Trang chủ Phật giáo khắp nơi An lạc giữa "trái tim Phật giáo"

An lạc giữa "trái tim Phật giáo"

180
0

Thánh địa linh thiêng của phật giáo, nơi hành hương của tăng ni, phật tử, là điểm đến để thân tâm an lạc dưới gốc cây bồ đề.

 

Bồ đề Đạo Tràng là Buddha Gaya hoặc thường được gọi là Bodh Gaya nằm ở phía tây của bờ sông Ni-liên-thuyền (Nairanjana) và ở phía Nam thành Gaya, nước Ma Kiệt Đà (Magadha) thời Ấn Độ cổ đại, nay là vùng ngoại ô Bodhgaya, cách thành phố Gaya khoảng 7 km về phía Nam thuộc bang Bihar, Ấn Độ. Từ một ngôi làng nhỏ Uruvela (Uruvella), nơi này trở thành một địa danh nổi tiếng cho sự thanh bình, trở về nội tâm và thức tỉnh.


 Xung quanh Bồ Đề Đạo Tràng có cả trăm ngôi chùa lớn nhỏ. Mỗi chùa mang một dáng vẻ riêng biệt theo văn hóa và kiến trúc của từng nơi nhưng đều hướng về thờ Phật. Đối với Phật giáo, Bodh Gaya là nơi quan trọng nhất trong cuộc đời của Phật Thích ca Mâu ni, còn 3 nơi khác đó là Kushinagar, Lumbini và Sarnath. Vào năm 2002, ngôi đền Mahabodhi (đại giác ngộ tự) ở Bodh Gaya đã trở thành Di sản thế giới.


Bồ đề Đạo tràng – trái tim phật giáo


Chúng tôi bắt chuyến tàu lúc 23h tại Howrah mang số hiệu 12938 hướng đến Gaya vào sáng sớm hôm sau. Từ ga Gaya về Bodhgaya chỉ khoảng 15 cây số, cách đi rẻ nhất là bằng auto ricksaw (xe lam 3 bánh) hay còn gọi là tuk tuk. Nhưng chúng tôi lại chọn cho mình chiếc xe 9 chỗ với giá 400Rp (tương đương 133.000 vnđ), xe lượn qua những con đường, những người thợ đang bận rộn làm bánh, chiếc bánh căng phồng trong chảo mỡ, đồ ăn cùng bánh thơm lừng mùi cà ri. Chúng tôi đến chùa Viên Giác xin ở nhờ và thật may mắn khi bữa sáng được anh đầu bếp người Ấn nấu nhưng lại là món chay Việt. Ngồi nói chuyện với sư thầy, thầy giới thiệu chúng tôi về Bodh Gaya, về ngôi chùa Viên Giác.

 

Chùa Viên Giác do một nhà sư người Đức xây dựng


Chúng tôi tản bộ đến Mahabodhi, cách Viên Giác vài trăm mét. Vào đền không mất phí, nhưng với mỗi chiếc máy ảnh mang vào bạn mất 100Rp và không được mang các thiết bị điện tử khác. Có lẽ, từ vụ đánh bom hồi tháng 7 mà an ninh ở đây được thiết chặt hơn, du khách phải qua các cổng kiểm tra an ninh. Giày dép phải gửi bên ngoài, đi chân trần, cảm nhận nền đá thô ráp dưới chân nhưng khá sạch sẽ. Thẳng từ cổng chính vào khoảng 50m, nhìn sang hướng bên phải, chúng ta nhìn được tổng thể kiến trúc ngôi đền nằm trước mặt với nền đất thấp hơn. Hoà chung dòng du khách, ở đây có tu sĩ lẫn cư sĩ và tín đồ khắp nơi trên thế giới với nhiều màu sắc của các tông phái Phật giáo.


