Trang chủ Sáng tác - Nghệ thuật Lan man Tết Huế

Lan man Tết Huế

156
0

Cứ vào độ cuối tháng 11 Am lịch trở đi thì không khí Tết dường như đã dần dần hiện diện trong cái tiết trời, cây cỏ và trong sinh hoạt thường nhật của người Huế.

Mặc dù mưa lạnh dai dẳng vẫn còn kéo dài nhiều tuần nữa nhưng những ngày nắng ấm bất chợt đã xuất hiện nhiều hơn. Vào những ngày nắng hiếm hoi đó dường như có một cái gì đó thật khác lạ, thật phấn chấn trong tiết trời, tạm gọi đó là mùi Tết. Nó phảng phất đâu đó trong cái nắng bất chợt vào buổi sáng, cái se se lạnh vào lúc chiều tối hay quyện giữa đám sương mù vàng sậm trong ánh đèn đường Thành Nội. Không khí đôi lúc có mùi nồng nồng, nong nóng. Khó diễn tả lắm nhưng rất dễ cảm nhận.

Trời chuyển tiết dường như cũng nhanh hơn và bất ngờ hơn, nhiều khi chỉ dự đoán được bằng những dấu hiệu rất riêng. Mới chiều tối hôm trước còn mưa lạnh sụt sùi, nhưng chỉ nhìn vào đám lọ nghẹ (nhọ nồi) cháy lăn tăn ở đít cái ấm nước vừa nhấc ra khỏi bếp củi là Mạ tôi liền nói: “Ri chắc có lẽ là ngày mai Ông tạnh rồi”. ‘Ông’ ở đây là ông Trời. Nghe Mạ tôi nói nhiều khi rất tức cười: đã ‘chắc’ rồi mà còn ‘có lẽ’ nữa. Tôi thì dự đoán chuyện nắng – mưa, mưa – nắng theo cách khác: nếu buổi tối khi đi ngủ tự nhiên thấy hai vành tai hoặc hai bàn chân, bàn tay mình tự nhiên nóng ran lên thì sáng mai thời tiết sẽ thay đổi theo chiều ngược lại. Một cách khác nữa được nhiều người thừa nhận hơn là nếu tối hôm trước sương mù dày đặc thì thể nào sáng hôm sau trời cũng nắng ấm.

Nhân nói chuyện sương mù thì cũng có nhiều cái để kể. Ở Huế thời gian này vào sáng sớm nhiều hôm sương mù giăng dày đến nỗi khó nhìn rõ vật gì cách mình 10 mét. Buổi sáng đạp xe đi học từ An Cựu lên Trường Hai Bà Trưng ở Lê Lợi nhiều khi sương thấm đều vạt trước áo len và đọng ướt cả tóc, lông mày, lông mi. Tôi vẫn còn nhớ con đường Nguyễn Huệ trước kia đoạn từ Cung An Định chạy ngang qua Dòng Chúa Cứu Thế lên đến Nhà Đèn hai bên đường có khá nhiều cây phượng ta và phượng tây (hoa nhỏ, màu vàng). Vừa đạp xe ngắm nhìn hàng cây mờ mờ ảo ảo trong sương, hít căng lồng ngực cái không khí lành lạnh thấm đẩm hơi sương đó cũng là một cái thú mà đã lâu rồi tôi không còn tìm lại được.

Lạ nhất là những lúc sương mù như thế này thì ruồi đồng ở đâu ra nhiều vô kể, không bay đi bay lại mà cứ lơ lửng lửng lơ trong không trung, chỉ cao hơn tầm đầu người một chút, lâu lâu lại vụt đổi vị trí. Bay nhè nhẹ trong đàm sương mù nhiều khi là những sợi tơ Trời trắng tinh. Đến bây giờ tôi vẫn chưa tìm hiểu xem những sợi tơ Trời này do đâu mà có và sao lại gọi là tơ Trời. Chỉ biết rằng lúc đó con nít tụi tôi thường cố chụp lấy một sợi và … ăn, tin rằng của Trời thì phải ngon và quí, nhưng thật ra nó chẳng có vị gì cả.

