Trang chủ Phật học Phước báu thế gian và phước điền Tam Bảo

Phước báu thế gian và phước điền Tam Bảo

130
0

Mỗi người trong chúng ta, ai sinh ra trong cuộc đời nầy cũng đều có một nghiệp quả khác nhau. Có kẻ sinh ra làm vua, làm thái tử, làm công chúa. Có người sinh ra làm quan, làm tổng thống, làm thủ tướng, làm người lãnh đạo, làm nhà tư bản, nhà giáo dục, bác học, bác sĩ v.v… Nhưng cũng có lắm người khi được sinh ra lại phải bị rơi vào trong những gia đình thiếu cơm ăn áo mặc, rách nát tang thương. Cũng có lắm người khi sinh ra đã không có đủ mắt, tai, mũi, lưỡi, tay chân v.v…

Quả thật trong cuộc đời nầy có muôn hình vạn trạng, không sao có thể kể hết ra được. Nhưng tất cả đều có chung một điểm là lúc sinh ra chỉ là kết quả của một chuỗi dài nhân quả của nhiều kiếp trước đã định sẵn rồi mà ta không biết và tuyệt nhiên chẳng có cha mẹ nào hay con cái nào có thể định đoạt sẵn cho sự chào đời ấy.

Thế gian nầy khởi đi từ 50% là thiện và 50% là ác. Nếu con người từ điểm thiện căn bản ấy tiếp tục làm thiện nữa thì kết quả là con người sẽ được sanh vào thế giới cao hơn; nhưng nếu con người vẫn mãi mê trong danh lợi, dục lạc và quên đi con đường tu tỉnh thì cũng từ 50% thiện ấy, con người sẽ rơi vào những con đường xấu ác. Tất cả đều do cái nhân chính là ta tự tạo ra; chứ không phải do cha mẹ hay một đấng thiêng liêng nào khác. Ai lại không muốn cho mình danh giá. Có ai trong chúng ta lại không muốn giàu sang phú quý, thế mà ta vẫn nghèo hèn, khốn khổ. Không ai trong chúng ta mong mỏi khi sinh ra phải làm kẻ tôi đòi, hạ liệt. Thế mà hơn 6 tỉ người trên thế giới nầy, tất cả các chỉ tay đều không giống nhau; nên nghiệp lực của mỗi người cũng chẳng giống nhau, ngay cả như anh em sinh đôi cùng cha cùng mẹ mà phước báu của mỗi người đều khác nhau.

Sinh ra được làm thái tử, công chúa hay những người lãnh đạo quốc gia, tất cả đều là do phước báu nhiều đời trước của những người nầy đã gây tạo và bây giờ họ chỉ hưởng những gì mà họ đã trồng trong quá khứ mà thôi. Họ đã làm phước, họ đã bố thí, đã cúng dường Tam Bảo, đã giúp đỡ người, giúp đời, giúp dân, giúp nước v.v… Cái nhân ấy trong quá khứ cứ tích tụ mãi trong một hay nhiều đời để trở thành một số tiền lời lớn mà họ đã để dành, khi họ trở lại làm người, chính họ được thừa hưởng những phước báu mà họ đã tu tạo từ trước. Còn những người sinh ra trong đời nầy mặc dầu cố gắng hết sức trong mọi công việc; nhưng nghèo đói vẫn hoàn nghèo đói; bởi lẽ những người ấy vay nợ ngân hàng nghiệp quá nhiều trong quá khứ, bây giờ họ phải làm để trả nợ cũ trong nhiều đời. Nợ chưa trả hết thì làm sao có thể có tiền lời cho được.

Nhiều người sinh ra thiếu những cơ phận trong người; bởi vì trong quá khứ đã liên hệ với những nghiệp sát, đạo, dâm v.v… nhưng cũng có lắm người khi mới sinh ra lại đẹp đẽ lạ thường, khiến cho ai trông thấy cũng đem lòng mến mộ. Có mỹ nhân, hoa khôi, á hậu, đồng thời cũng có những tướng cướp vang bóng một thời. Có người khi sinh ra đã ăn chay, có người muốn đi xuất gia tầm sự giải thóat; chứ không muốn vướng bận thê triền, tử phược… Có người sinh ra thông minh trí tuệ mà cũng có lắm người bị ám muội vì vô minh che lấp trong nhiều đời. Có người cơm không đủ ăn, áo không đủ ấm; nhưng ngược lại cũng có nhiều người của cải dư thừa, kẻ ăn người ở, đâu đó đủ đầy. Nhiều người cho rằng ông trời bất công; nhưng nói như vậy là chưa hiểu nhân quả của nhà Phật. Đức Phật dạy rằng “nhân nào thì quả đó“, „hình ngay thì bóng thẳng, hình vạy thì bóng cong“.