Tháp Đại Giác hình vuông mỗi cạnh  20m chiều cao 51m. Tháp nhọn phía trên thờ xá lợi của Đức Phật được gọi là Mahabodhi Stupa còn phần phía dưới chánh điện gọi là Mahabodhi Temple. Đền Mahabodhi được xây bằng gạch và là một trong những cấu trúc gạch cổ xưa nhất còn tồn tại ở miền đông Ấn Độ. Nó được coi là công trình điển hình của kiến trúc gạch Ấn Độ, và đã có ảnh hưởng trong sự phát triển của kiến trúc truyền thống sau đó. Theo UNESCO, “ngôi đền hiện nay là một trong những cấu trúc sớm nhất và hùng vĩ nhất xây dựng hoàn toàn bằng gạch từ thời kỳ Gupta”.

 

 Ngôi đền Mahabodhi linh thiêng

 

Tháp trung tâm đền Mahabodhi được sửa chữa gần đây nhất vào thập niên cuối của thế kỷ XIX, do phái đoàn người Miến Điện của vua Kyanzitha phái sang, là kiến trúc phục dựng hoàn hảo theo mẫu  kiến trúc của tháp trong thế kỉ thứ 6. Cấu trúc chính được nổi bật nhờ vào vòm tháp và trên nền tháp chính có tháp nhỏ ở bốn góc, một bức hoạ hình tháp chính thu nhỏ. Các hốc tường tháp đều được chạm khắc hình Phật và các hình tượng Bồ-tát, thần linh theo truyền thống Đại thừa.Trong nhiều thế kỷ sau, Đại tháp Bồ Đề được xem như mẫu lý tưởng về kiến trúc chùa tháp Phật giáo cho các nước ngoài Ấn Độ. Hàng rào xung quanh bằng đá được chạm khắc những cảnh như Lakshmi, nữ thần Hindu của sự giàu có, được tắm bằng con voi, và Surya, thần mặt trời Ấn Độ giáo, cưỡi một chiếc xe ngựa kéo bởi bốn con ngựa, đền thờ di vật và garudas (đại bàng), hình ảnh của hoa sen cũng thường xuất hiện.

 

Pho tượng phật Thích Ca Mâu Ni bằng vàng ròng


Chúng tôi vào Đại tháp nguyện cầu an phúc cho gia đình. Vì nội điện chật hẹp lại có quá nhiều người chờ đợi nên ít khi nào chúng ta được ngồi lâu khấn nguyện và ngắm nhìn chân dung Đức Phật. Trong tháp, người ta khắc chạm hình tượng Đức Phật thành đạo, Ngài ngồi Kiết già trang nghiêm trong thế Xúc Địa ấn. Tượng phật Quan Thế Âm và Đức Phật Di Lặc mỗi tượng cao hơn 3m đặt trong hốc tường bên trái và bên phải cửa bên ngoài chánh điện. Bên trong chánh điện thờ một tượng lớn của Đức Phật Thích Ca bằng vàng.


Vừa ra tới cửa, cơn mưa ập tới, trong đền chính khá chật chội, mọi người lên ngôi nhà bên phải ngôi đền để trú mưa. Những ánh mắt cũng đổ về phía chúng tôi, có lẽ nét mặt, cách ăn mặc cũng khiến họ tò mò, nhưng tôi biết họ chỉ nhìn trộm vội một cách thân thiện. Chúng tôi làm quen với một gia đình trẻ nhưng họ không nói được tiếng anh nên cũng chỉ cười chào nhau rồi lặng lẽ nhìn những hạt mưa. Trong đám đông du khách, không chỉ những tiếng nói chuyện râm ran, tiếng mưa hoà với tiếng kinh tụng chú của các vị tu sĩ tay lần tràng hạt, cảm giác rất an nhiên.

 

Dấu chân Đức Phật được khắc trên đá đen có niên đại từ thế kỷ 3 trước công nguyên


Chúng tôi đi vòng ra sau toà tháp, cây Bồ đề linh thiêng toả bóng kín mặt phía tây quanh Đại tháp. Trời vừa mưa xong nên khách khá vắng, chúng tôi gặp sư cô Liên Nghiêm, người Việt theo thầy sang đây tu đã được gần 20 năm. Sư cô nhiệt tình giới thiệu với chúng tôi về cây Bồ đề và ý nghĩa của nó.