Càng cận Tết mưa nhỏ hạt dần, khí trời khô hơn nhưng vẫn còn rất lạnh. 15-17 độ là chuyện thường. Ban đêm đi ngủ nhiều khi phải quấn người kỹ trong mền cả tiếng đồng hồ mới thấy ấm hai bàn chân. Hồi còn nhỏ, năm nào gần Tết tôi cũng cầu mong trời cứ mưa lạnh cả tháng Chạp cũng được, miễn sao mấy ngày Tết phải nắng để còn đi chơi và diện áo quần mới. Người buôn bán chạy ăn cho gia đình như Ba Mạ tôi thì ngược lại, chỉ ước sao tháng Chạp ít mưa để hàng họ còn có người mua, gom tiền trả nợ, đóng hụi và dành dụm chút ít. Về sau này, khi gia đình đã đỡ vất vả hơn thì hình như hai ông bà cũng thích ba ngày Tết ấm áp để còn thăm viếng bà con thuận tiện hơn.

Khoảng cuối tháng 11 đầu tháng Chạp người Huế bắt đầu rục rịch chuẩn bị Tết. Sớm nhất có lẽ là những người trồng cây cảnh bán Tết. Không phải là chuyên nghiệp nhưng hai cha con ông hàng xóm nhà tôi cũng dành nhiều thời gian chăm chút hơn cho dăm ba chục chậu kiểng của mình. Tôi không rành về cây cảnh nhưng ba tôi nói mấy gốc sung gốc tùng của hai cha con ông này rất thường – được một cái là hầu như năm nào ông hàng xóm này cũng cho ba tôi mượn chưng mấy ngày Tết một hai chậu không bán được.

Trồng cây cảnh và hoa bán Tết chuyên nghiệp là phải nói đến những vườn bên Vỹ Dạ, trong Thành Nội hoặc dưới Bao Vinh. Mấy loại hoa thường ‘hút’ hàng và không kén người mua mấy là cúc vạn thọ, cúc kim, thược dược và đặc biệt là mai. Dịp Tết, người Huế không chơi cây đào như người Bắc, không chơi cây lộc như người Nam, mà chỉ chưng mai vàng. Phổ biến nhất là mai bốn cánh và năm cánh. Quí hơn cả là mai sáu cánh. Bắt đầu vào khoảng 20-23 Tết trở đi, dọc hai bên lề các con đường như Hùng Vương (trước mặt chợ và bến xe An Cựu), Trần Hưng Đạo (trước mặt chợ Đông Ba) và nhiều nhất là đường Thống Nhất (bây giờ là Lê Duẩn), những người bán mai xếp hàng ngang trong mưa lạnh, tay cầm một vài nhánh mai mời người mua. Rất ít trong số họ là những người trồng mai mà chỉ là những người đi mua lại mai vườn, về chặt theo thế để bán lẻ kiếm lời.