Rõ ràng là như vậy. Không ai có thể làm cho ta tốt hơn, mà cũng không có ai có thể làm cho ta xấu hơn; ngoại trừ chính chúng ta phải tự chịu trách nhiệm về những hành vi tạo tác của mình trong quá khứ liên hệ đến hiện tại và dẫn mãi đến tương lai. Đây là điểm chính của nhân duyên sanh và nhân quả nhiều đời vậy. Khi hiểu được như vậy thì chúng ta cố gắng vun trồng cội phước từ ngay bây giờ để tích lũy vốn về sau. Có như thế chúng ta mới khỏi bị điểm trừ của nghiệp quả. Có nhiều người làm từ thiện giúp kẻ bần cùng cơ nhỡ. Vì biết rằng trong đời nầy “đâu có ai giàu ba họ và cũng chẳng có ai khó ba đời“. Giúp người cũng chính là giúp mình vậy. Hiểu được như vậy thì tất cả những việc làm phước, bố thí, cúng dường v.v… chúng ta luôn hoan hỷ, không có gì để than phiền hay trách móc. Vì mình làm cho chính mình mà. Chính người đi bố thí phải cảm ơn người nhận của thí ấy. Vì lẽ nếu không có người nhận thì mình bố thí cho ai. Chúng ta cũng phải cảm ơn những người chửi mắng ta. Vì lẽ nếu không có họ thì làm sao ta biết sự nhẫn chịu của mình đã đạt đến mức nào. 

Cho nên Đức Phật đã dạy trong kinh Tạp A Hàm rằng: „Sức mạnh của trẻ thơ là tiếng khóc. Sức mạnh của người trí là dùng ánh sáng trí tuệ để xét soi. Sức mạnh của người học rộng là dùng sự hiểu biết của mình để phán đoán sự việc. Sức mạnh của đàn bà là sự hờn dỗi. Sức mạnh của người tu là sự nhẫn nhục và sức mạnh của người ngu là sự lệ thuộc vào sự khen chê của người khác“… Nội từng ấy việc, chúng ta thử thẩm định lại mình ở vào hạng người nào. Các bậc A La Hán lậu tận đã hết; nên các Ngài tuy còn sống; nhưng các Ngài đã có thể khẳng định rằng: “Ta, sự sanh đã hết, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm xong và biết chắc chắn rằng kiếp sau ta không còn tái sanh nữa“.Các Ngài thì dõng mãnh và dứt khoát như vậy. 

Còn chúng ta thì sao? Làm việc gì cũng bị sự chấp ngã và chấp thủ chi phối. Do vậy vẫn mãi còn lênh đênh trong biển khổ luân hồi, chưa biết bao giờ mới ra khỏi. Có nhhiều người Phật Tử Nam Tông ở các nước Miến Điện, Thái Lan, Tích Lan, Lào, Cam Bốt v.v… họ hiểu rất rõ về phước báu; nên họ đã tu tạo chùa tháp, cúng dường chư Tăng, hộ trì Tam Bảo; nên những nơi nầy Tam Bảo được hưng long cả hơn 2.500 năm nay và chắc chắn rằng sẽ còn dài lâu hơn như thế nữa. Có người đến ngày sinh nhật tập trung con cái về chùa phát tâm làm việc thiện, tiền bạc con cháu biếu tặng đem hiến dâng vào cửa chùa những tịnh tài ấy, nhằm vun bồi phước báu về sau. Bây giờ bên Bắc Tông, một số quý Phật Tử thấy những việc làm nầy có ý nghĩa; nên những ngày sinh nhật của chính mình hay những thành viên trong gia đình của mình cũng muốn tu tạo phước báu bằng cách về chùa làm lễ và muốn hộ trì chùa bằng cách mang những tịnh tài có được trong ngày sinh nhật dâng lên cúng dường, hộ trì Tam Bảo và để tạo nhân duyên thù thắng cho mỗi thành viên trong gia đình mình. 