Sư cô giới thiệu chúng tôi đến một ngôi chùa của Sri Lanka cũng thờ Xá lợi phật. Vừa ra khỏi cổng, cơn mưa lại ập đến, chúng tôi lên xe sau cuộc ngã giá vội vàng, mưa táp tứ bề chiếc xe, những chiếc ô xoè vội ra để che xung quanh nhưng cũng chẳng thấp vào đâu với những cơn gió giật rồi lén dội mưa vào trong xe.

 

Trụ đá đánh dấu nơi Đức Phật đã trải qua tuần thứ năm trong thiền định 


Cơn mưa cũng dịu dần và ngớt hẳn khi chúng tôi đến cổng ngôi chùa Sri Lanka. Chủ trì ngôi chùa là một vị Man-tê còn khá trẻ, phong thái toát lên vẻ uy nghiêm những với nụ cười rất đỗi hiền lành. Khuôn viên chùa nhỏ với kiến trúc như nhà ở, mấy cây xoài cổ thụ có đến hàng trăm năm tuổi. Chúng tôi được ngắm nhìn, nguyện cầu trước Xá lợi và nghe những câu chuyện về Xá lợi Phật. Mưa tạnh hẳn, chúng tôi rời khỏi chùa với lòng hoan hỉ, lần đầu tiên được biết đến xá lợi, một trong những bảo vật của nhà phật. Quanh cảnh xung quanh đây cũng khá giống làng quê Nam bộ Việt Nam, những ngôi nhà thấp bé với những rặng cây thốt nốt. Trên đường về, chúng tôi qua cây cầu với những trụ cột được trang trí bằng những nét vẽ trẻ con, đáng yêu làm cho cảnh sắc nơi đây tươi tắn. Sư cô chỉ tay xuống dưới dòng sông cạn, bảo đây chính là dòng sông Ni-liên-thuyền huyền thoại.


Cuộc sống trên đất Phật


Sáng hôm sau, chúng tôi mới có dip ngồi ăn sáng và trò chuyện khá lâu với cả sư cô Trí Hân và sư thầy Hạnh Tuệ. Chúng tôi được nghe giới thiệu về ngôi chùa, nói chuyện về sự khổ hạnh tu luyện của các nhà sư tu tại các chùa hay tu tự do như sư cô Liên Nghiêm. Tôi nhớ nhất câu nói của sư cô Trí Hân: “Bố mẹ cho mình nhục thân, thầy cho mình huệ sanh”. Theo giải thích của sư cô Trí Hân, tôi tạm hiểu là: “Bố mẹ cho ta thân thể, còn thầy cho ta phát triển trí tuệ”. Còn sư thầy Hạnh Tuệ giới thiệu cho chúng tôi về mấy ngôi chùa Việt Nam và cả những chùa của Thái Lan, Myanmar, Đài Loan, Tây Tạng… với nhiều nét kiến trúc khác nhau.

 

Việt Nam Phật Quốc Tự mang đậm nét văn hóa của nước Việt


Chúng tôi đến chùa Việt Nam Phật Quốc Tự đầu tiên, cách Bồ đề Đạo tràng khoảng 2 km về hướng tây nam. Hình ảnh đầu tiên nhìn thấy là bản đồ Việt Nam gắn trên cổng chùa, khẳng định chủ quyền dân tộc và xác định đây là chùa của người Việt. Lối vào với hai hàng rào thấp, càng vào trong càng thấy như đang ở Việt Nam, những hàng tre quanh co trồng dọc theo lối đi, những bờ ao với hoa súng, hoa sen và rất nhiều loại hoa được mang đến từ quê nhà tạo thành vườn cây sum suê hoa lá đậm chất quê Việt. Chính điện uy nghiêm cùng với bảo tháp 7 tầng vươn cao. Khi chúng tôi đến thầy Huyền Diệu không có ở chùa, chú tiểu trông coi chùa ra tiếp.