Cùng thời gian này, các chợ hoa ở Huế cũng bắt đầu mở. Hồi trước, tôi biết có ba chợ hoa chính ở Huế: Cung An Định, Thương Bạc và Phu Văn Lâu. Chợ hoa Cung An Định và Thương Bạc thì có kèm theo các trò hội chợ. Bây giờ thì hình như chỉ còn có chợ hoa Phu Văn Lâu. Chợ này bây giờ được bố trí trên khoảng đất trống ở Phu Văn Lâu, kéo dài từ Cửa Nhà Đồ cho đến Cửa Ngăn. Mỗi chủ hàng giăng một dây dừa quây lấy một khu đất khoảng vài ba chục mét vuông của mình rồi bày tất cả các loại hoa và cây kiểng trên đó. Cây kiểng thì thường được vô chậu từ rất lâu nhưng hoa thì thường chỉ mới được vào các loại chậu lớn nhỏ khác nhau chỉ cách đó một vài ngày – chắc là để dễ chăm sóc và tươi lâu hơn. Đi chợ hoa mấy ngày này thiệt là vui. Đủ các loại hoa, đủ loại màu sắc và đủ loại giá cả. Trả giá (mặc cả) là một việc đương nhiên khi đi mua hoa, thường thì chủ hàng nói thách khoảng 30% và hầu như cả người bán lẫn người mua chả bao giờ lấy làm bực mình vì chuyện trả giá mất thì giờ này cả. Tết mà. Riêng tôi thì hay cho rằng dù mình có mua bị mắc hơn một chút cũng chấp nhận được vì nghĩ đến những cái rủi ro, cực khổ của người trồng hoa và bán hoa Tết. Người trồng hoa gặp năm trái tiết Trời làm hoa nở sớm hoặc nở trễ dịp Tết thì bao công lao, vốn liếng mấy tháng trời coi như đổ sông đổ bể. Hoa nở đúng dịp Tết cũng chưa chắc hứa hẹn thu lại vốn. Chỉ cần hai tuần trước Tết mà mưa lạnh liên tục thì coi như lỗ vì lượng người đi chợ hoa giảm hẳn. Rất nhiều năm các chủ hàng phải bán đổ bán tháo phần lớn hoa vào đêm giao thừa để còn dọn dẹp, trả lại mặt bằng cho chính quyền. Chính vì vậy mà khá nhiều người trước Tết đi chợ hoa rất nhiều lần, lựa chọn, trả giá nhưng chỉ đợi đến tầm 8-9 giờ tối đêm giao thừa mới đi mua để được giá rẻ. Có để ý nhìn những chủ hàng ngồi co ro trong mưa lạnh, lo lắng nhìn cả trăm chậu hoa đẹp mà ế ẩm của mình trong những đêm cận Tết mới thấy được phần nào cái khổ của nghề này.

Người Huế đi chợ hoa ngoài việc để mua hoa hay ngắm hoa mà hình như còn để cảm nhận một cách rõ ràng hơn là Tết đang đến và mình đang đón Tết.

Thường đồng thời với chợ hoa là Hội chợ. Như đã nói ở trên, hồi trước bên bờ Nam Sông Hương thì hội chợ mở ở Cung An Định, bờ Bắc thì Thương Bạc. Gọi là hội chợ chứ thực ra chỉ là mươi gian hàng cất tạm bằng phên nứa trên một bãi đất trống khoảng năm bảy trăm mét vuông, mỗi gian hàng là một trò chơi ăn tiền, quanh đi quẩn lại cũng chỉ là bầu cua cá ngựa, ném lon, ném vòng, lô tô, bài chòi…

Đơn giản là vậy mà hội chợ với tôi hồi đó có sức hấp dẫn hết sức lớn. Cảnh nhộn nhịp huyên náo, người lớp trong lớp ngoài trước mỗi gian hàng, tiếng rao trò chơi dồn dập, thúc giục… tất cả tạo ra một hấp lực ghê gớm. Tôi mê nhất là trò lô tô, không phải để chơi mà chỉ để nghe hò. Thường thì chủ những gian hàng này là người trong Nam, hay chí ít là họ nói và hò giọng Nam. Mà đối với một thằng con nít như tôi thì nói giọng Nam tức là người Sài Gòn, mà Sài gòn là đại diện cho những gì mới lạ, là văn minh, là giàu sang, là đáng ao ước với phần lớn trẻ con (và cả người lớn) ít được đi đây đi đó ở Huế. Hồi đó, tôi thuộc hầu như gần hết các câu hò cho từng số lô tô, mặc dù bây giờ nhớ lại thấy chúng thật ngô nghê và tức cười:

“Lô tô lô tô
Quí bà quí cô, muốn đánh lô tô thì phải nghe cho rõ
Xin đừng đãng trí kẻo lộn cờ kinh.
Con gì nó ra đây, là con gì nó ra đây
Con năm gì đây, là con năm gì đây
Con năm hay náu là con năm mươi sáu…”

Cứ như vậy mà những câu hò này như hớp hồn tôi hồi đó.

