Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Học nói

Học nói

147
0

Lời nói, thuộc về khẩu nghiệp, liên hệ tới giới thứ tư trong năm giới căn bản của Phật tử. Với người Việt Nam, nói năng rất được chú trọng. nói thế nào cho có ý tứ, có lễ độ, chừng mực. Người dân vẫn thường nhắc nhở nhau:

“Học ăn, học nói, học gói, học mở”
“Lời nói không mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”

Hoặc như:

“Trước khi nói uốn lưỡi bảy lần”
“Ăn có nhai, nói phải nghĩ”

Vậy thì  người Việt Nam từ xưa đã chấp nhận giới thứ tư hiển nhiên  như chuyện phải ăn hàng ngày.

Trong cuộc đời, có lẽ ai cũng từng kinh nghiệm về hậu quả của việc nói không đúng sự thật, nói dối. Bao nhiêu đứa con nít bị phạt quỳ, bị đòn roi vì một lời nói không thật. Bao nhiêu người phải mang họa vì một lời nói vu khống, một lời nói độc ác.

Và có lẽ ai cũng từng kinh nghiệm về sự ấm áp, êm đềm khi nghe một lời nói hòa ái, đầy yêu thương, cảm thông, đạt tình thấu lý.

Người ta bảo, “Lời nói gió bay”. Bay đi đâu? Nhiều người diễn rộng ra theo cách, ừ thì, nói rồi thôi, lời nói như cơn gió thoảng bay, không còn gì hết, không cần phải để bụng, không ảnh hưởng ai. Lời nói thành cơn gió bay mất tiêu. Làm gì có cái từ có mà trở thành không. Vậy thì lời nói như gió bay đó sẽ bay đi đâu? Không phải bay mất, mà bay vào lòng người, luân hồi để tạo nên những đường nét trong bức tranh cuộc đời. Đường nét trong bức tranh ấy, đẹp hay xấu, tươi sáng hay ảm đạm, là tùy thuộc vào sự luân hồi của lời nói, của cách nó bay vào lòng người.

Tôi nhớ hoài khi bắt gặp một câu trong Cỏ xót xa đưa, bản nhạc của Trịnh Công Sơn, có thể làm sáng ý Lời nói gió bay: “Người đã đến, và người sẽ về bên kia núi, từng câu nói là từng cánh buồm dong cuối trời, còn lại tiếng cười khóc giữa đời…”.

Con người sinh ra, là đi đến, rong chơi trong cuộc đời và rồi trở về bên kia núi, đi qua một cuộc hành trình. Trong những tháng ngày đó, chúng ta đã sử dụng ngôn ngữ để chuyển tải những dòng sông trôi chảy của thân thể, cảm thọ, tri giác, tâm hành và nhận thức. Ngôn ngữ trôi ngang hợp thể năm uẩn ấy như những cánh buồm dong về cuối trời, đi xa hoài xa mãi. Nhưng nhìn cho kỹ, nó không hề mất, từng câu nói ấy vẫn còn luân hồi mãi trên cuộc lữ này. Lời nói còn lưu lại tiếng cười reo vui hạnh phúc, chí lý, chân thật, đúng, hay khiến cho đời thêm ràng rụa tiếng khóc than, oán trách, tang tóc, thù hận. Những câu nói ấy góp phần mang chúng ta luân hồi tùy theo nấc thang giá trị của thứ ngôn ngữ ta sử dụng.

Có khi, lời nói của ta như một nhát dao, một mũi kim hay một mũi tên có tẩm độc tố bắn thẳng vào tim người nghe, khiến sự thương tổn ấy khó lòng trị chữa được. Một câu nói, mà mười năm sau, hai mươi năm sau nghĩ lại ta còn thấy tâm hồn đau nhức, còn khóc được. Có thể câu nói đó là của ba mẹ, bạn bè, thầy cô giáo hay con cái ta, hoặc chính của ta. Một câu nói mà có thể hóa thân thành dây thòng lọng, thành những thứ thuốc chấm dứt một cuộc đời. Nguy hiểm vậy đó. Nên phải cẩn thận. Đức Phật nhắc hoài nhắc mãi chuyện phải sử dụng ngôn ngữ từ ái, ái ngữ, chánh ngữ trong mọi hoàn cảnh. Ngài bảo: “Con người sinh ra trong đời nếu sử dụng ngôn ngữ độc ác thì cũng như một lưỡi búa trong miệng mình. Chính lưỡi búa ấy sẽ chặt đứt thân mạng của mình. Khen ngợi cái ác cũng như nói lời ghét bỏ những người được xưng tụng, cả hai đều là chuyện không nên làm. Ưa thích tranh cãi và đấu lý sẽ đem lại tình trạng không bình an sau này” (kinh Pháp cú, phẩm Ngôn ngữ, số 3 và 5).

