Trang chủ Phật học Thực hành chánh niệm

Thực hành chánh niệm

146
0

Quan sát hơi thở cũng là phương tiện để hành chánh niệm. Khổ đau của chúng ta xuất phát từ vô minh. Chúng ta phản ứng vì chúng ta không biết chúng ta đang làm gì, vì chúng ta không biết thực tại của bản thân chúng ta.

Tâm dùng hầu hết thời giờ miệt mài trong những sự tưởng tượng và ảo tưởng, trở lại những kinh nghiệm vui buồn và mong đợi tương lai với sự háo hức hoặc sợ hãi. Trong khi mải miết trong những tham ái và sân hận như vậy chúng ta không biết những gì đang xảy ra trong hiện tại, những gì chúng ta đang làm trong hiện tại. Tuy thế chắc chắn sát sa này, hiện tại này, là quan trọng nhất đối với chúng ta. 

Chúng ta không thể sống trong quá khứ, nó đã qua rồi. Chúng ta cũng không thể sống trong tương lai, vì nó mãi mãi nằm ngoài tầm tay của chúng ta. Chúng ta chỉ có thể sống trong hiện tại.

Nếu chúng ta không biết về những hành vi hiện tại của chúng ta, chúng ta buộc phải lặp lại những lầm lỗi của quá khứ và có thể chẳng bao giờ thành công trong việc thực hiện những ước mơ tương lai. 

Nhưng nếu chúng ta có thể tu tập khả năng nhận biết trong sát na hiện tại, chúng ta có thể dùng quá khứ như một cố vấn cho việc sắp đặt trình tự hoạt động của chúng ta trong tương lai, nhờ vậy chúng ta có thể đạt đến cứu cánh.

Pháp (Dhamma) là đạo lộ của hiện tại (ngay ở đây và bây giờ) vì thế chúng ta phải phát triển khả năng nhận biết sát na hiện tại. Chúng ta cần phải có một phương pháp để tập trung sự chú tâm trên thực tại của chính chúng ta trong sát na này. Kỹ thuật niệm hơi thở (ãnãpãna sati) là pháp môn ấy. 

Thực hành kỹ thuật niệm hơi thở sẽ phát triển được sự chánh niệm về tự thân ngay trong hiện tại: ngay sát na này đang thở vào, ngay sát na này đang thở ra.

Nhờ thực hành niệm hơi thở, chúng ta trở nên ý thức rõ về sát na hiện tại.

Lý do khác để phát triển niệm hơi thở là chúng ta muốn kinh nghiệm thực tại tối hậu. Tập trung trên hơi thở có thể giúp chúng ta khám phá được những gì còn chưa biết về bản thân chúng ta, khiến cho những gì từng là vô thức trở thành ý thức. 

Nói chung, hơi thở đóng vai trò như một cây cầu nối giữa tâm ý thức và tâm vô thức, vì hơi thở vận hành cả trên phương diện ý thức lẫn vô thức. 

Chúng ta có thể quyết định thở theo một cách đặc biệt nào đó, để kiểm soát việc thở. Thậm chí chúng ta còn có thể ngưng thở trong một thời gian. Tuy vậy khi chúng ta ngừng (cố gắng) kiểm soát hơi thở, thì nó vẫn tiếp tục không cần nhắc bảo.

Chẳng hạn, chúng ta có thể bắt đầu bằng cách thở có chủ tâm, hơi nặng một chút, để gắn sự chú tâm dễ dàng hơn. Ngay khi việc niệm hơi thở trở nên rõ ràng và đều đặn, chúng ta để cho hơi thở diễn tiến một cách tự nhiên, hoặc nặng hoặc nhẹ, sâu hay không sâu, dài hay ngắn, nhanh hay chậm. 

Chúng ta không ra sức điều khiển hơi thở, mà chỉ cố gắng biết rõ nó. Nhờ duy trì nhiệm hơi thở tự nhiên chúng ta đã khởi sự quan sát cơ năng tự trị của thân, một hoạt động thường được xem là vô thức. 

