Trang chủ Phật giáo khắp nơi Phạm Công Thiện kỳ tuyệt một thiên tài (P1)

Phạm Công Thiện kỳ tuyệt một thiên tài (P1)

107
0

 

Có những con người đến rồi đi qua mặt đất trần gian này như một cơn giông tố bão bùng sấm sét, gây chấn động kinh hồn, làm bùng vỡ một điều chi kỳ vĩ, tinh khôi trên bầu trời tâm thức nhân loại, Phạm Công Thiện là một con người độc đáo vô song như vậy.

Đấy là một thiền sư, triết gia, giáo sư, nhà văn, nghệ sĩ hay một thi sĩ kỳ tuyệt thiên tài như Henry Miller từ Hoa Kỳ đã phát biểu trong thư gởi Phạm Công Thiện đề ngày 8.8.1966 : “Mới ở tuổi 25 mà là khoa trưởng văn chương ở một đại học nổi tiếng trong xứ sở của ông. Điều đó thật phi thường quá, quả thật khó tin, thật như chuyện huyền thoại. Đúng vậy, một con người đã đến và đi như huyền thoại giữa cuộc sống đầy biến loạn tang thương trên quê hương Việt Nam vào thập niên 1960 đến 1970.

Rồi từ đó, từ năm 1970, Phạm Công Thiện bất ngờ làm cuộc lữ lên đường qua Paris, tiếp tục chuyến đi tuyệt mù viễn xứ vào những phương trời xa lạ, ngút ngàn nhật nguyệt thiên thanh. “Anh đã ra đi từ đó, từ thời buổi hỗn mang. Trong từng khoảnh khắc sát na, từng quãng liên tục vi tế của hạt bụi, anh từ chối chính mình. Khi mọi người ca tụng anh như một thiên tài, anh vất bỏ thần tượng để đi như một tên lãng tử vô lại… Người lữ hành bước đi, từng con sóng của đại dương cuốn theo xóa sạch từng dấu chân đi. Lưu lại trong khách ảo ảnh tiền thân, phảng phất mùi hương và sắc màu quá khứ không phai nhạt.” Tuệ Sỹ giới thiệu như thế về Phạm Công Thiện, một tâm hồn hạo nhiên chi khí, một thi sĩ thượng thừa đã khơi nguồn mạch sáng tạo trào dâng ngất ngưởng, mở ra thể điệu phiêu bồng trên cung bậc văn chương, thiền học, triết lý, thi ca bát ngát dị thường.

Bước đi một mình một bóng, đơn thân độc mã quá đỗi phong trần gần 70 năm trời nay. Say gót mộng chuếnh choáng lang bạt kỳ hồ, lang thang lêu lổng suốt muôn chiều phiêu lưu, phiêu lãng ngàn phương. Lướt cánh đại bàng, tung hoành ngang dọc khắp năm châu bốn biển, thênh thang giữa thiên địa hoàn cầu. Đi và đi theo thể điệu Bùi Giáng rong chơi  :

Đã đi đã đến cuối trời

Đã về như vẫn muôn đời đã đi

Đi về đi ở đi đi                                      

Đi là đi biệt từ khi chưa về

Vào một chiều tháng 6, bắt đầu mùa hạ năm 1941, Phạm Công Thiện ra đời bên dòng sông thơ mộng Cửu Long, một dòng sông bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng ngút ngàn chảy xuống dọc ven bờ phố thị Mỹ Tho, một thị xã nhỏ nhắn, lặng lẽ hiền hòa ở miền Nam. Thi sĩ lớn lên từ đó, suốt ngày đêm cứ mặc sức mơ mộng rong chơi, tha hồ tắm sông lội nước, nằm ngắm mây trời bay lãng đãng xa xôi.

Rồi bất thình lình, đột ngột một hôm vụt đứng dậy, xuất hiện trên văn đàn Việt Nam như một thần đồng, một thiên tài lỗi lạc biết nhiều thứ tiếng Anh, Pháp, Đức, Nhật, Hán, Phạn, Pali, Tây Tạng, Tây Ban Nha… Năm 1957, mới 16 tuổi đã xuất bản Tự điển Anh ngữ tinh âm, 19, 20 tuổi viết Ý thức mới trong văn nghệ và triết học, 23 tuổi, viết Tiểu luận Bồ Đề Đạt Ma, 25, 26, 27 tuổi, viết Hố thẳm tư tưởng, Im lặng hố thẳm, Ý thức bùng vỡ, Bay đi những cơn mưa phùn, Trời tháng tư, Ngày sinh của rắn, Mặt trời không bao giờ có thực, Nikos Kazantzaki, Rainer Maria Rilke, Henry Miller và dịch thuật từ tiếng Anh, tiếng Đức những tác giả vĩ đại Krishnamurti, Nietzsche, Heidegger, Rainer Maria Rilke, Nikos Kazantzaki … làm chấn động toàn thể giới văn nghệ sĩ trí thức Sài Gòn miền Nam thời bấy giờ.

