Trang chủ Phật học Tính thiết yếu của giới luật

Tính thiết yếu của giới luật

141
0

Đạo Phật sở dĩ được quảng bá và truyền thừa lâu dài trên thế gian này, thật ra không chỉ vì tự nó chứa đựng một kho tàng đồ sộ: giáo lý cao thâm-văn học luận lý như nhiều người thường nhận định, mà điều tiên quyết và thiết yếu chính là Giới luật.

Chính nhờ Vinayà-Pitaka này, hành nhân làm nền tảng cho bất kỳ tiến trình thánh thiện hoá tư duy: tu tập thiền định, trí tuệ nào. Thế mới biết tại sao đức Thích Tôn đặc biệt chú trọng nhắc lại nhiều lần trong hơn 40 năm hoằng hoá lợi sinh của Ngài. Câu nói sấm sét lúc Phật sắp nhập Niết bàn hẳn khó phai mờ trong tiềm thức bao người con Phật: “Giới luật còn, Phật pháp còn; Giới luật mất, Phật pháp mất”.

Ngày nay, trong bối cảnh xã hội xao động, từng bước chuyển mình tương thích với sự phát triển và trỗi nhịp của văn minh thời đại, Phật giáo, một tôn giáo được xem là “chân lý thực tại”, phải làm gì để minh định bản sắc và giá trị đích thực của chính nó? Đây là việc ưu tư nhất của các bậc cao tăng kỳ túc nói riêng, giới học Phật nói chung.

Trải qua nhiều thời kỳ, có nhiều vấn đề được đưa ra bàn thảo, nhưng, Giới luật vẫn là tiên đề. Vì sao như vậy? Vì rằng: nó có thể đem lại sự hưng hay phế cho cộng đồng Tăng chúng, quyết định cho sự tồn vong của Phật giáo. Vấn đề đặt ra không chỉ giải minh trên bình diện lý luận văn chương, mà thực sự chúng ta phải tư duy, xác quyết và trải nghiệm thế nào để mỗi thành viên Tăng trong từng tự viện, tịnh xá, tịnh thất…từng bước hoàn thiện nhân cách phẩm hạnh cho chính bản thân mình nhằm đem lại đời sống an lạc hiện tại, giải thoát tương lai.

Giới luật(Siksapada) nguyên nghĩa là sự điều phục, chế ngự…tất cả các pháp làm chướng ngại thánh đạo. Nói theo quan hệ khởi nguyên, nó là sự gắn liền với đời sống Tăng thân, phi điều này đều được xem là mất gốc cho dù chúng ta: “đường đường Tăng tướng, dung mạo khả quan”. Khi tham cứu hoặc hành trì Giới luật, chúng ta không nên nhận thức và kết luận một cách vội vàng rằng: nó tiêu cực hay tích cực, tiểu thừa hay đại thừa, bởi nó không thuộc phạm trù riêng biệt cho bất kỳ hệ thống tư tưởng nào của Phật giáo. Bản chất nó không mang đậm tính bắt buộc, mà là tiêu điểm cho sự tự nguyện của những ai học Phật muốn đi trên lộ trình: gạn lọc thân tâm, trau giồi nhân cách, hoàn thiện đạo hạnh chính mình. Dù chúng ta thuộc tông phái nào, hệ thống truyền thừa nào thì vấn đề trước tiên vẫn là trang nghiêm thân giáo cho chính mình bằng phương pháp hành trì Giới luật. Đừng bao giờ có ý niệm nhận định sai lầm khi chúng ta “KIẾN VĂN” một số điển tích, hành trạng dị biệt hoặc “NGHỊCH HẠNH” của các vị Bồ tát, Tổ sư, Thiền sư…rồi cho rằng: việc “kiến tánh ngộ đạo” không dính dáng gì đến Giới luật, mà chúng ta phải hiểu là các Ngài hành trì Giới luật đến độ không cần hành trì nữa. Mặc khác, Giới luật Phật giáo là Pháp điển đạo đức chuẩn mực cho Tăng nhân. Không nên xem nó như Pháp luật ở đời. Nói như Thượng toạ Nguyên Chứng:”Giới luật không đồng và không theo một mô típ nào như Pháp luật đời thường, tuy vậy, nó không chống trái mà thực sự đi sâu hơn, nó mang tính phổ quát được xuất phát từ đại bi và trí huệ”.

Khi khảo sát về tính hiện thực tương phù hoặc bất tương phù của từng giới trong 250 giới cho tỳ kheo, 348 giới cho tỳ kheo ni (đơn cử Luật Tứ Phần), chúng ta phải biết điều quan trọng là: Giới luật dĩ nhiên được xem như nấc thang cho muôn ngàn “thánh hạnh”, dù vậy, nó không phải định pháp, nghĩa là có thể thay đổi. Điểm này, trong thánh điển ghi rõ: đức Thích Tôn cho phép bỏ một số điều nhỏ nhặt sau khi Ngài niết bàn. Nhưng trên thực tế, lịch sử Phật giáo chưa ai bỏ đi điều gì dù là giới điều nhỏ nhặt. Hiện tại, chúng ta có thể hoặc không thể hành trì giới điều nào đó trong Giới luật, tuy nhiên tất cả đều có giá trị và ý nghĩa của nó.Tôi thật sự giật mình và tri ân khi nghe Thượng toạ Nguyên Chứng nói về ý nghĩa sâu xa của giới: không được cầm lông dê (…). Vì vậy, ngày nay cho dù có những Giới luật không còn thích ứng cho sự hành trì, nhưng mãi mãi nó vẫn còn giá trị biểu trưng, là thư tịch cho chúng ta y cứ tham khảo. Chính vì sự bảo lưu nó có tầm quan trọng như vậy, nên trải qua nhiều thời kỳ, Giới luật được hành trì trong nhiều tông môn Phật giáo tại nhiều quốc gia khác nhau vẫn giữ được bản nguyên của nó.

Là Tăng sĩ việc “thượng cầu hạ hoá”, đưa đạo Phật vào đời là hoài bão, song, việc dụng tâm giữ gìn phạm hạnh, không bị đồng hoá bởi thế tục là điều luôn luôn canh cánh bên lòng. Hai chữ “tuỳ duyên” được chúng ta thực hiện sao cho nó có ý nghĩa tích cực: “tuỳ thuận chúng sinh, dĩ văn tải đạo”, đừng để nó biểu thị theo nghĩa: “phan duyên trần cảnh, ô nhiễm thân tâm”.

Tôi hy vọng là một ngày không xa, một bộ đạo luật ra đời làm định chế cho sự sinh hoạt và tu học cho cộng đồng Tăng lữ đảm bảo 3 yếu tố quan trọng:

1. Giữ gìn tính chất truyền thống bản nguyên của Giới luật.

2. Phù hợp với đời sống tu tập của người Tăng sĩ trong thời hiện đại.

3. Hướng tới thánh thiện hoá thân tâm: an lạc hiện tại, giải thoát tương lai.

Ước nguyện chân thật như vậy có được xiển dương hay không chính là ở mỗi chúng ta.

Tự mình làm điều ác làm

Tự mình làm nhiễm ô.

Tự mình ác không làm

Tự mình làm thanh tịnh.

Tịnh không tịnh tự mình

Không ai thanh tịnh ai.

(Pháp cú 165)

Tất cả chỉ còn trông chờ vào sự tự giác của những người được xem là “Thừa Như lai sứ, hành Như lai sự”.

N.V

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here