Một trò chơi khác cũng hấp dẫn tôi coi không kém là bài chòi. Tương tự như bài tới nhưng bốn người chơi ngồi trong bốn cái chòi lá quay mặt nhìn nhau. Người chơi bài chòi phần lớn là những ông già bà già. Một người khác hò gọi những con bài những câu hò rất hay, vừa giống hò giã gạo, vừa giống hò ru con. Một người khác nữa chạy đi chạy lại giữa các chòi để đổi các con bài, hình như thế. Lâu quá không được coi chơi bài chòi nên tôi chỉ nhớ mang máng về trò này như vậy mà thôi. Hơn nữa, hình như đã lâu người ta không còn chơi bài chòi nữa rồi.

Hội chợ hồi đó tôi nhớ hình như thu hút đủ loại người, đủ loại lứa tuổi. Có lẽ, một phần vì thời buổi khó khăn nên Tết nhứt chẳng có hoạt động giải trí nỗi bật nào khác. Hồi khoảng 6-8 tuổi thì ba tôi hay dắt tôi đi hội chợ, thường là với một lời dặn với theo của mạ tôi: “Coi chừng cả bị móc túi”. Thường thì tôi chỉ được chơi một hai trò cho có vì đâu có đủ tiền, một phần vì mạ tôi rất không thích bài bạc. Nhưng cái vui không ở chuyện chơi mà chính là cái cảm giác được hoà trong cái không khí hỗn độn và nhộn nhịp đó.

Hội chợ bây giờ chỉ còn ở Thương Bạc, thu hút chủ yếu dân ở các làng phụ cận lên Huế chơi Tết mà thôi. Cũng vẫn một cách bài trí, những trò chơi cũ mà sao mỗi lần đi ngang qua hội chợ tôi thấy nó tội nghiệp và đìu hiu quá – tiêng tiếc một cái gì đó không rõ.

Người Huế khá kỹ tính và cầu kỳ trong chuyện ăn uống, đặc biệt là dịp Tết nhứt. Loại bánh mà hầu như nhà nào cũng có vào dịp Tết là bánh chưng, bánh Tét. Hồi trước, khi cả tám chín anh em tụi tôi còn ở chung với ba mạ, nhà tôi hay gói và nấu bánh tét, thường thì canh chừng sao cho bánh chín tới vào chiều ba mươi Tết để ba ngày tết bánh vẫn còn mềm ngon. Dĩ nhiên ba tôi là người đảm trách khâu quan trọng và khó nhất: gói bánh. Tôi không nhớ kỹ về cách gói bánh và qui trình nấu, nhưng hình như từ khi bắc nồi bánh lên nấu cho đến khi chín cũng phải mất mười mấy tiếng đồng hồ, với không biết bao nhiêu lần châm nước vô nồi. Trời Huế cuối tháng chạp vẫn còn lạnh lắm nên ngồi canh nồi bánh tét cũng lã một cái thú, vừa cố thu hết hơi ấm từ lò lửa vừa góp vào câu chuyện ăn tết năm nay sẽ như thế nào của mọi người xung quanh.

Hồi đó kiếm cho ra một cái nồi đủ to để nấu 15-20 đòn bánh tét không phải là dễ nên thông thường trong xóm thường mượn nồi của nhau để nấu, nhà này nấu xong thì cho nhà khác mượn hoặc hai ba nhà góp lại nấu chung cho tiện. Phổ biến nhất là lấy thùng gánh nước để nấu. Nếu nhà ai không có điều kiện để nấu bánh thì đặt tiệm nấu. Ở Huế, có hai ba cửa tiệm nổi tiếng ai cũng biết chuyên nấu bánh chưng bánh tét bán quanh năm, không cứ gì ngày Tết. Mấy tiệm này nằm ở đường Nhật Lệ bên hông trường Nguyễn Huệ nên lấy chung một thương hiệu là Bánh chưng Nhật Lệ, tức cười một điều là tiệm nào cũng khẳng định mình là ‘chính hãng’. Cả ba tiệm đều đắt hàng nên nếu qua chừng 25-26 tháng Chạp mới qua Nhật Lệ đặt bánh thì e rằng không còn kịp.

