Trang chủ Sáng tác - Nghệ thuật Lối mòn

Lối mòn

171
0

Thỉnh thoảng lắm, những ngày cuối đông năm nay ở Huế mới có chút nắng. Nắng lên một tí, người buôn bán chưa kịp mừng thì đã thấy những giọt mưa lất phất rơi, cái cảnh thâm trầm lạ. Vậy đó mới có thể là Huế. Lất phất trong mưa, đã thấy đôi chút tin tức mùa xuân trở về.

Có một hôm tôi thong thả đi lên một đồi thông chơi. Đồi thông này khá rộng, tôi ít khi đi vào trong lòng, chỉ đi ngoài bìa đồi để ngắm toàn cảnh mà thôi. Hôm đó có nắng lên, khí trời ấm áp, những đọt thông non đã bắt đầu vươn lên rất mát mắt, tràn đầy sức sống. Hoa thông cũng ra nhiều, từ màu tím chuyển qua màu vàng là bao nhiêu gam màu khiến cành thông thêm xuân. Phấn thông gặp một cơn gió, hay một bàn tay ai lay cành thì bay vàng mỏng mảnh. Tôi thong thả đi vào lòng đồi thông, ngắm từng gốc ngọn như thưởng thức một sơn hào. Có những cây thông vươn cao khỏe mạnh, có những cây chỉ cao ngang tầm đầu trẻ con, nhưng cây nào cũng đang sống trọn vẹn phần đời của mình, không mặc cảm, không cao ngạo, không chán chường. Tất cả sống hòa điệu với nhau, nâng đỡ nhau, hứng chịu gió sương và chung chia ánh sáng cùng nhau. Đó là bài học lớn khi nhìn vào một rừng cây. Đi một lúc, tôi thú vị phát hiện ra, bên trong có những con đường mòn ngang dọc.

Trên đồi Trị Liệu có những cây củi nhỏ và rất nhiều cây chổi núi. Người dân từ làng lên đồi, có nơi phải đi qua đồi thông. Họ len lỏi giữa đồi thông để đường đi ngắn lại, hết người này đến người khác, ngày này đến ngày nọ, giữa vùng hoang sơ ấy xuất hiện những con đường mòn, đi khỏi vướng bụi gai. Tôi ngắm nhìn những lối mòn rất thơ. Có lối mòn hiện ra rõ ràng, có lối chỉ hiện ra nhỏ nhỏ, mờ mờ, cũng do người ta đi nhiều hay đi ít mà tạo nên. Nếu những lối mòn ấy, nửa năm, một năm không ai đi thì cỏ lại phủ kín, bụi gại giăng ngang, không có ai còn nhận ra nơi ấy năm xưa từng có một lối đi về…

Dựa lưng vào một gốc thông, tôi thử nhìn sâu hơn nữa về những lối mòn. Xưa kia, vốn ở đây không có những lối mòn, nó là vùng đồi núi hoang vu, rồi người dân đi lại, từ từ những đường đi hiện rõ ra. Nhìn vào hợp thể ngũ uẩn, tôi thấy cũng có những lối mòn như vậy.

Khi nghe một bài nhạc não nề, một bài thơ buồn, ta có cảm giác khổ lụy. Dù người sáng tác bài thơ hay bản nhạc đó chưa hề quen biết mình, nhưng người đó đã chạm vào đúng lối mòn mà ta sự rung cảm trong ta từng đi ngang qua bao nhiêu lần, bây giờ nó có thể không chỉ là lối mòn, nó là con đường cái quan rồi cũng nên. Lối mòn đó được gọi là lối mòn tư duy.