Có khi, lời nói là một thứ thần dược giúp chúng ta thấy rõ tự thân, thấy rõ bản chất cuộc đời, kéo chúng ta ra khỏi những đêm tối hãi hùng giam hãm trong nghi ngờ, tuyệt vọng, hận thù, thác loạn. Lời nói như có vị ngọt, vị ngọt của Cam Lồ: “Đừng ôm ắp ý muốn làm tổn hại và trừng phạt kẻ khác. Không có tiết tháo thì lời nói không trung thực. Nói lời có nghĩa, có lý thì cũng giống như nói pháp, những lời như thế có vị ngọt của Cam Lộ. Tâm chí thành đưa tới lời nói Cam Lộ, đúng như giáo pháp mà không ai có thể trách cứ được. Lời nói ấy phù hợp với chân nghĩa, với chánh pháp, đi đúng vào con đường chánh đạo. Ai có khả năng sử dụng ngôn ngữ tốt lành thì sẽ không tạo tai họa cho chính mình, cũng không gây xung đột với người” (kinh Pháp cú, phẩm Ngôn ngữ, số 8, 9 và 11).

Có khi, lời nói tự thân nó không chuyên chở một giá trị gì, nên cứ xuề xòa đặt vào một địa vị: khỏa lấp sự im lặng. Con người đôi lúc không chịu đựng nỗi sự im lặng khi còn thức, nên cần phải nói. Nói để quên sự vắng trống trong hồn. Nói để khi không có ai để nói, sự trống vắng lẻ loi ấy lại tăng lên gấp bội. Chúng ta có thói quen thường đi tìm những tiện nghi tình cảm dù hèn kém, tầm thường, để xóa đi cái mặc cảm mình không bằng ai. Trịnh Công Sơn coi đây là một sự phá sản: “Đám đông và sự ồn ào không phải luôn luôn là đại diện của sự sống. Ta cần sự nghỉ ngơi và tĩnh lặng không phải chỉ trong lúc nằm bệnh mà ngay cả trong lúc đang sinh hoạt bình thường. Tiếng động ầm ĩ cũng giống như sự phát ngôn huyên thuyên không có cơ may chấm dứt trong những cuộc họp mặt hoặc trong những buổi trà dư tửu hậu. Đó chỉ là sự phá sản của những não trạng không bình thường. Nó làm mệt mọi người và cả cuộc sống” (Tĩnh lặng và huyên náo).

Người Việt Nam từ xưa đã có truyền thống tâm linh là Phật giáo, nên đã thừa hưởng được rất nhiều tuệ giác lớn. Người Việt nhắc nhau: “Đường đi từ cửa miệng”. Hiểu thông thường thì, anh đừng bao giờ sợ không biết đường đi, ngang đâu sợ lạc đường thì hỏi người ta chỉ cho. Có cái miệng để hỏi đường thì thế nào cũng đến nơi cần tới. Câu nói đó còn chuyên chở một nghĩa lý thâm huyền hơn. Miệng của anh, của chị chính là con đường để anh chị bước tới đó. Anh chị hãy cẩn thận. Sử dụng miệng lưỡi để đi về con đường tốt đẹp, chân chánh, thuần thiện hay đi về con đường u ám tăm tối, khổ đau, bất hạnh, tù ngục, tất cả tùy thuộc vào cửa miệng của anh chị. “Nói lời có nghĩa, có lý thì cũng giống như nói pháp”,” “Đường đi từ cửa miệng” có giá trị như một tiếng chuông thức tỉnh nhân loại. Học nói là học tu, để đầy đủ văn tuệ, tư tuệ và tu tuệ.

Hương vị trong giọt ngọt cam lộ ấy, ta cũng thấy thấp thoáng nơi mấy lời Tâm ca:

“Tôi sẽ hát to hơn những kẻ khơi ngọn lửa thù
Lời tôi ca, lời tôi ca như suối rừng thu
Lửa âm u ai đốt từ lâu
Miền quê tôi khan tiếng kêu gào
Lời tôi ca như nước nhiệm mầu
Thành mưa rơi cho dứt niềm đau”
(Phạm Duy)

Nhìn lại cấu trúc cơ thể con người, tôi mỉm cười. Đằng sau cấu trúc ấy, có chăng lắm bài học thú vị. Tại sao con người có tới hai lỗ tai mà chỉ làm một việc duy nhất: nghe? Tại sao duy nhất một cái miệng mà phải sử dụng vào bao nhiêu chuyện: ăn, huýt sáo, uống nước, hát, nói…? Phải không, để nhắc chúng ta học bài học: nên tập lắng nghe người khác nhiều hơn là nói.

Ngồi pha bình trà, thưởng thức và ngồi viết lại vài dòng suy nghĩ. Chợt nhớ có hôm tới một nơi đông người. Ngồi trong một bộ bàn hình chữ nhật, người ta nói bao nhiêu là chuyện trên trời dưới đất, cười cợt không đâu vào đâu. Lâu sau có người chừng thắc mắc, quay qua hỏi tôi, này thầy, thầy tu pháp môn gì mà im lặng dữ vậy? Tôi quay qua, nhìn vào mắt người vừa hỏi, trong lòng bỗng dâng lên niềm xót thương tội nghiệp. Trong đầu tôi lang thang về hai câu thơ cái kiểu của lão Bùi. Tôi tự đọc thầm cho tôi nghe:

Tầm phào thời sự tầm thường
Chi bằng uổng khẩu dạo đường vô ngôn

Chắc Ni sư Diệu Nhân cũng tủm tỉm cười cho cái câu rườm rà ấy. Lão ni cũng cười vì trong ấy có mấy chữ của người: uổng khẩu vô ngôn, ngậm miệng không nói.

Đồi Trị Liệu, 15. 01. 2014

N.T

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here