Mấy năm gần đây, hình như người Huế ít nấu bánh tét riêng từng nhà mà đặt tiệm nấu nhiều hơn. Nhà tôi cũng vậy, ở nhà chỉ còn hai ông bà già quanh quẩn với nhau, con cái người thì ra ở riêng, người thì đi xa làm ăn, cận Tết mới cố về thăm ba mạ một vài ngày – biết bao giờ mới tìm lại được hơi ấm bên nồi bánh ngày xưa, tìm vui cho mình và cho ba mạ nữa.

Ngoài bánh chưng, bánh tét, người Huế còn bày ra khá nhiều loại bánh mứt khác như: bánh thuẩn, mứt gừng, mứt dừa, mứt bí đao, mứt cà rốt, mứt hột sen… Có lẽ Kim Long là nơi làm bánh mứt bán Tết nhiều nhất ở Huế. Đây chính là đầu mối để các hàng bánh mứt các chợ lớn như Đông Ba, An Cựu, Tây Lộc lấy hàng dịp Tết. Về sau này, Kim Long không còn nhộn nhịp làm mứt như trước nữa vì bánh mứt đóng hộp, sặc sở và đa dạng từ Sài Gòn ra, Hà Nội vào đã tràn ngập Huế với giá phải chăng. Dù bây giờ bánh mứt nhiều hơn, ngon hơn nhưng món mứt nhiều làm tôi nhớ nhất lại là sắn ngào, rất quen thuộc với anh em tôi trong dịp Tết những năm sau 75. Hồi đó, hầu như nhà nào cũng ăn độn, khi thì sắn, khi thì hột bo bo (hình như đây là một loại ngũ cốc dành cho ngựa ăn thì phải). Sắn hiện diện ngạo nghễ trong mọi bửa ăn của gia đình tôi hồi đó, khi là thành phần độn (nói là độn nhưng thực chất là chính vì chiếm tỷ lệ tới 70% so với cơm), khi là bửa chính. Sau khi nấu, nếu những củ sắn nào bị xâm (thâm đen, cứng và có vị đắng) hay những khúc sắn nào bị chang (nhiều xơ bọc xung quanh) đều được xắt thành từng lát mỏng, cỡ bằng hai đầu ngón tay rồi mang phơi khô, cất kỹ. Tết tới, mấy chị tôi mang loại sắn này ra ngào với đường và gừng và ít giọt chanh. Sản phẩm cuối cùng là một loại mứt sắn giòn, có vị ngọt của đường, có vị bùi bùi của bột sắn, có vị cay cay của gừng, có vị đăng đắng của đường thắng. Đúng như vị của cuộc sống khó khăn hồi đó.

Nếu mứt sắn ngào làm tôi nhớ nhất thì mứt gừng là loại tôi thích nhất. Mứt gừng trong Nam lát to, trắng tinh (chắc do tẩy bằng hoá chất) nhưng không cay và lại có mùi hăng hắc. Mứt gừng Huế lát nhỏ hơn, màu đậm và rất cay. An mứt gừng uống nước trà vào sáng sớm những hôm trời lạnh mang lại cảm giác thú vị khó tả. Lạnh mấy cũng vậy ba mạ tôi có thói quen dậy rất sớm, tầm 4 – 5 giờ sáng để chế trà uống. Đôi khi tôi cũng cố vùng ra khỏi giường để tham gia cùng hai ông bà. Nhớ quá những hôm ngồi co ro trên ghế, vai vẫn choàng cái mền, vừa nhấm nháp lát mứt gừng cay nồng và nhấp miếng nước trà nóng, đậm chát vừa nghe gió lạnh thổi sàn sạt qua tán lá vú sữa bên ngoài cửa sổ.

