Trang chủ Phật học Giới thiệu về "Xuất Ly"

Giới thiệu về "Xuất Ly"

143
0

Xuất ly thường được nghĩ đến như một đức tính của riêng quý tăng ni, các thầy yoga hay những người sống ẩn dật trong các hang núi, nhưng đó không phải là một suy nghĩ hoàn toàn đúng. Xuất ly có nghĩa là buông xả những ảo tưởng về tự Ngã. Nếu trong khi tọa Thiền ta không cố gắng phần nào làm được như thế, thì ta khó mà đạt được Thiền định. Cái Ngã của ta thích được nuông chiều, chú ý đến luôn. Khi bị bắt phải im lặng, và không được làm điều gì thú vị, nó phản ứng lại dữ dội, và cố thoát ra khỏi tình trạng đó bằng những việc làm như trò chuyện, đọc sách, mơ màng hay bất cứ thứ gì vừa lòng nó. Trừ khi chúng ta có thể phá bỏ những thói quen nầy, việc tọa Thiền của ta khó thể thành công.

Cũng thế, tất cả các thiện tánh đều giúp cho sự tọa thiền của ta. Chúng nâng đỡ cột sống của ta. Thiền định cần có một cột sống vững mạnh, không phải chỉ do ngồi thẳng, mà còn phải có tâm chánh niệm.

Muốn bước trên con đường tâm linh, ta cần phải biết xuất ly. Điều đó có nghĩa là biết buông bỏ mọi ý niệm về cái tôi, mọi tham vọng, ước muốn của cái tôi. Tất cả những suy nghĩ đó chỉ củng cố thêm lòng chấp ngã, đưa ta đến chỗ sai lầm. Những gì ta nghĩ ta sở hữu -cái nhà ‘của tôi’, bàn ghế ‘của tôi’, chồng ‘của tôi’, vợ ‘của tôi’, con cái ‘của tôi’, thân quyến ‘của tôi’, xe ‘của tôi’, nghề nghiệp ‘của tôi’, văn phòng ‘của tôi’, bạn bè ‘của tôi’ -làm cho ‘cái tôi’ cảm thấy an toàn hơn vì tất cả hợp thành một hệ thống bảo vệ. Tạo cho tự Ngã những ảo tưởng về một sự vững bền. Nhưng không có người nào hay sở hữu nào thường hằng, vĩnh viễn cả, tất cả đều luôn biến đổi.

Nếu thật sự có sự bền vững đó, thì cái nhà, cái xe càng to, càng có nhiều bạn bè con cái, nhiều vợ, nhiều chồng, thì con người càng cảm thấy thêm an tâm. Thực tế thì càng có nhiều những thứ kể trên, con người càng thêm phiền não, lo âu. Thử tưởng tượng xem nếu ai đó có mười ông chồng hay bà vợ thay vì một. Hãy dẹp bỏ ngay tư tưởng đó! Đó chỉ là một trong những tà kiến về những gì có thể mang đến cho con người sự an tâm. Ta chỉ thích bao bọc mình với những gì tạo nên ‘cái tôi’, ‘cái của tôi’. Tư duy của ta khiến ta trở nên như thế, dầu rõ ràng ta không thể làm chủ ai khác được. Con người có thể ra đi không định trước, có thể chọn lầm người phối ngẫu, hay bỏ rơi nhau không lời từ giả. Mỗi người tự tạo ra nghiệp của họ. Vậy mà ta vẫn gọi họ là ‘của tôi’, và thật sự tin rằng họ thuộc về chúng ta. Một khi ta tin như thế, ta bám víu vào họ suốt đời. Họ phải lúc nào cũng là ‘của tôi’. Đó là quá trình tự xác định cái Ngã với gia đình của chúng ta, với công việc của chúng ta và với tất cả những sở hữu của chúng ta. Thay vì với chỉ một ‘cái tôi’, giờ chúng ta bành trướng, bao gồm thêm nhiều người khác nữa. Như thế chúng ta trở nên to lớn thêm.

Xuất ly sự xác định nầy là một bước quan trọng khởi đầu: chỉ khi nào ta có thể tự đứng một mình, ta mới có thể thực sự tu tập theo con đường đạo. Không có nghĩa là ta phải đuổi mọi người ra khỏi nhà. Nhưng khi ta còn tùy thuộc vào ý kiến, hành động của người khác, thì làm sao ta có thể thực tập cho sự tự do, giải thoát của chính mình? Không có sự dựa dẫm nầy, cái Tôi sẽ trở về kích thước bình thường, của chỉ cái tôi, không có gì hơn. Như thế dầu tự Ngã vẫn chưa được phá bỏ, nhưng ít nhất nó cũng nằm trong khả năng chế ngự của ta. Một thân, một tâm, không sở hữu, không bám víu vào bao nhiêu người, bao nhiêu thứ khác.