Có nhiều người lý luận rằng: Chư Tăng Ni là những người xả tục xuất gia; nên để cho họ chuyên tu, còn vấn đề vật chất người cư sĩ có thể cáng đáng được; nên để cho Phật Tử tại gia lo liệu. Nhiều vị có điều kiện còn lập chùa, tháp xong xuôi, sau đó cung thỉnh chư Tăng Ni về Trụ Trì, giảng pháp. Còn việc tứ sự cúng dường đều do cư sĩ lo hộ trì. Đây là những hình ảnh đẹp mà chúng ta nên thực hành. Vì lẽ người xuất gia không có khả năng tạo ra kinh tế dễ dàng như người tại gia. Trong khi đó người tại gia vẫn còn vướng bận gia đình nên cũng không thể có toàn thời gian để lo cho Tam Bảo như người xuất gia được. Nếu cả hai bên đều cộng tác hỗ tương như vậy thì Đạo Phật sẽ được phát triển mạnh mẽ và dài lâu.

Đức Phật một hôm đứng trên núi cao nhìn xuống đồng bằng, thấy những người nông phu đang làm ruộng và họ chia những thửa ruộng ra làm nhiều mảnh khác nhau. Ngài thấy xong, cho gọi các Đệ Tử lại và dạy rằng: “Từ đây về sau những chiếc y mà chư Tăng Ni đắp hằng ngày đều nên kết thành bằng nhiều tấm vải thô khác nhau, giống như những thửa ruộng kia và đây chính là nơi mà người tại gia có thể gieo trồng phước báu vào“.Lời dạy ấy vẫn còn đây. Tuy rằng ngày nay y áo của chư tăng ni theo mỗi trường phái đều có sự thể hiện khác nhau; nhưng trên những mảnh y ấy không thiếu những mảnh ruộng phước như ngày xưa mà Đức Phật đã dạy.

Có hôm Ngài hỏi các vị đệ tử đi khất thực cùng với Ngài rằng: “Cả hai con bò đang đi cày, gồm bò trắng và bò đen. Vậy con nào khổ hơn?“. Có vị trả lời rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Con bò đen khổ hơn con bò trắng; hoặc hai con đều khổ như nhau“. Cuối cùng cũng có Thầy Tỳ Kheo trả lời rằng: “Chính cái ách nó làm cho hai con bò kia khổ“. Đức Phật từ tốn giải thích rằng: „Thật ra con bò bị khổ, cái ách không khổ mà do chính cái ý dục của con người tạo ra những loại khổ kia, khiến cho con người vì danh sắc mà phải chạy theo nó. Phàm những gì có hình tướng đều bị vô thường chi phối, mà đã là vô thường thì phải khổ, đã khổ thì đều do không chi phối, mà cái nhân chính của không là vô ngã“.Thế nhưng con người bị vô minh che lấp; nên tạo ra những hành động. Những hành động ấy là do sự hiểu biết, rồi tạo ra những hình tướng. Nếu vô minh diệt thì hành diệt, hành diệt thì danh sắc diệt v.v… cứ như thế thẩm thấu qua 12 nhân duyên và bản thể của sự vật; nếu con người thực chứng được điều nầy thì con người sẽ hết khổ; chứng được quả vô thượng bồ đề. Tuy nhiên quả ấy vẫn còn xa; nếu con người không chấp nhận những thực tế đang xảy ra nhan nhãn khắp nơi trên quả địa cầu nầy.

Ngay cả Đức Phật cũng cần đến phước đức nữa, như qua câu chuyện xâu kim cho Ngài A Na Luật thì chúng ta sẽ rõ. Một hôm Ngài A Na Luật ngồi xâu kim; nhưng vì mắt bị mờ; nên hỏi lớn tiếng lên rằng: Có ai đó có thể xâu giùm kim cho ta để được phước đức không? Đức Phật đứng gần đó trả lời rằng: “Như Lai sẽ xâu cho Ông“. Ngài A Na Luật thưa: “Như Lai đâu cần phước đức nữa“. Đức Phật trả lời Ngài A Na Luật rằng: “Chính Như Lai cũng cần phước đức“. Chúng ta nghĩ sao về câu chuyện nầy? Nó không phải là một mẩu chuyện ngụ ngôn hay truyền thuyết, mà nó là một bài học sống động cho cả người tại gia lẫn xuất gia. Vì lẽ phước đức ai ai cũng phải cần đến.