Đốt pháo Tết cũng để lại nhiều hồi ức đẹp đẽ trong tôi. Hồi nhà nước còn cho đốt pháo, trước năm 95 thì phải, việc chuẩn bị pháo cho đêm giao thừa là một việc hết sức thiêng liêng đối với tôi. Ông nội tôi hồi còn sống và Ba tôi rất thích đốt pháo và coi trọng việc này trong dịp giao thừa. Pháo nổ phải giòn, khoan thai và nhất là phải liên tục, không được xì viên nào, nhất là pháo tống. Muốn là vậy, nhưng pháo là do người ta sản xuất nên mình cũng chỉ tác động được một phần nào đó thôi. Năm nào cũng vậy, ba tôi và tôi là người chuẩn bị pháo. Những năm 80 khi còn rất nghèo thì nhà tôi phải có chí ít là 1 phong pháo Điện Quang cho đêm giao thừa. Loại pháo này do miền Bắc làm, một phong dài độ 4 tấc, đường kính viên pháo cỡ bằng thân cây viết chì và không có pháo tống. Điện Quang nổ nhỏ, đanh và đều. Cho dù biết là pháo tốt, nhưng ba tôi vẫn cẩn thận luồn dọc theo tim phong pháo một sợi chỉ để bảo đảm pháo không bị giật đứt và tắt nửa chừng. Luồn chỉ xong, phong pháo được hong trên giàn bếp cả tuần trước Tết. Sau này, mỗi cái Tết như vậy nhà tôi đốt ít nhất là 4 phong, mỗi phong khoảng 2-3 mét và rất nhiều pháo tống: cúng tất niên chiều 30 Tết – 1 phong, giao thừa – 1, sáng Mồng Một – 1, cúng đưa Mồng Ba – 1. Khoảng 20 ngày trước Tết là đã nghe râm ran tiếng pháo vào ban đêm, tầm 8-9 giờ tối: do là nghề may cúng tổ vào dịp này. Chiều ba mươi Tết nghe pháo nổ đã nhiều hơn nhưng chưa tập trung. Nhưng hồi hộp nhất, thiêng liêng nhất phải nói là tiếng pháo giao thừa. Khoảng 12 giờ kém 15, ba tôi hoặc tôi cẩn thận tháo phong pháo ‘chủ lực’ ra, kiểm tra lại dây tim, rồi treo lên cây cột sắt trước nhà. Khi kim giây của cái đồng hồ chính nhích đến số 12 thì cũng là lúc ba tôi tay run run châm lửa đốt phong pháo để đón chào những thời khắc đầu tiên của năm mới. Tiếng pháo, tiếng chuông đại của ngôi chùa cạnh nhà, mùi trầm hương… tất cả quyện vào nhau để khiến cho cái giây phút chuyển giao cũ-mới của Đất Trời thật thiêng liêng và in sâu vào ký ức mỗi người. Việc sau này cấm pháo đã làm cho giao thừa vô duyên đi rất nhiều.

Khác với nhiều nơi khác, người Huế không có thói quen xuất hành đi hái lộc vào đêm giao thừa. Thay vào đó, sau thời khắc năm cũ-mới, từng gia đình lại quay quần bên nhau một lúc. Lúc này, mạ tôi thường dọn ra một ít bánh mứt, xôi chè và một bình nước trà. Cả nhà ngồi quanh để trò chuyện, chủ yếu là bàn chuyện kế hoạch đi đâu làm gì cho cả nhà vào sáng mồng một Tết. Có khi, nếu cả nhà đều thức đủ thì Ba Mạ tôi mang tiền lì xì ra phát cho con cháu. Sau này, con trai tôi là đứa cháu được ông bà cưng nhất nên bao giờ cũng được lì xì nhiều hơn những đứa khác.