Tư duy cũng được chúng ta tích chứa lâu ngày để thành những lối mòn. Có những tư duy đi về hướng tích cực như tư duy về tình thương, trí tuệ, sự cảm thông, sự tạo dựng hạnh phúc cho số đông, ta gọi là chánh tư duy. Có những tư duy kéo ta về hướng tiêu cực như suy tư về những vấn đề làm phát sinh lòng tức giận, tham dục, oán trách, trả thù, ta gọi đó là tà tư duy. Vấn đề gì mà ta tập trung tư duy lâu ngày thì nó đậm nét hơn, lối mòn hiện ra rõ ràng hơn.

Những lối đi, ta có quyền lựa chọn, đó là nghĩa của sự chuyển nghiệp.

Nghịch nỗi, tư duy thường kéo chúng ta về hướng tiêu cực, tà tư duy, giận hờn, ganh ghét, hơn thua, tuyệt vọng, mất niềm tin với cuộc đời này. Đây là những thứ chúng ta đã huân tập rất lâu từ môi trường sống xung quanh cũng như từ chính bản thân ta. Vì thế, lối mòn dẫn ta về sự chông gai, khổ đau dường như nhiều hơn là mở ra cõi sáng, cõi yên, cõi sang. Khi biết một con đường dẫn đến nguy hiểm, cấu uế, chúng ta cần khước từ con đường đó, đừng để cho thói quen dắt ta đi. Thói quen là một sự phù phép. Lâu ngày không đi, con đường đó dần sẽ bị khỏa lấp, dấu vết sẽ mất hẳn. Cần có sức mạnh mới có thể khước từ được. Sức mạnh đó là sức mạnh của niềm tin, của sự tinh cần, của niệm, của định và sức mạnh của tuệ. Có năng lượng của năm sức mạnh ấy (Ngũ lực), thì lối mòn đi về chỗ bạo động, ham muốn, hận thù, nghiện ngập, thói quen xấu… sẽ không thể tồn tại trong hợp thể năm uẩn. Điều đó không dễ, thân tâm phải được huấn luyện liên tục để thuần thục, từ từ được thuần thục. Khi đó, ta mở ra những lối mòn tư duy mới, cao sang, nhân phẩm, đẹp, đi về một cõi đời nhiệm mầu.

Những lối đi, ta có quyền lựa chọn, đó là nghĩa của sự chuyển nghiệp.

Hôm nay, tôi vác cuốc và cái chổi ra để mở lại con đường thiền hành quanh chùa. Con đường này trước đây huynh đệ đã cùng nhau mở, nhưng do mùa mưa tới, không ai chăm sóc, ít có người đi nên cỏ lại mọc lấn lên lối mòn. Bây giờ phải làm lại, không khó khăn như ban đầu, nhưng phải làm, nếu muốn có lại lối mòn. Tôi làm việc, cuốc cỏ, quét sạch và theo dõi hơi thở, quán chiếu sâu thêm về sự tu học. Đường tu của mình cũng thế thôi, cần phải giữ gìn tâm bồ đề, chí nguyện tu học liên tục, để thấy rõ con đường. Cỏ rác sẽ tràn lan nếu mình không dọn dẹp. Thân tâm ta cũng thường đi qua bốn mùa xuân hạ thu đông, có khi đầy hứng thú tu học, có khi thấy chút chán chường, mất nhuệ khí hay hư hao niềm tin, bão tố nổi lên gây bao tan nát. Những lúc lao đao ấy, người tu phải biết trở về nhìn sâu vào từng tâm hành và cảm thọ, để trị liệu năm uẩn, cẩn thận đừng tạo ra lại và đi trên lối mòn tiêu cực mà trước đây chúng ta đã ý thức và từ bỏ. Tuệ giác của đạo Phật, là để đương đầu với cả những khó khăn như muốn kéo ta ngã quỵ, đầu hàng.

Một lối mòn dễ thương được tạo ra trong khuôn viên chùa, tôi khẽ mỉm cười, và một lối món dễ thương cũng vừa được tạo ra trong tôi, để gió xuân gọi về một cành mai…

Kim Sơn, 24.01.2014

N.T

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here