần đó, rồi bò lên cao tìm chiếc lá xanh non. Chúng tranh giành nhau tha hồ leo lên cao. Con sâu có những cái chân ngắn ngủi, do đó nó phải bò từ từ. Bọn sâu bò ngày rồi lại bò đêm, bò qua, bò lại, bò lên cả mình mẩy của nhau. Có nhiều con sâu không cẩn thận bị trượt chân rơi xuống đất tan thân mất mạng. Có những con sâu leo lên tới tận đọt cây, bởi thế chúng bị các con chim bắt mất. Tu viện Rừng Phong có thật nhiều loại chim đủ các màu sắc, và sáng nào mấy con chim cũng đua nhau hót vang động cả cánh rừng. Thạch Lang cảm thấy hạnh phúc mỗi khi nghe chim hót, nhưng chỉ tội nghiệp cho con sâu non ở trên cành, bởi vì các con chim này rất ưa ăn sâu xanh. Chim có thể ăn tất cả các loài sâu nhưng sâu xanh không có lông nên chim thích lắm. Vì muốn leo lên cao, vì ham ăn lá non, cho nên đa số loài sâu bị chim tha mất, bị rơi xuống đất, bị xe cán, bị thương tích, bị nắng thiêu đốt. Bởi thế, có hàng triệu con sâu nằm chết ngổn ngang trên mọi nẻo đường tu viện và khắp nơi trong cánh rừng. Cảnh tượng này sao mà tội nghiệp quá! Mỗi ngày, Thạch Lang đều thực tập thiền hành thường xuyên, do đó sư chú mới chứng kiến cảnh tượng này. Sư chú Thạch Lang cảm thấy xót thương cho các con sâu này lắm. Chẳng biết làm gì hơn, Sư chú cầu nguyện cho chúng nằm chết bình an mà đừng có thương đau quá.

Có một số con sâu không phải là ít biết rõ tình trạng đau thương của chủng loại nên chúng không leo lên cao. Chúng biết sống đủ và hạnh phúc với những chiếc lá đang có mặt chung quanh. Các con sâu này thấy các bạn mình bị loài chim tha hồ lùng bắt nên chúng biết nấp ở nơi vỏ cây, cành cây và kẽ hở. Chúng biết ẩn náu trong các tờ lá kín đáo. Chúng lại có khả năng biến đổi màu sắc để hòa mình với màu lá và màu của thân cây, do vậy chim chóc không thể thấy được. Các em ạ! Như thế, loài sâu cũng có sự thông minh. Có phải không các em?

Một hôm, các con sâu còn sống sót nhìn lên bầu trời và thấy một con chim đại bàng đang bay luợn thảnh thơi cao vút thì tất cả bọn sâu đều mơ làm sao có thể trở thành chim đại bàng để bay lượn một cách tự do. Chúng cảm thấy tù túng với mấy cái chân ngắn ngủi này quá! Nhưng, làm sao sâu bọ có thể biến thành chim đại bàng được? Không khéo, lỡ con chim kia thấy chúng mình thì nguy to, có thể mất mạng nữa là khác. Nghĩ tới đây, các con sâu cảm giác có một nỗi sợ hãi đến rùng mình! Chúng tiếp tục an thân ẩn nấp nơi chỗ mình đang ở. Chúng chấp nhận ăn mấy chiếc lá gần bên để sau khi ăn no, chúng liền chui vào kẽ hở của thân cây.

Một hôm khác, chúng thấy nhiều bươm bướm đủ các màu sắc xinh đẹp làm sao, xuất hiện từ nơi nao, bay lượn thoải mái, thong dong trên các đọt lá, cành cây. Chúng ước mơ sao có thể trở thành bươm bướm. Có một số con sâu ham quá nên bắt đầu bò lên cao mong biến thành bươm bướm. Lại một lần nữa, bọn sâu bị các con chim rình bắt, một số rơi xuống đất tan thân, một số bị thương nặng. Đáng thương quá! Cuối mùa hè ấy, số lượng loài sâu còn sống sót không được là bao. Có một số con sâu có trí tuệ. Tuy rất mong muốn trở thành bươm bướm, nhưng vì thấy các bạn mình bị loài chim lùng bắt gần sạch, cho nên chúng nằm yên tĩnh nơi vỏ cây, chỗ kín. Các con sâu này nghĩ rằng sống mà không có giấc mơ thì chán lắm, nhưng có giấc mơ không thể nào thành tựu được. Sâu mà trở thành chim đại bàng thì giấc mơ ấy không tưởng, không thực tế. Đành rằng trở thành bươm bướm thì thật là vui đấy, nhưng làm sao leo lên cao mà có thể trở thành bươm bướm được? Hơn nữa, các con chim ác nghiệt kia đang rình bắt loài sâu bọ. Thấy như thế, các con sâu này chịu sống ẩn dật và an phận. Nhờ vậy, các con sâu này mới có thể sống sót trọn mùa xuân cho đến cuối mùa hạ. Cuối cùng, chúng biết tạo thành những cái kén thật đẹp, thật kín, thật chắc, và nằm yên trong đó để lắng nghe tiếng thổn thức của đời mình và chủng loại. Khi mùa thu tới thì các sư chú không còn thấy một con sâu nào nữa cả, bởi vì tất cả các con sâu đang nằm yên trong chiếc kén. Thạch Lang tìm thấy những chiếc kén (cocoon) có mặt khắp nơi dưới mái nhà trà, ngoài cửa sổ, nơi vỏ cây, nơi ngọn lá, trên cành cao.