Thời kỳ ấy, từ 1966 đến 1970 khi Phạm Công Thiện làm Khoa trưởng Văn khoa Đại học Vạn Hạnh, đồng thời là giám đốc soạn thảo Chương trình giảng dạy cho tất cả các phân khoa Xã hội Nhân văn và chủ biên tạp chí Tư Tưởng thì Bùi Giáng, Nguyễn Đức Sơn, Tuệ Sỹ, Phạm Thiên Thư, Hoài Khanh, Nguyễn Đăng Thục, Trúc Thiên, Ngô Trọng Anh, Thạch Trung Giả, Lê Tôn Nghiêm, Doãn Quốc Sỹ, Nghiêm Xuân Hồng, Dương Thiệu Tống, Trần Ngọc Ninh, Trần Xuân Kiêm, Nguyễn Hữu Hiệu, Thích Nữ Trí Hải… cũng có mặt ở đó thường xuyên, là những cây bút cốt cán, nền móng trong tạp chí Tư Tưởng, tiếng nói của Viện Đại học Vạn Hạnh ở Sài Gòn, do Thích Minh Châu làm Viện trưởng.

Trước đó, nhà thơ cũng đã từng làm những chuyến giang hồ tứ chiếng, xách túi thơ bầu rượu ngao du sơn thủy qua New York, California, Paris, Thụy Sĩ, Hy Lạp, Ba Tư, Ý Đại Lợi rồi, từng diện kiến, tiếp xúc với những nhân vật kiệt xuất lừng lẫy trên thế giới như Krishnamurti ở Paris, Henry Miller ở Los Angles.

Văn chương nghệ thuật, triết lý thi ca, những tác giả kỳ cựu, những bậc cao thủ thời đó đều tập trung về Đại học Vạn Hạnh, tạo nên một bầu không khí sinh động vô vàn. Đang là thần tượng của đám sinh viên các đại học Sài Gòn, Huế, Đà Lạt thì đùng một cái, Phạm Công Thiện bỏ ngang chức Khoa trưởng Văn khoa Đại học Vạn Hạnh, lên đường viễn phương hành, làm cuộc ra đi vô mục đích, nhảy tung vào hố thẳm tư tưởng không đáy bồng bềnh, lênh đênh qua tận bên kia bờ đại dương huyền ảo vào năm 29 tuổi, tức năm 1970. Đó cũng là năm cuộc chiến tranh Việt Nam đến độ khốc liệt, kinh hoàng, khủng khiếp nhất. trên khắp hai miền Nam Bắc phân tranh, đánh chiếm một cách tàn bạo, náo loạn, sụp đổ vô ngần.

Cất cánh phụng hoàng, thi sĩ bay vút đi xuyên qua gầm trời giông tố bão loạn đang đắm chìm giữa dòng sử lịch hỗn mang, tang tóc cuồng phong gầm thét dữ dằn, tan hoang thảm thiết, xô đổ xuống mịt mù âm u hỗn độn, vây khổn đầy bóng tối vô minh trong đêm dài điêu linh, trầm thống, đoạn trường.

Trước ngày khởi hành, thi nhân leo lên đồi Hải Đức, Nha Trang ( nơi ngày xưa vào năm 1963, chàng chán ngán cõi đời đi xuất gia, làm đệ tử thầy Trí Thủ ở đó với pháp danh Nguyên Tánh ) ngồi một mình trên đồi cao nhìn xuống biển cả muôn trùng vắng lặng, lắng hồn cô đơn, tịch mịch để nghe vọng về bao nỗi đời ly tán, đớn đau, bàng hoàng trong rưng rưng nhức nhối :