Từ việc quan sát thực tại thô của hơi thở có chủ ý, chúng ta tiến đến việc quan sát thực tại vi tế hơn của hơi thở tự nhiên. Như vậy chúng ta đã bắt đầu vượt qua thực tại bề ngoài để đi vào lãnh vực niệm thực tại vi tế hơn.

Vẫn có một lý do khác khiến chúng tat u tập niệm hơi thở, là để thoát khỏi tham, sân và si, nhờ lần đầu tiên biết được chúng. Trong công việc này hơi thở sẽ giúp chúng ta, vì hơi thở đóng vai trò như một sự phản chiếu trạng thái tâm của chúng ta vậy. 

Khi tâm yên và vắng lặng, hơi thở sẽ đều đặn và nhẹ nhàng. Nhưng, bất cứ khi nào những tiêu cực phát sinh trong tâm, có thể là nóng giận, sợ hãi, hay tham dục, lúc đó hơi thở trở nên thô hơn, nặng hơn và nhanh hơn. 

Bằng cách này, hơi thở cảnh báo cho chúng ta biết trạng thái tâm lý của chúng ta và giúp chúng ta đối phó với nó.

Còn một lý do khác nữa cho việc thực hành niệm hơi thở. Vì mục đích của chúng ta là tiến đến một cái tâm không còn tiêu cực, nên chúng ta phải thận trọng để ý rằng mỗi bước của chúng ta hướng về mục đích đó phải là trong sạch và hiền thiện. Ngay cả trong giai đoạn đầu của việc tu tập định,
chúng ta cũng phải dùng một đối tượng của sự chú tâm được xem là thiện. 

Hơi thở là một đối tượng như vậy. Chúng ta không thể có tham hay sân đối với hơi thở được, và nó là một thực tại, hoàn toàn tách rời khỏi ảo giác hoặc ảo tưởng. Vì thế nó được xem là đối tượng thích hợp cho sự chú tâm.

Trong sát na khi mà tâm hoàn toàn tập trung trên hơi thở, nó thoát khỏi tham ái, thoát khỏi sân hận, và thoát khỏi si mê. Dù sát na thanh tịnh ấy có thể ngắn ngủi, song rất mãnh liệt, vì nó thách thức tất cả qui định quá khứ của con người. 

Tất cả những phản ứng tích cực đã bị khuấy động lên và bắt đầu xuất hiện như những chướng ngại tâm lý cũng như vật lý khác nhau, vốn cản trở nỗ lực phát triển chánh niệm của chúng ta. 

Có thể chúng ta cảm thấy nôn nóng muốn tiến bộ, một hình thức của tham ái; hoặc giả sân hận có thể phát sinh dưới hình thức của nóng nảy và chán nản vì sự tiến bộ dường như quá chậm. 

Có khi trạng thái uể oải xâm chiếm, và chúng ta ngủ gà ngủ gật ngay khi vừa mới ngồi xuống hành thiền. Đôi lúc chúng ta có thể bị kích động (trạo cử) đến độ đứng ngồi không yên hoặc tìm cách thoái thác để tránh hành thiền. Lắm lúc hoài nghi xói mòn dần ý chí thực hành – những hoài nghi vô lý, ám ảnh về người thầy, về lời dạy (giáo pháp), hoặc về chính khả năng hành thiền của chúng ta. 

Khi bất chợt đương đầu với những khó khăn này, chúng ta có thể nghĩ đến việc từ bỏ pháp hành hoàn toàn. Vào những lúc như vậy chúng ta hiểu rằng những chướng ngại (năm triền cái) này chỉ xuất hiện để phản kháng lại sự thành công của chúng ta trong việc hành niệm hơi thở mà thôi. 

Nếu chúng ta kiên trì chúng sẽ biến dần. Khi chúng mất đi, công việc thực hành sẽ trở nên dễ dàng hơn, vì ngay ở giai đoạn đầu của việc thực hành này, một số lớn tâm hành hay phản ứng (mental) condition-sankhãra) cũ đã bị quét sạch khỏi bề mặt của tâm. Theo cách này, ngay cả khi chúng ta hành niệm hơi thở, chúng ta cũng bắt đầu thanh lọc tâm và tiến đến giải thoát.

Pháp Thông (dịch)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here