Lạ thay! Nhờ nằm yên mà phép lạ xuất hiện. Đến mùa xuân năm sau các con sâu nằm trong chiếc kén cảm thấy thân mình nẩy nở, chuyển động lạ thường. Từ tấm thân mềm mại biến thành cái thân cứng cỏi, có hai chiếc cánh mỏng manh, hai sợi râu dài cong cong và mấy cái chân thon cứng cỏi. Đợi đến lúc trời trong, nắng ấm, các con sâu này vươn vai một cái là tung ra khỏi chiếc kén và tự nhiên trở thành những con bươm bướm đủ màu sắc rực sỡ bay chơi thoải mái như loài bướm năm trước. Thì ra, bản chất của sâu là bướm. Loài bướm năm kia là tiền thân của loài sâu, đã gởi xuống thân cây hàng triệu cái trứng để nở thành loài sâu bọ với cái thân mềm mại, mong manh này. Thế là, nguồn gốc của sâu bọ là bươm bướm, có đôi cánh mỹ miều, có thể lướt gió vén mây bay chơi thảnh thơi khắp bốn phương trời.

Em là bướm trắng

Sâu đã từng là bướm, bởi thế sâu không cần ước mơ trở thành bướm làm gì. Cũng giống như đợt sóng là nước trong đại dương bao la thì đợt sóng ấy đâu cần trở thành đại dương nữa. Có phải như thế không các em? Sâu chỉ cần biết sống hết lòng đời sống của mình, biết ăn những ngọn lá cạnh bên tổ mà không cần leo lên cao hoặc qua cây khác tìm lá xanh hơn. Bởi vì, lá nào cũng ngon cũng ngọt như nhau. Sống như thế, con sâu tránh thoát được thảm họa của sự lùng bắt của các loài chim. Con sâu nên tập hạnh kiên nhẫn để sống hạnh phúc và an vui ngay trong giây phút hiện tại. Thì tự động, đến đầu mùa thu, con sâu biết làm ra cái kén để luyện mình trong suốt mùa đông. Và mùa xuân năm sau, con sâu chắc chắn sẽ biến thành bươm bướm với đôi cánh mỏng manh mà xinh đẹp, có thể bay lên cao vút tận trời xanh.

Các em ạ! Ta cũng vậy. Đừng nghĩ rằng lá cây bên kia đồi mới ngọt, mới ngon. Không đâu các em ạ! Hạnh phúc không nằm ở bên kia đồi núi. Hạnh phúc là biết sống sâu sắc ở ngay nơi đây. Hạnh phúc không phải là trở thành cái này hoặc cái nọ. Hạnh phúc là biết thở, biết cười, biết tiếp xúc với cái đẹp trong sự sống như ngắm bông hoa trà mi vừa chớm nở, biết nghe tiếng gió vi vu, biết nhìn mây trắng bay. Bên cạnh đó, từ ngàn đời, ta đã có đầy đủ tất cả tài năng, thông minh, thương yêu, hiểu biết trong tự thân. Ta có một kho tàng hiểu biết và thương yêu. Ta hãy kiên nhẫn và từ từ khám phá ra bản chất của ta là một con người toàn vẹn. Ta có khả năng sống tự do, thảnh thơi và độ lượng không thua gì không gian mênh mông kia. Ta có chất liệu từ bi như vị một bồ tát. Nếu thực tập sâu sắc, ta có thể thành tựu được giải thoát như một vị Bụt. Chúc các em có một ngày tuyệt đẹp và vui tươi.

T.L

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here