Trang chủ Vấn đề hôm nay Thực thi công lý phải có nhân văn

Thực thi công lý phải có nhân văn

155
0

BBT: Về vụ án “công an dùng nhục hình đánh chết phạm nhân (anh Ngô Thanh Kiều)” ở Tuy Hòa, chiều ngày 3/4, TAND thành phố Tuy Hòa đã tuyên án và xem như đã giải quyết xong, tuy nhiên dư luận thì sẽ vẫn còn. BBT lieuquanhue.vn giới thiệu bài viết của Tô Hương Lan (trên Facebook Hương Tô Lan) dưới một góc nhìn nhân văn nhân đạo rất cần có trong xã hội hiện đại nầy.

————————————–

Toà đã tuyên, án đã có, vụ án này coi như đã an bài. Nhưng trong ký ức những đứa con của người đàn ông đã bị đánh chết sẽ hằn sâu mãi mãi nỗi oán hận với những kẻ đã giết chết cha chúng. Có thể chúng sẽ lớn lên, với niềm tin đã mất đi mãi mãi vào công lý. Chúng tôi không mong bản án nặng hơn với những bị cáo trong vụ án này; mình cũng không muốn anh nạn nhân Kiều phải chết. Vì sau lưng họ đều có những đứa trẻ. Những đứa trẻ sẽ sống ra sao, khi mà trong lòng chúng, đứa thì oán hận, đứa thì xấu hổ, bẽ bàng sau những chuyện đã xảy ra với cha mình.

Chúng tôi dài dòng 1 tí, nhưng cái dạo chúng tôi phải lê la đến hết trại giam này đến trại giam khác viết bài, mình đã gặp những anh công an, những cán bộ quản giáo mà sự tử tế và lòng nhân ái của họ đã cứu được nhiều cuộc đời.

Chú Ghi ở trại giam Ba Sao – Hà Nam đã nhận một tù nhân làm con nuôi. Huy – cậu con trai nuôi ấy có một ông bố nghiện ngập. 17t, Huy và mẹ bị bắt vì mang theo 50 tép heroin trong người. Huy nhận hết tội về mình để mẹ thoát án. Lúc Huy ở tù, bố mất, mẹ bỏ đi không tăm tích. Cậu bé 18t vừa tuyệt vọng về tương lai, vừa đau đớn vì bị mẹ bỏ rơi. Chú Ghi khi ấy phụ trách đội tù của Huy lúc nào cũng để ý đến cậu hơn cả. Chú bảo với mình không hiểu sao chú cứ thấy thương Huy như con trai. Thế là ngày ngày chú thủ thỉ trò chuyện an ủi Huy, tiếp tế đồ ăn cho Huy, chăm sóc Huy, nhận Huy làm con nuôi. Ngày Huy ra tù, chú Ghi dắt Huy đi xin việc khắp nơi, lấy lý lịch của chính mình để bảo lãnh cho lý lịch tù tội của Huy.

Sau này chúng tôi gặp Huy ở HN. Chàng trai ấy đã thành một người đàn ông chững chạc, làm quản đốc ở một xí nghiệp, có thu nhập cao, vợ làm giáo viên. Mọi việc to, việc nhỏ trong nhà chú Ghi, Huy đều gánh vác như người con trai lớn, tử tế, đàng hoàng. Và không có vết tích u tối nào trên gương mặt đó nữa, chỉ có sự yêu thương và biết ơn với người cha nuôi trong câu chuyện Huy kể với mình… 

Lần khác mình đến trại giam Thủ Đức Z30D , cứ mãi xúc động khi nghe chuyện về anh Hồ Thanh Đình – giám thị trại giam (khi mình đến, anh đã là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục 8). 

Ở Z30D có anh phạm nhân người Huế tên là Châu Phú, từng là sinh viên văn khoa. Vì cần tiền, trong một phút nông nổi, Châu Phú cùng người bạn đã giết người dì ruột ở Sài Gòn để cướp mấy cây vàng. Người bạn đó bị tử hình, Châu Phú bị chung thân. Cả hai đều không kháng cáo, vì họ quá hối hận với tội lỗi mình gây ra.