Ngay đối với một thiền sư, nếu vẫn muốn đạt được điều gì đó hay trở nên thế nầy, thế nọ, thì cũng chỉ là một cách củng cố thêm Ngã chấp. Thay vì có mặt trong giờ phút hiện tại, chánh niệm trong từng giây phút, ta muốn trở nên, là một cái gì thuộc về tương lai. Có thể nói gì về tương lai chứ? Không có gì. Tương lai thì hoàn toàn trống không. Nhưng có mặt, ngay trong hiện tại, là điều ta có thể làm được với tất cả chánh niệm.

Trở nên, trở thành một thứ gì hơn chính chúng ta -một thiền sư đạt đạo, một ông chủ có danh vọng, giàu có, được mến mộ -sẽ làm cho lòng chấp Ngã của ta thêm nặng. Trở nên, trở thành không ích lợi gì, là như thế nào thì ích lợi hơn. Lúc đó ta sẽ dễ đối trị ngã chấp hơn. Ta có thể chánh niệm về sự có mặt đích thực của mình. Nhưng ta không thể chánh niệm về cái ta sẽ trở thành. Nó không có thực. Nó chỉ là những giấc mơ ban ngày. Nó chỉ là mơ ước và hy vọng. Nó là điều ta muốn xuất ly.

Trong quá trình xuất ly, ta có thể buông bỏ sở hữu, sự khẳng định của cái tôi và các vọng tưởng. Nếu trong đời thường, ta không biết buông xả, thì ta càng khó buông xả hơn trong Thiền. Khi Thiền định, ta phải buông xả tư duy, ước vọng, mọi phán đoán, lòng mong muốn, cầu vọng, các dục lạc. Ta phải biết buông bỏ, nếu ta muốn hành Thiền, vì thế ta cần phải thực tập sự xả ly ở mọi lúc, mọi nơi. Không có nghĩa là ta phải vứt bỏ mọi sở hữu hay xa lánh gia đình. Ta chỉ phải vứt bỏ tâm bám víu, sự khẳng định mình qua những thứ đó.

Xuất ly có nhiều hình thái. Nó có thể là sự tự khắc kỷ như dậy sớm hơn thường lệ, xả bỏ khuynh hướng muốn được hưởng thụ. Xuất ly cũng có nghĩa không phải lúc nào muốn ăn thì ăn, mà phải chờ đến lúc thật sự đói. Khi từ giả cuộc đời, ta phải buông bỏ mọi thứ. Ta không thể mang theo của cải hay người thân mà ta coi là của chúng ta, cũng như không thể mang theo thân của mình. Tốt hơn hết là ta nên hiểu về cái chết trước khi nó đến. Đó là lý do tại sao người ta thường vật vã trước giờ ra đi. Một số ít người có thể ra đi một cách bình thản, nhưng phần đông không thế, vì họ chưa sẳn sàng để buông bỏ tất cả. Trước đó, họ chẳng bao giờ nghĩ đến giờ phút nầy.

Tất cả những gì ta bám víu vào là một trở ngại, một vật cản. Thí dụ như nếu tôi cứ ôm mãi chiếc gối nầy, không chịu bỏ ra, thì tôi sẽ gặp trở ngại khi bước ra cửa. Thực tế, ta thường bám víu vào người khác và điều đó cần phải buông bỏ. Không có nghĩa là ta phải xua đuổi người khác. Nhưng có nghĩa là ta phải đoạn diệt thái độ bám víu của ta với người khác, đó mới chính là trở ngại lớn nhất. Nếu ta không sửa đổi theo hướng đó, việc hành Thiền của ta cũng bị trở ngại thôi, vì ta cũng sẽ bám víu vào tư tưởng, hy vọng, ước muốn của ta. 

Chúng ta có thể vẫn ở trong căn nhà của mình, vẫn mặc quần áo đó, vẫn không có gì thay đổi về hình dáng bề ngoài, nhưng bên trong ta đã xuất ly được những dính mắc của mình. Không có nghĩa là ta không còn thương yêu gia đình của mình nữa. Ngược lại, tình thương mà không có sự bám víu, sở hữu là loại tình thương không có lòng sợ hãi, hoàn toàn thuần khiết. Trong khi tình thương với lòng bám víu, sở hữu là một cực hình. Nó bao gồm những làn sóng tình cảm và thường tạo nên những hàng rào kẻm gai vô hình. Tình yêu thật sự là tình yêu không có sự sở hữu, được cho mà không mong đợi một sự trả lại. Nó cho ta cảm giác có người đứng cận kề nhưng không dựa vào ta.

(Giáo Lý Đạo Phật)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here