 

Lối kiến trúc giống với chùa Một Cột ở Hà Nội

 

Ngôi chùa được Thượng tọa Thích Huyền Diệu cho xây năm 1987, là ngôi chùa Việt Nam đầu tiên có mặt trên đất Phật. Chùa có kiến trúc theo phong cách chùa Việt Nam với cổng tam quan, mái cong do kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng thiết kế. Chùa hiện vẫn đang được xây dựng với những người thợ từ tận Việt Nam sang. Ngoài ra, trên đất Ấn còn có chùa Độ Sanh của một nhà tu hành người Mỹ gốc Việt, chùa Viên Giác của một nhà tu hành người Đức gốc Việt và tịnh xá Kỳ Hoàn của thầy Thích Giác Viên đến từ Vũng Tàu. Không gian thanh tĩnh của Việt Nam Phật Quốc Tự như dễ khiến du khách cảm mến và chìm vào sự thanh tịnh, thư thái.

 

Du khách niệm chú với bánh xe Kinh luân của Mật tông Tây Tạng


Tần ngần mãi từ lúc tạm biệt chú tiểu, chúng tôi mới bước ra khỏi cổng chùa để đến Tu viện của người Tạng (Tibetan monastery in Bodhgaya). Tu viện nằm ngay cùng lối rẽ vào Chùa Việt Nam Phật Quốc Tự, được xây dựng bề thế cùng với cả trường học cho các thầy tu. Hành lang sau chùa với hàng chuông pháp luân được đánh xoay tròn bởi bàn tay du khách với lời niệm chú Om mani padme hum, cầu mong những điều tốt lành.
 

Trở về khu trung tâm, chúng tôi lang thang ra khu chợ ngay gần Mahabodhi, mọi người bày bán tự do như một cảnh chợ quê, hàng hoá chủ yếu là các loại rau củ quả, đặc biệt rất nhiều chuối và táo. Những đồ trang sức như vòng, nhẫn rất nhiều màu sắc, lấp lánh. Những người dân ở đây vẫn hồn hậu như bất kỳ nơi nào tôi đã đi trên đất Ấn, nhưng với họ, ấn tượng với tôi là đôi mắt luôn long lanh với niềm tin tôn giáo mãnh liệt.

 

Cuộc sống thường ngày của dân cư khu chợ


Đêm Bodhgaya vắng lặng, những con đường tối heo hút, chỉ có duy nhất trục đường chính dẫn vào đền chính là có dòng người qua lại, có lẽ họ đến tụng kinh dưới gốc cây Bồ đề. Ngoài những dãy phố mới xây quanh khuôn viên của tháp Đại giác, còn lại vẫn chỉ là các con đường đất với những ngôi nhà lụp xụp, xiêu vẹo. Đến đây, quả thật cảnh sắc không quá ấn tượng nhưng không khí linh thiêng mà nó đã thu hút những du khách muốn một lần được chiêm bái Đức Phật và ngắm nhìn đại thụ Bồ đề


Dưới cội bồ đề thiêng


Ngày thứ 3, buổi chiều chúng tôi ở dưới cội bồ đề, ngắm nhìn bàn chân phật in trên tảng đá, những toà sen nở tượng trưng mỗi bước chân phật bước qua, lòng nguôi đi những tạp niệm. Hôm nay, trời nắng đẹp, khách hành hương đông đúc hơn, nhiều màu áo tông phái Phật giáo về đây niệm kinh tụng chú dưới tán cây bồ đề. Hàng trăm người đủ sắc tộc màu da ngồi quanh gốc cây thiêng và thiền định. Một số khác đang bước những bước thanh thản quanh gốc cây và Đại Pháp. Tôi nghe nói, khi đến với Bồ Đề Đạo Tràng, hãy đến gốc cây bồ đề thiêng, vái ba vái rồi đi quanh 18 vòng, không suy nghĩ, không tạp niệm, không nói chuyện, bước đi thong thả, khoan thai. Khi đủ vòng 18 vòng mới lại vái ba vái nơi gốc bồ đề và khấn lời mình mong muốn. Đó cũng là 18 vòng giác ngộ mà Đức Phật đã làm trước đây khi người ngồi lại thiền định nơi gốc cây bồ đề.