Hồi chuông chùa vọng luân hồi

Chim chiền chiện hót ngang trời đau thương

Trùng dương nằm đợi vô thường

Đồi cao bạt gió hai đường âm u

Âm u hai đường, đông tây đôi ngã thê lương, còn chi đâu mà nói nữa. Thôi thì cánh chim ngàn cứ tung bay cho hết bầu trời tính mệnh bao la của mình. “Bổn phận của mi là lên đường đi đến hố thẳm, một cách im lặng, rộng lượng và không hy vọng.” Văn hào Nikos Kazantzaki đã nói như vậy, cũng như triết gia vĩ đại Heidegger làm những câu thơ như âm thầm khích lệ thi sĩ lên đường :

“Bước tới và chịu đựng

Sự thất bại và câu hỏi

Trung thành với lối đi duy nhất của mi.”

Thi sĩ Phạm Công Thiện đã cảm nhận chân thiết lời thơ đó, nên hùng tâm tráng khí, im lặng thực hiện một cách mãnh liệt cuộc lữ phi thường, khởi sự tấu khúc độc hành ca trên lộ trình hướng về hố thẳm uyên mặc hay uyên nguyên khơi mở. Cuộc lữ dữ dội bi tráng như thi sĩ Rimbaud : “Tiến lên ! Đi, gánh nặng, sa mạc, chán chường và cuồng nộ.” Buông tay vào hố thẳm, mở ra những phương trời hoằng viễn uyên tư như Rimbaud, Henry Miller, Nietzsche, như Hoelderlin, Whitman, Krishnamurti, như Shakespeare, Kierkegaard, Nijinsky, như Blaise Cendrars, William Blake, Paul Klee, như Thoreau, Emerson, Faulkner, như Wolfe, Giono, Ce1line, như Etkhart, Goethe, Spengler, như Hermann Hesse, Alan Watts, James Joyce, như Hemingway, Lawrence, Leopardi, như Nerval, Tolstoi, Yeats, như Milarepa, Van Gogh,  Vivekananda, như Trang Tử, Long Thọ, Bồ Đề Đạt Ma, như  Huệ Năng, Lâm Tế, Tuệ Trung Thượng Sỹ, như Lý Bạch, Nguyễn Du, Hàn Mặc Tử… những đồng thanh tương ứng với thi nhân nên luôn luôn xuất thần, ngất trời túy lúy, phóng cuồng phiêu đãng hoan say. Đó là những cuộc đi vô định, vô sở trú, chất ngất trên tuyệt đỉnh núi cao và hun hút tận nguồn sâu hố thẳm tâm linh, vừa bừng bừng thần khí rực ngời lửa tim hồn cháy vừa ầm ầm cuồng nộ, trào tuôn lai láng như sóng vỗ đại dương. Cháy và chảy, cháy và chảy mãi trong hồn, như một lần lúc 24 tuổi, nhà thơ đã từng nhắn gởi cho giới trẻ thanh niên Việt Nam : “Gởi một người đọc không quen, cùng cháy một thứ lửa thiêng như tôi, cùng được nuôi bằng một thứ nước điên nào đó chảy trôi như tôi, cùng sống như tôi đang sống : Cháy và chảy, cháy và chảy không ngừng…”*

Hừng hực ngọn lửa thiêng suốt ngày đêm bừng cháy trong trái tim, đồng thời một dòng sông xanh ngát luôn tuôn chảy bất tuyệt ở trong hồn,  nên chàng thi sĩ đã hào hứng lên đường ra đi từ dạo đó, từ thuở nào vô thường dâu bể loạn mù xa. Giã từ nắng quái chiều tà. Biệt ly túy lúy cuồng ca lộn nhào. Một hồn bay vút trăng sao. Chao ơi ! Bái lạy máu trào mộng rơi :