Phố xá sáng Mùng Một Tết thật khác lạ so với ngày thường. Trước 9 giờ sáng, ngoài phố chỉ lác đác bóng người. Không hàng quán, không ồn ào tiếng xe cộ, chỉ vài ba chiếc xe gắn máy chạy đi chạy lại trên đường đầy xác pháo màu hồng. Một hai con chó đầy vẻ bơ phờ hốt hoảng tìm đường về nhà sau một đêm chạy trốn kinh hoàng vì tiếng pháo nổ. Nếu không phải là bà con cật ruột, người Huế kiêng thăm nhau vào sáng sớm ngày Mùng Một, sợ mình là người đầu tiên ‘đạp đất’ nhà người ta và mang vận rủi cho nhà đó cả năm. Người Huế dành trọn ngày mùng một Tết để đi thăm bà con và viếng mồ mả, có lẽ ý thức tôn trọng tổ tiên ông bà của người Huế lớn hơn. Hồi ông bà nội tôi còn sống, cả nhà tôi chín mười người kéo nhau qua thăm ông bà. Gặp ông bà nội thường xuyên nhưng sáng Mùng Một năm nào cũng vậy, khi nghe ông bà nội tôi khen: “Thằng ni năm ni lớn hí” hoặc “Con ni coi năm ni nhổ giò rồi đó”, tụi tôi vẫn thấy sướng. Sau nhà ông bà nội, ba mạ tôi thêm một hai người nữa lên làng nội tôi trên An Ninh Thượng để chúc Tết mấy người trong họ, số còn lại về nhà lại nhà để tiếp khách.

Hồi còn nhỏ, tôi năm nào cũng tháp tùng ba mạ lên làng ngày Mùng Một. Tết ở làng với tôi cũng nhiều cái để coi. Trên đường vô nhà thờ họ Lê, lác đác vài nhóm chơi bầu cua cá ngựa, người lớp trong lớp ngoài đặt chơi. Tôi nhớ ba tôi năm nào cũng đặt 3 chén, ăn thua gì cũng không chơi nữa, chủ yếu cho tôi vui mà thôi. Tới nhà thờ họ khó cho tôi nhất là chuyện thưa gửi. Có nhiều đứa con nít trạc tuổi tôi hoặc lớn hơn một chút thì tôi phải xưng bằng bác, có người tôi định xưng bằng bác thì đúng ra phải xưng bằng anh. Được cái người làng không phật ý những chuyện như vậy. Trong họ, mấy anh em tôi nổi tiếng là học giỏi nên ba mạ tôi rất tự hào khi được mọi người trong họ khen. Với tôi hồi đó, chuyên này không làm tôi tự hào bằng việc được mấy đứa con nít trong họ nhìn mình với cặp mắt của một đứa ở làng nhìn một đứa ở thành phố chính gốc, một việc mà thường ngày tôi hiếm khi có được vì nhà mình đâu có giàu hơn ai. Sau này khi lớn lên và có gia đình, nửa sau ngày Mùng Một Tết tôi thường qua nhà vợ. Lại những lời chúc tụng, lì xì qua lại và sau đó thường là những ván bài xì lát với những người bên gia đình vợ.

Ba ngày Tết tôi thích nhất là ngày Mùng Hai, đơn giản vì đây là ngày người Huế thường dành để thăm viếng bạn bè. Hồi còn đi học, tôi và tụi bạn thường đi thăm nhau theo kiểu ‘cuốn chiếu’, có nghĩa là ban đầu một đứa đến nhà một đứa khác, rồi cả hai đứa kéo nhau đến một đứa thứ ba, ngồi chơi, nói chuyện, ăn uống nhà mỗi đứa một lúc rồi lại kéo sang nhà một đứa khác; cứ thế cho đến cuối ngày cả nhóm lên đến cả chục đứa rồi tan hàng. Sau này khi đi làm rồi cũng vậy, nhóm bạn thân trong cùng chơi trong câu lạc bộ vũ cầu của tôi cũng thăm nhau theo kiểu như vậy, chỉ có khác là mang theo cả vợ con và cuối ngày thì phần lớn các vị đàn ông đều đã tưng tưng vì uống nhiều bia rượu rồi. Những năm sau này khi không còn ở Huế mà chỉ về ăn Tết, tôi không còn được tham gia những cuộc ‘lê la’ như vậy nữa; chủ yếu là vì không ‘plan’ trước cùng mọi người được, một phần vì nhóm cũng không còn vui như trước: người thì đi xa, người thì không còn thân, thậm chí có người đã chết. Tết vừa rồi tôi may mắn có dịp ngồi lại trước Tết với năm bảy người bạn thân, vừa hàn huyên vừa nhớ tiếc những Tết trước ‘tưng bừng’ với nhau.