Ngài Tulku Thondup người Tây Tạng hiện đang ở Hoa Kỳ, Giáo Sư Đại Học Havard, tác giả tập sách “Peaceful Death, Joyful Rebirth“ mà tôi và Thượng Tọa Nguyên Tạng dịch là: “Chết an lạc, tái sanh hoan hỷ“ đã được nhiều người đọc. Trong sách ấy Ngài định nghĩa về công đức và phước báu như thế nầy: “Những giọt nước mưa từ hư không rơi xuống mặt đất, nước ấy sẽ chảy vào ao, rồi hồ. Tiếp đó nước sẽ chảy vào sông và cuối cùng chảy ra biển lớn. Trong biển cả mênh mông kia chứa rất nhiều nước; nhưng sẽ không thiếu những giọt nước lúc ban đầu“. Việc nầy Ngài muốn nhắn nhủ đến chúng ta những gì?

Mỗi một lạy mà chúng ta đảnh lễ trước tôn tượng của chư Phật và chư vị Bồ Tát cũng giống như những giọt nước mưa ban đầu ấy; hoặc giả khi chúng ta đi chùa, mang cúng Phật một cành bông hay đĩa trái cây; hoặc giả đốt cúng Phật một cây nhang thơm, nhẫn đến cúng dường cho việc xây chùa, đắp tượng, đúc chuông hay làm những công đức giúp người trong cơn hoạn nạn, khó nghèo; hoặc giả xây trường học, cầu cống v.v… tất cả những việc nầy là những điều có thể tạo nên biển công đức đại dương như nước trong biển cả mênh mông kia. Do vậy chúng ta không sợ chúng ta dư thừa phước báu, mà chỉ sợ rằng chưa đủ phước đức mà thôi. Ngược lại việc tạo tội, dầu là vô tình hay cố ý, chúng ta không thấy, không nghe, chẳng biết; nhưng tội ấy dần tăng, khiến cho phước báu của chúng ta tăng trưởng không kịp; nên nỗi khổ vẫn cứ mãi chất chồng và con người vẫn mãi bị vòng luân hồi sanh tử chi phối.

Từ những câu chuyện thực tế bên trên, nếu chúng ta tự suy gẫm, gạn lọc cũng như biết hỗ thẹn cho những ác nghiệp lâu nay mà chúng ta đã tự tạo trong nhiều đời, nhiều kiếp, cố gắng buông bỏ những điều xấu, thực hành những niệm thiện lương, cứu người, giúp đời v.v… thì chính đây là những nhân tố khả dĩ giúp ta có được số tiền lời đáng kể, để một mai chúng ta có đi đầu thai ở chỗ nào đi chăng nữa, thì chúng ta cũng có vốn luyến để tiêu xài. Người biết tu tập là người biết bảo hộ bởi chính mình, không nên thấy người khác tốt hay xấu, làm hay không làm, mà hãy tự nhắc nhở mình là nên làm những gì lợi lạc cho chính bản thân của chúng ta, thì đó mới là điều đáng nói.

Khuyến tấn người khác cùng làm việc thiện; đó chính là những thiện hữu tri thức của chúng ta. Chúng ta nên gần gũi những người nầy, vì gần họ lâu ngày cũng giống như đi vào trong sương mai. Tuy sương không làm cho ta ướt áo; nhưng sương ấy sẽ thấm dần vào da thịt của chúng ta. Cũng như thế, nếu ta vào rừng trầm, tuy không lấy trầm đi; nhưng mùi trầm vẫn thấm nhuộm vào thân ta. Ngược lại, nếu chúng ta chỉ muốn gần gũi những ác tri thức, chẳng khác nào ta đi vào chợ cá. Tuy ta không ăn cá, không mua cá; nhưng mùi tanh của cá làm cho áo ta mặc bị tanh lây. Do vậy chúng ta cần gần gũi những bậc thiện hữu tri thức để phước báu được tăng trưởng nhiều hơn và không nên gần gũi những bạn ác hay “cản duyên thiện sự“ thì tâm lẫn thân của ta chẳng được lợi ích gì.

Mong rằng người Phật Tử chúng ta sẽ ý niệm được như vậy.

Viết xong vào một sáng đầu xuân tại thư phòng chùa Viên Giác Hannover-Đức Quốc 2014

T.N.Đ

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here