Tôi đi đông chìm

Trời âm u thung lũng khô

Nhiều mây chim bay không nổi

Tôi đi

Dưới kia sụp đổ

Núi Cấm nổ tôi ra

Cửu Long ca từ Tây Tạng

Dòng sông Cửu Long bắt nguồn từ vùng Kham tận cao nguyên Tây Tạng, phát xuất từ rặng núi Dunhbudsgra chảy ngược lại vùng hoang dã Chlamdo, Tshawagang, Jang, Ju rồi trút đổ ào xuống chập chùng lục địa Châu Á, chảy gập ghềnh quanh sườn đồi chất ngất Vân Nam qua xứ miền Miến Điện, Lào và thơ mộng bồng bềnh chảy xuôi dòng cuồn cuộn cuốn lũ phù sa qua Mỹ Tho, Việt Nam, thành phố quê nhả một thời tuổi nhỏ của thi sĩ, rồi cuối cùng tuôn tràn ra đại hải trùng dương. Chính dòng sông Cửu Long ấy đã nuôi dưỡng tâm hồn thi nhân nên chàng luôn mang theo rạt rào trôi chảy suốt trong lòng, còn ngoài ra không biết hồi thơ ấu có gì ấn tượng chăng mà chẳng bao giờ nghe nhắc tới, chỉ biết rằng, thuở mới 13, 14 tuổi, chàng đã có những bài tiểu luận tham gia cộng tác với các tạp chí Phổ Thông, Dân Ta, Bông Lúa, Giữ Thơm Quê Mẹ, Văn, Văn Nghệ, Bách Khoa…Những bài viết triết lý, thi ca,  viết về các nhà thơ, nhà văn Đông Tây kim cổ, khiến Nguyễn Vỹ ( chủ bút tạp chí Phổ Thông, Dân Ta ) và học giả Nguyễn Hiến Lê đều nể phục, xem là thần đồng vô cùng hy hữu trong thời hiện đại. Phải chăng, đó là sự tái sinh của một bậc Bồ tát đại trí tuệ nào đó ? Có nhiều người nêu lên nghi vấn như vậy.

Thế rồi, bất thần như ngôi sao băng kỳ bí, khi danh tiếng lẫy lừng khắp chốn thì bỗng nhiên chàng buông bỏ hết sạch sành sanh, vất lại sau lưng những sự ngưỡng mộ bái phục của thiên hạ, người đời, một mình làm cuộc phiêu lưu như cánh nhạn lướt ngang trời, vút bay qua Paris kinh đô Pháp quốc. Không phải để hưởng thụ vinh hoa phú quý gì mà trái lại, tự nguyện sống lênh đênh bềnh bồng, không nhà không cửa tựa như nhánh lục bình trôi phập phềnh trên dòng sông Seine xanh biếc mộng :

Mộng ở đầu cây mơ lá cây

Dòng sông ngừng chảy đợi mây bay

Kêu nhau nhỏ nhẹ sầu năm ấy

Chim hải hồ bay trắng tháng ngày

Ngày tháng lang bạt kỳ hồ ấy, giống như Rimbaud dấn thân vào sa mạc Havar hòa mình sống chung với thổ dân, tự nguyện làm kẻ du mục qua Một mùa địa ngục của trần gian, Phạm Công Thiện cũng sống lang thang bạt mạng như thế, cũng đi từ bế tắc này đến tuyệt lộ khác như chính chàng tâm sự : “Giai đoạn sống ở Paris dạo đó là giai đoạn bế tắc nhất trong đời tôi. Một ngàn chữ không cuốn theo bước đi tôi, không tiền, không nhà, không nghề nghiệp, không tình yêu, không tương lai, không gì cả. Thế mà tôi vẫn sung sướng nhất, giai đoạn ấy là giai đoạn sướng nhất, đẹp nhất, thơ mộng nhất trong đời tôi. Tôi là một số không to tướng di động giữa những đường phố Paris. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi hiểu được thế nào là đói là nghèo là khổ là tuyệt vọng. Có nhịn đói   cả tuần lễ, có đi lê lết khắp đường phố Paris suốt đêm mưa để tìm chỗ ngủ khô sau mấy hiên nhà, có lén lút lẫn trốn mấy người cảnh sát Pháp vì sợ họ bắt nhốt về tội vô gia cư, vô nghề nghiệp, có ăn mày từng điếu thuốc, từng khúc bánh mì khô, có chịu lạnh lộ thiên giữa mùa đông tuyết phủ ở Paris, có đứng dựa ngủ dưới mái hiên ngoài rạp hát ở Montmartre, có được chia sẻ từng tờ giấy nhật trình với bọn ăn mày clochards để trải ngủ sau hè phố qua đêm lạnh thì mới hiểu thế nào là bế tắc, là thất bại, là đói lạnh….Từ bế tắc này đến bế tắc khác, nhưng tôi vẫn cảm thấy rằng tôi đã sống đến độ vỡ đê, yêu đời đến độ gần đứt mạch máu. Vâng, trong cuộc đời hai mươi tám năm trên trái đất này, chưa bao giờ tâm hồn tôi thanh bình, trong sạch xanh lơ như bầu trời mùa hạ, như những ngày sống ở Paris dạo đó.”**