Châu Phú đi tù, để lại một người mẹ già chết đứng chết ngồi, để lại một cô người yêu cùng trường sư phạm xinh đẹp vẫn chưa hết bàng hoàng khi biết người yêu mình là kẻ sát nhân. Nhưng cô gái đó ko bỏ rơi Châu Phú. Cô gái ấy đi thăm nuôi Châu Phú trong tù, thay anh chăm sóc mẹ già ở Huế và hứa sẽ chờ đợi anh. Gần 10 năm đằng đẵng như thế, tình yêu của cô khiến Châu Phú vừa hạnh phúc, vừa thấy tội lỗi. Vì muốn được ở bên người yêu, Châu Phú đã nghĩ đến chuyện trốn trại. 

Cơ hội đó đến trong 1 lần cùng các phạm nhân đi lao động trong rừng bạch đàn của trại. Rừng cháy, cán bộ và phạm nhân đều hoảng loạn. Có phạm nhân sợ quá lao vào giữa đám cháy rồi ngất lịm vì ngạt khói. Nhưng khi đó, ông giám thị Hồ Thanh Đình xuất hiện, cùng những người khác lao vào giữa đám cháy ngùn ngụt để cứu nạn nhân đến nỗi chân tay bị bỏng hết cả. Đám cháy vẫn ngày một to, và vẫn còn 1 phạm nhân đang mắc kẹt trong đó. Không một quản giáo nào dám lao vào nữa vì quá nguy hiểm, ngoài ông giám thị Z30D. Có người ngăn ông Hồ Thanh Đình lại. Nhưng ông nói phạm nhân cũng là người, cũng phải cứu, và ông là người có trách nhiệm cao nhất về mạng sống của họ. 

Châu Phú từng là sinh viên văn khoa, yêu cái đẹp và biết rung động với cái đẹp. Câu nói của ông giám thị đã khiến Châu Phú thấy hổ thẹn vì ý nghĩ xấu xa của mình. Và Châu Phú đã bất chấp nguy hiểm, cùng với ông Hồ Thanh Đình lao vào đám cháy, tìm và cứu được người phạm nhân còn lại bị mắc kẹt trong đó. Khi cứu được người ra, cả ông Hồ Thanh Đình và Châu Phú đều ngất xỉu.

Sau này, Châu Phú thú nhận chuyện đó với ông giám thị. Nhưng ông không truy cứu Châu Phú. Ông còn tạo điều kiện cho Châu Phú gặp gỡ người yêu. Rồi chính ông đã đứng ra tổ chức đám cưới cho Châu Phú. Đám cưới đó, chú rể ở trại giam nhận lời chúc phúc của cán bộ và phạm nhân Z30D. Cô dâu một thân một mình từ Đà Lạt ra Huế làm dâu. Đêm tân hôn, cô dâu ôm mẹ chồng nằm khóc.

Nhưng họ đã vượt qua tất cả, để đến ngày đoàn tụ hạnh phúc. Ngày đó có thể sẽ không bao giờ trọn vẹn như thế, nếu như Châu Phú trốn trại vào cái ngày hôm đám cháy xảy ra. Vì nếu trốn thoát, Châu Phú sẽ phải sống một cuộc đời nơm nớp lo sợ vì bị truy đuổi, hoặc sẽ bị bắt trở lại và chết rục trong trại giam với án tù không số. Sự nhân ái của ông giám thị Z30D đã cứu Châu Phú khỏi bi kịch đó.

Những người công an như chú Ghi, như ông Hồ Thanh Đình, là những người mặc sắc phục mà mình thực sự ngưỡng mộ, vì cái cách họ đã thực thi công lý một cách nhân văn nhất. Gieo yêu thương để nhận lại yêu thương và quả ngọt. Đòn roi là thứ ngớ ngẩn nhất để khuất phục một con người. Giá mà mấy anh công an Tuy Hoà trong vụ án này hiểu được điều đó.

T.H.L

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here