 

Bodhi Tree – Cội bồ đề thiêng nằm phía tây đại tháp

 

Năm 1876, cây ở Bồ Đề Đạo Tràng bị cơn bão làm bật gốc. Đại thụ Bồ Đề (Mahabodhi tree) ngày nay, chỉ là một nhánh chiết từ cây Bồ Đề tại Tích Lan (Sri Lanka), năm xưa do con gái vua Asoka mang đến từ cành chiết của cây ở Bồ đề Đạo tràng có tên gọi là Sri Mahabodhi tree. Một số khác cho rằng, nó tự hồi sinh từ rễ của cây trước đã bị nhổ bật gốc. Dù thế nào đi nữa cây hiện nay vẫn là cháu của cây asvatthi nguyên thuỷ mà vào một đêm năm 528 trước CN, dưới gốc cây ấy nhà tu khổ hạnh Sĩ Đạt Đa Cồ Đàm đã thành Phật. Cội bồ đề thiêng, chính là nơi của sự chứng ngộ. 

 

Biểu tượng hoa sen, hoạ tiết thường thấy trong kiến trúc đền thờ ở đây


Những người đến Bồ Đề Đạo Tràng đều mong nhặt được một chiếc lá bồ đề, một sự may mắn cho bất cứ ai ghé thăm đất Phật. Bởi thế, có không ít các vị chư tăng đứng đợi nhặt cho được một chiếc lá của cây bồ đề thiêng. Những chiếc lá bồ đề cũng được ép khô và bán thành những món quà lưu niệm ngay bên ngoài cổng chùa. Chúng tôi cũng mong mỏi nhặt được lá bồ đề, tôi men theo con đường phía bắc của Đại tháp, mong tìm được chiếc lá rụng về cội. Góc này, 2 tu sĩ đang tập trung tinh lực niệm kinh, có vị thì đi quanh bảo tháp, miệng niệm kinh. Chiếc lá chợt rơi, lượn vòng vào phía trong của 2 tu sĩ đang quỳ lạy, tôi đi qua phía sau lượm nhặt chiếc lá, đúng lúc đó thời gian như ngừng lại một chút, tiếng kinh thì thầm kia như dội vào tai tôi, nghe râm ran như tiếng kinh phát ra từ loa, tim tôi rộn ràng. Khoảnh khắc tâm linh nhẹ nhàng lướt qua tâm trí tôi cùng chiếc lá bồ đề thiêng.

 

Lịch trình:


Ngày 1: Từ Howrah (ga Gaya) – Chùa Viên Giác – Đền Mahabodhi Temple – Chùa Sri Lanka


Ngày 2: Chùa Việt Nam Phật Quốc Tự – chùa Tây Tạng – gốc Bồ đề thiêng


Ngày 3: Chùa Viên Giác – Ga Gaya (chúng tôi đi tiếp đến Varanasi) – trở về


Ghi chú:


– Dù chùa Viên Giác không lấy tiền ăn và ở nhưng du khách từ Việt Nam cũng nên để lại một số tiền nhỏ cho Chùa để có thể giúp đỡ những du khách khác hoặc những em bé khó khăn xung quanh.


– Đi lại: xe auto ricksaw (xe lam 3 bánh hay còn gọi là tuk tuk), ngoài ra, ở ga Gaya vẫn có các xe ôtô tư nhân, nếu đi đông thì những xe loại này sẽ rẻ hơn.

 

Bài và ảnh: Cô Mộc

(Tạp chí ô tô)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here