Thời gian vừa bi đát vừa hùng tráng ấy, rất may sau đó, chàng sống nhờ sự giúp đỡ tận tình của nhà thơ Thi Vũ, Nh. Tay Ngàn, họa sĩ Trần Quang Hiếu, Vĩnh Ấn rất nhiều và đặc biệt nhất là nhà văn Henry Miller đã cưu mang chàng hết lòng, bằng những tấm ngân phiếu gởi từ Hoa Kỳ cũng như nàng thơ Lê Khắc Thanh Hoài, một tiên nữ định mệnh đã đến với chàng, tự nguyện sống chung một cách gần gũi cận kề, gắn bó, mật thiết vô cùng suốt 13 năm trường đằng đẵng. Nhờ đó mà chàng có thời giờ nghiên cứu, hoàn thành tốt nghiệp Tiến sĩ triết học tại đại học Sorbonne, rồi sau đó giảng dạy triết học Tây phương tại đại học Toulouse ở Pháp quốc.

Thế nhưng, lại một lần nữa, từ trên tuyệt đỉnh vinh quang, đang là thần tượng của đám sinh viên Pháp, Đức, Anh, Mỹ, Nhật… ngưỡng mộ vô cùng, chàng lại vất bỏ giảng đường đại học để ra đi như ngày xưa đã vất bỏ lại sau lưng đại học Vạn Hạnh ở Sài Gòn. Thật là quá đỗi lạ lùng, giống như triết gia Nietzsche rời bỏ đại học Bases để lên vùng thượng sơn làm ẩn sĩ, suốt mười năm trời im lặng nằm ngắm mây trời. Ơi chao ! Hơi thở vỡ bùng. Từ vô thủy đến vô chung cõi về. Nàng thơ huyền mộng đê mê. Thế thôi chuyển cuộc muôn bề chia phôi :

Đã đi thì đã đi rồi

Thượng phương trùng điệp thấy gì nữa đâu

Hạ phương ngày tháng bể dâu

Sắt son tình cũ phượng cầu túy hương

Có còn chi nữa mà thương

Buổi trưa nằm ngủ thấy nường năm xưa

Đã đi rồi đã đi chưa

Thượng phương lụa trắng đong đưa giữa trời

Đã đi mất hẳn đi rồi

Hạ phương tịch mịch trùng khơi phong kiều

Chuyển hình trên đỉnh cô liêu

Lửa bay thành ngọn hồng điều mật ngôn

Đại Huyền biến ngưỡng triều tôn

Tiền thân Tây Tạng nhập hồn chiêm bao

Án nga nga nẵng bạch hào

Một luồng sáng rực chiếu vào trái tim

Trái tim bốc lửa tam muội làm cháy tan hết những luật lệ phép tắc, những lề thói khuôn khổ, lối mòn cũ rích của xã hội máy móc khô khan, cạn kiệt hết bầu sinh khí, chàng thi sĩ muốn lên đường khai phá một con đường sáng tạo mới lạ hơn. Đứng trên tuyệt đỉnh cô liêu, một chiều hoang vu nọ, chàng bỗng nghe văng vẳng những lời ẩn ngữ, mật ngôn huyền bí và chợt thấy thấp thoáng tiền kiếp mình ở tận xứ miền tuyết trắng Tây Tạng hoang sơ. Biết mình là hành giả Mật tông trong các dãy hang động trên tuyệt mù Hy Mã Lạp Sơn nên trái tim Bát Nhã ứng hiện những nàng tiên huyền diệu, dạo khúc cung đàn mười tám tiếng lòng Không Định rung ngân, khiến cho thi sĩ chỉ còn biết đọc thần chú lim dim dung nhiếp :

Năm nàng thiên nữ tôn nghiêm

Trùng quan ngũ sắc ứng điềm tán không

Án đa la tịch mịch hồng

Mười phương xuất hiện những đồng sinh thiên

Bát Nhã là gái thiên tiên

Khoan thai cởi áo mây hiền trên cao

Gió lùa thơm tóc tơ đào

Thập bát Không Định tiêu dao tiếng đàn

Trời mưa chim ngủ trên ngàn

Sắt son tình cũ nước tràn sang sông

Tiếng đàn tiêu dao vô thanh mà vang ngân bất tận lan dài theo cuộc lữ kỳ cùng, rung hồn rúng chuyển gió sương ngàn khắp vùng thung lũng sơn khê. Ơi chao ! Một đóa hồng hoa vt trổ im lìm như những nàng tiên nữ giáng trần sà nhẹ vào hồn tim, để cho thi nhân xuất thần bay phiêu linh, phiêu hốt trong bồi hồi rộn rã phập phồng :

