Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Dụng công tu tập trong lúc đánh chuông mõ

Dụng công tu tập trong lúc đánh chuông mõ

164
0

Tụng kinh là chúng ta đọc lại lời Phật đã dạy, để hiểu ý nghĩa và thật hành cho đúng, nhờ thế chúng ta tạo được quả lành, tụng kinh cũng là pháp môn tu để cho tam nghiệp (thân, khẩu, ý) được thanh tịnh. 

Chuông, Mõ trong lúc làm lễ Phật, Tụng kinh gọi là Nghi thức Chuông mõ, mục đích giúp cho những người tham dự hành lễ, tụng kinh được chí thành, trang nghiêm hơn. Chuông luôn luôn để bên tay trái của tượng Phật hay Bồ Tát, mõ bên tay phải. Nguời thỉnh chuông gọi là Duy na, người gõ mõ gọi là Duyệt chúng.

Tiếng chuông phát ra nhẹ nhàng và thanh thoát, nghe tiếng chuông lòng chúng ta sẽ lắng động, thanh thản, phiền não dường như tiêu tan. Cho nên tiếng chuông rất quan trọng, lại nữa trong khi tụng kinh, tiếng chuông báo hiệu cho người dự được biết sắp chuyển qua một đoạn kinh, một biến kinh khác, hoặc niệm danh hiệu khác, sắp hết một bài kinh hay kệ, bắt đâu lạy xuống cũng như khi đứng lên được nhịp nhàng. Thỉnh thoảng trong bài kinh dài có thỉnh chuông để cho người dự tỉnh thức trong lúc tụng kinh. Có lúc cần đánh lớn cho toàn chúng nghe, có lúc chỉ cần đánh nhỏ để đưa hơi cho vị xướng lễ, không phải tiếng nào cũng có cường độ như nhau. Bởi vậy, đánh chuông cũng phải tập. Cổ đức có dạy: “Chuông biết đánh mới kêu, đèn biết khêu mới tỏ”

Đánh chuông cũng là một pháp tu, pháp tu chánh niệm. Người có chánh niệm thì khi đánh chuông nghe biết liền, tiếng trước tiếng sau như nhau, không lớn hơn và cũng không nhỏ hơn. Cầm dùi chuông cũng vậy, khi đánh xuống ta biết dùi chuông đi đến đâu, không phải cứ đánh bừa vào chuông là được. Thỉnh chuông như thế ta không biết ta đang thỉnh chuông, nghĩa là không có chánh niệm trong lúc thỉnh chuông. Thỉnh chuông đừng nên hấp tấp, tiếng nào ra tiếng đó, người biết thỉnh chuông là người có chánh niệm.

Đừng khinh thường tiếng mõ và tiếng chuông, mỗi thứ có tác dụng riêng của nó. Tiếng mõ trừ bệnh tán loạn, tiếng chuông trừ bệnh hôn trầm. Chuông gì cũng vậy, chuông U Minh, chuông Thiền, chuông Bát Nhã, chuông gia trì v.v… đều có công năng thức tỉnh long người.

Đánh chuông mõ sao cho trong Đại chúng có vài chục hay vài trăm người dự, cũng chỉ có 1 giọng tụng kinh mà thôi, không có hỗn âm. Đối với những người mới tìm đến Đạo, ta phải đánh mõ sao cho họ tụng được 1 thời kinh, để tâm Phật của họ có đủ duyên lành phát khởi, cho nên phải đánh cho đều, cho nhứt như, phải có chất liệu thiền vị.

Đánh mõ cũng vậy, chúng ta nên đánh tiếng mõ cho nó viên dung. Trong nhà Phật, lễ nhạc dùng để tán than công đức Chư Phật, để rồi theo đó mà hành. Lễ nhạc có thể đưa người đến chỗ tuyệt diệu. Tuy là hình thức sự tướng, nhưng hiểu được lý tánh trong lúc sử dụng sự tướng là đi đến chỗ viên dung. Phải hiểu cái lý đạo trong tất cả sự việc, lúc đó chân lý mới hiện lộ, “Phật sự môn trung, bất xả nhất pháp” là vậy. Trong mỗi Phật sự đều có lý tánh trong đó, đưa ta đến chỗ không tịch, hoàn toàn siêu thoát. Hiểu được như vậy, gọi là “từ trong cái sự mà hiển lộ cái lý”.

Chúng ta hiện đang sống trong cảnh đời đời tương đối, nên phải học cái tương đối, cái sự tướng. Không thể bì với người xưa, học đạo chỉ học về lý thôi. Thể nhập được chân lý mới giải thoát an vui. Nhưng ta không thể bỏ sự được, vì chúng ta đang sống trong ngũ trược ác thế, không thể ngồi nói suông. Nói suông chỉ là bánh vẽ, bánh vẽ thì không chữa được cái bụng đói. Nên trong nhà Phật có câu “phi phương tiện bất thành cứu cánh”. 

Tất cả những sự tướng ta làm đây đều là phương tiện, không bỏ được. Việc hữu vi mình đang làm tuy là giả tạo nhưng bỏ thì Phật đạo khó thành. Một khi tâm đạt lý đạo thì lúc đó ta không còn thấy sự nữa. Khi hiểu lý đạo, thì làm việc gì cũng có Thiền trong đó cả.

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here