Mùng Ba Tết được nhiều người Huế coi là ngày để thăm viếng đồng nghiệp, hàng xóm láng giềng và những người có quan hệ ơn nghĩa với mình. Hoặc còn được coi là ngày để cố thăm hết những người đáng thăm mà chưa thăm, trước khi hết Tết. Hồi nhỏ, tôi rất có ác cảm với ngày Mùng Ba, đơn giản là vì mỗi giờ phút qua đi là không khí Tết như loãng dần – người ta đã bắt đầu nói đến chuyện đi làm, đi học trở lại. Tuy vậy, hồi đó Mùng Ba với tôi vẫn có cái để chờ đợi, đó là được ăn Cúng Đưa ông bà. Thường người Huế tổ chức Cúng Đưa vào buổi chiều và đốt đồ giấy sau đó. Đồ giấy ‘cổ truyền’ thường là vàng bạc, quần áo, dù, valise; sau này thì phong phú hơn rất nhiều: nhà cửa, xe cộ… Người Huế rất coi trọng các yếu tố tâm linh nên việc đốt đồ giấy cũng cần phải để ý: phải cháy đều và cháy hết. Thường trong nhà tôi, việc đốt đồ giấy ba tôi thường giao cho một ông anh, sau này là một ông anh rể, hai người này rất chỉn chu trong việc cúng bái.

Hết ngày Mùng Ba coi như hết Tết. Người ta dần dần trở lại nhịp sống bình thường bằng việc mở lại hàng quán, đi làm, đi học trở lại, hy vọng và cố gắng để có được một năm mới sung túc an khang hơn.

Nhớ Huế, nhớ Tết Huế nên những năm sau này tuy không còn ở Huế nữa nhưng năm nào vợ chồng con cái tôi cũng thu xếp về Huế ăn Tết với gia đình nội ngoại. Vợ tôi khi nào cũng là người mong ngóng ngày đến ngày lên máy bay về Huế nhất. Cả tuần trước đó vợ tôi và cả tôi tất bật tranh thủ đi mua sắm quà cáp cho người thân, đêm nào cũng 10-11 giờ mới về đến nhà. Tội nghiệp, đêm trước khi lên máy bay vợ tôi luôn mất ngủ vì hồi hộp, chờ đợi tới lúc được về lại Huế.

Trông ngóng tới ngày về bao nhiêu thì tụi tôi càng buồn khi rời Huế bấy nhiêu. Năm kia, khi chia tay Ba Mạ, nước mắt tôi chảy dài khi thấy Ba Mạ chợt già đi nhiều, lẻ loi trong căn nhà giờ đây chỉ còn hai người, vắng lặng hẳn đi sau những ngày đầy tiếng nói cười của con cháu.

Nhưng lạ một điều, năm vừa rồi khi quay lại Sài Gòn sau Tết, cả hai vợ chồng tôi không còn cảm giác chán nản nhiều như trước nữa, mà trái lại, phần nào như thấy mình được trở lại nhà – không biết là nên buồn hay nên vui vì cảm giác này nữa.

Tôi giật mình khi hết Tết vừa rồi con trai tôi mới bốn tuổi nói lẩm bẩm một mình khi đi ngủ: “Một năm lại qua đi, mình lại về quê, về Huế”.

Ừ con, Tết sang năm mình lại về Huế ăn Tết.


BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here