Đã đi rồi có đi không

Thượng phương trùng điệp cỏ hồng thúy hương

Đi đâu mà lại lên đường

Hạ phương còn gặp cô nường năm xưa

Đã đi rồi đã đi chưa

Sắt son triều ngưỡng tình xưa hiện về

Phượng cầu ngũ lĩnh sơn khê

Một bông hồng nở bốn bề lặng im

Năm nàng tiên đậu vào tim

Âm nhập dương khởi lim dim xuất thần

Phải chăng, năm nàng tiên nữ là ẩn ngữ ám chỉ cho năm nàng thơ đã từng xuất hiện, đi qua một cách cụ thể trong đời chàng ? Có thể là như thế, phải không hỡi những Hương, Uyên, Hoài, Loan, Sương ? Củng có lẽ không phải vậy, nhưng dẫu sao thì dẫu, cuộc đời của thi nhân vẫn dạt dào cảm hứng từ những nàng thơ trên mặt đất trần gian này. Tình yêu vẫn là tiếng lòng muôn thuở, là chất liệu cho thi sĩ huy hoàng sáng tạo vô biên như triết gia sấm sét Nietzsche : “Những trực kiến, nhập kiến sâu thẳm nhất đều xuất phát từ tình yêu.” Hay như đạo sĩ Osho : “Tình yêu có thể tạo ra thiên đường ngay bây giờ và ở đây. Đây là cốt tủy thông điệp của tôi :Hãy thương yêu nhiều hơn nữa, nhiều đến mức mà bản thân bạn đơn giản trở thành một dòng suối tình yêu mà không là gì khác.” Còn Phạm Công Thiện thì : “Nói đến tình yêu tình dục thì mọi người đều run sợ. Đạo sư Krishnamurti đã hỏi một câu rất sâu sắc : “Tại sao chúng ta biến tình dục thành ra một vấn đề ?” Tất cả đều trở thành vấn đề, ngay cả tình dục cũng trở thành vấn đề. Tại sao không để tình dục phát triển tự nhiên với tinh yêu tình thương như đóa hồng hé mở với giọt sương mai ? Tình dục không phải chỉ là cảm giác, tình dục là sự tuôn chảy tự nhiên từ Nguồn Suối Tình Thương Bao La của Sự Sống.”*** Vâng, đúng là như thế, tình yêu tình dục cùng chung một suối nguồn tuôn chảy mênh mông. Tình thương, tình yêu dịu dàng phát sinh, khởi sự từ Chân Thiện Mỹ, từ cái đẹp trinh tuyền nguyên sơ, tiêu biểu từ những thục nữ, thuyền quyên, những nàng thơ, tiên nữ, duyên dáng mỹ miều, yểu điệu hồng nhan mà thi nhân bất ngờ tao ngộ trùng phùng :

Càng xa càng mông lung

Tới gần vẫn lạ lùng

Nhắm mắt sao lạ quá

Mở ra ồ không cùng

Linh hồn con gái, phải chăng là nhiệm huyền thi vị như vậy, khiến cho chàng thi sĩ mơ màng mộng mị trong từng trận trận chiêm bao ảo dị dập dìu :

Một người nằm thở quạnh hiu

Mơ mòng thiếu nữ cô liêu giáng trần

Gió khuya đập cửa bất thần

Giựt mình thức dậy mấy lần chiêm bao

Có nàng tiên dáng cao cao

Nước da mòng mọng hao hao bông hường

Cái đêm lành lạnh chiếu giường

Gió lùa hương lạ bên đường tạt qua

Đêm qua thương nhớ người ta

Tối nay tơ tưởng thiên hà bơ vơ

Tháng ngày tôi nhớ bâng quơ

Những nàng con gái bao giờ gặp đâu

Gặp nhau bao giờ chưa hỡi những sắc nước hương trời, những kỳ hoa dị thảo, những hương đồng cỏ nội khắp lâm tuyền, biên ải ngoài bến gió bờ sương ở mọi chốn muôn nơi, hỡi Sương, Loan, Hoài, Uyên, Hương… diễm tuyệt một thuở nào quyến rũ du dương tận xứ miền Liên Chiểu hay ngút ngàn sương khói Đà Lạt quá mang mang :

Bầy chim bạc má gọi đàn

Thương nhau gặp lại trên ngàn đỉnh cao

Trở về Đà Lạt ngó đào

Ghé thăm Liên Chiểu thuở nào yêu nhau

Yêu nhau cảm động dường nào ơi xao xuyến, xốn xang, rộn ràng trong tiếng hát liêu trai của nàng ca sĩ yếu gầy mà thi nhân hơn một lần say đắm trầm mê tha thiết trong hồn lệ rưng rưng :

Cô đơn về trắng sương rừng

Anh nghe tiếng hát hoang đường nửa đêm

Khuya buồn tủi nhục môi em

Mưa run lặng lẽ bên thềm bơ vơ

Tiếng ru vàng xuống đôi bờ

Hoang vu anh đứng đợi chờ chim kêu

Tay gầy ôm chặt tình yêu

Anh về phố gục những chiều hư vô

Đời đi trên những nấm mồ

Đau thương em hát cơ hồ khăn tang

Phố chiều thả bước lang thang

Như con sông nhỏ mơ màng biển xanh

Nửa đêm khói đốt đời anh

Yêu em câm lặng khô cành thu đông

Lời em như một dòng sông

Đôi bờ anh đứng giữa lòng hoa niên

Mưa chiều nước chảy triền miên

Một con chim dại lạc miền hoang lương

Về đâu thương những con đường

Lê thê phố cũ nghe buồn hè xưa

Hè xưa phố cũ tuy buồn mà vẫn có một vẻ đẹp não nùng của thứ tình yêu diêu mang lãng đãng. Chàng thi sĩ đa tình đa cảm, trót vương mang nàng thơ gầy guộc có đôi mắt sầu mộng u huyền trên cao nguyên nghi ngút sương mù bay trắng cả rừng thông, suốt mười năm trời đằng đẵng mộng mơ, nhớ thương tưởng vọng trong da diết ngậm ngùi : 

Mười năm qua gió thổi đồi tây

Tôi long đong theo bóng chim gầy

Một sớm em về theo giấc ngủ

Bông trời bay trắng cả rừng cây

 

Gió thổi đồi tây hay đồi đông

Hiu hắt quê hương bến cỏ hồng

Trong mơ em vẫn còn bên cửa

Tôi đứng trên đồi mây trổ bông

 

Gió thổi đồi thu qua đồi thông

Mưa hạ ly hương nước ngược dòng

Tôi đau trong tiếng gà xơ xác

Một sớm bông hồng nở cửa đông

Dòng thơ phơ phất trôi đi, dĩ nhiên là ẩn ngữ chập chùng, tha hồ mỗi người hiểu ý thơ mỗi cách. Phải chăng đó là cõi mộng hư ảo tự thuở nào xa ngút ở trên rừng Phi Nôm Đà Lạt hay dưới vùng biển Vạn Giã Nha Trang ? Ơi nhớ một chiều mưa thấp thoáng tần ngần, thi nhân rời bãi biển cát trắng, gõ nhịp bước đơn hành đi về leo lên sườn đồi cao Hải Đức, bỗng sực thấy cây khế bừng rộ hoa tim tím bên triền dốc đá hoang thưa :

Mưa chiều thứ bảy tôi về muộn

Cây khế đồi cao trổ hết bông

Hoa nở rồi tàn cũng như những nàng con gái mộng mơ đến rồi đi. Tuy vậy vẫn còn phảng phất những làn hương quyến rũ mị kỳ cứ ám ảnh chập chờn thoang thoảng mãi huyền mộng thơm tho trên suối tóc dịu mềm :

Đêm tối nào ru mái tóc em

Mộng gì lạ thấy quá êm đềm

Em nằm thở nhẹ như bươm bườm

Hai má thơm nồng lại nóng thêm

 

Anh ngủ dịu hiền trong giấc mơ

Rồi em vờ ngủ rất thờ ơ

Chờ khuya em khẽ bàn tay mộng

Choàng nhẹ vai anh bao phím tơ

 

Con bướm xoay mòng bay đi đâu

Mùa đông ôm nhau trên thang cầu

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here